UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 18/2004/CT-UB
|
Bến Tre, ngày 14
tháng 12 năm 2004
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYÊT 09/1998/NQ-CP VÀ
CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM CỦA CHÍNH PHỦ ĐẾN NĂM 2010
Ngày 19 tháng 4 năm 1999 Uỷ ban nhân dân tỉnh
ban hành Chỉ thị số 08/CT-UB , Kế hoạch số 408/KH-UB về việc “Triển khai thực hiện
Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm ở Bến
Tre” và ngày 16 tháng 11 năm 2000 ban hành các Quyết định 4213, 4215, 4216 phê
duyệt 4 đề án phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh. Qua 5 năm triển khai thực
hiện, các cấp, các ngành hữu quan đã thực hiện tập trung có hiệu quả nhiều giải
pháp công tác, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội
về trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm; tạo lập cơ chế phối hợp đồng bộ,
phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân
tham gia phòng, chống tội phạm; nhiều phong trào toàn dân tham gia phòng, chống
tội phạm ra đời và phát triển mạnh mẽ khắp các địa phương trong tỉnh; tội phạm
từng bước được kiềm chế, một số loại tội phạm nghiêm trọng được kéo giảm; trật
tự, an toàn xã hội được bảo đảm, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu
phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, hoạt động của bọn tội phạm cướp tài sản,
hiếp dâm và một số loại tội phạm xâm hại trẻ em (hiếp dâm, dâm ô, giao cấu trẻ
em) còn tăng so với những năm trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết
09/1998/NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; các loại tội phạm
do nguyên nhân xã hội còn diễn biến phức tạp; các băng, nhóm tội phạm đang có
xu hướng ngày càng phổ biến ở khắp các địa bàn trong tỉnh và hoạt động mang
tính chuyên nghiệp hơn.
Tình hình trên đang đặt ra cho địa phương những
thách thức, khó khăn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội những
năm tiếp theo. Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37/2004/CT-TTg ngày
08 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tiếp tục thực hiện Nghị
quyết 09/1998/NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm
2010”, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre đề nghị các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Uỷ
ban nhân dân các huyện, thị thực hiện những mục tiêu, yêu cầu và chủ trương, biện
pháp công tác lớn sau đây:
I - MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1) Giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an
toàn xã hội trong mọi tình huống, tạo ra môi trường xã hội ổn định phục vụ công
cuộc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của
nhân dân; giữ vững kỷ cương pháp luật.
2) Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính
trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý điều
hành của chính quyền các cấp và sự tham mưu tích cực, nòng cốt của lực lượng
Công an nhân dân trong phòng, chống tội phạm; củng cố và xây dựng phong trào quần
chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở, duy trì các mô hình đã phát huy hiệu quả
và nghiên cứu xây dựng nhiều mô hình mới thu hút đông đảo nhân dân tham gia đấu
tranh phòng, chống tội phạm, đưa công tác phòng, chống tội phạm trở thành một
trong những nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan,
đơn vị và các địa phương.
3) Tiếp tục kiềm chế sự gia tăng của tội phạm
theo phương châm năm sau giảm hơn năm trước, trước mắt tập trung đấu tranh làm
giảm đáng kể các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, tội phạm
xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên.
II – CÁC CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP
1) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết
09/1998/NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm gắn với nhiệm vụ
chuyên môn của các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã
hội của các địa phương kết hợp với thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02 tháng
01 năm 2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp
trong thời gian tới”, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(khoá IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Chỉ thị số
04-CT/TU ngày 01 tháng 11 năm 2002 của Tỉnh ủy về “Tăng cường lãnh đạo đấu
tranh phòng, chống tội phạm” và Chỉ thị số 21/2002/ CT-UB ngày 01 tháng 11 năm
2002 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về “Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội
phạm cướp tài sản, cướp giật tài sản, giết người, hiếp dâm trên địa bàn tỉnh tỉnh
Bến Tre”.
2) Nâng cao năng lực quản lý điều hành của các sở,
ban ngành, đoàn thể và địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực: đất đai, đầu tư
xây dựng cơ bản, quản lý ngân sách...tăng cường thanh tra, kiểm tra khắc phục
những sơ hở thiếu sót trong cơ chế chính sách quản lý kinh tế-xã hội. không để
cho tội phạm lợi dụng hoạt động, hạn chế tối đa tham nhũng tiêu cực. Hoàn thiện
quy chế phối hợp, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các kế hoạch liên tịch, các
chương trình hành động đã ký kết giữa Công an và các ngành, đoàn thể trong
phòng, chống tội phạm.
3) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết
09/1998/NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm để mọi người dân
nhận thức đầy đủ, tự giác thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ tham gia phòng, chống
tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; thường xuyên phản ánh tình hình,
phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm.
Kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc
tốt và các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm
và hướng dẫn công tác phòng, chống tội phạm trong nhân dân.
4) Tăng cường lực lượng, phương tiện, kinh phí
cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, xây dựng các cơ quan này thật sự trong sạch,
vững mạnh bảo đảm thực hiện có hiệu quả Chương tình quốc gia phòng, chống tội
phạm.
5) Nâng cao vai trò lãnh đạo, điều hành của các
cấp uỷ Đảng, chính quyền trên lĩnh vực giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở các địa
phương; củng cố các tổ chức đoàn thể quần chúng, lực lượng Công an thật sự vững
mạnh, đủ sức vận động, hướng dẫn và tổ chức nhân dân tham gia phòng, chống tội
phạm có hiệu quả từ cơ sở; tiếp tục xây dựng mới các mô hình phòng, chống tội
phạm trong nhân dân và nhân rộng các mô hình đã phát huy hiệu quả như: tiếng mõ
an ninh, liên kết tứ trụ, phát phiếu cho nhân dân tố giác tội phạm, hoạt động của
các đội dân phòng...; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho
nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào thật sự của dân,
do dân và vì dân.
