BỘ
NỘI VỤ
********
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
26-NV
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 10 năm 1967
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 26-NV NGÀY 27 THÁNG 10 NĂM 1967 VỀ VIỆC GIẢI
QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ VỀ NHÀ CỬA Ở CÁC THÀNH PHỐ, THỊ XÃ SAU KHI ĐỊCH OANH
TẠC
Kính
gửi: Các Uỷ ban hành chính Khu, Tỉnh, Thành.
Hiện nay, do đế quốc Mỹ tăng cường
và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, nhiều nhà cửa ở các thành phố,
thị xã bị hư hỏng hoặc sập đổ. Trước tình đó, Bộ Nội vụ hướng dẫn việc giải quyết
một số vấn đề về nhà cửa như sau:
1. Việc giải
quyết chỗ ở cho người có nhà bị sập đổ:
Uỷ ban hành chính địa phương có
trách nhiệm thu xếp chỗ ở cho những ngưòi có nhà bị sập đổ.
Đối với nhân dân thì chủ yếu là
dựa vào bà con thân thuộc của họ để có chỗ ở. Uỷ ban hành chính tìm cách giúp đỡ
phương tiện cần thiết để nhanh chóng di chuyển đồ đạc và đưa họ đến chỗ ở mới.
Đối với công nhân, viên chức Nhà
nước thì chủ yếu là dựa vào cơ quan, công đoàn, để thu xếp cho họ vào ở tạm
trong các nhà ở tập thể của cơ quan, xí nghiệp tự quản hoặc các nhà phụ của trụ
sở làm việc.
Ngoài ra, cần vận đông nhân dân
giúp đỡ bằng cách cho ở xen ghép vào những gia đình có nhà tương đối rộng rãi,
hoặc có thể mượn chỗ ở tạm vào những nhà của nhân dân đi sơ tán để không.
Việc giải quyết ban đầu nhằm
nhanh chóng ổn định tình hình, sau đó cần tiến hành sắp xếp, điều chỉnh lại cho
hợp lý, nói rõ cho người ở biết là họ được mượn, ở nhờ, ở tạm hay được ở hẳn để
họ được yên tâm sản xuất và công tác.
2. Việc thu
dọn, sử dụng vật liệu:
Cơ quan quản lý nhà, đất có nhiệm
vụ giúp Uỷ ban hành chính thu dọn và bảo quản những vật liệu của những nhà bị
hư hại. Việc thu dọn vật liệu cần phải được làm ngay sau khi cứu sập, hoặc song
song với việc cứu sập.
Đối với những vật liệu thuộc các
nhà của các cơ quan, xí nghiệp tự quản, thì do các cơ quan, xí nghiệp tự tổ chức
việc thu dọn là chính. Trường hợp các cơ quan, xí nghiệp không thể tự mình đứng
ra thu dọn được thì Uỷ ban hành chính thành phố, tỉnh có thể giao cho cơ quan
quản lý nhà, đất đảm nhiệm, kể cả việc thu dọn đối với nhà cửa của các ngành
Trung ương đóng tại địa phương.
Đối với nhà cửa của tư nhân để
cho họ tự thu dọn lấy. Nếu tư nhân yêu cầu, thì cơ quan quản lý nhà, đất có thể
thu dọn giúp, sau khi trừ công tháo dỡ, còn thừa bao nhiêu trả cho họ.
Đối với những nhà cải tạo của tư
nhân đã giao cho Nhà nước quản lý thì sau khi thu dọn và trừ công tháo dỡ,
không nên chia vật liệu cho họ mà nên trị giá thành tiền để trả cho họ một phần
theo tỷ lệ tiền thuê cố định.
Đối với những vật liệu thu hồi,
ngoài việc sử dụng để sửa chữa nhà cũ hoặc xây dựng nhà mới, khi cần thiết, Uỷ
ban hành chính thành phố, tỉnh có thể quyết định sử dụng một phần vào những nhu
cầu đột xuất, đặc biệt, phục vụ cho chiến đấu và sản xuất. Cơ quan, đơn vị được
phân phối sử dụng những vật liệu nói trên, phải thanh toán bằng tiền trả cho quỹ
quản lý nhà, đất.
