ỦY BAN DÂN
TỘC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 113/BC-UBDT
|
Hà Nội,
ngày 21 tháng 01 năm 2025
|
BÁO CÁO
KẾT
QUẢ TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN LẦN THỨ
IV NĂM 2024
Kính gửi: Thủ
tướng Chính phủ
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO TỔ
CHỨC ĐẠI HỘI
1. Chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan
Trung ương
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày
08/5/2009 của Ban Bí thư Trung ương về lãnh đạo Đại hội đại biểu các dân tộc
thiểu số Việt Nam; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về
công tác dân tộc và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản sổ
4925/VPCP-QHĐP ngày 04/7/2023 của Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã ban
hành công văn số 1302/UBDT-DTTS ngày 27/7/2023 hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp
huyện lần thứ IV năm 2024 (sau đây gọi chung là Đại hội dân tộc thiểu số) quy định
cụ thể về: chủ đề, nội dung, thời gian, quy mô, hình thức, khen thưởng, kinh
phí tổ chức đại hội cấp tỉnh, cấp huyện để các địa phương triển khai tổ chức Đại
hội dân tộc thiểu số.
Để chỉ đạo Đại hội dân tộc thiểu số của
các địa phương đảm bảo tiến độ theo hướng dẫn, Ủy ban Dân tộc đã ban hành kế hoạch
thực hiện[1], thường xuyên phối hợp, đôn đốc các tỉnh,
thành phố và kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn vướng mắc của địa
phương trong quá trình triển khai tổ chức Đại hội cấp tỉnh, cấp huyện[2];
phân công Lãnh đạo Ủy ban trực tiếp dự, chỉ đạo Đại hội dân tộc thiểu số cấp huyện
một số tỉnh và dự, chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh của 51 tỉnh, thành phố vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi trong năm 2024.
Đại hội dân tộc thiểu số cấp tỉnh được
sự quan tâm chỉ đạo và tham dự của các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh Đảng, Quốc
hội, Nhà nước, các Bộ, cơ quan Trung ương và Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy
viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ;
đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy
viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội khóa XIV; các đồng chí Lãnh đạo
Hội đồng Dân tộc Quốc hội, các Ban, Bộ, ngành Cơ quan Trung ương... đã đến dự
và chỉ đạo Đại hội tại một số địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Yên Bái, Tuyên
Quang, Thành phố Hà Nội, Thanh Hóa, Gia Lai, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu... Đồng
chí Hầu A Lềnh, Ủy
viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm và các đồng chí Thứ
trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã dự, chỉ đạo Đại hội dân tộc thiểu số cấp
tỉnh của tất cả các tỉnh, thành phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
2. Công tác triển khai tổ chức Đại hội
của địa phương
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày
08/5/2009 của Ban Bí thư Trung ương và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy
ban Dân tộc với chủ đề Đại hội “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo,
phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền
vững”,
các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tích cực triển khai công tác tổ chức Đại hội
dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ IV năm 2024, giao Cơ quan công tác
dân tộc cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp ủy,
chính quyền tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh
đã ban hành Chỉ thị, Thông tri, Công văn chỉ đạo, lãnh đạo, hướng dẫn công tác
tổ chức Đại hội dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh[3]; thành
lập Ban Chỉ đạo (do một đồng chí Lãnh đạo chủ chốt của tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ
đạo), Ban Tổ chức, các Tiểu ban giúp việc và phân công nhiệm vụ cho các thành
viên, các cơ quan, đơn vị liên quan; ban hành kế hoạch và triển khai các nội
dung công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội dân tộc thiểu số[4] cấp
huyện, cấp tỉnh. Công tác chỉ đạo, tổ chức Đại hội ở các địa phương về cơ bản
đã bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc về nội dung và thời gian Đại hội
dân tộc thiểu số. Trong quá trình tổ chức Đại hội dân tộc thiểu số các địa
phương đã huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành và đông đảo đồng bào
các dân tộc thiểu số của các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
II. KẾT QUẢ TỔ CHỨC ĐẠI
HỘI CÁC CẤP
1. Quy mô và đại biểu
tham dự Đại hội
a) Về quy mô Đại hội:
Đại hội dân tộc thiểu số lần thứ IV năm
2024 được tổ chức tại 02 cấp: cấp huyện và cấp tỉnh.
