UỶ
BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------
|
Số:
247/BC-UBTVQH12
|
Hà
Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2009
|
BÁO CÁO
GIẢI
TRÌNH TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT
HÌNH SỰ
Kính thưa các vị đại biểu
Quốc hội,
Tại phiên họp sáng ngày 25 tháng
5 năm 2009, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS). Đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội tán
thành với nội dung Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ
Quốc hội (UBTVQH) và dự thảo Luật đã được chỉnh lý, đồng thời cũng có ý kiến
chưa tán thành và đề nghị một số vấn đề cụ thể cần tiếp thu vào dự án Luật. Sau
phiên họp, UBTVQH đã chỉ đạo Ủy ban tư pháp, Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật,
các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu
Quốc hội và chỉnh lý dự thảo Luật.
Ngày 10/6/2009, Đoàn thư ký kỳ họp
đã gửi phiếu xin ý kiến các vị Đại biểu Quốc hội về một số nội dung của dự thảo
Luật, đã có 330 vị Đại biểu Quốc hội cho ý kiến. Qua tổng hợp ý kiến, về cơ bản
các vị Đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật này. Ngoài các nội dung đã
được giải trình trong Báo cáo số 251/BC-UBTVQH12 ngày 23/4/2009, UBTVQH xin
trình Quốc hội Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của BLHS như sau:
1. Về việc bỏ hình phạt tử hình
tại một số điều của BLHS
Về Tội hiếp dâm (Điều
111)
Có ý kiến Đại biểu Quốc hội đề
nghị cần giữ lại hình phạt tử hình đối với Tội hiếp dâm để đảm bảo yêu cầu đấu
tranh phòng, chống tội phạm này vì cho rằng hiện nay tình hình hiếp dâm đang
gây bức xúc trong dư luận xã hội, cần có các biện pháp trừng trị thật nghiêm khắc
đối với hành vi hiếp dâm xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ
nhất là người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà gây hậu quả như
làm nạn nhân chết hoặc bị thương với tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên, làm nạn
nhân tự sát hoặc biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.
UBTVQH nhận thấy, đây là loại tội
xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ của người bị hại và trong một số trường
hợp có thể gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo
quy định của BLHS thì loại tội xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người
bị hại như Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người
khác (Điều 104) và Tội cố ý truyền HIV cho người khác (Điều 118) … kể cả trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm
trọng làm chết nhiều người hoặc phạm tội đối với nhiều người thì hình phạt cao
nhất theo quy định của BLHS cũng chỉ là tù chung thân. Thực tiễn xét xử trong
thời gian qua cho thấy, Tòa án thường chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với các
trường hợp phạm tội hiếp dâm trẻ em hoặc vừa hiếp dâm vừa giết người, mà không
áp dụng hình phạt tử hình đối với người có hành vi hiếp dâm đối với người từ đủ
16 tuổi trở lên dẫn đến hậu quả làm nạn nhân chết hoặc tự sát. Trường hợp hiếp
dâm mà cố ý làm nạn nhân chết hoặc vừa có hành vi hiếp dâm, vừa có hành vi giết
người thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đồng thời về 2 tội, Tội giết người
và Tội hiếp dâm, trong đó, Tội giết người có hình phạt cao nhất là tử hình. Vì
vậy, việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này vẫn bảo đảm yêu cầu đấu
tranh phòng, chống tội phạm. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bỏ hình phạt tử
hình ở tội danh này.
b) Về Tội làm, tàng trữ, vận
chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180)
Có ý kiến Đại biểu Quốc hội đề
nghị chưa nên bỏ hình phạt tử hình ở tội danh này, vì cho rằng Tội làm, tàng trữ,
vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả đang có diễn biến
phức tạp, xâm phạm đến khách thể là an ninh tiền tệ, an ninh kinh tế, phá hoại
nền kinh tế của đất nước, trong thời gian qua loại tội phạm này có chiều hướng
gia tăng, kẻ thù có thể lợi dụng làm suy yếu nền kinh tế đất nước.
