BỘ TƯ PHÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 15/BC-BTP
|
Hà Nội, ngày 20
tháng 01 năm 2014
|
BÁO CÁO
TỔNG
KẾT CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2013 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CÔNG
TÁC NĂM 2014
Năm 2013, tình hình kinh tế thế giới diễn
biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, kinh tế trong nước còn nhiều khó
khăn nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh
nghiệp và cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà
nước, kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng và
thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp
hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; các cân đối lớn được cải thiện; an sinh xã
hội được bảo đảm1. Trong những kết quả chung của đất
nước, có sự đóng góp ngày càng tích cực của Ngành Tư pháp.
Trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP và
Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ
tướng Chính phủ, Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội
nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013, công tác tư pháp đã được
Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển
khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đạt nhiều kết quả cụ thể. Báo
cáo này tập trung đánh giá toàn diện kết quả công tác tư pháp trong năm 2013;
những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ,
giải pháp chủ yếu trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
Phần thứ nhất.
TÌNH
HÌNH CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2013
I. TÌNH HÌNH CÔNG TÁC
TRONG CÁC LĨNH VỰC CỤ THỂ
1. Công tác xây dựng,
thẩm định văn bản quy phạm pháp luật
1.1. Kết quả đạt được
a) Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa
đổi Hiến pháp năm 1992 và góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực
giúp Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi
chung là các Bộ, cơ quan), HĐND và UBND các cấp xây dựng, tổ chức triển khai
thực hiện kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp và tiếp tục
tham gia đề xuất ý kiến trong quá trình sửa đổi bổ sung Hiến pháp, trong năm
qua, Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp địa phương đã tập
trung nguồn lực, tổ chức triển khai nhiệm vụ này một cách nghiêm túc, khoa học,
huy động được sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân vào sự kiện chính trị -
pháp lý quan trọng của đất nước. Trong mỗi giai đoạn thực hiện nhiệm vụ được Ủy
ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công, Bộ Tư
pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan xây dựng các
báo cáo, ý kiến góp ý, đề xuất chỉnh lý, hoàn thiện nội dung Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp2. Trên cơ sở Báo cáo của Chính phủ, ý
kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp chặt chẽ với Tổ biên
tập của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục nghiên cứu, tham gia
ý kiến, đề xuất hoàn chỉnh dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Qua rà soát, so sánh cho
thấy, nhiều ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được tiếp thu trong
Hiến pháp (sửa đổi năm 2013), đặc biệt là các ý kiến liên quan đến chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; nguyên tắc tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của
chính quyền địa phương và một số nội dung liên quan đến điều ước quốc tế, quyền
con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Cùng với việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về
dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các Sở Tư pháp, cơ
quan THADS địa phương tích cực tham gia ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
và phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn
chỉnh dự án Luật này, trong đó có những vấn đề liên quan mật thiết với một số
lĩnh vực quản lý của Ngành như: công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm và bán
đấu giá bất động sản. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII
thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2013).
b) Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
(VBQPPL)
Tiếp tục được xác định là một trong những
nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công
tác xây dựng VBQPPL trong năm 2013 đã được các Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích
cực.
- Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong
năm 2013 được thực hiện nghiêm túc hơn. Trong năm, các Bộ, cơ quan đã tham mưu
cho Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 23 luật, pháp
lệnh, trong đó có những dự án luật quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật
sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Thuế giá trị gia tăng…, qua đó góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đáp
ứng một bước quan trọng những yêu cầu cấp thiết của đời sống xã hội. Nhận thức
và trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh đã
có nhiều chuyển biến. Các Bộ, cơ quan đã chủ động, tích cực trong việc soạn
thảo, trình Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh, từng bước hạn chế việc điều
chỉnh chương trình xây dựng văn bản. Trong quá trình xây dựng các luật, pháp lệnh,
các cơ quan chủ trì soạn thảo đã chú trọng đến đánh giá tác động của chính
sách; thực hiện cơ chế huy động sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể, hiệp
hội, doanh nghiệp và nhân dân, nhất là đối tượng chịu sự tác động của văn bản.
Bộ Tư pháp cũng đã hoàn thành việc xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Hòa
giải ở cơ sở, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương
trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013; đã phối hợp với các Bộ,
cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện tốt
công tác tổng kết thi hành, hoàn chỉnh các dự án Luật Hôn nhân và gia đình năm
2000 (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp
thứ 6. Để chuẩn bị cho việc xây dựng các dự án luật quan trọng, mang tính
“rường cột” của hệ thống pháp luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ cũng đã tổ chức tổng kết, xây dựng định
hướng của các dự án luật này và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trong năm 2014.
- Công tác xây dựng, ban hành văn bản thuộc
thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các văn bản quy định chi
tiết thi hành luật, pháp lệnh có chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 23/12/2013,
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 123/164 văn bản quy định chi tiết
thi hành luật, pháp lệnh, đạt 75%, đặc biệt là trên 90% số nghị định quy định
chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực đã được ban hành.
Để bảo đảm thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, gắn kết giữa công tác xây dựng
pháp luật với công tác thi hành pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành
Quyết định về việc chuyển giao trách nhiệm theo dõi tình hình ban hành văn bản
quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Tư
pháp thực hiện (kể từ ngày 01/7/2013). Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp
đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp để đôn đốc, các
Bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật,
pháp lệnh; xây dựng Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thi hành luật,
pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh
của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội
khóa XIII đến hết tháng 7/2013 và phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc tăng cường công tác này.
- Công tác xây dựng VBQPPL ở địa phương tiếp
tục có những chuyển biến. Ngay từ đầu năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương đã quan tâm ban hành Chương trình xây dựng VBQPPL năm 2013, giao Sở Tư
pháp theo dõi, đôn đốc, thẩm định văn bản, qua đó bảo đảm tiến độ, chất lượng
văn bản. Năm 2013, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã
ban hành 3.172 VBQPPL đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành các mặt kinh tế - xã
hội ở địa phương, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp.
c) Công tác thẩm định VBQPPL
Trong năm 2013, Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp
chế và cơ quan tư pháp địa phương đã thẩm định 8.941 dự thảo VBQPPL. Bộ Tư pháp
đã thực hiện thẩm định 409 dự thảo VBQPPL, trong đó thẩm định theo thủ tục rút
gọn 108 đề án, văn bản thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính
phủ. Công tác thẩm định VBQPPL đã có nhiều đổi mới trong quy trình, cách thức
thẩm định, có đổi mới mang tính đột phá như việc tổ chức thẩm định “chùm” hơn
50 nghị định về XLVPHC thông qua cơ chế hội đồng với sự tham gia của các chuyên
gia, nhà khoa học, tạo được chuyển biến tích cực về chất lượng thẩm định. Việc thẩm
định theo cơ chế nội bộ của các tổ chức pháp chế đối với các dự thảo VBQPPL
thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ cũng đã được chú trọng hơn, góp phần nâng cao chất lượng các
thông tư, thông tư liên tịch. Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm
định, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị về thực trạng và các giải pháp nâng cao
chất lượng công tác thẩm định VBQPPL của Bộ, đồng thời chỉ đạo xây dựng cơ chế
bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL, kiểm soát
thủ tục hành chính, kiểm tra VBQPPL.
Việc thẩm định các văn bản VBQPPL ở các địa
phương cũng đã đi vào nền nếp. Trong năm 2013, các cơ quan tư pháp địa phương
đã thẩm định 7.610 văn bản. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND,
UBND cấp tỉnh trước khi ban hành đều được gửi Sở Tư pháp thẩm định; các ý kiến
thẩm định của Sở Tư pháp được chính quyền địa phương đánh giá cao, làm cơ sở
xem xét ban hành văn bản.
1.2. Hạn chế, yếu kém và nguyên nhân
a) Hạn chế, yếu kém
- Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn
còn phải điều chỉnh; tình trạng xin lùi, xin rút vẫn chưa được khắc phục triệt
để3.
Chất lượng một số dự án còn hạn chế, chưa bảo đảm yêu cầu hoặc chưa được giải
trình kỹ lưỡng.
- Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi
tiết chưa được giải quyết dứt điểm, đặc biệt là tình trạng chậm ban hành, nợ
đọng thông tư, thông tư liên tịch chiếm tỷ lệ cao4.
- Vẫn còn tình trạng văn bản của một số Bộ,
cơ quan được ban hành nhưng không khả thi, xa rời thực tiễn, chồng chéo giữa các
văn bản, thậm chí cá biệt có trường hợp gây bức xúc trong xã hội. Việc ban hành
VBQPPL của cấp huyện, cấp xã chưa được kiểm soát chặt chẽ, chất lượng còn hạn
chế.
- Chất lượng thẩm định VBQPPL tuy đã được cải
thiện một bước nhưng tinh thần và nội dung thẩm định vẫn còn nặng về tính pháp
lý. Việc đánh giá tác động của chính sách khi đề xuất đưa vào chương trình và
trong quá trình soạn thảo chưa thực chất, có biểu hiện hình thức, đối phó, ảnh
hưởng đến chất lượng, tính khả thi, hợp lý của văn bản; một số quy định về thủ
tục hành chính chưa được kiểm soát chặt chẽ.
b) Nguyên nhân
- Số lượng luật, pháp lệnh và văn bản quy
định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh năm 2013 là rất lớn, đặc biệt
là nhiều văn bản có nội dung phức tạp, cần nhiều thời gian, nguồn lực để thực
hiện, tạo sức ép công việc rất lớn cho các Bộ, cơ quan.
- Lãnh đạo một số Bộ, cơ quan, địa phương
chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng VBQPPL. Việc đề xuất
xây dựng một số luật, pháp lệnh còn chưa hợp lý, chưa lường trước được khó
khăn, chưa xác định rõ về định hướng chính sách.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm
định VBQPPL chậm được kiện toàn, năng lực, kinh nghiệm có phần hạn chế, vẫn còn
tình trạng tư duy pháp lý thuần túy. Kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng, thẩm
định VBQPPL còn hạn chế.
- Công tác phối hợp trong xây dựng, góp ý,
thẩm định VBQPPL giữa Bộ Tư pháp với một số Bộ, cơ quan, giữa cơ quan Tư pháp
địa phương với cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp chưa thật sự nhịp nhàng.
Hoạt động của các Ban soạn thảo, Tổ biên tập các dự án, dự thảo VBQPPL chưa
hiệu quả. Chưa có cơ chế kiểm soát tập trung từ Chính phủ đối với việc ban hành
thông tư, thông tư liên tịch.
2. Công tác kiểm tra,
xử lý, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL và pháp điển hệ thống quy phạm
pháp luật
2.1. Kết quả đạt được
- Năm 2013, các Bộ, cơ quan và các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương đã tiếp nhận kiểm tra theo thẩm quyền 41.549
VBQPPL; qua kiểm tra, đã phát hiện 8.051 văn bản có dấu hiệu vi phạm các
điều kiện về tính hợp pháp của văn bản quy định tại Điều 3 Nghị
định số 40/2010/NĐ-CP (chiếm tỷ lệ 19,38%), trong đó có 1.361 VBQPPL
có dấu hiệu vi phạm về nội dung (giảm 2,4% so với năm 2012). Bộ Tư pháp đã kiểm
tra 3.616 VBQPPL, kết quả phát hiện 815 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều
kiện về tính hợp pháp, trong đó có 296 văn bản vi phạm về nội dung (chiếm tỷ lệ
8,2%). Công tác kiểm tra VBQPPL của Bộ Tư pháp bước đầu đã có sự gắn kết với
công tác theo dõi thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện nhiều VBQPPL mới ban
hành có sai sót và tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý5. Công
tác tự kiểm tra VBQPPL của các Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương được tăng cường và đã tổ chức kiểm tra được một số lượng lớn văn
bản. Việc xử lý VBQPPL đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật cũng được các
Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm thực hiện
(năm 2013 đã xử lý xong 85% văn bản). Để tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác
kiểm tra, xử lý VBQPPL, Bộ Tư pháp đã tổ chức tổng kết thi hành Nghị định số 40/2010/NĐ-CP
ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật và
đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung thể chế trong lĩnh vực này.
- Triển khai Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày
06/02/2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp
đã ban hành Thông tư số 09/2013/TT-BTP ngày 15/6/2013 quy định chi tiết thi
hành Nghị định số 16/2013/NĐ-CP bảo đảm cơ sở pháp lý triển khai nhiệm vụ rà
soát, hệ thống hóa VBQPPL. Công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL được các Bộ,
cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm triển khai, đã
phát hiện và kịp thời xử lý nhiều văn bản, quy định chồng chéo, mâu thuẫn hoặc
không còn phù hợp, định kỳ công bố các VBQPPL hết hiệu lực, góp phần nâng cao tính
minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật. Việc rà soát các VBQPPL phục vụ
việc thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực thương mại quốc tế, nhân
quyền cũng được Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương thực hiện có hiệu quả… Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ,
cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục nâng cấp và hoàn
thiện cơ sở dữ liệu VBQPPL, triển khai thử nghiệm Trang thông tin về Cơ sở dữ
liệu quốc gia về VBQPPL; đang xây dựng Kế hoạch triển khai rà soát VBQPPL theo
Hiến pháp (sửa đổi năm 2013).
- Triển khai thực hiện Pháp lệnh hợp nhất
VBQPPL, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 28/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về công tác
này, một số Bộ, cơ quan đã hoàn thành việc hợp nhất VBQPPL được ban hành trước
ngày 01/7/20126. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc
triển khai hợp nhất VBQPPL, Bộ Tư pháp đã xây dựng Sổ tay hướng dẫn công tác
hợp nhất VBQPPL. Triển khai Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Bộ
Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013
quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và
phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 192/2013/TTLT-BTC-BTP
hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí nhà nước bảo đảm
cho công tác hợp nhất VBQPPL và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.
2.2. Hạn chế, yếu kém và nguyên nhân
a) Hạn chế, yếu kém
- Một số văn bản có dấu hiệu trái pháp luật
chưa được phát hiện kịp thời, nhiều trường hợp do các cơ quan thông tấn, báo
chí phát hiện, nêu vấn đề. Một số trường hợp VBQPPL đã được phát hiện, nhưng
chậm được xử lý.
- Việc rà soát văn bản còn chưa kịp thời,
chưa thực chất; một số Bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện đúng yêu cầu của
việc rà soát thường xuyên; việc rà soát, hệ thống hóa thiếu sự liên thông, kết
nối với xây dựng, thi hành pháp luật, chưa bảo đảm tính đồng bộ, nhất là giữa
Trung ương và địa phương.
- Việc hợp nhất VBQPPL được ban hành trước
ngày Pháp lệnh Hợp nhất VBQPPL có hiệu lực chưa kịp thời. Việc triển khai Pháp lệnh
Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật còn chậm.
b) Nguyên nhân
- Một số Bộ, cơ quan, địa phương chưa quan
tâm chỉ đạo công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; còn có sự nể nang,
dè dặt trong việc kiểm tra, xử lý một số văn bản đã phát hiện có dấu hiệu vi
phạm; công tác phối hợp trong kiểm tra, xử lý VBQPPL trái pháp luật còn hạn
chế.
- Thể chế và các điều kiện bảo đảm để triển
khai công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL và pháp điển hệ thống quy
phạm pháp luật chưa đầy đủ và còn nhiều hạn chế.
- Đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm
vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL, pháp điển hệ thống quy
phạm pháp luật còn thiếu về số lượng, trình độ năng lực chưa đồng đều.
3. Công tác theo dõi
thi hành pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính và xử lý vi phạm hành chính
3.1. Kết quả đạt được
a) Công tác theo dõi thi hành pháp luật
Việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế
hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm 2013 thuộc lĩnh vực và địa bàn quản lý đã
được các Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm thực
hiện, tập trung vào một số lĩnh vực như thuế, đất đai, bảo vệ môi trường, khai
thác khoáng sản và xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời với việc triển khai công
tác theo dõi thi hành pháp luật, các cơ quan Tư pháp, các tổ chức pháp chế cũng
đã tích cực tham gia giải quyết những vấn đề về pháp lý liên quan đến các lĩnh
vực tài chính, ngân hàng, đất đai, giải phóng mặt bằng, đấu giá tài sản, những
vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án lớn phục vụ phát
triển kinh tế - xã hội... Để hình thành cơ chế đồng bộ hơn cho việc theo dõi,
phát hiện, xử lý và kiến nghị hoàn thiện các VBQPPL bảo đảm thống nhất, hiệu
lực, hiệu quả, nhất là bảo đảm sự gắn kết hơn giữa theo dõi thi hành pháp luật
với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp đang xây
dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ công tác này để
triển khai thực hiện trong thời gian tới.
b) Công tác kiểm soát thủ tục hành chính
(KSTTHC)
Thực hiện nhiệm vụ mới được Chính phủ giao về
KSTTHC, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2013/NĐ-CP
ngày 14/5/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến KSTTHC;
tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 05/7/2013 về
việc tổ chức thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP; Quyết định số 367/QĐ-TTg
ngày 28/02/2013 về việc thành lập Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.
Thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP và Chỉ
thị số 15/CT-TTg, các Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
đã cơ bản chuyển giao xong chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cán bộ làm công
tác KSTTHC7; hoàn thành việc đơn giản hóa 4.016/4.714
thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị quyết chuyên đề (đạt
85%). Công tác đánh giá tác động đối với dự án, dự thảo VBQPPL có quy định về
thủ tục hành chính được chủ động triển khai thực hiện gắn kết với hoạt động xây
dựng, thẩm định văn bản theo hướng chỉ duy trì và ban hành những thủ tục hành
chính thật sự cần thiết, hợp lý và có chi phí tuân thủ thấp, từng bước nâng cao
chất lượng các quy định về thủ tục hành chính trong các dự thảo VBQPPL.
Để bảo đảm công khai, minh bạch các quy định
hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, Bộ Tư pháp đã kiểm soát chất lượng
và công khai 12.009 hồ sơ thủ tục hành chính, hồ sơ văn bản trên Trang Cơ sở dữ
liệu quốc gia về thủ tục hành chính, nâng tổng số thủ tục đã công bố lên
111.626 hồ sơ thủ tục hành chính; số lượt truy cập để khai thác trong năm 2013
là hơn 1.387.144 lượt. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã xây dựng, tham mưu cho Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và
các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 và đang
tích cực triển khai thực hiện.
c) Công tác xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC)
Xác định việc triển khai thi hành Luật XLVPHC
là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp năm 2013, Bộ Tư pháp
đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg về Kế
hoạch triển khai và danh mục Nghị định quy định chi tiết Luật XLVPHC, trong đó
đã giảm mạnh số lượng nghị định cần phải ban hành từ gần 130 xuống còn 53 nghị
định. Tính đến ngày 25/12/2013, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã trình Chính phủ ban
hành 50 nghị định, đạt 94,34%.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế, công tác
kiện toàn tổ chức bộ máy, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để triển khai
thi hành Luật XLVPHC cũng được quan tâm thực hiện, Bộ Tư pháp đã xây dựng và
trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổ
chức, bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi
hành pháp luật về XLVPHC của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ
quan tư pháp địa phương và đang tích cực triển khai thực hiện. Bộ Lao động -
Thương Binh và Xã hội cũng đã xây dựng Đề án quản lý người chưa thành niên
trong thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn; tiếp nhận, nuôi dưỡng đối
tượng sau khi hết hạn chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại các cơ sở bảo trợ
xã hội.
Ở các địa phương, trên cơ sở bám sát Quyết
định số 1473/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật XLVPHC trên địa
bàn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền, biên soạn tài liệu và kiểm tra,
hướng dẫn việc triển khai thực hiện Luật XLVPHC. Đến nay, việc triển khai Luật
XLVPHC ở một số địa phương như Sóc Trăng, Đồng Tháp đã bước đầu đạt kết quả cụ
thể, từng bước góp phần phát huy hiệu quả công cụ xử lý hành chính của nhà nước
trên địa bàn.
3.2. Hạn chế, yếu kém và nguyên nhân
a) Hạn chế, yếu kém
- Công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa
tạo được chuyển biến mạnh, việc triển khai vẫn còn lúng túng.
- Công tác KSTTHC ở một số địa phương có dấu
hiệu "chùng xuống". Việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục
hành chính quy định tại 25 Nghị quyết của Chính phủ chưa được giải quyết dứt điểm;
chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các thủ tục hành chính trong
quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
- Việc ban hành các nghị định quy định xử
phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước mặc dù có tiến bộ
nhưng vẫn còn chậm so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm
ảnh hưởng đến tiến độ triển khai Luật, một số quy định còn chồng chéo.
b) Nguyên nhân
- Thể chế công tác theo dõi thi hành pháp luật
còn bất cập. Công tác hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp
luật còn hạn chế. Chưa có giải pháp để bảo đảm sự đồng bộ gắn kết với công tác
kiểm tra VBQPPL và KSTTHC.
- Một số Bộ, cơ quan, địa phương chưa quan
tâm chỉ đạo sát sao công tác cải cách thủ tục hành chính. Tiến độ chuyển giao
Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính tại một số Bộ, ngành, địa phương còn chậm;
nhiều Bộ, ngành, địa phương không bố trí đủ biên chế làm công tác kiểm soát thủ
tục hành chính.
- Số lượng nghị định quy định chi tiết Luật
XLVPHC phải ban hành là rất lớn, với nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm trong
khi thời gian soạn thảo ngắn; sự phối hợp giữa các Bộ còn nhiều hạn chế.
4. Công tác thi hành
án dân sự (THADS)
4.1. Kết quả đạt được
Thể chế về THADS tiếp tục được hoàn thiện. Bộ
đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ
sung Nghị định số 58/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật THADS về thủ tục THADS. Công tác phối hợp trong THADS ngày càng đi vào
nền nếp. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân
dân tối cao và Bộ Công an ban hành Quy chế phối hợp liên ngành, góp phần tạo điều
kiện thuận lợi hơn cho công tác THADS...
Công tác rà soát, phân loại án đã có chuyển
biến tích cực với tỷ lệ án có điều kiện thi hành về việc là 77,81%, về tiền là
56,1% (cao hơn 10,4% và 25,01% so với năm 2012). Kết quả thi hành án xong về
việc và về tiền tăng cao hơn nhiều so với các năm trước (tăng 24,71% về việc,
180% về tiền so với năm 2012 - xin xem Biểu đồ số 1). Một số địa phương
đạt kết quả thi hành án tốt như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Sơn
La, ĐắkLắk... Công tác kiểm tra, thanh tra được tăng cường nhằm chủ động phát
hiện và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Công tác tiếp công
dân, phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trong THADS cơ bản đi vào nền
nếp; việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài được tập trung chỉ
đạo thực hiện (đã giải quyết được 41/54 vụ việc, trong đó có những vụ việc rất
phức tạp, kéo dài trong nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm như vụ bà Nga,
ông Học (ở Quảng Ngãi), vụ ông Bạch Ngọc Giáp (ở Hà Nội), vụ Ngân hàng Thương
mại cổ phần Phương Nam (ở Cần Thơ)...).
Biểu đồ số 1: Kết quả
thi hành án dân sự giai đoạn 2011 - 2013
Thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012
của Quốc hội khóa XIII về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát
lại, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 510/QĐ-TTg
ngày 25/3/2013 phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát
lại; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị
định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa
phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Tư pháp cũng đã phối
hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính
lựa chọn thêm 12 địa phương mở rộng thực hiện thí điểm Thừa phát lại (không kể
thành phố Hồ Chí Minh); tổ chức hội nghị quán triệt với sự tham gia của Ban chỉ
đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm
sát nhân dân tối cao, đại diện các Bộ, ngành có liên quan, đại diện tỉnh/thành
ủy, UBND và các cơ quan tư pháp 13 tỉnh/thành phố thực hiện thí điểm. Bộ Tư
pháp cũng đã phê duyệt 12/12 Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại của các địa
phương mở rộng thực hiện thí điểm; bổ nhiệm 128 trường hợp làm Thừa phát lại.
Đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã thành lập được 01 Văn phòng Thừa phát lại.
Để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt
động THADS theo hướng tạo chuyển biến cơ bản, bền vững, Bộ Tư pháp đã tiến hành
tổ chức tổng kết 4 năm thi hành Luật THADS năm 2008 và đang khẩn trương xây
dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật THADS để trình Quốc hội xem xét.
4.2. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
a) Hạn chế, tồn tại
- Mặc dù số việc và tiền đã thi hành xong
tăng cao so với năm 2012 nhưng chưa đạt chỉ tiêu thi hành án do Quốc hội giao.
Tình trạng án, việc tồn đọng, chuyển sang kỳ sau còn nhiều (239.144 việc và
trên 41.597 tỷ đồng). Việc thực hiện một số chỉ tiêu khác theo Nghị quyết của
Quốc hội như phân loại án, bảo đảm ra quyết định thi hành đúng thời hạn vẫn
chưa đạt yêu cầu.
- Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật của một bộ
phận cán bộ, công chức làm công tác THADS còn chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng
chấp hành viên, cán bộ làm công tác THADS vi phạm trình tự, thủ tục thi hành
án; một số trường hợp có biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu với
đương sự, bị xử lý kỷ luật (58 trường hợp, trong đó có 10 cán bộ Lãnh đạo cấp
Cục), một số trường hợp bị xử lý hình sự.
- Một số vụ việc khiếu nại phức tạp kéo dài,
được dư luận quan tâm chưa được các cơ quan THADS địa phương giải quyết dứt điểm.
Lượng đơn, thư tố cáo phải giải quyết vẫn còn nhiều.
- Việc triển khai một số công việc theo Nghị
quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện thí điểm
chế định Thừa phát lại còn chậm, hiệu quả chưa cao, nhất là việc ban hành văn
bản hướng dẫn việc tiếp tục thực hiện thí điểm; có biểu hiện thiếu sự hỗ trợ,
hợp tác của cơ quan THADS đối với tổ chức Thừa phát lại.
b) Nguyên nhân
- Tổng số việc và tiền thụ lý mới tăng đột
biến so với năm 2012, trong khi nền kinh tế gặp khó khăn, thị trường bất động
sản trầm lắng, một số lượng lớn tài sản đã kê biên không bán được.
- Năng lực công tác, ý thức trách nhiệm, đạo
đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác THADS còn hạn chế.
- Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của
Tổng cục THADS chưa kịp thời, sâu sát ở tất cả các địa phương; công tác phối
hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa Tổng cục THADS, các cơ quan THADS địa
phương với các cơ quan có liên quan (Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an...) trong
một số trường hợp còn thiếu chặt chẽ.
- Nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, thậm
chí cán bộ, công chức cơ quan Tư pháp, THADS về việc thực hiện thí điểm chế
định Thừa phát lại còn chưa đầy đủ.
5. Công tác hành
chính tư pháp
5.1. Kết quả đạt được
a) Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, quốc
tịch, chứng thực
- Về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch: Năm 2013, các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đăng ký khai sinh, khai sinh lại cho
1.989.226 trường hợp (tăng 10,6% so với năm 2012); khai tử cho 433.200
trường hợp (tăng 5,4% so với năm 2012); đăng ký kết hôn cho 827.640
trường hợp (tăng 7,6% so với năm 2012), trong đó đăng ký kết hôn có yếu tố nước
ngoài là 12.577 trường hợp (tăng 3% so với năm 2012). Để đơn giản hóa
thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, một số tỉnh, thành
phố đã tổ chức thí điểm mô
hình “một cửa liên thông” trong lĩnh vực hộ tịch - hộ khẩu - bảo hiểm y tế cho
trẻ em dưới 6 tuổi8; áp dụng việc trả kết quả giấy tờ hộ
tịch qua bưu điện9. Việc Chính phủ ban hành Nghị định số
24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài đã tạo
cơ sở pháp lý để các địa phương tăng cường công tác phối hợp giải quyết các
việc hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, bảo đảm quyền và lợi ích của công
dân Việt Nam, nhất là phụ nữ khi kết hôn với người nước ngoài.
- Về công tác quốc tịch: Việc giải quyết cho
nhập, cho thôi, cho trở lại quốc tịch Việt Nam được các cơ quan nhà nước có
thẩm quyền thực hiện một cách bài bản hơn, cơ bản đi vào nề nếp; trình tự, thủ
tục giải quyết các việc về quốc tịch Việt Nam ngày càng được đơn giản hóa, bảo
đảm chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu của công dân ở cả trong và ngoài nước. Năm 2013,
Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước ký quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối
với 902 trường hợp (trong đó có 889 trường hợp là người không quốc tịch cư trú
ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên), cho trở lại quốc tịch Việt
Nam đối với 06 trường hợp và cho thôi quốc tịch Việt Nam đối với 7.800 trường
hợp. Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao đôn đốc, thúc đẩy thực hiện
việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam
(năm 2013, có 1.157 người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam).
- Về công tác chứng thực: Các cơ quan tư pháp
cấp huyện, cấp xã đã thực hiện chứng thực 67.017.376 bản sao (tăng 1,8%
so với năm 2012). Việc chứng thực được thực hiện cơ bản theo quy trình của pháp
luật, không để xảy ra sai sót lớn, bức xúc lớn.
b) Công tác nuôi con nuôi
- Về giải quyết con nuôi nước ngoài: Năm 2013, Bộ Tư pháp
đã giải quyết được 360 trường hợp con nuôi có yếu tố nước ngoài10, tăng khoảng
55,8% so với năm 2012, trong đó đặc biệt chú trọng giải quyết hồ sơ trẻ em có
nhu cầu chăm sóc đặc biệt, nhất là những trẻ em tàn tật, mắc bệnh truyền nhiễm
(188 trường hợp).
Để tiếp tục triển khai Công ước La Hay về bảo
vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, Bộ Tư pháp đã ban
hành Kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án triển khai Công ước và Lộ trình hợp tác
với các nước thành viên Công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh
vực con nuôi quốc tế giai đoạn 2012 - 2015; thành lập Tổ công tác liên ngành ở
Trung ương và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị về nâng cao nhận
thức pháp luật đảm bảo thực thi Công ước Lahay (Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 20/9/2013).
Tính đến tháng 12/2013, Việt Nam đã hợp tác với 13 quốc gia và cấp phép hoạt
động cho 28 tổ chức con nuôi nước ngoài.
