Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 166/BC-UBTVQH12 Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Người ký: Tòng Thị Phóng
Ngày ban hành: 23/10/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 166/BC-UBTVQH12

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2008

 

BÁO CÁO

CÔNG TÁC NĂM 2008 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội

Thực hiện quy định của Luật tổ chức Quốc hội và chương trình công tác đã đề ra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo với Quốc hội kết quả hoạt động năm 2008 và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu năm 2009 như sau:

Phần thứ nhất

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NĂM 2008

I- CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Ngay từ đầu năm, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và năm 2008; xem xét, thông qua Nghị quyết phân công cơ quan trình dự án, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan phối hợp thẩm tra, xác định tiến độ cụ thể và các biện pháp bảo đảm thực hiện chương trình đề ra. Tại các phiên họp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian xem xét, cho ý kiến về các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội năm 2008; xem xét, thông qua một số pháp lệnh và nghị quyết.

- Đối với các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Uỷ ban chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Bộ tư pháp và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội chỉnh lý các dự án luật trước khi trình Quốc hội. Kết quả là trong năm 2008, Uỷ ban thường vụ  Quốc hội đã báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý để Quốc hội xem xét thông qua 19 luật và Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009.

- Đối với các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến việc chuẩn bị từng dự án. Để bảo đảm chất lượng, tiết kiệm được thời gian, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tiếp tục cải tiến việc cho ý kiến về các dự án luật theo hướng tập trung vào các nội dung cơ bản, các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, từ đó xác định dự án có đủ điều kiện trình Quốc hội hay không. Đối với những dự án chưa đủ điều kiện trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, Uỷ ban chủ trì thẩm tra tiếp tục nghiên cứu rà soát, bổ sung những nội dung hợp lý để hoàn chỉnh trình Quốc hội vào kỳ họp khác.

Theo đề nghị của Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã đồng ý trình Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008 một số dự án, đồng thời cho rút một số dự án luật để có thêm thời gian chuẩn bị. Đồng thời cũng lưu ý Chính phủ rà soát kỹ để bảo đảm hạn chế sự thay đổi lớn chương trình đã được Quốc hội quyết định.

- Đối với việc xem xét, thông qua pháp lệnh, tính đến hết tháng 10/2008, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 pháp lệnh, cho ý kiến 1 dự án pháp lệnh.

Nhìn chung, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xem xét việc chuẩn bị các dự án luật theo hướng đi vào chiều sâu, chú trọng chất lượng từng dự án trình Quốc hội; chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuẩn bị các dự án theo đúng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, do việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có trường hợp chưa dự báo sát yêu cầu thực tiễn nên tính khả thi chưa cao. Đã có 10/36 dự án thuộc chương trình năm 2008 được Chính phủ và các cơ quan đề nghị rút khỏi chương trình. Một số dự án không được tổ chức soạn thảo kịp thời, chất lượng dự án chưa bảo đảm. Nhiều dự án không được gửi đến cơ quan thẩm tra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội đúng thời hạn luật định. Số lượng pháp lệnh được thông qua còn ít so với chương trình đề ra là 8 dự án. Có dự án đã ghi trong chương trình xây dựng pháp lệnh nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Nguyên nhân chính là do cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa tập trung cao trong việc chuẩn bị.

II- CÔNG TÁC GIÁM SÁT

1. Chuẩn bị để Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát tối cao:

Cùng với các hoạt động giám sát thường xuyên như xem xét báo cáo của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật, thực hiện quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội, Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề:

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân (tại kỳ họp thứ ba)

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà  nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007 (tại kỳ họp thứ tư)

Để chuẩn bị cho Quốc hội giám sát các chuyên đề trên tại kỳ họp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, thành lập các đoàn giám sát, làm việc với các bộ, ngành, các địa phương, cơ sở; đồng thời đề nghị Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát và báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở báo cáo của Đoàn giám sát và các cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xây dựng báo cáo giám sát trình Quốc hội. Kết thúc giám sát về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

2. Trực tiếp tiến hành giám sát:

Năm 2008, Uỷ ban thường vụ Quốc hội trực tiếp giám sát 3 chuyên đề:  việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; việc thực hiện pháp luật về xử lý vấn đề đất đai, mua bán cổ phiếu trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thành lập các Đoàn giám sát và tiến hành làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ sở. Tại các phiên họp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã dành thời gian nghe và thảo luận về các báo cáo kết quả giám sát, báo cáo của Chính phủ, các cơ quan hữu quan về các chuyên đề trên. Xác định đây là những vấn đề quan trọng, hiện đang được cử tri và nhân dân quan tâm, trên cơ sở kết quả giám sát, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các Đoàn giám sát hoàn chỉnh các báo cáo giám sát để gửi các đại biểu Quốc hội, đồng thời, đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của các đoàn giám sát, báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội kết quả thực hiện.