UBTVQH nhận thấy, hành vi làm,
tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả là tội
xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, mục đích phạm tội là nhằm thu lời bất chính,
nên bên cạnh việc trừng trị về hình sự thì cần chú trọng các biện pháp quản lý,
phòng ngừa. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi thì hình phạt
tù chung thân là đủ nghiêm khắc để trừng trị kẻ phạm tội và vẫn bảo đảm tính
răn đe, phòng ngừa chung, phù hợp với chủ trương chung là không quy định hình
phạt tử hình đối với các tội phạm về kinh tế. Còn trong trường hợp làm, tàng trữ,
vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả nếu có mục đích chống
chính quyền nhân dân mà làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tiền tệ, an ninh
kinh tế, an ninh quốc gia thì sẽ bị xử lý hình sự về Tội phá hoại cơ sở, vật chất
- kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam quy định tại Điều 85 của BLHS có mức hình
phạt cao nhất là tử hình. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bỏ hình phạt tử
hình ở tội danh này.
c) Về Tội chiếm đoạt tàu bay,
tàu thủy (Điều 221),
Có ý kiến Đại biểu Quốc hội đề
nghị giữ hình phạt tử hình đối với Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy vì cho rằng
tàu bay, tàu thủy là tài sản lớn, quan trọng của quốc gia, việc chiếm đoạt có
thể gây nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người và có thể là lý do để quốc gia
khác tiến hành chống đối Nhà nước ta hoặc gây chiến tranh, khủng bố, tống tiền...
UBTVQH nhận thấy, đây là tội phạm
đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm an toàn giao thông đường không, đường biển, xâm
phạm tài sản của Nhà nước và công dân, nhưng thực tiễn đấu tranh phòng, chống
loại tội phạm này trong thời gian qua cho thấy hành vi chiếm đoạt tàu bay, tàu
thủy thường để thực hiện các loại tội phạm khác như trốn ra nước ngoài nhằm mục
đích chống chính quyền nhân dân, bắt cóc con tin để cưỡng đoạt tài sản hoặc khủng
bố v.v…nên người phạm tội không chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm
này, mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh tương ứng khác được
quy định tại Chương XI - Các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc Chương XIX -
Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (có tội danh còn giữ hình
phạt tử hình) của BLHS. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bỏ hình phạt tử hình
ở tội danh này.
d) Về Tội hủy hoại vũ khí quân dụng,
phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334)
Có ý kiến Đại biểu Quốc hội đề
nghị giữ lại hình phạt tử hình để đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm
vì cho rằng vũ khí, phương tiện quân sự, nhất là các loại vũ khí, phương tiện kỹ
thuật quân sự quan trọng dùng để trang bị cho quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ tổ
quốc và cũng là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh của quân đội. Hành vi
phá hủy vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự làm mất đi khả năng sẵn sàng chiến
đấu, khả năng phòng thủ, uy hiếp đến an ninh quốc gia. Do đó, cần thiết phải giữ
lại hình phạt tử hình ở tội danh này nhằm bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa
chung.
UBTVQH nhận thấy, theo quy định
của Điều 334 BLHS thì hành vi hủy hoại vũ khí quân dụng,
phương tiện kỹ thuật quân sự là hành vi phá hủy vũ khí, phương tiện kỹ thuật
quân sự thông thường, còn đối với các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật quan trọng
như ý kiến đại biểu Quốc hội nêu thì được quy định tại Điều 231
Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, trường hợp
hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự nhằm mục đích chống
chính quyền nhân dân sẽ bị xử lý về Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của
nước CHXHCN Việt Nam (Điều 85 của BLHS) mà những tội danh này đều có hình phạt
cao nhất là tử hình. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội
quy định tại Điều 334 thì hình phạt tù chung thân đối với tội danh này là
nghiêm khắc và bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc
hội cho bỏ hình phạt tử hình ở tội danh này.
