ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------
|
Số: 26/CT-UB
|
TP. Hồ Chí Minh,
ngày 25 tháng 8 năm 1989
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC TỐT CUỘC
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP NGÀY 19-11-1989.
Theo quyết định của Hội đồng Nhà nước, ngày 19/11/1989 ngoài
việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố khóa 4; Hội đồng nhân dân quận
huyện, phường xã, thị trấn khóa 6, thành phố còn bầu bổ sung đại biểu Quốc hội
khóa 8 ở 2 đơn vị bầu cử thuộc quận 1, 5, 10, 11.
Căn cứ thông tư số 103/HĐBT ngày 12/8/1989 của Hội đồng
Bộ trưởng, chỉ thị số 20/CT-TƯ ngày 15/8/1989 của Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy
ban nhân dân thành phố hướng dẫn thực hiện một số việc chính cần hoàn thành
tốt, đảm bảo cho cuộc bầu cử đạt yêu cầu và thời gian luật định.
I. - TỔ CHỨC ĐỢT TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC TẬP TRUNG VỀ 2
ĐẠO LUẬT : TỔ CHỨC HĐND VÀ UBND CÁC CẤP – BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HĐND.
Hai đạo luật được Quốc hội thông qua ngày 30/6/1989 là thể
chế hóa tinh thần đổi mới, tinh thần mở rộng dân chủ, nâng cao vai trò hiệu lực
của các cơ quan dân cử, của cơ quan chánh quyền các cấp; là kết quả của quá trình
phát động đóng góp ý kiến của toàn dân; được sự nhứt trí cao trong Quốc hội và
phù hợp với ý chí và nguyện vọng của toàn dân.
Để mở đầu cho cuộc vận động bầu cử và bảo đảm cho cuộc bầu
cử thành công, nâng cao ý thức giác ngộ, trách nhiệm của mọi công dân, động viên
mọi người, mọi ngành mọi cấp, mọi tầng lớp xã hội thiết thực tham gia bầu cử,
lựa chọn đại biểu xứng đáng đưa vào cơ quan quyền lực nhà nước từng địa phương,
Ủy ban nhân dân thành phố chủ trương mở đợt sanh hoạt rộng rãi trong toàn dân
về 2 đạo luật từ nay cho đến ngày bầu cử với nhiều hình thức phong phú thích
hợp theo từng khâu của công việc: Học tập trong cuộc họp, có bài trên báo đài
và sanh hoạt báo chí, tuyên truyền cổ động…
Sở Tư pháp, Sở Văn hóa thông tin, Ban Tổ chức chánh quyền
thành phố phối hợp với Ban Tuyên huấn Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các
đoàn thể có kế hoạch tổ chức và chỉ đạo chặt chẽ đợt sanh hoạt nầy, kịp thời
uốn nắm đấu tranh những quan điểm lệch lạc về dân chủ (dân chủ tư sản), xây
dựng quan điểm dân chủ XHCN rộng rãi nhưng tập trung và có lãnh đạo, tạo không
khí phấn khởi trong quần chúng.
Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải xác định rõ trách nhiệm,
gương mẫu và thiết thực tham gia các cuộc sanh hoạt này. Thủ trưởng các ngành,
các đơn vị phối hợp với cấp ủy Đảng có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo cụ thể
theo phạm vi phụ trách.
II.- HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN - ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP KIỂM
ĐIỂM HẾT NHIỆM KỲ .
Đây là việc làm thường kỳ và là trách nhiệm sau mỗi khóa.
Nhưng với tinh thần đổi mới và dân chủ của Đảng, việc Hội đồng nhân dân – Ủy
ban nhân dân các cấp kiểm điểm lần này cần đạt được 2 yêu cầu :
- Trách nhiệm với nhân dân : Việc làm được và chưa được,
mặt mạnh mặt yếu, ưu điểm và thiếu sót của tập thể và từng thành viên.
- Rút kinh nghiệm làm bài học thiết thực để hoạt động của
Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân khóa tới có hiệu quả hơn, hoàn thành tốt
nhiệm vụ theo luật định.
