VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 521/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 11 năm 2024
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ TẠI CUỘC HỌP
BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ CHÍNH SÁCH NHÀ Ở VÀ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Ngày 24 tháng 10 năm 2024, tại Trụ sở Chính phủ,
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Trưởng ban- Ban Chỉ đạo Trung ương về
chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đã chủ trì cuộc họp về tình hình tổ
chức và thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị
trường bất động sản (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo). Tham dự cuộc có các thành
viên Ban Chỉ đạo thuộc Bộ, ngành và địa phương. Sau khi nghe Bộ Xây dựng - Cơ
quan thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo tổng hợp tình hình tổ chức và thực hiện
nhiệm vụ từ năm 2021 đến nay, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ý
kiến của thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Trưởng
ban Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đã kết
luận như sau:
I. Nhận định chung
- Trong những năm qua vừa qua, Đảng, Nhà nước,
Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quan tâm, chỉ đạo quyết
liệt việc thúc đẩy phát triển nhà ở (trong đó, đặc biệt là nhà ở xã hội) và bất
động sản theo hướng lành mạnh, an toàn, bền vững thông qua việc ban hành Nghị
quyết số 18-NQ/TW năm 2022, Chỉ thị số 34/CT-TW của Ban Bí thư về
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong
tình hình mới, các Luật (Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Tín dụng...).
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một
số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền
vững; Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2023; Công điện số 993/CĐ-TTg ngày
24 tháng 10 năm 2023, Công điện số 965/CĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm
2023.
- Ban Chỉ đạo có vị trí, vai trò quan trọng
trong việc hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà
nước, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở và thị
trường bất động sản.
- Các thành viên thuộc Ban Chỉ đạo đã tham gia
xây dựng nhiều Luật để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng vào
các văn bản quy phạm pháp luật như nêu trên.
II. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo
trong thời gian tiếp theo:
1. Bộ Xây dựng - Cơ quan thường trực
của Ban Chỉ đạo:
a) Chủ trì, phối hợp Bộ Nội vụ, căn cứ Quyết định
số 23/2023/QĐ-TTg ngày 18 tháng 09 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về
việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành, khẩn
trương kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ (trong đó cần
rà soát các Ban, Tổ liên ngành... có cùng chức năng, nhiệm vụ) để sắp xếp,
kiện toàn lại đảm bảo Ban Chỉ đạo thực sự có vị trí, có thẩm quyền chỉ đạo thống
nhất, khoa học, xuyên suốt trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản có
hiệu quả;
b) Chủ trì, phối hợp Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội và Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện chính sách hỗ trợ xây dựng mới
hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt
sĩ; ưu tiên mọi nguồn lực Nhà nước, nguồn lực xã hội để hoàn thành việc
xây mới, tu sửa lại nhà cho 100% người có công với cách mạng theo chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 470/TB-VPCP ngày 15 tháng 10 năm
2024 của Văn phòng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 11
năm 2024;
c) Tiếp tục chủ trì, phối hợp các Bộ,
ngành chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực
hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội
cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” nhằm
tăng nguồn cung cho thị trường;
d) Tiến hành tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực
hiện các Luật, chính sách về nhà ở và các pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhà ở,
thị trường bất động sản tại: thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc
Ninh và một số địa phương khác. Nội dung kiểm tra: việc ban hành các văn bản hướng
dẫn; chương trình phát triển nhà ở của địa phương; đánh giá tình hình thị trường
bất động sản; dự báo cung - cầu của thị trường bất động sản, công tác quy hoạch,
kế hoạch sử dụng đất cho phát triển nhà ở (trong đó có nhà ở xã hội); chương
trình phát triển nhà ở của địa phương;
đ) Nghiên cứu, ban hành công khai bộ hồ sơ hướng dẫn
trình tự, thủ tục hành chính trên tinh thần rút ngắn thời gian thực hiện dự
án đầu tư xây dựng nhà ở, đặc biệt là dự án nhà ở xã hội;
e) Xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm
vụ của Ban Chỉ đạo năm 2025 (tinh thần rõ nhiệm vụ, rõ người, rõ trách nhiệm và
xác định rõ, cụ thể kết quả đầu ra) và Báo cáo thực hiện nhiệm vụ của ban
Chỉ đạo năm 2024;
g) Thống kê các dự án nhà ở, bất động sản đang gặp
khó khăn, vướng mắc (về trình tự, thủ tục pháp lý, đang bị điều tra, thanh tra,
kiểm tra) để đề xuất cấp thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ tránh lãng phí, tạo
