THANH
TRA CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1198/BC-TTCP
|
Hà
Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2012
|
BÁO CÁO
TÌNH
HÌNH, KẾT QUẢ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TỪ NĂM 2008 ĐẾN
NĂM 2011 VÀ GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ về việc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân,
giải quyết khiếu nại, tố cáo; trên cơ sở báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp
công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2008 đến năm 2011 và giải pháp
trong thời gian tới đã được thực hiện, thống nhất cao tại 3 hội nghị khu vực
(phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và phía Nam), Thanh tra Chính phủ tổng hợp,
báo cáo như sau:
Phần 1.
TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ CÔNG
TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
I. TÌNH HÌNH,
KẾT QUẢ TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
1. Tình hình
khiếu nại, tố cáo
Từ năm 2008 đến năm 2011, các cơ quan
hành chính nhà nước đã tiếp 1.571.505 lượt người đến khiếu nại, tố cáo và tiếp
nhận, xử lý 672.990 đơn thư. Số lượng công dân khiếu nại, tố cáo ngày càng tăng
cả về số đoàn đông người, số vụ việc (từ 187.037 vụ việc năm 2008 tăng lên 236.466
vụ việc năm 2011, tỷ lệ tăng 26,4%; từ 2.466 lượt đoàn năm 2008 tăng lên 4.056
lượt đoàn năm 2011 tỷ lệ tăng 64,5%). Sự gia tăng ở các khu vực không đồng đều:
khu vực phía Bắc tuy số vụ việc giảm 6,3%, nhưng số đoàn đông người tăng cao
nhất (99%); khu vực Miền Trung - Tây Nguyên tăng 64,2% số vụ việc, 66,4% số
đoàn đông người; khu vực phía Nam tăng 17,5% số vụ, 31,9% số đoàn đông người.
- Về tính chất, mức độ phức tạp mặc
dù so với những năm 2006 - 2007 tình hình khiếu nại, tố cáo từ 2008-2011 ở một số
địa bàn có giảm[1], nhưng về tổng quan thì tình
hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp và bức xúc ở nhiều nơi, có lúc, có
nơi đặc biệt phức tạp, gay gắt, biểu hiện rõ nhất là: số đoàn đông người tăng
mạnh, thái độ khiếu kiện thiếu kiềm chế, khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên Trung
ương gia tăng; tình trạng đơn thử gửi tràn lan mang tính chất phổ biến, nhất là
trong các dịp có sự kiện chính trị (họp Trung ương, họp Quốc hội, Bầu cử Đại
biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại hội Đảng …).
- Có nhiều vụ việc phát sinh từ những
năm trước, đã được các cấp chính quyền xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn
không nhất trí tiếp tục khiếu kiện kéo dài, nhất là các vụ việc khiếu nại về
thu hồi đất để thực hiện dự án tại các địa phương như TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên,
Hà Nam, Hải Dương, Đắk Lắk, Đắk Nông, Thanh Hóa, An Giang, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng
Tàu, Đồng Nai …, các vụ việc đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai trong nội bộ
nhân dân tại các địa phương như: Long An, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Dương, TP Hồ
Chí Minh …
- Có hiện tượng những người, nhóm người
khiếu nại "liên kết" với nhau để khiếu nại[2]
đông người nhằm tạo thêm sức ép lên các cơ quan Đảng và Nhà nước. Đáng chú ý là
trong một số trường hợp có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch nhằm
lôi kéo những người khi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích,
gây rối[3]. Tình hình khiếu nại, tố cáo
nêu trên đã ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tiềm ẩn những nguy cơ làm mất ổn
định chính trị - xã hội tại một số địa phương trong một số thời điểm. Trong một
số trường hợp đã xuất hiện những mâu thuẫn phát sinh giữa người dân với chính
quyền, giữa người dân với nhà đầu tư. Trong nhiều dự án, do tác động của tình
hình khiếu nại, tố cáo nên đã làm cho dự án bị chậm triển khai, kéo dài nhiều
năm, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế xã hội. Một số vụ việc khiếu kiện
người dân thể hiện thái độ sẵn sàng đối đầu, bất phục tùng chính quyền, thậm
chí hăm dọa cán bộ có trách nhiệm. Điều đáng lo ngại là tình hình khiếu nại, tố
cáo đã tác động tiêu cực vào tâm lý, hành động của cán bộ, vào đời sống xã hội
và niềm tin của một bộ phận không nhỏ nhân dân, cán bộ đối với chính quyền, đòi
hỏi phải được quan tâm chỉ đạo quyết liệt.
2. Nội dung
khiếu nại, tố cáo chủ yếu
- Nội dung khiếu nại của công dân tập
trung chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm trên 70%), trong đó:
+ Tập trung nhiều nhất là khiếu nại
việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự
án phát triển kinh tế - xã hội[4];
+ Khiếu nại đòi lại đất cũ, tranh chấp
đất đai trong nhân dân qua các thời kỳ nhưng chưa được giải quyết dứt điểm;
+ Khiếu nại về nhà ở (đòi nhà cho thuê,
cho mượn, cho ở nhờ, đòi nhà thuộc diện thực hiện các chính sách của Nhà nước
về quản lý nhà.
+ Khiếu nại về chính sách xã hội; khiếu
nại trong hoạt động tư pháp …
- Nội dung tố cáo chủ yếu là tố cáo
cán bộ mất dân chủ, lợi dụng chức quyền để tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất
đai, trong quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; trù dập người khiếu kiện, bao
che cho cán bộ dưới quyền; cố ý làm sai lệch hồ sơ, áp dụng pháp luật không đúng
trong hoạt động tố tụng, gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
3. Kết quả công
tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo
a) Về tiếp công dân:
Từ năm 2008 - 2011, các cơ quan hành
chính nhà nước đã tiếp 1.571.505 lượt người đến khiếu nại, tố cáo với 830.855
vụ việc; trong đó có 13.876 đoàn đông người với 161.123 người, 8.824 vụ việc,
trong đó:
+ Các địa phương đã tiếp 1.333.474 lượt
người với 775.744 vụ việc (tiếp dân thường xuyên 1.060.276 lượt với 624.372 vụ
việc và 7.244 đoàn đông người; lãnh đạo các cấp tại địa phương tiếp định kỳ và
đột xuất được 273.198 lượt người với 151.372 vụ và 4.057 đoàn đông người với
3.118 vụ việc)[5].
+ Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương
Đảng và Nhà nước tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tiếp 125.119 lượt người với
21.670 vụ việc, 2.112 đoàn đông người.
b) Về xử lý đơn thư khiếu nại, tố
cáo
Các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp
nhận, xử lý 672.990 đơn khiếu nại, tố cáo với 495.017 vụ việc, có 329.672 vụ
việc thuộc thẩm quyền. Trong đó:
+ Về khiếu nại: tiếp nhận, xử lý 583.673
đơn khiếu nại với 433.304 vụ việc, 290.565 vụ việc thuộc thẩm quyền (chiếm
88,14% tổng số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền);
+ Về tố cáo: tiếp nhận, xử lý 89.317
đơn tố cáo với 61.713 vụ việc, có 39.107 vụ việc thuộc thẩm quyền (chiếm 11,86%
tổng số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền).
c) Kết quả giải quyết khiếu nại,
tố cáo theo thẩm quyền:
- Các cơ quan hành chính nhà nước giải
quyết 257.419 đơn, trong tổng số 290.565 đơn thuộc thẩm quyền (đạt trên 88%).
Qua phân tích cho thấy, số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%; số vụ khiếu nại có
đúng, có sai chiếm 28%; khiếu nại sai chiếm 52,2%.
- Các cơ quan hành chính nhà nước đã
giải quyết 33.160 đơn tố cáo trong tổng số 39.107 đơn thuộc thẩm quyền (đạt trên
84%). Qua phân tích cho thấy, có 16,2% đơn tố cáo đúng, 29,6% đơn tố cáo có
đúng, có sai, 54,2% đơn tố cáo sai.
- Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo
đã thu hồi về cho Nhà nước gần 1.026 tỷ đồng, 1.241 ha đất; khôi phục quyền lợi
cho 6.659 công dân với số tiền 595 tỷ đồng và 936 ha đất; kiến nghị xử lý hành
chính 2.951 người; chuyển cơ quan điều tra 239 vụ với 382 người.
d) Kết quả giải quyết các vụ việc
tồn đọng, bức xúc, kéo dài:
- Thực hiện Kế hoạch 319/KH-TTCP của
Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, ra văn bản
giải quyết dứt điểm được 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài nhiều năm (đạt
66,7% số vụ việc tồn đọng phải kiểm tra xem xét lại); hiện còn lại 528 vụ việc
đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.
4. Nguyên nhân
chủ yếu dẫn đến khiếu nại, tố cáo
a) Nguyên nhân khách quan:
- Trong thời gian gần đây, chính quyền
địa phương tiến hành thu hồi nhiều đất của dân để giao cho các nhà đầu tư thực
hiện các dự án xây dựng khu đô thị, thương mại, du lịch, dịch vụ, khu công nghiệp,
cụm công nghiệp, đường giao thông, công trình thủy lợi … nhưng vấn đề chính
sách liên quan đến lợi ích của người sử dụng đất còn nhiều bất cập, nhất là về
giá đất chưa phù hợp, thường xuyên thay đổi, năm sau cao hơn năm trước; có sự
chênh lệch lớn giữa các địa phương; cơ chế chính sách đền bù, hỗ trợ chưa nhất
quán nên khó thực hiện; có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với
giá thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế đã gây nên tâm lý chung
cho người khiếu kiện cho rằng giá tiền bồi thường thu hồi đất trả rất thấp, quá
xa so với thị trường, làm người dân bị thiệt thòi, nên người dân bị thu hồi đất
không nhất trí với phương án bồi thường (mặt dù tính đúng, tính đủ theo quy
định).
Mặc khác, trong trường hợp thu hồi đất
nông nghiệp của dân để làm dự án khu đô thị, khu dân cư, thương mại, dịch vụ,
du lịch giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi thấp hơn
nhiều lần so với giá đất mà nhà đầu tư bán, chuyển nhượng lại cho người khác,
dẫn đến người có đất bị thu hồi cho rằng thiếu sự công bằng về lợi ích nên
khiếu nại gay gắt. Có những trường hợp mặc dù nhà đầu tư đã có sự hỗ trợ thêm
nhưng cũng chưa đáp ứng được đòi hỏi của người có đất bị thu hồi dẫn đến khiếu
nại kéo dài, không dứt điểm được.
Chính phủ đã nhiều lần thay đổi chính
sách về bồi thường, hỗ trợ theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất (lần sau
cao hơn, tốt hơn lần trước), tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết được các
trường hợp mới thì một số trường hợp bị thu hồi đất trước đây so bì, phát sinh
khiếu nại.
- Một số vụ việc khiếu nại về nhà, đất
do lịch sử để lại như: đòi lại đất nông nghiệp đưa vào HTX, Tập đoàn sản xuất,
sau đó giải thể, trả lại đất cho nông dân, đất sản xuất của dân nhưng sau đó
đưa vào các nông - lâm trường quốc doanh và nay cổ phần hóa; Chính sách về nhà
ở như tịch thu, trưng mua, trưng dụng cải tạo, quản lý nhà vắng chủ, bán nhà
theo Nghị định 61/CP của Chính phủ, tranh chấp đất đai, nhà cửa trong nhân dân,
tranh chấp đất đai, đòi lại cơ sở tôn giáo, đòi lại đất của đồng bào dân tộc …
phát sinh trong những năm trước đây, đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. Số
vụ việc này không còn nhiều nhưng thường có tính chất gay gắt, phức tạp và rất
khó khi áp dụng pháp luật để giải quyết.