- Về giải quyết nuôi con nuôi trong nước: Cả nước giải quyết
được 3.014 trường hợp. Triển khai kế hoạch về đăng ký nuôi con nuôi thực tế,
đến nay các cơ quan có thẩm quyền đã vận động được 1.491/5.760 trường hợp thực
hiện việc đăng ký nuôi con nuôi theo quy định.
c) Công tác lý lịch tư pháp
Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư
pháp, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược
phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; chỉ đạo các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác lý
lịch tư pháp và ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong cung cấp, trao đổi
thông tin lý lịch tư pháp. Thực hiện việc giải quyết yêu cầu cấp giấy lý lịch
tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã tiếp nhận và cấp 52 hồ sơ yêu
cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt
Nam; các Sở Tư pháp đã cấp 269.136 phiếu lý lịch tư pháp, tăng 82,7% so
với năm 2012. Công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp cơ bản đáp ứng yêu cầu của cá
nhân, cơ quan, tổ chức, từng bước được cải cách thủ tục, đơn giản hóa và thuận
tiện hơn, một số địa phương đã thực hiện việc chuyển phát kết quả giải quyết hồ
sơ lý lịch tư pháp qua đường bưu điện11. Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý
lịch tư pháp được chú trọng thực hiện; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong
quản lý, cấp phiếu lý lịch tư pháp bước đầu được triển khai và đạt được một số
kết quả cụ thể.
d) Công tác bồi thường nhà nước
Thể chế trong lĩnh vực bồi thường nhà nước
được tiếp tục hoàn thiện với việc ban hành 04 văn bản quy định chi tiết thi
hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước12. Hoạt động phổ biến,
giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết, trình độ, năng lực và ý thức trách
nhiệm của đội ngũ công chức, người dân trong thực hiện các quy định của Luật
Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quan tâm đẩy mạnh. Bộ Tư pháp đã tăng
cường công tác tập huấn, giải đáp vướng mắc mắc pháp luật về bồi thường nhà
nước cho đối tượng là người dân và doanh nghiệp tại 13 tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương (14 hội nghị, 03 tọa đàm). Năm 2013, kết quả giải quyết bồi
thường đã có chuyển biến tích cực, các cơ quan đã thụ lý 82 đơn yêu cầu bồi
thường13 (trong đó thụ lý mới 61 đơn; tiếp tục
giải quyết 21 đơn đã thụ lý từ năm 2012), tăng 34% so với năm 2012; đã giải
quyết xong 37/82 vụ việc trong cả ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi
hành án, với số tiền Nhà nước phải bồi thường là 38 tỷ 467 triệu 392 nghìn đồng14
(tăng gần 5 lần số tiền bồi thường trung bình 3 năm trước đây). Để đánh giá
tình hình triển khai Luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thi
hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, qua đó đề xuất những giải pháp
trước mắt và lâu dài nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.
đ) Công tác đăng ký giao dịch bảo đảm
Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến
được vận hành ổn định, bảo đảm an toàn và hoạt động thông suốt. Năm 2013, các
Trung tâm Đăng ký giao dịch bảo đảm đã giải quyết 166.077 đơn yêu cầu
đăng ký, cung cấp thông tin (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2012); tổng số phí,
lệ phí thu là 11 tỷ 87 triệu 727 nghìn đồng, tăng 10,1% so với năm 2012
(trích nộp Ngân sách nhà nước là 2 tỷ 217 triệu 545 nghìn đồng). Bộ Tư pháp đã
trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tích hợp, quản lý vận hành Hệ thống dữ liệu
quốc gia về giao dịch bảo đảm; tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan xây dựng
các thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về giao dịch bảo đảm
để thực hiện mục tiêu đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp về một môi
trường tín dụng, môi trường pháp lý thực sự an toàn, hỗ trợ tích cực quá trình
luân chuyển nguồn vốn, khai thác tốt giá trị kinh tế của tài sản bảo đảm.
5.2. Những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân
a) Hạn chế, yếu kém
- Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ
tịch còn chậm đổi mới; việc giải quyết các việc đăng ký hộ tịch còn chủ yếu
được thực hiện theo phương thức thủ công. Tình trạng sai sót trong đăng ký hộ
tịch vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.
- Việc cập nhật dữ liệu về quốc tịch còn chưa
đầy đủ, gây khó khăn cho công tác tra cứu, xác minh quốc tịch. Một số quy định
của Luật Quốc tịch Việt Nam chậm đi vào cuộc sống, đặc biệt việc đăng ký giữ
quốc tịch Việt Nam tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chưa được
quan tâm thực hiện đầy đủ, tỷ lệ đăng ký còn rất thấp (chỉ có 0,09% trong tổng
số hơn 4 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch Việt
Nam).
- Tình trạng lạm dụng bản sao chứng thực giấy
tờ còn phổ biến; chất lượng bản dịch chưa được bảo đảm, vẫn còn tình trạng dịch
sai, dịch thiếu… gây rủi ro, thiệt hại cho khách hàng.
- Tình trạng chậm thời hạn trong việc cấp
Phiếu lý lịch tư pháp vẫn còn khá phổ biến; việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch
tư pháp còn chậm và có phần lúng túng, số lượng thông tin lý lịch tư pháp còn
tồn đọng, chưa được xử lý, cập nhật tại các Sở Tư pháp còn lớn15.
- Công tác giải quyết bồi thường, quản lý nhà
nước về công tác bồi thường vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, vẫn còn tình
trạng một số cơ quan có trách nhiệm bồi thường đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
giải quyết bồi thường, gây bức xúc cho người dân; công tác thống kê, báo cáo về
bồi thường nhà nước còn chưa kịp thời.
- Việc triển khai Luật Nuôi con nuôi nhất là
nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài còn trầm lắng ở nhiều địa phương. Hiện tượng
con nuôi thực tế tại các cơ sở tôn giáo chưa được giải quyết dứt điểm…
b) Nguyên nhân
- Thể chế về hộ tịch, chứng thực còn nhiều
bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới. Với việc dự án Luật
Hộ tịch chưa được thông qua sẽ làm cho quá trình hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ
tục giấy tờ công dân, xây dựng hệ thống công vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội bị
chậm lại.
- Nhận thức về ý nghĩa chính trị, pháp lý của
việc triển khai các nhiệm vụ lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, bồi thường nhà
nước của một số cơ quan, địa phương còn chưa đầy đủ. Một số cơ quan Tư pháp địa
phương chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các
nhiệm vụ này. Sự phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành tại địa phương về công
tác lý lịch tư pháp và nuôi con nuôi chưa chặt chẽ, kịp thời.
- Công tác tuyên truyền, triển khai hoạt động
đăng ký giữ quốc tịch cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cho các kiều
bào còn bất cập.
- Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác hộ
tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước ở các cơ quan tư pháp
địa phương còn thiếu, trình độ còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp; việc ứng
dụng công nghệ thông tin chưa được thực hiện đồng bộ.
6. Công tác bổ trợ tư
pháp
6.1. Kết quả đạt được
a) Công tác quản lý luật sư, hành nghề luật
sư
Tính đến 30/9/2013, cả nước có 8.156 luật sư,
tăng 13,26% so với năm 2011, 7% so với năm 2012, bảo đảm đúng định hướng phát
triển luật sư tại Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 (xin xem
Biểu đồ số 2); đã có 43/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành
Kế hoạch triển khai Chiến lược. Hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư
có sự gia tăng về số lượng và nâng cao một bước về chất lượng (năm 2013 đã thực
hiện 27.301 dịch vụ, trong đó có 13.361 dịch vụ về hình sự, 9.373 dịch vụ về
dân sự, 3.103 dịch vụ về kinh tế - thương mại, 966 dịch vụ hành chính và 498
dịch vụ liên quan tới vấn đề lao động16). Công tác phối hợp giữa các Sở Tư
pháp với Đoàn Luật sư trong quản lý luật sư được tăng cường hơn.
Biểu đồ 2: Số lượng luật
sư và tổ chức hành nghề luật sư
(Ghi chú: Chỉ tiêu
phát triển luật sư: 800 - 1.000 luật sư/năm)
Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Luật sư, Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2013/NĐ-CP
quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Bộ trưởng Bộ
Tư pháp ban hành Thông tư số 19/2013/TT-BTP hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư
góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển nghề luật sư một cách bền vững,
đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập
quốc tế của đất nước. Để chuẩn bị Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ 2,
Bộ Tư pháp cũng đã chỉ đạo các Sở Tư pháp hướng dẫn các Đoàn luật sư tổ chức
Đại hội nhiệm kỳ 2013 - 2018.
b) Công tác công chứng
Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt
động công chứng tiếp tục đạt được kết quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào
việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường bảo đảm an toàn pháp lý cho các
hợp đồng, giao dịch của người dân. Cùng với việc thực hiện Quy hoạch tổng thể
phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020, đến nay, trên toàn quốc
đã có 1.463 công chứng viên (tăng 26,8% so với năm 2012) đang hành nghề tại 730
tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 586 Văn phòng công chứng và 144 Phòng
công chứng (xin xem Biểu đồ số 3).
Biểu đồ 3: Số lượng
công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng
Năm 2013, các tổ chức hành nghề công chứng đã
công chứng được 2.514.155 hợp đồng, giao dịch, đóng góp cho Ngân sách nhà nước
hoặc nộp thuế 203 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2013, Bộ Tư pháp đã chủ trì,
phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn tất thủ tục để công chứng Việt Nam gia
nhập Liên minh công chứng quốc tế (UINL) và đã chính thức trở thành thành viên
thứ 84 của tổ chức này. Triển khai thực hiện Nghị định số 04/2013/NĐ-CP ngày 07/01/2013
của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công
chứng, nhiều địa phương17 đã xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông
trong lĩnh vực công chứng; việc tiếp tục chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp
đồng giao dịch của UBND cấp huyện, cấp xã sang các tổ chức hành nghề công chứng
được các địa phương quán triệt và thực hiện. Công tác thanh tra các Văn phòng
công chứng cũng đã được 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện,
kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm, góp phần nâng cao chất lượng công
tác này. Để hoàn thiện thể chế về công chứng, Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng,
trình Quốc hội dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và đang phối hợp chặt chẽ với Ủy
ban pháp luật của Quốc hội chỉnh lý, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ
họp thứ 7 tới (tháng 10/2014).
c) Công tác giám định tư pháp
Thể chế về giám định tư pháp được tiếp tục
hoàn thiện sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 85/NĐ-CP ngày 29/7/2013 quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp. Bộ Tư pháp phối hợp
với các Bộ, cơ quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về
chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Đến nay, trên cả nước có tổng số 4.414
giám định viên, trong đó có 985 giám định viên theo vụ việc. Trong năm 2013,
các tổ chức giám định đã giải quyết được 121.544 vụ việc (tăng 15% so
với năm 2012), trong đó có 95.525 vụ việc theo trưng cầu của cơ quan tiến hành
tố tụng (chiếm tỷ lệ 78,6%). Cơ sở vật chất, trang thiết bị và điều kiện bảo
đảm cho hoạt động này từng bước được cải thiện. Thực hiện chủ trương xã hội hóa
hoạt động giám định tư pháp, ngày 20/9/2013, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí
Minh đã ký Quyết định số 5152/QĐ-UBND thành lập Văn phòng giám định tư pháp đầu
tiên, hoạt động trong lĩnh vực tài chính (Văn phòng Giám định tư pháp Sài Gòn).
d) Công tác bán đấu giá tài sản
Việc triển khai Nghị định số 17/2010/NĐ-CP
ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản đã được hầu hết các địa
phương trong cả nước quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện cơ bản đáp ứng được
yêu cầu, nhiệm vụ bán đấu giá tài sản trên địa bàn. Đến nay, đã có 50/63 tỉnh,
thành phố đã ban hành các quy chế về bán đấu giá tài sản. Công tác quản lý nhà
nước về bán đấu giá tài sản đã chú trọng nhiều hơn đến hoạt động kiểm tra,
thanh tra về tổ chức, hoạt động bán đấu giá tài sản ở địa phương, tăng cường
trao đổi, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, từng
bước nâng cao hiệu quả hoạt động bán đấu giá tài sản, góp tăng thu đáng kể cho
Ngân sách nhà nước, thiết thực góp phần tiết kiệm, chống lãng phí và thúc đẩy
kinh tế - xã hội phát triển. Năm 2013, các tổ chức bán đấu giá tài sản đã ký 19.280
hợp đồng bán đấu giá; tổ chức bán đấu giá thành công 14.626 cuộc với
tổng giá trị tài sản đã bán là 5.058 tỷ 37 triệu 48 nghìn đồng, chênh
lệch so với giá khởi điểm là 15.532 tỷ 522 triệu đồng; nộp Ngân sách nhà
nước 503 tỷ 774 triệu 190 nghìn đồng18.
đ) Công tác trọng tài thương mại
Năm 2013, các Trung tâm trọng tài đã giải
quyết thành công gần 360 vụ việc tranh chấp trong các lĩnh vực thương mại. Nhằm
tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động của trọng tài thương mại, Bộ Tư pháp đã
phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Hội đồng
thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật
Trọng tài thương mại; thực hiện công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ về
danh sách các trung tâm trọng tài (07 trung tâm) và danh sách trọng tài viên
(288 người) nhằm giúp các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tiếp cận thông tin
đầy đủ và chính xác về trọng tài thương mại.
e) Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL)
Công tác TGPL năm 2013 tiếp tục được tăng
cường với 126.727 vụ việc được TGPL (tăng 10,2% vụ việc so với năm 2012, trong
đó, tư vấn: 117.046 vụ; tham gia tố tụng 6.870 vụ; đại diện ngoài tố tụng: 138
vụ; các hình thức khác: 2.667 vụ) cho 129.854 lượt người (tăng 11,7% so với năm
2012). Công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại các địa phương từng
bước được nâng cao, góp phần bảo đảm quyền của đối tượng được TGPL khi tham gia
tố tụng. Nhiều địa phương đã tăng cường đưa hoạt động TGPL về cơ sở, chú trọng
tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang
sinh sống góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành
pháp luật của người dân. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị sơ
kết 02 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TGPL đến năm 2020, định hướng
đến năm 2030, nhằm nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh Chiến lược cho phù hợp với sự
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sự phát triển của Ngành Tư pháp.
6.2. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
a) Hạn chế, tồn tại
- Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi
hành Luật Giám định tư pháp, Luật Luật sư còn chậm.
- Công tác quản lý nhà nước về luật sư tại
một số địa phương còn chưa chặt chẽ, một số địa phương chưa ban hành Quy chế
phối hợp giữa Sở Tư pháp với Đoàn Luật sư19. Nhiều tỉnh, thành phố
chưa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư
đến năm 2020. Số luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có đủ năng lực tham gia
giải quyết các tranh chấp quốc tế còn rất thiếu; còn có trường hợp luật sư vi
phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư.
- Chất lượng đội ngũ công chứng viên, hoạt
động công chứng còn hạn chế; nhiều tổ chức hành nghề công chứng được thành lập
theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thiếu tính ổn định, bền vững; công tác quản
lý nhà nước còn chưa theo kịp với sự phát triển của việc xã hội hóa; vai trò tự
quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp chưa được phát huy. Nhiều địa phương chưa
xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin về công chứng.