Ủy ban nhân dân và Ban Thư ký Hội đồng nhân dân từng cấp
dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng có kế hoạch cụ thể tổ chức việc kiểm điểm và báo
cáo kết quả với cử tri một cách nghiêm túc.
Ban Thư ký Hội đồng nhân dân phối hợp với Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc các cấp nghiên cứu việc tổ chức hội nghị cử tri, hội nghị đại biểu cử
tri để nghe đại biểu HĐND-UBND báo cáo kiểm điểm một cách hợp lý, có sự phối hợp
chặt chẽ giữa 3 báo cáo kiểm điểm (thành phố, quận, huyện, phường xã, thị
trấn), tránh việc quần chúng cử tri được huy động dự nhiều cuộc họp. Nội dung
báo cáo kiểm điểm ở hội nghị HĐND-UBND cần sâu sắc đầy đủ, nội dung báo cáo với
cử tri cần vừa thể hiện tính đầy đủ sâu sắc, vừa gọn, đỡ mất thì giờ của quần
chúng. Do đó đại biểu được phân công báo cáo cần chuẩn bị tốt.
Việc báo cáo kiểm điểm của Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân
dân các cấp với cử tri cần hoàn thành trước ngày 19/10/1989, ngày công bố danh
sách ứng cử viên mới, để cử tri có cơ sở và thời gian xem xét lựa chọn đại biểu
mới.
III.- TỔ CHỨC TỐT CÁC HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG, HỘI NGHỊ ĐỀ
CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN .
Theo chương V của Luật và Thông tư 103/HĐBT của Hội đồng
Bộ trưởng “Ủy ban nhân dân có trách nhiệm bàn bạc với Mặt trận Tổ quốc ở địa
phương về thành phần, nội dung, cách thức tiến hành các hội nghị hiệp thương
bảo đảm thật sự dân chủ, tránh áp đặt”, Ủy ban nhân dân thành phố giao trách
nhiệm cho Ban Tổ chức chánh quyền thành phố thường xuyên quan hệ với Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc để tổ chức các hội nghị hiệp thương đạt yêu cầu theo sự hướng dẫn
của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Việc đề cử đại biểu và lập danh sách ứng cử viên là khâu
then chốt nhứt quyết định kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử.
Người được đề cử phải đảm bảo tiêu chuẩn theo luật định (điều
3- Chương I), đặc biệt chú ý:
- Trung thành với Tổ quốc XHCN, thống nhứt quan điểm đổi
mới của Đảng, thực sự hành động vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.
- Có năng lực thực sự, kết hợp hài hòa giữa năng lực trí
tuệ và năng lực thực hiện nhiệm vụ.
- Tiêu chuẩn là chính, có cơ cấu hợp lý (đại diện cho các
thành phần dân cư,… thành phần kinh tế,…) nhưng không vì cơ cấu mà coi nhẹ tiêu
chuẩn.
Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân mỗi cấp theo luật mới
giảm khoảng 20% và được quy định trong điều 9 của luật. Cụ thể là :
- Hội đồng nhân dân xã và tương đương – tối đa 35 đại biểu.
- Hội đồng nhân dân huyện và quận – tối đa 50 đại biểu.
- Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
tối đa 100 đại biểu.
Riêng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được bầu
tối đa 120 đại biểu.
Số người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại
biểu được bầu để cử tri chọn lựa khi bỏ phiếu. Do đó, số lượng ứng cử viên của
Hội đồng nhân dân từng cấp sẽ được ấn định bởi số đơn vị bầu cử sẽ được xác lập.
Theo quy định của Luật (chương V) : Mặt trận Tổ quốc các
cấp có trách nhiệm tổ chức các hội nghị hiệp thương để giới thiệu người ứng cử và
thỏa thuận danh sách những người ứng cử theo các bước như sau :
Bước 1: Thỏa
thuận số lượng, cơ cấu, tỷ lệ thành phần của ứng cử viên đại biểu HĐND, phân
chia số lượng ứng cử viên để các đoàn thể, tổ chức xã hội, tập thể cử tri đề
cử.
