CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC
PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, TÌM KIẾM CỨU NẠN VÀ GIẢM NHẸ THIÊN TAI NĂM 2007
Thực hiện Chỉ thị số 08/2007/CT-TTg ngày 03
tháng 4 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác Phòng, chống
lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2007;
để chủ động trong công tác Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, hạn chế
thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các
Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các đơn vị
trên địa bàn thực hiện tốt những công việc sau đây:
1. Tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm về
công tác Phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai
năm 2006 và các năm trước đây. Trên cơ sở đó rà soát lại các phương án phòng,
chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của Ban, ngành, địa phương mình để xây dựng
phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai năm
2007 phù hợp với tình hình đặc điểm từng khu vực, từng địa phương, từng Ban,
ngành, đơn vị; đảm bảo sự thống nhất chỉ đạo từ tỉnh đến tận cơ sở, đồng thời
phải có sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ huy, chỉ đạo, điều hành nhằm phát huy
sức mạnh tổng hợp để chủ động xử lý, đối phó kịp thời trong mọi tình huống.
2. Khẩn trương củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy
Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp, các ngành theo hướng gọn,
mạnh; phân công công việc và địa bàn cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy để
thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện việc phòng, chống
lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch và các phương án đề ra.
3. Củng cố hệ thống dự báo, cảnh báo, mạng lưới
thông tin liên lạc từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo thông tin 2 chiều luôn luôn thông
suốt trong mọi tình huống. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban trong mùa lụt,
bão. Tổ chức và duy trì chặt chẽ chế độ thường trực 24h/24h, nắm thông tin báo
cáo kịp thời theo quy định để xử lý có hiệu quả khi có các tình huống tai nạn,
thiên tai.
4. Quán triệt tổ chức thực hiện có hiệu quả
phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện
tại chỗ; kinh phí, hậu cần tại chỗ). Các Sở, Ban, ngành, chính quyền các địa
phương rà soát lại các phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn thật
cụ thể; phải có kế hoạch phối hợp chặt chẽ các lực lượng, chỉ đạo kịp thời đồng
bộ để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống lụt, bão và giảm
nhẹ thiên tai.
5. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm
cứu nạn tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh:
Kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt,
bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; xây dựng phương hướng, nhiệm vụ công tác Phòng,
chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai năm 2007; kiểm tra, đôn
đốc các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm
cứu nạn năm 2007; chỉ huy, chỉ đạo, điều hành, xử lý kịp thời, có hiệu quả với
thiên tai, lụt, bão xảy ra.
6. UBND, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm
kiếm cứu nạn các huyện, thị xã có trách nhiệm:
- Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của lụt,
bão; chủ động tổ chức việc phòng, chống, xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn
trước khi thiên tai xẩy ra trên địa bàn mình quản lý;
- Phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý nhà
nước về công tác Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cho cấp xã, phường,
thị trấn, các cơ quan, đơn vị. Kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể về số lượng,
chủng loại phương tiện, vật tư phòng, chống lụt, bão và các trang bị, phương
tiện thiết yếu phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn hiện có trên địa bàn; trên cơ
sở đó có kế hoạch bổ sung nhằm đảm bảo đủ cơ số cần thiết để có thể huy động
kịp thời khi có thiên tai, sự cố xẩy ra. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có
