BỘ
NỘI VỤ
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
|
Số:
1495/BC-BNV
|
Hà
Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2009
|
BÁO CÁO
KẾT QUẢ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 38/2004/CT-TTG
NGÀY 09/11/2004 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính
phủ giao triển khai Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 09/11/2004 về việc đẩy mạnh
đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở
vùng dân tộc, miền núi;
Bộ Nội vụ xin báo cáo công tác triển
khai và những kết quả đã đạt được sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg
của Thủ tướng Chính phủ như sau:
I. CÔNG TÁC CHUẨN
BỊ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Bộ Nội vụ đã phối hợp với các Bộ
ngành liên quan khẩn trương triển khai Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg cụ thể:
Phối hợp với các tỉnh nghiên cứu,
khảo sát đánh giá tình hình thực tế và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc
cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ công tác ở địa phương có đồng bào dân
tộc thiểu số sinh sống;
Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát thực
tế nhu cầu và nguyện vọng của cán bộ, công chức ở các địa phương, phối hợp với Ủy
ban dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lựa chọn các tỉnh biên soạn và chỉnh sửa
tiếng Dân tộc giảng dạy cho cán bộ, công chức.
Hướng dẫn các địa phương quy trình,
phương pháp biên soạn và thẩm định tiếng dân tộc tại các địa phương biên soạn
tài liệu tiếng dân tộc thiểu số.
Đề nghị Bộ Tài chính cấp ngân sách
cho các địa phương được lựa chọn biên soạn tiếng dân tộc thiểu số giảng dạy cho
cán bộ, công chức công tác tại địa phương mình.
II. KẾT QUẢ VIỆC
THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 38/2004/CT-TTG
Các Bộ, ngành liên quan đã có sự phối
hợp chặt chẽ, khẩn trương ban hành những Quyết định liên quan đến việc triển
khai thực hiện Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg cụ thể:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo
Ban hành Quyết định số
02/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 24 tháng 01 năm 2006 Chương trình khung đào tạo giáo
viên dạy tiếng dân tộc thiểu số;
Ban hành Quyết định số
03/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 24 tháng 01 năm 2006 Chương trình khung đào tạo giáo
viên dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc,
miền núi;
Ban hành Quyết định số
34/2008/QĐ-BGD&ĐT ngày 10 tháng 7 năm 2008 ban hành mẫu chứng chỉ của hệ thống
giáo dục quốc dân trong đó có mẫu chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.
Ngoài ra Bộ Giáo dục và Đào tạo còn
xây dựng và ban hành 8 chương trình dạy tiếng dân tộc cho giáo viên và cán bộ
công chức học tiếng dân tộc thiểu số Chăm, Jrai, Khơ me, Mông.
2. Bộ Tài chính
Ban hành Thông tư số 51/2008/TT-BTC
hướng dẫn và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước
(trong đó bao gồm kinh phí đào tạo tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức công tác
ở vùng dân tộc thiểu số) văn bản này là khung pháp lý để các địa phương triển
khai và bố trí kinh phí thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Hàng năm căn cứ vào đề nghị của Bộ
Nội vụ, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh
phí để biên soạn tài liệu dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công
tác ở vùng dân tộc, miền núi trong dự toán chi ngân sách của Bộ Nội vụ.
3. Bộ Nội vụ
Ban hành Quyết định số 981/QĐ-BNV
ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Quyết định số 355/QĐ-BNV ngày 24 tháng 4 năm 2007 về
việc lựa chọn 12 tỉnh biên soạn 12 bộ tài liệu tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ,
công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi.
Các bộ tài liệu tiếng dân tộc thiểu
số đến nay đã được các địa phương thẩm định, ban hành và đưa vào sử dụng giảng
dạy.
