ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 22/2014/CT-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 03 tháng 9 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ TRIỂN KHAI THI HÀNH
LUẬT TIẾP CÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Sau hơn 08 năm thực hiện Chỉ thị số 20/2006/CT-UBND
ngày 05 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân Thành phố về chấn chỉnh và tăng cường
trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp
công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố, công
tác tiếp công dân, hòa giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp,
các ngành có nhiều tiến bộ; tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố
có nhiều chuyển biến tích cực, qua đó đã góp phần an dân, giữ vững ổn định
chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước
của các cấp chính quyền trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, kết quả đạt được trong quá trình thi hành
pháp luật khiếu nại, tố cáo và việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung
ương, của Thành ủy về khiếu nại, tố cáo vẫn còn hạn chế, tình hình khiếu nại,
tố cáo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; lãnh đạo một số địa phương chưa tích
cực và thật sự quan tâm công tác tiếp công dân theo quy định.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy về trách
nhiệm tiếp công dân theo quy định. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng
thời tổ chức tốt việc triển khai thi hành Luật Tiếp công dân trên địa bàn Thành
phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ thị:
1. Tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm sự lãnh đạo,
chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:
a) Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố chủ
trì, phối hợp với Văn phòng Tiếp công dân Thành phố và các sở, ngành có liên
quan xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp
công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân trên địa bàn Thành
phố.
b) Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân quận, huyện tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả
nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại,
tố cáo; Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 28 tháng 5 năm 2014 của Ban Thường vụ Thành ủy
về tăng cường lãnh đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố
cáo, Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy
định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại; Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày
03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tố
cáo; Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân. Trên cơ sở đó, khẩn trương
rà soát, bổ sung chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để chỉ đạo, thực hiện
công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
c) Thủ trưởng các cơ quan báo, đài tăng cường chỉ đạo
đăng tải các nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, khiếu
nại, tố cáo; giải đáp pháp luật nhằm nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho
nhân dân; nêu gương điển hình người tốt, việc tốt trong việc chấp hành pháp
luật; phê phán thái độ thiếu trách nhiệm, quan liêu, cửa quyền của cán bộ, công
chức gây phiền hà đối với công dân trong công tác tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo và phê phán hành vi khiếu nại, tố cáo trái pháp luật.
2. Kiện toàn tổ chức,
bộ máy tiếp công dân các cấp:
a) Văn phòng Tiếp công dân Thành phố chủ trì, phối hợp
với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Thanh tra Thành phố căn cứ Luật Tiếp công dân và các
văn bản pháp luật liên quan để xây dựng và tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố
kiện toàn mô hình tiếp công dân cấp thành phố phù hợp với tình hình thực tế và
yêu cầu của Thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng quy chế phối hợp hoạt động tiếp công
dân của đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại trụ
sở tiếp công dân Thành phố. Đồng thời, Văn phòng Tiếp công dân Thành phố phối
hợp với Sở Nội vụ để kịp thời hướng dẫn các Sở - ban, ngành Thành phố, Ủy ban
nhân dân quận, huyện kiện toàn tổ chức, hoạt động tiếp công dân cấp sở, ngành,
quận, huyện.
b) Thủ trưởng các Sở - ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân quận, huyện căn cứ Luật Tiếp công dân và hướng dẫn của Văn phòng Tiếp công
dân Thành phố nhanh chóng xây dựng kế hoạch kiện toàn tổ chức, hoạt động của cơ
quan tiếp công dân thuộc cấp mình quản lý. Thực hiện rà soát đội ngũ cán bộ,
công chức làm công tác tiếp công dân; lựa chọn và bố trí cán bộ, công chức làm
công tác tiếp công dân có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn phù hợp, am
hiểu pháp luật, có khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu
và chấp hành đúng pháp luật.
c) Hàng năm, Văn phòng Tiếp công dân Thành phố chủ trì,
phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Thanh tra Thành phố xây dựng và triển khai
thực hiện kế hoạch tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố
cáo cho cán bộ, công chức trực tiếp phụ trách công tác tiếp công dân trên địa
bàn Thành phố.
3. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong
công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:
a) Thủ trưởng các Sở - ban, ngành Thành phố, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân quận, huyện trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về
công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi địa bàn,
lĩnh vực phụ trách; tăng cường và nâng cao chất lượng tiếp công dân, thực hiện
nghiêm chế độ tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân, gắn việc tiếp
công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
b) Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo đông người, phức
tạp, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo làm rõ nội dung, nguyên nhân, xem xét
toàn diện vụ việc; tổ chức đối thoại công khai với người khiếu nại, tố cáo để
giải quyết thấu tình, đạt lý.
