ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
11/CT-UBND
|
Đắk
Nông, ngày 08 tháng 9 năm 2022
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU
NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH CỦA CÔNG DÂN
Thời gian qua, công tác tiếp công
dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân trên địa
bàn tỉnh đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở, Ban, ngành, các tổ chức chính trị
- xã hội và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo,
thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác tiếp công dân, tiếp nhận,
xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân có nhiều
chuyển biến tích cực. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng và
đạt được kết quả nhất định; số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài từng
bước được xem xét, giải quyết; số vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh được
giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật
tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua
hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của ngành Thanh tra, HĐND tỉnh, Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Ủy ban thường vụ
Quốc hội cho thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên
địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như: Người đứng đầu của một số cơ
quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt công tác tiếp công dân, việc tiếp
nhận, xử lý đơn thư và giải quyết chế độ cho cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân
chưa đảm bảo đúng quy định, tình trạng công dân gửi đơn thư vượt cấp chưa có xu
hướng giảm; số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng và phát sinh chưa được xem
xét giải quyết dứt điểm, chất lượng giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch
UBND cấp huyện chưa cao, một số quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu chưa
đảm bảo “thấu tình đạt lý”, việc chấp hành chế độ báo cáo về tiếp công dân,
khiếu nại, tố cáo chưa nghiêm, chất lượng báo cáo thấp, việc triển khai sử dụng
Hệ thống dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo còn hạn chế.
Thực trạng của những tồn tại, hạn chế
nêu trên, có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và ý
thức chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của một
số cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là của người đứng đầu chưa nghiêm; thậm
chí có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, chưa thực sự quyết liệt thực hiện các giải
pháp xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài theo chỉ
đạo của UBND tỉnh; trình độ, năng lực, kỹ năng của một bộ phận công chức làm
công tác tiếp công dân, nhất là cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao;
công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu về tiếp công dân,
khiếu nại, tố cáo của cấp trên đối với cấp dưới chưa được quan tâm đúng mức;
công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số dự án đầu tư
chưa làm tốt các quy định của pháp luật về dân chủ, công khai, minh bạch; chính
sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn bất cập làm phát sinh và gia tăng số
vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh.
Nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục
những tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu
quả công tác quản lý nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu
nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông
yêu cầu:
1. Thủ trưởng
các Sở, Ban, ngành Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:
1.1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện
nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo;
Quy định số 11-Qđi/TW ngày 18/12/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người
đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những
phản ánh, kiến nghị của dân; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng
Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 05/01/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh
ủy về thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW và các văn bản chỉ đạo có liên quan đến
công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
1.2. Xác định công tác tiếp công dân,
giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, mọi khiếu nại,
tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của công dân phải được xem xét giải quyết kịp thời
với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo thấu tình, đạt lý, ngay từ cơ sở và
không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp lên tỉnh, Trung ương, với tinh thần lấy kết
quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là tiêu chí đánh giá năng lực,
mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của người đứng đầu.
1.3. Thực hiện nghiêm chế độ tiếp
công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất của người đứng đầu theo quy định của
Luật Tiếp công dân; gắn nội dung tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo
theo đúng quy định. Chủ động nắm tình hình, tổ chức tiếp công dân đột xuất với
phương châm “tìm công dân để tiếp, không đợi công dân khiếu kiện mới tiếp” nhằm
giải quyết dứt điểm vụ việc ngày tại cơ sở không để khiếu kiện vượt cấp, tạo
điểm nóng.
1.4. Chủ động xây dựng kế hoạch kiểm
tra, rà soát và có lộ trình xử lý, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc
khiếu nại đông người, tố cáo gay gắt, phức tạp, không để phát sinh thành điểm
nóng, khiếu nại vượt cấp, không để công dân tập trung đến các cơ quan cấp tình,
Trung ương để khiếu nại. Đối với các trường hợp kích động, lôi kéo công dân
khiếu kiện đông người hoặc lợi dụng khiếu kiện để gây rối thì chỉ đạo lực lượng
chức năng có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
1.5. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và
tổ chức thực hiện tốt việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư bảo đảm kịp
thời, đúng quy định theo Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra
Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị
phản ánh; tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các thủ tục về khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; kịp thời thụ lý, giải quyết dứt điểm các vụ
việc khiếu nại, tố cáo phát sinh thuộc thẩm quyền. Trong quá trình thực hiện
phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của Luật Khiếu nại,
Luật Tố cáo, Nghị định số 31/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi
tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tố cáo, Nghị định số 124/NĐ-CP ngày
19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
Luật Khiếu nại và các quy định có liên quan; thực hiện nghiêm việc tổ chức đối
thoại với công dân trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy
định của Luật Khiếu nại; đồng thời tổ chức thi hành triệt để các quyết định
giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo đã có hiệu lực pháp luật,
không để tồn đọng, kéo dài nhưng không có lý do chính đáng, gây bức xúc trong
dư luận xã hội.
