THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
30/2003/CT-TTG
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2003
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHỈ ĐẠO TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHIA TÁCH TỈNH VÀ ĐIỀU CHỈNH
ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH CÁC TỈNH LAI CHÂU, ĐẮK LẮK, CẦN THƠ VÀ LÀO CAI
Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 4 đã ra Nghị quyết
về việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính các tỉnh Lai Châu, Đắk Lắk,
Cần Thơ và Lào Cai.
Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo việc
triển khai chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính được nhanh chóng, kịp thời,
đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy
ban nhân dân các tỉnh Lai Châu, Đắk Lắk, Cần Thơ và Lào Cai thực hiện tốt những
nhiệm vụ sau đây:
1. Quán triệt mục đích, yêu cầu
để tiến hành chia tách tỉnh và điều chỉnh địa giới hành chính theo đúng quy định
của pháp luật.
Việc chia tách tỉnh với mục đích tạo điều kiện
cho địa phương có điều kiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm
an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, động viên cán bộ và nhân dân đoàn
kết, phấn khởi thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng
và tiếp tục thực hiện đường lối công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và cải
cách nền hành chính nhà nước.
Vì vậy, việc tổ chức thực hiện cần bảo đảm những
yêu cầu sau:
- Các tỉnh trong diện chia tách, điều chỉnh địa
giới hành chính cần xác định đây là công việc trọng tâm trước mắt, cần tập
trung thực hiện; đồng thời phải đảm bảo mọi hoạt động bình thường của các cơ
quan, tổ chức, đơn vị ở các địa phương trước, trong và sau chia tách tỉnh, nhất
là về đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện các nhiệm vụ
kinh tế - xã hội và chăm lo đời sống của nhân dân.
- Mọi công việc liên quan đến chia tách tỉnh đều
phải bảo đảm dân chủ, công khai và rõ ràng, bảo đảm đoàn kết, tránh tư tưởng cục
bộ địa phương; đồng thời đề cao tinh thần tương trợ, giúp đỡ, khắc phục khó
khăn trong cán bộ, nhân dân ở tỉnh cũ và các tỉnh mới, theo hướng tỉnh có điều
kiện hỗ trợ, giúp đỡ về cơ sở, vật chất và cán bộ cho tỉnh có khó khăn hơn để
các tỉnh sau khi chia tách đều có điều kiện nhanh chóng ổn định, sớm hoạt động
bình thường và cùng phát triển.
- Các tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo chia tách tỉnh
do Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng Ban để xây dựng phương án phân chia
tài sản, tài chính; xây dựng trụ sở làm việc ở tỉnh lỵ mới; sắp xếp tổ chức bộ
máy, nhân sự và điều động cán bộ; xác định rõ địa giới hành chính giữa các tỉnh
trước khi tiến hành chia tách. Các phương án này phải được thảo luận, thống nhất
và được cấp uỷ Đảng chỉ đạo chặt chẽ.
- Tiết kiệm trong chi tiêu và sử dụng có hiệu quả
nguồn lực của địa phương và nguồn lực do Trung ương hỗ trợ trong xây dựng cơ sở
vật chất và bảo đảm điều kiện làm việc ở các tỉnh sau khi chia tách.
2. Để triển khai tốt việc chia
tách tỉnh và điều chỉnh địa giới hành chính, cần thực hiện tốt các công việc
sau đây:
a) Về công tác tư tưởng:
Tổ chức quán triệt tới cán bộ, đảng viên và nhân
dân địa phương tinh thần Chỉ thị số 33/CT-TW ngày 22 tháng 12 năm 2003 của Bộ
Chính trị, Nghị quyết Quốc hội và Chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ để thống
nhất nhận thức, làm đúng các yêu cầu đặt ra trong quá trình chia tỉnh, tránh những
biểu hiện sai lệch, cục bộ trong thực hiện; đồng thời chú trọng và làm tốt công
tác tư tưởng đối với cán bộ, nhân dân các địa phương chuẩn bị bàn giao về tỉnh
mới.
b) Về công tác tổ chức bộ máy:
Nắm vững yêu cầu về cải cách hành chính để xây dựng
tổ chức bộ máy, cán bộ ở tỉnh mới phù hợp với tình hình cụ thể và chức năng,
nhiệm vụ, đối tượng quản lý; đảm bảo để tổ chức bộ máy ở tỉnh mới tinh gọn, hiệu
quả; không nhất thiết tỉnh cũ có sở, ban, ngành nào tỉnh mới phải có sở, ban,
ngành đó.