- Ý thức chấp hành pháp luật của một
bộ phận nhân dân còn hạn chế nên có những yêu cầu, đòi hỏi không đúng hoặc vượt
quá quy định pháp luật. Có những vụ việc đã được giải quyết nhiều lần với nhiều
biện pháp khác nhau, cơ bản là đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình nhưng
người khiếu nại vẫn không chấp nhận kết quả giải quyết, thậm chí có những phản
ứng tiêu cực, cố chấp, gây rối trật tự hoặc đã bị các thế lực thù địch, phần tử
cơ hội chính trị trong và ngoài nước lợi dụng kích động, khiếu nại kéo dài, bức
xúc.
b) Nguyên nhân chủ quan
- Công tác quản lý về đất đai còn sơ
hở, lỏng lẻo, nhiều cán bộ lợi dụng, tham nhũng tiêu cực, trục lợi, làm giàu bất
chính từ đất nhưng không bị xử lý nghiêm minh.
- Công tác chỉ đạo, điều hành và quản
lý nhà nước ở một số địa phương còn nhiều yếu kém, nhất là công tác quản lý đất
đai, thể hiện:
+ Công tác thu hồi đất, xác định giá
đất, kiểm đếm, kiểm kê đất đai, tài sản trên đất, xác định diện tích, loại đất,
xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm có lúc,
có nơi làm chưa tốt, có khi còn để xảy ra thiếu sót, sai phạm hoặc thực hiện
thiếu công khai, dân chủ, công bằng[6],
dẫn đến công dân không chấp nhận, phát sinh khiếu nại đòi quyền lợi, có trường
hợp còn bức xúc dẫn đến tố cáo việc làm sai của cán bộ hoặc tập hợp đông người
khiếu nại gay gắt.
+ Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê
đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn để xảy ra sai sót, không theo quy
hoạch và quy định của pháp luật. Đáng chú ý là có nhiều dự án thu hồi đất của
dân rồi để hoang hóa, hoặc nhu cầu và khả năng sử dụng đất thì ít nhưng thu hồi
đất với diện tích lớn hơn, nên lãng phí đất đai, công dân bức xúc khiếu nại đòi
lại đất (điển hình là khiếu nại tại huyện Kim Thành, Hải Dương). Tình trạng quy
hoạch treo, quy hoạch không đồng bộ, tính khả thi chưa cao, thiếu tính bền vững
xảy ra ở nhiều địa phương.
+ Việc quản lý nhà nước về đất đai,
tài nguyên, khoáng sản, rừng … trước đây bị buông lỏng, hồ sơ địa chính, bản đồ
lưu trữ không đầy đủ, thiếu cập nhật thường xuyên; nhiều nơi do buông lỏng quản
lý nên đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất
không đúng quy định, xây dựng nhà ở, công trình trái phép nhưng không được kiểm
tra, xử lý kịp thời.
- Quá trình thực hiện dự án,
nhiều địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vận động thuyết
phục, giải thích, hòa giải ngay từ cơ sở thực hiện chưa tốt, chưa tập trung
giải quyết khiếu kiện ngay từ đầu; cấp ủy chính quyền một số nơi chưa coi trọng
sự lãnh đạo, chỉ đạo, chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính
trị trong việc ngăn ngừa và giải quyết khiếu nại, tố cáo, có nơi có biểu hiện coi
nhẹ ý dân, coi trọng các biện pháp hành chính, pháp luật (mệnh lệnh, phục tùng
và cưỡng chế), nóng vội, chủ quan, áp đặt, quan tâm nhiều đến mục tiêu phát
triển kinh tế - xã hội mà thiếu quan tâm chăm lo đời sống dân sinh, ổn định
cuộc sống, vấn đề chuyển đổi nghề, tạo việc làm làm, tái định cư không thực
hiện đúng như cam kết … trong khi đời sống khó khăn dẫn đến công dân bức xúc,
khiếu kiện đông người, gay gắt. Trên thực tế, có nhiều trường hợp bố trí tái
định cư không hợp lý, hoặc tạo việc làm không ổn định nên sau một thời gian công
dân quay lại khiếu nại.
- Công tác giám sát của cơ quan dân
cử, của các tổ chức chính trị xã hội đối với cơ quan hành chính tư pháp trong công
tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được tiến hành thường xuyên.
- Công tác giải quyết khiếu nại, tố
cáo còn nhiều hạn chế, bất cập từ việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết
khiếu nại, tố cáo và tổ chức thực hiện quyết định giải quyết (xin được báo cáo
sâu hơn ở điểm 2, mục III của phần thứ nhất báo cáo này).
II. KẾT QUẢ THỰC
HIỆN THÔNG BÁO 130/TB-TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VÀ QUYẾT ĐỊNH 858/QĐ-TTG CỦA THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
1. Về triển
khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo kết luận số 130/TB-TW:
- Thực hiện Thông báo kết luận 130/TB-TW
ngày 10/01/2008 của Bộ Chính trị, Thanh tra Chính phủ đã ban hành chương trình,
kế hoạch cụ thể và tổ chức các hội nghị quán triệt, hướng dẫn thực hiện cho các
bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; sắp xếp lại tổ
chức bộ máy làm công tác xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã
thành lập 03 Cục giải quyết khiếu nại và Thanh tra theo khu vực Phía Bắc, Miền
Trung - Tây Nguyên và phía Nam. Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ thường xuyên quan
tâm, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện, thành lập nhiều Tổ công tác trực
tiếp kiểm tra, phối hợp với UBND, Thanh tra các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà
soát, tổng hợp, đề xuất, kiến nghị giải quyết nhiều vụ việc khiếu kiện phức
tạp, kéo dài ở các địa phương; tăng cường thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật
Khiếu nại, tố cáo nhất là vào các thời điểm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII…
- Các Tỉnh ủy, Thành ủy đều đã ban hành
Chương trình hành động để lãnh đạo các cấp ủy Đảng quan tâm thực hiện công tác
tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phù hợp với đặc điểm tình hình của địa
phương mình[7]. Vai trò của cấp ủy Đảng các
cấp, nhất là Ban thường vụ cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc giải
quyết khiếu nại, tố cáo đã được nâng lên.
