ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------
|
Số:
58/BC-UBND
|
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 5 năm 2009
|
BÁO CÁO
VỀ 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2003/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG
3 NĂM 2003 CỦA CHÍNH PHỦ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Thực hiện Công văn số
1281/BNV-TH ngày 05 tháng 5 năm 2009 của Bộ Nội vụ về kiểm tra, khảo sát, đánh giá
việc triển khai, thực hiện Nghị định số 19/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2003
của Chính phủ quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp
trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý
Nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố xin báo cáo về 5 năm thực hiện Nghị định số
19/2003/NĐ-CP ở thành phố Hồ Chí Minh như sau:
A.- TÌNH
HÌNH TRIỂN KHAI NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2003/NĐ-CP VÀ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU 5 NĂM THỰC
HIỆN:
I. TÌNH HÌNH TRIỂN
KHAI NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2003/NĐ-CP:
Để triển khai thực hiện Nghị định
số 19/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành
phố đã ban hành văn bản số 8275/UB-TM ngày 31 tháng 12 năm 2004 chỉ đạo Thủ trưởng
các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và thành viên Ban Vì
sự tiến bộ phụ nữ thành phố tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số
19/2003/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời chỉ đạo triển khai sâu rộng đến phường -
xã - thị trấn, cấp Ủy các khu phố, Ban điều hành tổ dân phố, ấp quán triệt và
nhận thức nội dung của Nghị định, xác định vai trò trách nhiệm của chính quyền
các cấp trong việc tạo điều kiện về mọi mặt để các cấp Hội Phụ nữ tham gia quản
lý nhà nước.
Tại các địa phương, Ủy ban nhân
dân quận - huyện đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn xây dựng nội
dung, kế hoạch và tổ chức ký kết liên tịch với Hội Liên hiệp Phụ nữ để có sự phối
hợp chặt chẽ, đồng bộ trong quá trình thực hiện Nghị định.
Bên cạnh đó, để thực hiện
Kế hoạch số 52/KH-ĐCT của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp
Phụ nữ thành phố đã triển khai kế hoạch số 45/KH-PN ngày 28 tháng 7 năm 2003 về
thực hiện Nghị định số 19/2003/NĐ-CP của Chính phủ đến tận cấp Hội cơ sở. Các cấp
Hội đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị định trong cán bộ, hội viên phụ nữ
bằng nhiều hình thức phong phú như sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, mạn đàm, thi đố,
hái hoa dân chủ lồng ghép trong những dịp tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của
dân tộc, của giới và trong các dịp sinh hoạt định kỳ của chi Hội, tổ Hội và các
loại hình tập hợp đa dạng của tổ chức Hội. Tổng cộng các cấp Hội cơ sở đã tổ chức
được 11.958 cuộc tuyên truyền, tọa đàm với 920.766 lượt người tham dự.
