CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG
CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KIỂM SOÁT, ĐẢM BẢO AN TOÀN BỨC XẠ TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH CÀ MAU
Cùng với sự phát triển của khoa học và công
nghệ, kỹ thuật bức xạ đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong các lĩnh vực
của đời sống và đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ cho phát triển kinh tế, xã
hội. Công tác quản lý nhà nước về kiểm soát bức xạ, đảm bảo an toàn bức xạ và
việc chấp hành của các cơ sở có sử dụng nguồn bức xạ trong thời gian qua đã có
những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ
giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý; một số cơ sở có sử dụng nguồn
bức xạ chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn bức xạ và kiểm soát
bức xạ theo quy định như: không khai báo, đăng ký nguồn; hoạt động không có
giấy phép; thiết bị không được kiểm tra định kỳ; phòng đặt thiết bị chưa đạt
tiêu chuẩn; cán bộ quản lý cơ sở bức xạ và cán bộ chuyên môn chưa được đào tạo,
tập huấn; trang thiết bị, phương tiện để đảm bảo an toàn bức xạ chưa đạt yêu
cầu.
Để khắc phục những tồn tại trên và nhằm tăng
cường công tác quản lý nhà nước về kiểm soát bức xạ, đảm bảo an toàn bức xạ
trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành,
UBND huyện, thành phố Cà Mau và các cơ sở có sử dụng nguồn bức xạ, phóng xạ
thực hiện nghiêm túc các nội dung sau đây:
1. Sở Khoa học và Công nghệ:
a) Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành,
tổ chức đoàn thể, UBND huyện, thành phố Cà Mau và các cơ quan thông tin đại
chúng để đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở có sử dụng nguồn bức
xạ, phóng xạ thực hiện đúng các quy định pháp luật về an toàn bức xạ và kiểm
soát bức xạ.
b) Tổ chức tốt công tác quản lý nhà nước về kiểm
soát bức xạ, đảm bảo an toàn bức xạ:
- Đảm bảo thực hiện đúng các quy định về khai
báo, đăng ký, cấp phép đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn bức xạ, đặc
biệt là việc sử dụng máy X-quang trong lĩnh vực y tế.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định
kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định về an toàn bức xạ của các tổ chức,
cá nhân và xử lý kịp thời, kiên quyết các vi phạm về an toàn bức xạ theo quy
định của pháp luật.
c) Thống kê
các nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, chất thải phóng xạ và các hoạt động bức xạ
tại địa phương theo quy định của pháp luật.
d) Kiện toàn
tổ chức, bồi dưỡng chuyên môn, trang bị các thiết bị bảo hộ, điều kiện làm việc
cho cán bộ nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an
toàn bức xạ và kiểm soát bức xạ. Hướng dẫn các cơ sở tiến hành công việc bức
xạ, xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở và tham mưu cho Ủy ban
nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh.
đ) Hàng năm,
tổng hợp báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ (qua Cục An toàn bức xạ và hạt nhân)
và Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30/12 hàng năm.
2. Sở Y tế:
a) Tăng cường
chỉ đạo các cơ sở y tế có hoạt động bức xạ thực hiện đầy đủ các quy định về an
toàn bức xạ; hướng dẫn xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và kiện toàn
nguồn nhân lực, bảo đảm thực hiện tốt các quy định pháp luật về an toàn bức xạ.
b) Cấp giấy
phép hành nghề y, dược đối với những cơ sở y tế có sử dụng nguồn bức xạ sau khi
được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ.
c) Phối hợp
với Sở Khoa học và Công nghệ thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về việc
thực hiện an toàn bức xạ của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
3. Cục Hải
quan:
Chỉ làm thủ
tục thông quan cho nguồn bức xạ, hàng hoá chứa chất phóng xạ khi có giấy phép
của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời thông báo cho Sở Khoa học và Công nghệ
biết bằng văn bản để theo dõi và hướng dẫn khai báo, đăng ký và xin giấy phép
hoạt động. Trong trường hợp không đủ điều kiện thông quan thì báo cho Sở Khoa
học và Công nghệ biết để phối hợp xử lý.
4. Công an
tỉnh:
Phối hợp với
Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức:
a) Kiểm tra
việc thực hiện các quy định của pháp luật về vận chuyển chất phóng xạ, chất thải
phóng xạ và nguồn phóng xạ.
b) Điều tra
các vụ mất nguồn phóng xạ, kinh doanh và sử dụng nguồn bức xạ trái phép.
5. Các cơ
sở có hoạt động bức xạ:
a) Thực hiện
đúng các quy định của pháp luật về kiểm soát bức xạ, đảm bảo an toàn bức xạ;
thực hiện các thủ tục khai báo, đăng ký cấp phép tiến hành công việc bức xạ;
kiểm tra máy móc, thiết bị định kỳ theo quy định của pháp luật.
b) Sử dụng cán
bộ quản lý hoạt động bức xạ và cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn theo quy
định.
c) Tổ chức
kiểm xạ, bảo đảm liều chiếu xạ không vượt quá liều giới hạn.
d) Phải có
biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố bức xạ xảy ra; xây dựng và tổ chức thực
hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở.
đ) Kiểm tra,
rà soát quy trình kỹ thuật sử dụng nguồn phóng xạ.
e) Phải có
biện pháp bảo vệ môi trường; bảo vệ sức khỏe của nhân dân, nhân viên bức xạ;
bảo vệ nguồn bức xạ, phóng xạ, kiểm soát chất thải phóng xạ.
f) Hàng năm
báo cáo kết quả về việc thực hiện công tác an toàn bức xạ của cơ sở đến Sở Khoa
học và Công nghệ trước ngày 01 tháng 12 để tổng hợp báo cáo Bộ Khoa học và Công
nghệ và Ủy ban nhân dân tỉnh.
6. Các tổ
chức, cá nhân có hoạt động bức xạ khi vận chuyển chất phóng xạ dạng rắn, lỏng,
khí trên các phương tiện giao thông phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp
luật về vấn đề này.
Ủy ban nhân
dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thành phố
Cà Mau triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện
có phát sinh vướng mắc, các cơ quan, đơn vị và cá nhân phản ánh về Sở Khoa học
và Công nghệ để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp
thời./.