CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG ******** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 212-CT |
Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 1983 |
CHỈ THỊ
VỀ LẬP TỔNG SƠ ĐỒ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT CỦA VỆT NAM THỜI KỲ 1986 - 2000
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 5 đã quyết nghị "Xúc tiến công tác điều tra cơ bản, dự báo, lập tổng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất, nghiên cứu chiến lược kinh tế xã hội, dự thảo kế hoạch triển vọng để chuẩn bị tích cực 5 năm sau (1986 - 1990)
Để thực hiện nghị quyết của Đaị hội , kịp thời phục vụ xây dựngkế hoạch 5 năm lần thứ tư 1986- 1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các Bộ, các ngành, các địa phương, các cơ quan khoa học tập trung chỉ đạo và khẩn trương triển khai chương trình lập tổng sơ đồ phát tiển và phân bố lực lượng sản xuất ở nước ta cho thời kỳ 1986 - 2000 theo tinh thần và nội dung cơ bản dưới đây.
I MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
Tổng sơ đồ phát tiển và phân bố lực lượng sản xuất là tài liệu khoa học được luận chứng bằng nhiều phương án kinh tế xã hội về phát triển và phân bố lực lượng sản xuất theo không gian ( lãnh thổ), có tính đến chuyên môn hoá và phát triển tổng hợp sản xuất của vùng kinh tế các tỉnh, thành phố và quận, huyện trên cả nước, nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh của mỗi vùng, thể hiện các mục tiêu chiến lược của Đảng trên các vùng lãnh thổ. Tổng sơ đồ là một trong những tài liệu kế hoạch cung cấp căn cứ khoa học cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở trung ương và địa phương.
Đưa công tác nghiên cứu lập tổng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất thành một bộ phận hữu cơ của hệ thống kế hoạch hoá và hệ thống quản lý kinh tế quốc dân ở nước ta là một chủ trương lớn nhằm thực hiện phương hướng tổ chức lại nền kinh tế theo lãnh thổ, từng bước đổi mới và hoàn thiện công tác kế hoạch hoá, thực hiện nguyên tắc kết hợp quản lý và kế hoạch hoá theo ngành với quản lý và kế hoạch hoá theo địa phương và vùng lãnh thổ.
Lập tổng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất cho thời kỳ 1986 - 2000 phải đạt được những yêu cầu chủ yếu sau đây:
1. Tổng sơ đồ phải thể hiện cụ thể được đường lối kinh tế, những nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế xã hội do Đại hội Đảng lần thứ V đã vạch ra. Đồng thời vạch ra những phương hướng lớn về phân bố lực lượng sản xuất cho năm 1990.
2. Tổng sơ đồ xác định nhữn phương hướng và mục tiêu chủ yếu về phát triển và phân bố ngành kinh tế quốc dân, các vùng kinh tế cơ bản, các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương, các huyện, quận để góp phần xây dựng chiến lược kinh tế xã hội chung của cả nước.
Tổng sơ đồ phải là cơ sở cho việc tiến hành quy hoạch các vùng chuyên môn hoá lớn, các vùng trọng điểm (về lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp...), các quy hoạch xây dựng vùng (khu, cụm công nghiệp, du lịch, xây dựng thành phố,...).
3. Nghiên cứu tổng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất phải thể hiện sự tham gia tích cực của Việt nam vào việc phân công lao động quốc tế thể hiện sự hợp tác ngày càng phát triển với các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế, nhất là liên Xô và xây dựng theo tinh thần liên kết chặt chẽ giữa 3 nước Việt Nam, Lào, Cam Pu Chia.
4. Do nhiều điều kiên hạn chế, việc lập tổng sơ đồ lần này không cầu toàn, đòi hỏi hoàn chỉnh và nghiên cứu tất cả các vấn đề, các ngành, các vùng cùng một lúc và đạt trình độ nghiên cứu như nhau mà cần tập trung khai thác đầy đủ và đánh giá tổng hợp các tài liệu điều tra cơ bản đã có, kết hợp với điều tra bổ xung trọng điểm, tập trung nghiên cứu sâu vào những ngành, những vùng và địa phương có điều kiện và giữ vị trí ưu tiên trong các mục tiêu chiến lược kinh tế - xã hội cả nước.