II. KẾT QUẢ THỰC
HIỆN CÁC NỘI DUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2003/NĐ-CP:
1. Cơ quan hành chính Nhà nước
các cấp đã tạo điều kiện để Hội phụ nữ các cấp tham gia thảo luận, đề xuất ý kiến
trong quá trình xây dựng kế hoạch Nhà nước, các vấn đề kinh tế - xã hội có liên
quan đến phụ nữ, trẻ em:
Ủy ban nhân dân thành phố luôn tạo
điều kiện thuận lợi cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng,
bổ sung, sửa đổi luật pháp cũng như các chương trình, kế hoạch phát triển kinh
tế, văn hóa, xã hội hàng năm của thành phố, quận - huyện, phường - xã thông qua
các kỳ họp của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; tham gia đóng góp vào những
vấn đề quan trọng như giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chương
trình xóa đói giảm nghèo; phối hợp thực hiện chương trình mục tiêu “3 giảm”; phối
hợp thực hiện công tác nghĩa vụ quân sự; công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân
dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, nhiệm kỳ
2007-2012, công tác phổ cập giáo dục; thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực
hành tiết kiệm. Ngoài ra còn thường xuyên mời Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia những
vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em như góp ý và triển khai Luật Bình đẳng giới,
lấy ý kiến trong việc tổ chức đốt pháo hoa, tình hình phụ nữ kết hôn với người
nước ngoài…
Về phía Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội
đã tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi, thu thập ý kiến rộng rãi trong phụ nữ
các giới để tham gia đóng góp ý kiến trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các
văn bản luật có liên quan như Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật
Phòng chống bạo hành gia đình, Luật Dân sự, Luật Đất đai, đóng góp xây dựng đề
án “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện”,
tham gia xây dựng các tiêu chí xây dựng quy ước Ấp, Tổ dân phố, các chính sách
và phương án bồi thường, tái định cư, giải tỏa trên địa bàn, các chính sách nhằm
chăm lo người lao động có thu nhập thấp, việc chuyển đổi ngành nghề, giải quyết
việc làm, các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng. Qua đó vừa nâng cao nhận thức
vai trò của tổ chức Hội trong việc tham gia quản lý nhà nước, đồng thời góp phần
giúp các chính sách khi được ban hành có tính khả thi, đảm bảo được quyền và lợi
ích hợp pháp của người dân đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em. Từ đó khẳng định
vai trò đóng góp tích cực của các cấp Hội phụ nữ trong việc tham gia quản lý
Nhà nước, cũng như trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp
luật của Nhà nước.
2. Tạo điều kiện để Hội Phụ nữ
tham gia trong các Hội đồng tư vấn với tư cách là thành viên chính thức:
Hội Phụ nữ các cấp được tạo điều
kiện tham gia trong các Hội đồng tư vấn, Ban chỉ đạo với vai trò là thành viên
chính thức, được thảo luận, tham gia góp ý các chương trình hoạt động có liên
quan đến việc xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, giữ gìn an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Cụ thể như:
- Trong các Hội đồng: Hội đồng
phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật; Hội đồng nghĩa vụ quân sự; Hội đồng
Trọng tài lao động thành phố; Hội đồng Thi đua - Khen thưởng; Hội đồng bồi thường,
giải phóng mặt bằng; Hội đồng Giáo dục quốc phòng.v.v…
- Trong các Ban Chỉ đạo: Ban Chỉ
đạo Xóa đói giảm nghèo và Việc làm thành phố; Ban Chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây
dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; Ban Chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh đô
thị; Ban Chỉ đạo di dời giải tỏa chợ; Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình vệ
sinh môi trường nông thôn; Ban vận động Vì người nghèo; Ban An toàn giao thông;
Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, ma túy và các tệ nạn xã hội…
Với vai trò là thành viên chính
thức, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã làm tốt vai trò của mình, giúp cho chính quyền
trong việc phát hiện vấn đề, nghiên cứu và đề xuất những chính sách phù hợp, đồng
thời chủ động thực hiện tốt công tác phối hợp liên tịch với các ngành trên nhiều
lĩnh vực để đem lại hiệu quả thiết thực cho phong trào chung cũng như phong
trào của Hội như:
- Phối hợp với Trường Cán bộ
thành phố, các trường Đại học tổ chức lớp đào tạo về lý luận chính trị, nghiệp
vụ công tác Hội và cử nhân xã hội học; phối hợp Sở Bưu chính và Viễn thông (nay
là Sở Thông tin và Truyền thông) tổ chức chương trình đào tạo tin học căn bản
cho cán bộ Hội cơ sở.
- Liên tịch với Sở Giáo dục và
Đào tạo thực hiện công tác xóa mù chữ và giáo dục phổ cập tiểu học sau xóa mù
chữ cho trẻ em gái và phụ nữ dưới 40 tuổi.
- Thực hiện Nghị quyết liên tịch
số 01/NQ-LT với ngành công an về “Giáo dục con em trong gia đình không phạm tội
và tệ nạn xã hội” thông qua việc thực hiện xây dựng chi hội, tổ Hội an toàn và
vận động thực hiện “4 không” với ma túy.
