CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÙNG
CỬA SÔNG VÀ VEN BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng
11 năm 2005, Quyết định số 31/2006/QĐ-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban
nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Bạc Liêu đến
năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Thời gian qua, công
tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành quan tâm
chỉ đạo thực hiện, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên
cạnh đó vẫn còn tồn tại những bất cập như: Một bộ phận cộng đồng dân cư chưa ý
thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, vẫn còn tình trạng khai
thác, sử dụng bừa bãi nguồn tài nguyên và môi trường vùng cửa sông, ven biển;
các hoạt động nuôi trồng thủy sản và các mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
trong quá trình hoạt động không đầu tư các biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm
môi trường và thải chất thải trực tiếp ra môi trường xung quanh; công tác phối
hợp giữa các cấp, các ngành trong phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường và ứng
phó sự cố môi trường đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và
hoạt động vận chuyển dầu khí, hóa chất,... chưa được chặt chẽ, đồng bộ và
thường xuyên.
Để khắc phục những bất
cập trên, góp phần tăng cường công tác bảo vệ môi trường vùng cửa sông và ven
biển trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị cho các sở, ban, ngành, Ủy
ban nhân dân các huyện, thị và các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan thực
hiện các nội dung sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị có trách nhiệm:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục
nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và bảo
vệ môi trường vùng cửa sông, ven biển nói riêng cho đội ngũ cán bộ, công chức
và toàn thể cộng đồng dân cư trên địa bàn;
- Đẩy mạnh công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường
đối với mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đảm bảo kiểm
soát và quản lý chặt chẽ đối với mọi nguồn thải ở vùng cửa sông và ven biển,
nhất là đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, các khu, cụm công nghiệp, các cơ
sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các khu đô thị, khu dân cư tập trung ven
biển, kể cả các nguồn thải ven sông, kênh rạch trong nội địa; đẩy mạnh công tác
phòng ngừa ô nhiễm và ứng phó sự cố môi trường, đặc biệt là đối với hoạt động
giao thông vận tải, vận chuyển dầu khí, hóa chất...;
- Tăng cường công tác
thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
đối với hoạt động khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên vùng cửa sông và ven biển
như các hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác và đánh bắt thủy, hải sản,
giao thông vận tải, khai thác khoáng sản và các hoạt động khác có nguy cơ gây
tác động xấu đến môi trường vùng cửa sông, vùng ven biển; xử lý theo quy định
của pháp luật đối với các hành vi vi phạm. Riêng Ủy ban nhân dân các huyện Hòa Bình, Đông Hải và thị xã Bạc Liêu có trách
nhiệm phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác
điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường vùng cửa sông và ven biển, từng
bước quy hoạch, phân vùng chức năng để khai thác và sử dụng bền vững; có kế
hoạch phối hợp, chủ động ứng phó sự cố môi trường, nhất là sự cố tràn dầu trên
địa bàn.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp
với các ngành chức năng có liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các
nhà đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch có tác động đến
nguồn tài nguyên và môi trường vùng cửa sông, ven biển phải tiến hành lập báo
cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường, chỉ
được phép triển khai hoạt động sau khi báo cáo ĐTM được phê duyệt. Tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ
môi trường, có biện pháp xử lý dứt điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đẩy mạnh công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường,
đảm bảo chủ động trong công tác phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường và ứng phó
sự cố môi trường, sự cố tràn dầu; có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với việc
khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên và môi trường vùng cửa sông và ven biển,
nhất là đối với việc khai thác sử dụng bãi bồi, rừng phòng hộ, các hệ sinh thái
ven biển phải đúng mục đích sử dụng đất, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi
trường và các quy định pháp luật khác có liên quan.
3. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường và các ngành chức năng có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị:
- Tổ chức
thực hiện công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường vùng cửa sông,
ven biển, nhất là đối với nguồn tài nguyên thủy sinh vật, tài nguyên rừng và
đất ngập nước ven biển để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững;
- Tăng cường
công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh
tham gia bảo vệ, phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; tăng cường
kiểm soát và quản lý đối với việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng các loại hóa
chất bảo vệ thực vật, phân bón trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy
sản cũng như các phương tiện đánh bắt thủy, hải sản nhằm góp phần bảo vệ môi
trường, nguồn tài nguyên cửa sông và ven biển;
- Thực hiện
tốt chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,
đảm bảo các điều kiện về xử lý chất thải chăn nuôi, hố xí hợp vệ sinh và các
điều kiện khác nhằm đáp ứng yêu cầu cuộc sống của người dân, nhất là các hộ dân
vùng ven biển trên địa bàn tỉnh;
- Phối hợp
với các ngành chức năng có biện pháp phòng chống sự cố sạt lở và bồi lắng vùng
cửa sông, ven biển kể cả hệ thống sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Khoa
học và Công nghệ có trách nhiệm nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật,
công nghệ xử lý chất thải, các mô hình sản xuất, canh tác bền vững, thân thiện môi
trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khai thác, sử dụng tài
nguyên thiên nhiên, nhất là đối với vùng cửa sông và ven biển của tỉnh.
5. Sở Giao
thông vận tải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ các phương tiện giao thông, vận
tải đường thủy trong quá trình hoạt động phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi
trường, các quy định của pháp luật về giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với các
phương tiện giao thông thủy và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
6. Sở Công
thương chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các
huyện, thị tiến hành rà soát lại các điểm chợ tự phát, các cơ sở kinh doanh
xăng dầu, kho xăng dầu ven sông, kênh rạch có nguy cơ gây tác động xấu đến môi
trường vùng cửa sông và ven biển, đồng thời có biện pháp quy hoạch, bố trí lại
cho phù hợp với quy định của pháp luật.
7. Sở Thông
tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức đoàn
thể tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường trên các
phương tiện truyền thông và thông tin đại chúng như: Phát hành các ấn phẩm, tờ
rơi, áp phích; đưa tin, phổ biến trên báo, đài về công tác bảo vệ môi trường cũng
như công tác bảo vệ môi trường vùng cửa sông và ven biển.
8. Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tiến hành
điều tra, khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển du lịch đối với các khu, hệ
sinh thái ven biển đặc hữu, có tính đa dạng sinh học cao, qua đó có kế hoạch phát
triển các mô hình du lịch sinh thái, các mô hình kết hợp giữa bảo tồn và phát
triển du lịch theo hướng bền vững, có biện pháp nhân rộng các mô hình có hiệu
quả.
9. Sở Tài
chính chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan bố trí kinh phí cho sự
nghiệp môi trường theo quy định của pháp luật và phù hợp với khả năng ngân sách
hàng năm của địa phương. Đồng thời, có biện pháp đa dạng hóa các nguồn đầu tư
cho công tác bảo vệ môi trường của tỉnh, đẩy mạnh huy động nguồn vốn ODA, các
nguồn vốn tài trợ trong và ngoài nước kết hợp với ngân sách Nhà nước để tăng
cường đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường của tỉnh.
Các sở, ban, ngành
cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và
quyền hạn có trách nhiệm triển khai thực hiện tốt nội dung Chỉ thị này và định
kỳ báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc về Ủy ban nhân dân tỉnh
để có hướng chỉ đạo, xử lý kịp thời./.