trách nhiệm chủ động huy động các nguồn lực của địa phương theo quy định để làm
tốt công tác Phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên
tai xẩy ra trên địa bàn;
- Xây dựng phương án và cụ thể hóa việc tổ chức
phòng tránh, di dời người và tài sản ở vùng sâu, vùng ven sông, ven biển, vùng
có nguy cơ xẩy ra lũ quét, triều cường, sạt lở, sụt lún đất đến vị trí an toàn
tại chỗ hoặc khu tạm trú; thường xuyên nắm bắt tình hình diễn biến của thiên
tai để chủ động cảnh báo, thông tin kịp thời đến các xã, phường, thôn, bản để
người dân biết, chủ động đối phó; kiên quyết di dời dân đến nơi an toàn khi
thời tiết nguy hiểm nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người;
- Các huyện ven biển có phương án kiểm tra và kế
hoạch chi tiết để chủ động trong việc nắm bắt và thông tin đối với các tàu
thuyền ra khơi và trở về khi có bão và áp thấp nhiệt đới xẩy ra nhất là tàu
đánh bắt xa bờ để có biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền và ngư dân; xây
dựng phương án cụ thể để đối phó với các tình huống bất lợi nhất khi có bão, lũ
và triều cường cùng xẩy ra, giúp nhân dân chủ động phòng, tránh để hạn chế
thiệt hại đến mức thấp nhất;
- Các huyện, thị xã có hồ đập, đê điều thủy lợi
phải phối hợp với cơ quan quản lý tổ chức kiểm tra, phát hiện các dấu hiệu hư
hỏng để có kế hoạch sửa chữa xong trước mùa lụt, bão, có phương án chống tràn
cho các công trình, đảm bảo an toàn công trình và đảm bảo an toàn cho các khu
vực dân cư ở hạ lưu;
- Các huyện, thị xã phải có kế hoạch dự trữ
lương thực (Gạo, mỳ ăn liền…) và các nhu yếu phẩm khác để cứu trợ cho nhân dân
khi cần thiết; chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác
theo quy định để phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản
xuất và đời sống nhân dân; đồng thời phải quan tâm, hỗ trợ, kiên quyết không
được để người dân vùng thiên tai nào bị đói; đối với nhân dân vùng thường xuyên
bị ngập lụt, mỗi hộ phải dự trữ lương thực và các mặt hàng thiết yếu đủ dùng từ
05- 07 ngày;
- Các địa phương có điều kiện cần tổ chức tập
huấn, diễn tập cho các lực lượng làm công tác Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm
cứu nạn; chủ động xây dựng phương án huy động lực lượng, phương tiện trên địa
bàn đối phó và khắc phục lụt, bão ở những nơi trọng điểm để rút kinh nghiệm ứng
dụng rộng rãi các nơi khác.
7. Các Sở, Ban, ngành, các cơ quan, đơn vị có
trách nhiệm:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ
đạo toàn ngành phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá chất
lượng các công trình đê điều, hồ chứa thuộc chức năng quản lý của ngành; có kế
hoạch gia cố, tu bổ xong trước mùa bão, lụt; chỉ đạo các địa phương xây dựng
phương án bảo vệ sản xuất, hạn chế tổn thất do lụt, bão gây ra; có phương án
chuẩn bị giống, cây con phục vụ nhân dân sau lụt bão; có kế hoạch chống dịch
bệnh cho gia súc, gia cầm phát sinh do lụt, bão; đồng thời có kế hoạch tích
nước cho các hồ chứa hợp lý để phục vụ sản xuất năm tới. Chủ động làm việc với
công ty Thủy điện Quảng Trị để báo cáo UBND tỉnh điều tiết phòng lũ hồ chứa Rào
Quán đúng quy định, phòng ngừa thiệt hại do điều tiết lũ của hồ gây ra;
- Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh: Cần
phối hợp với Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng thủy
văn khu vực Trung Trung bộ, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm
kiếm cứu nạn tỉnh để tăng thời lượng dự báo, cảnh báo sớm khả năng xuất hiện và
diễn biến của các tình huống bất thường, phức tạp của thời tiết, khí hậu để
phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống của UBND tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng, chống
lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh;
- Giao Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, sở
Thủy sản, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh:
Phối hợp với các địa phương lập phương án nắm bắt, theo dõi và thông tin kịp
thời các phương tiện đánh bắt trên biển khi có sự cố về người và phương tiện
