ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 155/BC-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 9 năm 2014
|
BÁO CÁO
CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN VỊ TRÍ VIỆC LÀM VÀ CƠ CẤU NGẠCH CÔNG CHỨC, VIÊN
CHỨC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Thực hiện đề nghị của Bộ Nội vụ tại
Công văn số 1801/BNV-TCBC ngày 29 tháng 05 năm 2014 về điều chỉnh biên chế công chức năm 2014 liên quan tiến độ xây dựng Đề án Vị
trí việc làm,
Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo việc
triển khai xây dựng Đề án Vị trí việc làm và cơ cấu ngạch
công chức, viên chức của Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
I. QUÁ TRÌNH TRIỂN
KHAI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN VỊ TRÍ VIỆC LÀM
Việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu
ngạch công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước nhằm đổi mới cơ chế quản
lý công chức là một việc làm mới và có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng đối với việc quản lý, tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi
dưỡng công chức, viên chức.
Xuất phát từ tầm quan trọng nói trên,
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2012 quy định
về xác định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số
36/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công
chức, đây là cơ sở quan trọng trong việc thực hiện xác định vị trí việc tại cơ
quan hành chính và đơn vị sự nghiệp.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo
hiệu quả, khoa học, chính xác trong việc xây dựng đề án vị trí việc làm, góp phần
nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thành phố,
ngày 19 tháng 7 năm 2013 Ủy ban nhân dân Thành phố đã ký Quyết định số
3924/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác triển khai việc xây dựng Đề án vị trí việc
làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức Thành phố, giao Sở Nội vụ làm Tổ trưởng
với thành viên là lãnh đạo một số Phòng, chuyên viên của Sở Nội vụ và Trưởng
phòng tổ chức các cơ quan, đơn vị có số lượng cán bộ công chức, viên chức lớn.
Ngay sau khi thành lập, Tổ Công tác
ban hành kế hoạch số 1238/KH-TCT ngày 09 tháng 8 năm 2013 xây dựng tiến độ thực
hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên của Tổ, tiến hành chọn,
đề xuất đơn vị thực hiện thí điểm, đồng thời kiểm tra đôn đốc các cơ quan, đơn
vị của Thành phố triển khai công tác kê khai các biểu mẫu, phụ lục theo quy định;
hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc của các đơn vị
trong quá trình thực hiện, xây dựng khung tiêu chí đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, các nội dung cốt lõi để làm cơ sở thẩm
định Đề án.
Qua quá trình khẩn trương chuẩn bị,
ngày 22 tháng 7 năm 2013, Ủy ban nhân dân Thành phố đã chủ trì triển khai, tập
huấn xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức cho 45 đơn vị
sở, ngành và 24 quận, huyện với sự tham gia của 150 lãnh đạo, công chức, viên
chức gồm Thành viên Ban Chỉ đạo cải cách chế độ công vụ công chức Thành phố,
Thành viên Tổ Công tác Đề án vị trí việc làm và lãnh đạo, cán bộ làm công tác tổ
chức của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố.
Thành phố đã chọn 05 cơ quan, đơn vị
gồm Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Thành phố, Bệnh viện Nhân dân
115, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong và Ủy ban nhân dân quận
Phú Nhuận thực hiện điểm việc xây dựng Đề án vị trí việc làm tại đơn vị. Ngày
23 tháng 12 năm 2013, Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Nội Vụ thẩm định, thông qua
Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức của 05 cơ quan, đơn
vị được chọn điểm.
Qua ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ đối
với 05 Đề án điểm, ngày 13 tháng 01 năm 2014, Sở Nội vụ có Công văn số
01/HD-SNV hướng dẫn chi tiết việc thực hiện xây dựng đề án vị trí việc làm và
cơ cấu ngạch công chức, viên chức tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp
công lập trên địa bàn Thành phố. Ngày 14 tháng 01 năm 2014, Ủy ban nhân dân
Thành phố tiếp tục tổ chức hội nghị hướng dẫn cho lãnh đạo và cán bộ tổ chức
các sở, ngành, quận, huyện về nội dung cơ bản của việc xây dựng Đề án vị trí việc
làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự
nghiệp công lập.