4. Hoàn thiện các văn
bản quy định về tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị:
a) Văn phòng Tiếp công dân Thành phố chủ trì phối hợp
với Thanh tra Thành phố, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan, căn cứ Luật Tiếp
công dân và các văn bản pháp luật liên quan, rà soát, tham mưu trình Ủy ban
nhân dân Thành phố sửa đổi, bổ sung Quy chế tiếp công dân của Chủ tịch, Phó Chủ
tịch Ủy ban nhân dân Thành phố (ban hành kèm theo Quyết định số 2578/QĐ- UBND
ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố) phù hợp với quy định
hiện hành và tình hình thực tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
b) Thanh tra Thành phố chủ trì phối hợp với Văn phòng
Tiếp công dân Thành phố, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát Quy trình
phối hợp phòng ngừa và xử lý những trường hợp khiếu nại, tố cáo đông người, vi
phạm trật tự công cộng (ban hành kèm theo Quyết định số 95/2007/QĐ-UBND ngày 23
tháng 7 năm 2007 của Ủy ban nhân dân Thành phố) và Quy trình về tiếp công dân
và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu
nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (ban hành kèm theo Quyết định số
16/2012/QĐ-UBND ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố) để đề
xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật
Tố cáo.
c) Thủ trưởng các Sở - ban, ngành Thành phố và Chủ tịch
Ủy ban nhân dân quận, huyện chủ động rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy trình
về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị
thuộc cấp mình quản lý cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế tại
địa phương, đơn vị.
5. Tăng cường công tác
thanh tra, kiểm tra:
a) Hàng năm, Thanh tra Thành phố xây dựng và triển khai
thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng các Sở - ban,
ngành Thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện trong việc chấp hành
pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những nơi có
nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài hoặc người có thẩm
quyền thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo và tổ chức thực hiện các quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
b) Hàng năm, Thủ trưởng các Sở - ban, ngành Thành phố
và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch
thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc trong việc chấp hành
pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổ chức thực hiện
các quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
6. Ứng dụng công nghệ thông tin:
Văn phòng Tiếp công dân Thành phố chủ trì, phối hợp
với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan xây dựng hoàn thiện và
đưa vào sử dụng phần mềm “Quản lý hồ sơ tiếp công dân và giải quyết khiếu nại,
tố cáo” liên thông giữa 05 cơ quan tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành
phố về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (Thanh tra Thành phố, Văn
phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và
Văn phòng Tiếp công dân Thành phố) nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng thông
tin báo cáo, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố và
công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành
phố.
Sau khi xây dựng hoàn thiện phần mềm “Quản lý hồ sơ
tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo” thuộc 05 cơ quan tham mưu của Ủy
ban nhân dân Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục nghiên cứu để triển
khai mở rộng giữa các cơ quan cấp thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện để
thông tin, phối hợp kịp thời trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu
nại, tố cáo.
7. Thực hiện chế độ báo cáo về công tác tiếp công
dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo:
a) Thủ trưởng các Sở - ban, ngành Thành phố, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện chế độ báo cáo về công tác tiếp công dân,
giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-TTCP ngày
10 tháng 6 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành
phố tại Công văn số 4033/UBND-PCNC ngày 06 tháng 8 năm 2013.
b) Giao Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố (Sở Nội
vụ) phối hợp với Thanh tra Thành phố theo dõi việc thực hiện chế độ báo cáo theo
quy định và xem đây là một trong những tiêu chí để xét thi đua khen thưởng hàng
năm của các cơ quan, đơn vị và địa phương.
8. Trách nhiệm tổ
chức thi hành:
a) Chủ nhiệm Văn phòng Tiếp công dân Thành phố chủ trì,
phối hợp với Chánh Thanh tra Thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra
việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ 06 tháng báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy
ban nhân dân Thành phố.
b) Thủ trưởng các Sở - ban, ngành Thành phố và Chủ tịch
Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này.
9. Hiệu lực thi
hành:
a) Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày
ký.
b) Chỉ thị số 20/2006/CT-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2006
của Ủy ban nhân dân Thành phố về chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của Thủ
trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết
tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hết hiệu lực
thi hành./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Thanh tra Chính phủ;
- Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy “để b/c”;
- Thường trực HĐND Thành phố- TTUB: CT, các PCT;- Ủy ban MTTQVN TPT và các Đoàn
thể TP;- Trụ sở TCD của TW Đảng và Nhà nước;
- Cục III - Thanh tra Chính phủ;
- VPTU, các Ban của TU; các Ban của HĐND TP;
- Đảng ủy Khối Dân-Chính-Đảng Thành phố;
- Sở, ban, ngành TP;
- Quận, huyện ủy; UBND quận, huyện;
- Phòng Kiểm tra VB-Sở Tư pháp;
- Báo-Đài Thành phố;
- VPUB: CPVP; các Phòng CV;
- Trung tâm Công báo Thành phố;
- Lưu: VT, (PC/TNh) D.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Hoàng Quân
|