BAN BÍ THƯ
-------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số 18-CT/TW
|
Hà Nội, ngày 4
tháng 9 năm 2012
|
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO ĐẢM
TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ KHẮC PHỤC
ÙN TẮC GIAO THÔNG
Sau 9 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày
24-02-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, các cấp ủy, chính
quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã
có nhiều chủ trương, giải pháp, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và đã đạt
được những kết quả tích cực. Tình hình trật tự, an toàn giao thông có chuyển biến,
tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm về số vụ, số người chết và số người bị
thương.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm trật tự, an toàn
giao thông còn diễn ra phức tạp; tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng,
nhất là số người chết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng
về người và tài sản. Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đường bộ vẫn đang
là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh
tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ
yếu là do ý thức tự giác chấp hành kỷ luật về trật tự, an toàn giao thông của
người tham gia giao thông còn yếu kém. Kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn
chế, bất cập. Một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức
chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp
của cả hệ thống chính trị; thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về kiềm chế, làm
giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
về trật tự, an toàn giao thông còn hạn chế; việc phân công, phân nhiệm giữa các
cơ quan chức năng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa hợp lý, thiếu sự
phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong công tác này; lực lượng làm nhiệm
vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vừa thiếu, vừa yếu về năng lực.
Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo
đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc
phục ùn tắc giao thông trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy,
chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt
các nội dung sau:
I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm cấp ủy
đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã
hội và các tầng lớp nhân dân về công tác này; thực hiện toàn diện, đồng bộ,
liên tục các chủ trương, giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác bảo đảm
trật tự, an toàn giao thông; phấn đấu hằng năm kiềm chế, làm giảm từ 5% đến 10%
tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giảm ùn tắc giao
thông đường bộ.
2- Huy động mọi nguồn lực xã hội và hợp
tác quốc tế để bảo đảm các điều kiện phát triển về kết cấu hạ tầng giao thông,
phương tiện giao thông công cộng.
3- Xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm
trật tự, an toàn giao thông trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
II- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG
TÂM
1- Tăng cường sự lãnh đạo
của các cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đối với
công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông.
Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông phải
được xác định là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy đảng; phát huy
sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân. Nâng cao
hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông của
các ngành chức năng và chính quyền các cấp; tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc,
sơ kết, tổng kết việc thực hiện.
2- Đẩy mạnh phổ biến,
giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông với nhiều hình thức
và nội dung phù hợp để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, nhận thức rõ hiểm họa
tai nạn giao thông; mỗi người khi tham gia giao thông thấy rõ trách nhiệm và tự
giác chấp hành pháp luật về giao thông, thực hiện nếp sống “văn hóa giao
thông”. Chú ý biểu dương gương người tốt, việc tốt, đi đôi với phê phán, lên án
các hành vi cố ý vi phạm, coi thường kỷ cương, pháp luật trật tự, an toàn giao
thông.
Đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về trật
tự, an toàn giao thông vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ đảng, đoàn thể, tổ chức
chính trị - xã hội; gắn việc xây dựng “văn hóa giao thông” vào nội dung cuộc vận
động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Xác định rõ việc
hấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá chất
lượng tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức,
viên chức, hội viên; là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh,
sinh viên.
Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy
pháp luật về giao thông trong trường học. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình,
nhà trường và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong việc giáo dục, nhắc
nhở học sinh, sinh viên tự giác chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao
thông.
3- Tập trung các nguồn lực
xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận
tải, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn
- Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Hội
nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng hệ thống kết cấu
hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng
hiện đại vào năm 2020”. Tập trung các nguồn lực để đầu tư thực hiện các chiến
lược phát triển giao thông vận tải, giao thông đô thị. Rà soát, hoàn chỉnh quy
hoạch giao thông và tổ chức thực hiện nghiêm túc quy hoạch đã được phê duyệt.
Nâng cao chất lượng đẩy nhanh tiến độ, xây dựng các công trình hạ tầng giao
thông tập trung, các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao
thông hướng tâm; ưu tiên phát triển hệ thống giao thông đường bộ, cầu vượt ở
các nút giao thông trọng điểm; tổ chức kết nối các phương thức vận tải giữa đường
bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không để đảm bảo lưu
thông thông suốt trong mọi tình hình.
- Có cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu
quả các nguồn vốn trong nước, quốc tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao
thông.
4- Nâng cao năng lực và
hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông
- Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn
thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn
giao thông; quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp chính quyền và
cá nhân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông;
nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào việc xử phạt; xử lý nghiêm đối với
cán bộ, nhân viên vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
- Xây dựng Chiến lược phát triển phương tiện
giao thông phù hợp với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Nâng cao chất lượng
đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa,
bảo đảm phương tiện tham gia giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn
kỹ thuật. Ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý phương tiện giao thông thống
nhất từ khâu nhập khẩu, sản xuất trong nước, đăng ký, đăng kiểm đến quá trình
hoạt động của phương tiện. Quy định niên hạn sử dụng đối với tất cả các loại
phương tiện giao thông đường bộ. Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, đảm bảo
hợp lý, khoa học và phù hợp với từng vùng, miền; chú trọng hoạt động vận tải
hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô, tàu hỏa và phương tiện thủy.
