ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/2011/CT-UBND
|
Sóc Trăng,
ngày 31 tháng 3 năm 2011
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC
THỰC HIỆN CÔNG TÁC BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
Trong các năm qua, các văn bản quy định pháp
luật về bán đấu giá tài sản được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho
việc tổ chức bán đấu giá tài sản tại địa phương, từng bước tạo được sự thống
nhất về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản và đáp ứng phần lớn nhu cầu của
cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hoạt động bán đấu giá tài sản
tại địa phương hiện còn một số vấn đề bất cập, thiếu sự phối hợp giữa các
ngành, các cấp, các tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức bán đấu giá
tài sản chưa bảo đảm đúng theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về bán
đấu giá tài sản.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về bán
đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, ngày
04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, Ủy ban nhân tỉnh Sóc Trăng chỉ
thị:
1. Thủ trưởng các sở, ban ngành, các đơn vị sự
nghiệp công lập, chủ tịch ủy ban nhân các huyện, thành phố và các doanh nghiệp
100% vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có trách nhiệm chấp hành thực
hiện nghiêm các quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản nhà nước; cụ thể như
sau:
a) Thẩm quyền quyết định bán đấu giá tài sản nhà
nước thực hiện theo Quy định phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước
tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức thuộc phạm vi
quản lý của địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (ban hành theo Quyết định số
23/2010/QĐ-UBND, ngày 13/10/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh).
b) Đối với việc bán đấu giá tài sản là tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính thực hiện đúng theo quy định tại khoản 25, Điều
1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung nột số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính
năm 2008.
c) Tài sản bảo đảm trong trường hợp pháp luật về
giao dịch bảo đảm quy định phải xử lý bằng bán đấu giá thực hiện theo quy định
pháp luật về giao dịch bảo đảm.
d) Việc thanh lý, đấu giá tài sản nhà nước (gồm
cả quyền sử dụng đất) thực hiện theo quy định của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP,
ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và Thông tư số 245/2009/TT-BTC,
ngày 12/12/2009 của Bộ Tài chính quy định thực hiện một số nội dung của Nghị
định số 52/2009/NĐ-CP, ngày 03/6/2009 của Chính phủ.
đ) Việc xử lý tài sản thuộc các dự án sử dụng
vốn nhà nước, bao gồm cả dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)
và nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài thuộc ngân sách nhà nước quản lý,
khi dự án kết thúc thực hiện theo quy định của Thông tư số 87/2010/TT-BTC, ngày
15/6/2010 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và xử lý tài sản của các dự án
sử dụng vốn nhà nước khi dự án kết thúc.
e) Việc bán đấu giá tài sản kê biên để thi hành
các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì thực hiện theo
quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
g) Việc bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất
trong truờng hợp nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất
thì phải ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp (Trung tâm dịch vụ
bán đấu giá tài sản tỉnh hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản), trừ các truờng
hợp đấu thầu, đấu giá dự án đầu tư có sử dụng đất; dự án đầu tư nhà ở thương
mại; đấu giá tài sản nhà nuớc trong truờng hợp đặc biệt, tài sản nhà nuớc,
quyền sử dụng đất có giá trị lớn, phức tạp hoặc trong truờng hợp không thuê
được tổ chức đấu giá chuyên nghiệp... (thực hiện theo các quy định pháp luật về
đầu tư, nhà ở, đấu thầu, đấu giá lựa chọn nhà đầu tư và quản lý, sử dụng tài
sản nhà nuớc).
Ðối với quyền sử dụng đất do Trung tâm phát triển
quỹ đất tỉnh quản lý, khi thực hiện bán đấu giá phải ký hợp đồng với tổ chức
bán đấu giá chuyên nghiệp. Trường hợp Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh có đủ
điều kiện theo quy định của pháp luật đấu giá thì được trực tiếp thực hiện bán
đấu giá quyền sử dụng đất.
