CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Thực thi Luật Bảo vệ môi
trường trên địa bàn tỉnh hơn 10 năm qua đã đạt được một số kết quả nhất định,
nhận thức về quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người dân
trong tỉnh đã được nâng lên đáng kể, các cấp, các ngành ngày càng chú trọng,
quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và cải thiện chất
lượng môi trường sống, không cho phép đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm
môi trường cao, đặc biệt có khả năng gây ảnh hưởng đến nguồn nước cấp sinh hoạt
của tỉnh. Bên cạnh đó, nguồn lực bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã từng
bước được đầu tư tốt hơn, tỉnh đã đa dạng hóa các nguồn vốn trong đầu tư xử lý
nước thải và chất thải rắn ,đô thị, nhân lực tham gia quản lý nhà nước về môi
trường cũng từng bước được bổ sung, tăng cường để đáp ứng nhu cầu thực tiễn
trong công tác quản lý.
Bên cạnh các kết quả đạt
được, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều tồn tại chưa được giải quyết, đặc
biệt tình trạng xả nước thải chưa được xử, lý đạt tiêu chuẩn môi trường, tình
trạng vi phạm pháp luật về quản lý và xử lý chất thải nguy hại của các doanh
nghiệp còn khá phổ biến, nhiều cơ sở gây ô nhiễm kéo dài chưa được giải quyết
dứt điểm, các khu công nghiệp phần lớn chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước
thải tập trung và chưa được đầu tư khu lưu giữ chất thải rắn trong khu công
nghiệp theo quy định. Để nhanh chóng khắc phục các tồn tại nêu trên, đồng thời
thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản: Chỉ thị số
17/2008/CT-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2008 về một số giải pháp cấp bách đẩy mạnh
công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo
Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003; Chỉ thị số
24/2008/CT-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2008 về việc tăng cường công tác phòng,
chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong thời kỳ hội
nhập, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Tổ chức, cá nhân trong
quá trình hoạt động có liên quan đến phát sinh chất thải trên địa bàn tỉnh có
trách nhiệm:
Chủ đầu tư hạ tầng các khu
công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn tỉnh
nơi đã có các dự án đầu tư đi vào hoạt động nhưng chưa đầu tư hệ thống xử lý
nước thải tập trung phải hoàn thành chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 năm 2009.
Đối với các khu công nghiệp và cụm CN-TTCN chưa có dự án đi vào hoạt động, phải
đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đồng thời với quá trình cho thuê lại
đất để xây dựng các dự án và hoàn thành hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn
môi trường trước khi các dự án trong khu công nghiệp, cụm CN-TTCN đi vào hoạt
động.
- Đối với các dự án đầu tư
trong Khu công nghiệp, cụm CN-TTCN đã đi vào hoạt động phải thực hiện đầy đủ
các nội dung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ
môi trường đã được phê duyệt và Quyết định 4523/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 15
tháng 12 năm 2008 về việc phê duyệt danh mục và lộ trình xử lý ô nhiễm tại các
khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đối với các dự án chưa đi
vào hoạt động phải hoàn thành các nội dung về bảo vệ môi trường theo đúng cam
kết và phải được xác nhận trước khi đi vào hoạt động.
- Đối với các doanh nghiệp
hoạt động trong lĩnh vực dầu khí phải thực hiện nghiêm các quy định về quản lý
và xử lý chất thải nguy hại, chỉ được phép thuê các đơn vị có chức năng và đủ
năng lực xử lý chất thải nguy hại và phải có các biện pháp để ngăn ngừa, ứng
cứu sự cố dầu tràn.
Tất cả các tổ chức, cá nhân
có phát sinh chất thải sau thời hạn nêu trên không quản lý và xử lý chất thải
đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường sẽ bị xử lý nghiêm theo quy
định pháp luật hoặc bị tạm đình chỉ sản xuất để khắc phục ô nhiễm.
2. Sở Tài nguyên và Môi
trường có trách nhiệm:
- Nâng cao hiệu quả hoạt
động của hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, mời các nhà
khoa học có kinh nghiệm về lĩnh vực môi trường, đảm bảo thời gian thẩm định và
phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường không quá 28 ngày đúng theo mô
hình một cửa liên thông của UBND tỉnh.
- Tập trung mọi nguồn lực
đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra về môi trường, chú trọng công tác thanh tra
đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 4266/QĐ-UBND ngày 19
tháng 11 năm 2008 về việc thành lập tổ kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường
và kiến nghị UBND tỉnh cương quyết xử lý các doanh nghiệp cố tình vi phạm,
không đầu tư các công trình xử lý chất thải gây ô nhiễm kéo dài. Tổ chức thống
kê nguồn phát sinh chất thải rắn thông thường, nguy hại và nước thải từ các cơ
sở sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả công tác thu phí bảo vệ môi trường
đối với chất thải. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về quản lý chất thải rắn
nguy hại, kiểm soát chặt chẽ các nguồn chất thải nguy hại phát sinh trên địa
bàn tỉnh, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp có phát sinh chất thải nguy hại phải
đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, có hợp đồng vận chuyển, xử lý chất
thải với các đơn vị có đủ điều kiện và được phép vận chuyển, xử lý chất thải
nguy hại.
