ỦY BAN NHÂN
DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
01/2014/CT-UBND
|
Cần Thơ, ngày
17 tháng 01 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC
TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM, VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ
TỆ NẠN XÃ HỘI
Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Chỉ thị số
07/2009/CT-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2009 về việc tăng cường các biện pháp đấu tranh
phòng, chống tội phạm. Qua 4 năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả
quan trọng như từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và
nhân dân toàn thành phố về trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm; tạo lập
cơ chế phối hợp đồng bộ, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính
trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã
hội; kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, làm giảm một số loại tội phạm
nghiêm trọng; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần
quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn có chiều hướng
gia tăng và diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm mới, tội phạm ma túy, tội phạm
xuyên quốc gia, tội phạm về môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Công
tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm, đặc biệt là tội phạm do nguyên
nhân xã hội còn nhiều hạn chế. Tình hình các băng, nhóm tội phạm có tổ chức,
tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, trộm cắp tài sản và các tụ
điểm tệ nạn xã hội (ma túy, cờ bạc, số đề, đá gà, cá độ bóng đá, mại dâm...)
còn xảy ra nhiều với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, liều
lĩnh gây dư luận xấu trong nhân dân. Bên cạnh đó, theo dự báo tình hình thế
giới và khu vực thời gian tới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động đến
tình hình an ninh trật tự trong nước nói chung và tại thành phố Cần Thơ nói
riêng.
Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do một
số nơi chưa có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa
phương; sự phối hợp giữa các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể trong công
tác đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa thực sự chặt chẽ; công tác phòng ngừa
xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ tuy được quan tâm, nhưng chưa đúng mức, thiếu
đồng bộ; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở nhiều nơi còn
yếu, mang tính hình thức, chưa phát huy hiệu quả; công tác quản lý đối tượng
đặc xá, tù tha về chưa thực sự chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều bất ổn về trật tự xã hội.
Nhằm tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh
phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trên địa bàn thành
phố, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:
1. Các sở, ban ngành thành phố, cơ quan
Trung ương đóng trên địa bàn thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện có kế
hoạch phối hợp với các ngành chức năng và lực lượng Công an tấn công trấn áp
mạnh mẽ các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội tại địa phương
mình, phải xác định đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, huy
động sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và
quần chúng nhân dân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp
trong công tác vận động quần chúng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và
tệ nạn xã hội.
2. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức
thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính
trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm
trong tình hình mới; Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của
Quốc hội khóa XIII về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công
tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm
2013; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục
tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong
tình hình mới; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01 tháng 12 năm 2011 của Ban Bí thư
Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân
bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31
tháng 7 năm 1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống tội phạm
trong tình hình mới; Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2011 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán
người giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2012
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình, mục tiêu quốc gia phòng, chống
ma túy giai đoạn 2012-2015; Quyết định số 1217/QĐ-TTg ngày 06 tháng 9 năm 2012
của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống
tội phạm giai đoạn 2012-2015; Kế hoạch số 92/KH-BCĐ 138/CP ngày 23 tháng 4 năm
2012 của Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án
của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm, các Đề án như “Phát
động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo
dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”; “Xây dựng và
hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm, tăng cường tuyên truyền giáo dục
pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự”; “Đấu tranh phòng,
chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm và tội phạm có
tính quốc tế”; “Đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em, tội
phạm trong lứa tuổi chưa thành niên”, các Dự án “Đầu tư trang bị phương tiện,
vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị nghiệp vụ phục vụ công tác, chiến đấu của cơ
quan cảnh sát điều tra các cấp”; “Tăng cường năng lực phòng, chống tội phạm về
môi trường”; “Phòng, chống các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao”; “Tăng
cường công tác giáo dục, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương
trình”.
Thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu
quốc gia phòng, chống ma túy như “Trang bị phương tiện chiến đấu và giám định
ma túy của lực lượng cảnh sát nhân dân”; “Tăng cường năng lực đấu tranh phòng,
chống tội phạm ma túy của lực lượng Hải quan”; “Xây dựng xã, phường, thị trấn
không có tệ nạn ma túy”; “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý
sau cai nghiện và nghiên cứu, triển khai ứng dụng các bài thuốc, phương pháp y
học trong điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy”; “Thông tin, tuyên
truyền phòng, chống ma túy và giám sát thực hiện Chương trình”.
Thực hiện các đề án của Chương trình hành động
phòng, chống mua bán người như “Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua
bán người trong toàn xã hội”; “Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội
phạm mua bán người”; “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
trở về”; “Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi
thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người”; “Tăng cường hợp tác quốc tế
trong phòng, chống mua bán người”.
3. Tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng,
chống tội phạm; phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm;
phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn thành phố (gọi tắt là Ban Chỉ
đạo 138/TP). Riêng xã, phường, thị trấn kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo 138
cấp xã theo cơ cấu Bí thư Đảng ủy là Trưởng ban, Chủ tịch và Trưởng Công an là
Phó Trưởng ban, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp phường là thành viên để
chỉ đạo thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh,
trật tự trở thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm tội phạm đến mức thấp
nhất theo Kế hoạch của Công an thành phố.
4. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương
phải tập trung triển khai, chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa
phương; đồng thời huy động sự đóng góp từ các nhà hảo tâm, các mạnh thường
quân; vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi
phạm pháp luật bằng nhiều hình thức; tiếp tục xây dựng mới và nhân rộng các mô
hình hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Phát động sâu rộng phong
trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ
biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm, công khai hóa hành
vi vi phạm pháp luật của các đối tượng tệ nạn xã hội để người dân nâng cao ý
thức cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
5. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác tuần tra
canh gác, trong đó lực lượng công an, quân sự làm nòng cốt, thực hiện đa dạng
hóa các hình thức, biện pháp tuần tra để huy động nhân dân cùng tham gia theo
phương châm “Lực lượng tại chỗ, phương tiện, hậu cần tại chỗ và tuần tra giữ
gìn an ninh trật tự tại chỗ”. Công tác tuần tra nhân dân phải được sự huấn
luyện, hướng dẫn nghiệp vụ và chi viện kịp thời của lực lượng công an, quân sự,
đảm bảo tiến hành chặt chẽ, khép kín địa bàn, chú ý các địa bàn phức tạp, trọng
điểm về an ninh trật tự. Bố trí đủ quân số, tuần tra vào những thời điểm tội phạm
thường lợi dụng hoạt động để chủ động phát hiện, bắt quả tang, xử lý kịp thời các
hành vi vi phạm pháp luật.
6. Giao Công an thành phố chỉ đạo lực
lượng nghiệp vụ thực hiện những công tác trọng tâm sau:
- Tiếp tục rà soát toàn diện các đối tượng hình
sự, kinh tế, ma túy, môi trường và tệ nạn xã hội. Chú ý các đối tượng được đặc
xá, tù tha về có hành vi cướp giật, trộm cắp tài sản; các đối tượng có tiền án,
tiền sự về cướp giật, trộm cắp tài sản chuyên nghiệp. Áp dụng đồng bộ các biện
pháp nghiệp vụ để quản lý chặt chẽ di biến động của đối tượng, không để các đối
tượng có điều kiện thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật hoặc tệ nạn xã
hội.
- Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại
tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường và tệ nạn xã hội. Tập trung đấu
tranh quyết liệt, có hiệu quả với các băng, nhóm tội phạm có tổ chức và các tụ
điểm tệ nạn xã hội; các đường dây hoạt động phạm tội liên tuyến, liên tỉnh. Khi
tội phạm xảy ra, lực lượng công an phải đảm bảo có mặt kịp thời, điều tra giải quyết
dứt điểm, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra trường hợp phạm tội liên
tục, phạm tội kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân.
- Tăng cường
công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội, nhất là công tác quản lý nhân hộ
khẩu, quản lý lưu trú, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật
tự như nhà hàng, khách sạn, nhà trọ, vũ trường, karaoke… không để tội phạm và
các đối tượng tệ nạn xã hội lợi dụng hoạt động. Làm tốt công tác vận động nhân
dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, súng tự chế; đấu tranh, ngăn
chặn hành vi mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ trên
địa bàn; không để xảy ra trường hợp sử dụng vũ khí để gây án.
- Phân công lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ Công an
thành phố và lãnh đạo Công an quận, huyện phối hợp với Ban Chỉ đạo 138 phường,
xã, thị trấn chỉ đạo thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp
về an ninh trật tự theo Kế hoạch của Công an thành phố.
- Tiếp tục tổ
chức có hiệu quả diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến của nhân dân” nhằm
làm tốt công tác xây dựng lực lượng công an ngày càng trong sạch, vững mạnh. Ưu
tiên xây dựng, củng cố lực lượng công an cơ sở, lựa chọn những đồng chí được
đào tạo chính quy có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và được quần chúng
nhân dân tín nhiệm phụ trách công an xã, phường, thị trấn để làm nòng cốt cho
phong trào vận động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành thành phố
làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận
thức và hình thành ý thức tôn trọng pháp luật sâu rộng trong nhân dân, góp phần
làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm một cách có hiệu quả.
- Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, khám phá
các vụ án; phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng làm tốt công tác điều tra,
truy tố, xét xử, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, không để oan
sai hoặc sót, lọt tội phạm, góp phần nâng cao tính răn đe của pháp luật đối với
tội phạm.
7. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành đoàn
thể thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có kế hoạch chỉ đạo cán
bộ công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên các ngành, đoàn thể làm
tốt công tác phối hợp với lực lượng công an trong quản lý, giáo dục đối tượng
tại cơ sở. Có chính sách hỗ trợ, cảm hóa, giúp đỡ, tạo việc làm cho người được
đặc xá, tù tha về, đối tượng cai nghiện ma túy tại cộng đồng và các đối tượng
có nguy cơ vi phạm pháp luật ở địa phương… có điều kiện ổn định cuộc sống; vận
động các đối tượng hoàn lương tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa
phương; đồng thời thường xuyên theo dõi, quản lý, không để đối tượng tái phạm hoặc
lợi dụng để hoạt động phạm tội. Các đối tượng tiến bộ cần được tuyên dương khen
thưởng kịp thời và nhân rộng để giáo dục các đối tượng chậm tiến khác.
8. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực
hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trong
nhà trường”; phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan, ban, ngành thực
hiện có hiệu quả mô hình “Ngày Pháp luật” cho đối tượng là học sinh bậc trung
học phổ thông. Đồng thời, có biện pháp tăng cường quản lý, giáo dục, cảm hóa,
giúp đỡ những học sinh chậm tiến, vi phạm pháp luật, tạo điều kiện cho các em
được tiếp tục đến trường.
9. Đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh thành phố Cần Thơ, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố căn cứ chức năng,
nhiệm vụ tổ chức các chương trình hành động nhằm thu hút đoàn viên, hội viên
cùng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã
hội; tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả về quản lý, cảm hóa, giáo dục và
hỗ trợ thanh thiếu niên chậm tiến trên địa bàn dân cư.
10. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công
an thành phố làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật
trong nhân dân, đặc biệt là trong “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam” (ngày 09/11 hàng năm). Công tác giáo dục pháp luật phải được
thực hiện thường xuyên, kịp thời, đa dạng về biện pháp, phù hợp với từng loại
đối tượng.
11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận,
huyện làm tốt công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giảm tỷ lệ thất
nghiệp trong nhân dân. Có biện pháp, chính sách thích hợp để hỗ trợ các đối
tượng sau cai nghiện, đối tượng đặc xá, tù tha về… có điều kiện tái hòa nhập
cộng đồng, ổn định cuộc sống, không tái phạm. Thực hiện tốt chế độ, chính sách
hỗ trợ đối với các tập thể, cá nhân bị thiệt hại về tài sản, bị thương hoặc hy
sinh khi tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
12. Sở Thông tin và Truyền thông theo
chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Tư pháp, Công an thành phố và các ngành có liên
quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; vận động
toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm trên các phương tiện thông tin đại
chúng. Kịp thời biểu dương gương người tốt việc tốt; các tập thể, cá nhân điển
hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ
nạn xã hội.
13. Đài Phát thanh và Truyền hình thành
phố, Báo Cần Thơ và các cơ quan thông tin đại chúng mở các chuyên trang tuyên
truyền kết quả công tác tấn công trấn áp tội phạm và các hoạt động của phong
trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn thành phố. Đưa tin gương
người tốt việc tốt, những nhân tố tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội
phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội… để động viên, khích lệ quần chúng
nhân dân hăng hái tham gia.
14. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa
án nhân dân thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ
điều tra, truy tố, xét xử những vụ án đã khám phá. Tổ chức nhiều phiên tòa xét
xử lưu động phục vụ công tác tuyên truyền và tăng cường tính răn đe, giáo dục
chung. Thường xuyên làm tốt công tác tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác
điều tra, truy tố, xét xử. Qua đó tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân biết
những thủ đoạn, phương thức phạm tội, nhất là những loại tội phạm rất nguy
hiểm, đặc biệt nguy hiểm, tội phạm phi truyền thống… để nhân dân đề cao cảnh
giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
15. Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo
chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động tại các chốt gác đã được xây dựng.
Khảo sát xây dựng mới những chốt gác tại những điểm phức tạp về an ninh trật tự
để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ
nạn xã hội. Kinh phí phục vụ xây dựng mới và hoạt động tại các chốt gác được
trích từ ngân sách cấp cho địa phương và sự đóng góp của các mạnh thường quân,
phải thực hiện đúng nguyên tắc tài chính theo quy định.
16. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các
tổ chức thành viên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các ban
ngành trong việc tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; xem công
tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các tổ chức,
đoàn thể; có biện pháp thiết thực vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh
phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội. Triển khai sâu
rộng, có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu
dân cư”; xây dựng và nhân rộng mô hình các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn “3
không” (không tội phạm, không ma túy, không mại dâm).
17. Giao Công an thành phố kiểm tra, đôn
đốc các sở, ban ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân quận, huyện trong việc triển
khai thực hiện Chỉ thị này, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy
ban nhân dân thành phố.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27
tháng 01 năm 2014, đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là ngày 22 tháng 01 năm 2014 và
thay thế Chỉ thị số 07/2009/CT-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân
dân thành phố./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (HN-TP.HCM);
- Bộ Tư pháp (Cục KTVB);
- Bộ Công an (C41, C42);
- TT TU, TT. HĐND TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- TV UBND thành phố;
- VP Đoàn ĐBQH;
- UBMTTQ TP và các đoàn thể;
- TAND, VKSND TP;
- Sở, ban ngành TP;
- UBND quận, huyện;
- UBND xã, phường, thị trấn;
- Cổng TTĐT CP, Cổng TTĐT TPCT;
- Báo Cần Thơ, TT. TH-CB;
- Phòng Pháp chế CATP;
- Lưu: VT, NNQ
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Hùng Dũng
|