- Công tác củng cố, kiện toàn tổ chức giám
định tư pháp công lập ở một số ngành, địa phương còn chậm, đến nay còn 16 tỉnh,
thành phố chưa thành lập Trung tâm pháp y theo quy định của Luật Giám định tư
pháp. Năng lực hoạt động của các tổ chức giám định còn hạn chế. Một số quy định
của Luật Giám định tư pháp chưa đi vào cuộc sống, nhất là công tác xã hội hóa.
- Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm
theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản; vẫn còn
tình trạng các Hội đồng bán đấu giá cấp huyện tổ chức bán đấu giá tài sản là
quyền sử dụng đất; hiện tượng tiêu cực trong bán đấu giá tài sản chưa được giải
quyết dứt điểm.
- Hoạt động trọng tài thương mại không hiệu
quả, số vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại còn khiêm tốn;
các phán quyết của Trọng tài thương mại bị Tòa án ra quyết định hủy gia tăng.
- Trong quá trình triển khai thực hiện, Chiến
lược TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã bộc lộ một số hạn
chế, bất cập, một số chỉ tiêu chưa phù hợp với thực tiễn. Hoạt động TGPL ở một
số địa phương còn dàn trải, có biểu hiện trùng dẫm với một số hoạt động khác,
nhất là ở hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cơ sở. Mô hình Câu lạc bộ
TGPL còn thiếu hiệu quả, thiếu bền vững. Việc xã hội hóa trong lĩnh vực TGPL
còn chậm và không đồng đều ở các địa phương. Kết quả số lượng vụ việc chưa phản
ánh đầy đủ tính hiệu quả của hoạt động này.
b) Nguyên nhân
- Một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới
công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư; một bộ phận đội ngũ luật
sư còn chưa chủ động, tích cực trong việc tự nâng cao trình độ, kỹ năng hành
nghề cũng như việc trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp.
- Nhiều quy định của Luật Công chứng, nhất là
quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chứng viên còn bất cập; chưa có
cơ chế để phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công
chứng viên. Việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực sang các tổ chức hành nghề
công chứng ở một số địa phương còn cứng nhắc, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế.
- Một số quy định của Luật Giám định tư pháp
khó triển khai trên thực tiễn, nhiều Bộ, cơ quan, địa phương còn chưa quan tâm
chăm lo, phát triển tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản
lý; chế độ đãi ngộ đối với người làm công tác giám định còn chưa phù hợp, dẫn
đến việc khó thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi tham gia hoạt động này; việc đầu
tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động giám định còn chưa ngang tầm
với nhiệm vụ được giao.
- Thị trường bất động sản trầm lắng nên việc
bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn; hoạt động thanh
tra công tác bán đấu giá còn chưa sâu sát.
- Thể chế về hoạt động trọng tài thương mại
còn bất cập, trong khi nhận thức và sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong
việc hỗ trợ, bảo đảm thi hành các phán quyết của trọng tài thương mại còn chưa đầy
đủ.
- Công tác theo dõi, đánh giá thi hành Luật
TGPL chưa được chú trọng, chưa có cơ chế hữu hiệu để thúc đẩy xã hội hóa công
tác TGPL; chưa có hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ thực hiện TGPL của Luật sư.
7. Công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, báo chí, xuất bản
7.1. Kết quả đạt được
a) Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
(PBGDPL)
Triển khai Luật PBGDPL, Bộ Tư pháp đã xây
dựng, trình Chính phủ, ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết
một số điều và biện pháp thi hành Luật; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết
định số 27/2013/QĐ-TTg quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội
đồng phối hợp PBGDPL và Quyết định số 1060/QĐ-TTg ngày thành lập Hội đồng phối
hợp PBGDPL ở Trung ương; ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 12/2013/TT-BTP
quy định quy trình ra thông cáo báo chí về VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ ban hành và Thông tư số 21/2013/TT-BTP quy định về trình tự, thủ tục công
nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.
Năm 2013, các cơ quan, địa phương đã tổ chức
762.273 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 74.760.876 lượt người; phát hành miễn
phí 39.414.178 tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật, qua đó góp phần tác
động tích cực đến ý thức pháp luật của người dân, tổ chức. Trên cơ sở Luật, các
văn bản quy định chi tiết thi hành Luật PBGDPL, các Bộ, cơ quan và các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch triển
khai Luật, kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; tổ chức triển khai các đề
án về PBGDPL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2013. Đặc biệt, Bộ Tư
pháp đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với Hội đồng phối hợp PBGDPL
Trung ương chỉ đạo việc tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật” 09/11 đầu tiên trong
toàn quốc với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục
tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà cao điểm là Lễ công
bố “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” tạo được sức lan
tỏa lớn, đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược từ xây dựng, hoàn thiện pháp luật
sang tổ chức thi hành pháp luật.
Triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg
ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận
pháp luật của người dân tại cơ sở, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số
1932/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg
và trên 30 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành văn bản và tổ
chức thực hiện Quyết định này.
b) Công tác hòa giải ở cơ sở
Cơ sở pháp lý về hòa giải ở cơ sở được hoàn
thiện một bước với việc Quốc hội thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở. Công tác tổ
chức tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải
viên được quan tâm triển khai ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết
quả hòa giải thành trong toàn quốc năm 2013 đạt 76%; một số địa phương có kết
quả hòa giải thành đạt tỷ lệ cao như: Hà Nam (90%), Hà Giang, Quảng Bình (89%).
c) Công tác thông tin, truyền thông, báo chí,
xuất bản
Công tác báo chí, phát ngôn và cung cấp thông
tin cho báo chí của Bộ Tư pháp tiếp tục được tăng cường, nâng cao một bước về
chất lượng thông tin. Nội dung tuyên truyền, thông tin đã tham gia sâu hơn vào
các vấn đề chính trị - pháp lý của đất nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống
pháp luật, cải cách tư pháp, cũng như phản ánh kịp thời các hoạt động trọng tâm
của Ngành Tư pháp (như góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tổ chức Ngày Pháp luật
năm 2013, lĩnh vực hôn nhân và gia đình, công chứng, theo dõi thi hành pháp luật…),
góp phần định hướng tốt hơn cho báo chí và dư luận xã hội. Thông qua phản hồi
của các cơ quan thông tấn, báo chí, giúp Lãnh đạo Bộ Tư pháp điều phối, chỉ đạo
sâu sát các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, Ngành. Năm 2013 đã đánh dấu
phương thức Thông cáo báo chí như một kênh định hướng thông tin đột xuất của
Bộ, Ngành. Bên cạnh đó, thực hiện Điều 12 Luật PBGDPL, hàng
tháng Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về các VBQPPL mới của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ.
Năm 2013, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã
biên tập, xuất bản, phát hành 24 số tạp chí định kỳ hàng tháng và tạp chí
chuyên đề, đảm bảo chất lượng về nội dung cũng như về hình thức, phản ánh đầy
đủ các mặt hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Nhà xuất bản Tư
pháp đã hoàn thành 18 loại tờ rơi, tờ gấp của các đối tác liên kết; in 98 đầu
sách; 6.370.000 tờ biểu mẫu (tăng 13% so với năm 2012) và 59.000 cuốn sổ hộ
tịch (tăng 38,17% so với năm 2012); tổng doanh thu hoạt động kinh doanh dịch vụ
đạt 16.958.444.629 đồng, (tăng 1,2% so với năm 2012).
7.2. Những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân
a) Hạn chế, yếu kém
- Việc hướng dẫn triển khai và ban hành một
số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật PBGDPL, Luật Hòa giải ở
cơ sở còn chậm; chất lượng PBGDPL chưa đồng đều, hiệu quả còn thấp. Một số địa
phương có tỷ lệ hòa giải thành chưa cao (Trà Vinh: 48%, Bà Rịa - Vũng Tàu: 56%,
Bạc Liêu: 59%...).
- Việc triển khai Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg
của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người
dân tại cơ sở ở nhiều địa phương còn chậm.
- Công tác báo chí, xuất bản của Ngành chưa
hỗ trợ hiệu quả cho việc phổ biến, tuyên truyền các chính sách pháp luật mới.
b) Nguyên nhân
- Một số Bộ, cơ quan còn chưa quan tâm đến
công tác PBGDPL, nhất là phổ biến những chính sách pháp luật mới liên quan trực
tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp mới được
thành lập lại nên chưa thực sự hoạt động hiệu quả.
- Còn thiếu sự chỉ đạo nhằm gắn kết công tác
PBGDPL hàng năm của Bộ, Ngành Tư pháp với việc triển khai các trọng tâm công tác
hàng năm (như việc xã hội hóa giám định tư pháp; mở rộng triển khai thí điểm
Thừa phát lại...).
- Nguồn lực, kinh phí phục vụ công tác
PBGDPL, hòa giải ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn.
8. Công tác xây dựng
Ngành
8.1. Kết quả đạt được
Thể chế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp tiếp tục được hoàn thiện với việc Chính phủ ban
hành Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Đặc biệt, trong năm 2013, Bộ Tư pháp
đã được Chính phủ giao thêm nhiều nhiệm vụ mới như theo dõi tình hình ban hành
văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, là cơ quan đầu mối quốc gia
thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, là đại diện pháp lý
của Chính phủ trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế, tạo tiền đề cho sự
phát triển của Bộ và Ngành Tư pháp trong giai đoạn mới.
Công tác cán bộ tiếp tục có những đổi mới
trong việc thu hút, tuyển chọn; việc quy hoạch lãnh đạo các cấp của Bộ được
quan tâm chỉ đạo thường xuyên, có chất lượng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành
Đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ (Quyết
định số 1516/QĐ-BTP ngày 20/6/2013). Đây là một trong những giải pháp đột phá
nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để tuyển chọn, bổ nhiệm được những
người có năng lực thực sự vào các vị trí lãnh đạo cấp phòng, cấp Vụ thuộc Bộ và
đang được thí điểm tại một số đơn vị thuộc Bộ. Để tăng cường công tác quản lý
cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban
hành Chỉ thị số 03/CT-BTP ngày 24/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tăng
cường quản lý cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp, Quy chế phân công,
phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị sự nghiệp
của Bộ Tư pháp (Quyết định số 1503/QĐ-BTP ngày 19/6/2013) và Quy chế quản lý hồ
sơ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Tư pháp.
Tại địa phương, công tác kiện toàn, củng cố
tổ chức và đội ngũ cán bộ của cơ quan tư pháp ngày càng được quan tâm; tiếp tục
bổ sung về nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và chú trọng
việc bổ nhiệm, điều động, đào tạo, nâng lương và các chính sách được thực hiện
kịp thời, đúng quy định, đảm bảo tốt quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên
chức, người lao động. Đến nay, đã có 4.942/11.227 xã, phường, thị trấn bố trí
được 02 công chức Tư pháp - Hộ tịch, chiếm 44% tổng số xã, phường, thị trấn
trên cả nước (tăng 1% so với năm 2012).
Thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011
của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ
chức pháp chế, đến nay, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã thành lập Vụ Pháp chế; các
Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ có tổ chức pháp chế chuyên trách hoặc
giao công tác pháp chế cho văn phòng làm đầu mối; các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương thành lập được khoảng hơn 250 Phòng Pháp chế tại các cơ quan
chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (bằng gần 1/3 so với quy định), trong đó 9/63
địa phương đã thành lập được từ 14 Phòng Pháp chế trở lên, 29/63 địa phương mới
thành lập, kiện toàn được một số Phòng Pháp chế và đang tiếp tục thực hiện.
8.2. Những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân
a) Hạn chế, yếu kém
- Thể chế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của một số đơn vị thuộc Bộ, cơ quan tư pháp địa phương chưa được hoàn thiện để
bảo đảm triển khai đầy đủ, kịp thời các chức năng, nhiệm vụ mới được giao.
- Việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho các cơ
quan tư pháp, pháp chế tại địa phương chưa gắn kết đồng thời với việc kiện toàn
tổ chức bộ máy, bổ sung biên chế, kinh phí, nhất là các lĩnh vực như lý lịch tư
pháp, bồi thường nhà nước, quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, công
tác pháp chế20. Nhiều địa phương chưa triển khai
thành lập được phòng pháp chế tại các sở, ban, ngành theo quy định.
- Đội ngũ cán bộ tư pháp địa phương, đặc biệt
là công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã còn rất thiếu. Một số địa phương sử dụng
biên chế công chức tư pháp - hộ tịch để bố trí cho các chức danh khác như Phó
trưởng công an xã, Phó chỉ huy quân sự xã (như: Hà Giang, Sơn La, Hà Nam, Hưng
Yên, Ninh Bình, Long An).
- Một bộ phận cán bộ, công chức Ngành Tư pháp
chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao; vẫn còn nhiều công chức tư pháp
chưa có trình độ chuyên môn luật, đặc biệt là công chức Phòng Tư pháp cấp huyện
và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.
b) Nguyên nhân
- Thể chế về tổ chức của cơ quan chuyên môn
thuộc UBND cấp tỉnh chưa được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ tổ chức,
bộ máy và cán bộ làm công tác tư pháp, pháp chế.
- Một số lãnh đạo Bộ, cơ quan, địa phương chưa
coi trọng vị trí, vai trò của công tác tư pháp, pháp chế dẫn đến việc chưa quan
tâm kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác này. Công tác tham mưu xây
dựng thể chế của Ngành chưa gắn với điều kiện, khả năng tổ chức thực hiện.
- Chế độ đãi ngộ và điều kiện bảo đảm cho cán
bộ tư pháp và pháp chế còn nhiều khó khăn, nhất là đối với cán bộ trẻ; chế độ
phụ cấp cho cán bộ làm công tác pháp chế chưa được ban hành. Chưa có cơ chế phù
hợp để thu hút, giữ chân cán bộ giỏi.
9. Công tác đào tạo,
bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học
9.1. Kết quả đạt được
a) Công tác đào tạo, bồi dưỡng
Công tác đào tạo luật, đào tạo các chức danh
tư pháp và bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật tại các cơ sở đào tạo thuộc Bộ tiếp
tục được đẩy mạnh. Năm 2013, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức tốt nghiệp
cho 3.706 sinh viên ở các hệ đào tạo (tăng 19% so với năm 2012); Học viện Tư
pháp đã công nhận tốt nghiệp cho 3.121 học viên về các nghiệp vụ: chấp hành
viên, luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, lý lịch tư pháp. Mặc dù còn rất
nhiều khó khăn song 5 Trường Trung cấp Luật đã cơ bản kiện toàn xong về tổ
chức, cán bộ, từng bước đi vào hoạt động ổn định, hoàn thành tốt các chỉ tiêu
đào tạo, bồi dưỡng được giao với tổng số học viên tốt nghiệp trong năm 2013 là
868 học viên21. Đặc biệt, việc Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm về
đào tạo cán bộ pháp luật, Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn
về đào tạo các chức danh tư pháp, đồng thời với việc khánh thành, đưa vào sử
dụng Nhà A Đại học Luật Hà Nội, trụ sở Học viện Tư pháp, đánh dấu bước ngoặt
phát triển của Trường và Học viện.
b) Công tác nghiên cứu khoa học pháp lý
Hoạt động nghiên cứu khoa học đã có những
đóng góp thiết thực và quan trọng vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của
Bộ, Ngành, từng bước khẳng định vai trò đi trước, cung cấp các luận cứ khoa học
phục vụ công tác chung của Bộ, Ngành, nhất là trong việc tổng kết thi hành Hiến
pháp năm 1992, xây dựng Chiến lược, quy hoạch, các dự án luật do Bộ Tư pháp chủ
trì. Năm 2013, Bộ Tư pháp triển khai: 04 đề tài cấp nhà nước; 28 nhiệm vụ cấp
Bộ và đã tổ chức nghiệm thu chính thức 14 đề tài, đề án cấp Bộ. Đặc biệt, Ban
cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã tiến hành tổng kết và hoàn thành Báo cáo tổng kết 8
năm triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW, Báo cáo 20 năm quản lý công tác THADS
(1993-2013) phục vụ Đề án quản lý công tác thi hành án do Ban chỉ đạo Cải cách
tư pháp Trung ương chủ trì. Trên cơ sở Báo cáo tổng kết và kết quả buổi làm
việc với Chủ tịch nước, Trưởng ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Bộ Tư
pháp đã đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhiều
nội dung có giá trị lý luận, khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng
các định hướng, giải pháp cải cách tư pháp trong thời gian tới.
