ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 13/2005/CT-UB
|
Cần Thơ, ngày 08 tháng 7 năm 2005
|
CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN
PHÁP ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRONG PHẠM VI THÀNH
PHỐ
Trong những năm qua, các cấp, các ngành, đoàn thể và các địa
phương trong thành phố đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp bảo đảm trật
tự, an toàn giao thông, đặc biệt là sự nỗ lực của lực lượng Công an và ngành
Giao thông Công chính các cấp, nên bước đầu đã kiềm chế được tỷ lệ tăng tai nạn
giao thông đường thủy trên địa bàn thành phố (năm 2004, tai nạn xảy ra 11 vụ,
giảm 07 vụ so với năm 2003, làm chết 05 người, giảm 06 người và không có số
người bị thương).
Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa vững chắc và chưa đồng đều;
tình hình trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa còn diễn biến phức
tạp. Để lập lại trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong phạm vi
thành phố Cần Thơ năm 2005 và những năm tiếp theo, phấn đấu thực hiện mục tiêu:
tiếp tục làm giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị
thương; đồng thời, ngăn ngừa những hành vi lấn chiếm sông, rạch, hành lang bảo
vệ công trình giao thông để xây dựng công trình, nhà cửa, khai thác cát, nuôi
trồng thủy sản trái phép, ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị như sau:
1. Các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục Luật Giao thông đường thủy nội địa và Nghị định số 09/2005/NĐ-CP
ngày 27 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ, nhằm nâng cao ý thức chấp hành về trật
tự, an toàn giao thông trong cán bộ, công chức và nhân dân, coi đây là biện
pháp cơ bản, lâu dài để thiết lập trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
Các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời đưa tin gương điển
hình tốt và chưa tốt trong việc chấp hành pháp luật giao thông để động viên,
rút kinh nghiệm chung, tạo phong trào toàn dân tham gia lập lại trật tự, an
toàn giao thông đường thủy nội địa.
Ngành Văn hóa - Thông tin chủ trì phối hợp với các cơ quan
thông tin đại chúng tổ chức thường xuyên chuyên mục tuyên truyền, phổ biến pháp
luật về trật tự, an toàn giao thông; sử dụng panô, áp phích phục vụ công tác
tuyên truyền, tạo ý thức chấp hành pháp luật giao thông trong nhân dân.
Ngành Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch nâng cao chất lượng
giáo dục pháp luật giao thông phù hợp với từng cấp học, đặc biệt là phổ biến
luật giao thông đường thủy nội địa trong học sinh, sinh viên; chỉ đạo các
trường có biện pháp thiết thực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các điểm
trường trong giờ cao điểm đối với bến đò ngang, phương tiện đưa rước học sinh
qua sông, nhất là trong mùa mưa, lũ hàng năm.
Đối với cán bộ, công chức nhà nước, đoàn viên, hội viên các
đoàn thể chính trị - xã hội, sinh viên, học sinh phải gương mẫu chấp hành pháp
luật giao thông; đồng thời, nhắc nhở người thân trong gia đình cùng chấp hành.
2. Các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm
minh các hành vi vi phạm theo pháp luật hiện hành ; tiếp tục thực hiện nghiêm
các biện pháp tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như tạm giữ và
đình chỉ những phương tiện có những hành vi vi phạm trong các trường hợp sau:
- Phương tiện không đăng ký, đăng kiểm;
- Tự ý thiết kế đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi
phương tiện thuộc diện đăng kiểm mà không có hồ sơ thiết kế được cơ quan đăng
kiểm phê duyệt;
- Không trang bị hoặc trang bị không đủ số lượng, không đúng
chủng loại một trong các trang thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy,
chữa cháy;
- Người lái phương tiện, thuyền viên không có bằng thuyền
trưởng hoặc chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ theo quy định;
- Sử dụng rượu, bia (mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn
vượt quá quy định) hoặc sử dụng các chất kích thích khác mà pháp luật cấm trong
khi điều khiển phương tiện giao thông.
3. Tiếp tục thực hiện Công văn số 357/ĐK ngày 19 tháng 5 năm
2004 của Cục Đăng kiểm Việt Nam về tăng cường công tác quản lý nhà nước về an
toàn kỹ thuật tàu khách du lịch và phương tiện ngang sông.
Thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm trên
đường sông đối với chủ và lái đò, lái tàu, thuyền chở khách và xà lan chở hàng
quá tải trọng, không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; thực hiện việc giảm tải ghe, tàu
theo quy định trong mùa mưa, lũ.
Các ngành, các cấp tập trung quản lý tốt các bến đò ngang,
đò dọc và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quy định giấy phép
mở bến và phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Địa phương nào nếu để xảy
ra tai nạn giao thông thì lãnh đạo địa phương đó chịu trách nhiệm trước pháp
luật về hậu quả do thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý nhà nước ở địa
phương.