đ) Về tách Tội tàng trữ, vận
chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194
BLHS) thành Tội mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194) và Tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy
(Điều 194a)
Có ý kiến Đại biểu Quốc hội đề
nghị giữ như quy định của BLHS hiện hành và cho rằng đây là loại tội phạm nguy
hiểm, các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy có sự gắn
kết hữu cơ với nhau, trên thực tế có những vụ tàng trữ, vận chuyển trái phép chất
ma tuý với số lượng đặc biệt lớn, diễn biến rất phức tạp, tính chất và mức độ
phạm tội đặc biệt nguy hiểm nên việc giữ hình phạt tử hình đối với tội danh này
là cần thiết để nhằm răn đe, phòng ngừa chung và trừng trị nghiêm khắc người phạm
tội.
UBTVQH nhận thấy, trong thời
gian qua nhóm tội phạm ma tuý bị kết án tử hình chiếm tỷ lệ khá cao. Trong số
đó chủ yếu bị kết án tử hình về Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc
chiếm đoạt chất ma túy. Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy các hành vi quy định
tại Điều 194 có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội khác
nhau. Vì vậy, việc tách Điều 194 và bỏ hình phạt tử hình đối
với Tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý là để xác định rõ tính chất
và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội làm cơ sở quy định mức hình phạt cho
phù hợp, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về hạn chế áp dụng hình phạt tử
hình. Trên thực tế có những vụ tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy có số
lượng đặc biệt lớn nếu chứng minh có sự đồng phạm với hành vi mua bán trái phép
chất ma túy thì sẽ bị xử lý về Tội mua bán trái phép chất ma túy với hình phạt
cao nhất là tử hình, nếu tàng trữ, vận chuyển thuê để kiếm tiền thì hành phạt
tù chung thân cũng đũ để răn đe, phòng ngừa chung. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội
cho tách Điều 194 và bỏ hình phạt tử hình ở Tội tàng trữ, vận
chuyển trái phép chất ma túy như dự thảo Luật.
UBTVQH nhận thấy, các tội danh
có quy định hình phạt tử hình trong BLHS đều là tội đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy,
việc cân nhắc xem xét để bỏ hoặc giữ hình phạt tử hình ở tội danh nào cần được
cân nhắc một cách thận trọng, toàn diện. Việc từng bước hạn chế áp dụng hình phạt
tử hình, bỏ hình phạt tử hình trong một số điều của BLHS là chủ trương lớn của
Đảng đã được xác định trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính
trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới (Nghị quyết
số 08/NQ-TW) và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến
lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49/NQ-TW). Để thực hiện chủ
trương này, sau khi cân nhắc kỹ tính chất nghiêm trọng của tội phạm, yêu cầu đấu
tranh phòng, chống tội phạm và thực tiễn xét xử đối với các tội phạm cụ thể có
quy định hình phạt tử hình. Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, tiếp thu ý kiến
của các vị Đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Quốc hội trong lần sửa đổi, bổ
sung này cho bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh quy định tại 8 điều của
BLHS, đó là: Tội hiếp dâm (Điều 111) Tội lừa đảo chiếm đoạt
tài sản (Điều 139), Tội buôn lậu (Điều 153),
Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả
(Điều 180), Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197), Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều
221) Tội đưa hối lộ (Điều 298) và Tội hủy hoại vũ khí
quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334).
2. Về việc bỏ Tội sử dụng trái
phép chất ma túy (Điều 199)
Có ý kiến Đại biểu Quốc hội
không tán thành với việc bỏ tội danh này, vì cho rằng tình hình sử dụng trái
phép chất ma túy vẫn đang gia tăng, có diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến
nhiều mặt của đời sống xã hội và ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, đang được
xác định là thảm họa quốc gia. Nếu bỏ tội danh này có thể dẫn đến việc sử dụng
ma túy tràn lan ở nơi công cộng, tác động xấu đến xã hội nhất là trẻ vị thành
niên và là nguyên nhân làm gia tăng các tội phạm khác.