2. Việc xác định giá khởi điểm của tài sản nhà
nước để thực hiện bán đấu giá, Hội đồng định giá tài sản và chế độ tài chính
của Hội đồng bán đấu giá tài sản thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số
17/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 137/2010/TT-BTC, ngày 15/9/2010 của
Bộ Tài chính quy định giá khởi điểm của tài sản nhà nước bán đấu giá và chế độ
tài chính của Hội đồng bán đấu giá tài sản.
3. Việc thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản
trong trường hợp đặc biệt được thành lập để bán đấu giá tài sản nhà nước thực
hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Thông tư số 245/2009/TT-BTC, ngày
31/12/2009 của Bộ Tài chính.
4. Các cơ quan, đơn vị, địa phương được Ủy ban
nhân dân tỉnh cho phép thanh lý, đấu giá tài sản nhà nước (gồm cả nhà, đất công)
phải ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp (Trung tâm dịch vụ bán
đấu giá tài sản tỉnh hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản), trừ một số trường
hợp nêu tại điểm g, khoản 1 nêu trên.
5. Bãi bỏ Quyết định số 37/2006/QĐ-UBND, ngày
02/8/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, về Quy chế đấu giá nhà thuộc sở
hữu nhà nước, đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất
hoặc cho thuê đất và Quyết định số 641/QĐTC-CTUBND, ngày 14/11/2006 của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc thành lập Hội đồng đấu giá quyền sử
dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.
Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để giao
đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất hiện đang áp dụng theo các quyết
định trên nếu chưa kết thúc, thì Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố tổng hợp, báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, xử lý cụ
thể.
6. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn về tổ chức
đối với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh để bảo đảm thực hiện tốt
chức năng, nhiệm vụ được giao.
b) Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các sở
ngành liên quan xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối
hợp xử lý, bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị
tịch thu, tài sản để thi hành án, tài sản là tang chứng, vật chứng trong quá
trình tố tụng, tài sản bảo đảm trong trường hợp pháp luật về giao dịch bảo đảm
quy định phải xử lý bằng đấu giá và tài sản nhà nước (bao gồm cả nhà, đất) tại
Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh.
c) Phối hợp các ngành chức năng thường xuyên
kiểm tra việc chấp hành thực hiện các quy định nhà nước về bán đấu giá tài sản
đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các công ty 100% vốn
nhà nước, các doanh nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản nhằm phát hiện sai
sót để kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định.
7. Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm:
a) Phối hợp các sở ngành liên quan dự thảo Quyết
định thành lập Hội đồng xử lý tài sản nhà nước và bán đấu giá tài sản nhà nước
trong trường hợp đặc biệt, quy chế làm việc của Hội đồng, quy chế bán đấu giá
tài sản nhà nước trong trường hợp đặc biệt và quy chế bán chỉ định tài sản nhà
nước (theo Điều 20, Nghị định số 52/2009/NĐ-CP của Chính phủ), trình Ủy ban
nhân dân tỉnh quyết định.
b) Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương có
tài sản nhà nước bán đấu giá thực hiện việc xác định và trình duyệt giá khởi
điểm theo quy định, về việc ký kết hợp đồng, chuyển giao tài sản đấu giá cho tổ
chức bán đấu giá chuyên nghiệp (Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc
doanh nghiệp bán đấu giá tài sản).
8. Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
có trách nhiệm: Thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản theo quy định tại khoản
2 Điều 19 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số
137/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính để thực hiện việc bán đấu giá tài sản là tang
vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu theo quy định pháp luật về xử
lý vi phạm hành chính; đồng thời chỉ đạo Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện
ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để tổ chức này cử đấu giá
viên điều hành cuộc bán đấu giá.
9. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10
(mười) ngày kể từ ngày ký.
Giao Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp Sở Tài
chính và các sở ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra
việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ 6 tháng, năm, tổng hợp báo cáo tình hình,
kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.
Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản);
- Bộ Tài chính;
- TT. Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các ban xây dựng Đảng thuộc Tỉnh ủy;
- Các sở, ban ngành tỉnh;
- Các cơ quan TW đóng tại địa phương;
- Mặt trận, các đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: TH, KT, VX, NC, XD, QT, HC.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Trung Hiếu
|