- Đối với Đại hội dân tộc thiểu số cấp
huyện: Có 363 huyện, quận, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện) của 51 tỉnh,
thành phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đủ điều kiện tổ chức Đại hội
cấp huyện[5] và 100 huyện không đủ điều kiện tổ chức
Hội nghị chọn cử đại biểu đi dự Đại hội dân tộc thiểu số cấp tỉnh theo hướng dẫn
tại Công văn số 1302/UBDT-DTTS ngày 27/7/2023 của Ủy ban Dân tộc.
- Đối với Đại hội dân tộc thiểu số cấp
tỉnh: Có 47/53 tỉnh, thành phố đủ điều kiện tổ chức Đại hội 2 cấp (cấp tỉnh và
cấp huyện); 03/53 tổ chức Đại hội cấp tỉnh 1 cấp (gồm: Ninh Bình, Tây Ninh,
Bình Dương); thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị biểu dương các điển hình tiên
tiến người dân tộc thiểu số; các tỉnh: Hải Dương, Hà Tĩnh không tổ chức Đại hội
cấp tỉnh do không đủ điều kiện theo hướng dẫn.
b) Đại biểu dự Đại hội:
Số lượng đại biểu dự Đại hội dân tộc
thiểu số: Đại biểu chính thức dự Đại hội cấp huyện không quá 150 đại biểu và cấp
tỉnh không quá 250 đại biểu. Đại biểu khách mời[6] không quá 1/3 số lượng
đại biểu chính thức cùng cấp. Đại biểu chính thức[7] được
các địa phương chọn cử theo tiêu chí hướng dẫn của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại
hội cùng cấp, đảm bảo số lượng và cơ cấu (giới tính, lứa tuổi, dân tộc, lĩnh vực)
để các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn đều có đại biểu chính thức dự Đại
hội. Việc chọn cử đại biểu được thực hiện đảm bảo công khai, dân chủ theo đúng
hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc và Ban Chỉ đạo Đại hội của các địa phương.
Tổng hợp số lượng đại biểu dự Đại hội
dân tộc thiểu số của các địa phương: Đối với Đại hội cấp huyện có 67.477 đại biểu
tham dự Đại hội, trong đó có 50.205 đại biểu chính thức và 17.272 đại biểu
khách mời; Đối với Đại hội cấp tỉnh có 16.678 đại biểu tham dự Đại hội, trong
đó có 12.259 đại biểu chính thức và 4.419 đại biểu khách mời dự Đại hội (chi
tiết số lượng đại biểu dự Đại hội dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện của các
địa phương theo Biểu 01 và 02 kèm báo cáo).
2. Thời gian, tiến độ
tổ chức Đại hội
Đối với đại hội cấp huyện: Thời gian tổ
chức Đại hội không quá 1,5 ngày và hoàn thành trước 30/6/2024. Huyện Bắc Trà My
tỉnh Quảng Nam là huyện đầu tiên tổ chức Đại hội dân tộc thiểu số cấp huyện (tổ
chức ngày ngày 02/4/2024). Đến 30/6/2024 có 343/363 huyện (đạt 94,5% số huyện đủ
điều kiện cần Đại hội theo tiến độ đề ra)[8] hoàn thành công tác tổ
chức Đại hội cấp huyện. Lào Cai và Bà Rịa - Vũng Tàu là 02 tỉnh đầu tiên hoàn
thành tổ chức Đại hội dân tộc thiểu số cấp huyện trong tháng 5 năm 2024; tỉnh Bắc
Giang là tỉnh sau cùng tổ chức và hoàn thành tổ chức Đại hội dân tộc thiểu số cấp
huyện vào ngày 16/10/2024.
Đối với Đại hội dân tộc thiểu số cấp tỉnh: Thời
gian tổ chức Đại hội không quá 2 ngày và hoàn thành trước 30/11/2024. Sóc Trăng
là tỉnh đầu tiên tổ chức Đại hội dân tộc thiểu số cấp tỉnh (tổ chức ngày ngày
18/8/2024). Đến 30/11/2024 có 47/51 tỉnh (đạt 92,2% số tỉnh Đại hội
cấp tỉnh)[9] hoàn thành công tác tổ chức Đại hội cấp
tỉnh. Tỉnh Bình Thuận là tỉnh sau cùng tổ chức (vào ngày 19/12/2024) và 51/51 tỉnh
đã hoàn thành công tác tổ chức Đại hội dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện lần
thứ IV năm 2024.