Cùng với giám sát theo chuyên đề, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành các hoạt động giám sát thường xuyên như: xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo về đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác phòng, chống tham nhũng; về tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân...

Thực hiện quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, tại phiên họp thứ 7 và thứ 8, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức việc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tại 2 phiên họp này, đã có ba vị Bộ trưởng là Bộ trưởng Bộ tài chính, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, được các đại biểu Quốc hội và dư luận cử tri đánh giá tốt. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đề cập những vấn đề đang được cử tri và nhân dân quan tâm như các biện pháp kiềm chế lạm phát, tốc độ tăng giá, các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tình hình trật tự, an toàn giao thông, những vấn đề liên quan đến số lượng, chất lượng thẩm phán Toà án nhân dân... Đây là một bước đổi mới trong hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, làm cho hoạt động chất vấn từng bước trở thành một công việc thường xuyên; gắn chặt hơn nữa hoạt động giám sát của Quốc hội với những vấn đề thời sự mới phát sinh trong thực tế cuộc sống; đồng thời, góp phần giảm tải nội dung chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội.

Nhìn chung, trong năm qua, hoạt động giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được đẩy mạnh hơn, tiếp tục cải tiến, đạt kết quả rõ nét hơn. Các chuyên đề giám sát là những vấn đề bức xúc, phù hợp với tình hình thực tế, được cử tri quan tâm. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì hoạt động giám sát vẫn còn hạn chế; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, nhất là cơ chế kiểm tra sau giám sát. Chương trình giám sát còn nặng so với điều kiện thực hiện. Có một số trường hợp còn trùng lặp về thời gian và địa điểm giám sát. Tổ chức một số đoàn giám sát còn cồng kềnh. Giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa làm được nhiều và chưa thường xuyên…

III- XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH CÁC NỘI  DUNG KHÁC THUỘC THẨM QUYỀN CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Thực hiện quy định của pháp luật, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2007, phương án phân bổ, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2008, về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006 để trình Quốc hội; về cơ chế khoán biên chế và kinh phí hoạt động đối với các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đề nghị của Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc đàm phán, ký kết Công ước Lahay ngày 29/5/1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.

Về công tác tổ chức bộ máy và nhân sự, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giải thể Ban công tác lập pháp, thành lập Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội; ban hành Nghị quyết quy định  chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Ban công tác đại biểu; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban dân nguyện; bổ nhiệm nhân sự Phó Tổng kiểm toán Nhà nước, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Phó trưởng Ban công tác đại biểu, Phó trưởng Ban dân nguyện...

Để chuẩn bị cho Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ ba và thứ tư, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt Nam; việc thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội về thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương; về Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường và nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã.

IV- GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN, THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN VÀ TỔNG HỢP Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỬ TRI

Từ đầu năm đến nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức tiếp 9.209 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về 3.785 vụ việc với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Trong đó, Ban dân nguyện của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thường xuyên là 2.832 lượt người về 1.734 vụ việc; phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp công dân tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 3 của Quốc hội là 6.377 lượt người về 2.051 vụ việc. Đồng thời tiếp nhận 17.000 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội để phân loại, chuyển đến Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và chuyển 83 đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. 

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức Đoàn giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Tại phiên họp thứ 11 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát đã báo cáo kết quả giám sát với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, nêu rõ những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, thiếu sót trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật khiếu nại, tố cáo và quy định về khiếu nại, tố cáo trong các luật, pháp lệnh cũng như việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỉ ra nguyên nhân  phát sinh khiếu nại, tố cáo, hạn chế hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời đã kiến nghị cụ thể về những vấn đề quan trọng và cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới. Qua giám sát, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức rà soát các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác dân nguyện để trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới hiện nay, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng hơn cho công tác tiếp công dân và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII, tại phiên họp thứ 13, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến vào báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.