- Liên tịch với Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch thực hiện phong trào “Mỗi hội viên phụ nữ chọn cho mình một môn
thể thao thích hợp để luyện tập hàng ngày”.
- Liên tịch với Sở Tài nguyên và
Môi trường phối hợp thực hiện các hoạt động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường
như phân loại rác từ nguồn, tiết kiệm nước và năng lượng, xây dựng câu lạc bộ
phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường.
- Liên tịch với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố thực hiện
chương trình hỗ trợ tín dụng - tiết kiệm cho phụ nữ nghèo; hỗ trợ xây dựng
7.122 nhà vệ sinh hợp quy cách, 1.265 hầm biogas trị giá trên 27 tỉ đồng; mô
hình tổ liên kết hợp tác ở huyện Củ Chi như tổ chăn nuôi bò sữa, sản xuất bánh
tráng và đã nhân rộng ra: tổ may gia công ở Nhà Bè, tổ nuôi tôm sú ở Cần Giờ, hợp
tác xã trồng rau sạch ở Bình Chánh, Hóc Môn; xây dựng thí điểm mô hình nông
thôn mới tại ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi; tổ chức các lớp chuyển
giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi vật nuôi cây trồng ở các quận - huyện.
- Phối hợp với Sở Y tế thực hiện
chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, dự án cải thiện tình trạng viêm nhiễm
phụ khoa trong phụ nữ ngoại thành, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động
thực hiện kế hoạch hóa gia đình, góp phần hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của
thành phố.
- Liên tịch với Ban An toàn giao
thông thực hiện phong trào “Phụ nữ thành phố tích cực tham gia giữ gìn trật tự
an toàn giao thông và trật tự đô thị”.
Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ
còn phát huy hiệu quả vai trò Phó Trưởng ban thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ
nữ các cấp trong góp phần thực hiện đạt các chỉ tiêu của Chiến lược Quốc gia Vì
sự tiến bộ phụ nữ về giải quyết việc làm cho lao động nữ; các quyền bình đẳng của
của phụ nữ trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe; nâng cao chất lượng và hiệu quả
hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để
tăng số phụ nữ được giới thiệu và bầu tham gia lãnh đạo các cấp, các ngành.
3. Tạo điều kiện để Hội Phụ nữ
thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách có liên
quan đến phụ nữ, trẻ em:
Về thực hiện chức năng kiểm tra,
giám sát việc thực hiện các chính sách có liên quan đến phụ nữ, trẻ em; Hội Phụ
nữ đã tham gia thành viên trong các đoàn kiểm tra, giám sát như kiểm tra việc
thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ; kiểm tra, giám sát thực hiện
Quy chế dân chủ cơ sở; việc thực hiện Bộ Luật Lao động ở các doanh nghiệp có
đông lao động nữ; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống
văn hóa ở khu dân cư”; thực hiện công tác bầu cử Hội đồng nhân dân; thực hiện nếp
sống văn minh đô thị, vệ sinh môi trường; việc di dời, giải tỏa; hỗ trợ trong
chuyển đổi ngành nghề đối với những hộ sử dụng xe 3, 4 bánh tự chế, những hộ có
đất bị thu hồi. Qua công tác kiểm tra, một số quận - huyện Hội đã kịp thời đề
xuất và kiến nghị Ủy ban nhân dân điều chỉnh một số nội dung chỉ đạo không còn
phù hợp hoặc chưa sát với thực tế tại địa phương như chính sách đào tạo nghề và
giới thiệu việc làm cho phụ nữ, chính sách nhà ở cho người lao động có thu nhập
thấp, chăm lo đời sống tinh thần cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa, đồng thời
kiến nghị với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các đơn vị sản
xuất có nhiều lao động nữ quan tâm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, thực
hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động; về công tác
thi đua - khen thưởng, lấy kết quả hoạt động của Chi hội phụ nữ khu phố, Hội
Liên hiệp Phụ nữ phường, Hội Phụ nữ chợ hàng năm là chỉ tiêu bắt buộc để xem
xét, công nhận khu phố văn hóa, phường văn hóa, chợ văn hóa.