xẩy ra;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy bộ đội
biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sư đoàn 968, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Chi cục bảo
vệ nguồn lợi thủy sản: Xây dựng các phương án bố trí, chuẩn bị lực lượng,
phương tiện cần thiết để sẵn sàng tham gia giúp đỡ dân di dời, ứng cứu và xử lý
kịp thời các tình huống khẩn cấp về lũ, bão và công tác tìm kiếm cứu nạn để bảo
vệ tính mạng, tài sản của nhân dân;
- Công an tỉnh: Phối hợp với chính quyền các địa
phương và các ngành liên quan có phương án đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn xã
hội khi có thiên tai, lụt bão xẩy ra; huy động lực lượng, phương tiện phối hợp
với các lực lượng khác để tham gia cứu hộ, cứu nạn giúp nhân dân hạn chế tổn
thất do lụt bão gây ra;
- Sở Thủy sản: Quy hoạch vùng nuôi trồng thủy
sản và bố trí thời vụ nuôi trồng hợp lý để tránh lũ, lụt gây tổn thất cho sản
xuất; phối hợp với UBND các huyện ven biển và Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh
tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định đảm bảo an toàn cho
người và phương tiện nghề cá hoạt động trên sông, trên biển;
- Bưu điện tỉnh: Phải đảm bảo cho mạng thông tin
phòng, chống lụt, bão luôn luôn thông suốt trong mọi tình huống, nhất là các
vùng sâu, vùng xa, vùng bị ngập lụt;
- Sở Giao thông- Vận tải: Chỉ đạo toàn ngành
chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia ứng cứu
và xử lý kịp thời khi các công trình cầu, đường và các công trình giao thông
khác bị hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa bão, đặc biệt là
các tuyến đường giao thông chính, quan trọng và an toàn đối với các tuyến đường
khác trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo tiến độ thi công các công trình đảm bảo an toàn
vượt lũ;
- Sở Y tế: Có kế hoạch chỉ đạo toàn ngành chuẩn
bị đầy đủ điều kiện để cấp cứu khi thiên tai xẩy ra và phòng, chống dịch bệnh
cho nhân dân, kịp thời dập tắt các ổ dịch bệnh, làm sạch môi trường, hướng dẫn
nhân dân làm sạch nguồn nước sinh hoạt sau lụt, bão;
- Sở Thương mại- Du lịch: Có kế hoạch chỉ đạo
các doanh nghiệp dự trữ và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho các vùng sâu,
vùng xa trước mùa lụt, bão, đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân;
- Sở Lao động- Thương binh và Xã hội: Phối hợp
với các lực lượng khác (Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thanh niên tình nguyện…) triển
khai tốt công tác cứu trợ cho nhân dân bằng các nguồn trợ cấp đột xuất khi có
lụt, bão xẩy ra;
- Các cơ quan thông tin đại chúng: Cần theo dõi chặt
chẽ tình hình diễn biến thiên tai lụt, bão; tăng cường thời lượng thông tin về
tình hình diễn biến thiên tai, các chủ trương, mệnh lệnh, chỉ thị chỉ đạo công
tác Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của Trung ương và địa phương;
- Các Sở, cơ quan Ban ngành khác: Theo chức
năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo làm tốt công tác Phòng, chống
lụt, bão của ngành, đơn vị mình. Ngoài ra, phải có kế hoạch, phương án sẵn sàng
về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư cần thiết để cùng phối hợp
ứng cứu, cứu hộ khi có lệnh điều động của Trưởng Ban Ban Chỉ huy Phòng, chống
lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Văn phòng Ban
Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tổ chức theo dõi và báo
cáo tình hình diễn biến của lũ, bão và thiệt hại do lũ, bão gây ra về Thường vụ
Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu
nạn tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Ủy
ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các Bộ ngành liên quan để kịp phục vụ công tác
chỉ đạo của tỉnh và Trung ương.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Giám đốc các Sở,
Thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các đơn vị tổ
chức triển khai thực hiện. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn
tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị và báo cáo kết quả
về UBND tỉnh./.