UBTVQH nhận thấy, Qua gần 10 năm
thi hành của BLHS, mặc dù Điều 199 quy định trách nhiệm
hình sự đối với người sử dụng trái phép chất ma túy “đã được giáo dục nhiều lần
và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà
còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy...” , nhưng trên thực tế số người bị
truy cứu trách nhiệm hình sự rất ít, tác dụng răn đe, phòng ngừa không cao,
chưa góp phần khắc phục tình trạng tái nghiện. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự
đối với người sử dụng trái phép chất ma tuý có thể đem đến những hậu quả bất lợi
về mặt xã hội, gây khó khăn cho quá trình tái hoà nhập cộng đồng của họ. Do đó,
ngoài các biện pháp xử phạt hành chính, bắt buộc cai nghiện, bắt buộc chữa bệnh
thì cần tìm các biện pháp khác hiệu quả, bền vững hơn và cần có sự hỗ trợ lâu
dài, kiên trì từ phía gia đình, cộng đồng và toàn thể xã hội, bằng việc dạy nghề,
tạo việc làm… Mặt khác, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống
ma túy được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2008 thể hiện quan điểm nhân đạo của
Nhà nước ta coi người nghiện ma túy là người bệnh và quy định các biện pháp cai
nghiện, chữa bệnh bắt buộc đối với những người này. Việc không quy định trách
nhiệm hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý không có nghĩa là
dung túng đối với hành vi này mà là tìm ra biện pháp xử lý thích hợp hơn. Nếu
người nghiện ma tuý có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma
tuý hoặc những hành vi phạm tội khác như trộm cắp, cướp tài sản v.v. thì sẽ bị
truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh tương ứng trong BLHS. Do đó,
UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bỏ tội danh này trong BLHS.
3. Về Tội khủng bố (Điều 230a)
và Tội tài trợ khủng bố (Điều 230b)
a) Về Tội khủng bố (Điều 230a)
Có ý kiến Đại biểu Quốc hội đề
nghị sửa đổi Tội khủng bố từ Điều 84 - Chương XI Các tội
xâm phạm an ninh quốc gia thành Điều 230a - Chương XIX Các tội xâm phạm an toàn
công cộng, trật tự công cộng để phúc đáp yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm
khủng bố trong giai đoạn mới và tạo điều kiện trong hợp tác quốc tế về phòng,
chống khủng bố.
Có ý kiến Đại biểu Quốc hội
không tán thành với việc sửa đổi Điều 84 thành Điều 230a mà
giữ Điều 84 như quy định của BLHS hiện hành, chờ khi ban
hành Luật phòng, chống khủng bố sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung BLHS cho phù hợp.
UBTVQH nhận thấy, Tội khủng bố
quy định tại Điều 84 của BLHS hiện hành có phạm vi điều chỉnh
hẹp cả về khách thể (an ninh quốc gia), mục đích (chống chính quyền nhân dân)
và hành vi (xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tự do thân thể; đe doạ xâm phạm tính
mạng; uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc công dân), trong khi đó theo
các điều ước quốc tế liên quan đến chống khủng bố mà Việt Nam là thành viên thì
tội phạm khủng bố có phạm vi rộng hơn. Việc quy định về tội phạm khủng bố phải
vừa bảo đảm chính sách hình sự trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, vừa phải đáp
ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống khủng bố trong điều kiện hội nhập quốc tế. Tiếp
thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ Điều
84 và Điều 230a như dự thảo Luật, đồng thời sửa lại cấu thành cơ bản tại Điều
230a cho chặt chẽ hơn.
b) Về Tội tài trợ khủng bố (Điều
230b)
Có ý kiến Đại biểu không tán
thành với việc bổ sung tội danh trên, vì cho rằng cấu thành của tội danh này
trong dự thảo Luật không rõ, đây thực chất là hành vi đồng phạm của Tội khủng bố,
do đó có thể áp dụng chế định đồng phạm quy định tại Điều 20 của
BLHS hiện hành để xử lý.