- Đối với những cơ quan, tổ chức đòi hỏi phải có
cơ sở vật chất, phương tiện và cơ cấu cán bộ đồng bộ mới hoạt động được thì phải
cân nhắc thận trọng khi chia tách; tuỳ tình hình cụ thể, có thể để các cơ quan,
tổ chức này tiếp tục hoạt động ở tỉnh cũ và phục vụ chung cho cả hai tỉnh trong
thời kỳ đầu (do Ban Chỉ đạo chia tách tỉnh quyết định).
- Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban
nhân dân, khi sắp xếp cần bám sát nội dung Nghị định số 12/2001/NĐ-CP ngày 27
tháng 3 năm 2001 về tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh.
- Không tiến hành chia tách các tổ chức sản xuất
kinh doanh, tỉnh nào có cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn
thì ổn định tổ chức, nhân sự để hoạt động bình thường.
- Về tổ chức và hoạt động của cơ quan dân cử, đại
biểu dân cử ở các tỉnh sau khi chia tách phải được thực hiện theo quy định của
Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng
nhân dân và hướng dẫn của ủy ban Thường vụ Quốc hội.
c) Về công tác cán bộ:
Việc phân công, bố trí cán bộ, công chức về đơn
vị hành chính mới phải căn cứ vào yêu cầu công tác, nguyện vọng và hoàn cảnh cụ
thể của từng cán bộ; song phải bảo đảm sự đồng đều về số lượng, chất lượng cán
bộ giữa các tỉnh sau khi chia tách, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc bố trí
đủ cán bộ lãnh đạo và cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ cho các tỉnh mới để bảo đảm
yêu cầu công tác.
- Cần đảm bảo dân chủ, công khai, thực hiện đúng
nguyên tắc tập trung dân chủ, chống tư tưởng cục bộ địa phương và tùy tiện
trong bổ nhiệm, phân công, điều động cán bộ; bảo đảm để mỗi tỉnh đều có cán bộ
đủ năng lực đảm nhiệm công việc được giao sau khi chia tách.
- Việc xác định biên chế cho mỗi tỉnh được tiến
hành trên cơ sở phân chia biên chế hiện có của tỉnh cũ; hạn chế tối đa tăng
thêm biên chế hành chính; không điều chuyển cán bộ khu vực kinh doanh và sự
nghiệp sang khu vực quản lý hành chính nhà nước.
- Cán bộ, công chức nhà nước, đặc biệt là cán bộ
lãnh đạo cần đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành quyết định điều động,
phân công của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quản lý cán bộ.
- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong diện chia
tách cần có kế hoạch tương trợ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần đối với cán bộ,
công chức, viên chức chuyển về công tác ở tỉnh mới còn nhiều khó khăn, tạo điều
kiện để cán bộ công chức sớm ổn định vàyên tâm công tác ở địa điểm mới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn kịp
thời ủy ban nhân dân các tỉnh triển khai kế hoạch chia tách tỉnh và sắp xếp tổ
chức bộ máy và biên chế hành chính sự nghiệp của các tỉnh sau khi chia tách.
d) Về phân chia tài sản, tiền vốn và ngân sách:
Việc phân chia tài sản, tiền vốn giữa các cơ
quan, đơn vị và phân chia ngân sách 2004 phải được thực hiện theo đúng quy định
của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
- Tài sản, tiền vốn của các cơ quan, tổ chức,
đơn vị trên địa bàn tỉnh là tài sản nhà nước tại địa phương, do đó phương án
phân chia tài sản, tiền vốn hiện có phải được bàn bạc tập thể, dân chủ, công
khai, đảm bảo để mọi hoạt động kinh tế, xã hội không bị xáo trộn sau khi chia
tách tỉnh. Việc phân chia tài sản, ngân sách cần đảm bảo nguyên tắc ưu tiên cho
các tỉnh phải di chuyển về địa điểm mới, không phân chia tài sản, tiền vốn,
ngân sách một cách máy móc; đồng thời có kiểm tra, giám sát chặt chẽ để không xảy
ra tình trạng lãng phí, tham ô, làm thất thoát tài sản của nhà nước và nhân
dân.
