ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------
|
Số: 34/CT-UBND
|
Đồng Nai, ngày
12 tháng 12 năm 2013
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC
TRIỂN KHAI VÀ THỰC HIỆN LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG
NAI
Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa
XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày
01/7/2013;
Ngày 19/7/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP
quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành
chính và ngày 15/11/2013 Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số
2736/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xây dựng tổ chức bộ
máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất về công tác thi hành pháp
luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và
các cơ quan tư pháp địa phương.
Luật Xử lý vi phạm hành chính là văn bản pháp lý
có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động quản lý hành chính của các ngành, các
cấp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp
luật; ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm hành chính; đề cao
trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân; tăng cường kỷ cương, bảo đảm trật tự hành chính
trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp huyện, cấp xã:
a) Triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật Xử lý
vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan bằng các hình thức
và biện pháp thích hợp để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản
lý, các tầng lớp nhân dân hiểu rõ, thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật về
xử lý vi phạm hành chính;
b) Thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính theo
quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên
quan. Trong khi các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
chưa được ban hành hoặc đã ban hành nhưng chưa có hiệu lực thi hành, tiếp tục
áp dụng quy định tại các Nghị định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính nếu
không trái với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính;
c) Trang bị cơ sở vật chất, chỉ đạo Phòng Thanh
tra và Pháp chế thuộc Sở; Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện việc tham mưu về
công tác xử lý vi phạm hành chính;
d) Đối với tang vật, phương tiện tịch thu sung
quỹ Nhà nước xử lý bằng hình thức bán đấu giá phải thực hiện theo quy định tại
Điều 12 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ; cơ quan đã ra
quyết định tịch thu chỉ thành lập Hội đồng để bán đấu giá trong trường hợp
không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp; thành phần, trình tự, thủ
tục bán đấu giá của Hội đồng được thực hiện theo quy định của pháp luật bán đấu
giá tài sản đối với Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt;
đ) Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tham mưu
cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về thi hành pháp luật về xử
lý vi phạm hành chính thuộc địa bàn quản lý theo quy định tại Điều 17 Luật Xử
lý vi phạm hành chính và Chương 2 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi
phạm hành chính;
e) Phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp trong
việc xác định nhu cầu kinh phí và lập dự toán kinh phí hàng năm để đảm bảo cho
việc thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính;
g) Thực hiện lưu trữ và thống kê về xử lý vi
phạm hành chính theo quy định. Cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính
cho Sở Tư pháp để phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành
chính;
h) Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, những nội
dung quy định về xử lý vi phạm hành chính không khả thi, không phù hợp với thực
tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn, gửi Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh kiến nghị với cơ quan chủ trì soạn thảo hoặc Bộ Tư pháp hướng
dẫn, xử lý theo thẩm quyền;
i) Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo công tác
thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính gửi Sở Tư pháp để tổng hợp, báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Đối với cơ quan cấp huyện cũng thực hiện theo
các nội dung trên nhưng thông qua Phòng Tư pháp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp
huyện để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp).
2. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi
tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định; tuyên
truyền, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính theo thẩm quyền;
b) Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, những nội
dung quy định về xử lý vi phạm hành chính không khả thi, không phù hợp với thực
tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị với cơ
quan chủ trì soạn thảo hoặc Bộ Tư pháp hướng dẫn, xử lý theo thẩm quyền;
c) Tổng hợp, dự thảo báo cáo công tác thi hành
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc địa bàn tỉnh để
Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định;
d) Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng
Đề án cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt và triển khai thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành
chính theo quy định của Chính phủ và theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp;
đ) Phối hợp với Sở Tài chính xác định nhu cầu
kinh phí và lập dự toán kinh phí hàng năm để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ tham
mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác theo dõi
tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
e) Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh thành lập Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính theo Quyết định số
2736/QĐ-BTP ngày 15/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển
khai thực hiện Đề án xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện
quản lý thống nhất về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương.
3. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm:
Nghiên cứu các giải pháp về tổ chức, bổ sung
biên chế, cán bộ cho các Phòng Tư pháp; bảo đảm đủ số lượng công chức Tư pháp -
Hộ tịch để giúp UBND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp
luật về xử lý vi phạm hành chính.
4. Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành
cấp tỉnh lập dự toán ngân sách để đảm bảo kinh phí phục vụ công tác quản lý nhà
nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định pháp
luật;
b) Hướng dẫn các cơ quan tài chính cấp huyện,
cán bộ tài chính cấp xã thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến tài chính trong
việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm kinh phí cho hoạt động xử lý
vi phạm hành chính ở địa phương; bố trí trang thiết bị bảo đảm cho Phòng Quản
lý xử lý vi phạm hành chính hoạt động ngay sau khi được thành lập.
5. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông có
trách nhiệm:
a) Chỉ đạo việc đưa tin, tuyên truyền, phổ biến
về Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các
phương tiện thông tin đại chúng;
b) Phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng Đề án về xây
dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt và triển khai thực hiện theo quy định.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
tỉnh:
Chỉ đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận
triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản
pháp luật có liên quan bằng các hình thức và biện pháp thích hợp để
cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên thuộc hệ thống Mặt trận hiểu
rõ, thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị
này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Sở
Tư pháp để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết.
Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Trí
|