Ngoài ra, Sở Nội vụ đã trực tiếp hướng
dẫn cho toàn thể cán bộ công chức của các đơn vị như Sở Tài chính, Sở Giao
thông vận tải, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố, Sở Tài
nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng cũng như một số đơn vị trực thuộc các Sở đồng
thời tổ chức nhiều buổi gặp trao đổi hướng dẫn cho Lãnh đạo các đơn vị tại Sở Nội
vụ, tại đơn vị; đã thực hiện 04 buổi báo cáo chuyên đề về Đề án vị trí việc làm
cho các đối tượng là lãnh đạo, cán bộ công chức của các sở, ngành, quận, huyện
tại Trường Cán bộ Thành phố.
II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Khối sở, ngành:
Thành phố có 45 cơ quan, đơn vị hành
chính, sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố gồm 32 cơ quan hành
chính, 13 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó,
- Có 32/32 cơ quan đã xây dựng xây dựng
Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức (gọi tắt là Đề án hành chính)
và gửi Sở Nội vụ thẩm định Đề án.
- Đối với Đề án
vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là Đề án sự nghiệp),
có 35 cơ quan đơn vị phải xây dựng gồm 13 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc
Thành phố và 22 cơ quan hành chính có các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
Đến nay, cơ bản đã hoàn tất Đề án riêng lẻ, các đơn vị chủ quản đang thẩm định
tổng hợp để xây dựng Đề án tổng.
2. Khối quận, huyện: 24/24 quận, huyện
đã xây dựng Đề án hành chính và Đề án sự nghiệp đã gửi cho Sở Nội vụ thẩm định
và tổng hợp.
Song song với việc hướng dẫn xây dựng
và thẩm định Đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị, đến nay Sở Nội vụ
đã cơ bản hoàn thành việc tổng hợp xây dựng Đề án vị trí
việc làm hành chính của Thành phố; do khối sự nghiệp rất lớn nên cân thêm thời
gian để tổng hợp. Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ sớm hoàn chỉnh Đề án khối sự
nghiệp để gửi Bộ Nội vụ thẩm định theo quy định.
III. MẶT ĐƯỢC - MẶT HẠN CHẾ -
BÀI HỌC KINH NGHIỆM
1. Mặt được:
Việc xây dựng Đề án vị trí việc làm
trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập là công việc mới và khó
nhưng xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, Ủy ban nhân dân
Thành phố đã quan tâm chỉ đạo, nhắc nhở, đôn đốc kịp thời các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện.
Với sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Nội vụ,
kinh nghiệm học từ các tỉnh, Thành phố đã được chọn thí điểm
trước đây, cùng sự phối hợp của lãnh đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận,
huyện; đặc biệt là việc triển khai thực hiện của bộ phận tổ
chức xây dựng Đề án vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nên quá
trình thực hiện có nhiều thuận lợi.
Thành phố đã tổ chức bằng nhiều hình
thức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm; Sở Nội vụ - bộ phận thường trực đã trực tiếp
đến các cơ quan, đơn vị hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, khó khăn và thẩm định tại
cơ quan, đơn vị để rút kinh nghiệm, sẵn sàng trả lời các vướng mắc, kiến nghị của
cơ quan, đơn vị khi được liên hệ đã tạo khối thống nhất trong quá trình xây dựng
Đề án vị trí việc làm. Đã quán triệt và được sự thống nhất cao của các cơ quan,
đơn vị, địa phương trong việc lựa chọn được các thành viên tham gia xây dựng Đề
án là những người có kiến thức, kỹ năng tốt về các mặt phân tích tổ chức, thống
kê, xây dựng bản mô tả công việc, khung năng lực, xử lý các thuật toán; am hiểu,
trải nghiệm thực tiễn công tác và nắm bắt một số khâu quan
trọng của Đề án, phân nhóm công việc, xác định danh mục vị trí việc làm và mô tả
từng vị trí việc làm. Từ đó, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện xây dựng Đề
án.
