Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Báo cáo 45/BC-BTP năm 2024 tình hình xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu: 45/BC-BTP Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Bộ Tư pháp Người ký: Trần Tiến Dũng
Ngày ban hành: 25/01/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/BC-BTP

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2024

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH XÂY DỰNG, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT, PHÁP LỆNH, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện nhiệm vụ được giao về theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Tư pháp trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết đến thời điểm hiện nay và đề xuất một số giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết như sau:

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác xây dựng. Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là bộ) trong việc giúp Chính phủ lập đề nghị, trình Quốc hội Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; phối hợp Văn phòng Chính phủ và các bộ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, thảo luận và cho ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tại các phiên họp của Thường trực Chính phủ và các Phiên họp thường kỳ, Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ.

Tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ Tư pháp đều có “Báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết”, theo đó nêu rõ kết quả, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết. Bộ Tư pháp đã thường xuyên hàng tháng có văn bản đôn đốc, nêu rõ nhiệm vụ của từng bộ, nhất là nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, thực hiện kết luận, báo cáo giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; tổ chức nhiều buổi làm việc, kiểm tra các bộ nhằm đôn đốc, nắm tình hình, trao đổi, thảo luận, đề xuất các biện pháp xử lý khó khăn, vướng mắc.

II. KẾT QUẢ BAN HÀNH VÀ TÌNH TRẠNG CHẬM, NỢ BAN HÀNH VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT ĐẾN THỜI ĐIỂM HIỆN NAY

1. Kết quả ban hành văn bản quy định chi tiết

Trên cơ sở báo cáo của các bộ và kết quả rà soát của Bộ Tư pháp, tính từ đầu năm 2023 đến thời điểm hiện nay, các bộ có nhiệm vụ xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 101 văn bản (42 nghị định, 06 quyết định, 53 thông tư) quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực.

Kết quả, tính đến ngày 24/01/2024, đã ban hành được 66/101 văn bản, chiếm 65.34% (26 nghị định, 04 quyết định, 36 thông tư) (Phụ lục 2 kèm theo Báo cáo).

2. Tình hình nợ ban hành văn bản quy định chi tiết

Tính đến ngày 24/01/2024, Bộ Tư pháp nhận thấy, tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết đã trở nên đáng “báo động”. Số văn bản nợ ban hành tăng từ 08 văn bản vào ngày 31/12/2023 lên thành 35 văn bản (với 16 nghị định, 02 quyết định, 17 thông tư quy định chi tiết 09 luật đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) (Phụ lục 1 kèm theo Báo cáo). Cụ thể như sau:

- Bộ Y tế ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp trên ban hành 11 văn bản: (i) 01 Nghị định quy định chi tiết Luật Thi đua khen thưởng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024); (ii) 07 văn bản (01 quyết định, 06 thông tư) quy định chi tiết Luật khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024); (iii) 03 thông tư quy định chi tiết Luật Đấu thầu (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024). Bộ Y tế đã hoàn thành việc soạn thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với 02 quy định chi tiết Luật Thi đua khen thưởng và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (01 nghị định, 01 quyết định).

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cấp trên ban hành 02 Nghị định quy định chi tiết Luật Đấu thầu (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành việc soạn thảo, trình Chính phủ đối với các văn bản nêu trên.

- Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp trên ban hành 02 văn bản: (i) Nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể, quy định chi tiết Bộ luật Lao động (sửa đổi) (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), (ii) Thông tư quy định chi tiết Luật Thi đua khen thưởng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024). Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội đã hoàn thành việc soạn thảo, trình Chính phủ đối với nghị định quy định chi tiết Bộ luật Lao động.

- Bộ Nội vụ đề xuất cấp trên ban hành 02 nghị định: (i) Nghị định quy định chi tiết việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường, quy định chi tiết Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (có hiệu lực từ ngày 01/8/2023); (ii) Nghị định quy định chi tiết luật Thi đua, khen thưởng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024). Bộ Nội vụ đã hoàn thành việc soạn thảo, trình Chính phủ đối với các nghị định này.

- Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất cấp trên ban hành và ban hành theo thẩm quyền 02 văn bản: 01 nghị định và 01 thông tư quy định chi tiết Luật Thi đua khen thưởng. Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành việc soạn thảo, trình Chính phủ đối với Nghị định quy định chi tiết Luật Thi đua khen thưởng.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cấp trên ban hành 02 văn bản: (i) Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, quy định chi tiết Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022); (ii) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ, quy định chi tiết Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ (có hiệu lực từ ngày 01/3/2022). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành việc soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các văn bản này.

- Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp trên ban hành 02 văn bản: (i) Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 98/2023/Qh15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (có hiệu lực từ ngày 01/8/2023); (ii) Thông tư quy định chi tiết luật Đấu thầu (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024). Bộ Tài chính đã hoàn thành việc soạn thảo, trình Chính phủ đối với Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 98/2023/Qh15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp trên ban hành 02 văn bản: Nghị định và thông tư quy định chi tiết Luật Thi đua khen thưởng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024). Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc soạn thảo, trình Chính phủ đối với Nghị định quy định chi tiết Luật Thi đua khen thưởng.

- Bộ Công an đề xuất cấp trên ban hành 02 nghị định: (1) Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022); (2) Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (có hiệu lực từ ngày 01/3/2022). Bộ Công an đã hoàn thành việc soạn thảo, trình Chính phủ đối với 01 văn bản nêu trên.

- Thanh tra Chính phủ ban hành theo thẩm quyền 01 văn bản: Thông tư quy định chi tiết Luật Thi đua khen thưởng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024).

- Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch đề xuất cấp trên ban hành nghị định quy định chi tiết Luật Thi đua khen thưởng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành việc soạn thảo, trình Chính phủ đối với Nghị định quy định chi tiết Luật Thi đua khen thưởng.

- Bộ Công Thương đề xuất cấp trên ban hành nghị định quy định chi tiết Luật Thi đua khen thưởng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024). Bộ Công Thương đã hoàn thành việc soạn thảo, trình Chính phủ đối với nghị định này.

- Các Bộ Xây dựng, Ngoại giao, Ủy ban dân tộc và Văn phòng Chính phủ, mỗi cơ quan ban hành theo thẩm quyền 01 thông tư quy định chi tiết Luật Thi đua khen thưởng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024).

3. Một số nhận xét, đánh giá

Qua đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, Bộ Tư pháp nhận thấy, việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thời gian qua có một số tồn tại, hạn chế sau:

- Trong số 66 văn bản quy định chi tiết đã được ban hành chỉ có 24 văn bản được ban hành có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh (chiếm 36.36%), còn lại 42 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành chậm hơn so với hiệu lực thi hành của luật (chiếm 63.64 %).

- Tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết đang có xu hướng tăng.

- Một số văn bản chất lượng chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn(1) hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển(2);

- Một số văn bản có thời gian soạn thảo dài, có khi đến gần 01 năm, nhưng đến khi luật có hiệu lực vẫn chưa được ban hành và phải xin ban hành theo thủ tục rút gọn để đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật (Chùm văn bản quy định chi tiết Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Đấu thầu…).

4. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

a) Nguyên nhân khách quan

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, vừa phải tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, vừa phải tập trung nguồn lực cho công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm. Đồng thời, rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu triển khai thi hành các luật, nghị quyết mới ban hành. Trong khi đó nguồn lực về con người, tài chính dành cho công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế.

- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ được giao quy định chi tiết nhiều nội dung. Một số luật có số lượng nội dung quy định chi tiết nhiều(3), nhiều nội dung giao quy định chi tiết là các nội dung mới cần thời gian nghiên cứu, làm cho quá trình ban hành văn bản quy định chi tiết bị kéo dài.

- Nhiều văn bản nợ ban hành từ các kỳ báo cáo trước đó, có nhiều nội dung phức tạp, cần xin ý kiến chỉ đạo của nhiều cấp có thẩm quyền(4). Một số trường hợp dự liệu khoảng thời gian từ lúc luật, nghị quyết được thông qua đến thời điểm có hiệu lực rất ngắn, không đảm bảo thời gian cần thiết để xây dựng ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, nghị quyết.

b) Nguyên nhân chủ quan

- Việc xử lý các văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp còn có ý kiến khác nhau trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định còn chậm.