- Đổi mới tổ chức giao thông đường bộ bảo đảm hợp
lý, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông và an toàn thuận lợi cho
hoạt động giao thông vận tải. Thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý các bất
hợp lý trong tổ chức giao thông và khắc phục ngày các “điểm đen” trên các tuyến
giao thông đường bộ.
- Nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp
và đơn vị chức năng về quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt,
đường thủy nội địa, quản lý vỉa hè, đường phố và an toàn giao thông cầu, đường,
hầm. Thực hiện nghiêm túc các quy định về hành lang an toàn giao thông; xử lý
nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi xâm hại công trình giao
thông, cản trở giao thông, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc khắc phục các
nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
- Coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám
sát các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch trong việc thực hiện các quy định
của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; quản lý chặt chẽ đối
với những người được cấp giấy phép lái xe. Khắc phục những hạn chế, yếu kém và
xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, sách nhiễu trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy
phép lái xe.
- Hiện đại hóa công tác giám sát, phát hiện và xử
lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trước mắt, tập trung xây dựng
hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến quốc
lộ trọng điểm, trong nội đô Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô
thị lớn. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông.
- Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
của người điều khiển phương tiện giao thông tại bến xe, bến tàu. Kiên quyết
đình chỉ hoạt động kinh doanh vận tải đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm
trọng các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và bảo đảm an toàn giao
thông.
Điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao
thông, nhất là các hành vi trực tiếp gây ra tai nạn giao thông. Có biện pháp
kiên quyết chấm dứt tình trạng đua xe trái phép, phóng nhanh vượt ẩu gây nguy
hiểm cho người tham gia giao thông.
- Kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về trật tự,
an toàn giao thông từ Trung ương đến địa phương, Ủy ban An toàn giao thông quốc
gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Xây dựng Chiến lược phát triển, đào tạo lực lượng
Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông có đủ năng lực, phẩm chất, nắm vững
pháp luật, có trình độ nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ, có tinh thần
trách nhiệm, trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm trật tự,
an toàn giao thông.
Có chính sách ưu tiên về biên chế, trang bị
phương tiện, công cụ hỗ trợ, nghiệp vụ và chế độ, chính sách phù hợp cho lực lượng
trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa sai phạm
và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự,
an toàn giao thông.
5- Triển khai toàn diện,
đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn,
trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh
- Thực hiện nghiêm các quy hoạch đô thị và quy
hoạch giao thông. Có lộ trình tích cực, thực hiện có trọng điểm việc di dời trụ
sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh
viện lớn, khu sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực trung tâm thành phố; địa điểm
các cơ quan, đơn vị đã di dời chỉ sử dụng vào mục đích phúc lợi công cộng.
- Tập trung nguồn lực triển khai Đề án phát triển
vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 và
kết nối với Đề án phát triển vận tải hành khách bằng đường sắt trên cao, tàu điện
ngầm, xe buýt nhanh. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, trên cơ sở
đó vận động người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện
cá nhân.
Xác định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền
trong việc quản lý đường, hè phố. Xử lý nghiêm các vi phạm chiếm dụng trái phép
hè phố, đậu đỗ xe trái quy định và những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây
ùn tắc giao thông; đi đôi với việc sắp xếp nơi trông giữ xe, xây dựng các bãi đỗ
xe, điểm đỗ xe ngầm hoặc nhiều tầng.
- Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, khai thác
có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; coi trọng tổ chức giao thông
trên các tuyến vành đai, các tuyến chính ra vào thành phố, các trục giao thông
hướng tâm; phân luồng một chiều, tách làn xe ô tô với mô tô, xe máy; xây dựng bổ
sung các cầu vượt ở các nút giao thông. Huy động các lực lượng tham gia hướng dẫn,
điều hòa giao thông trong giờ cao điểm.
- Có giải pháp điều chỉnh giờ làm việc, học tập,
kinh doanh ở những thành phố lớn đảm bảo khoa học, hợp lý, hạn chế lưu lượng
phương tiện để phân giãn phương tiện, người tham gia giao thông trong giờ cao
điểm, nhưng không gây xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, công tác, học tập,
sinh hoạt, đi lại của người dân.
- Xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm nâng
cao văn hóa giao thông cho người dân để giảm ùn tắc.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc
Trung ương có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị này; xây dựng
Chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc
thực hiện. Hằng năm báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện; 5 năm tổ chức sơ kết;
10 năm tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện.
2- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ
quan chức năng nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật,
đề án liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chỉ đạo các bộ,
ngành và địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm
được giao. Đánh giá kết quả công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được
chuyển giao từ Bộ Công an sang Bộ Giao thông vận tải (từ năm 1995 đến năm
2012), để có sự phân công, điều chỉnh hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn.
3- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn
thể chính trị - xã hội xây dựng chương trình hành động cụ thể thực hiện Chỉ thị,
tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong
trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và xây dựng khu
dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học… an toàn về an
ninh, trật tự, an toàn giao thông.
4- Đảng ủy Công an Trung ương chủ trì phối hợp với
Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải và ban cán sự đảng các cơ quan liên quan
giúp Ban Bí thư kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Chỉ thị
này.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.
|
T/M BAN BÍ
THƯ
Lê Hồng Anh
|