ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 31/CT-CTUBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 07 tháng 10 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC ĐƠN VỊ SẢN XUẤT, KINH DOANH TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH
Trong những năm gần đây cùng với sự
phát triển của nền kinh tế thì các cơ sở
sản xuất, nhà máy được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động ngày càng nhiều. Số
lượng các dự án mới được phê duyệt Đề án
Đánh giá tác động môi trường và Cam kết môi trường ngày một tăng. Tuy nhiên, số
lượng các đơn vị được xác nhận hoàn thành các công trình biện pháp bảo vệ môi
trường (BVMT) trước khi đi vào vận hành còn thấp. Nguyên nhân chính là do ý
thức chấp hành pháp luật về BVMT của các tổ chức, cá nhân, đơn vị sản xuất kinh
doanh chưa cao; trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý nhà
nước còn hạn chế; một số hành vi vi phạm có mức độ tinh vi, gây khó khăn cho
hoạt động quản lý và công tác phát hiện, xử lý theo quy định.
Để tăng cường công tác hậu kiểm về
bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô, Trưởng ban Ban
Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã, thành phố Huế:
a) Tăng cường công tác phối hợp giữa
Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô, Ban Quản
lý các Khu công nghiệp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế trong quá
trình phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm môi trường (do không thực hiện
theo đúng Đề án phê duyệt Đánh giá tác
động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường).
b) Chịu trách nhiệm trước chủ tịch
UBND tỉnh nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường do các nhà máy, các cơ sở sản xuất,
kinh doanh không thực hiện đúng theo Đề án
phê duyệt Đánh giá tác động môi trường và Cam kết bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt, đơn vị mình quản lý.
c) Cương quyết xử phạt vi phạm hành
chính đối với các đơn vị, tổ chức, cá
nhân không thực hiện đúng theo Đề án phê
duyệt Đánh giá tác động môi trường và Cam kết bảo vệ môi trường.
d) Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số
16/2014/CT-UBND ngày 08/4/2014 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác bảo vệ
môi trường trên địa bàn tỉnh.
2. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
có:
a) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt Đề án Đánh giá tác động môi trường (sau đây gọi tắt là ĐTM), đồng
thời, kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện
các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự
án thuộc thẩm quyền; kiểm tra, xác nhận
hoàn thành việc thực hiện Đề án bảo vệ môi trường chi tiết.
b) Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý
Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và UBND các huyện, các thị xã và thành phố Huế xây
dựng cơ sở dữ liệu bản đồ trên nền GIS đối với các cơ sở có phê duyệt Đề án
Đánh giá tác động môi trường, có cam kết bảo vệ môi trường (theo các tiêu chí:
tên cơ sở, mức độ cam kết, thời gian phê duyệt, các hạn mục cam kết, kết quả
thực hiện cam kết) để phục vụ công tác quản lý.
c) Hàng năm, lập Kế hoạch và báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý
các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh
trên địa bàn mình quản lý theo phân cấp, đồng thời tổng hợp Kế hoạch và báo
cáo của các đơn vị, địa phương, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31 tháng 12.
3. Trưởng ban Ban quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, Trưởng ban Ban quản lý
Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô:
a) Hàng năm, lập Kế hoạch và báo cáo
kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các
hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn mình
quản lý theo phân cấp gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 11.
b) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt ĐTM, đồng thời kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các công trình,
biện pháp BVMT phục vụ giai đoạn vận hành của dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM; kiểm tra, xác nhận hoàn thành việc thực hiện Đề án Đánh giá tác động môi trường. Phối hợp với
Sở Tài nguyên và Môi trường và lực lượng cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi
trường xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp
vi phạm.
c) Tăng cường tuyên truyền phổ biến
pháp luật về BVMT cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các Khu công nghiệp,
Khu kinh tế.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, các thị xã và thành phố Huế:
a) Lập Kế
hoạch và báo cáo kết quả thanh tra, kiểm
tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh
trên địa bàn mình quản lý theo phân cấp gửi về
Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 11.
b) Tăng cường công tác giám sát thực
hiện nội dung xác nhận cam kết BVMT trên địa bàn thuộc thẩm quyền theo đúng quy
định của pháp luật.
c) Rà soát, nâng cao chất lượng xác
nhận cam kết BVMT thuộc thẩm quyền theo quy định.
d) Phối hợp với các cơ quan truyền
thông thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về công
tác BVMT, các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức,
trách nhiệm bảo vệ môi trường trong các tổ chức, cá nhân.
5. Giám đốc Sở Y tế:
a) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh
tra, đôn đốc việc xây dựng cải tạo hệ thống xử lý nước thải y tế, thu gom và xử
lý chất thải y tế của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài nguyên
và Môi trường và công an tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về
BVMT.
b) Chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND
tỉnh nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường do các cơ sở y tế không tổ chức thực hiện
theo đúng đề án Đánh giá tác động môi trường, Cam kết bảo vệ môi trường.
c) Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 16/2014/CT-UBND
ngày 08/4/2014 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên
địa bàn tỉnh.
6. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn:
a) Nghiêm túc thực hiện theo đúng nội
dung Đề án Đánh giá tác động môi trường và Cam kết BVMT đã được phê duyệt, xác nhận.
b) Lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận
việc thực hiện các công trình, biện pháp BVMT phục vụ giai đoạn vận hành của dự
án.
c) Tuyên truyền phổ biến cho cán bộ, công
nhân viên, người lao động của đơn vị về các quy định pháp luật về môi trường.
7. Các cơ quan thông tin đại chúng: Báo, Đài phát thanh và truyền hình, Đài
truyền thanh:
Tiếp tục tăng cường chương trình truyền
thông về công tác bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng
tại các chuyên mục, phóng sự, phim tài liệu (Đài truyền hình Việt Nam tại Huế -
HVTV, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế -TRT; Báo Thừa Thiên
Huế; Đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố Huế...) để phổ biến chính
sách và pháp luật về bảo vệ môi trường, nhân rộng các mô hình tốt trong công
tác BVMT, công khai các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn
tỉnh.
8. Tổ chức thực hiện:
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường;
Giám đốc Sở Y tế; Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô; Trưởng Ban
Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan liên quan; Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu
trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề
phát sinh, vướng mắc thì kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng
hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- TVTU, TTHĐND tỉnh; (để b/c)
- Tổng cục Môi trường; (để b/c)
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Các Sở: TN&MT, Y tế, VHTT&DL, TP, Nội vụ;
- Các BQL: các KCN tỉnh, KKT CM-LCô;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế;
- Đài truyền hình Việt Nam tại Huế;
- Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Báo Thừa Thiên Huế;
- Cty TNHH 1TV ĐT&PTHT Khu công nghiệp;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế;
- VP: LĐ và chuyên viên;
- Lưu: VT, TN.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phan Ngọc Thọ
|