- Một số trường hợp, cơ quan chủ trì chưa thực sự chủ động, chưa trù liệu hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế, các chuyên gia trong việc xây dựng, ban hành văn bản.

- Một số trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản không tiếp thu, giải trình chưa đầy đủ ý kiến góp ý, thẩm định của các bộ, ngành, đối tượng chịu sự tác động hoặc báo cáo là có tiếp thu nhưng nội dung dự thảo lại không thể hiện, dẫn đến không được cơ quan có thẩm quyền thông qua, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của dự thảo văn bản.

- Các điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế. Công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế tại các bộ, ngành thiếu về số lượng, phần lớn kiêm nhiệm, một số bộ phận tính chuyên nghiệp chưa cao; việc soạn thảo được giao cho các đơn vị chuyên môn trực tiếp, các đơn vị pháp chế ít được giao chủ trì soạn thảo.

III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Để khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết, pháp lệnh đã có hiệu lực, Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:

1. Có công điện chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết, pháp lệnh, đặc biệt là các văn bản đang nợ. Đồng thời, giao 01 Phó Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Bộ, cơ quan ngang bộ về tiến độ soạn thảo 94 văn bản quy định chi tiết (gồm 35 văn bản nợ ban hành và 59 văn bản phải ban hành trong thời gian tới).

2. Đối với 35 văn bản nợ ban hành (thuộc trách nhiệm soạn thảo của các bộ: Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ, Tài chính, Nội vụ, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Ngoại giao, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc), Bộ Tư pháp đề nghị:

(i) Đối với các văn bản đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Văn phòng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 30/01/2024.

(ii) Đối với các văn bản còn đang trong tình trạng soạn thảo, đề nghị các bộ khẩn trương thực hiện, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc để xử lý tình trạng chậm, nợ ban hành. Đồng thời, nghiên cứu xử lý khoảng trống pháp lý trong thời gian chưa có văn bản quy định.

3. Nghiên cứu xây dựng, sớm ban hành 59 văn bản (30 nghị định, 05 quyết định, 24 thông tư) quy định chi tiết thi hành các luật hoặc nội dung giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực trong thời gian tới (xem Phụ lục 3). Trong số này, có 37 văn bản quy định chi tiết các luật có hiệu lực từ 01/7/2024, cần ban hành trước ngày 15/5/2024 để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với luật. Đồng thời, các bộ khẩn trương rà soát, đề xuất các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất.

4. Thực hiện nghiêm Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Ban chấp hành Trung ương quy định về tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.Trên đây là Báo cáo tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp xin kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó TTgCP (để báo cáo);
- Các bộ, cơ quan ngang bộ (để phối hợp);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- TGĐ Cổng TTĐT (để đăng tải);
- Văn phòng Bộ, các đơn vị XDPL (để thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ VĐCXDPL (Ninh).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Tiến Dũng



(1) Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được ban hành ngày 16/9/2022 nhưng chưa đầy 06 tháng sau đã phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ; Nghị định số 27/2022/NĐ- CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được ban hành ngày 19/4/2022 nhưng chỉ hơn 01 năm sau đã phải sửa đổi theo Nghị định số 38/2023/NĐ-CP .

(2) Theo Báo cáo số 369/BC-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ, qua rà soát phát hiện 446 văn bản có quy định sơ hở, bất cập cần được xử lý.

(3) Luật Thi đua, khen thưởng phải ban hành 32 văn bản; Luật Kinh doanh bảo hiểm phải ban hành 09 văn bản ; Luật Khám bệnh, chữa bệnh phải ban hành 07 văn bản.

(4) Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Báo cáo 45/BC-BTP ngày 25/01/2024 tình hình xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Tư pháp ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


781

DMCA.com Protection Status
IP: 44.219.58.209
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!