9.2. Những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân
a) Hạn chế, yếu kém
- Công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng
lực đội ngũ cán bộ, công chức của Ngành trong một số trường hợp chưa đáp ứng
yêu cầu thực tiễn. Công tác đào tạo kiểm sát viên chưa được thực hiện. Công tác
phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chuẩn pháp luật đối với cán bộ, công chức
chưa được triển khai.
- Hoạt động nghiên cứu khoa học chưa thực sự
được quan tâm triển khai rộng rãi trong toàn Ngành chưa thu hút được sự tham
gia sâu rộng của các cơ quan tư pháp địa phương; chất lượng nghiên cứu chưa
được nâng tầm để có những kết quả mang tầm lý luận, định hướng cho hoạt động
của Bộ, Ngành.
b) Nguyên nhân
- Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong
đào tạo các chức danh tư pháp chưa thực sự bài bản, đúng kế hoạch, nhất là một
số trường hợp chưa đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên và pháp luật.
- Nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động
nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp
chưa đầy đủ. Kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu khoa học của Ngành còn hạn
chế.
10. Công tác pháp luật
quốc tế, hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật
10.1. Kết quả đạt được
- Công tác pháp luật quốc tế trong năm 2013
đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, một số đề án, văn bản quan trọng liên
quan tới công tác pháp luật quốc tế đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, như:
Đề án tổng thể giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ Việt Nam và Nhà đầu tư nước
ngoài; Kế hoạch triển khai thực hiện quyền, nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay
về tư pháp quốc tế của Việt Nam.
Công tác thẩm định điều ước quốc tế, thỏa
thuận quốc tế được bảo đảm với số lượng các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc
tế được thẩm định, góp ý tăng đáng kể. Trong năm 2013, Bộ Tư pháp thẩm định 127
điều ước quốc tế và góp ý 428 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế tăng lần
lượt 62,8% và 15,6% so với năm 2012. Bộ Tư pháp cũng đã cấp 52 ý kiến pháp lý,
qua đó đáp ứng yêu cầu của bên cho vay, kịp thời thu hút nguồn vốn nước ngoài
cho các chương trình, dự án, nâng cao an toàn pháp lý cho các giao dịch có yếu
tố nước ngoài, góp phần phát triển bền vững kinh tế đất nước. Thực hiện chức
năng đại diện về mặt pháp lý cho Chính phủ tham gia giải quyết tranh chấp quốc
tế, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, cơ quan tham gia giải quyết, bảo đảm tối
đa lợi ích cho phía Việt Nam trong 16 vụ việc tranh chấp, tiền tranh chấp có
nội dung phức tạp, nhạy cảm, như vụ DialAsie, vụ McKenzie/South Fork, Recofi...
Đáng chú ý là Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ thắng kiện trong vụ tranh
chấp đầu tư South Fork tại tỉnh Bình Thuận.
Tiếp tục thực hiện Luật Tương trợ tư pháp, Bộ
Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, cơ quan khác ban hành Thông tư liên
tịch số 01/2013/TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22/02/2013 hướng dẫn việc
tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành hình
phạt tù. Kết quả ủy thác tư pháp bước đầu có sự chuyển biến. Năm 2013, Bộ đã
thực hiện 3.777 ủy thác tư pháp về dân sự do các cơ quan có thẩm quyền của Việt
Nam gửi đi nước ngoài với 1.710 kết quả trả lời (chiếm tỷ lệ 45,2%, tăng 23.5%
so với năm 2012); 872 ủy thác tư pháp về dân sự của cơ quan thẩm quyền nước
ngoài gửi tới Việt Nam với 485 kết quả trả lời (chiếm tỷ lệ 55,6%, tăng 32,6%
so với năm 2012).
- Công tác quản lý thống nhất các hoạt động
hợp tác với nước ngoài về pháp luật tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Hoạt động
hợp tác quốc tế về pháp luật của Ngành Tư pháp đã được mở rộng và tăng cường
trên tất cả các cấp độ: song phương, đa phương và khu vực22, hỗ
trợ tích cực, hiệu quả cho công tác xây dựng, thi hành pháp luật và những nhiệm
vụ mang tính chiến lược, dài hạn của Bộ, Ngành Tư pháp. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã
kết nối lại và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác về pháp luật với Cuba - một
trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại Châu Mỹ La tinh, thiết lập mới
quan hệ hợp tác với Bộ Tư pháp các nước: Áo, Rumani và Sri-Lanka. Ở tầm khu
vực, Bộ Tư pháp đã tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào hợp tác
khu vực ASEAN với tư cách là quốc gia chủ trì thực hiện Sáng kiến tăng cường
tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại giữa các nước ASEAN, thiết lập quan hệ
hợp tác giữa ASEAN và Hội nghị Lahay về Tư pháp quốc tế (HccH). Các diễn đàn
pháp luật, đối thoại chính sách được Bộ Tư pháp phối hợp với các nhà tài trợ tổ
chức đều đặn, tạo điều kiện tốt cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và các
nhà tài trợ, thúc đẩy hợp tác pháp luật, tư pháp đạt hiệu quả cao.
10.2. Những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân
a) Hạn chế, yếu kém
- Chất lượng thẩm định, góp ý các điều ước
quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong một số trường hợp còn chưa cao, tiến độ còn
chậm. Công tác cấp ý kiến pháp lý đối với các khoản vay và dự án đầu tư nước
ngoài trong một số trường hợp còn lúng túng. Việc tham gia của Bộ Tư pháp vào
công tác nhân quyền chưa được định hướng rõ ràng, bài bản.
- Tỷ lệ khá cao yêu cầu ủy thác tư pháp về
dân sự không có kết quả, ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng, đến việc giải quyết
các vụ việc dân sự - thương mại.
- Hợp tác quốc tế về pháp luật còn thiếu tính
toàn diện cả về nội dung và chủ thể hợp tác; việc điều phối các đoàn ra còn
lúng túng, chưa phù hợp với Kế hoạch đoàn ra hàng năm. Công tác quản lý nhà
nước về hợp tác với nước ngoài về pháp luật mặc dù đã được chú trọng hơn, song
vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
b) Nguyên nhân
- Khuôn khổ pháp luật về điều ước quốc tế và
thỏa thuận quốc tế, tương trợ tư pháp, nhân quyền chưa đồng bộ, chưa theo kịp
yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng. Chưa xây
dựng được đội ngũ chuyên gia có đủ năng lực để tham gia vào các hoạt động đàm
phán các điều ước quốc tế, giải quyết các vấn đề pháp lý quốc tế.
- Các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế
về tương trợ tư pháp còn ít, chủ yếu là song phương nên chưa bảo đảm cơ sở pháp
lý cho hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp. Vai trò quản lý nhà nước về tương
trợ tư pháp của Bộ Tư pháp còn chưa được phát huy đầy đủ.
- Thể chế phục vụ công tác hợp tác quốc tế về
tư pháp và pháp luật còn nhiều bất cập, chưa tạo ra cơ chế để triển khai công
tác này một cách hiệu quả.
- Các quy định có liên quan đến quản lý công
tác hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác pháp luật nói riêng còn chưa đồng bộ,
một số cơ quan có hợp tác quốc tế về pháp luật chưa thực hiện nghiêm túc chế độ
thông tin, báo cáo.
11. Công tác chỉ đạo,
điều hành
11.1. Kết quả đạt được
Năm 2013, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết
số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ
yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán
ngân sách nhà nước năm 2013; một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất
kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và đặc biệt là phát biểu chỉ
đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội
nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013, Ngành Tư pháp ban hành các
chương trình, kế hoạch công tác23 và tập trung chỉ đạo thực hiện. Ở các
Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc triển khai công
tác tư pháp năm 2013 cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, hầu hết
UBND cấp tỉnh đứng ra tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp trên địa
bàn. Đến nay, qua rà soát cho thấy các Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương đã hoàn thành khoảng 84,9% khối lượng nhiệm vụ được giao theo
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại
Hội nghị (xin xem Phụ lục 2), nhiều nhiệm vụ đang trong quá trình hoàn
thành.
Công tác chỉ đạo, điều hành của các Bộ, cơ
quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với công tác tư pháp được
thực hiện quyết liệt hơn, khả năng phản ứng chính sách đã có nhiều chuyển biến.
Công tác kiểm tra, đôn đốc, theo dõi thực hiện nhiệm vụ được quan tâm hơn. Các
cuộc họp giao ban Lãnh đạo Bộ được duy trì đều đặn với chất lượng cao, thiết
thực. Kết luận của các cuộc họp giao ban được đôn đốc, kiểm tra thực hiện
nghiêm túc, đạt hiệu quả cao. Cùng với việc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ
công tác được giao, trong năm, được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ
trưởng Bộ Tư pháp đã trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ
Quốc hội về công tác xây dựng luật, pháp lệnh thuộc trách nhiệm của Chính phủ,
thẩm định, kiểm tra VBQPPL; giải trình tại Phiên họp của Ủy ban Pháp luật Quốc
hội về hoạt động công chứng, chứng thực. Sau các phiên chất vấn, giải trình, Bộ
Tư pháp nghiêm túc xây dựng kế hoạch để triển khai các kết luận của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội và cơ quan của Quốc hội. Bên cạnh đó, Chương trình Dân hỏi -
Bộ trưởng trả lời cũng được Bộ Tư pháp quan tâm, tham gia, góp phần minh bạch,
định hướng chính sách, tuyên truyền sâu rộng hơn về các quy định pháp luật có
liên quan và các nhiệm vụ chính trị được giao của Bộ, Ngành Tư pháp.
Tiếp tục thực hiện chủ trương “Hướng về cơ
sở”, tập trung giải quyết các điểm nghẽn từ cơ sở, Bộ Tư pháp đã tăng cường tổ
chức các chuyến công tác tại địa phương để kịp thời nắm bắt những bất cập,
vướng mắc chuyên môn ở cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn. Công tác trả lời kiến nghị
địa phương cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong năm 2013, Lãnh đạo Bộ Tư
pháp thực hiện 71 chuyến công tác, làm việc với tỉnh ủy, chính quyền của 40
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác tư pháp, THADS; đã có 13
Thông báo kết luận về các chuyến công tác nhằm tạo chuyển biến lớn trong công
tác tư pháp, THADS ở địa phương.
Để tăng cường công tác phối hợp trong chỉ
đạo, điều hành công tác tư pháp, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các Bộ, cơ
quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đoàn Đại biểu Quốc hội
thông qua các buổi làm việc, các chuyến công tác, nhờ đó nhiều vướng mắc, điểm
nghẽn trong công tác tư pháp đã được giải quyết tốt hơn, đạt được sự đồng thuận
cao hơn.
Nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ
trong toàn Ngành, Bộ cũng đã tích cực triển khai thực hiện việc học tập và làm
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chuẩn mực đạo đức cán bộ, công chức, viên
chức Ngành Tư pháp. Toàn Ngành Tư pháp đã nghiêm túc triển khai Chỉ thị số 02/CT-BTP
ngày 25/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc cán bộ, công chức, viên chức Ngành
Tư pháp không uống rượu, bia trong ngày làm việc, được dư luận xã hội đồng
tình, đánh giá cao. Quy trình giải quyết công việc của Ngành Tư pháp từng bước
phát huy hiệu quả nhờ sự cải tiến, đổi mới phương pháp xây dựng quy trình theo
Hệ thống tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.
11.2. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
a) Hạn chế, tồn tại
- Việc triển khai một số chương trình, kế
hoạch công tác tư pháp ở một số cơ quan, địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ.
- Một số nhiệm vụ triển khai thực hiện chỉ
đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị
toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013 chưa được hoàn thành đúng tiến
độ đề ra.
- Công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ,
trả lời kiến nghị của địa phương trong một số trường hợp còn chưa kịp thời.
Việc tập hợp, công bố các nội dung trả lời kiến nghị địa phương còn thiếu tính
hệ thống.
- Quan hệ phối hợp công tác giữa Bộ Tư pháp
và các Bộ, cơ quan ở Trung ương tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thiếu chặt
chẽ, chưa đồng đều, nhất là những nhiệm vụ mới được giao cho Ngành, làm ảnh
hưởng đến kết quả phối hợp công tác ở các địa phương.
b) Nguyên nhân
- Vai trò của người đứng đầu một số cơ quan,
đơn vị chưa được phát huy đầy đủ trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp;
chưa chú trọng công tác xây dựng và triển khai thực hiện đúng kế hoạch.
- Cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn
chưa quan tâm chỉ đạo công tác tư pháp địa phương, mặt khác các cơ quan tư pháp
ở địa phương chưa kịp thời báo cáo, phản ánh xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo
Bộ, Lãnh đạo địa phương về các vấn đề vướng mắc, những điểm nghẽn, điểm nóng
trong triển khai, thi hành nhiệm vụ; chưa chủ động đề xuất những vấn đề cần
hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực quản lý của Ngành.
12. Các lĩnh vực công
tác khác
12.1. Kết quả đạt được
a) Công tác công nghệ thông tin
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn
Ngành đã được tăng cường, đáp ứng một phần yêu cầu công tác chỉ đạo điều hành
công tác tư pháp của Bộ, cơ quan, địa phương; các cuộc họp, hội nghị, nhất là
các cuộc họp định kỳ, sơ kết, tổng kết hầu hết được tổ chức dưới hình thức trực
tuyến. Trong năm 2013, Bộ Tư pháp cũng đã tiếp nhận và vận hành thành công Cơ
sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; đưa vào thử nghiệm và đang hoàn
chỉnh Cơ sở dữ liệu quốc gia về VBQPPL, hướng tới mục tiêu thống nhất đầu mối
quản lý và công khai, minh bạch hệ thống VBQPPL và thủ tục hành chính trong
toàn quốc. Lần đầu tiên Ngành Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 63 điểm
cầu về tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Nhiều ứng dụng các
phần mềm quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực lý lịch tư pháp,
quốc tịch, luật sư, công chứng, THADS... từng bước được nâng cấp và tạo lan tỏa
toàn quốc. Việc quản lý hồ sơ, công việc trong cơ quan Bộ Tư pháp cũng đã được
tin học hóa.
b) Công tác kế hoạch, thống kê, tài chính
Thể chế về công tác kế hoạch, thống kê tiếp
tục được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới các lĩnh vực công tác
này. Trong năm 2013, Bộ Tư pháp đã ban hành Quy chế về công tác xây dựng kế hoạch;
Thông tư số 20/2013/TT-BTP thay thế Thông tư số 08/2011/TT-BTP về thống kê
trong Ngành Tư pháp và đang tích cực triển khai thực hiện.