UBTVQH nhận thấy, hành vi tài trợ
khủng bố ở Điều này không đồng nhất với việc Chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 17 và Đồng phạm quy định tại Điều 20 của
BLHS. Theo các điều luật trên thì tội phạm được thực hiện khi có hành vi
tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực
hiện tội phạm hoặc giúp sức cho việc thực hiện tội phạm. Như vậy, nếu khủng bố
chưa xảy ra thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi tài trợ
với vai trò đồng phạm được. Vì vậy, quy định tại Điều 230b Tội tài trợ khủng bố
cho phép xử lý sớm hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức
nào cho cá nhân, tổ chức khủng bố. Quy định này góp phần tạo điều kiện thuận lợi
trong hợp tác quốc tế về chống khủng bố và cũng phù hợp với điều ước quốc tế về
chống khủng bố mà Việt Nam là thành viên. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ
sung Điều 230b Tội tài trợ khủng bố vào BLHS.
4. Về sửa đổi, bổ sung Tội mua
bán người (Điều 119) và Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm
đoạt trẻ em (Điều 120)
Có ý kiến Đại biểu Quốc hội
không đồng ý với nội dung sửa đổi tại Điều 119 của dự thảo
Luật và đề nghị chỉ sửa đổi để có căn cứ xử lý đối với các hành vi mua bán nam
giới; quy định các tình tiết như mua bán phụ nữ, mua bán người nhằm mục đích mại
dâm hoặc lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân là tình tiết tăng nặng định khung hình
phạt.
Tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội,
UBTVQH đề nghị sửa Điều 119 Tội mua bán phụ nữ thành Tội
mua bán người, đồng thời quy định tình tiết lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân là
tình tiết tăng nặng định khung hình phạt quy định tại khoản 2 các điều 119 và
120 của dự thảo Luật. Còn tình tiết mua bán người vì mục đích mại dâm đã được
quy định tại các điều 119 và 120 của BLHS hiện hành.
5. Về bổ sung Tội giới thiệu trẻ
em làm con nuôi để trục lợi (Điều 119a)
Có ý kiến Đại biểu Quốc hội tán
thành với phương án 2 của dự thảo Luật là bổ sung tội danh trên vì cho rằng
nuôi con nuôi là hoạt động nhân đạo, thời gian qua đã xuất hiện một số trường hợp
lợi dụng việc cho, nhận con nuôi để trục lợi làm ảnh hưởng đến hoạt động nhân đạo
này.
UBTVQH nhận thấy, trong thời
gian qua tuy có xuất hiện hành vi lợi dụng việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi
nhằm thu lợi bất chính làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động nuôi con nuôi, nhưng
hành vi này chưa phổ biến, hơn nữa cấu thành tội phạm này chưa rõ, còn nhiều ý
kiến khác nhau. Do đó, UBTVQH đề nghị chưa bổ sung tội danh trên trong lần sửa
đổi, bổ sung này mà cần tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn.
6. Về sửa đổi, bổ sung Tội xâm
phạm quyền tác giả và các quyền có liên quan (Điều 170a) và Tội xâm phạm quyền
sở hữu công nghiệp (Điều 171)
Có ý kiến Đại biểu Quốc hội cho
rằng, việc liệt kê hành vi hoặc hậu quả như dự thảo Luật sẽ không bao quát hết
và không phù hợp với Luật sở hữu trí tuệ và đề nghị sử dụng cụm từ “quy mô
thương mại” ở các điều luật nêu trên cho phù hợp với các cam kết quốc tế của
Nhà nước ta khi ký kết Hiệp định thương mại với Hoa kỳ và gia nhập Tổ chức
thương mại thế giới (WTO). Ý kiến khác cho rằng khái niệm “quy mô thương mại”
không rõ, không bảo đảm tính minh bạch và có thể dẫn đến việc xử lý hình sự
tràn lan.