- Các bộ, ngành Trung ương đã tổ chức
quán triệt triển khai Thông báo kết luận số 130 theo hướng dẫn của Thanh tra
Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường công tác quản lý nhà nước
về đất đai; tập trung xây dựng, ban hành các quy định về đất đai, nhất là về
quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư,
phối hợp với Thanh tra Chính phủ tham mưu, hướng dẫn giải quyết nhiều vụ việc
khiếu kiện phức tạp.
- UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành
kế hoạch cụ thể và tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chương
trình hành động của Tỉnh, Thành ủy trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo,
gắn giải quyết khiếu nại tố cáo với cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số địa phương đã thành lập
Ban chỉ đạo để tăng cường sự chỉ đạo trong giải quyết các vụ việc khiếu nại
đông người, phức tạp. Tại một số địa phương, Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy,
Thành ủy đã định kỳ hoặc bất thường dành thời gian nghe và cho chủ trương, quan
điểm, tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố giải quyết
việc khiếu nại, tố cáo của công dân.
Tuy nhiên, việc thực hiện các nội dung
chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo kết luận 130/TB-TW có lúc, có nơi chưa
tốt, thiếu thường xuyên, chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của
cấp ủy đảng và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để bảo đảm việc giải
quyết được tập trung, hiệu quả. Vai trò vận động, thuyết phục của các đoàn thể
chính trị - xã hội với hội viên của mình khi xảy ra khiếu kiện chưa cao vào
chưa đồng đều.
2. Thực hiện
Quyết định 858/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Đổi mới công tác
tiếp công dân"[8]:
Nhìn chung, các Bộ, ngành Trung ương,
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch và tổ chức triển
khai thực hiện Đề án.
- Về bố trí trụ sở của bộ phận làm nhiệm
vụ tiếp công dân:
+ Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương
Đảng và Nhà nước tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã bố trí về địa điểm mới
rộng hơn và đầu tư thêm một số trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động.
+ Đối với các địa phương, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương đã quan tâm bố trí trụ sở tiếp công dân theo
khả năng hiện có và cơ bản đáp ứng được yêu cầu (riêng thành phố Hà Nội bố trí
02 trụ sở TCD). Đối với việc tiếp công dân ở cấp huyện, cấp xã được bố trí 01
phòng trong trụ sở Văn phòng UBND. Tuy nhiên, trang thiết bị phục vụ cho trụ sở,
phòng tiếp dân ở nhiều nơi còn thiếu, nhất là cấp huyện.
+ Đối với các Bộ, ngành Trung ương thì
việc bố trí trụ sở và đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác tiếp công dân còn
hạn chế.
- Về kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công
tác tiếp công dân:
+ Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương
Đảng và Nhà nước tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được củng cố, tăng cường cán bộ
làm nhiệm vụ. Thanh tra Chính phủ đã bố trí thêm một số cán bộ trực tiếp làm nhiệm
vụ thường xuyên tiếp công dân (cơ quan khác bố trí 01 cán bộ chuyên trách) nhằm
đáp ứng yêu cầu, nhất là khi có nhiều người đến khiếu nại, tố cáo.
+ Một số địa phương đã quan tâm kiện
toàn, bố trí, bổ sung cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân ở cấp tỉnh (bố trí từ
5-8 người, có bộ máy lãnh đạo). Nhưng còn nhiều địa phương mới bố trí được 3 -
4 người làm nhiệm vụ, có nơi mới có 1 - 2 cán bộ chuyên trách và 1 - 2 cán bộ hợp
đồng. Ở cấp huyện, hầu hết bố trí 01 cán bộ chuyên trách và phân công thêm một
số cán bộ làm kiêm nhiệm để tiếp dân.
- Kết quả thực hiện một số nội dung
khác:
+ Việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ:
Thanh tra Chính phủ đã xây dựng và hoàn thiện bộ tài liệu phục vụ công tác
giảng dạy, tập huấn về nghiệp vụ công tác tiếp công dân; giao cho Trường Cán bộ
Thanh tra làm đầu mối tổ chức triển khai nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các
địa phương.
Một số địa phương đã chủ động, sớm tổ
chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư cho đội
ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân ở các cấp, các ngành[9].
Các địa phương khác cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn và sẽ tập trung triển
khai trong năm 2012.
+ Về chế độ, chính sách đối với đội
ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân: Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ
đã ban hành Thông tư về chế độ, chính sách với mức bồi dưỡng thể hiện quan điểm
động viên đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư.
+ Việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung
về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư: Thanh tra Chính phủ đã có kế
hoạch thực hiện nhưng do điều kiện khó khăn về kinh phí nên chưa tổ chức triển
khai. Hiện nay, mới tập trung củng cố, hoàn thiện phần mềm tiếp công dân tại
Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước và phần mềm xử lý đơn thư
tại cơ quan Thanh tra Chính phủ, đồng thời cung cấp miễn phí các phần mềm này
cho một số địa phương có yêu cầu.
III. ĐÁNH GIÁ
KẾT QUẢ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KNTC TRONG 4 NĂM
1. Ưu điểm
- Công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức
thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền ở nhiều địa
phương ngày càng tập trung và quyết liệt hơn trước, đã đề ra và thực hiện nhiều
chủ trương, biện pháp tích cực để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu
nại, tố cáo trên địa bàn; quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, hoàn
thiện cơ chế, chính sách, quy định trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài chính,
đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội trong phạm vi địa phương
nên đã góp phần hạn chế phát sinh khiếu kiện mới. Một số cấp ủy và chính quyền
địa phương đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải
quyết khiếu nại, tố cáo, xây dựng kế hoạch thực hiện[10].
Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có chương trình, kế hoạch, thành lập các đoàn thanh
tra, tổ công tác để kiểm tra, xác minh, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố
cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài;
- Công tác tiếp công dân ở các tỉnh,
thành phố đã được củng cố thêm một bước sau khi triển khai thực hiện Quyết định
858/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động dần đi vào nền nếp; mối quan hệ
phối hợp giữa Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương với một số địa phương ngày
càng hiệu quả hơn, hạn chế tình trạng chuyển vòng vo hoặc sai sót trong quá
trình xử lý đơn thư của công dân.
- Nhìn chung, hầu hết các địa phương
đã có sự nỗ lực trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tỷ lệ số vụ việc
thuộc thẩm quyền được giải quyết ngày một tăng. Một số địa phương đã có những
cố gắng, giải quyết được khối lượng lớn vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh
và nhiều vụ khiếu kiện đông người, phức tạp.
- Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh
tra tích cực thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật khiếu nại, tố cáo ở các
địa phương, phối hợp với các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong
công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; trực tiếp thanh tra, kiến nghị Thủ tướng
giải quyết nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp; đã tổ chức tiếp trên một trăm
ngàn lượt công dân, hàng nghìn đoàn khiếu kiện đông người; phối hợp với các cơ
quan chức năng ở Trung ương và các địa phương xử lý kịp thời, có hiệu quả các
tình huống phát sinh.
- Công tác phối hợp giữa Bộ Công an,
Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra Chính phủ ngày càng chặt chẽ hơn trong
xử lý khiếu kiện tồn đọng và tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của Trung
ương Đảng và Nhà nước.
- Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt
chẽ với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Tài nguyên & Môi trường và UBND các cấp thực
hiện tốt Chỉ thị 26/2001/CT-TTg ngày 09/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ trong
việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân thông qua việc tuyên truyền phổ
biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý sâu rộng đến hội viên, nông dân; xây
dựng mô hình câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật", tập trung ở những
nơi thu hồi đất nông nghiệp, những nơi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện và ở vùng
sâu, vùng xa.
2. Những hạn
chế, yếu kém
- Một số địa phương chưa tổ chức tốt
việc tiếp công dân, chưa gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết khiếu
nại, tố cáo, nhất là ở cấp quận, huyện, sở, ngành; lãnh đạo một số bộ, ngành
chưa thực hiện tốt việc tiếp công dân theo quy định.
Việc thực hiện Đề án Đổi mới công tác
tiếp công dân còn chậm, nhất là khâu kiện toàn đội ngũ cán bộ; bố trí trang thiết
bị phục vụ cho hoạt động của các trụ sở tiếp công dân chưa đáp ứng được yêu cầu
thực hiện nhiệm vụ.
- Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo giải
quyết còn chậm, để công dân khiếu nại nhiều lần, vượt cấp, một số vụ việc giải
quyết không đúng chính sách, pháp luật và phù hợp với thực tế nên không dứt
điểm. Nhiều địa phương chỉ chú trọng đến việc giải quyết hết thẩm quyền mà chưa
quan tâm đến giải quyết dứt điểm vụ việc.
Còn hiện tượng giải quyết né tránh,
đùn đẩy, thấy sai nhưng không chịu sửa làm cho việc giải quyết lòng vòng, kéo dài,
cá biệt có cơ quan không thực hiện đúng trách nhiệm, thẩm quyền được giao, có
hành vi bao che, cố ý làm sai; một số vụ việc mặc dù đã có ý kiến chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ hoặc ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương nhưng chính quyền địa
phương thực hiện chưa triệt để, không nghiêm túc dẫn đến người dân tiếp tục khiếu
kiện gay gắt.
- Việc tổ chức thực hiện các quyết định
giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, các quyết định xử lý về tố cáo ở
địa phương còn chậm và hạn chế[11].
Từ đó, dẫn đến người khiếu nại, tố cáo tiếp tục gửi đơn với thái độ rất bức
xúc, hoặc quay sang tố cáo chính quyền cố tình bao che sai phạm, làm giảm lòng
tin của người dân vào bộ máy chính quyền.
- Khi công dân tập trung khiếu kiện
vượt cấp lên các cơ quan Trung ương, nhiều địa phương đùn đẩy, né tránh, thiếu quan
tâm phối hợp kịp thời với các cơ quan Trung ương để vận động công dân trở về
địa phương hoặc khi công dân đã trở về địa phương không quan tâm đối thoại giải
quyết hoặc tìm thêm giải pháp hỗ trợ nên công dân tiếp tục lên Trung ương khiếu
nại.
- Công tác quản lý nhà nước về khiếu
nại, tố cáo ở một số địa phương, đơn vị chưa tốt nên kết quả, hiệu quả giải
quyết đạt chưa cao. Việc nắm tình hình khiếu nại, tố cáo chưa chắc, theo dõi,
thống kê các vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa chính xác, chưa kịp thời, thực tế
còn bị động, lúng túng trong chỉ đạo xử lý tình huống phức tạp xảy ra; kế hoạch
giải quyết ở các cấp chưa cụ thể, từng cấp chưa làm đầy đủ trách nhiệm, còn bị
động đối phó, chưa giải quyết các vấn đề cơ bản, nhất là cơ chế, chính sách và
trong chỉ đạo điều hành. Số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng vẫn còn
nhiều; những vụ việc phát sinh mới có nơi chưa giải quyết kịp thời.
- Một số cán bộ, công chức được giao
nhiệm vụ kiểm tra, xác minh, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hành vi
tiêu cực, vụ lợi.