Công tác quản lý ngân sách nhà nước và đầu tư
xây dựng cơ bản tiếp tục được thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của
Bộ, Ngành. Việc thực hiện tiết kiệm 10% kinh phí chi thường xuyên trong 7 tháng
cuối năm 2013 theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2013, Chỉ
thị số 09/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ
đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013 được
thực hiện nghiêm. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BTP của Bộ trưởng
Bộ Tư pháp về việc tăng cường công tác quản lý tài chính, ngân sách và đầu tư
xây dựng cơ bản tại các đơn vị thuộc Bộ cũng đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong
sử dụng ngân sách, điều tiết, phân bổ kinh phí của Bộ trong năm 2013. Kết quả
công tác giải ngân vốn hết ngày 31/12/2013 đạt khoảng 99% kế hoạch vốn đầu tư
của năm. Trong công tác xây dựng cơ bản, Bộ Tư pháp đã phê duyệt xong 57 dự án
hoàn thành và đưa vào sử dụng 33 dự án trụ sở, kho vật chứng với 67.000m2
sàn sử dụng. Công tác mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các
đơn vị được thực hiện kịp thời hơn, bảo đảm đúng quy định của pháp luật24.
c) Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại,
tố cáo
Năm 2013, Bộ Tư pháp đã triển khai 33 cuộc
thanh tra, kiểm tra, trong đó có 19 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 03 cuộc thanh
tra đột xuất do phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, 03 cuộc kiểm tra sau
thanh tra, 08 cuộc thanh tra xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bộ Tư pháp
đã hoàn thành 100% kế hoạch công tác thanh tra đề ra, công tác thanh tra đột
xuất được đẩy mạnh, thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm và thu được những kết
quả nhất định giúp Bộ Tư pháp thực hiện tốt hơn công tác quản lý Nhà nước của
Ngành, phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm trong công tác THADS, đầu tư
xây dựng cơ bản, quản lý ngân sách...
Việc thanh tra toàn diện các tổ chức hành
nghề công chứng đã được 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện
theo yêu cầu của Bộ Tư pháp góp phần hạn chế những bất cập trong hoạt động công
chứng, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, qua đó nâng cao chất lượng công tác
này trong thời gian tới.
Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố
cáo được thực hiện đúng quy trình, thủ tục. Năm 2013, Bộ Tư pháp đã tiếp 459
lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, giảm 27% so với năm 2012 và tiếp nhận 1678
đơn thư khiếu nại, tố cáo (563 đơn thuộc thẩm quyền, 1115 đơn không thuộc thẩm
quyền), giảm 13% so với năm 2012.
d) Công tác thi đua, khen thưởng
Công tác thi đua, khen thưởng tiếp tục được
tăng cường, bám sát việc triển khai các trọng tâm công tác của Ngành Tư pháp
năm 2013 để phát động phong trào “Toàn Ngành Tư pháp tập trung củng cố, kiện
toàn tổ chức cán bộ, đổi mới lề lối làm việc, đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương,
trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”. Phong trào thi đua của
Ngành đã có nhiều khởi sắc, chất lượng, bước đầu đi vào chiều sâu, góp phần
thúc đẩy phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt một số lĩnh
vực có chuyển biến căn bản. Việc phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi
đua “Ngành Tư pháp hướng về biển đảo quê hương” lan tỏa rộng khắp các cơ quan
tư pháp thuộc Khu vực thi đua Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên với nhiều hoạt
động ý nghĩa và thiết thực dành cho người dân huyện đảo Lý Sơn, góp phần xây
dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc cũng như phát huy ý thức, trách nhiệm
sâu sắc của toàn Ngành trong tuyên truyền, giữ gìn, quản lý biển đảo.
Công tác xét khen thưởng ngày càng thực chất,
gắn với kết quả thực hiện kế hoạch công tác đầu năm và nhiệm vụ chuyên môn được
giao. Kết quả công tác thi đua, khen thưởng toàn Ngành năm 2013 đạt được là:
Huân chương Lao động hạng Nhất cho 02 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Nhì
cho 02 tập thể, 02 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Ba cho 08 tập thể và 21
cá nhân; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 35 tập thể và 62 cá nhân... Việc
khen thưởng về thành tích theo chuyên đề và khen thưởng đột xuất đã chú trọng
hơn đến các cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ (chiếm tỷ lệ 79%), qua đó kịp
thời động viên cán bộ, công chức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả xếp hạng
Sở Tư pháp, Cục THADS năm 2013 cho thấy: có 21 Sở Tư pháp xếp hạng xuất sắc, 41
Sở Tư pháp xếp hạng khá và 01 Sở Tư pháp xếp hạng trung bình; có 18 Cục THADS
xếp hạng xuất sắc, 28 Cục THADS xếp hạng khá, 11 Cục THADS xếp hạng trung bình
và 06 Cục THADS xếp hạng yếu.
12.2. Những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân
a) Hạn chế, yếu kém
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa được
triển khai đồng bộ, quyết liệt. Trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, tình trạng
sử dụng văn bản, giấy tờ vẫn phổ biến, gây lãng phí, tốn kém. Một số lĩnh vực
quản lý nhà nước chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu trong cả nước hoặc chưa có
phần mềm quản lý; hiệu quả sử dụng phần mềm chưa cao.
- Công tác xây dựng kế hoạch còn thiếu tính
dự báo, một số kế hoạch có chất lượng thấp, còn chồng chéo về thời gian và
nguồn lực thực hiện. Chế độ báo cáo thống kê thiếu tính chuyên nghiệp, chậm về
tiến độ, có trường hợp thống kê không chính xác, làm ảnh hưởng đến chất lượng
tổng hợp, tham mưu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
- Công tác thanh tra còn chưa thực sự hiệu
quả. Một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp như
THADS, bán đấu giá tài sản còn tiềm ẩn yếu tố tiêu cực nhưng chưa được thanh
tra tích cực. Công tác kiểm tra sau thanh tra chưa được chú trọng thực hiện.
- Phong trào thi đua tuy được phát động,
triển khai nhưng chưa thực sự được đổi mới căn bản, chất lượng thi đua còn
thấp. Chưa có biện pháp phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong
toàn Ngành.
b) Nguyên nhân
- Thủ trưởng một số đơn vị chưa quan tâm ứng
dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc. Kinh
phí bảo đảm cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin còn gặp rất nhiều khó
khăn.
- Thể chế về thanh tra tư pháp còn chậm được
sửa đổi. Sự phân công, phân cấp và định hướng trong việc thực hiện công tác
thanh tra giữa Thanh tra Bộ và Thanh tra của các Sở Tư pháp còn chưa cụ thể.
Công tác phối kết hợp giữa thanh tra với kiểm tra của các đơn vị quản lý nhà
nước của Bộ còn chưa chặt chẽ.
- Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị còn chưa
thực sự quan tâm chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng; quy trình đăng ký thi
đua, đề nghị xét khen thưởng còn hình thức.
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Công tác tư pháp năm 2013 đã bám sát các chỉ
tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ, triển khai
cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả tích cực
trên tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngành, nhất là các nhiệm
vụ trọng tâm đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp
năm 2013, như: đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lấy ý kiến nhân dân và tham gia đề xuất
sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bảo đảm tiến độ, chất lượng; công tác tham mưu cho
Chính phủ xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL được thực hiện bài bản, nền nếp
và từng bước đi vào chiều sâu, có sự gắn kết hơn giữa xây dựng pháp luật và
thực thi pháp luật; việc triển khai một số nhiệm vụ mới như KSTTHC, XLVPHC đạt
được kết quả cụ thể; công tác PBGDPL với việc tổ chức thành công “Ngày Pháp luật”
đã có sự đột phá, tạo được lan tỏa; công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp
tiếp tục được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân trong
việc thực hiện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình; công tác THADS
tiếp tục phát triển bền vững, mối quan hệ phối kết hợp trong công tác này ngày
càng được cải thiện; công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp có
bước phát triển mới; công tác hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật bước đầu
đi vào chiều sâu. Những kết quả nêu trên cùng với 10 sự kiện của Ngành năm 2013
đã đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của địa phương, của đất nước về phát
triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế. Nhờ
đó vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế xã hội ngày
càng được tăng cường, vị thế của Ngành từ Trung ương đến địa phương ngày càng
được củng cố; Ngành được tin tưởng giao thêm nhiều nhiệm vụ mới.
Có được những thành công nêu trên trước hết
là do Ngành Tư pháp tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Đảng,
Nhà nước, Chính phủ; sự phối kết hợp và cộng đồng trách nhiệm của các Bộ, cơ
quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; sự nỗ lực phấn đấu của toàn
thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan tư pháp, pháp chế,
THADS trong toàn Ngành.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt
được, công tác tư pháp vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, như: việc xây dựng, ban
hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn
chậm, nhất là các thông tư, thông tư liên tịch; công tác PBGDPL vẫn mang tính
hình thức, phong trào, hiệu quả chưa cao, một số VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý
của Bộ, Ngành chậm đi vào cuộc sống; thủ tục hành chính còn rườm rà, chi phí
tuân thủ lớn, việc thực thi còn chưa nghiêm, việc xây dựng cơ chế hiệu quả gắn
kết công tác KSTTHC với công tác xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật theo
chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ còn chậm, lúng túng; quản lý
nhà nước trên một số lĩnh vực như hộ tịch, chứng thực còn chậm được đổi mới,
chưa đóng góp thiết thực cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã
hội của địa phương; công tác xã hội hóa lĩnh vực giám định tư pháp, chế định
trọng tài thương mại gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện; hiện tượng tiêu
cực trong THADS chưa giảm, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của lĩnh
vực này; chế độ báo cáo thống kê thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu chính xác;
chất lượng yếu tố con người và các nguồn lực khác phục vụ công tác pháp luật và
tư pháp còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn
tại nêu trên là: số lượng, khối lượng nhiệm vụ bổ sung của Ngành Tư pháp trong
năm 2013 là tương đối nhiều, trong khi đó nguồn lực về bộ máy, cán bộ, kinh phí
để triển khai còn hạn chế, đặc biệt là biên chế cho các cơ quan tư pháp, pháp
chế địa phương, tổ chức pháp chế; chính sách thu hút đội ngũ công chức làm công
tác pháp chế chậm được ban hành; tính chủ động trong việc triển khai công việc
của các cơ quan tư pháp, pháp chế từ Trung ương đến địa phương còn chưa cao;
vẫn còn một số lãnh đạo Bộ, cơ quan, địa phương chưa coi trọng vị trí, vai trò
công tác tư pháp, pháp chế trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội dẫn đến
việc bố trí chưa đủ nguồn lực để triển khai thực hiện.
Phần thứ hai.
PHƯƠNG
HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CÔNG TÁC NĂM 2014
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014
được Quốc hội thông qua với mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ
mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả,
sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến
lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; là năm tiếp
tục hoàn thiện và cải cách thể chế tạo động lực mới cho sự tăng trưởng, phát
triển bền vững của đất nước. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải
thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham
nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối
ngoại và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP
ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều
hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà
nước năm 2014, Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, toàn Ngành Tư
pháp quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, xác định rõ phương hướng, nhiệm
vụ và các giải pháp chủ yếu để triển khai đồng bộ các mặt công tác thuộc chức
năng, nhiệm vụ của mình như sau:
I. PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG
TÁC TƯ PHÁP NĂM 2014
1. Xác định năm 2014 là năm “thể chế”, cần
tập trung cao cho việc xây dựng, sửa đổi các luật để thực hiện Hiến pháp; đồng
thời rà soát, bổ sung thể chế - cơ chế chính sách, kiện toàn tổ chức bộ máy
nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm
chủ của Nhân dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa.
2. Tăng cường hiệu lực hiệu quả thực thi pháp
luật; từng bước chuyển trọng tâm từ xây dựng pháp luật sang hoàn thiện pháp luật
và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật với khâu đột
phá là PBGDPL; chú trọng công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành
văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; tăng cường năng lực phản
ứng chính sách, góp phần hoàn thiện pháp luật, nhất là những điểm chồng chéo,
thiếu đồng bộ hoặc khoảng trống pháp luật.
3. Tăng cường công tác KSTTHC; thực hiện tốt
vai trò giúp Chính phủ, UBND các cấp quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật
về XLVPHC. Nghiên cứu hoàn thiện thể chế về công tác ban hành quyết định hành
chính.
4. Nâng cao chất lượng công tác THADS, hành
chính, bảo đảm sự phát triển bền vững của công tác này; đẩy mạnh việc xã hội
hóa hoạt động THADS thông qua việc tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại tại
một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
5. Đổi mới tư duy quản lý trong các lĩnh vực
hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về hộ tịch,
chứng thực. Đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp cùng với nâng
cao chất lượng dịch vụ với bước đi, lộ trình phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Chỉ đạo triển khai có hiệu quả và điều chỉnh, bổ sung kịp thời các chiến lược,
quy hoạch trong các lĩnh vực của Ngành.
6. Kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường biên
chế, điều kiện đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục chủ trương hướng về cơ sở,
tạo sự chuyển biến đồng bộ từ cơ sở nhằm thực hiện tốt vai trò cơ quan tham mưu
giúp cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, điều hành theo pháp luật các lĩnh
vực kinh tế - xã hội.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2014
1. Nhiệm vụ công tác
tư pháp năm 2014
1.1. Công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy
phạm pháp luật
- Tham mưu giúp Chính phủ rà soát, lập kế
hoạch, danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung
bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và tổ chức thực hiện. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật
Ban hành VBQPPL (hợp nhất) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để gắn kết chặt chẽ và
nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật (bao gồm cả kiểm tra, rà soát,
hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL và pháp điển hóa quy phạm pháp luật), tổ chức thi
hành pháp luật, KSTTHC, xử lý văn bản trái pháp luật. Thực hiện đúng tiến độ và
bảo đảm chất lượng các dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa
đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS và dự án Luật Hộ tịch.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn chỉnh các dự án Luật Công
chứng (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), trình Quốc hội thông qua.
- Tổ chức thực hiện nghiêm việc triển khai
thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và
ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo đúng quy định của Luật
Ban hành VBQPPL và Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội. Tăng cường công tác
theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết,
hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; thông tin thường xuyên tình
hình thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và báo cáo tại Phiên
họp hàng tháng của Chính phủ; chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về công tác này
tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII.
- Tiếp tục cải tiến quy trình, nâng cao chất
lượng dự thảo, thẩm định VBQPPL, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống
nhất với hệ thống pháp luật của dự thảo văn bản, chú trọng hơn tới tính khả
thi, tính hợp lý của VBQPPL. Phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với các Bộ, cơ quan
và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để soạn thảo, thẩm định các VBQPPL
nhằm cụ thể hóa giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm
2014 của Chính phủ, các VBQPPL quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật,
pháp lệnh sắp có hiệu lực pháp luật; tăng cường việc thẩm định thông qua cơ chế
Hội đồng thẩm định với sự tham gia của chuyên gia, nhà khoa học vào việc thẩm
định VBQPPL, khắc phục tình trạng khép kín trong quá trình thẩm định. Ban hành
mới Quy chế thẩm định VBQPPL của Bộ Tư pháp.