6) Tiếp tục thực hiện 4 đề án phòng, chống tội
phạm trên địa bàn tỉnh; bổ sung, sửa chữa, chỉnh lý các đề án nhằm đáp ứng những
yêu cầu bức xúc về an ninh, trật tự mới nổi lên trên địa bàn; đẩy mạnh công tác
nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học về phòng, chống tội phạm; nâng cao
chất lượng công tác nắm tình hình, nghiên cứu dự báo tình hình tội phạm trong
thời gian tới.
7) Sử dụng đồng bộ các biện pháp giáo dục, phòng
ngừa, ngăn chặn, trấn áp, truy tố và xét xử kịp thời các loại tội phạm có tổ chức,
tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm ma tuý, tham nhũng, buôn lậu, tội phạm xâm
hại trẻ em...tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên các
tuyến, địa bàn trọng điểm; truy bắt các đối tượng truy nã...; nâng cao tỷ lệ điều
tra, khám phá và xử lý nghiêm minh tội phạm.
8) Nghiên cứu đề xuất bổ sung và sửa đổi các văn
bản pháp luật về phòng, chống tội phạm, tạo điều kiện cho các cơ quan bảo vệ
pháp luật và nhân dân phát hiện nhanh chóng, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành
vi phạm tội ở cơ sở. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao
trách nhiệm của người dân trong việc tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật
tự an toàn xã hội tại các địa phương; tập trung giáo dục pháp luật đối với những
đối tượng có nguy cơ cao vi phạm pháp luật và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa,
vùng hẻo lánh nhằm chủ động phòng ngừa những hành vi vi phạm do thiếu hiểu biết
về pháp luật.
III - TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1) Căn cứ vào trách nhiệm được phân công trong
Chỉ thị này, các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị
xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và Chương
trình quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2010 ở đơn vị, địa phương mình, đồng
thời gửi Thường trực Ban chỉ đạo 138 –Công an tỉnh (qua Văn phòng Công an tỉnh)
để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ.
2) Uỷ ban nhân dân các địa phương kiện toàn và
nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống
tội phạm. Tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm theo cơ
chế quản lý, điều hành Chuơng trình quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt tại Quyết định số 59/2004/ QĐ-TTg ngày 09 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng
Chính phủ.
3) Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
Bến Tre và các tổ chức chính trị xã hội, thành viên của Mặt trận tiếp tục phối
hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp chính quyền trong công tác vận động cán bộ,
hội viên, đoàn viên, và nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, thực hiện Nghị
quyết 09/1998/NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm trong giai
đoạn đến năm 2010.
4) Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân
dân tỉnh có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật khác đẩy
mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm một cách kịp thời và nghiêm
minh thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ
Chính trị về “Một số vấn đề trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”.
5) Trước mắt từ nay đến hết năm 2005 cần tập
trung vào một số công tác trọng tâm sau đây:
a) Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban
ngành, đoàn thể liên quan có kế hoạch thực hiện các đề án: Phòng, chống các loại
tội phạm sử dụng công nghệ cao; tăng cường năng lực giáo dục, dạy nghề cho phạm
nhân trong các trại giam; xây dựng Trung tâm thông tin tội phạm; tăng cường
năng lực của cơ quan điều tra các cấp trong điều tra khám phá các loại án kinh
tế, hình sự; ma tuý (sau khi các đề án trên đã được Chính phủ phê duyệt).
Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tổ chức các đợt
cao điểm phát động quần chúng tham gia tấn công, trấn áp tội phạm trên các tuyến,
địa bàn trọng điểm, tập trung đấu tranh các loại tội phạm về ma tuý, tội phạm
do nguyên nhân xã hội, các loại tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa
tuổi chưa thành niên.
Tiến hành sơ kết việc thực hiện các kế hoạch
liên tịch, chương trình phối hợp hành động về phòng, chống tội phạm đã ký kết
giữa Công an với các ngành chức năng và đoàn thể.
b) Các đơn vị, địa phương tổ chức sơ kết rút
kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến đã đem lại hiệu quả
cao trong phòng, chống tội phạm ở địa phương mình trong thời gian qua; nghiên cứu
xây dựng các mô hình mới sát hợp với tình hình trật tự, an toàn xã hội của từng
địa phương.
c) Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh,
Sở Tư pháp, Công an tổ chức tổng kết các đề án phòng, chống tội phạm trên địa
bàn tỉnh, xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện giai đoạn 2006-2010; củng cố các
Ban chủ nhiệm, có quy chế phối hợp hoạt động, thực hiện đạt những mục tiêu, yêu
cầu đề án đã đề ra.
d) Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh chủ
trì cùng các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan có hướng dẫn và tổ chức thực hiện
các chế độ, chính sách đối với những người có công, bị thương, hy sinh trong
phòng, chống tội phạm (theo quy định của Chính phủ). Công an tỉnh chủ trì, phối
hợp với các ngành liên quan có kế hoạch bảo vệ người tố giác tội phạm, người
làm chứng, người bị hại trong vụ án hình sự (theo hướng dẫn của Bộ Công an).
6) Hàng quý, năm, các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh,
Uỷ ban nhân dân các huyện, thị có báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo Chương trình
quốc gia phòng, chống tội phạm tỉnh (qua Thường trực Ban chỉ đạo-Văn phòng Công
an tỉnh) để tổng hợp báo cáo về trên đúng quy định.
7) Công an tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc,
kiểm tra, tổng hợp tình hình và thường xuyên báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh kết
quả thực hiện Chỉ thị này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Cao Tấn Khổng
|