Về công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri, tại các kỳ họp thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khoá XII, trên cơ sở báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội gửi Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Ban dân nguyện đã tập hợp được 2.631 ý kiến và nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri; xem xét, phân loại, chuyển 1.290 ý kiến, nhóm ý kiến, kiến nghị đến Chính phủ và 25 bộ, ngành để xem xét, giải quyết, trả lời cử tri và báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Đến nay, Ban dân nguyện đã nhận được báo cáo của các bộ, ngành gửi Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc giải quyết đối với 1.282 ý kiến và nhóm ý kiến kiến nghị của cử tri, còn 08 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền xem xét trả lời của Thanh tra Chính phủ đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời. Có thể nói Chính phủ, các bộ, ngành đều đã quan tâm và khẩn trương xem xét, trả lời đối với những ý kiến, kiến nghị về các vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý, điều hành của mình trên cơ sở các quy định của pháp luật; đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc cơ quan chức năng thuộc bộ, ngành mình triển khai các quyết định của bộ về những vấn đề cụ thể mà cử tri đã kiến nghị.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân nguyện, tại phiên họp thứ 12, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xem xét và nhất trí thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban dân nguyện, Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 715 về phân loại đơn thư của công dân gửi Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các thành viên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

V- CÔNG TÁC HƯỚNG DẪN VÀ GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, HƯỚNG DẪN VÀ BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Trong năm 2008, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 628/NQ-UBTVQH12 và Nghị quyết số 633/NQ-UBTVQH12 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và các địa phương có liên quan theo Nghị quyết số 14/2008/QH12 và Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội; Nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân một số tỉnh.

Ngoài ra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thực hiện việc giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông qua tổ chức việc tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân, Hội nghị khu vực và xem xét tài liệu, hồ sơ kỳ họp; hướng dẫn Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố về một số nội dung: việc khen thưởng đối với đại biểu Hội đồng nhân dân và hiệp y khen thưởng tập thể, cá nhân đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách của các tỉnh; ban hành các văn bản hướng dẫn Thường trực Hội đồng nhân dân một số tỉnh về việc bầu các chức danh tại kỳ họp; ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội (mới) và Đoàn đại biểu Quốc hội những tỉnh có liên quan. Đồng thời hướng dẫn và giúp các địa phương tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 545/2007/NQ-UBTVQH12 về việc hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Từ đầu năm đến nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã giải quyết chế độ, chính sách đối với 28 cán bộ đến tuổi nghỉ hưu là đại biểu Quốc hội, các cán bộ công tác tại các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội nguyên Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Đối với đại biểu chuyên trách, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc thực hiện chế độ xếp chuyển lương, ngoài lương, xây dựng chế độ nghỉ dưỡng sức và các chế độ khác theo đúng quy định. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cử 29 đại biểu Quốc hội đi học lớp chuyên viên cao cấp tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

VI- VỀ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI

Năm 2008, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tích cực triển khai, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tổ chức thực hiện hoạt động đối ngoại của Quốc hội theo theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần quan trọng vào việc giữ vững hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, chủ động và tích cực thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo và tổ chức đón tiếp khoảng 40 đoàn đại biểu Quốc hội nước ngoài thuộc các khu vực khác nhau trên thế giới đến thăm và làm việc tại Việt Nam, đồng thời đã cử 23 đoàn đi thăm song phương và 3 đoàn tham dự các hội nghị đa phương.

1. Về quan hệ đối ngoại song phương

Trong năm 2008, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thăm hữu nghị chính thức các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Hungari, Rumani, Bungari và Pháp. Đây là các đối tác truyền thống, quan trọng của Việt Nam ở châu Á và châu Âu. Các chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam với Quốc hội và nhân dân các nước.

Các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đã có các chuyến thăm làm việc tại các nước Ba Lan, Đức, Đan Mạch, Nga, Ucraina, Uzbekistan, Thuỵ Sỹ, Bỉ và Hà Lan, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, tăng cường quan hệ hợp tác liên nghị viện với các nước trên thế giới.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cử các Đoàn đại biểu Quốc hội do các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội dẫn đầu thăm và trao đổi kinh nghiệm với Quốc hội các nước trên thế giới về những lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội.

Song song với việc cử các Đoàn đi thăm và làm việc ở các nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo tiếp đón Đoàn Quốc hội của các nước vào thăm và làm việc tại nước ta, trong đó có một số đoàn do người đứng đầu cơ quan lập pháp. Qua các cuộc làm việc này, chúng ta đã giới thiệu về tình hình và kết quả của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam và nhấn mạnh Việt Nam luôn luôn coi trọng việc củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác nhiều mặt giữa Quốc hội, nhân dân Việt Nam với Quốc hội và nhân dân các nước. Qua các chuyến thăm, làm việc với Quốc hội Việt Nam góp phần quan trọng để các tổ chức và cá nhân nước ngoài nhận thức đầy đủ và hiểu đúng đắn hơn tình hình Việt Nam.