3. Nguyên
nhân của những hạn chế, yếu kém
- Về khách quan:
+ Một số quy định của pháp luật còn
bất cập, thiếu rõ ràng, cụ thể hoặc có sự chồng chéo mâu thuẫn, nên khi giải quyết
không có đủ cơ sở pháp lý hoặc lúng túng trong áp dụng pháp luật (chủ yếu là
các quy định về quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở, quy định về giải quyết khiếu
nại, tố cáo, tranh chấp đất đai).
+ Công tác giải quyết khiếu nại, tố
cáo là một trong những công việc khó khăn, đòi hỏi phải có trình độ, năng lực, kinh
nghiệm, nhưng ở nhiều địa phương còn thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa có đủ năng
lực, kinh nghiệm.
Mặt khác, một số vụ việc có sự can thiệp
của cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền làm cho việc giải quyết thêm
phức tạp.
+ Hồ sơ quản lý của các cơ quan chức
năng (sổ địa chính, bản đồ địa chính …) lưu trữ không đầy đủ hoặc còn thiếu nên
khi phát sinh khiếu nại, tố cáo không đủ tài liệu để xem xét, kết luận giải
quyết.
+ Điều kiện vật chất còn thiếu nên trong
một số trường hợp khi đưa ra phương án giải quyết khiếu nại gặp khó khăn.
+ Việc thực hiện Quyết định 858/QĐ-TTg
chậm là do thiếu kinh phí, cơ sở vật chất; việc tuyển chọn, bố trí cán bộ làm
nhiệm vụ tiếp công dân khó khăn (vì chưa có cơ chế đặc thù để thu hút).
- Về chủ quan:
+ Nhận thức về pháp luật và trách nhiệm
trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của một bộ phận cán bộ còn yếu.
+ Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức
thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền
các cấp ở một số nơi còn thiếu quyết liệt. Trong nhiều trường hợp còn có tâm lý
ngại va chạm, né tránh, có khi còn sợ liên đới trách nhiệm.
+ Một số cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công
dân, tham mưu, giải quyết khiếu nại, tố cáo thiếu tinh thần trách nhiệm, hoặc
thiếu quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người khiếu nại, hoặc có
động cơ không trong sáng nên giải quyết vụ việc chưa khách quan, chính xác, kịp
thời hoặc chưa bảo đảm vụ việc được giải quyết hợp lý, hợp tình nên công dân
không nhất trí, tiếp tục khiếu nại.
+ Có một số cán bộ thái độ tiếp xúc
với dân không đúng, tạo nên sự phản cảm, khoảng cách, dân mất lòng tin mặc dù kết
quả giải quyết đúng pháp luật.
+ Sự phối hợp giữa các cơ quan chức
năng còn bị động, thiếu chặt chẽ, trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
có trường hợp không rõ ràng. Trong một số vụ việc, các cơ quan Trung ương, địa
phương khi xem xét, đưa ra ý kiến thiếu sự nhất quán, công dân dựa vào các ý
kiến khác nhau để khiếu kiện gay gắt, kéo dài; tình trạng chuyển đơn thư khiếu
nại, tố cáo lòng vòng giữa các cơ quan cũng là nguyên nhân để công dân khiếu
kiện kéo dài.
Phần 2.
PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ
CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG THỜI GIAN TỚI
I. DỰ BÁO VỀ
TÌNH HÌNH KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
1. Tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung
tiếp tục diễn biến phức tạp và tập trung chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, tập
trung nhiều ở những địa phương, địa bàn thu hồi nhiều đất của dân để thực hiện
các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Khiếu nại đông người, phức tạp sẽ phát
sinh ở những nơi không làm tốt công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, không
quan tâm đúng mức đến công tác vận động, thuyết phục và giải quyết khiếu nại,
tố cáo của công dân. Chính sách, pháp luật, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất
đai trong thời gian tới tiếp tục có sự thay đổi, trong khi những hạn chế, yếu
kém trong công tác trong công tác quản lý nhà nước về đất đai chậm được khắc
phục.
2. Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011
đặt ra những yêu cầu cao hơn nhưng cần phải có thời gian để đi vào cuộc sống.
Mặt khác, thói quen, tâm lý người khiếu nại vẫn muốn được giải quyết theo thủ
tục hành chính (không muốn giải quyết tại Tòa án), do đó công tác giải quyết
khiếu nại vẫn chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà
nước các cấp.
3. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông
người, gay gắt, phức tạp có xu hướng tăng lên; tình trạng công dân móc nối, liên
kết với nhau tập trung đông người đến Trụ sở các cơ quan Trung ương và địa phương
để gây áp lực vẫn diễn ra và sẽ còn gia tăng. Ở một số nơi thu hồi đất, bồi
thường, tái định cư để phục vụ các công trình, dự án lớn khi đời sống gặp khó
khăn sau khi được tái định cư, lại bị các phần tử xấu xúi giục, kích động, có
thể phát sinh khiếu kiện quy mô lớn, đặc biệt phức tạp.
4. Tình trạng lợi dụng quyền khiếu nại,
tố cáo; lợi dụng dân chủ, kích động, lôi kéo người khiếu kiện, chống đối, phá
hoại chế độ, sự can thiệp của các thế lực phản động từ bên ngoài tiếp tục tăng
lên.
II. VỀ CHỦ
TRƯƠNG TRONG CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KNTC
1. Về nhận thức phải coi công tác giải
quyết khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của
cả hệ thống chính trị; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành
của chính quyền các cấp trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
nhằm bảo đảm quyền lợi của công dân và góp phần ổn định chính trị, phát triển
kinh tế.