Bước 2: Các
đoàn thể, tổ chức xã hội, tập thể cử tri căn cư cơ cấu, tỷ lệ thành phần, số
lượng ứng cử viên đại biểu được phân chia để bàn đề cử ứng cử viên đại biểu Hội
đồng nhân dân.
“Tại các hội nghị này, công dân có quyền tự ứng cử hoặc đề
cử người khác ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Người ứng cử nếu được quá nửa
số thành viên hội nghị tán thành, thì được ghi vào danh sách đề cử của hội nghị”
(điều 26-chương V).
Bước 3: Các
đoàn thể, tổ chức xã hội và Mặt trận Tổ quốc tổ chức việc thẩm tra người được
đề cử tại nơi cư trú và nơi làm việc, xác định đủ tiêu chuẩn đại biểu để chuẩn
bị đưa ra hội nghị hiệp thương lần cuối.
Bước 4: Mặt
trận Tổ quốc tổ chức hội nghị hiệp thương để thống nhứt danh sách những người
ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và phân chia theo các đơn vị bầu cử.
Luật quy định, người ứng cử chỉ được ghi tên ứng cử ở 1 đơn
vị bầu cử và không được tham gia các tổ chức bầu cử quy định tại chương III (điều
27-chương V).
Hội nghị hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc chủ trì phải đảm
bảo đúng thời gian theo luật định :
- Chậm nhứt là 20 ngày sau ngày công bố thời gian bầu cử,
(19/8/1989), Mặt trận Tổ quốc ở địa phương tổ chức hội nghị hiệp thương bước 1
– cụ thể là ngày 8/9/1989 Mặt trận Tổ quốc các cấp phải tổ chức hội nghị hiệp
thương bước 1 ( điều 26-chương V).
- Chậm nhứt là 40 ngỳa trước ngày bầu cử, tức là ngày 9/10/1989
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phải gởi đến Hội đồng bầu cử danh sách, hồ sơ những
người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo đơn vị bầu cử.
Việc công bố danh sách ứng cử viên do Hội đồng bầu cử phụ
trách. Sau khi thẩm tra thủ tục, Hội đồng bầu cử công bố danh sách những người
ứng cử theo đơn vị bầu cử ít nhứt là 30 ngày trước ngày bầu cử (tức là ngày
19/10/1989).
Khi danh sách ứng cử viên được Hội đồng bầu cử công bố, cử
tri có quyền tìm hiểu và có quyền khiếu nại (bằng giấy hoặc trực tiếp trình bày).
Trong thời hạn 5 ngày, Hội đồng bầu cử phải giải quyết; quyết định của Hội đồng
bầu cử là quyết định cuối cùng (điều 29-chương V).
Mặt trận Tổ quốc tổ chức cho ứng cử viên tiếp xúc với cử
tri theo đơn vị bầu cử. Ứng cử viên báo cáo với cử tri về chương trình hành động
của mình khi trúng cử, nói lên suy nghĩ và trách nhiệm của mình khi ứng cử đại
biểu Hội đồng nhân dân để cử tri có cơ sở xem xét lựa chọn người để bầu. Trong
cuộc tiếp xúc này, đại diện đoàn thể, tổ chức xã hội (nơi đề cử ứng cử viên) có
quyền cổ động cho ứng cử viên của mình, hoặc ứng cử viên tự mình cổ động cho
mình trong phạm vi pháp luật quy định (điều 30-chương V). Cổ động cho ứng cử
viên của mình hoặc ứng cử viên tự cổ động cho mình bằng thái độ trách nhiệm,
nội dung chương trình hành động và những lời hứa hẹn thực hiện nhiệm vụ, tuyệt
đối không được đề cao mình mà hạ thấp, nói những điều không tốt về người khác,
không được dùng vật chất để mua chuộc cử chi bỏ phiếu cho mình. Bầu ai là quyền
thiêng liêng của công dân, không ai được áp đặt.