Trong 5 năm qua, để cung cấp
thêm kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Hội trong thực hiện công tác kiểm tra, giám
sát và phản biện xã hội các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của
phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phối hợp tổ chức 09 lớp tập huấn
về “Nâng cao năng lực cho phụ nữ trong công tác kiểm tra, giám sát” cho 950 cán
bộ Hội từ thành phố đến cơ sở và thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ. Hội cũng
đã từng bước nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ, hội viên về pháp luật, kỹ
năng nghiệp vụ công tác Hội, kỹ năng nắm bắt dư luận xã hội, xây dựng lực lượng
tuyên truyền viên cơ sở. Ngoài ra, Hội còn chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng kiến
thức cho cán bộ Hội về lý luận chính trị, công tác quản lý Nhà nước, nghiệp vụ
chuyên môn, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo cho cán bộ nữ, tạo nguồn cán bộ nữ
kế thừa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
4. Tạo điều kiện thuận lợi cho
hoạt động của Hội Phụ nữ về kinh phí, phương tiện làm việc:
Hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ
ngày càng được sự quan tâm, tạo điều kiện của Ủy ban nhân dân các cấp về phương
tiện làm việc cũng như về kinh phí hoạt động, cụ thể:
- Ngân sách chi cho hoạt động Hội
Phụ nữ các cấp năm sau luôn cao hơn năm trước. Ngoài ra, chính quyền còn quan
tâm hỗ trợ bổ sung thêm kinh phí cho hoạt động Hội trong thực hiện các phong
trào như bổ sung kinh phí tổ chức Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp; các hoạt động
kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt
Nam 20/10; tổ chức tập huấn các chuyên đề về giới và bình đẳng giới; đặc biệt hỗ
trợ kinh phí để Hội hoàn thành công trình Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ
thành phố nhiệm kỳ VIII đề ra là xây dựng trạm y tế mang tên Mẹ Việt Nam Anh
hùng Nguyễn Thị Rành tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi với tổng kinh phí là 3,5 tỷ
đồng, trong đó ngân sách thành phố là 2 tỷ đồng.
- Chính quyền các cấp tạo điều
kiện và cơ chế chính sách để Hội hoạt động, thực hiện tốt vai trò chức năng đại
diện của mình như: hỗ trợ nguồn vốn ngân sách để Hội thực hiện chương trình tín
dụng - tiết kiệm; hỗ trợ 20 tỉ đồng thực hiện chương trình xây dựng nhà vệ
sinh, hầm biogas; hỗ trợ trên 1,1 tỉ đồng lắp đặt điện năng lượng mặt trời cho
phụ nữ nghèo xã Thạnh An, Lý Nhơn, huyện Cần Giờ; hỗ trợ nguồn vốn ban đầu 01 tỉ
đồng thành lập Quỹ Vì sự phát triển phụ nữ, đến nay đã khen thưởng 20 tập thể
và 46 cá nhân có thành tích nổi bật trên các lĩnh vực; hỗ trợ 01 tỉ đồng thành
lập Giải thưởng Nguyễn Thị Định để khen thưởng tập thể và cá nhân cán bộ Hội
các cấp. Ngoài ra, còn hỗ trợ thành lập Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế
(CWED), Trung tâm Hỗ trợ kết hôn, Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Hội Liên
hiệp Phụ nữ thành phố, tạo diều kiện để xây dựng trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ
thành phố, xây dựng mới trụ sở Báo Phụ nữ, cấp 18.261m2 tại khu đô thị mới Nam
thành phố để xây dựng cơ sở II Nhà Văn hóa phụ nữ; hỗ trợ trang bị máy vi tính
cho Hội Liên hiệp phụ nữ phường - xã, tạo điều kiện thuận lợi để Hội hoàn thành
nhiệm vụ, đồng thời thực hiện tốt công tác chăm lo, cải thiện đời sống đối với
chị em phụ nữ trên địa bàn dân cư.