1.2. Công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống
hóa, hợp nhất VBQPPL và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật
- Tăng cường kiểm tra VBQPPL, đôn đốc và theo
dõi việc xử lý các văn bản trái pháp luật của các Bộ, cơ quan và các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung vào một số lĩnh vực dư luận xã hội
quan tâm, bảo đảm sự gắn kết với công tác theo dõi thi hành pháp luật, KSTTHC;
tổ chức các Đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc thực hiện công tác soạn
thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa VBQPPL tại một số Bộ,
ngành và địa phương.
- Tổ chức thực hiện rà soát, hệ thống hóa
VBQPPL hiện hành để phát hiện những quy định chồng chéo, bất hợp lý, gây khó
khăn, cản trở đối với người dân, doanh nghiệp và sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc
kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ.
- Tập trung hoàn thiện thể chế về công tác
pháp điển hệ thống QPPL; xây dựng Trang thông tin điện tử và phần mềm pháp
điển; theo dõi, đôn đốc, tổ chức thực hiện pháp điển đảm bảo đúng lộ trình. Tổ
chức hợp nhất VBQPPL theo đúng quy định của pháp luật.
1.3. Công tác theo dõi thi hành pháp luật,
kiểm soát thủ tục hành chính và xử lý vi phạm hành chính
a) Công tác theo dõi thi hành pháp luật
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo
dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014, trong đó tập trung vào những vấn đề
kinh tế - xã hội có nhiều bức xúc hoặc được dư luận quan tâm như giáo dục, y
tế, nông nghiệp, nông thôn, đất đai và XLVPHC, qua đó kiến nghị, đề xuất các
biện pháp, giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về cơ chế,
chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút các
nguồn lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị
định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi
hành pháp luật; tổ chức chuyên mục phản ánh tình hình thi hành pháp luật trên
Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
b) Công tác kiểm soát thủ tục hành chính
- Thực hiện hiệu quả công tác KSTTHC, lồng
ghép việc kiểm soát thủ tục hành chính ngay từ quá trình soạn thảo, thẩm định,
ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định
số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về KSTTHC, Nghị định số 48/2013/NĐ-CP
ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định
liên quan đến KSTTHC. Tập trung nguồn lực hoàn thành dứt điểm việc thực thi các
phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính tại 25 Nghị quyết đã được Chính phủ
thông qua thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, cơ quan và các phương án đơn
giản hóa thủ tục hành chính năm 2012 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đôn đốc các Bộ, cơ quan tiếp tục đơn giản
hóa thủ tục liên quan đến gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của
doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc thực hiện các dự án
đầu tư, nhất là đối với các dự án có sử dụng đất. Rà soát, công bố kịp thời các
thủ tục hành chính mới hoặc đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế và kiểm tra,
giám sát việc thực hiện các thủ tục hành chính, bảo đảm sự thống nhất trong áp
dụng thủ tục hành chính trong toàn quốc, giảm thiểu tối đa việc áp dụng các thủ
tục không được pháp luật quy định đối với từng cơ quan, địa phương.
- Đẩy mạnh triển khai Đề án tổng thể đơn giản
hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến
quản lý dân cư. Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến
nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính
tại các cấp chính quyền. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án liên thông
thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em
dưới 6 tuổi và Đề án thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử
dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế.
- Tham mưu cho Hội đồng Tư vấn cải cách thủ
tục hành chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan
đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đăng ký
kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, tiếp cận vốn, đất đai, xây dựng và kiến
nghị với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất
kinh doanh và đời sống người dân.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự làm công
tác kiểm soát TTHC sau khi chuyển giao sang các cơ quan, đơn vị pháp chế, tư
pháp để bảo đảm triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao.
c) Công tác xử lý vi phạm hành chính
Hoàn thành việc xây dựng, ban hành các VBQPPL
quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật XLVPHC và kiện toàn tổ chức bộ máy,
cán bộ theo Đề án "Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện
quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về XLVPHC của Bộ Tư pháp, các
Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương" trong 6 tháng đầu
năm 2014, để bảo đảm triển khai Luật được đầy đủ, góp phần bảo đảm trật tự, an
toàn xã hội.
Trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị
về thực hiện thống nhất, đồng bộ Luật XLVPHC và quản lý thống nhất công tác thi
hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc
gia về XLVPHC; Đề án người chưa thành niên trong thời gian giáo dục tại xã,
phường, thị trấn; tiếp nhận, nuôi dưỡng đối tượng sau khi hết hạn chấp hành
biện pháp xử lý hành chính tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
1.4. Công tác thi hành án dân sự
- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu,
nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, nhất là chỉ tiêu thi hành án xong về
việc, về tiền, phấn đấu đạt hoặc vượt chỉ tiêu được giao; chỉ tiêu về phân loại
án dân sự có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành; khắc phục vi phạm pháp luật
trong THADS...
- Nâng cao chất lượng và tiến độ công tác
hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, chỉ đạo giải quyết những vụ án lớn, phức tạp.
Khắc phục những vi phạm thiếu sót về chuyên môn, nghiệp vụ. Tập trung giải
quyết có hiệu quả số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ
cán bộ, công chức làm công tác THADS, trong đó tập trung vào những địa bàn, đơn
vị để xảy ra vi phạm hoặc còn nhiều hạn chế, yếu kém; tăng cường kỷ luật, siết
chặt kỷ cương trong toàn hệ thống; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW
của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh và 5 Chuẩn mực đạo đức cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành
Tư pháp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ và trách nhiệm, đạo đức nghề
nghiệp của cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt
động thi hành án, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường
các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm.
- Chỉ đạo và triển khai các công việc liên
quan đến thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của
Quốc hội, nhất là việc hoàn thiện thể chế, bổ nhiệm Thừa phát lại, thành lập
các Văn phòng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án đã được phê duyệt về
thí điểm chế định Thừa phát lại tại các địa phương thuộc diện thí điểm.
1.5. Công tác hành chính tư pháp
- Hoàn thiện dự án Luật Hộ tịch. Xây dựng,
trình Chính phủ ban hành Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc. Đẩy mạnh công
tác chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ
tịch đối với UBND cấp huyện và UBND cấp xã; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ hộ
tịch cho công chức Phòng Tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.
- Xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị
định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật
Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Đẩy nhanh tiến độ trong việc giải quyết hồ sơ xin
nhập, xin thôi, xin trở lại quốc tịch Việt Nam; đôn đốc, thúc đẩy thực hiện
việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài
theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 và phối hợp với các Bộ, cơ quan
giải quyết vấn đề di cư tự do, hộ tịch, quốc tịch tại khu vực biên giới Việt
Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc.
- Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định
về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và
chứng thực hợp đồng, giao dịch (thay thế Nghị định số 75/2000/NĐ-CP, Nghị định
số 79/2007/NĐ-CP và Nghị định số 04/2012/NĐ-CP); xây dựng, trình Thủ tướng
Chính phủ ban hành Chỉ thị nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm dụng bản sao có chứng
thực; chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xây dựng dự án Luật Chứng thực;
- Đẩy mạnh công tác chỉ đạo, hướng dẫn việc
tổ chức thực hiện công tác hộ tịch, chứng thực đối với UBND cấp huyện và UBND
cấp xã; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, chứng thực cho cán bộ Phòng Tư
pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Luật Nuôi
con nuôi và Công ước Lahay; tích cực thực hiện Lộ trình hợp tác với các nước
thành viên Công ước Lahay; tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao nhận thức
pháp luật đảm bảo thực thi Công ước Lahay; tiếp tục giải quyết hồ sơ xin con
nuôi đặc biệt là đối với trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt; xây dựng cơ sở dữ
liệu về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
- Thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai
Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề
án cơ sở dữ liệu quốc gia về lý lịch tư pháp. Ban hành và tổ chức thực hiện Chỉ
thị của Bộ trưởng về việc tăng cường công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư
pháp. Tăng cường phối hợp với cơ quan Công an trong tra cứu, xác minh thông tin
lý lịch tư pháp, phục vụ công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp; cải cách thủ tục
hành chính và áp dụng các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp phiếu lý lịch tư
pháp.
- Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy định
chi tiết thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhằm tạo ra cơ chế
thuận lợi để người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường nhà nước.
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động
quản lý hành chính và thi hành án; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện
kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường
trong hoạt động tố tụng. Kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường
cũng như xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong hoạt động bồi thường nhà
nước.
- Hoàn thiện thể chế về lĩnh vực giao dịch
bảo đảm; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây
dựng tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc công chứng, đăng ký giao dịch bảo
đảm và xử lý tài sản bảo đảm (bao gồm bán đấu giá tài sản) để tạo điều kiện
thuận lợi cho việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay, thu hồi nợ; tăng cường hướng
dẫn, kiểm tra về đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các cơ quan quản lý đăng ký
giao dịch bảo đảm, các tổ chức tín dụng.
1.6. Công tác bổ trợ tư pháp
- Thực hiện tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Luật sư, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật và
Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020. Tăng cường hiệu quả quản lý
nhà nước về tổ chức, hoạt động luật sư. Theo dõi, phối hợp tổ chức tốt Đại hội
đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ hai.
- Phối hợp hoàn thiện dự án Luật Công chứng
(sửa đổi) và chủ động xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành
Luật. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hoạch Quy hoạch phát triển tổ chức hành
nghề công chứng đến năm 2020; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với
hoạt động của cá tổ chức hành nghề công chứng; có biện pháp khuyến khích việc
thành lập các tổ chức hội công chứng ở các địa phương và nghiên cứu xây dựng Đề
án thành lập tổ chức công chứng toàn quốc.
- Xây dựng và hoàn thiện thể chế trong công
tác quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản; phối hợp với Bộ Tài chính chấn
chỉnh việc bán đấu giá tài sản của nhà nước không đúng quy định của Nghị định
số 17/2010/NĐ-CP, bao gồm cả quyền sử dụng đất; triển khai Quyết định số 1076/QĐ-BTP
ngày 10/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Đề án “Phát triển và
tăng cường năng lực đội ngũ đấu giá viên giai đoạn 2013-2015, định hướng đến
năm 2020”; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức sơ kết việc thi hành Luật
Trọng tài thương mại và Nghị định số 63/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Trọng tài thương mại.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Giám
định tư pháp và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Củng cố, kiện toàn
các tổ chức giám định tư pháp; sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn áp dụng quy
chuẩn chuyên môn giám định tư pháp trong từng lĩnh vực, nhất là lĩnh vực pháp
y, pháp y tâm thần, tài chính, ngân hàng, xây dựng; triển khai có hiệu quả
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; có cơ
chế, chính sách thu hút những người có nghiệp vụ vào làm việc tại các tổ chức
giám định nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản về chất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao
của hoạt động tố tụng, góp phần tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống
tội phạm theo Nghị quyết của Quốc hội.
- Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số mục tiêu,
chỉ tiêu của Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến
năm 2030; tăng cường xã hội hóa hoạt động này. Kiện toàn tổ chức bộ máy Trung
tâm TGPL, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác
TGPL; tăng khả năng tiếp cận và bảo đảm mức tối thiểu TGPL cho các đối tượng
chính sách; tăng cường TGPL lưu động phấn đấu 100% vùng sâu, vùng xa, vùng đồng
bào dân tộc thiểu số, các ấp đặc biệt khó khăn được tổ chức lưu động 1 năm/lần.
Chú trọng nâng cao chất lượng TGPL nói chung và TGPL trong hoạt động tố tụng để
bảo đảm chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách.
1.7. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật,
hòa giải cơ sở; báo chí, xuất bản
- Đẩy mạnh và tiếp tục đổi mới phương thức tổ
chức thực hiện PBGDPL, tăng cường xã hội hóa hoạt động này. Tập trung tuyên
truyền, phổ biến Hiến pháp năm 2013 và những VBQPPL mới được ban hành, nhất là
những văn bản liên quan đến những lĩnh vực bức xúc, nhạy cảm với đời sống xã
hội. Tiếp tục đẩy mạnh phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo các
nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng; phổ biến cho người dân
về pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác trên các vùng biển.
- Triển khai thực hiện tốt các đề án PBGDPL
đã được Chính phủ phê duyệt; có biện pháp tăng cường kinh phí, điều kiện bảo
đảm cho công tác PBGDPL.
- Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ thông cáo báo
chí định kỳ về VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng tháng.
Chủ động thông tin chính xác, kịp thời về các cơ chế chính sách, sự chỉ đạo điều
hành thuộc phạm vi quản lý của Bộ, Ngành, tham gia Chương trình “Dân hỏi - Bộ
trưởng trả lời”. Tăng cường kỷ luật phát ngôn; đề cao trách nhiệm của các cơ
quan báo chí Ngành Tư pháp trong việc thông tin kịp thời, trung thực, khách
quan, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Bộ,
Ngành. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các hoạt động
hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngành Tư pháp. Tiếp tục đổi mới về nội
dung, hình thức các ấn phẩm của báo chí, đặc biệt là ấn phẩm báo ngày, báo điện
tử để các ấn phẩm trên thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư
pháp.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hòa
giải ở cơ sở, góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm
pháp luật, giảm bớt các khiếu nại, tố cáo, tăng cường tinh thần đoàn kết, tương
trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu
quả Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg, ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban
hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
1.8. Công tác xây dựng Ngành, đào tạo và
nghiên cứu khoa học
- Hoàn thành các thông tư, thông tư liên tịch
về tổ chức và hoạt động trong các lĩnh vực của Ngành Tư pháp (Thông tư liên
tịch thay thế Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Bộ
Tư pháp và Bộ Nội vụ; Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP;
Thông tư hướng dẫn thi hành Luật XLVPHC...) để bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho
Ngành Tư pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Trình Thủ tướng
Chính phủ ban hành Đề án về các giải pháp tổng thể kiện toàn tổ chức bộ máy và
nhân lực của Ngành Tư pháp.
- Hoàn thành Đề án vị trí việc làm của Bộ Tư pháp
làm cơ sở kiện toàn tổ chức và hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ khoa học, hiệu
quả. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực
Ngành Tư pháp theo hướng trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đảm bảo sự kế thừa giữa các
thế hệ cán bộ; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và sử dụng cán
bộ; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ
đặt ra theo từng giai đoạn và hàng năm. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển
cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan,
tổ chức, trong các lĩnh vực thuộc Ngành Tư pháp trong từng thời kỳ; trên cơ sở
đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển chung về số lượng, cơ cấu, trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ trong toàn Ngành.
- Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công
chức; nâng cao kỷ luật, kỷ cương công vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức ngành Tư pháp chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, sáng tạo ngang
tầm yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Chuẩn mực đạo đức nghề
nghiệp cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức tư pháp các cấp trong sạch, vững mạnh.
