ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 30/CT-UBND
|
Đồng Nai, ngày
06 tháng 12 năm 2013
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ
CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Công tác thi hành án dân sự giữ vai trò quan trọng
trong việc bảo đảm hiệu lực của các bản án, quyết định của Tòa án và các cơ
quan có thẩm quyền khác, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo,
chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh, sự giám sát của
Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các
cấp, các ngành, đoàn thể tỉnh, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh có
những chuyển biến tích cực. Nhiều vụ việc thi hành án phức tạp đã được giải quyết
dứt điểm; tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án từng bước được kiện toàn, trình độ
chuyên môn của chấp hành viên, cán bộ thi hành án được nâng lên; cải cách hành
chính trong thi hành án được đẩy mạnh với những quy định về thủ tục đơn giản
nhưng chặt chẽ hơn; cơ sở vật chất của cơ quan thi hành án được tăng cường; Ban
Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh và cấp huyện được thành lập và hoạt động khá hiệu
quả trong việc giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc thi hành án phức tạp trên địa
bàn tỉnh. Những kết quả trên đã góp phần không nhỏ vào việc giữ vững trật tự an
toàn xã hội, hạn chế tình trạng khiếu nại, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự
lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ
trong tình hình mới, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều
hạn chế, tồn tại, như: Số lượng việc thi hành án dân sự chuyển sang năm sau còn
nhiều; đơn thư khiếu nại về thi hành án dân sự chưa giảm, nguyên nhân của tình
trạng này một phần là do cơ sở vật chất, biên chế, tổ chức bộ máy, chế độ,
chính sách, chất lượng cán bộ thi hành án dân sự chưa đồng bộ với yêu cầu nhiệm
vụ được giao; mặt khác sự phối hợp của các cơ quan hữu quan với cơ quan thi
hành án có lúc, có nơi thiếu hiệu quả; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận
người dân chưa cao. Những hạn chế, tồn tại này đã làm giảm chất lượng, hiệu quả
công tác thi hành án dân sự, cần được nhanh chóng khắc phục.
Để thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án dân sự
năm 2008, tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự
trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh
yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã
Long Khánh và thành phố Biên Hòa tổ chức triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ
sau đây:
1. Sở Tư pháp
Chủ trì, tham mưu giúp Hội đồng phối hợp phổ biến,
giáo dục pháp luật tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến
các quy định pháp luật về thi hành án dân sự; chủ động phối hợp với các cơ
quan, tổ chức, đoàn thể phổ biến, quán triệt những quy định pháp luật về thi
hành án dân sự bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, trong đó tập trung
tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao
nhận thức của tổ chức và công dân trong việc chấp hành các bản án, quyết định của
Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyền và nghĩa vụ của các bên trong thi hành
án dân sự.
2. Cục Thi hành án dân sự tỉnh
a) Chủ động tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh
quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự được quy định tại Luật Thi hành
án dân sự.
b) Thực hiện các biện pháp kiện toàn tổ chức, bộ
máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan thi hành án dân
sự trong tỉnh đáp ứng vai trò, nhiệm vụ của cơ quan thi hành án trong điều kiện
hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện theo phân cấp quản lý công tác quy hoạch,
đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen
thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ của cơ quan thi hành án
dân sự trên địa bàn.
c) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thường
xuyên kiện toàn và duy trì họp Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh theo quy chế
đã ban hành.
d) Phối hợp với các cấp ủy địa phương chủ động củng
cố, kiện toàn các tổ chức đảng, đoàn thể của Chi cục Thi hành án dân sự các huyện,
thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa.
đ) Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành,
chính quyền cơ sở, tích cực xác minh, phân loại và tổ chức thi hành có hiệu quả
các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; thực hiện có hiệu quả các biện
pháp đẩy nhanh tiến độ thi hành án, khắc phục tình trạng việc thi hành án chuyển
kỳ sau nhiều, hoàn thành các chỉ tiêu về thi hành án theo quy định của Bộ Tư
pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự. Đồng thời chủ động báo cáo việc tổ chức cưỡng
chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự
an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch chỉ đạo phối hợp với các sở,
ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương đảm bảo thi hành dứt điểm từng
vụ án.
e) Triển khai và tổ chức thực hiện tốt Quy chế
phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự số
14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân
tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tiếp tục thực hiện việc công khai
danh sách bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đang tổ chức thi hành án đến Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để theo dõi, giám sát việc thực hiện.
g) Chủ động đề xuất Bộ Tư pháp cấp kinh phí; phối
hợp với UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa bố trí mặt bằng
trình cấp có thẩm quyền quyết định việc đền bù, giải phóng mặt bằng để các cơ
quan thi hành án dân sự được cấp đất xây dựng kho vật chứng thi hành án, xây dựng
mới và cải tạo sửa chữa một số trụ sở cơ quan thi hành án cấp huyện đã xuống cấp.
h) Thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết kịp
thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án; không để đơn thư khiếu nại tồn
đọng, kéo dài, gây bức xúc hoặc khiếu kiện đông người làm ảnh hưởng đến trật tự
xã hội tại địa phương.