1.6. Tăng cường kiểm tra, thanh tra
việc thi hành công vụ của đội ngũ công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản
lý, nâng cao chất lượng giải quyết công việc, chất lượng phục vụ Nhân dân. Xử
lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với người dân và
doanh nghiệp nhằm hạn chế phát sinh khiếu kiện.
1.7. Khẩn trương rà soát, kiện toàn,
bố trí cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân có phẩm chất chính trị, năng lực và kỹ
năng tiếp công dân, nhất là kỹ năng vận động, thuyết phục công dân, đi đối với
tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ trực
tiếp tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo.
1.8. Thực hiện nghiêm chế độ thông
tin báo cáo, tổng hợp số liệu công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo; nhập, gửi số liệu báo cáo kịp thời trên phần mềm cơ sở dữ liệu theo Thông
tư số 02/2021/TT-TTCP ngày 22/3/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định chế độ
báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và
phòng chống tham nhũng.
2. Giao Ban tiếp
công dân tỉnh
2.1. Thường xuyên cập nhật, theo dõi,
đôn đốc các đơn vị, địa phương chấp hành nghiêm chế độ báo cáo về kết quả giải
quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo do UBND tỉnh giao cho các cấp, các ngành
giải quyết.
2.2. Phối hợp với Thanh tra tỉnh tham
mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về
tiếp công dân, xử lý đơn; hướng dẫn nghiệp vụ cho công chức, viên chức làm
nhiệm vụ tiếp công dân của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện,
thành phố; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về tiếp công dân, xử lý
đơn đối với Nhân dân, công chức, viên chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh,
UBND các huyện, thành phố.
2.3. Thường xuyên theo dõi, nắm tình
hình đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn toàn tỉnh và đề xuất
Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ, đột xuất theo đúng quy định. Trong
đó, tăng cường tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức tiếp công dân đột xuất để xử
lý dứt điểm vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh;
nhất là các vụ việc khiếu kiện mà UBND cấp huyện không xem xét, xử lý hoặc xử
lý chậm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công dân.
3. Giao Sở Tư
pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Đắk
Nông, Cổng Thông tin điện tử tỉnh
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết
quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao ý thức
chấp hành pháp luật cho Nhân dân, kịp thời phê phán, đấu tranh với các hành vi
vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố
cáo và các hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây mất an ninh, trật
tự, vi phạm pháp luật.
4. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội
cấp tỉnh, cấp huyện
Tăng cường hoạt động giám sát của Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu
nại, tố cáo của cơ quan hành chính cùng cấp; thường xuyên chủ động phối hợp với
các cấp chính quyền trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo;
tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân thực hiện quyền, nghĩa
vụ về khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, chấp hành nghiêm
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
5. Đề nghị Đoàn
Luật sư và Hội Luật gia tỉnh
Huy động đội ngũ luật sư tích cực
tham gia hoạt động tư vấn pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân
tộc thiểu số nhằm định hướng cho người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo,
kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật; chủ động phối hợp chặt
chẽ với các cấp chính quyền trong quá trình giải quyết các vụ việc khiếu nại.
6. Giao Thanh
tra tỉnh
6.1. Thường xuyên, chủ động nắm tình
hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh để kịp thời tham mưu, đề xuất với Chủ
tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết đối với những vụ việc phát sinh theo quy
định của pháp luật.
6.2. Tăng cường thanh tra, kiểm tra
trách nhiệm đối với Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố trong việc thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013,
Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản có liên quan. Kiến
nghị xử lý đối với các trường hợp vi phạm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu
nại, tố cáo.
6.3. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị
liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, quy trình tiếp công dân, xử lý
đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện,
thành phố Gia Nghĩa.
6.4. Theo dõi, đôn đốc các Sở, Ban,
ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện các quy định của pháp luật và các ý
kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến công tác tiếp công
dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo
quy định./.
Nơi nhận:
- Thanh tra Chính phủ;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Đắk Nông;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, Ban TCD, NC(Tr).
|
CHỦ
TỊCH
Hồ Văn Mười
|