ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 05/2006/CT-UBND
|
Đà Nẵng, ngày 06
tháng 3 năm 2006
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Triển khai thực hiện Chỉ thị số
12/CT-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các
biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng, trong thời gian qua, Sở Thủy sản
- Nông Lâm đã phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các
quận, huyện nơi có rừng nỗ lực, tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và
đã thu được những kết quả nhất định, đặc biệt là giữ vững độ che phủ rừng ở mức
trên 41%. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng chưa được giảm
thiểu, tình trạng cháy rừng gia tăng đột biến so với nhiều năm trước, đặc biệt
nổi lên tình trạng chặt phá rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, lấn
chiếm đất rừng trái phép, phá rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất. Nguyên nhân
chính là do các ngành và chính quyền địa phương nơi có rừng chưa thực hiện tốt
trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, chưa phối hợp đồng bộ
trong việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Để tiếp tục làm tốt hơn công
tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn thành phố, triển khai thực hiện có
hiệu quả Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn thành phố, Uỷ ban nhân dân
thành phố Đà Nẵng chỉ thị các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện có rừng thực
hiện những nhiệm vụ sau:
1. Sở Thuỷ sản - Nông Lâm:
a) Chủ trì, phối hợp với
Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tiến hành điều chỉnh quy
hoạch 3 loại rừng: Đặc dụng, phòng hộ, sản xuất theo đúng tiêu chí phân cấp,
phân loại rừng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình Uỷ
ban nhân dân thành phố phê duyệt trong năm 2006 theo hướng: Xây dựng ổn định
lâm phận các khu rừng đặc dụng và phòng hộ, quản lý rừng liền vùng liền khoảnh,
phát huy được tiềm năng và lợi thế khu rừng, tiếp tục đóng cửa rừng tự nhiên,
quy hoạch đất trống đồi núi trọc để trồng rừng nguyên liệu.
b) Phối hợp với chính
quyền địa phương nơi có rừng nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm về giao rừng tự
nhiên cho cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ theo hướng có lợi cho người dân
trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt trong năm 2006.
c) Phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường giám sát chặt chẽ việc ký hợp đồng giao khoán sử dụng đất
của các Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ. Nghiêm cấm việc sử dụng đất theo
hợp đồng khoán để xây dựng nhà ở, công trình, vật kiến trúc trên đất dưới bất
kỳ hình thức nào. Các trường hợp lập hợp đồng khoán có nội dung trái với quy
định của Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ký hợp đồng giao khoán phải chịu
trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân thành phố.
d) Phối hợp với Sở Nội
vụ trình Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét bổ bổ sung cán bộ kiểm lâm cho cơ sở
nhằm tăng cường, củng cố và kiện toàn tổ chức hoạt động của Kiểm lâm, có phương
án tăng cường năng lực, đảm bảo việc thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển
rừng của lực lượng Kiểm lâm.
đ) Chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan tham mưu cho Uỷ ban nhân thành phố ban hành Quy chế quản
lý, khai thác, gây nuôi và phát triển động vật hoang dã trên địa bàn thành phố
Đà Nẵng.
e) Chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan lập dự án theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trình
Uỷ ban nhân thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện tốt công tác này hàng năm
theo đúng yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Sở Tài nguyên và Môi
trường:
Chủ trì, phối hợp với Chi cục
Kiểm lâm và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện nơi có rừng tiến hành rà soát hiện
trạng sử dụng đất lâm nghiệp, kiểm tra, thanh tra việc giao đất, sử dụng đất
lâm nghiệp tại các địa phương có rừng; kiên quyết thu hồi diện tích đất lâm
nghiệp sử dụng không đúng mục đích, giao đất không đúng thẩm quyền; đẩy nhanh
tiến độ giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ
gia đình theo đúng quy định của Luật Đất đai.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các quận, huyện có rừng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
thành phố trong việc quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp tại địa phương
theo Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng
Chính phủ. Trong đó cần chú trọng thực hiện các biện pháp sau:
a) Kiên quyết xử lý
nghiêm minh những đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;
tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhân dân địa phương chấp hành nghiêm chỉnh
Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản có liên quan trong lĩnh vực này.
Qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ và phát triển
rừng trong cộng đồng dân cư.
b) Phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường đẩy mạnh việc giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình tại địa
phương theo đúng quy định của Luật Đất đai, đảm bảo nhân dân vùng rừng có đất
để trồng rừng, phát triển kinh tế. Nghiêm cấm việc giao đất, giao rừng không
đúng thẩm quyền, không đúng loại đất, loại rừng và các hành vi chặt phá rừng để
lấy đất sản xuất.
4. Công an thành phố, Bộ Chỉ
huy quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố:
Tăng cường hơn nữa hoạt động
phối hợp với lực lượng Kiểm lâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đấu
tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;
tăng cường điều tra, xử lý theo pháp luật các vi phạm trong lĩnh vực quản lý,
bảo vệ rừng.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Tài chính:
Cân đối, bảo đảm kinh phí theo
quy định cho việc triển khai kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng hàng năm của các địa
phương và lực lượng Kiểm lâm.
6. Chi cục Kiểm lâm thành
phố:
Có trách nhiệm phối hợp với Uỷ
ban nhân dân quận, huyện nơi có rừng, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy quân sự
thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chú trọng các hoạt động trọng
tâm sau đây:
a) Thường xuyên tổ chức
kiểm tra, truy quét các đối tượng chặt phá rừng, sử dụng các phương tiện để rà
tìm phế liệu trong các khu rừng. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật
về bảo vệ và phát triển rừng.
b) Chỉ đạo các đơn vị
trực thuộc tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân các quận, huyện nơi có rừng thực hiện
tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tiếp tục củng cố và duy trì hoạt động
của Đội Kiểm lâm cơ động, Đội Phòng cháy, chữa cháy rừng và các Tổ phản ứng
nhanh về phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu rừng trên địa bàn thành phố.
c) Kiểm tra, rà soát, thống
kê các cơ sở, trại chăn nuôi sinh sản, điểm thu gom, buôn bán động vật hoang dã
và các cửa hàng ăn uống đặc sản từ động vật hoang dã.
Xử lý nghiêm đối với các cơ sở
quảng cáo, nuôi nhốt, dịch vụ ăn uống, mua bán, vận chuyển và kinh doanh trái
phép động vật hoang dã theo quy định.
d) - Rà soát, sắp xếp
lại các Trạm Kiểm lâm theo hướng quản lý tốt địa bàn.
- Tạm thời không đặt sào
chắn (barie); không dừng các phương tiện đang lưu thông để kiểm soát lâm sản
trên các tuyến giao thông đường bộ (ngoại trừ một số trường hợp cần thiết).
- Tăng cường công tác
quản lý cán bộ, công chức ngành Kiểm lâm trong quá trình thi hành công vụ, tiếp
tục củng cố và kiện toàn lực lượng Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã, phường có
rừng theo Quyết định số 105/QĐ-BNN ngày 17 tháng 10 năm 2000 của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn về nhiệm vụ công chức Kiểm lâm phụ trách địa bàn và gắn
với việc xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư theo
Thông tư số 56/1999/TT-BNN-KL ngày 30 tháng 03 năm 1999 của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
đ) Làm cơ quan thường
trực, thường xuyên nắm tình hình và báo cáo kịp thời về tình hình bảo vệ rừng
để Ủy ban nhân dân thành phố có chỉ đạo phù hợp.
7. Các cơ quan thông tin đại
chúng đóng trên địa bàn thành phố:
Tiếp tục theo dõi, đưa tin và
phản ánh các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng; phối hợp cơ quan Kiểm lâm thực
hiện tốt công tác tuyên truyền bảo vệ rừng tại cơ sở.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số
11/2003/CT-UB ngày 03 tháng 9 năm 2003 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và
có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu
Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện; Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Hoàng Tuấn Anh
|