CHỈ
THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH
PHỐ ĐÀ NẴNG
Trong những năm qua, các Sở,
ban, ngành, địa phương, đơn vị đã có nhiều cố gắng trong việc phòng cháy, chữa
cháy rừng, phát hiện và cứu chữa kịp thời nhiều vụ cháy rừng, hạn chế thiệt hại
do cháy rừng gây ra; nhiều vụ xâm lấn rừng và đất lâm nghiệp được xử lý kịp
thời. Tuy nhiên, gần đây ý thức phòng cháy chữa cháy rừng của một bộ phận dân
cư chưa tốt, cùng với những thiếu sót, lỏng lẻo trong quản lý bảo vệ rừng của
chính quyền địa phương các cấp, nhiều vụ cháy rừng vẫn còn xảy ra, tình trạng
khai thác gỗ trái phép vẫn còn tái diễn.
Để tăng cường công tác phòng
cháy, chữa cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra
và tăng cường công tác quản lý lâm sản, Chủ tịch UBND thành phố chỉ thị:
1. Uỷ ban nhân dân các quận, huyện
có rừng
- Chỉ đạo các lực lượng ngăn
chặn các hành vi xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp và có nguy cơ xâm hại
đến tài nguyên rừng, tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và
các vấn đề có liên quan đến quản lý bảo vệ rừng tại địa phương; chỉ đạo UBND
các xã, phường có rừng thực hiện thống kê, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm
nghiệp;
- Thống kê diện tích rừng chưa
có chủ quản lý trên địa bàn và diện tích đất rừng bị lấn chiếm trên địa bàn
(nếu có) báo cáo, đề xuất UBND thành phố thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn;
- Tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát việc chấp hành pháp luật, các chính sách liên quan đến quản lý bảo vệ rừng,
phòng cháy chữa cháy rừng và phát triển rừng trên địa bàn, đặc biệt là giám
sát, theo dõi công tác xử lý đốt thực bì trong những ngày nắng nóng, khô hạn;
- Tuyên truyền, phổ biến và
nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện các quy định của pháp
luật về quản lý bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng, khuyến khích nhân dân tham
gia phát triển rừng; đồng thời tổ chức hòa giải các tranh chấp về rừng và đất
lâm nghiệp;
- Triển khai thực hiện các quy
hoạch, kế hoạch, phương án bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn, chủ động phối
hợp với các chủ rừng trong việc quản lý diện tích, ranh giới các khu rừng, ngăn
chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng và xây dựng trái phép trên đất lâm
nghiệp;
- Phối hợp với lực lượng kiểm
lâm kiểm soát và hướng dẫn người dân thực hiện quá trình đốt thực bì vào mùa
hè, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra; xử lý thật nghiêm những
trường hợp vi phạm làm nguy hại đến tài nguyên rừng;
- Rà soát tình hình quản lý, sử
dụng rừng của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư trên địa
bàn. Đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có chủ quản lý, Chủ tịch UBND các
quận, huyện chỉ đạo UBND các phường, xã tổ chức quản lý, bảo vệ;
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối
hợp với chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại
các khu vực rừng trọng điểm về phá rừng để có biện pháp ngăn chặn; kiểm tra, xử
lý các đơn vị, tổ chức, cá nhân đưa phương tiện, dụng cụ vào rừng không đúng
quy định; phối hợp với UBND các quận, huyện xác định khu vực cấm, tiến hành lắp
đặt các biển báo cấm để các tổ chức, cá nhân biết và chấp hành; quyết định tạm
dừng đốt thực bì trong những ngày nắng nóng, khô hạn;
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và
Môi trường, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát các dự án đã được UBND
thành phố giao đất lâm nghiệp, nhưng chưa xây dựng phương án trồng rừng thay
thế, yêu cầu các đơn vị phải xây dựng phương án trồng rừng thay thế diện tích
đất đã chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác trình cơ quan thẩm quyền phê
duyệt;
- Tham mưu UBND thành phố rà
soát và điều chỉnh Quy hoạch ba loại rừng; xây dựng và triển khai phương án
phân giao quản lý lâm phận cho các chủ rừng là các Ban Quản lý rừng, các chủ dự
án đã được UBND thành phố giao đất, cho thuê đất, nhưng chưa được giao rừng,
cho thuê rừng;
- Phối hợp với cơ quan tài
nguyên và môi trường cùng cấp để đảm bảo việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi
rừng thống nhất, đồng thời với việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất;
- Hướng dẫn tổ chức tư vấn về
giao rừng, đào tạo về giao rừng cho cán bộ các quận, huyện và xã, phường có
rừng.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
tổ chức thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tại điểm 2, Công
văn số 3076/UBND-KTN ngày 17/4/2013 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và cơ quan Kiểm lâm trong việc quản lý các đơn vị đang
kinh doanh các hoạt động du lịch có sử dụng môi trường rừng và đất lâm nghiệp,
yêu cầu các đơn vị phải có phương án quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy
rừng được cơ quan thẩm quyền phê duyệt;
- Khi triển khai các hoạt động
du lịch trong rừng đặc dụng phải trưng cầu ý kiến tham vấn của Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, cơ quan Kiểm lâm và các đơn vị liên quan trước khi
trình UBND thành phố.
5. Sở Xây dựng
- Phối hợp với các đơn vị liên
quan kiểm tra việc đóng mốc giới, yêu cầu các chủ dự án thực hiện nghiêm việc
đóng mốc ranh giới trên thực địa. Mốc ranh giới phải đạt tiêu chuẩn theo quy
định tại Thông tư số 15/2010/TT-BXD ngày 27 tháng 8 năm 2010 của Bộ Xây dựng về
Quy định cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị;
- Việc khảo sát thực địa phục
vụ công tác quy hoạch và giao đất cho các dự án trên đất lâm nghiệp phải có sự
tham gia của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi trình UBND thành
phố.
6. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư,
Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí hàng
năm để ngành nông nghiệp thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu
các Giám đốc Sở, Thủ trưởng các đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận,
huyện, phường, xã triển khai thực hiện. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn theo dõi kết quả triển khai thực hiện của các Sở, ngành, chính
quyền địa phương các cấp, định kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo UBND thành phố./.