- Ban Chỉ đạo chia tách tỉnh tiến hành phân chia
dự toán ngân sách 2004 cho các tỉnh mới trên cơ sở dự toán ngân sách đã được Quốc
hội thông qua và nhiệm vụ thu chi, ngân sách năm 2004 do Thủ tướng Chính phủ
giao, đảm bảo khớp đúng với mức thu, nhiệm vụ chi đã được giao; đồng thời xác định
ngân sách cần bổ sung, khẩn trương báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
để trình Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2004 cho từng
mới.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo,
hướng dẫn cụ thể cho các tỉnh được chia làm tốt công tác phân chia tài sản và
ngân sách, bảo đảm cho mọi hoạt động của tỉnh mới sớm ổn định và đi vào phát
triển.
đ) Việc xây dựng nơi làm việc cho các tỉnh mới:
Các tỉnh trong diện chia tách cần thành lập bộ
phận công tác để chuẩn bị chỗ làm việc và tổ chức di chuyển các cơ quan, tổ chức,
đơn vị về tỉnh lỵ mới.
- Đối với các tỉnh di chuyển về địa điểm mới,
căn cứ vào tình hình thực tế ở từng địa phương, cần tận dụng, sửa sang cơ sở hiện
có để các cơ quan chuyển đến có điều kiện tối thiểu làm việc được ngay.
- Đối với các tỉnh ở lại tỉnh lỵ cũ, cần huy động
nguồn ngân sách của địa phương và tranh thủ sự giúp đỡ của các ngành Trung ương
để giúp tỉnh mới xây dựng cơ sở hạ tầng, nhanh chóng ổn định nơi làm việc.
- Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo
nghiên cứu, khảo sát, quy hoạch thị xã tỉnh lỵ cho các tỉnh mới được chia tách
để các tỉnh sớm ổn định về cơ sở vật chất, hạ tầng.
e) Về địa giới hành chính các tỉnh mới:
Việc phân vạch đường địa giới hành chính giữa
các tỉnh mới phải được thực hiện theo đúng nội dung Nghị quyết Quốc hội, các
quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành
có liên quan hướng dẫn các tỉnh tiến hành xác định lại đường địa giới hành
chính giữa hai tỉnh, lập biên bản mô tả đường địa giới hành chính, xác định vị
trí cắm mốc và lập bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính tỉnh mới theo quy định
của pháp luật.
3) Tổ chức thực hiện
Công tác chia tỉnh là công việc trọng tâm của
các địa phương và Bộ, ngành có liên quan, do đó cần tập trung chỉ đạo chặt chẽ
từng khâu, từng việc đúng trình tự thủ tục của pháp luật và sự chỉ đạo của Bộ
Chính trị.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ cần phân công một đồng chí lãnh đạo và một số chuyên viên
thành thạo nghiệp vụ theo dõi giúp đỡ các tỉnh được chia trong việc xây dựng tổ
chức, hướng dẫn nghiệp vụ để các cơ quan chuyên môn giúp ủy ban nhân dân tỉnh
nhanh chóng ổn định tổ chức đi vào hoạt động đồng bộ theo tỉnh mới.
Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm
trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc việc thực hiện chia tách tỉnh;
căn cứ vào nội dung Chỉ thị này lãnh đạo hoàn thành tốt các mặt công tác, không
để xảy ra những lệch lạc và tiêu cực, bảo đảm thời gian theo quy định của Trung
ương.
Trong quá trình thực hiện, Chủ tịch Hội đồng
nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ
và các Bộ, ngành có liên quan về tiến độ thực hiện và các vấn đề phát sinh để
xem xét, có ý kiến chỉ đạo kịp thời ./.
Nơi nhận:
- Bộ Chính trị
- Chủ tịch nước (để báo cáo),
- Chủ tịch Quốc hội
- Các cơ quan của Quốc hội,
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ,
- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ,
Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
- Toà án nhân dân tối cao,
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,
- Chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh:
Cần Thơ, Đắk Lắk, Lai Châu, Lào Cai,
- Văn phòng Trung ương Đảng,
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng Chủ tịch nước,
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể,
- Công báo
- VPCP : BTCN, các PCN, các Vụ, Cục,
các đơn vị trực thuộc,
- Lưu : NC (3b), Văn thư.
|
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phan Văn Khải
|