CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA, CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG TẠI CÁC CƠ
QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Thực hiện Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày
22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một
cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa
phương; Quyết định số 22/2006/QĐ-TTg ngày 24/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ
giao nhiệm vụ xử lý các vướng mắc kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh
nghiệp về thủ tục hành chính; Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2006 của Thủ
tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ
cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Thời
gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quy định tổ
chức thực hiện giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp theo
cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông bước đầu đã đáp ứng nhu cầu giải
quyết công việc thuận tiện cho tổ chức và công dân; cải thiện một bước mối quan
hệ công việc giữa chính quyền và công dân, được sự đồng tình của đông đảo người
dân... Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, qua theo dõi, kiểm tra, UBND
tỉnh nhận thấy vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng đắn vai trò
của công tác này, có phần nơi lỏng, chưa chấp hành triệt để quy định của cấp
trên, chưa thực hiện đúng các yêu cầu của cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên
thông trong việc bố trí địa điểm, công chức tiếp nhận và trả hồ sơ, niêm yết
công khai các thủ tục hồ sơ; việc xác định công việc, thủ tục hành chính, mẫu
hóa văn bản, quy chế phối hợp,... chưa rõ ràng, nên tổ chức và công dân khi có
nhu cầu giải quyết công việc vẫn phải đi lại nhiều nơi, nhiều lần, gây ách tắc,
chậm trễ; dẫn đến thắc mắc, khiếu nại, chưa tin cậy vào cung cách phục vụ của
bộ máy công quyền.
Năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục xác định
là năm đẩy mạnh cải cách hành chính và chống tham nhũng của tỉnh; để khắc phục
những hạn chế, yếu kém nêu trên, thể hiện đúng tinh thần phục vụ nhân dân thông
qua phát huy vai trò, hiệu quả của việc cải cách thủ tục hành chính thực hiện
theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông nói riêng và công tác cải cách
hành chính nói chung, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành,
Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã tập trung thực hiện ngay một số
công việc sau đây:
1. Chấn chỉnh, kiện toàn Bộ phận tiếp nhận và
trả kết quả (sau đây gọi là Bộ phận “một cửa”) tại các cơ quan, đơn vị và địa
phương, cụ thể:
- Từ năm 2008 trở đi, tất cả các công việc, thủ
tục hành chính liên quan trực tiếp đến cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đều
phải thực hiện giải quyết theo cơ chế một cửa. Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải trực tiếp
kiểm tra, kiện toàn, thiết lập ngay Bộ phận "một cửa" tại cơ quan
mình để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức và
doanh nghiệp theo đúng các văn bản quy định của cấp trên.
- Bộ phận “một cửa” phải độc lập với bộ phận xử
lý hồ sơ, có phòng làm việc tại nơi thuận tiện để công dân dễ liên hệ, có
phương tiện làm việc, có ghế ngồi đợi; treo bảng niêm yết đầy đủ, rõ ràng để tổ
chức, công dân tự kiểm tra, tuân thủ các quy định về thủ tục giấy tờ trong hồ
sơ từng loại công việc, phí, lệ phí (nếu có), những công việc sẽ giải quyết ngay
và công việc ghi giấy hẹn thời hạn giải quyết, thời gian biểu nhận hồ sơ và trả
kết quả; họ tên người nhận hồ sơ, số điện thoại (đường dây nóng) của lãnh đạo cơ
quan, của người phụ trách Bộ phận “một cửa” để công dân liên hệ khi phát hiện
cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu.
- Bộ phận "một cửa" tại các sở, ban,
ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện do Chánh Văn phòng hoặc Phó Chánh Văn phòng
phụ trách, tại UBND cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã phụ trách; bố trí cán bộ,
công chức chuyên nhận, trả hồ sơ tại Bộ phận “một cửa”, có phẩm chất đạo đức
tốt, đảm bảo trình độ, năng lực, nắm vững các yêu cầu về hồ sơ và có khả năng
hướng dẫn việc hoàn tất hồ sơ.
- Khi làm việc cán bộ, công chức nhận và trả hồ
sơ phải đeo thẻ công chức; có thái độ niềm nở, tận tình giải thích khi tổ chức
và công dân có yêu cầu. Kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức có hành vi
tiêu cực, gây nhũng nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính trong giải quyết công
việc của tổ chức, công dân.
- Tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào
dân tộc thiểu số, nếu số lượng hồ sơ nhu cầu giải quyết ít, chưa thật cần thiết
lập Bộ phận "một cửa" thì phải niêm yết công khai thủ tục hành chính những
loại công việc thường giải quyết và bố trí một công chức thường xuyên trực nhận
hồ sơ; đồng thời, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã phải có văn bản báo cáo Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân huyện biết lý do chưa tổ chức Bộ phận "một cửa".
2. Hệ thống hóa danh mục công việc và xác lập
thủ tục hành chính:
- Giám đốc các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã phải chủ động và chịu trách nhiệm chỉ đạo rà soát tất cả các
loại công việc liên quan đến thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuộc chức
năng, nhiệm vụ của cơ quan mình, địa phương mình; tự bãi bỏ, sửa đổi hoặc kiến
nghị bãi bỏ, sửa đổi những thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho tổ chức,
công dân (theo định kỳ hàng quý, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh vào ngày 15 của
tháng cuối quý). Trên cơ sở đó, tiến hành hệ thống hóa thủ tục hành chính, biểu
mẫu, phí, lệ phí, thời gian giải quyết cho từng loại công việc đảm bảo đơn
giản, nhanh chóng thuận tiện, đúng pháp luật; thời hạn giải quyết không chậm
hơn trước.
- Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây
dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Công an
tỉnh, Cục thuế, Ban quản lý các Khu công nghiệp, Ban quản lý Khu kinh tế cửa
khẩu Hoa Lư, ngoài việc tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên
thông tại cơ quan mình còn phải chịu trách nhiệm hệ thống hóa danh mục công
việc, xác lập thủ tục hành chính (mẫu hóa giấy tờ cần thiết trong hồ sơ, phân
loại công việc giải quyết ngay và công việc phải ghi giấy hẹn, phí, lệ phí,
thẩm quyền giải quyết) đối với từng loại công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn
ngành mình quản lý đang thực hiện ở cấp huyện, cấp xã; đề xuất UBND tỉnh quy
định thực hiện thống nhất trong tỉnh; giúp UBND tỉnh kiểm tra việc công khai
thủ tục hành chính và chấp hành quy định về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế
một cửa liên thông.
3. Ban hành quy chế phối hợp tại Bộ phận "một
cửa":
- Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải xây dựng quy chế phối
hợp giải quyết công việc tại Bộ phận “một cửa”, trong đó quy định cụ thể quy
trình nhận, chuyển, thụ lý, trình ký và trả hồ sơ; phân định rõ trách nhiệm
công chức khi hồ sơ bị ách tắc, trễ hẹn, chậm giải quyết; việc xử lý kỷ luật
hoặc bồi thường khi công chức có vi phạm hoặc gây thiệt hại đến công việc của
tổ chức và công dân.
- Hồ sơ đủ và đúng quy định thì phải tiếp nhận,
giải quyết đúng yêu cầu, không được trả lại, trả chậm. Nếu không giải quyết
được phải báo cáo cho cơ quan chuyên môn hoặc Ủy ban nhân dân cấp trên trực
tiếp xử lý. Nếu trễ hạn trả kết quả vì lý do khách quan (trường hợp bất khả
kháng) thì cơ quan phụ trách Bộ phận "một cửa" phải có văn bản giải
thích rõ lý do cho tổ chức, công dân đó biết, hẹn lại thời gian trả kết quả;
thời gian hẹn lại không quá 1/3 thời hạn quy định và chỉ được phép trễ hẹn 1
lần.
4. Thí điểm thực hiện cơ chế "một cửa liên
thông":
- Đối với các công việc gắn với quyền lợi thiết
thực của công dân hoặc thuộc chính sách khuyến khích, ưu đãi của tỉnh trong
lĩnh vực đầu tư, cấp phép kinh doanh, đất đai, cấp phép xây dựng,... có thủ tục
hành chính rõ ràng, trình tự, thẩm quyền giải quyết liên quan đến nhiều cơ
quan, nhiều cấp, không nhất thiết bắt buộc công dân phải đi lại nhiều lần, qua
nhiều cửa thì phải xây dựng quy chế phối hợp thực hiện theo cơ chế một cửa liên
thông.
- Trong năm 2008, mỗi huyện, thị xã chọn từ 1
đến 2 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm cơ chế một cửa liên thông một số
loại công việc trong lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp
huyện. Cuối năm 2008 sơ kết rút kinh nghiệm và nhân rộng.
5. Tổ chức thực hiện:
a) Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND
cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm quán triệt Chỉ thị này đến cán
bộ, công chức và có kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị
này, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ và Văn
phòng UBND tỉnh).
b) Sở Nội vụ có trách nhiệm:
- Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh (Tổ chuyên
trách cải cách hành chính tỉnh) tham mưu, giúp UBND tỉnh thường xuyên theo dõi,
đôn đốc, kiểm tra các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã thực hiện nghiêm
Chỉ thị này.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và
UBND các huyện, thị xã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thí điểm mô hình một cửa
liên thông trong lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp
huyện.
c) Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm
chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thị xã nghiên cứu, tham mưu
UBND tỉnh mô hình một cửa liên thông trong lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền
giải quyết của UBND cấp huyện phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh để thực
hiện thí điểm (có thể đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh cho phép đi học tập kinh
nghiệm ở một số tỉnh khác có áp dụng mô hình một cửa liên thông đạt hiệu quả).
d) Chủ tịch UBND các huyện, thị xã trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ động trong việc chỉ đạo các cơ quan chuyên
môn thuộc mình quản lý nghiên cứu, đề xuất mô hình một cửa liên thông áp dụng
trên địa bàn huyện, thị xã hoặc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh mô hình một cửa
liên thông áp dụng cho toàn tỉnh.
đ) Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu UBND
tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định mức phụ cấp cho cán bộ, công chức làm việc tại
Bộ phận “một cửa” theo tinh thần Công văn chỉ đạo số 3251/UBND-NC ngày
18/12/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh.
e) Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu
UBND tỉnh trong việc bố trí vốn xây dựng nơi làm việc của bộ phận “một cửa” ở
xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã và Sở, ngành theo Quyết định số
93/2007/QĐTTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
f) Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm:
- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tiếp
nhận và xử lý những vướng mắc, kiến nghị về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền
xem xét, giải quyết của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó chú trọng thực
hiện việc theo dõi và đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã xử lý kịp
thời, dứt điểm những kiến nghị, vướng mắc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về
quy trình, thủ tục hành chính; đồng thời phối hợp với Sở Nội vụ đôn đốc, kiểm
tra việc thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
- Thành lập Tổ Công tác thực hiện Đề án 30, xây
dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án này theo đúng quy đđịnh của Chính
phủ.
g) Báo Bình Phước, Đài Phát thanh và Truyền hình
tỉnh, Đài Truyền thanh huyện, thị xã thông tin cho nhân dân biết, thực hiện và
giám sát việc thực hiện.
Chỉ thị này có hiệu thi hành sau 10 ngày kể từ
ngày ký./.