3. Công tác tuyên
truyền Đại hội
Các địa phương đã làm tốt công tác
tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội bằng nhiều hình thức và nội dung phong
phú tạo sức lan tỏa về ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại hội đến các cấp, các
ngành và đông đảo người dân trên địa bàn. Các hoạt động của Đại hội dân tộc thiểu
số cấp tỉnh, cấp huyện được các địa phương tổ chức linh hoạt, đa dạng, phong
phú, có ý nghĩa thiết thực và phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi địa phương,
như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích tuyên truyền về Đại hội tại khu vực
trung tâm các huyện, thành phố, các cửa ngõ, đường phố nơi công cộng, các trục
đường lớn và địa điểm tổ chức Đại hội; Tổ chức Chương trình gặp mặt, đối thoại
với các đại biểu dự Đại hội nhằm tuyên truyền nội dung, ý nghĩa của Đại hội đại
biểu các dân tộc thiểu số; Tổ chức các Đoàn đại biểu Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng
quà các hộ gia đình chính sách tiêu biểu là người dân tộc thiểu số của địa
phương trước Đại hội; Xây dựng phóng sự về sự đổi thay, phát triển của vùng đồng
bào dân tộc, miền núi và biểu dương những cá nhân điển hình trong đồng bào dân tộc
thiểu số sản xuất giỏi vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xóa đói giảm
nghèo bền vững và trong phong trào xây dựng nông thôn mới để đồng bào học tập
và làm theo; xây dựng phóng sự biểu dương những cá nhân là người dân tộc thiểu
số tiêu biểu trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh; Tổ chức truyền truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên
truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân
tộc về ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số, nhằm
biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số có thành
tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại
đoàn kết dân tộc; cổ vũ và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, lòng
yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, xây dựng và phát huy những giá trị tốt
đẹp về bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, thành phố; Tổ
chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng Đại hội: Chương trình nghệ thuật
khai mạc Đại hội; trưng bày các hình ảnh về hoạt động của đồng bào các dân tộc
thiểu số trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, các
sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc sản của các dân tộc tại tiền sảnh nơi
diễn ra Đại hội...
4. Công tác hậu cần
và đảm bảo an ninh trật tự
Công tác hậu cần phục vụ Đại hội được
các địa phương quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí tổ chức, đảm bảo thực hiện
theo yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả. Công tác tiếp đón, bố trí nơi ăn, nghỉ, đảm
bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc y tế, bảo vệ sức khỏe cho đại biểu được
Ban Tổ chức Đại hội chuẩn bị chu đáo. Các đại biểu chính thức dự Đại hội dân tộc
thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh đều nhận được quà của Ban Tổ chức Đại hội cùng cấp
thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và động viên đại biểu dự Đại hội dân
tộc thiểu số.
Công tác an ninh, trật tự được đảm bảo
tốt trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội các cấp ở các địa phương.
5. Về nội dung và kết
quả thực hiện Quyết tâm Đại hội lần thứ III
Với chủ đề Đại hội dân tộc thiểu số cấp
tỉnh, cấp huyện lần thứ IV năm 2024: “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo,
phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, các địa
phương đã chỉ đạo xây dựng Báo cáo chính trị và Quyết tâm thư của Đại hội, tập
trung tổng kết đánh giá việc thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội dân tộc thiểu
số cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ III, những thành tựu, kết quả đã đạt được trong
thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi trên các mặt: phát triển kinh tế - xã hội, xóa
đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân
trí, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chống di dịch cư tự do, thực hiện
các chính sách dân tộc trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số của tỉnh, huyện trong
5 năm (2019 - 2024), đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ,
giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc và phong trào
thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2024 - 2029; tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có thành tích
xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo đảm
vững chắc quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên
giới, hải đảo và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; qua đó củng cố niềm tin và sự
đồng thuận của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Thông qua các báo cáo chính của Đại hội
các cấp đã cho thấy sau 5 năm thực hiện các chính sách dân tộc (giai đoạn 2019
- 2024) trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ
và các Bộ, ngành Trung ương, sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và sự
tham gia đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số, tuy tình hình kinh tế -
chính trị trên thế giới và khu vực có nhiều biến động khó lường, đồng thời chịu
tác động, ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid-19 và thiên tai, biến đổi khí hậu,
nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua muôn vàn
khó khăn, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng toàn diện trên nhiều mặt.