IV.- PHÂN CHIA XÁC ĐỊNH ĐƠN VỊ BẦU CỬ VÀ KHU VỰC BỎ PHIẾU.
Theo quy định ở điều 10 của Luật bầu cử thì mỗi đơn vị bầu
cử bầu không quá 3 đại biểu dựa vào cấu tạo dân cư và khu vực hành chánh ở địa
phương. Đơn vị bầu cử có thể là liên phường, liên xã chớ không chia cắt, xé lẻ.
Trên cơ sở phân chia đơn vị bầu cử, căn cứ vào cấu tạo dân
cư và địa hình ở từng đơn vị bầu cử mà ấn định khu vực bỏ phiếu hợp lý, bảo đảm
thuận tiện cho cử chi đi bầu.
Lần này, thành phố tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân 3 cấp,
Ban Tổ chức chánh quyền thành phố cần nghiên cứu, bàn bạc với Ủy ban nhân dân
quận, huyện để phân chia đơn vị bầu cử hợp lý và báo cáo Ủy ban nhân dân thành
phố. Đơn vị bầu cử Hội đồng nhân dân cũng như số đại biểu bầu ở mỗi đơn vị do
Ủy ban nhân dân cấp ấy ấn định, công bố, sau khi được Ủy ban nhân dân cấp trên
trực tiếp phê chuẩn. Đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu HĐND thành phố của từng
đơn vị, Ủy ban nhân dân thành phố phải được Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt.
Chậm nhứt là 50 ngày trước ngày bầu cử, tức là 30/9/1989
Ủy ban nhân dân các cấp phải công bố danh sách các đơn vị bầu cử.
V.- THÀNH LẬP CÁC TỔ CHỨC PHỤ TRÁCH BẦU CỬ
Theo điều 16 của Luật bầu cử, lần này thành phố bầu đại biểu
Hội đồng nhân dân 3 cấp nên mỗi cấp có Hội đồng bầu cử. Mỗi đơn vị bầu cử có
Ban bầu cử. Mỗi khu vực bỏ phiếu có Tổ bầu cử.
Thành phần, số lượng, nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử, Ban bầu
cử, Tổ bầu cử được ấn định trong các điều 17, 18, 19 chương III của luật bầu
cử.
Thời gian thành lập, được ấn định là :
- Chậm nhứt là 60 ngày trước ngày bầu cử, tức là ngày 19/9/1989,
UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp họp liên tịch thành lập Hội đồng bầu cử
đại biểu HĐND của cấp mình.
- Chậm nhứt là 40 ngày trước ngày bầu cử, tức là ngày 9/10/1989,
Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp họp liên tịch thành lập Ban
bầu cử cho mỗi đơn vị bầu cử.
- Chậm nhứt là 30 ngày trước ngày bầu cử, tức là ngày 19/10/1989,
Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường xã, thị trấn họp liên tịch
thành lập Tổ bầu cử ở các khu vực bỏ phiếu.
Danh sách Hội đồng bầu cử thành phố phải báo cáo lên Hội
đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam. Danh sách Hội đồng bầu cử quận, huyện phải báo cáo lên Hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố. Danh sách
Hội đồng bầu cử phường, xã, thị trấn phải báo cáo lên Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân, Mặt trận Tổ quốc quận, huyện.
Ủy ban nhân dân là người trực tiếp chịu trách nhiệm trước
Hội đồng nhân dân về chỉ đạo cuộc bầu cử, có trách nhiệm xem xét kỹ về thành
phần và nhân sự của các Hội đồng bầu cử và Ban bầu cử, tổ chức tập huấn để các
thành viên trong các tổ chức bầu cử và cán bộ giúp việc về bầu cử nắm vững pháp
luật, công tâm, khách quan, hiểu biết nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Thành viên của các tổ chức bầu cử không phải là ứng củ viên đại biểu Hội đồng
nhân dân cấp ấy và không vận động cho bất cứ ứng cử viên nào.