- Triển khai các Đề án xây dựng Trường Đại
học Luật Hà Nội và Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm
về đào tạo pháp luật và Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào
tạo các chức danh tư pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định
số 549/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 và Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013, góp
phần tạo nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp
xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tiếp tục đẩy
mạnh công tác đào tạo trung cấp luật nhằm bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ tư
pháp cơ sở cho các địa bàn khó khăn về nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp.
- Xây dựng Chiến lược đổi mới công tác tư
pháp giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030. Thực hiện tốt nhiệm vụ được giao về tổng
kết 30 đổi mới một số vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới hệ thống chính
trị; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN.
1.9. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc
tế về tư pháp và pháp luật
- Đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ
pháp luật về tư pháp quốc tế; nghiên cứu, đề xuất xây dựng một Luật riêng về tư
pháp quốc tế. Tập trung thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay
về tư pháp quốc tế của Việt Nam theo Quyết định số 1440/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ; hoàn thiện cơ sở pháp lý về cấp ý kiến pháp lý đối với các khoản vay
và dự án đầu tư nước ngoài. Tăng cường tham gia một cách chủ động, hiệu quả hơn
của Bộ Tư pháp vào giải quyết tranh chấp quốc tế liên quan đến Nhà nước, Chính
phủ Việt Nam; nâng cao hơn nữa chất lượng đàm phán, góp ý, thẩm định điều ước
quốc tế.
- Phối hợp với các Bộ hoàn thiện khung pháp
lý, cơ chế, chính sách liên quan đến tăng cường huy động các nguồn lực ngoài
Nhà nước cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện các
dịch vụ công, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), đầu tư trực tiếp nước
ngoài.
- Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị
định sửa đổi Nghị định 78/2008/NĐ-CP về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật;
sửa đổi Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp để bảo đảm hoạt động
hợp tác quốc tế về pháp luật đạt hiệu quả cao, đáp ứng các yêu cầu trong thời
kỳ mới. Tiếp tục chú trọng đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản
lý nhà nước về hợp tác với nước ngoài về pháp luật. Đẩy mạnh công tác ký kết,
gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về hợp tác
pháp luật với các nước truyền thống, các quốc gia tiềm năng; chủ động đẩy mạnh
và tăng cường việc nghiên cứu khả năng tham gia các thiết chế quốc tế về hợp
tác pháp luật (UNIDROIT, IDLO, AALCO...).
- Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ là đầu mối
thực hiện công ước về các quyền dân sự, chính trị.
1.10. Công tác khác
a) Công tác công nghệ thông tin
- Tập trung nguồn lực xây dựng các phần mềm
ứng dụng trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, Ngành Tư pháp: lý lịch tư pháp,
thống kê, hộ tịch, quản lý hồ sơ công việc đi và đến...; cung cấp dịch vụ công
nhanh gọn, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý,
chỉ đạo, điều hành công việc, 95% sử dụng văn bản điện tử trong điều hành, hạn
chế tối đa việc sử dụng văn bản giấy; phát huy cao nhất hiệu quả của các phần
mềm công nghệ thông tin.
b) Công tác thống kê, kế hoạch, tài chính
- Tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ mà Đề
án đổi mới công tác xây dựng kế hoạch trong Ngành Tư pháp và Chỉ thị số 01/CT-BTP
ngày 30/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tăng cường công tác xây dựng kế
hoạch trong Ngành Tư pháp; thực hiện nghiêm túc Quy chế xây dựng kế hoạch của
Bộ Tư pháp, thẩm tra có chất lượng và nâng cao tính dự báo, định hướng của các
dự thảo kế hoạch.
- Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm chỉnh
Thông tư số 20/2013/TT-BTP ngày 03/12/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội
dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp, đồng thời hoàn thành và triển
khai thực hiện hiệu quả Đề án Xây dựng hệ thống biểu mẫu thống kê điện tử, Đề
án ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thống kê của Ngành, Phần mềm theo
dõi việc thực hiện báo cáo thống kê của Ngành Tư pháp.
- Kịp thời phân bổ dự toán ngân sách nhà nước
năm 2014 cho các đơn vị dự toán và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2014
cho các dự án đầu tư, ưu tiên bố trí vốn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản của Bộ
Tư pháp, bảo đảm ngân sách triển khai kịp thời các hoạt động chuyên môn ngay từ
đầu năm và điều chỉnh định kỳ hàng quý. Thực hiện nghiêm chế độ sử dụng ngân
sách nhà nước theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm triệt để tiết
kiệm, lồng ghép các chính sách từ khâu phân bổ đến tổ chức thực hiện; cắt giảm
tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ
hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần
thiết khác; không mua sắm xe công.
- Tập trung kinh phí, hỗ trợ từ các Bộ,
ngành, địa phương để sớm hoàn thành các Đề án “Đầu tư trang thiết bị, phương
tiện làm việc cho các cơ quan THADS giai đoạn 2011 - 2015”, “Đề án xây dựng trụ
sở, kho vật chứng cho cơ quan THADS và xây dựng cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tư pháp
theo Nghị quyết số 49-NQ/TW giai đoạn 2011 - 2015” và xây dựng cơ sở đào tạo
thuộc Bộ Tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW giai đoạn 2011 - 2015.
c) Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân,
giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Thực hiện tốt Luật Thanh tra, Nghị định thay
thế Nghị định số 74/2006/NĐ-CP ngày 01/8/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt
động của thanh tra tư pháp. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra việc thực hiện chính
sách pháp luật và thanh tra chuyên ngành trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước
của Ngành; thường trực tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý và giải quyết kịp thời,
đúng pháp luật đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần giữ vững ổn
định chính trị - xã hội; chỉ đạo chủ động giải quyết ngay các vụ việc mới phát
sinh tại cơ sở, hạn chế tối đa khiếu kiện vượt cấp.
- Thành lập các đoàn thanh tra, xác minh giải
quyết khiếu nại, tố cáo theo yêu cầu thực tế; tổ chức các Đoàn kiểm tra việc
thực hiện kết luận thanh tra và quyết định giải quyết khiếu nại tại các địa
phương; thực hiện đúng quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và
thanh tra chuyên ngành.
d) Công tác thi đua khen thưởng
- Xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi
đua năm 2014 cụ thể có trọng tâm, trọng điểm, trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ
trọng tâm của Ngành, địa phương và tích cực thực hiện có hiệu quả các phong
trào thi đua nhằm tạo ra động lực thực hiện các nhiệm vụ của Ngành đạt được
hiệu quả.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phong
trào thi đua của Ngành, gắn phong trào thi đua với việc đẩy mạnh việc “Học tập
và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Ngành Tư pháp chung sức góp phần
tham gia xây dựng nông thôn mới” trên cơ sở sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệp
trong công tác ký kết thi đua trên các lĩnh vực tư pháp giữa các đơn vị trong
Ngành Tư pháp và giữa Phòng Tư pháp các huyện, thành phố.
2. Giải pháp chủ yếu
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư
pháp năm 2014, Ngành Tư pháp xác định một số giải pháp chủ yếu sau đây:
2.1. Tiếp tục đẩy mạnh việc kiện toàn tổ
chức, bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm với
nhiệm vụ được giao, tập trung vào bộ máy, công chức làm công tác công tác pháp
chế của các Bộ, cơ quan, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, công chức Tư
pháp - Hộ tịch cấp xã và công chức tư pháp ở những lĩnh vực mới quản lý của
Ngành, bảo đảm phát huy hiệu quả công tác tư pháp trong thời gian tới nhằm thực
hiện tốt các nhiệm vụ mới được giao.
2.2. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác
cụ thể, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất
nước, địa phương, chương trình công tác của Ngành, ưu tiên thực hiện những
nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế -
xã hội năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội năm 2014.
2.3. Đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng
công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc; tăng cường sử
dụng hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện trong công tác chuyên môn, nghiệp
vụ, hạn chế việc tổ chức các cuộc họp, hội thảo trực tiếp, đảm bảo tiết kiệm,
hiệu quả.
2.4. Tăng cường công tác phối hợp với Bộ, cơ
quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp
từ Trung ương đến địa phương; kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên
để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm
vụ.
2.5. Đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều
hành, vừa bảo đảm sâu sát, quyết liệt, bám sát kế hoạch, đồng thời sử dụng đầy
đủ các công cụ quản lý kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm bảo đảm phản ứng
linh hoạt, kịp thời trong giải quyết các vấn đề phát sinh.
2.6. Nâng cao chất lượng và thực hiện nghiêm
chế độ báo cáo, thống kê trong toàn Ngành. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành
chính, cải tiến lề lối làm việc. Tăng cường thanh tra việc chấp hành các quy
định pháp luật, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các
biểu hiện lệch lạc, tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu trong khi giải quyết yêu
cầu của người dân, nhất là trong các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, công chứng,
bán đấu giá tài sản, THADS tại địa phương.
2.7. Phát động phong trào thi đua gắn kết
chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị, cá nhân. Xây
dựng tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ làm
cơ sở cho việc xếp hạng các đơn vị thuộc Bộ; nâng cao hiệu quả xếp hạng Sở Tư
pháp, Cục THADS; phối hợp với các cơ quan, tổ chức đánh giá, xếp hạng các Bộ,
cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác xây dựng và
theo dõi thi hành pháp luật, qua đó rút kinh nghiệm để triển khai nhiệm vụ tốt
hơn trong các năm tiếp theo.
III. NHIỆM VỤ TRỌNG
TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2014
1. Triển khai đồng bộ, quyết tâm thực hiện hiệu
quả Kế hoạch của Chính phủ về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và Kế
hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của
Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị
quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi
tiết, hướng dẫn thi hành. Tập trung xây dựng các dự án Bộ luật Dân sự (sửa
đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Ban hành VBQPPL (hợp nhất), các dự án luật
liên quan đến quyền công dân, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Nâng cao hơn nữa
chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, gắn
với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, góp phần bảo đảm tính khả thi, hợp
lý, giảm chi phí xã hội.
2. Rà soát, công bố kịp thời các thủ tục hành
chính mới hoặc đã được sửa đổi, bổ sung, bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng
thủ tục hành chính trong toàn quốc. Triển khai đồng bộ Đề án tổng thể đơn giản
hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến
quản lý dân cư giai đoạn 2011 – 2020, tập trung hoàn thành việc rà soát tổng
thể và đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến công dân.
Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Thiết lập Hệ thống thông tin tiếp
nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả
giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền và Nghị quyết của Chính
phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự
án đầu tư để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.
3. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa Luật
Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống. Tăng cường công tác PBGDPL, tiếp tục triển
khai có hiệu quả Luật Phổ biến giáo dục pháp luật; huy động sự tham gia của cả
hệ thống chính trị vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý,
đưa các công tác này đi vào chiều sâu, bám sát hơn nhu cầu xã hội, quan tâm hơn
đến người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu,
vùng xa. Tiếp tục tổ chức tốt Ngày Pháp luật năm 2014 nhằm nâng cao ý thức
trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, tăng cường
khả năng thực thi thể chế.
4. Tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết
để triển khai thi hành hiệu quả Luật XLVPHC, Nghị quyết của Quốc hội về việc
thi hành Luật XLVPHC, các Nghị định của Chính phủ và Quyết định số 1950/QĐ-TTg
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế
triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về XLVPHC
của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương",
bảo đảm quy định pháp luật về XLVPHC đi vào cuộc sống. Từng bước triển khai xây
dựng cơ sở dữ liệu về XLVPHC thống nhất trong lĩnh vực này.
5. Chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác THADS,
đồng thời khẩn trương xây dựng dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật THADS trên tinh
thần cải cách tư pháp, khắc phục các tồn tại, hạn chế cản trở việc thi hành án.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự được Quốc hội giao theo Nghị
quyết số 37/2012/QH13 về công tác tư pháp, phấn đấu kết quả thi hành năm 2014
đạt hoặc vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các
vụ việc THADS có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng để tạo điều kiện
cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng; tiếp tục
đổi mới, nâng cao hiệu quả THADS để bảo vệ quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng.
Chủ động phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh và 12 tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương liên quan đẩy mạnh việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại
theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội.
6. Khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Hộ tịch.
Đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế ở tầm luật đối với các lĩnh vực hộ tịch, chứng
thực; phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong việc thực hiện đăng ký giữ quốc
tịch Việt Nam cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức tổng kết việc
thực hiện quy định này. Tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển
lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
7. Triển khai thực hiện tốt Luật Giám định tư
pháp với những giải pháp đột phá. tạo công cụ đắc lực phục vụ hoạt động tố
tụng, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức cũng như góp
phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục tăng cường các lĩnh
vực công tác tư pháp khác như: công chứng, luật sư, trợ giúp pháp lý cho người nghèo...,
huy động sự vào cuộc của cả xã hội cùng tham gia các hoạt động này. Phối hợp
Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Đại biểu luật sư toàn
quốc lần thứ hai và chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiến tới thành lập tổ chức
công chứng toàn quốc.
8. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch
thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của
Việt Nam theo Quyết định số 1440/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao năng
lực giải quyết tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài; hoàn thiện cơ sở
pháp lý về cấp ý kiến pháp lý đối với các khoản vay và dự án đầu tư nước ngoài,
vừa đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đồng thời hạn chế thấp nhất những rủi
ro pháp lý phát sinh.
9. Kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư
pháp, pháp chế trên cơ sở hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy các cơ quan
nhà nước theo Hiến pháp năm 2013. Khẩn trương triển khai các Đề án xây dựng
Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành trường
trọng điểm về đào tạo pháp luật và Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung
tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại
Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 và Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013;
tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh công tác đào tạo trung cấp luật nhằm bổ
sung kịp thời đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở cho các địa bàn khó khăn về nguồn
nhân lực pháp luật, tư pháp.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, Chủ
tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, Giám đốc Sở Tư pháp
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch
triển khai thực hiện Phần thứ hai của Báo cáo này, trong đó bám sát các nhiệm
vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2014, đồng thời căn cứ vào tình hình cụ thể
của Bộ, ngành, địa phương để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sát thực,
trình Bộ trưởng, Thủ trưởng các Ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương phê duyệt trong tháng 01/2014 và tổ chức, chỉ đạo thực hiện.
Đối với những nhiệm vụ không được quy định trong Chương trình này, cần tiếp tục
thực hiện tốt theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
- Chỉ đạo quyết liệt và tổ chức kiểm tra việc
thực hiện Chương trình, báo cáo kết quả thực hiện với Bộ trưởng, Thủ trưởng các
ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp,
Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu trên,
trong đó tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Tổng cục
trưởng Tổng cục THADS chỉ đạo các cơ quan THADS triển khai bài bản các nhiệm vụ
được giao./.
Nơi nhận:
-
Ban Bí thư (để báo cáo);
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (để báo cáo);
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó TTgCP Nguyễn Xuân Phúc (để báo cáo);
- Ban Nội chính Trung ương (để báo cáo);
- Văn phòng Trung ương Đảng (để báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội (để phối hợp);
- Ủy ban Pháp luật của QH (để phối hợp);
- Ủy ban Tư pháp của QH (để phối hợp);
- Văn Phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các tổ chức pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng;
- STP, Cục THADS cấp tỉnh;
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, TH.
|
BỘ TRƯỞNG
Hà Hùng Cường
|