Bao gồm các tỉnh: Quảng Trị (tiếng
Bru Vân kiều), Ninh Thuận (tiếng dân tộc Chăm), Thái Nguyên (tiếng dân tộc
Tày), Lào Cai (tiếng dân tộc Mông), An Giang (tiếng dân tộc Khơ me), Quảng Ngãi
(tiếng dân tộc Hrê), Yên Bái (tiếng dân tộc Thái), Lạng Sơn (tiếng dân tộc
Nùng), Bình Phước (tiếng dân tộc Xtiêng), Quảng Ninh (tiếng dân tộc Dao), Thanh
Hóa (tiếng dân tộc Mông).
Để việc biên soạn tài liệu tiếng
dân tộc thiểu số trong toàn quốc tiết kiệm được ngân sách nhà nước, Bộ Nội vụ
đã chỉ đạo các địa phương có cùng dân tộc dùng các bộ tài liệu đã được biên soạn,
chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm ngôn ngữ ở địa phương. Bộ Nội vụ
ban hành Quyết định số 110/QĐ-BNV ngày 15 tháng 02 năm 2008 lựa chọn 15 tỉnh
Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tây Ninh, Cần Thơ, Cà Mau, Hà Giang, Cao Bằng,
Tuyên Quang, Hòa Bình, Nghệ An, Lai Châu, Quảng Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên chỉnh
sửa 19 bộ tài liệu tiếng dân tộc thiểu số đào tạo cho cán bộ, công chức công
tác ở vùng dân tộc, miền núi.
Qua 4 năm triển khai thực hiện Chỉ
thị số 38/2004/CT-TTg ngày 09/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã có 27
tỉnh biên soạn xong 31 bộ tài liệu tiếng dân tộc thiểu số phục vụ công tác giảng
dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác tại địa phương.
Ngoài ra 5 tỉnh Tây Nguyên đã biên
soạn bộ tài liệu dạy tiếng dân tộc thực hiện theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg
ngày 5 tháng 03 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án: Một số giải
pháp củng cố kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2002-2010.
Sau khi có Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg , 9 bộ tài liệu trên đã được chỉnh sửa theo
chương trình khung dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác ở
vùng dân tộc, miền núi.
Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số
07/2007/TT-BNV ngày 04/7/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 09/2007/NĐ-CP
ngày 15/01/2007 của Chính phủ. Đối với người dự tuyển vào làm việc ở các vùng,
địa phương có nhu cầu sử dụng tiếng dân tộc thiểu số thì có thể thay thế môn
ngoại ngữ bằng tiếng dân tộc thiểu số; việc thi nâng ngạch công chức có thể
thay thế chứng chỉ ngoại ngữ bằng chứng chỉ tiếng dân tộc và miễn thi môn ngoại
ngữ kỳ thi nâng ngạch công chức…
III. ĐÁNH GIÁ KẾT
QUẢ THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 38/2004/CT-TTG
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số
38/2004/CT-TTg về việc đẩy mạnh công tác bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với
cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi là hết sức cần thiết, các Bộ,
ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và
các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số hết sức quan tâm và có sự phối hợp
chặt chẽ, đồng bộ, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong
quá trình triển khai Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg , vì vậy bước đầu đã thu được những
kết quả tốt.
Các địa phương đã tạo mọi điều kiện
thuận lợi cho cán bộ, công chức được học tiếng dân tộc; ý thức học tập của cán
bộ công chức nghiêm túc, trình độ đọc, hiểu, giao tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu
số để phục vụ công tác được nâng cao rõ rệt, góp phần nâng cao năng lực hiệu quả
công tác. Cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số đã từng bước hiểu
được văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc, góp phần xây dựng tinh
thần đoàn kết dân tộc, sử dụng ngôn ngữ dân tộc tuyên truyền vận động đồng bào
các dân tộc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước,
khắc phục sự bất đồng trong công tác và trong quan hệ giao tiếp do các cán bộ công
chức không hiểu tiếng dân tộc.
Theo báo cáo của 36 tỉnh tập trung
đồng bào dân tộc, qua 4 năm triển khai thực hiện có 11462 lượt cán bộ, công chức
ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được học tiếng dân tộc.