Ủy ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Ban Tổ chức
chánh quyền thành phố liên hệ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố chuẩn bị
nhân sự và tổ chức họp liên tịch giữa Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
thành phố lập Hội đồng bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố và hướng dẫn các Phòng
Tổ chức chánh quyền quận, huyện giúp Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã
thành lập Hội đồng bầu cử Hội đồng nhân dân địa phương theo luật định. Ban Tổ
chức chánh quyền thành phố phối hợp với Trường Hành chánh thành phố tổ chức việc
tập huấn bồi dưỡng cho thành viên các tổ chức bầu cử và cán bộ được huy động
phục vụ cho công tác bầu cử.
VI.- LẬP VÀ NIÊM YẾT DANH SÁCH CỬ TRI
Lập và niêm yết danh sách cử tri là xác lập quyền bầu cử
của công dân, phải được thực hiện nghiêm túc, đúng nguyên tắc. Không để sót 1 người
có quyền bầu cử và không ghi nhầm 1 người không có quyền bầu cử vào danh sách
cử tri theo quy định tại nghị quyết 498 NQ/HĐNN ngày 29/2/1984 của Hội đồng Nhà nước.
Ban Tổ chức chánh quyền thành phố có trách nhiệm hướng dẫn
UBND phường xã, thị trấn thực hiện việc lập và niêm yết danh sách cử tri đúng
theo chương IV của luật bầu cử quy định.
Chậm nhứt là 30 ngày trước ngày bầu cử, tức là ngày 19/10/1989
danh sách cử tri phải được niêm yết tại trụ sở UBND phường xã, thị trấn và ở
những nơi công cộng của khu vực bỏ phiếu để nhân dân kiểm tra, phát hiện những
sai sót.
VII.- TỔ CHỨC BẦU CỬ - KIỂM PHIẾU VÀ CÔNG BỐ KẾT QUẢ.
Ngày bầu cử đã được Hội đồng Nhà nước quyết định. Công tác
tổ chức bầu cử, kiểm phiếu và công bố kết quả đã được quy định rõ trong các chương
VI và VII của luật bầu cử. Ủy ban nhân dân các cấp cần tạo điều kiện cho các tổ
chức phụ trách bầu cử thực hiện tốt nhiệm vụ, đúng pháp luật, cần huy động cán
bộ các ngành phục vụ tốt cho cuộc bầu cử đạt hiệu quả cao.
Ủy ban nhân dân thành phố lưu ý mấy điểm sau đây :
1/ Ngày bầu cử là điểm gút của bầu cử, là thể hiện kết quả
của cả quá trình vận động giáo dục và tiến hành các công tác về bầu cử. Kết quả
cuối cùng của bầu cử là : Đi bầu đông bầu đủ, bầu đại biểu Hội đồng nhân dân
các cấp đủ số lượng và đúng tiêu chuẩn. Vì vậy phải tổ chức tốt mọi mặt để ngày
bầu cử thực sự thành ngày hội dân chủ của toàn dân.
2/ Trong tình hình kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, công
tác tuyên truyền, trang trí cổ động cho ngày bầu cử cần đi vào nội dung thiết
thực và chiều sâu, tránh phô trương hình thức, sử dụng tận dụng các phương tiện
đã có, tránh lãng phí tiền của của nhân dân.
3/ Các đoàn thể, các tổ chức xã hội, các đơn vị Trung ương
và thành phố trên địa bàn cần góp sức cùng các lực lượng bảo vệ đảm bảo an toàn
trong ngày bầu cử cũng như suốt quá trình chuẩn bị bầu cử.
VIII.- KINH PHÍ VÀ ĐẢM BẢO PHƯƠNG TIỆN CHO CÔNG TÁC BẦU
CỬ.
Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp lần này là công việc
lớn của Đảng và Nhà nước, là một trong những công tác trọng tâm từ nay đến cuối
năm 1989 như Ban Thường vụ Thành ủy đã xác định. Công tác chuẩn bị bầu cử và tổ
chức bầu cử bao gồm nhiều mặt, nhiều công việc và thời gian kéo dài nên cần
dành 1 khoản kinh phí nhứt định và những yêu cầu về phương tiện cần thiết cho
bầu cử.
