VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM
PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ỦY BAN NHÂN DÂN VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 91/2006/NĐ-CP
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội
đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là Luật Ban hành văn bản) được
Quốc hội thông qua ngày 03/12/2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2005. Nhằm
cụ thể hoá một số điều của Luật Ban hành văn bản, ngày 06/9/2006 Chính phủ đã
ban hành Nghị định số 91/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sau đây viết
tắt là Nghị định số 91/2006/NĐ-CP). Đây là những cơ sở pháp lý rất quan trọng,
có ý nghĩa rất lớn, quy định về thủ tục, trình tự ban hành văn bản quy phạm
pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp.
Trong thời gian qua việc ban hành văn bản quy phạm
pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Bến
Tre bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên nhìn chung thì việc
ban hành văn bản vẫn chưa đảm bảo thủ tục, trình tự luật định, từ đó làm hạn chế
chất lượng và hiệu lực của văn bản, cũng như hiệu quả quản lý Nhà nước. Để lập
lại nề nếp trong việc ban hành văn bản và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm
pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre, đồng
thời thực hiện có hiệu quả Luật Ban hành văn bản, Nghị định số 91/2006/NĐ-CP của
Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Các sở, ban, ngành tỉnh
a) Tổ chức quán triệt nội dung Luật Ban hành văn
bản, Nghị định số 91/2006/NĐ-CP đến toàn thể cán bộ, công chức thuộc ngành,
lĩnh vực mình phụ trách.
b) Hàng năm phối hợp với
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài chính làm tham
mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành ban hành và thực hiện nghiêm Chương trình
xây dựng quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đề xuất Ủy ban nhân dân
tỉnh trình dự thảo Chương trình xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh
theo quy định của pháp luật.
c) Khi tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh soạn thảo
và ban hành văn bản quy phạm pháp luật phục vụ yêu cầu của công tác quản lý thuộc
ngành, lĩnh vực mình phụ trách phải tuân thủ trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản
theo quy định từ Điều 35 đến Điều 40, Mục 1, Chương IV của Luật Ban hành văn bản;
phải triệt để tuân thủ Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày
06/5/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật
trình bày văn bản (sau đây viết là Thông tư liên tịch số
55/2005/TTLT-BNV-VPCP).
d) Phát huy vai trò của tổ chức pháp chế trong
công tác soạn thảo, ban hành văn bản tại cơ quan, đơn vị.
đ) Hàng năm, phối hợp với Sở Tư pháp rà soát hệ
thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thuộc
lĩnh vực, ngành mình quản lý theo quy định tại Điều 10 của Luật Ban hành văn bản
và Điều 12 của Nghị định số 91/2006/NĐ-CP .
2. Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh
a) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân
dân tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Nội vụ và các sở, ban, ngành khác làm
tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Chương trình
xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; giúp Ủy ban nhân dân tỉnh
trong việc ban hành và thực hiện Chương trình xây dựng quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh đúng thời gian quy định.
b) Tổ chức đăng báo và đăng Công báo kịp thời
các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh theo
quy định tại Điều 8 của Luật Ban hành văn bản và Điều 7 của Nghị định số
91/2006/NĐ-CP .
c) Hàng năm chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở
Nội vụ, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng soạn
thảo văn bản cho cán bộ, công chức làm công tác văn bản trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tư pháp
a) Nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản
quy phạm pháp luật; đảm bảo công tác thẩm định đúng thủ tục, trình tự theo quy
định của pháp luật.
b) Tăng cường công tác kiểm tra văn bản theo quy
định của Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra,
xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
c) Thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ thẩm định,
kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật cho các huyện, thị xã.
d) Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức
thực hiện công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
4. Sở Nội vụ
a) Phối hợp với Sở Tư pháp củng cố, kiện toàn tổ
chức pháp chế trong các cơ quan, tổ chức theo quy định tại Nghị định số
122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ.
b) Xây dựng đề án nâng cao trình độ chuyên môn,
nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác văn bản trên địa bàn tỉnh.
c) Xây dựng phương án đảm bảo biên chế cho cán bộ,
công chức làm công tác văn bản trong các cơ quan, tổ chức theo quy định của
pháp luật.
