ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 08/CT-UBND
|
Bình Định,
ngày 19 tháng 5 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG
CƯỜNG THỰC HIỆN LUẬT LÝ LỊCH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Ngày 17 tháng 6 năm 2009, Luật Lý lịch tư pháp
được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XII, kỳ họp thứ 5
thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2010. Đây là một đạo
luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền của công dân và hoạt động của
các cơ quan tư pháp; tạo cơ sở cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
quốc gia, đáp ứng nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân và quản lý nhà
nước về lý lịch tư pháp trong tiến trình hội nhập quốc tế. Sau hơn 03 năm triển
khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp, công tác lý lịch tư pháp của tỉnh Bình
Định đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Công tác tuyên truyền, phổ biến
pháp luật về lý lịch tư pháp được các sở, ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo
thực hiện với nhiều hình thức thích hợp, chuyển tải kịp thời các quy định của
Luật Lý lịch tư pháp đến với Nhân dân; tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác lý
lịch tư pháp bước đầu được củng cố, kiện toàn; sự phối hợp giữa các cơ quan,
đơn vị có liên quan trong việc tra cứu, xác minh và cung cấp thông tin lý lịch
tư pháp bước đầu đáp ứng được yêu cầu của công dân; kịp thời ứng dụng công nghệ
thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được,
công tác lý lịch tư pháp vẫn còn những hạn chế, cụ thể: Công tác tuyên truyền,
phổ biến Luật Lý lịch tư pháp chưa được quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa các
cơ quan chưa đi vào nền nếp, số lượng thông tin do các cơ quan liên quan cung
cấp cho Sở Tư pháp chưa đầy đủ, kịp thời dẫn đến tình trạng cấp phiếu lý lịch
tư pháp cho công dân quá thời hạn; tổ chức bộ máy, biên chế nhân sự, cơ sở vật
chất phục vụ công tác lý lịch tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, việc ứng
dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý và cấp
phiếu lý lịch tư pháp còn hạn chế… Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên và
tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Lý lịch tư pháp trong thời gian
tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc một số
nội dung cụ thể sau đây:
1. Sở Tư pháp
a. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên
quan, UBND cấp huyện tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục triển khai
thực hiện có hiệu quả Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát
triển lý lịch tư pháp đến năm 2020 tầm nhìn 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Định.
b. Chủ trì, phối hợp với cơ quan truyền thông và
các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu
rộng nội dung của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành đến
các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân trên địa bàn
tỉnh; đặc biệt là các sở, ngành có liên quan và đội ngũ cán bộ, công chức thực
hiện công tác lý lịch tư pháp để nâng cao nhận thức về ý nghĩa chính trị, pháp
lý của công tác lý lịch tư pháp và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình theo
quy định của pháp luật lý lịch tư pháp.
c. Kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí biên chế đáp
ứng yêu cầu thực hiện và tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh nâng cao hiệu quả,
chất lượng quản lý nhà nước công tác lý lịch tư pháp đúng theo quy định của
pháp luật lý lịch tư pháp và tiến trình đổi mới của đất nước.
d. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Viện Kiểm
sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các cơ
quan, đơn vị có liên quan:
- Tổ chức tập huấn hoặc cử cán bộ, công chức làm
công tác lý lịch tư pháp tham gia các lớp bồi dưỡng do Bộ, ngành tổ chức nhằm
đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về
lý lịch tư pháp và yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của tổ chức, công dân.
- Xây dựng Quy chế phối hợp về cập nhật, cung
cấp, khai thác, xử lý, trao đổi thông tin về lý lịch tư pháp theo quy định của
Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
đ. Tiếp nhận đầy đủ, kịp thời thông tin lý lịch
tư pháp do các cơ quan, tổ chức cung cấp. Thực hiện việc xây dựng và quản lý cơ
sở dữ liệu lý lịch tư pháp; cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp về án
tích; cấp phiếu lý lịch tư pháp và cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án
tích theo đúng quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi
hành, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, thuận lợi, đơn giản hóa về thủ
tục hành chính khi giải quyết các yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công
dân, tổ chức.
e. Đầu tư thiết bị, đảm bảo cơ sở vật chất và
phương tiện làm việc đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác lý lịch tư pháp, đặc
biệt là việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu; cấp phiếu lý lịch tư pháp. Nâng
cao chất lượng áp dụng phần mềm xây dựng và quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp; bố
trí kho lưu trữ hồ sơ, giấy tờ về lý lịch tư pháp đảm bảo lưu trữ an toàn, lâu
dài, bí mật; phục vụ yêu cầu tra cứu đầy đủ, chính xác, kịp thời.
2. Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Tư pháp tham
mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ xin thêm biên chế để bổ sung cho
Sở Tư pháp nhằm đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện
Luật Lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Tư pháp tham
mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hàng năm để đầu tư, mua sắm trang
thiết bị để Sở Tư pháp đủ điều kiện triển khai thực hiện tốt việc quản lý, khai
thác dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của công
dân, tổ chức.
4. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp
với Sở Tư pháp chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh tiếp tục
đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Lý lịch tư pháp và các văn
bản hướng dẫn thi hành đến các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và
Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
5. Công an tỉnh
a. Thực hiện việc trao đổi, tra cứu, xác minh,
cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích kịp thời, đầy đủ và đúng quy định
của pháp luật lý lịch tư pháp để Sở Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư
pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp cho tổ chức, công dân.
b. Chỉ đạo cơ quan Công an cấp huyện gửi cho Sở
Tư pháp giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ, phạt
tù cho hưởng án treo và các hình phạt bổ sung cho người đã thực hiện xong nghĩa
vụ thi hành án.
6. Cục Thi hành án dân sự tỉnh: Triển
khai thực hiện và chỉ đạo các Chi cục Thi hành án dân sự thực hiện nghiêm túc
việc gửi quyết định thi hành án phạt tiền, tịch thu tài sản, án phí và các
nghĩa vụ dân sự khác của người bị kết án; quyết định đình chỉ thi hành án; giấy
xác nhận kết quả thi hành án; văn bản thông báo kết thúc thi hành án trong
trường hợp người bị kết án đã thực hiện xong nghĩa vụ cho Sở Tư pháp theo quy
định của pháp luật lý lịch tư pháp.
7. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh: Triển
khai thực hiện và quan tâm chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện thực hiện nghiêm
túc việc gửi cho Sở Tư pháp các văn bản, quyết định, cụ thể như sau:
a. Trích lục bản án hình sự sơ thẩm đã có hiệu
lực pháp luật, trích lục bản án hình sự phúc thẩm; Quyết định giám đốc thẩm,
tái thẩm về hình sự; Quyết định ân giảm hình phạt tử hình; Quyết định thi hành
án hình sự; Quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù; Quyết định xóa án tích;
Giấy chứng nhận đương nhiên được xóa án tích; Quyết định miễn chấp hành hình
phạt; Quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt; Quyết định tạm đình chỉ
chấp hành hình phạt tù; Quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản
thu nộp ngân sách nhà nước; Quyết định tiếp nhận chuyển giao người đang chấp
hành hình phạt tù đối với trường hợp dẫn độ để thi hành án tại Việt Nam.
b. Cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về tình
trạng án tích; tình trạng thi hành án; thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ,
thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo đề nghị của Sở Tư pháp.
8. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh: Cung
cấp Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù trong trường hợp kháng nghị
theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm cho Sở Tư pháp.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố
a. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn cùng cấp thực hiện
nghiêm túc việc gửi 01 bản chính hoặc 01 bản sao quyết định cho phép thay đổi,
cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên (bản sao từ sổ gốc hoặc bản
sao từ bản chính có chứng thực) cho Trung tâm lý lịch tư pháp Quốc gia thuộc Bộ
Tư pháp và Sở Tư pháp.
b. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã khi cấp giấy
chứng tử cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có trách nhiệm gửi 01 bản sao (bản sao
từ sổ gốc hoặc bản sao từ bản chính có chứng thực) cho Trung tâm lý lịch tư
pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp.
c. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp xác
minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo yêu cầu của Sở Tư pháp.
Giao Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm theo
dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm triển khai thực
hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị
kịp thời phản ánh bằng văn bản về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh chỉ đạo, giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hồ Quốc Dũng
|