UBTVQH thấy rằng, việc cụ thể
hoá yếu tố “quy mô thương mại” bằng các cụm từ “vì mục đích kinh doanh” và “hàng
hoá vi phạm có số lượng lớn, có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng” tuy
có rõ hơn nhưng cũng không quy định được hết mọi trường hợp và vẫn cần phải có
hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành. Bên cạnh đó, nếu quy định như vậy thì sẽ
gây bất lợi cho chúng ta trong hoạt động đối ngoại và các nước trong Tổ chức
thương mại thế giới có điều kiện để cho rằng Việt Nam chưa thực hiện nghiêm chỉnh
cam kết quốc tế. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng khái niệm
“quy mô thương mại” trong cấu thành cơ bản của hai điều luật này và giao cho
các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể cho phù hợp với thực tế Việt Nam
cũng như yêu cầu đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong từng giai đoạn
phát triển của đất nước. Do đó, Điều 170a, Điều 171 được chỉnh
lý như dự thảo Luật.
7. Về bổ sung các tội phạm về chứng
khoán
Có ý kiến Đại biểu Quốc hội đề
nghị chỉ xử lý về hình sự đối với các trường hợp phạm tội về lĩnh vực chứng
khoán trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
bổ sung các hành vi chào bán chứng khoán không có giấy chứng nhận chào bán; tổ
chức thị trường chứng khoán trái pháp luật, kinh doanh chứng khoán không có giấy
chứng nhận đăng ký kinh doanh.
UBTVQH nhận thấy, đây là các tội
phạm mới được bổ sung nên trước mắt chỉ nên quy định trách nhiệm hình sự đối với
những hành vi phạm tội đã phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng để vừa bảo đảm
cơ sở pháp lý cho việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gây tác hại lớn cho quá
trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng thời bảo đảm sự
thống nhất về chính sách hình sự đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh
tế quy định tại Chương XVI (các hành vi vi phạm quy định tại Chương này đều bị
xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng). Việc quy định thế nào là “gây hậu
quả nghiêm trọng” sẽ do các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể phù hợp với
tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đặc thù của lĩnh vực chứng khoán, bảo
đảm sự hoạt động bình thường của thị trường chứng khoán. Còn đối với các hành
vi chào bán chứng khoán không có giấy chứng nhận chào bán; tổ chức thị trường
chứng khoán trái pháp luật, kinh doanh chứng khoán không có giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh thì BLHS hiện hành đã có Tội kinh doanh trái phép (Điều 159 của BLHS) để xử lý. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội
cho giữ như quy định của dự thảo Luật.
8. Về sửa đổi, bổ sung Tội vi phạm
các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu
tiên bảo vệ (Điều 190)
Có ý kiến đề nghị thay cụm từ
“những sản phẩm của động vật đó” quy định tại khoản 1 Điều 190
Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý,
hiếm được ưu tiên bảo vệ bằng cụm từ “những bộ phận cơ thể của động vật đó” vì
cho rằng quy định bộ phận cơ thể của các loài động vật sẽ phù hợp hơn.
UBTVQH nhận thấy sản phẩm của động
vật là những sản phẩm được sản xuất, chế biến từ bộ phận cơ thể động vật và đều
bị cấm vận chuyển, buôn bán. Hành vi lấy bộ phận cơ thể cũng như hành vi mua
bán bộ phận cơ thể và sản phẩm của động vật là tiếp tay cho hành vi săn bắt, giết
động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Tiếp thu
ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “bộ phận
cơ thể động vật” vào trước cụm từ “sản phẩm của động vật” tại khoản
1 Điều 190 như dự thảo Luật.
Ngoài các vấn đề trên, UBTVQH đã
chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh
lý và hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật văn bản của dự thảo Luật.
Kính thưa các vị đại biểu
Quốc hội,
Trên đây là Báo cáo giải trình,
tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình
sự. Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thành viên UBTVQH;
- Chính phủ;
- Lưu VP; UBTP.
|
TM.
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
PHÓ CHỦ TỊCH
Uông Chu Lưu
|