thêm nguồn cung sản phẩm cho thị trường; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam tổng hợp, thống kê các dự án bất động sản đã được giãn, hoãn, khoanh nợ
nhưng đang có nguy cơ rủi ro cao về tín dụng để đề xuất các quyết sách, giải
pháp khả thi, kịp thời khơi thông thị trường bất động sản đảm bảo phát triển an
toàn, lãnh mạnh, bền vững, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2024.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Tổ chức triển khai tập huấn, phổ biến để thực
hiện có hiệu quả Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết
hướng dẫn thi hành mới được ban hành đến các địa phương, cơ quan, tổ chức,
doanh nghiệp, cá nhân;
b) Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho
thuê đất, cấp Giấy chứng nhận... nhất là trong công tác xác định giá đất, tính
tiền sử dụng đất;
c) Chỉ đạo, phối hợp với các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng
đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời xử lý theo thẩm
quyền hoặc báo cáo cấp thường quyền xử lý những trường hợp vi phạm các quy định
pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất.
3. Bộ Tài chính:
Sớm hoàn thiện kế hoạch phân bổ nguồn vốn chi thường
xuyên cho chính sách hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với
người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ sau khi chính sách được cấp có
thẩm quyền phê duyệt theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo
số 470/TB-VPCP ngày 15 tháng 10 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam:
Phối hợp Bộ Xây dựng thống kê, báo cáo tình hình
tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, đánh giá tác động đối với nền kinh tế (nợ
xấu; tổng hợp, thống kê các dự án đã được hoãn, giãn, khoanh nợ nhưng đang tiềm
ẩn nguy cơ rủi ro cao về tín dụng; năng lực nhà đầu tư yếu kém, các trường hợp
có vướng mắc về pháp lý...); đề xuất những quyết sách, biện pháp kịp thời, khả
thi để khơi thông thị trường bất động sản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong
tháng 11 năm 2024.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả
các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động
sản 2023 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; các công điện,
chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 5047/BXD-QLN ngày
28/2024 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thi hành Luật Nhà ở số 27/2023/QH15
và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15;
b) Triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án
nhà ở xã hội, thúc đẩy triển khai thực hiện mục tiêu của Đề án “Đầu tư xây dựng
ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu
công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ
thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương;
c) Rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch
khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, bao gồm
nhà lưu trú công nhân và nhà ở lực lượng vũ trang nhân dân;
d) Khẩn trương, đôn đốc chủ đầu tư các dự án
nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất
20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp Chủ đầu tư không
thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các Chủ đầu tư khác thực hiện; chỉ
đạo, kiểm tra việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải đảm bảo chất lượng, có đầy
đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các dịch vụ thiết yếu như đối với các dự
án nhà ở thương mại;
đ) Xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh
mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại
chung cư đủ điều kiện được vay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng để công bố công
khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các Ngân hàng
có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình và gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam và Bộ Xây dựng để theo dõi, tổng hợp.
e) Tổng hợp các dự án trên địa bàn địa phương
mình đang có khó khăn, vướng mắc (về thủ tục pháp lý; đang trong quá trình
thanh tra, kiểm tra, điều tra); các dự án đã được giãn, hoãn, khoanh nợ nhưng
đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao về tín dụng gửi Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Văn phòng Thường trực Ban
Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra đôn đốc
các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo;
tăng cường công tác nắm tình hình, thu thập thông tin về công tác thực hiện
chính sách nhà ở và thị trường bất động sản để tham mưu, đề xuất Trưởng ban Ban
Chỉ đạo có ý kiến chỉ đạo xử lý kịp thời.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên
quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng
Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên
và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và phát triển
nông thôn, Nội vụ, Công thương;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương mặt Trận Tổ quốc Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: CN, NN, KTTH, KGVX;
- Lưu: VT, CN (3b)
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM
Trần Văn Sơn
|