- Tăng cường hoạt động quan
trắc môi trường, đặc biệt các nguồn cấp nước của tỉnh nhằm kịp thời phát hiện
và đề xuất UBND tỉnh các biện pháp để đảm bảo an toàn nguồn nước cho sinh hoạt
và sản xuất.
- Khẩn trương triển khai
hoàn thành công trình hạ tầng kỹ thuật khu xử lý chất thải rắn tập trung 100
hecta tại Tóc Tiên, huyện Tân Thành. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham
gia đầu tư xử lý chất thải trong khu xử lý chất thải Tóc Tiên theo quy hoạch tỷ
lệ 1/2000 đã được phê duyệt, ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư trong lĩnh vực xử
lý rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư
02 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó 01 nhà máy tại địa bàn huyện Đất
Đỏ để xử lý rác thải cho địa bàn huyện Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc và 01 nhà
máy tại địa bàn huyện Châu Đức.
3. Hải quan tỉnh phối hợp
chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan
tăng cường công tác kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu, chỉ cho phép nhập khẩu
các loại phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định tại Quyết định
12/2006/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 08 tháng 9 năm 2006 về
việc ban hành danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Phế liệu nhập khẩu phải đảm bảo đã được phân loại, làm sạch, không dẫn các tạp
chất có chứa thành phần nguy hại.
4. Sở Y tế có trách nhiệm:
Tổ chức thống kê các nguồn
chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh (kể cả các cơ sở y tế tư
nhân) và lập dự án đầu tư khu xử lý chất thải y tế tập trung trình UBND tỉnh
xem xét, phê duyệt. Khẩn trương lập dự án đầu tư và trình UBND tỉnh phê duyệt
các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các bệnh viện và trung
tâm y tế, nơi, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đảm bảo từ năm 2009
các chất thải rắn của ngành y tế phải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi
trường.
5. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn có trách nhiệm:
Tổ chức rà soát, thống kê
các nguồn chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh liên quan đến hoạt động sản
xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú
y, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, hướng dẫn tổ chức, cá nhân
hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý của mình thực hiện các quy định của pháp luật
về bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, đề xuất biện pháp di dời các trại ép giống
tôm. Khẩn trương triển khai quy hoạch và sớm đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu chế
biến hải sản tập trung tại phía Bắc sông Rạng - thành phố Vũng Tàu; chủ trì,
phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý triệt để
các cơ sở chế biến hải sản xây dựng không phép trái phép trong năm 2009 và buộc
tháo gỡ hủy toàn bộ hệ thống thoát nước thải ngầm chưa qua xử lý đối với các
doanh nghiệp vi phạm; đề xuất biện pháp khắc phục ô nhiễm tạm thời đối với các
cơ sở chế biến hải sản trung thời gian chờ di dời.
6. Ban Quản lý các khu công
nghiệp tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư không kêu gọi đầu tư và cấp giấy chứng
nhận đầu tư hoặc kiến nghị UBND tỉnh không cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với
các loại hình tạm ngưng cho phép đầu tư hoặc hạn chế đầu tư theo chỉ đạo của
UBND tỉnh tại Công văn số 286/UBND-VP ngày 18 tháng 01 năm 2008 về việc triển
khai các biện pháp bảo vệ môi trường sông Thị Vải.
7. Sở Tài chính có trách
nhiệm cân đối nguồn chi cho sự nghiệp môi trường theo Kế hoạch số 5337/UBND-VP
ngày 25 tháng 8 năm 2008 của UBND tỉnh về bảo vệ môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu năm 2009.
8. Công an tỉnh phối hợp
chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã xử
lý nghiêm minh các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nghiêm trọng và
các hành vi xâm phạm, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên.
9. Đài phát thanh - Truyền
hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về các
gương điển hình về công tác bảo vệ môi trường đồng thời kịp thời phát hiện và
đưa tin các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường để nâng cao trách
nhiệm, nhận thức của các tổ chức kinh tế và công dân về công tác bảo vệ môi
trường theo đúng quy định của pháp luật.
10. UBND các huyện, thành
phố, thị xã đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tăng cường
công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi
trường đối với các dự án, cơ sở đang hoạt động được phân cấp theo thẩm quyền
quản lý của cấp huyện, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi
trường, vận động cộng đồng dân cư tham gia phát hiện, tố cáo các đối tượng gây
ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, thành phố Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa, các huyện:
Long Điền, Đất Đỏ, Tân Thành và Xuyên Mộc tăng cường công tác thu gom rác thải
trôi nổi trên sông, rạch và vùng biển ven bờ.
Yêu cầu Giám đốc các Sở: Tài
nguyên và Môi trường, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn; Giám đốc Công an tỉnh, Hải quan tỉnh, Đài truyền hình tỉnh,
Báo Bà Rịa - Vũng Tàu; Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan và các tổ chức, cá
nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong
quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn vướng mắc kịp thời đề xuất UBND tỉnh xem
xét, chỉ đạo.
Chỉ thị này có hiệu lực thi
hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 30/2002/CT-UBND ngày 20
tháng 5 năm 2002 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc tăng cường công tác
bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu./.