Với đường lối nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong thực hiện công tác
dân tộc và chính sách dân tộc, bằng những chủ trương, chính sách lớn về phát
triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là
Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị
quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc
trong tình hình mới; Chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” cùng với các
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới, ưu
tiên dành nguồn lực lớn đầu tư phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo,
chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và
miền núi…, qua đó đã từng bước làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc và miền núi,
nhất là hạ tầng kinh tế-xã hội. Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội
dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ III, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc
và miền núi giảm bình quân 3- 4%/năm, cao hơn so với tỷ lệ giảm nghèo chung của
cả nước. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ tạo nên sự kết nối và giao
thương giữa các vùng. Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội có bước phát triển
tích cực. Đồng bào ốm đau được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh;
con em đến tuổi được đi học, khó khăn thì Nhà nước hỗ trợ tiền, gạo để ăn học ở
trường nội trú, bán trú... Đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được
nâng lên rõ rệt, văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy, quyền bình đẳng
giữa các dân tộc được bảo đảm; hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số
và miền núi được tăng cường, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, đáp ứng ngày càng tốt
hơn yêu cầu, nhiệm vụ; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường,... góp phần
quan trọng đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng
cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Đại hội cấp huyện, cấp tỉnh, cũng đã
thống nhất các hạn chế tồn tại như: kinh tế vùng đồng bào dân tộc đã có sự phát
triển bước đầu nhưng chưa thực sự bền vững, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn
chậm, chưa tận dụng hết tài nguyên đất đai hiện có... hay công tác tuyên truyền
các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, đặc biệt là ở
vùng sâu, vùng xa chưa được thường xuyên. Một số nơi người dân chưa hiểu được đầy
đủ các chính sách và mục tiêu đề ra nên chưa chủ động tham gia... Từ đó các đại
biểu tham dự Đại hội cùng nhau bàn thảo và thống nhất biểu quyết, xác định các
nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch phương hướng thực hiện quyết tâm thư Đại hội dân
tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2024 - 2029.
6. Khen thưởng tại Đại
hội
Đại hội dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp
huyện của các địa phương đã có nhiều hình thức khen thưởng, tôn vinh và biểu
dương công lao đóng góp to lớn của các tập thể, cá nhân trong công tác dân tộc
và trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Đối với Đại hội dân tộc thiểu số cấp
huyện, các địa phương đã khen thưởng cho 4.216 tập thể và 11.252 cá nhân tại Đại
hội, trong đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng 796 Bằng khen (gồm 238 tập thể
và 558 cá nhân); Trưởng ban Dân tộc tỉnh tặng 1.685 Giấy khen (gồm 406 tập thể
và 1.279 cá nhân); Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tặng 12.987 Giấy khen (gồm
3.572 tập thể và 9.415 cá nhân).
Đối với Đại hội dân tộc thiểu số cấp tỉnh:
694 tập thể và 2.427 cá nhân được tôn vinh, biểu dương, khen thưởng trong thực
hiện công tác dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của địa phương giai
đoạn 2019 - 2024, trong đó: các tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen
cho 10 tập thể và 14 cá nhân[10]; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
đã tặng Bằng khen 50 tập thể, 244 cá nhân và 205 Kỷ niệm chương vì sự phát triển
các dân tộc[11]; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố tặng Bằng khen cho 598 tập thể và 1.791 cá nhân; Trưởng ban Dân tộc/Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố tặng Giấy khen cho 36
tập thể và 173 cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện Chương
trình hành động và Quyết tâm thư của Đại hội cấp tỉnh lần thứ III, giai đoạn
2019 - 2024.
(Chi tiết khen thưởng đại biểu dự Đại
hội dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện của các địa phương theo Biểu 01 và 02
kèm báo cáo).
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Kết quả đạt được
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số
cấp huyện, cấp tỉnh được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo từ Trung ương đến địa
phương, đặc biệt là sự quan quan chỉ đạo, vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền
các cấp; sự đông thuận và tham gia của cả hệ thống chính trị, đồng bào các dân
tộc thiểu số và sự hỗ trợ của các
doanh nghiệp trên địa bàn nên đã được tổ chức trang trọng và thành công tốt đẹp.
Quy mô, thời gian, nội dung chương trình, thành phần đại biểu, công tác tổ chức
Đại hội, an ninh trật tự... được các địa phương chuẩn bị chu đáo, kịp thời theo
đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc
đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với điều kiện của địa
phương. Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp ở địa phương đã tổng
kết đánh giá được kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai
đoạn 2019 - 2024; toàn bộ 363 Đại hội cấp huyện và 51 Đại hội cấp tỉnh đều
thông qua Chương trình hành động và Quyết tâm thư của Đại hội và đề ra phương
hướng, nhiệm vụ của địa phương cho giai đoạn 2024 - 2029. Kết quả đạt được của
Đại hội tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của các ngành,
các cấp và mọi tầng lớp nhân dân đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc,
qua đó tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước
ta đối với công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc,
củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước ta trước
thềm Đại hội Đảng các cấp và Đại hội toàn quốc khoá XIV của Đảng.