2. Tập trung kiểm tra rà soát, phối
hợp, tuyên truyền, vận động để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo
đông người, phức tạp, tồn đọng; đồng thời giải quyết dứt điểm ngay các vụ việc
mới phát sinh tại cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
3. Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn
thiện hệ thống pháp luật, tập trung vào pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư, xây
dựng …, tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
4. Hoàn thiện cơ chế phối hợp đối với
công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đổi mới và nâng cao chất lượng,
hiệu quả hoạt động giám sát của hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước, Mặt trận
tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
III. NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TRONG NĂM 2012 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
Nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới
là tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; chủ
động kịp thời xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ việc đông
người, gay gắt, phức tạp; kiểm soát tốt tình hình khiếu nại, tố cáo, bảo đảm
quyền dân chủ của công dân, nhưng không để xảy ra "điểm nóng"; đối
với các vụ việc phát sinh mới tập trung giải quyết đạt tỷ lệ trên 85%. Tiếp tục
rà soát giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài. Tổ chức thực
hiện dứt điểm các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã
có hiệu lực thi hành. Để thực hiện nhiệm vụ trên, cần tập trung tổ chức thực hiện
đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau đây:
1. Tăng cường
hơn nữa công tác quản lý đất đai nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
- Các địa phương phải tăng cường công
tác quản lý đất đai, tập trung vào công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đẩy mạnh thanh
tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết thu
hồi đất đã giao, đã cho thuê nhưng không đúng đối tượng, không sử dụng, sử dụng
không hiệu quả, sử dụng sai mục đích; xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp
vi phạm pháp luật về đất đai, những vụ việc tiêu cực, tham nhũng về đất đai của
cán bộ, công chức.
- Thực hiện tốt công tác bồi
thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, chú trọng thực hiện
công khai, dân chủ, công bằng bảo đảm quyền và lợi ích của người dân có đất bị
thu hồi. Quan tâm thực hiện tốt việc tái định cư, tạo việc làm cho người có đất
bị thu hồi; xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người sử dụng đất, Nhà nước
và nhà đầu tư.
2. Các giải
pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu
nại, tố cáo
- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải
pháp quan trọng tại Thông báo Kết luận số 130-TB/TW ngày 10/01/2008 của Bộ Chính
trị. Trong đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong
công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy
đảng; vai trò quản lý, chỉ đạo, điều hành, tiếp dân, quyết định giải quyết
khiếu nại, tố cáo của các cấp chính quyền; vai trò tham mưu trong việc tiếp
dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các ngành; vai trò giám
sát của Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên
trên từng địa bàn.
- Triển khai thực hiện tốt Luật Khiếu
nại, Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố tụng hành chính; sớm ban hành các văn bản
hướng dẫn thi hành. Triển khai công tác chuẩn bị và xây dựng Luật Tiếp công dân.
Tập trung thực hiện có hiệu quả, đúng nội dung, tiến độ yêu cầu của Đề án Đổi
mới công tác tiếp công dân theo Quyết định 858/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà
nước phải thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo trong phạm
vi quản lý của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để giải quyết kịp thời, dứt điểm
ngay từ nơi phát sinh vụ việc. Người đứng đầu (cấp phó của người đứng đầu) cơ
quan hành chính nhà nước phải tiếp công dân theo quy định. Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các cấp phải tăng cường đi cơ sở, tập trung lực lượng giải quyết những vụ
việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp ngay từ lúc mới phát sinh. Trong quá
trình giải quyết phải làm rõ nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo để chấn
chỉnh công tác quản lý nhà nước, xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm minh những
cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm.
- Tiếp tục quan tâm rà soát, giải quyết
dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; quá trình giải quyết phải tổ
chức đối thoại công khai, dân chủ, giải quyết có lý, có tình, có tính khả thi
cao. Đối với những vụ việc đã giải quyết hết thẩm quyền theo luật định, cần
nghiên cứu vận dụng hoặc đề xuất các biện pháp hỗ trợ để động viên, thuyết phục
công dân chấm dứt khiếu kiện. UBND các tỉnh, thành phố tiếp trục thành lập các
Tổ công tác, chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi
trường và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan tiến hành rà soát và kiểm tra,
đề xuất phương án giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài.
- Nâng cao chất lượng quyết định, kết
luận giải quyết khiếu nại, tố cáo; cần chủ động chỉ đạo, tổ chức phối hợp giữa cơ
quan cấp trên với cơ quan cấp dưới; phát huy tối đa hiệu quả việc đối thoại, gặp
gỡ, trao đổi với người khiếu nại, tố cáo đặc biệt là đối với các vụ việc đông
người, phức tạp, gay gắt.
- Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện
quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp
luật. Quá trình thực hiện, nếu phát hiện có sai sót, bất hợp lý, thì phải quyết
tâm điều chỉnh, sửa sai có phương án giải quyết khác để bảo đảm quyền lợi của
công dân, chấm dứt khiếu kiện.
- Đẩy mạnh, tăng cường thanh tra công
vụ và thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với thủ trưởng các
cơ quan hành chính Nhà nước và cán bộ, công chức có trách nhiệm, tập trung vào
những ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị xảy ra nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo
hoặc chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo thấp, không chấp hành
chỉ đạo của cấp trên.
- Đề cao vai trò vận động, thuyết phục
của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là của Hội Nông dân Việt Nam đối với hội viên của mình.
3. Củng cố,
kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ quan làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải
quyết khiếu nại, tố cáo
- Quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức,
đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo
hướng chuyên nghiệp, ổn định; chú trọng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn
nghiệp vụ công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo;
đồng thời, tăng cường công tác quy hoạch, tuyển chọn cán bộ và có chính sách
đãi ngộ thỏa đáng, phù hợp với điều kiện đặc thù của công tác này.
- Triển khai có hiệu quả công tác cải
cách hành chính trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là cải cách thủ tục
hành chính, chú trọng việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin. Thanh tra Chính
phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng hệ thống
cơ sở dữ liệu về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm chuẩn
hóa, nâng cao chất lượng thông tin, báo cáo đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành
công tác giải quyết KNTC.