Ngoài ra, Tổ Công tác và Sở Nội vụ
thường xuyên gắn kết các đơn vị, có sự hướng dẫn thống nhất chi tiết phương
pháp, quy trình, xử lý tình huống, các biểu mẫu kịp thời cho quá trình thực hiện
Đề án. Đồng thời, ban hành mẫu biên bản thẩm định tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng
nhất cho các cơ quan, đơn vị trong việc chuẩn bị hồ sơ, thẩm định
nội dung Đề án các đơn vị trực thuộc.
2. Mặt hạn chế:
2.1. Các khó khăn trong quá trình xây
dựng Đề án vị trí việc làm:
Do tính chất công việc và đặc thù mô
hình tổ chức hoạt động khác nhau của khối các sở ngành và
đây là lần đầu tiên thực hiện việc xây dựng Đề án vị trí việc làm nên các đơn vị
còn lúng túng, vướng mắc và gặp một số khó khăn trong việc xây dựng Đề án, một
vài đơn vị cảm thấy việc xây dựng Đề án vị trí việc làm thiếu khả thi, hoài
nghi sự cần thiết xây dựng Đề án nên không có những kiến nghị, đề xuất cụ thể
cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự;
Việc kê khai, mô tả công việc chưa
khách quan, nhiều người chưa hiểu rõ tầm quan trọng và do
chưa có số liệu nên còn tình trạng kê khai theo cảm tính, thiếu khoa học, chủ yếu
căn cứ kết quả (100%) để ước thời gian thực hiện.
Tuy đa số các đơn vị hoàn thành xong
Đề án nhưng do còn nhiều nội dung chưa phù hợp nên phải điều chỉnh lại, dẫn đến
tiến độ bị chậm so với kế hoạch. Nhiều đơn vị còn lẫn lộn giữa vị trí việc làm
và số người làm việc, chưa thật sự chú trọng và quan tâm thích đáng công tác
xây dựng Đề án tại đơn vị mình.
Các Bộ chuyên ngành chưa ban hành chức
danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn, hạng chức danh nghề nghiệp nên việc xây dựng Đề
án và thực hiện biểu mẫu khó khăn khi xác định khung năng lực, hạng, chức danh
nghề nghiệp.
2.2 Các khó khăn trong quá trình thực
hiện các Phụ lục:
Đa số các cơ quan gặp khó khăn trong
quá trình thực hiện việc kê khai Phụ lục 1 A và Phụ lục số 5. Đối với cơ quan,
đơn vị có số lượng công chức, viên chức lớn, việc tập hợp Phụ lục 1A để phân
chia nhóm công việc gặp nhiều khó khăn, mất rất nhiều thời gian.
- Phụ lục 1A (Thống kê công việc cá
nhân): thường không xác định được số lượng đầu ra (sản phẩm)
trung bình/năm nên chi ước lượng. Thời gian hoàn thành một công việc của mỗi cá
nhân không thống nhất. Việc kê khai và thu lại rất mất nhiều thời gian. Còn hiểu
nhầm thời gian, kinh nghiệm công tác cần thiết cho vị trí
lãnh đạo, quản lý được tính luôn thời gian làm Chuyên viên
nên thường ghi thời gian rất dài thay vì chỉ tính thời gian giữ chức vụ bao lâu
là thấy mình đảm bảo được vị trí đó.
- Phụ lục 2 (Phân nhóm công việc):
Hay nhầm giữa nhóm công việc chuyên môn, nghiệp vụ và nhóm công việc hỗ trợ, phục
vụ.
- Phụ lục 3 (Các yếu tố ảnh hưởng):
việc xác định mức độ ảnh hưởng cao, trung bình hay thấp thường mang tính cảm
tính nhiều hơn vì với số lượng dân số và yêu cầu công việc
như Thành phố thì thường các yếu tố ảnh hưởng ở mức cao. Chưa nêu rõ những vướng
mắc.