5. Việc lập tổng sơ đồ phải hoàn thành trong năm 1985 để phục vụ kịp thời nhiệm vụ xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ 4 và chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 6. Sau 1985 sẽ tiếp tục nghiên cứu những vấn đề tồn tại và hoàn thiên tổng sơ đồ I.
II. NỘI DUNG TỔNG SƠ ĐỒ
Công tác lập tổng sơ đồ bao gồm:
- Tổng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất cả nước.
- Sơ đồ phát triển và phân bố các ngành kinh tế - xã hội.
- Sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất các vùng kinh tế, các tỉnh, thành phố đặc khu trực thuộc trung ương.
- Các chương trình theo mục tiêu nhằm vào những vùng có ý nghĩa chiến lược về kinh tế - xã hội.
- Quy hoạch tổng thể huyên, quân, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh.
a) Tổng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất của cả nước được xây dựng trên cơ sở các sơ đồ ngành và vùng kinh tế, tập trung giải quết những vấn đề liên ngành, liên vùng và những vấn đề chung về phân bố lực lượng sản xuất.
b) Mỗi ngành đều xây dựng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất của ngành, đặt khung cảnh của tổng sơ đồ chung của cả nước và các vùng.
c)Sơ đồ các vùng kinh tế lớn, các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương tiến hành theo dự án 4 vùng kinh tế lớn và các đơn vị kinh tế - hành chính cấp tỉnh. Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ được nghiên cứu kỹ hơn trong một chương mục riêng của tổng sơ đồ.
d) Quy hoạch tổng thể quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh trong tổng sơ đồ lần này tập trung xây dựng các mẫu huyện theo từng địa phương và vùng lãnh thổ.
III. PHƯƠNG CHÂM CHỈ ĐẠO LẬP TỔNG SƠ ĐỒ
1. Phải xây dựng tổng sơ đồ theo tinh thần vận dụng sáng tạo Nghị quyết đại hội lần thứ V của Đảng, Nghị quyết hội nghị lần thứ 3 của ban chấp hành trung ương và những chính sách mới của nhà nước. Mỗi ngành, mỗi địa phương phải nhận rõ tình hình chung va yêu cầu chung của cả nước, đề cao tinh thần tự lực, tự cường phát huy mọi khả năng sẵn có và tiềm tàng, biết khai thác thế mạnh, những nhân tố mới, đánh giá đúng những điều kiện hạn chế của mình, tìm ra các phương án giải quyết tốt những nhiệm vụ cấp bách trước mắt và tạo thế đi lên trong những năm sau.
2. Lập tổng sơ đồ phải xuất phát từ việc nghiên cứu sâu sắc các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và chính trị của Việt nam, vận dụng những kinh nghiệm sáng tạo của quần chúng, tích cực trong học tập những kinh nghiệm phong phú của Liên Xô và các nước khác về phân bố lực lượng sản xuất, vận dụng có sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
3. Tổng sơ đồ cần bảo đảm tính khoa học và tính hiện thực cao, cần huy động lực lượng đông đảo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ kinh tế, cán bộ chỉ đạo, thu hút được sự tham gia của các viện nghiên cứu, các cơ quan quy hoạch, kế hoạch, các Bộ, các địa phương tham gia tích cực vào việc lập tổng sơ đồ.
4. Tổng sơ đồ được lập cho thời gian 15 năm có chia thành các giai đoạn 5 năm.
- Đối với giai đoạn 1986 - 1990, phải bố trí cụ thể làm rõ những căn cứ lập kế hoạch theo ngành và vùng lãnh thổ.
- Đối với giai đoạn tiếp theo, phải vạch ra một cách khái quát và luận chứng những hướng lớn về phát triển phân bố các ngành kinh tế, các đơn vị lãnh thổ, hướng xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng
5. Phải gắn chặt nhiệm vụ phát triển và phân bổ lực lượng sản xuất các vùng lãnh thổ với nhiệm vụ quốc phòng.
6. Công tác lập sơ đồ cần làm song song với việc xây dựng chiến lược phát triển khoa học và kỹ thuật, chiến lược kinh tế - xã hội. Công tác lập tổng sơ đồ cần phục vụ tốt việc lập kế hoạch.