- Định kỳ sơ kết, tổng kết công tác
tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
4. Bảo đảm an
ninh, trật tự trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
Các Bộ, ban ngành, chính quyền địa phương
các cấp tập trung nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo, chủ động phát hiện
những vụ việc khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh,
trật tự để giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở, không để phát sinh thành "điểm
nóng". Đặc biệt đối với Bộ Công an tăng cường chỉ đạo lực lượng công an ở
các địa phương, nắm chắc tình hình và phân hóa đối tượng cầm đầu, xúi giục,
kích động người khiếu nại gây rối, gây bạo loạn để có biện pháp xử lý hữu hiệu.
5. Tăng cường
sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên
và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan thường xuyên lập các Tổ công tác về
các địa phương rà soát, cùng đối thoại, thuyết phục công dân thực hiện kết luận
giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật hoặc cùng nghiên cứu tìm
giải pháp khác kể cả sửa sai hoặc đề xuất thêm giải pháp hỗ trợ nhằm chấm dứt
khiếu kiện.
- Khi có công dân lên Trung ương khiếu
kiện đông người thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải cử ngay Tổ công tác đón công
dân về địa phương để xem xét, giải quyết ngay khi được Trung ương yêu cầu.
6. Công dân
tuyên truyền, phổ biến pháp luật
- Tăng cường công tác phổ biến, giáo
dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo để nâng cao hiểu biết pháp luật về khiếu
nại, tố cáo của cán bộ, nhân dân (tập trung ở khu vực xã, phường, thị trấn),
nhất là những điểm mới theo tinh thần Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 và
Luật Tố tụng hành chính năm 2012.
- Các cơ quan báo, đài phát thanh, truyền
hình phối hợp với các cơ quan hữu quan thường xuyên tuyên truyền pháp luật
khiếu nại, tố cáo bằng các hình thức phong phú, thiết thực, đảm bảo khách quan,
trung thực; tăng thời lượng, bài viết, chuyên đề, biểu dương kịp thời những
điển hình tốt, kinh nghiệm, sáng kiến hay, phê phán những hành vi vi phạm pháp
luật khiếu nại, tố cáo.
Phần 3.
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
1. Bộ Chính trị chỉ đạo tổ chức
tổng kết việc thực hiện Kết luận số 130-TB/TW ngày 10/01/2008 của Bộ Chính trị
(về tình hình và các giải pháp cấp bách trong công tác giải quyết khiếu nại, tố
cáo hiện nay), qua tổng kết nhằm đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực
hiện, rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả
công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong những năm tiếp theo.
2. Trung ương cần đẩy nhanh việc
sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về đất đai, tiến tới xây dựng Bộ luật
Đất đai hoàn chỉnh, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trước
mắt tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về tài chính đất đai,
chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, về trình tự, thủ tục cưỡng chế thu
hồi đất.
3. Tiếp tục thực hiện ý kiến
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Tăng cường công tác tuyên truyền,
phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị
trấn".
4. Quốc hội cầm sớm ban hành
Luật Tiếp công dân, Luật Biểu tình làm cơ sở đấu tranh, xử lý những trường hợp lợi
dụng quyền khiếu nại, tố cáo, lợi dụng dân chủ, nhân quyền để gây rối.
5. Quốc hội, Hội đồng nhân dân
các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận
cần tăng cường giám sát trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp, nhất là trong giải quyết các vụ việc
khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng (để b/c);
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó TTgCP Nguyễn Xuân Phúc (để b/c);
- Lãnh đạo TTCP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- UBTW Mặt trận tổ quốc Việt Nam;
- Ban Dân nguyện của UBTV Quốc hội;
- Lưu VT, TH.
|
KT.
TỔNG THANH TRA
PHÓ TỔNG THANH TRA
Nguyễn Văn Thanh
|
[1]
Có những địa bàn trước đây được coi là điểm nóng về khiếu nại, tố cáo, nay ổn
định hơn như: An Giang, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc,
Đà Nẵng …
[2]
Khi triển khai các dự án nâng cấp quốc lộ 1A, một số tỉnh khu vực phía Bắc Miền
Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh); khi triển khai khu công nghiệp, khu đô thị
đông nhất là vụ việc Văn Giang, Dương Nội.
[3]
Như: mang theo băng rôn, biểu ngữ, diễu hành trên đường phố, tụ tập trước Trụ
sở các cơ quan của Trung ương, Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà
nước tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để gây rối, đặc biệt là tụ tập đông người
trước Tổng Lãnh sự nước ngoài, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất làm cho tình
hình khiếu nại, tố cáo càng trở nên phức tạp.
[4]
Người dân cho rằng Nhà nước bồi thường cho dân giá rẻ, giao đất cho doanh
nghiệp thực hiện dự án, bán thu chênh lệch cao, người dân mất đất, phát sinh
mâu thuẫn lợi ích. Mặt khác, người dân không đồng tình cơ chế thu hồi đất hiện
nay và việc giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất ở các địa phương (đơn vị sự
nghiệp có thu tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo quỹ
đất để đấu giá quyền sử dụng đất; phát triển khu tái định cư …)
[5]
Một số địa phương có số lượt tiếp nhiều là: Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái
Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng; Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đắc Nông; TP Hồ
Chí Minh, Kiên Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An.
[6]
Nhất là không công khai quy hoạch, phương án bồi thường không công bằng, không
đưa ra bàn trước dân trước khi triển khai dự án …
[7]
Một số đơn vị xây dựng Chương trình hành động khá công phu, có chất lượng tốt,
xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể, như: Lâm Đồng,
Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam …
[8]
Việc báo cáo kết quả thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân" ở
nhiều địa phương còn chung chung, chưa bám sát yêu cầu của Thanh tra Chính phủ
(chưa có số liệu cụ thể).
[9]
Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Hòa Bình, Lai Châu, Lào
Cai, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Nai …
[10]
Năm 2008 các Bộ, ngành, địa phương ban hành 1.863 văn bản; năm 2011 ban hành
3.706 văn bản (tăng 98%).
[11]
Theo báo cáo có khoảng 89% quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố
cáo được triển khai thực hiện.