- Phụ lục 4 (Danh mục vị trí việc
làm): khó khăn trong việc xác định ngạch công chức tương ứng trong cùng vị trí
việc làm. Ví dụ: Vị trí Nghiệp vụ Quản lý thị trường thì các ngạch Kiểm soát
viên chính thị trường, Kiểm soát viên thị trường, Kiểm soát viên cao đẳng thị
trường, Kiểm soát viên trung cấp thị trường... mỗi ngạch ở vị trí này cần số
biên chế khác nhau. Vì vậy, ghi vị trí Nghiệp vụ Quản lý thị trường với một ngạch
kiểm soát thị trường nào đó và tính tổng biên chế của các ngạch này thì Đề án
không thấy rõ cần bao nhiêu biên chế cho từng ngạch.
- Phụ lục 5 (Bản mô tả công việc của
vị trí việc làm): Mô tả vị trí việc làm của từng vị trí việc làm với tỷ trọng
thời gian thực hiện các nhiệm vụ chính là 100% nhưng một vị
trí việc làm có nhiều người (Ví dụ vị trí cấp trưởng, phó) thì việc xác định %
tỷ trọng không hợp lý.
- Phụ lục 6 (Khung năng lực của từng
vị trí việc làm): mỗi vị trí việc làm có nhiều người làm nhưng lại có yêu cầu
chuyên môn, năng lực khác nhau nên gây khó khăn trong việc xác định năng lực, kỹ
năng cần thiết và thường chỉ xác định chung chung. Từ đó, đơn vị không thể cụ
thể được năng lực, kỹ năng cần thiết. Ví dụ: vị trí Trưởng phòng thì Trưởng
phòng Tài chính - Kế hoạch sẽ cần những năng lực, kỹ năng nhất là về chuyên
môn, nghiệp vụ khác với Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trưởng phòng Đầu tư xây dựng.
3. Bài học kinh nghiệm
Phải quán triệt đầy đủ ý nghĩa, tầm
quan trọng, sự cần thiết của việc xây dựng Đề án vị trí việc làm đến tất cả cơ
quan, đơn vị nhất là người đứng đầu.
Lãnh đạo các cấp cần phải chỉ đạo kịp thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, theo dõi để đảm
bảo tiến độ đề ra và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc do thực tế đề
ra trong quá trình xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị.
Phải lựa chọn những người tham gia
xây dựng Đề án vị trí việc làm tại cơ quan, đơn vị là những người có tâm huyết,
nắm chắc tình hình, am hiểu tổng quát chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Lựa chọn các đơn vị điểm xây dựng Đề
án vị trí việc làm để thẩm định rút kinh nghiệm những khó khăn, vướng mắc song
song với việc triển khai đại trà các bước cho các cơ quan, đơn vị để luôn chủ động
trong quá trình thực hiện.
Phải có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi
xây dựng Đề án, khâu chuẩn bị có thể đóng góp tới 50% sự thành công của Đề án
xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức.
IV. PHƯƠNG HƯỚNG TRONG
THỜI GIAN TỚI
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục
lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, theo dõi để đảm bảo
tiến độ đề ra và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tập trung khẩn
trương hoàn chỉnh Đề án hành chính, chậm nhất tháng 10 năm 2014 phải gửi về Sở
Nội vụ để tiến hành thẩm định và gửi Bộ Nội vụ thẩm định
thông qua.
Sở Nội vụ và Tổ Công tác có trách nhiệm
phối hợp với các đơn vị khẩn trương hoàn chỉnh Đề án sự nghiệp của từng đơn vị,
sau đó tổng hợp xây dựng Đề án chung của Thành phố, trình Ủy
ban nhân dân Thành phố xem xét gửi Bộ Nội vụ thẩm định. Thời gian hoàn thành
trong tháng 11 năm 2014.
VI. KIẾN NGHỊ, ĐỀ
XUẤT
Kiến nghị Bộ ngành có liên quan sớm ban
hành chức danh nghề nghiệp, hạng chức danh nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh
nghề nghiệp để việc xây dựng Đề án vị trí việc làm được thuận lợi, hoàn chỉnh.
Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- TTUB: CT, các PCT;
- Thủ trưởng các Sở, ngành;
- Chủ tịch UBND các Quận, huyện;
- Thành viên Tổ Công tác;
- Sở Nội vụ;
- VPUB: CPVP;
- Phòng VX, CCHC, TC;
- Lưu: VT, (VX-VN).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hứa Ngọc Thuận
|