Tinh thần chung là tiết kiệm, không phô trương hình thức
nhưng vì là yêu cầu lớn nên cần có khoản kinh phí riêng để chủ động trong sử dụng.
Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Tài chánh làm việc với Ban Tổ chức chánh
quyền căn cứ vào yêu cầu cụ thể-lập dự trù kinh phí cho bầu cử. Cần xác định rõ
phần nào thành phố chi, phần nào ngân sách quận, huyện chi để từng cấp có kế hoạch
chủ động.
Các yêu cầu về phương tiện cần thiết khác như : Giấy, in,
v.v… phục vụ cho bầu cử, thủ trưởng các ngành có trách nhiệm giải quyết kịp thời
theo yêu cầu của cơ quan tổ chức bầu cử. Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo
các ngành phục vụ tốt yêu cầu của công tác bầu cử ở địa phương.
XI.- TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
Thực hiện nhiệm vụ theo luật định, và sự hướng dẫn của Hội
đồng Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với
Mặt trận Tổ quốc tổ chức tốt cuộc bầu cử.
Để giúp Thành ủy – Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi, tổ
chức và chỉ đạo cuộc bầu cử đạt hiệu quả cao, tổ chức sự phối hợp giữa các ngành,
chuẩn bị tốt các khâu phục vụ cho bầu cử, phục vụ hỗ trợ cho các tổ chức phụ
trách bầu cử theo luật hoạt động có hiệu quả, Thành ủy – Ủy ban nhân dân thành
phố đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo bầu cử thành phố. Ở quận, huyện cũng
thành lập Ban chỉ đạo bầu cử quận, huyện.
Ban Tổ chức chánh quyền thành phố là cơ quan giúp Ủy ban
nhân dân thành phố tổ chức các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân, có trách nhiệm phục
vụ cho Thành ủy – Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức và chỉ đạo tốt cuộc bầu cử
lần này, làm nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo bầu cử thành phố,
nghiên cứu ra các văn bản cần thiết hướng dẫn về nghiệp vụ bầu cử, tổ chức việc
tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác bầu cử, theo dõi tổng hợp tình hình
báo cáo kịp thời cho Trung ương về bầu cử, làm dự thảo các văn bản chỉ đạo của
Ủy ban nhân dân thành phố về công tác bầu cử v.v… Ban Tổ chức chánh quyền thành
phố đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các Phòng Tổ chức chánh quyền
quận, huyện thực hiện nhiệm vụ phục vụ cho cấp ủy – Ủy ban nhân dân quận, huyện
trong công tác bầu cử.
Theo chức năng, thủ trưởng các ngành các đơn vị (cả các đơn
vị Trung ương, các đơn vị quân đội, công an đóng trên địa bàn thành phố) có trách
nhiệm phục vụ cho công tác bầu cử theo yêu cầu của địa phương, đồng thời có
trách nhiệm giáo dục cán bộ nhân viên, chiến sĩ thông suốt về luật bầu cử, yêu
cầu và kế hoạch bầu cử để mọi người đều tham gia sanh hoạt với địa phương, đi
bầu và vận động gia đình, mọi người xung quanh đi bầu cử, vừa là trách nhiệm vừa
là quyền lợi của công dân.
Trên đây là một số công việc chính cần hoàn thành tốt, đảm
bảo cho cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp ở thành phố đạt yêu cầu.
Việc bổ sung đại biểu Quốc hội ở 2 đơn vị của thành phố, Ủy ban nhân dân thành
phố sẽ có văn bản hướng dẫn riêng khi có sự hướng dẫn chỉ đạo của Hội đồng Nhà
nước.
Ban chỉ đạo bầu cử thành phố sẽ có lịch bầu cử cụ thể và
hướng dẫn công tác từng thời gian, gắn công việc bầu cử với các mặt công tác khác
mà thành phố phải hoàn thành cuối năm.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC
Lê Khắc Bình
|