3. Các sở, ban, ngành có
liên quan
a) Công an tỉnh phối hợp thực hiện tốt công tác
bảo vệ cưỡng chế thi hành án, nhất là đối với những vụ việc phức tạp theo quy định
tại Thông tư liên tịch số 03/2011/TTLT-BTP-BCA ngày 30/03/2012 của Bộ Tư pháp
và Bộ Công an; hỗ trợ việc bảo đảm an toàn trụ sở, kho vật chứng của cơ quan
thi hành án dân sự trong trường hợp cần thiết hoặc khi có yêu cầu của Thủ trưởng
cơ quan thi hành án dân sự.
- Chỉ đạo trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ
có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ
thẩm biết nơi phạm nhân chấp hành án, phần nghĩa vụ dân sự chưa thực hiện trong
bản án hình sự; thực hiện tốt việc thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải
thi hành án và trả tiền, giấy tờ cho người được thi hành án dân sự là phạm nhân
theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC ngày
06/02/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính.
- Chỉ đạo cơ quan điều tra chú trọng áp dụng các
biện pháp khẩn cấp tạm thời để hạn chế việc tẩu tán tài sản, đảm bảo hiệu quả
việc thi hành án; thực hiện việc chuyển giao vật chứng và các tài liệu liên
quan đầy đủ, kịp thời cho cơ quan thi hành án theo quy định của pháp luật.
b) Bảo hiểm xã hội tỉnh, Kho bạc nhà nước, ngân
hàng và các tổ chức tín dụng khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của mình, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phối hợp thi hành
án; cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin số liệu về tài khoản của người phải
thi hành án theo yêu cầu của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự; thực
hiện quyết định của cơ quan thi hành án về cưỡng chế trừ vào thu nhập, khấu trừ
tài khoản, trừ vào tiền của người phải thi hành án theo quy định của pháp luật
hiện hành.
c) Các sở, ban, ngành và Ban Quản lý các Khu
công nghiệp của tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực
hiện việc cung cấp thông tin, tài liệu, xác nhận tài sản và nguồn thu nhập của
người phải thi hành án cho các cơ quan thi hành án khi có yêu cầu; tạo điều kiện
thuận lợi cho người được thi hành án có được thông tin về tài sản, nguồn thu nhập
của người phải thi hành án để cho cơ quan thi hành án tổ chức thi hành; thực hiện
kịp thời việc chuyển dịch, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản thi hành án
theo quy định của pháp luật.
4. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa
a) Chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể ở địa phương tiếp
tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án dân sự cho
các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao ý thức trong việc
chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự.
b) Phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh
trong việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân
sự các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, góp phần xây dựng đội
ngũ cán bộ, công chức cơ quan thi hành án đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
c) Chỉ đạo công tác phối hợp với các cơ quan có
liên quan trong việc tổ chức thi hành án dân sự trên địa bàn; tổ chức tốt việc
cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị,
trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục Thi
hành án dân sự các huyện, thị xã và thành phố.
d) Thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo Thi hành
án dân sự huyện, thị xã và thành phố do Chi cục Thi hành án dân sự các huyện,
thị xã, thành phố làm tham mưu.
đ) Quan tâm hỗ trợ về kinh phí hoạt động của Ban
Chỉ đạo Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự trong công tác
nghiệp vụ, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về Thi hành án dân sự.
5. Ủy ban nhân dân các xã,
phường, thị trấn
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với chấp hành viên và cơ
quan thi hành án dân sự trong việc tống đạt thông báo thi hành án, xác minh điều
kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và
các nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh và tổ chức đoàn thể các cấp
Tăng cường giám sát công tác thi hành án dân sự
theo quy định pháp luật, phản ánh kịp thời những thiếu sót, hạn chế trong công
tác thi hành án dân sự ở địa phương, như giám sát việc chấp hành pháp luật, đạo
đức nghề nghiệp của chấp hành viên, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong
công tác thi hành án dân sự.
7. Các cơ quan thông tin đại
chúng từ tỉnh đến cơ sở
Phối hợp với Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự
tỉnh, Phòng Tư pháp, Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thị xã Long Khánh và
thành phố Biên Hòa tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án dân sự trên
các báo, đài, hệ thống truyền thanh cơ sở để mọi tầng lớp nhân dân nâng cao ý
thức chấp hành pháp luật nói chung và có hiểu biết pháp luật về thi hành án dân
sự nói riêng. Thường xuyên và kịp thời đưa tin, bài, phóng sự… về công tác thi
hành án dân sự ở địa phương để tạo sự tác động, ảnh hưởng tích cực trong xã hội,
biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác thi hành án dân sự; đồng thời
phản ánh những trường hợp vi phạm pháp luật, cản trở, chống đối việc thi hành
án nhằm giáo dục, phòng ngừa chung.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Thủ trưởng
các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
có trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Giao Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh theo
dõi, kiểm tra và đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện và định kỳ báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký./.
Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Tổng cục THADS - BTP;
- TT Tỉnh ủy; TT.HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh, PVP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- BQL các KCN; Cục THADS tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- UBND các huyện, TXLK và TPBH;
- Đài PT-TH Đồng Nai, Báo Đồng Nai;
- Lưu: VT, NC.
<Mainc.T12>
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Đinh Quốc Thái
|