5. Sở Tài chính
a) Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ
Tư pháp dự trù kinh phí hỗ trợ công tác soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp theo quy định
tại Điều 55 của Luật Ban hành văn bản và Điều 25 của
Nghị định số 91/2006/NĐ-CP .
b) Đảm bảo kinh phí phục vụ cho hoạt động kiểm
tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn tại
Thông tư liên tịch số 109/2004/TTLT-BTC-BTP ngày 17/11/2004 của Bộ Tài chính và
Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
6. Hội đồng nhân dân các huyện
và thị xã
a) Tổ chức quán triệt nội dung Luật Ban hành văn
bản; Nghị định số 91/2006/NĐ-CP trong cơ quan, đơn vị.
b) Thực hiện nghiêm thủ tục, trình tự soạn thảo,
ban hành nghị quyết được quy định từ Điều 30 đến Điều 32 Mục 2 Chương III của
Luật Ban hành văn bản. Tổ chức niêm yết, đưa tin và gửi văn bản đúng theo quy định
tại Điều 8 của Luật Ban hành văn bản và Điều 9 của Nghị định số 91/2006/NĐ-CP .
c) Triệt để tuân thủ hướng dẫn của Thông
tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP khi soạn thảo, ban hành văn bản.
7. Ủy ban nhân dân các huyện
và thị xã
a) Tổ chức quán triệt nội dung Luật Ban hành văn
bản, Nghị định số 91/2006/NĐ-CP đến toàn thể cán bộ, công chức trên địa bàn.
b) Triệt để tuân thủ trình tự, thủ tục soạn thảo,
ban hành quyết định, chỉ thị được quy định từ Điều 41 đến Điều 44 Mục 2, Chương
IV của Luật Ban hành văn bản; hướng dẫn của Thông tư liên tịch số
55/2005/TTLT-BNV-VPCP khi soạn thảo, ban hành văn bản.
c) Trước ngày 31/12/2007 phải quy định xong các
địa điểm niêm yết văn bản quy phạm pháp luật của địa phương; thực hiện nghiêm
việc niêm yết, đưa tin và gửi văn bản theo quy định tại Điều 8 của Luật Ban
hành văn bản và Điều 9 của Nghị định số 91/2006/NĐ-CP .
d) Chỉ đạo Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân định kỳ sáu tháng, hàng năm báo cáo tình hình ban hành văn bản quy phạm
pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã về Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp.
đ) Chỉ đạo Phòng Tư pháp thực hiện nghiêm túc
công tác thẩm định dự thảo quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân cùng cấp
theo quy định tại Điều 42 của Luật Ban hành văn bản; tăng cường kiểm tra văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị
trấn theo quy định tại Nghị định số 135/2003/NĐ-CP.
8. Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân các xã, phường, thị trấn.
a) Quán triệt nội dung Luật Ban hành văn bản;
Nghị định số 91/2006/NĐ-CP .
b) Triệt để tuân thủ trình tự, thủ tục soạn thảo,
ban hành nghị quyết, quyết định, chỉ thị được quy định tại Điều 33, Điều 34 và
Điều 45, Điều 46 của Luật ban hành văn bản. Thực hiện nghiêm việc niêm yết, gửi
văn bản theo quy định tại Điều 8 của Luật Ban hành văn bản và Điều 9 của Nghị định
số 91/2006/NĐ-CP .
c) Định kỳ sáu tháng, hàng năm báo cáo tình hình
ban hành văn bản quy phạm pháp luật của của mình về Văn phòng Hội đồng nhân dân
và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã tổng hợp.
9. Tổ chức thực hiện
a) Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn được giao thủ
trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và
các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và thực hiện
nghiêm Chỉ thị này trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách.
b) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã và xã, phường, thị trấn phải xem công tác soạn thảo, ban hành văn bản
quy phạm pháp luật là một trong những tiêu chí để xét thi đua của đơn vị, địa
phương. Định kỳ sáu tháng, hàng năm báo cáo tình hình ban hành văn bản quy phạm
pháp luật trên địa bàn thông qua Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp.
c) Yêu cầu các sở ban, ngành tỉnh, Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã: xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện
nghiêm Chỉ thị này.
Giao cho Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ
trì triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định ký sáu tháng, năm tổng hợp
báo cáo tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh và kết
quả thực hiện Chỉ thị này về Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể
từ ngày ký ban hành./.