7. Trong quá trình triển khai lập tổng sơ đồ, các ngành và các cấp cần kiện toàn hệ thống tổ chức và đào tạo cán bộ làm công tác phân bố lực lượng sản xuất của mình.
IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH.
Công tác lập tổng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất ở nước ta thời kỳ 1986-2000 là một công tác rộng lớn, phức tạp, đòi hỏi các cấp, các ngành huy động lực lượng phối hợp cùng làm một chương trình, kế hoạch chung và phương pháp thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Bộ trưởng.
1. Uỷ ban Phân vùng kinh tế trung ương là cơ quan chủ trì giúp thường trực Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo lập tổng sơ đồ và có nhiệm vụ:
- Lập chương trình và kế hoạch phân phối hợp nghiên cứu ở cấp Nhà nước.
- Xây dựng phương pháp và nội dung lập tổng sơ đồ thống nhất cho cả nước.
- Cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban khoa học và kỹ thuật nhà nước soạn thảo các quan điểm khoa học về phát triển và phân bố lực lượng sản xuất của tổng sơ đồ.
- Chủ trì nghiên cứu các vấn đề có tính chất tổng hợp của tổng sơ đồ.
- Tiếp nhận các sơ đồ ngành và địa phương để giúp Hội đồng Bộ trưởng tổ chức phê duyệt và theo dõi thực hiện.
- Lập báo cáo tổng hợp về tổng sơ đồ và trình Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt.
Giúp Uỷ ban Phân vùng kinh tế trung ương trong nhiệm vụ này có Ban chủ nhiệm chương trình khoa học 70-01 lập tổng sơ đồ phát triển lực lượng sản xuất.
2. Uỷ ban kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Phân vùng kinh tế trung ương trong tất cả các giai đoạn lập tổng sơ đồ, cung cấp kịp thời các dự án kế hoạch, khả năng đầu tư và những dự đoán kinh tế - xã hội đến năm 2000 và sử dụng kết quả nghiên cứu trong tổng sơ đồ vào xây dựng kế hoạch.
3. Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước là cơ quan quản lý trực tiếp chương trình 70-01, có trách nhiệm cùng Uỷ ban Phân vùng kinh tế trung ương chỉ đạo triển khai tốt chương trình Nhà nước 70-01. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận dụng những kết quả đạt được của các chương trình khoa học khác vào việc lập tổng sơ đồ. Đặc biệt là việc xử lý và sử dụng các tài liệu điều tra cơ bản vào việc lập tổng sơ đồ.
4. Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước có nhiệm vụ lập sơ đồ mạng lưới các điểm dân cư và đô thị trong tổng sơ đồ, tham gia lập sơ đồ của hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng các định mức về xây dựng cơ bản và cơ sở hạ tầng xã hội theo các vùng kinh tế, các tỉnh và thành phố.
5. Uỷ ban Khoa học xã hội nghiên cứu các yếu tố xã hội tác động tới phân bố lực lượng sản xuất của cả nước và trên các vùng, cung cấp các tài liệu điều tra về xã hội và tổ chức nghiên cứu các vấn đề hiệu quả về mặt xã hội của tổng sơ đồ.
6. Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục ngoài việc lập sơ đồ ngành mình, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch huy động cán bộ ngành mình tham gia nghiên cứu các mục tiêu kinh tế - xã hội của tổng sơ đồ đối với các ngành, địa phương và vùng lãnh thổ. Biệt phái một số cán bộ tham gia trực tiếp các đề tài nghiên cứu.
7. Bộ Lao động nghiên cứu vấn đề dân số, sử dụng và phân bổ các nguồn lao động theo ngành, địa phương và vùng lãnh thổ.
8. Viện Khoa học Việt Nam có trách nhiệm cùng với Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Uỷ ban Phân vùng kinh tế trung ương nghiên cứu phương pháp và tổ chức điều tra thu thập, đánh giá các điều kiện tự nhiên và tài nguyên theo các vùng và trên cả nước.