2. Về hoạt động đối ngoại đa phương

Năm 2008, hoạt động đối ngoại đa phương tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực góp phần nâng cao uy tín và vai trò của Quốc hội Việt Nam.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 29 (AIPA-29) đã có những đóng góp tích cực vào thành công của Đại hội đồng, góp phần tăng cường đoàn kết, hợp tác trong các nước ASEAN, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các nước.

Trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn dẫn đầu tham dự kỳ họp thường niên lần thứ 118 tại Nam Phi, đã đưa ra một số kiến nghị đóng góp thiết thực cho hoạt động của IPU.

Ngoài ra, đại diện của Quốc hội Việt Nam tại Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Thế giới đã tham gia Hội nghị Nhóm tư vấn khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Canada, Hội nghị chuyên đề khu vực châu Á - Thái Bình Dương về sự phát triển bền vững do IPU và Quốc hội Lào đồng tổ chức, Hội nghị bất thường của Ban chấp hành IPU, Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Tư vấn của IPU tại Thụy Sĩ. Với uy tín và hoạt động tích cực của Phân ban Việt Nam trong Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF), các thành viên APF đã nhất trí bầu Quốc hội Việt Nam tiếp tục giữ cương vị Phó Chủ tịch Ban Chấp hành APF nhiệm kỳ 2007 - 2009. Đoàn Phân ban Việt Nam trong APF đã tham dự Cuộc họp Ban chấp hành tại Burundi, Đại hội đồng lần thứ 34 tại Canada và Cuộc họp lần thứ 3 Vùng Châu Á - Thái Bình Dương trong APF.

Ngoài các hoạt động tích cực tại IPU, AIPA, APF, Quốc hội Việt Nam cũng đã phát huy tốt vai trò trong các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực khác như Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội nghị đối tác nghị viện Á - Âu (ASEP); tham dự nhiều hội nghị chuyên đề như Hội nghị quốc tế về cải cách lương hưu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hội nghị các nghị sĩ G8 và toàn cầu về dân số và phát triển bền vững - vấn đề thay đổi khí hậu và sức khỏe toàn cầu - an ninh lương thực, Hội nghị quốc tế và nghiên cứu học tập kinh nghiệm...

Để nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động đối ngoại, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận, thông qua Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội.

VII- VỀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Để bảo đảm thực hiện chương trình đã đề ra, trong năm qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội đôn đốc các cơ quan hữu quan tích cực chuẩn bị các đề án, dự án, báo cáo trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan chuẩn bị với tinh thần cao nhất, cố gắng trình dự án theo đúng chương trình xây dựng luật của Quốc hội, trong trường hợp thật đặc biệt mới rút dự án khỏi chương trình. Hàng tháng, lãnh đạo Quốc hội đều họp giao ban để nghe báo cáo tình hình chuẩn bị các nội dung công việc, nhất là việc chuẩn bị các phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo để các cơ quan triển khai thực hiện.

Từ đầu năm đến nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành 9 phiên họp thường kỳ với khối lượng công việc khá lớn. Các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp đầy đủ, nghiêm túc, có trách nhiệm cao trong việc tham gia ý kiến vào từng nội dung. Để bảo đảm chất lượng, đồng thời rút ngắn thời gian các phiên họp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tiếp tục cải tiến cách thức thảo luận, cho ý kiến về các dự án, báo cáo, nhất là các dự án luật. Sau mỗi phiên họp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đều chỉ đạo Văn phòng Quốc hội thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp để các cơ quan triển khai thực hiện.

Trong việc chuẩn bị các kỳ họp Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu cải tiến cách thức tổ chức và tiến hành kỳ họp Quốc hội để vừa nâng cao chất lượng, vừa rút ngắn thời gian các kỳ họp. Tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho phép cải tiến một số công việc liên quan đến sắp xếp chương trình kỳ họp, cách đọc, trình bày báo cáo, cách thảo luận ở tổ, thảo luận ở hội trường, cách thông qua luật, nghị quyết...

Về mối quan hệ công tác, Bộ Chính trị đã dành thời gian làm viêc với Đảng đoàn Quốc hội để bàn việc đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và tăng cường sự phối hợp công tác giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan của Đảng. Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành kế hoạch triển khai kết luận của Bộ Chính trị để nghiên cứu trong các cơ quan Quốc hội.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng thường xuyên có các cuộc làm việc với Thường trực Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để trao đổi về phương thức công tác và thống nhất các nội dung công việc, nhất là liên quan đến việc chuẩn bị các kỳ họp Quốc hội.