- Quan tâm hỗ trợ kinh phí, tạo
điều kiện để cán bộ nữ được tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn,
nghiệp vụ, lý luận chính trị để nâng cao trình độ về mọi mặt, đặc biệt quan tâm
giới thiệu phát triển Đảng trong đội ngũ cán bộ nữ. Qua đào tạo, bồi dưỡng, chị
em phát huy tốt năng lực, sở trường công tác, được đề bạt, bổ nhiệm các chức
danh cán bộ chủ chốt. Trong đợt bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm
kỳ 2004 - 2009, toàn thành phố có 3.021 nữ/9.842 đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp,
đạt tỷ lệ 30,7%, tỷ lệ nữ tham gia trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước.
5. Chế độ họp định kỳ:
Ủy ban nhân dân và Hội Liên hiệp
Phụ nữ duy trì chế độ làm việc định kỳ hàng quí, 6 tháng, năm từ thành phố đến
cơ sở. Ngoài ra, khi có những vấn đề đột xuất, Hội đề xuất đều được Ủy ban nhân
dân đồng ý tổ chức họp để giải quyết.
III. ĐÁNH GIÁ
CHUNG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/2003/NĐ-CP:
1. Ưu điểm:
- Công tác tổ chức quán triệt và
tuyên truyền nội dung Nghị định số 19/2003/NĐ-CP của Chính phủ được các cấp
chính quyền và Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai sâu rộng đến nhiều đối tượng nhằm
hiểu rõ những quy định, trách nhiệm của cơ quan hành chính các cấp trong việc đảm
bảo cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia quản lý nhà nước.
- Ủy ban nhân dân các cấp đã thể
hiện trách nhiệm trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia
quản lý Nhà nước, thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ tại Nghị định số
19/2003/NĐ-CP.
- Ủy ban nhân dân các cấp luôn tạo
điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cấp Hội, đặc biệt là tạo điều kiện
cho Hội phụ nữ các cấp giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến sự tiến bộ
và bình đẳng của phụ nữ phù hợp với luật pháp, chính sách của Nhà nước.
- Qua triển khai thực hiện Nghị
định, nhận thức của cán bộ lãnh đạo chính quyền các cấp được nâng lên trong việc
xác định vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong công tác tuyên truyền, vận động
quần chúng nhân dân.
- Các hoạt động của tổ chức Hội
đều và gắn với các chương trình kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương, được
các cấp chính quyền tạo điều kiện nên mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác
đào tạo, quy hoạch cán bộ nữ được chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để chị em nâng
cao trình độ và tham gia tốt công tác quản lý Nhà nước.
- Sự phối hợp giữa các ngành chức
năng và Hội Liên hiệp Phụ nữ ngày càng chặt chẽ, sự hỗ trợ của các ngành trong
quá trình triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của
Nhà nước ngày càng đạt hiệu quả cao.
2. Hạn chế:
- Qua 5 năm thực hiện vẫn còn có
sự lúng túng về phương thức và cách làm đối với công tác kiểm tra và giám sát,
nhất là đối với cấp Hội cơ sở. Sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính Nhà nước
với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp có lúc, có nơi còn thiếu đồng bộ.
- Cơ chế phối hợp giữa Ủy ban
nhân dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp, trong đó có định kỳ làm việc và công
tác sơ kết thực hiện Nghị định có nơi chưa được tổ chức kịp thời.
IV. BÀI HỌC KINH
NGHIỆM:
1. Việc thực hiện Nghị định số
19/2003/NĐ-CP đòi hỏi phải liên tục, xuyên suốt, lâu dài, do đó Ủy ban nhân dân
các cấp cần quan tâm chỉ đạo tổ chức định kỳ việc tổ chức sơ kết, tổng kết,
đánh giá rút kinh nghiệm thực hiện Nghị định số 19/2003/NĐ-CP, nhằm hạn chế
cách làm hình thức, kịp thời biểu dương và nhân rộng các tập thể, cá nhân làm tốt.