Đại hội đã tổng kết được các phong
trào thi đua yêu nước của đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn
2019 - 2024; đánh giá, ghi nhận, tôn vinh và biểu dương khen thưởng các tập thể,
cá nhân là người dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp trong 5 năm thực hiện
Chương trình hành động và Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các dân tộc
thiểu số lần thứ III, giai đoạn 2019 - 2024 trên các lĩnh vực của đời sống xã hội:
phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng...
đã tạo nên động lực và niềm tin của đồng bào, góp phần củng cố vững chắc khối đại
đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Thành công của Đại hội là nguồn cổ vũ
động viên to lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, tiếp thêm sức mạnh đoàn
kết toàn dân tộc, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ,
vượt qua khó khăn, thử thách, huy động cao nhất mọi nguồn lực nhằm phát triển
nhanh, bền vững kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi; xóa đói giảm nghèo,
nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, đảm bảo an sinh xã hội,
thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội;
thu hẹp khoảng cách về kinh tế - xã hội, mức sống giữa các vùng, miền và các
dân tộc.
2. Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn
còn một số tồn tại, hạn chế trong triển khai tổ chức thực hiện ở các cấp, như:
Công tác quán triệt, tuyên truyền và triển khai tổ chức Đại hội ở một số địa
phương thực hiện chưa tốt; Một số địa phương hình thức tổ chức Đại hội còn đơn
điệu; nội dung hoạt động Đại hội còn sơ sài, một số báo cáo tham luận chưa thực
sự tiêu biểu, nặng về báo cáo tập thể, ít báo cáo điển hình từ cơ
sở; Công tác thi đua khen thưởng tại Đại hội các cấp chủ yếu Đại hội dân tộc
thiểu số cấp nào do cấp đó khen; kinh phí dành cho công tác khen thưởng còn hạn
chế; thủ tục hồ sơ đề nghị khen thưởng còn chậm; Công tác tổng hợp, thông tin báo
cáo về tiến độ, kết quả Đại hội dân tộc thiểu số một số địa phương còn chậm, nội
dung báo cáo sơ sài, chưa phản ánh đầy đủ kết quả Đại hội.
IV. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT,
KIẾN NGHỊ
1. Đối với Đảng, Nhà nước
Theo Chỉ thị số 35-CT/TW ngày
08/5/2009 của Ban Bí thư Trung ương về lãnh đạo Đại hội đại biểu các dân tộc
thiểu số Việt Nam và Điều 6 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2022 của
Chính phủ về công tác dân tộc quy định: Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc
thiểu số Việt Nam được tổ chức định kỳ 10 năm một lần và Đại hội đại biểu các
dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện được tổ chức định kỳ 05 năm một lần. Để đảm bảo
tính đồng bộ, thống nhất; nguyện vọng của các địa phương và đại biểu dự Đại hội,
Ủy ban Dân tộc kính đề nghị Đảng và Nhà nước cho phép định kỳ 5 năm một lần tổ
chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam ở cả 3 cấp: toàn quốc, tỉnh
và huyện.
2. Đối với các tỉnh, thành phố vùng
dân tộc thiểu số và miền núi
Đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp
quan tâm chỉ đạo, thực hiện:
- Xây dựng Chương trình hành động/kế
hoạch triển khai thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội DTTS cùng cấp giai đoạn
2024 - 2029, gắn với tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc,
chính sách dân tộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là triển khai,
thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2021-2030, nhất là giai đoạn II: 2026-2030.
- Tiếp tục tuyên truyền kết quả Đại hội
và phát động phong trào thi đua, nêu gương điển hình tiên tiến các tập thể, cá
nhân được Đại hội các cấp khen thưởng và nhân rộng, chung tay xây dựng nông
thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Trên đây là kết quả Đại hội đại biểu
các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ IV năm 2024, Ủy ban Dân tộc
xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận:
-
Như trên;
- Ban Bí thư TW Đảng (để b/c);
- Đ/c Nguyễn Hòa Bình, Phó TTg TTCP (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cơ quan CTDT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các TT, PCN UBDT;
- Lưu VT, DTTS.
|
BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
Hầu
A Lềnh
|