Việc tổ chức triển khai thực hiện
có kết quả Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đem lại ý nghĩa
chính trị xã hội to lớn. Đồng bào các dân tộc rất phấn khởi tăng thêm lòng tin
đối với Đảng và Chính phủ khi thấy Chính phủ quan tâm đến việc gìn giữ, bảo tồn
và phát huy tiếng nói và chữ viết - một yếu tố quan trọng của văn hóa các dân tộc
Việt Nam.
IV. PHƯƠNG HƯỚNG
NHỮNG NĂM TIẾP THEO
1. Bộ Nội vụ
Tiếp tục hướng dẫn các địa phương
chỉnh sửa tài liệu tiếng dân tộc giảng dạy cho cán bộ, công chức công tác ở
vùng dân tộc miền núi bao gồm các tỉnh: Tỉnh Bình Định (tiếng dân tộc Hrê), Tỉnh
Phú Yên (tiếng dân tộc Ê đê), Tỉnh Hà Giang (tiếng dân tộc Dao), Tỉnh Bình Phước
(tiếng dân tộc Khơ me), Tỉnh Vĩnh Long (tiếng dân tộc Khơ me), Tỉnh Bắc Kạn (tiếng
dân tộc Mông), Tỉnh Đồng Nai (tiếng dân tộc Xtiêng), Tỉnh Bình Thuận (tiếng dân
tộc Chăm).
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
Bộ Tài chính tổng hợp và xây dựng kế hoạch chỉ tiêu đào tạo, Bồi dưỡng tiếng
dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc miền núi để đưa
vào chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm.
Kiểm tra, đánh giá, đôn đốc các tỉnh
tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg .
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo
Khẩn trương hoàn thiện việc in ấn
phôi, bằng chứng chỉ tiếng dân tộc, tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và làm các thủ tục
cấp văn bằng chứng chỉ cho các địa phương.
Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện
đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc.
3. Bộ Tài chính
Căn cứ dự toán ngân sách do Bộ Nội vụ
lập, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí biên soạn tài liệu, từ điển, chỉnh
sửa tiếng dân tộc giảng dạy cho cán bộ, công chức công tác vùng dân tộc.
4. Các địa phương có đồng bào
dân tộc thiểu số
- Tiếp tục hoàn chỉnh các bộ tài liệu
dạy tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số
- Tiếp tục mở các lớp đào tạo tiếng
dân tộc theo yêu cầu công việc của địa phương và nguyện vọng của cán bộ, công
chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi.
Tùy theo đặc điểm từng địa phương
nghiên cứu ban hành chế độ chính sách để động viên khuyến khích cán bộ công chức
công tác tại địa phương học tiếng dân tộc.
Dự kiến năm 2009 sẽ đào tạo, bồi dưỡng
tiếng dân tộc cho 6.000 lượt cán bộ, công chức.
V. MỘT SỐ KIẾN
NGHỊ CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Đề nghị cấp thêm kinh phí đào tạo,
bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức.
Bổ sung các chính sách đặc thù động
viên, khuyến khích cán bộ, công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc
thiểu số; sửa đổi tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức có gắn với
tiêu chuẩn tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân
tộc, miền núi.
Cần biên soạn Từ điển thông dụng Việt
- Dân tộc để hỗ trợ quá trình học được tốt hơn.
Tổ chức tổng kết 5 năm triển khai
thực hiện Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 9 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng
Chính phủ.
Trên đây là báo cáo kết quả triển
khai thực hiện Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg .
Bộ Nội vụ trân trọng báo cáo Thủ tướng
Chính phủ chỉ đạo.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Giáo dục & Đào tạo;
- Ủy ban Dân tộc;
- Các Thứ trưởng Bộ Nội vụ;
- Vụ KHTC - Bộ Nội vụ;
- Lưu: VT, ĐT.
|
BỘ
TRƯỞNG
Trần Văn Tuấn
|