CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 654/BC-CP
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 10 năm 2024
|
BÁO CÁO TÓM TẮT
CÔNG
TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2024
Thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018;
Thông báo số 4259/TB-TTKQH ngày 19/9/2024 của Tổng Thư ký Quốc hội thông báo Kết
luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các báo cáo công tác năm 2024 và Văn bản
số 4117/UBTP15 ngày 13/9/2024 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc hoàn thiện
báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ xin báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống
tham nhũng như sau:
I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC PCTNTC
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn
thiện thể chế về PCTNTC
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo,
chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương thực hiện nghiêm túc Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo
Trung ương về PCTNTC.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo rà
soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về
quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC, nhất là xử lý những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn,
vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được chỉ ra qua kết quả chỉ đạo
rà soát của Đảng đoàn Quốc hội và Kết luận kiểm tra của Ban Chỉ đạo.
2. Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham
nhũng
Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng
được thể hiện thông qua kết quả các nội dung là: Việc công khai, minh bạch về tổ
chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc xây dựng và thực hiện định
mức, tiêu chuẩn, chế độ; việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ,
quyền hạn; việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác; việc thực hiện cải cách
hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý; việc thực hiện Đề án đẩy
mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; việc thực hiện các quy định về kiểm soát
tài sản, thu nhập; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham
nhũng.
3. Công tác thanh tra, kiểm toán
Qua thanh tra phát hiện nhiều hành vi vi phạm, kiến
nghị xử lý hành chính 7.629 tập thể và 8.714 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử
lý theo thẩm quyền 372 vụ việc. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị xử
lý 392 người; chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền 25 vụ việc.
Kết quả kiểm toán: Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị
xử lý tài chính 48.670,38 tỷ đồng.
4. Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng
- Các Cơ quan điều tra trong lực lượng Công an Nhân
dân đã thụ lý điều tra 1.538 vụ án với 3.897 bị can phạm tội về tham nhũng. Đã
đề nghị truy tố 856 vụ án với 2.686 bị can. Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc
phòng đã điều tra 23 vụ án với 70 bị can; đề nghị truy tố 11 vụ án với 57 bị
can.
- Viện kiểm sát Nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết
1.186 vụ với 3.869 bị can, đã giải quyết 1.006 vụ với 3.242 bị can.
- Tòa án Nhân dân các cấp đã giải quyết sơ thẩm
1.154 vụ với 3.201 bị cáo về các tội phạm tham nhũng; Đã xét xử 917 vụ với
2.418 bị cáo.
- Tổng số việc phải thi hành án hình sự về tham
nhũng, kinh tế là 12.877 việc, có điều kiện thi hành 10.944 việc, đã thi hành
xong 9.211 việc.
II. ĐÁNH GIÁ VỀ CÔNG TÁC PCTNTC
VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ PCTNTC NĂM 2025
1. Đánh giá về công tác PCTNTC
a) Đánh giá chung: Năm 2024, công tác phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực thường xuyên được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo,
nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; các bộ, ngành, địa phương, các cơ
quan có chức năng PCTNTC đã tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải
pháp, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu
ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng
tình, hưởng ứng, đánh giá cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường
quốc tế.
b) Tồn tại, hạn chế: Việc khắc phục những sơ hở, bất
cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt
ra; Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn
diện; Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc
phục; Việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn; Giá
trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn.
2. Phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025
- Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương
trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của
Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về PCTNTC.
- Nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu
cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính,
kiên quyết chấn chỉnh, xử lý tình trạng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy,
sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên.
- Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể
chế về PCTNTC.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra,
kiểm toán tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
- Giải quyết kịp thời các tố cáo, kiến nghị, phản
ánh về tham nhũng, tiêu cực liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.
- Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố,
xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận
xã hội quan tâm.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác PCTNTC ở địa phương,
cơ sở, khắc phục tệ “tham nhũng vặt” và tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
III. KIẾN NGHỊ
1. Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp
tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, vướng mắc
dễ tạo điều kiện cho tham nhũng tiêu cực trong các văn bản quy phạm pháp luật.
2. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, truyền thông và Nhân dân
tăng cường phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp thực hiện
tốt hoạt động giám sát, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTNTC.
Chính phủ trân trọng báo cáo Quốc hội./.