2. Để tham gia có hiệu quả trong
việc quản lý Nhà nước, các cấp Hội cần tích cực chủ động, nhạy bén, sâu sát, nắm
tâm tư nguyện vọng của giới và phản ánh kịp thời cho chính quyền, đồng thời nắm
vững các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để kịp thời tham mưu, đề
xuất với Ủy ban nhân dân.
3. Quan tâm thực hiện chế độ
lương đối với chức danh Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường - xã - thị trấn.
B.- PHƯƠNG
HƯỚNG HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM TRONG 5 NĂM 2008 - 2013:
1. Ủy ban nhân dân các cấp tiếp
tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị định số 19/2003/NĐ-CP, tạo điều kiện thuận
lợi cho Hội Liên hiệp Phụ nữ phát huy tốt vai trò tham gia quản lý Nhà nước.
2. Hội Liên hiệp Phụ nữ tham mưu
cho Ủy ban nhân dân cơ chế phối hợp hoạt động giữa Ủy ban nhân dân và Hội Liên
hiệp Phụ nữ cùng cấp.
3. Thực hiện tốt việc tổ chức Hội
nghị sơ kết hàng năm cấp quận - huyện và 2 năm một lần cấp thành phố. Phấn đấu
duy trì định kỳ làm việc từ 3 tháng đến 6 tháng một lần giữa lãnh đạo Ủy ban
nhân dân với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp.
4. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng
cho cán bộ Hội về kiến thức quản lý Nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng
tuyên truyền về luật pháp, chính sách bình đẳng giới để cán bộ Hội nâng cao hơn
nữa năng lực, tính chủ động, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
5. Tạo điều kiện cho Hội Liên hiệp
Phụ nữ thực hiện tốt vai trò giám sát, kiểm tra, nhằm góp phần thực hiện chức
năng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em.
6. Tiếp tục tạo điều kiện cho
các cấp Hội Phụ nữ phát huy tốt vai trò là thành viên thường trực Ban Vì sự tiến
bộ phụ nữ và thành viên các Hội đồng tư vấn, Ban Chỉ đạo để tham mưu thực hiện
có hiệu quả việc tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp
luật, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh chính
trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện các chính sách có liên quan đến phụ nữ,
trẻ em.
7. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ
thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành tiến hành
xây dựng đề tài khoa học và đề án nghiên cứu khảo sát liên quan đến sự tiến bộ
của phụ nữ thành phố năm 2009 - 2010 gồm:
- Đề án “Nâng cao vai trò và năng
lực của nữ giới hiện nay trong xây dựng gia đình Việt Nam ở thành phố Hồ Chí
Minh” (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
- Đề án “Chế độ, chính sách đối
với lao động nữ tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ trên địa bàn
thành phố Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp” (Liên đòan Lao động thành phố).
- Đề án “Phá thai ở nữ thanh
niên trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp” (Sở Y tế).
- Đề án “Đào tạo nghề cho lao động
nữ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp” (Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội).
- Đề tài nghiên cứu khoa học “Những
giải pháp góp phần nâng cao hiệu lực thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia
đình tại thành phố Hồ Chí Minh” (Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố).
- Đề án “Thực trạng và giải pháp
đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực cán bộ Hội các cấp của thành phố” (Hội Liên hiệp
Phụ nữ thành phố).
- Đề án “Giải pháp ổn định và
phát triển nguồn lao động nữ trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại
thành trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn)./.
Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
- Các Đoàn thể thành phố;
- Các Sở - ngành thành phố;
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện;
- Ban Vì sự Tiến bộ Phụ nữ TP;
- Sở Nội vụ (2b);
- VPUB: CPVP;
- Phòng VX, KHTH;
- Lưu:VT, (VX-LC) H.
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Thu Hà
|