Việc bán vật liệu thu hồi, nói
chung, không nên đặt ra. Chỉ bán những vật liệu hư nát không còn sử dụng được nữa
như đã quy định trong Thông tư số 20-NV ngày 18 tháng 10 năm 1965 của Bộ Nội vụ.
Đối với vật liệu thu hồi thuộc
các nhà của tư nhân thì họ có thể đem đến nơi sơ tán để làm nhà ở. Nếu họ muốn
bán thì vận động họ bán cho cơ quan Nhà nước, những vật liệu hiếm như sắt,
thép, tôn, gỗ quý, không nên bán ra thị trường tự do, giá cả do Uỷ ban hành
chính thành phố, tỉnh duyệt.
Đối với những vật liệu thuộc các
nhà vắng chủ thì phải trị giá thành tiền, tính công tháo dỡ để sau này thanh
toán với chủ nhà khi họ trở về.
3.Việc sửa
chữa nhà hư hỏng:
Đối với những nhà do nhà nước quản
lý bị hư hỏng, nói chung vẫn cần tiếp tục sửa chữa, nhưng mức độ sửa chữa tuỳ
thuộc vào yêu cầu của việc sử dụng những nhà đó: Những nhà phục vụ cho sản xuất,
chiến đấu cần phải tương đối vững chắc thì có thể trung tu; những nhà khác thì
chỉ cần sửa chữa vặt hoặc tiểu tu để đảm bảo an toàn cho nguời ở và giữ cho nhà
khỏi hư hỏng về mùa mưa.
Đối với nhà của tư nhân:
- Trường hợp họ vẫn tiếp tục sử
dụng, thì hướng dẫn cho họ kế hoạch sửa chữa, giúp họ giải quyết những khó khăn
về nguyên vật liệu và nhân công, vận động họ bỏ tiền ra sửa chữa và tự quản lý
lấy việc sửa chữa.
- Trường hợp cơ quan, xí nghiệp
cần sử dụng nhà đó thì cơ quan, xí nghiệp đứng ra sửa chữa sau khi đã bàn bạc,
thoả thuận với chủ nhà. Tiền phí tổn sửa chữa sẽ thanh toán với chủ nhà bằng
cách trừ dần vào tiền thuê.
Trường hợp nhà hư hỏng mà chủ
nhà hoặc cơ quan, xí nghiệp thuê nhà không tự mình đứng ra sửa chữa được, nếu
xét yêu cầu cần thiết để phục vụ cho sản xuất, chiến đấu thì cơ quan quản lý
nhà, đất sau khi bàn bạc với chủ nhà, có thể đứng ra sửa chữa rồi tiếp tục quản
lý việc cho thuê, thu tiền để trừ dần vào phí tổn sửa chữa cho đến khi trừ hết
số tiền đã bỏ ra.
4. Việc trả
tỷ lệ tiền thuê cố định đối với những nhà cải tạo sập đổ:
Trường hợp những nhà cải tạo bị
sập đổ vì địch oanh tạc hoàn toàn khác với trường hợp nhà do Nhà nước dỡ bỏ vì
lợi ích công cộng, cho nên không đặt vấn đề trả tỷ lệ tiền thuê cố định cho chủ
nhà như đã quy định trong phần III Điểm 3 của Thông tư số 61/TTg ngày 17-2 năm
1961 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu chủ nhà thắc mắc thì Uỷ ban hành chính địa
phương giải thích cho họ rõ.
5. Việc phân
chia đất thuộc những nhà cải tạo bị sập đổ:
Đối với đất nền nhà, sân, vườn
thuộc những nhà trong diện cải tạo bị sập đổ, nếu chủ nhà yêu cầu được chia thì
căn cứ vào giấy tờ về phần chia đã định trong khi cải tạo mà giải quyết.
Nếu trong khi cải tạo chưa phân
định cụ thể thì nay có thể chia cho họ một phần diện tích đất theo tỷ lệ diện
tích nhà để lại cho họ so với tổng số diện tích của ngôi nhà, hoặc cấp cho họ một
diện tích đất tương đương ở nơi khác nếu diện tích đất nền nhà, sân, vườn của họ
đã nằm trong quy hoạch xây dựng của thành phố và thị xã.
Trên đây là một số điểm hướng dẫn,
các địa phương tuỳ theo tình hình thực tiễn mà vận dụng thi hành, nếu có điểm
nào chưa sát thì phản ánh để Bộ bổ sung sửa đổi.