Ngoài ra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng dành thời gian chỉ đạo kiện toàn, xây dựng bộ máy cơ quan giúp việc Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; chỉ đạo củng cố tổ chức, đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; chỉ đạo thực hiện kiểm toán, mua sắm tài sản, thực hiện tiết kiệm và phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan Quốc hội và Văn phòng Quốc hội...

VIII- ĐÁNH GIÁ CHUNG

Năm 2008, mặc dù thực hiện một khối lượng công việc khá lớn nhưng với sự nỗ lực cao, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã hoàn thành công việc theo chức năng với chất lượng ngày càng tốt hơn. Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục có sự cải tiến, phát huy vai trò các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, chất lượng các dự án có chuyển biến tích cực. Hoạt động giám sát được đẩy mạnh, có trọng tâm, đi sâu vào các chuyên đề, bước đầu đã đưa hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn vào các phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Việc xem xét, quyết định các nội dung kinh tế - xã hội và các vấn đề quan trọng khác sát thực tiễn hơn. Việc tổ chức các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày càng có hiệu quả hơn, góp phần mở rộng và tăng cường ngoại giao nghị viện. Phương thức hoạt động, lề lối làm việc, công tác tổ chức ngày càng nền nếp, khoa học, phát huy được dân chủ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong năm qua cũng còn những hạn chế nhất định: việc chỉ đạo, đôn đốc  thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa quyết liệt; chương trình đề ra phải thay đổi nhiều; chất lượng một số dự án luật, pháp lệnh chưa cao; một số hoạt động giám sát hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa có cơ chế kiểm tra thực hiện các kiến nghị sau giám sát...

Phần thứ hai

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU TRONG NĂM 2009

1. Công tác xây dựng pháp luật

- Chỉ đạo thực hiện hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư. Phân công cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra, xây dựng tiến độ đối với từng dự án và chỉ đạo đôn đốc các cơ quan thực hiện đúng tiến độ đề ra.

- Phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong việc thẩm tra, phối hợp thẩm tra và tham gia ý kiến vào các dự án luật; chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hơn trong việc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chỉnh lý các dự thảo luật trình Quốc hội.

- Phối hợp với Chính phủ chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện đúng các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009.

- Chỉ đạo việc chuẩn bị dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2010 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5.

2. Công tác giám sát

- Tổ chức triển khai, phân công và chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội thực hiện chương trình hoạt động giám sát năm 2009 của Quốc hội.

- Triển khai thực hiện Chương trình giám sát năm 2009 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, tập trung vào các chuyên đề và tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp...

- Chỉ đạo việc triển khai, hoàn thành Đề án đổi mới hoạt động giám sát theo kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội; sớm cải tiến một số việc có thể thực hiện trong năm 2009; tiếp tục tổ chức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

- Thực hiện tốt hơn việc điều hoà, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội trong hoạt động giám sát, nghiên cứu khảo sát để bảo đảm có sự phối hợp chặt chẽ, tránh trùng lắp tại một số địa phương, cơ sở.

- Chỉ đạo việc nghiên cứu để kiến nghị với Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội.

3. Một số công tác quan trọng khác

- Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp thứ năm và thứ sáu, Quốc hội khoá XII.

- Triển khai chương trình hoạt động đối ngoại song phương và đa phương một cách thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm. Chỉ đạo việc chuẩn bị và triển khai các công việc để Quốc hội nước ta đăng cai Đại hội đồng AIPA lần thứ 31 vào năm 2010. Tích cực tham gia và đóng góp có hiệu quả vào các diễn đàn khu vực và quốc tế.

- Tăng cường công tác hướng dẫn và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; hướng dẫn và bảo đảm các điều kiện hoạt động cho đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

- Chỉ đạo việc nghiên cứu cải tiến cách thức tổ chức tiến hành phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhằm nâng cao hiệu quả các phiên họp.

- Tiếp tục chỉ đạo cải thiện điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nâng cao năng lực tổ chức phục vụ của bộ máy giúp việc và bảo đảm các điều kiện hoạt động của Quốc hội.

Trên đây là kết quả hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội năm 2008 và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu năm 2009. Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin trân trọng báo cáo Quốc hội./.

 

 

T.M UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
PHÓ CHỦ TỊCH




Tòng Thị Phóng

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Báo cáo số 166/BC-UBTVQH12 về việc công tác ngày 23/10/2008 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.155

DMCA.com Protection Status
IP: 3.15.143.18
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!