BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
-------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 41-CT/TW
|
Hà Nội, ngày 26
tháng 12 năm 2024
|
CHỈ THỊ
CỦA
BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN
THƯỞNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp
tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đã đạt được nhiều kết quả tích cực:
Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong lãnh đạo,
chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua yêu nước và thực hiện công tác thi đua, khen
thưởng được nâng lên. Hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng ngày càng hoàn
thiện; phong trào thi đua yêu nước được tổ chức sâu rộng, sáng tạo, hướng về cơ
sở, có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, bám sát nhiệm vụ chính trị, huy động
được sức mạnh của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, phát huy
được truyền thống yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc
phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và
nhân rộng điển hình tiên tiến có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác khen thưởng
cơ bản kịp thời biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến,
gương người tốt, việc tốt, có tác dụng giáo dục, nêu gương, động viên, tạo động
lực hăng hái thi đua đổi mới, sáng tạo trong phong trào thi đua.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào thi
đua ở một số nơi còn hình thức, chưa thường xuyên; còn có nội dung chưa sát với
yêu cầu nhiệm vụ mới. Khen thưởng đối với người trực tiếp lao động, sản xuất,
công tác, chiến đấu chưa có nhiều chuyển biến; tính tiêu biểu, nêu gương và lan
toả còn hạn chế; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính còn bất
cập. Công tác tuyên truyền, tổ chức học tập, áp dụng mô hình mới, nhân rộng điển
hình tiên tiến chưa thường xuyên, liên tục. Nguyên nhân của những hạn chế trên
là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thi đua, khen thưởng của một số cấp ủy, tổ
chức đảng, quản lý của chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa thật sự sâu sát,
toàn diện. Tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng bất cập,
thiếu ổn định, năng lực tham mưu còn hạn chế.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
thi đua, khen thưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu
nước và thực hiện công tác khen thưởng trong tình hình mới, Bộ Chính trị yêu cầu
các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức
chính trị - xã hội các cấp quán triệt và thực hiện tốt các nội dung sau:
I- QUAN ĐIỂM
1. Cụ thể hoá các chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ
Chí Minh về thi đua, khen thưởng. Tiếp tục nâng cao nhận thức và khẳng định vị
trí, vai trò, ý nghĩa đặc biệt của công tác thi đua, khen thưởng trong khơi dậy,
tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu bước vào kỷ nguyên mới của đất nước.
2. Thi đua, khen thưởng phải bảo đảm sự lãnh đạo của
Đảng, thống nhất quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận
Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; công tác khen thưởng phải kịp thời tôn
vinh đúng người, đúng việc, đúng thành tích, khơi dậy tinh thần cống hiến, sáng
tạo trong Nhân dân.
3. Thi đua phải được tổ chức thành phong trào hành
động cách mạng của quần chúng nhân dân, huy động sự tham gia, hưởng ứng tích cực
của các tầng lớp nhân dân. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, tạo động
lực, nguồn lực mạnh mẽ phát triển đất nước nhanh, bền vững và xây dựng, phát
triển hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, trọng tâm là xây dựng con người
Việt Nam trong giai đoạn mới.
II- MỤC TIÊU
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, truyền thống
thi đua yêu nước, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc và
khát vọng phát triển đất nước; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính
trị và toàn xã hội trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua và công tác khen thưởng, tạo
động lực to lớn góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất
nước nhanh và bền vững, hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra, thiết thực kỷ niệm
100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập Nước, đưa đất nước bước vào kỷ
nguyên phát triển mới.
III- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu sắc tư tưởng
Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là Luật Thi đua, khen thưởng, nhằm nâng cao nhận thức
của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên, Nhân dân về vị
trí, vai trò quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng; làm cho thi đua thực
sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi cấp, mỗi
ngành, mỗi đơn vị, cá nhân; tạo thành phong trào hành động cách mạng, góp phần
giải quyết hiệu quả những vấn đề cấp bách, trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn
Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an
ninh, đối ngoại của đất nước.
2. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy,
tổ chức đảng, chính quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ
đạo, tổ chức công tác thi đua, khen thưởng; lấy kết quả tổ chức phong trào và kết
quả công tác thi đua, khen thưởng là một tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng
hằng năm của cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo, quản lý. Các cấp ủy, tổ
chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, có
kế hoạch và biện pháp cụ thể để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong công
tác thi đua, khen thưởng để thi đua, khen thưởng thực sự là động lực thúc đẩy
phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ, đảng viên tích
cực vận động quần chúng, gương mẫu, đi đầu, là hạt nhân trong phong trào thi
đua, gắn với việc "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh".
3. Tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần
sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua nhằm huy động sự tham gia và hưởng ứng
tích cực của quần chúng nhân dân. Phong trào thi đua yêu nước phải hiệu quả,
thiết thực, tránh hình thức; sâu rộng và bao quát toàn bộ các lĩnh vực đời sống
xã hội, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, các cơ quan, tổ chức,
đơn vị, trong đó lấy Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của phong trào thi đua;
mục tiêu, nội dung, tiêu chí thi đua phải cụ thể, rõ ràng, dễ nhớ, dễ thực hiện,
dễ kiểm tra, giám sát, gắn với quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia
và bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới. Đối với phong trào thi
đua yêu nước phạm vi toàn quốc phải có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, chặt
chẽ, toàn diện từ Trung ương đến cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của
từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
4. Tăng cường công tác sơ kết, tổng kết phong trào
thi đua để rút kinh nghiệm, tìm ra cách làm hay, lựa chọn tập thể, cá nhân tiêu
biểu, xuất sắc khen thưởng, động viên kịp thời và nhân rộng; khuyến khích, tạo
điều kiện để các điển hình tiên tiến tiếp tục phát huy, lan toả, cổ vũ, động
viên, nêu gương trong toàn xã hội, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua
yêu nước. Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tiêu chí, tiêu
chuẩn về điển hình tiên tiến phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ
quan, đơn vị; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, biểu dương gương người tốt, việc
tốt, mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả.
5. Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và
thực chất để nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Việc xét tặng danh hiệu
thi đua, hình thức khen thưởng phải dựa trên hiệu quả, kết quả nổi bật của
phong trào thi đua, thành tích xuất sắc đạt được; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bứt
phá; tôn vinh, vinh danh xứng đáng sự hy sinh cống hiến, hành động dũng cảm,
anh hùng cứu người, cứu tài sản; bám sát tiêu chuẩn, điều kiện, quy định của Đảng,
Nhà nước, bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, dân chủ, khách quan, đúng người,
đúng việc. Khi phát hiện tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc là điển hình
tiên tiến tiêu biểu thì cơ quan có thẩm quyền chủ động, kịp thời khen thưởng hoặc
đề nghị cấp trên khen thưởng. Tiếp tục đổi mới công tác khen thưởng, nghiên cứu
bổ sung các danh hiệu của Nhà nước để tôn vinh, khen thưởng kịp thời, xứng đáng
những tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có sáng kiến, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu
trách nhiệm vì lợi ích chung; tập thể, cá nhân trực tiếp công tác, lao động,
chiến đấu, thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt, bí mật; chú trọng khen thưởng ở cơ
sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
và miền núi; nâng cao chất lượng, hiệu quả khen thưởng đối ngoại.
6. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra,
giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực trong công tác
thi đua, khen thưởng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và cải
cách thủ tục hành chính, thực hiện quy trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch,
thuận lợi trong công tác thi đua, khen thưởng. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn
thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, bảo đảm đồng bộ,
thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; thực hiện phân cấp, phân quyền trong
công tác thi đua, khen thưởng.
7. Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy; nâng cao vai
trò, trách nhiệm của hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp; cơ quan, đơn vị
tham mưu, giúp việc công tác thi đua, khen thưởng ở Trung ương và địa phương bảo
đảm sự thống nhất phát huy hiệu lực, hiệu quả, vai trò, vị trí, ý nghĩa đặc biệt
của công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, đảng ủy, tổ
chức đảng trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt Chỉ thị tới cán bộ, đảng
viên và Nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện
có hiệu quả và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị.
2. Đảng đoàn Quốc hội tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo
công tác giám sát việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua,
khen thưởng.
3. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo thể
chế hoá các chủ trương của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng và tổ chức thực
hiện các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; có giải pháp củng cố,
kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm thống
nhất, ổn định, chuyên sâu, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chỉ đạo tổ chức phát động và đẩy mạnh các phong
trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát
triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất
nước. Tập trung thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội Thi đua yêu nước toàn
quốc lần thứ XI.
4. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với
Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tham mưu Bộ Chính trị, Ban
Bí thư tổ chức quán triệt Chỉ thị; chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng về các phong
trào thi đua và công tác khen thưởng; mở chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền
biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến.
5. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị
- xã hội chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên,
Nhân dân tích cực tham gia, giám sát thực hiện Chỉ thị.
6. Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ chủ trì, chỉ đạo phối
hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc
thực hiện Chỉ thị; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị kết quả thực
hiện Chỉ thị.
Chỉ thị này được phổ biến, quán triệt đến chi bộ.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Trần Cẩm Tú
|