4. Giao Sở Giao thông Công chính chủ trì, phối hợp với các
Sở, Ban ngành thực hiện:
a/- Phối hợp với Công an thành phố và ủy ban nhân dân quận,
huyện kiểm tra việc thực hiện Nghị định số 171/1999/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm
1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao
thông đối với công trình giao thông đường sông trên địa bàn; khảo sát điều tra,
thống kê các tổ chức và hộ cá nhân xây dựng nhà và công trình trái phép, vi
phạm hành lang bảo vệ luồng, các bè cá, đăng đáy cá trái phép, chiếm luồng
lạch, gây chướng ngại vật không đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy
nội địa;
b/- Phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị có liên
quan có kế hoạch triển khai thực hiện quy chế phối hợp liên ngành trong việc
chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội
địa theo tinh thần Kế hoạch phối hợp Liên ngành số 01/KHLN-ĐK ngày 05 tháng 3
năm 2005 giữa Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông đường thủy và Cục
Đường sông Việt Nam;
c/- Phối hợp với các Sở, Ban ngành tập trung quản lý tốt
hoạt động của cảng, bến thủy nội địa và hoạt động của phương tiện thủy tại vùng
nước cảng, bến thủy nội địa theo tinh thần Quy chế quản lý bến cảng, bến thủy
nội địa (ban hành kèm theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 01 năm
2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải);
d/- Phối hợp với Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình
thành phố Cần Thơ mở chuyên mục "toàn dân tham gia giữ gìn trật tự, an
toàn giao thông đường thủy nội địa"; tiếp thu những ý kiến đóng góp của
mọi người dân về các giải pháp, biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông,
giảm dần và hạn chế tối đa tai nạn giao thông đường thủy.
5. Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp
với ủy ban nhân dân quận, huyện và Đoạn Quản lý đường sông số 12 (đơn vị TW)
thực hiện việc thả phao tim luồng nuôi trồng thủy sản, góp phần tăng cường đảm
bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với nghề nuôi cá bè trên
sông; quy hoạch nghề nuôi trồng thủy sản trên sông, ở nơi xa dân cư, không làm
ảnh hưởng đến môi trường nguồn nước sử dụng, chiếm luồng, lạch gây chướng ngại
vật không đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Các tổ chức, cá nhân nuôi cá trong lồng, bè phải có sơ đồ vị
trí neo đậu theo đúng quy định. Nghiêm cấm đặt cố định ngư cụ, phương tiện khai
thác thủy sản trên luồng, neo đậu bè cá tại nơi giao cắt luồng, nơi cua cong,
nơi tầm nhìn xa bị hạn chế và neo đậu nhiều hàng.
6. Giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban
ngành thực hiện:
a/-Tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm
các hành vi vi phạm về điều kiện hoạt động của bến thủy nội địa và các phương
tiện như: đăng ký, đăng kiểm, trang thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện,
công dụng, vùng hoạt động của phương tiện, thiết kế đóng mới, hoán cải, sửa
chữa phục hồi phương tiện; bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên,
người lái phương tiện; báo hiệu đường thủy nội địa và bảo vệ công trình thuộc
kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy;
b/- Kiên quyết đình chỉ các điểm khai thác cát hoặc khoáng
sản khác trên đường thủy nội địa không đúng giấy phép do cơ quan có thẩm quyền
cấp, hoặc xây dựng công trình nhà cửa (kể cả nhà nổi) trái phép trên phạm vi
bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa gây ảnh hưởng an toàn giao
thông;
c/- Tập huấn nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực
trật tự, an toàn giao thông cho lực lượng Công an xã, phường, thị trấn nhằm
khép kín địa bàn quản lý trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý theo đúng
Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.
7. Cho phép lực lượng tuần tra kiểm soát lập biên bản tạm
giữ phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không đăng ký, đăng kiểm theo
đúng quy định của pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý đối với các phương
tiện không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật tham gia lưu thông trên các tuyến
đường thủy nội địa.
8. Đối với việc tạm giữ tang vật, phương tiện, nếu quá thời
gian 03 tháng kể từ ngày có hiệu lực xử lý tạm giữ mà chủ sở hữu không đến nhận
thì trình ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu và chuyển
giao cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tổ chức bán đấu
giá, sung vào công quỹ Nhà nước.
9. Hàng tháng, quý, năm, các ngành, các địa phương tổ chức
sơ kết và tổng kết về tình hình thực hiện an toàn giao thông trong phạm vi
ngành, địa phương; kịp thời khen thưởng những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác
bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định của
pháp luật các hành vi bao che, cố ý vi phạm, đặc biệt là cán bộ, công chức và
quân nhân lực lượng vũ trang.
Giao Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố có trách
nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và báo cáo kết quả thực hiện tinh thần Chỉ
thị này. Quá trình thực hiện có những vấn đề phức tạp phát sinh, báo cáo ủy ban
nhân dân thành phố để được chỉ đạo kịp thời./.
Nơi nhận:
- VP. Chính phủ
- Bộ Tư pháp
- Bộ Giao thông vận tải
- Bộ Công an
- TT.Thành ủy, TT.HĐND
- Thành viên UBND TP
- VP Thành ủy và các Ban của Đảng
- UBMTTQ và các đoàn thể
- Sở, Ban ngành thành phố
- Thành viên Ban ATGT TP
- Các cơ quan TW đóng trên địa bàn
- TT.HĐND và UBND quận, huyện
- Các Cơ quan Báo, Đài trên địa bàn TP
- Lưu TTLT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN
THƠ
CHỦ TỊCH
Võ Thanh Tòng
|