9. Tổng cục thống kê cung cấp số liệu thống kê kinh tế - xã hội, số liệu điều tra nghiên cứu mức sống dân cư trên các vùng và cả nước, và trong quá trình lập tổng sơ đồ, từng bước xây dựng hệ thống phương pháp và số liệu thống kê theo lãnh thổ.
10. Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước cung cấp các loại bản đồ cần thiết phục vụ công tác lập tổng sơ đồ bao gồm ngành và địa phương, cùng với Uỷ ban Phân vùng kinh tế trung ương nghiên cứu đưa ra phương pháp bản đồ vào lập tổnh sơ đồ và xây dựng bộ bản đồ của tổng sơ đồ.
11. Các Bộ, Tổng cục chuyên ngành có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu lập sơ đồ phát triển và phân bố ngành mình trên cả nước, có phân theo vùng lãnh thổ, đồng thời thông báo cho các địa phương những kết quả nghiên cứu để vận dụng vào việc lập sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất của địa phương mình. Ngoài nhiệm vụ lập sơ đồ ngành mình, các Bộ, Tổng cục có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo theo hệ thống dọc, hướng dẫn, giúp đỡ và cùng phối hợp với các địa phương (đặc biệt với hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ) để lập sơ đồ của tỉnh, thành phố và quy hoạch quận, huyện...
12. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương có trach nhiệm chỉ đạo chặt chẽ với các ngành ở địa phương tiến hành nghiên cứu lập sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất của địa phương mình.
Các Ban phân vùng kinh tế các tỉnh và thanh phố là cơ quan chủ trì lập sơ đồ của tỉnh và quy hoạch quận, huyện có trách nhệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố lập chương trình, kế hoạch phối hợp các ngành trong tỉnh thực hiện công tác này, đồng thời chịu trách nhiệm xử lý tổng hợp, báo cáo kết quả và chuẩn bị các thủ tục trình duyệt ở cấp tỉnh.
V. TỔ CHỨC PHÊ DUYỆT
- Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt tổng sơ đồ và các sơ đồ ngành, tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương.
Để giúp Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt, sẽ lập Hội đồng thẩm duyệt cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh, thành phố và đặc khu gồm những cán bộ khoa học, cán bộ chỉ đạo kinh tế để xem xét và tham gia ý kiến tổng sơ đồ, các sơ đồ ngành và địa phương.
- Uỷ ban Phân vùng kinh tế trung ương giúp Hội đồng Bộ trưởng tổ chức việc thẩm tra và phê duyệt các văn kiện nói trên.
VI. CUNG CẤP TÀI CHÍNH VẬT TƯ
- Uỷ ban Kế hoăch Nhà nứơc và Bộ Tài chính cần có kế hoạch công tác riêng cho công tác lập tổng sơ đồ cho Uỷban Phân vùng kinh tế trung ương với tư cách là cơ quan chủ trì chương trình khoa học 70-01,các Bộ,Tổng cục và các tỉnh thành phố đặc khu trực thuộc trung uơng
- Uỷ ban phân vùng kinh tế trung uơng thống nhất với Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và Bộ Tài chính lập dự toán tổng thể phần xử lý tổng hợp của các vấn đê, đề tài của chương trình 70-01.
Các Bộ, Tổng cục và địa phương lập dự toán chi cho các hoạt động điều tra cơ bản và tổ chức nghiên cứu của chương trình, đặt trong ngân sách của ngành và địa phương mình.
Một số vật tư kỹ thuật và phương tiện cần thiết cho công tác này cần được ưu tiên cung cấp theo kế hoạch hàng năm.
Lập tổng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất cho thời kỳ đến năm 2000 là một bộ phận trong nhiệm vụ xây dựng chiến lược kinh tế - xã hội của Đảng là một chương trình nghiên cứu khoa học tổng hợp lớn nhằm hoàn thiện kế hoạch hoá và quản lý nền kinh tế theo lãnh thổ. Làm tốt tổng sơ đồ lần này sẽ có một ý nghĩa và tác dụng thực tiễn trong việc chỉ đạo chung về kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta, và phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm (1986-1990).
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các Bộ, Tổng cục, các tổ chức khoa học, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, huyện, quận thực hiện nghiêm chỉnh bản chỉ thị này.