ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 85/QĐ-UBND
|
Lâm Đồng, ngày 14 tháng 01 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN THAM GIA TRONG QUY HOẠCH, XÂY DỰNG
VÀ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, CÔNG TÁC ĐỀN BÙ, GIẢI
PHÓNG MẶT BẰNG, THU HỒI ĐẤT, TÁI ĐỊNH CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11
năm 2003;
Căn cứ Quy chế phối hợp số
01-QCPH/UBND-BDVTU ngày 21 tháng 3 năm 2014 giữa Ủy
ban nhân dân tỉnh với Ban Dân vận Tỉnh ủy;
Căn cứ Hướng dẫn số 169-HD/BDVTW
ngày 11 tháng 6 năm 2013 của Ban Dân vận Trung ương về công tác dân vận tham
gia trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế
- xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về
công tác dân vận tham gia trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu
tư phát triển kinh tế - xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất,
tái định cư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các
huyện, thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
Nơi nhận:
- Ban Dân vận Trung ương
(b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy;
- Các huyện, thành ủy và Đảng ủy trực thuộc;
- Như điều 3;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, VX2.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Yên
|
QUY ĐỊNH
VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN THAM GIA TRONG QUY HOẠCH, XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN
CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, CÔNG TÁC ĐỀN BÙ, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG,
THU HỒI ĐẤT, TÁI ĐỊNH CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết
định số 85/QĐ-UBND
ngày 14 tháng 01 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Điều 1. Công
tác dân vận trong giai đoạn chuẩn bị quy
hoạch, xây dựng dự án, triển khai dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội mà Nhà nước phải thu hồi đất.
1. Ngay từ khi dự thảo quy hoạch, dự
án, phương án thu hồi đất, giá cả đền bù và phương án tổ chức thực hiện dự án,
các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn phải tổ chức họp dân, lắng nghe,
nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các
đoàn thể chính trị - xã hội liên quan đến dự án để bổ sung, hoàn thiện dự án. Trường hợp nếu là đất của đồng bào dân tộc thiểu
số đang canh tác, đất mồ mả, đất tôn giáo, đất di tích lịch sử... thì phải tách
ra khỏi vùng dự án; nếu do tính chất, quy mô, tính đặc thù của dự án không thể
tách được thì chủ dự án phải phối hợp với chính quyền địa phương họp dân để thỏa
thuận, thống nhất phương án xử lý diện tích đất trên, nếu không có sự đồng tình
nhất trí của đại bộ phận nhân dân thì chưa được triển khai, thực hiện.
2. Sau khi có quyết định chính thức
phê duyệt dự án, trước khi tổ chức thực hiện, chính quyền các cấp phải công
khai với người dân về nội dung liên quan của dự án bằng nhiều hình thức linh hoạt
như: mời họp dân, trực tiếp phổ biến, công khai trên phương tiện thông tin của
địa phương, cung cấp tài liệu có liên quan cho Mặt trận, các đoàn thể địa
phương nơi có dự án để phối hợp tuyên truyền, phát phiếu lấy ý kiến, niêm yết
văn bản...
3. Cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ
đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước, của địa phương về thu hồi đất
khi thực hiện dự án để nhân dân hiểu đúng, đủ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng
của dự án, quyền lợi của mình khi dự án được thực hiện, vận động nhân dân thực
hiện dự án.
Điều 2. Công
tác dân vận trong giai đoạn thực hiện các dự án.
1. Khi chính quyền thành lập Hội đồng
bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án phải cơ cấu các thành phần đại diện
của các tổ chức trong hệ thống chính trị (Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn
thể), phân công rõ trách nhiệm cho các thành viên trong Hội đồng.
2. Tổ chức khảo sát, lập phương án bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ chức lấy ý kiến người bị thu hồi đất tham gia,
tổng hợp tiếp thu để xây dựng phương án cụ thể: Bao gồm cả phương án kiểm đếm,
thanh toán và phương án tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân có liên quan.
3. Xây dựng phương án đền bù cụ thể
cho từng hộ, chuẩn bị các điều kiện, tài chính, kinh phí để thực hiện, phân
công rõ trách nhiệm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tuyên truyền vận
động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng, nghiên cứu tiếp thu, giải quyết ý
kiến thắc mắc kiến nghị đến từng hộ dân có liên quan.
4. Hoàn thiện hồ sơ dự án và công
khai cho nhân dân vùng dự án biết về các chủ trương chính của Trung ương và của
tỉnh có liên quan đến dự án; bản vẽ quy hoạch chi tiết và bản đồ hiện trạng; bản
vẽ quy hoạch chi tiết khu tái định cư, tái định canh; các quyết định như: Phê
duyệt dự án, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất,
giao đất, cho thuê đất; chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; kế hoạch
giải phóng mặt bằng; kế hoạch di chuyển đối với người bị thu hồi đất; kết quả
điều tra kiểm kê đất, tài sản, hoa màu, vật kiến trúc của từng hộ dân; kết quả
giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến giải phóng mặt bằng...
5. Tập huấn, bồi dưỡng cho những cán
bộ, công chức được phân công đi trực tiếp kiểm đếm, chi trả đền bù nắm vững
nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền vận động quần chúng, nêu cao quan điểm quần
chúng, tôn trọng dân, làm việc cụ thể, giải thích tuyên truyền cho từng hộ dân.
Chống hiện tượng lợi dụng bớt xén, quan liêu, hách dịch cửa quyền, mất dân chủ
với nhân dân; đồng thời cũng chống hiện tượng thiếu trung thực về kê khai nhà cửa,
tài sản, đất đai, lợi dụng chính sách đền bù giải tỏa của Nhà nước.
6. Phải công bố rõ chủ trương thu hồi
đất cho người đang sử dụng đất biết lý do thu hồi đất; công khai phương án bồi
thường, hỗ trợ tái định cư, tái định canh cho người có đất bị thu hồi về mức bồi
thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, thời gian bàn giao đất, phương án, phương
pháp thực hiện chi trả tiền bồi thường; tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ
tái định cư theo đúng quy định.
Điều 3. Tổ chức,
lắng nghe tiếp thu ý kiến, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân
trong quá trình thực hiện dự án.
1. Trong quá trình triển khai thực hiện
dự án, thực hiện công tác đền bù thu hồi đất, tái định cư, chính quyền và các
cơ quan chức năng phải thường xuyên theo dõi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng
chính đáng và ý kiến tham gia góp ý, thắc mắc, khiếu tố của nhân dân để kịp thời
tiếp thu những ý kiến đúng đắn, tiếp tục chỉnh sửa bổ sung về cơ chế, chính
sách, giá cả đền bù, hỗ trợ, phương pháp tổ chức thực hiện; giải thích rõ những
ý kiến, kiến nghị của nhân dân.
2. Khi có khiếu kiện đông người, phức
tạp, xảy ra “điểm nóng”, cấp ủy,
chính quyền có trách nhiệm nghe, đối thoại trực tiếp với nhân dân, nắm tình
hình, bàn biện pháp giải quyết; tùy theo tính chất, mức độ có thể lập tổ công
tác, phân công nhiệm vụ cho các tổ chức, cơ quan có trách nhiệm tuyên truyền vận
động, giải quyết kịp thời những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của nhân dân.
Trong quá trình giải quyết “điểm nóng”, giải quyết những khiếu tố gay gắt của
nhân dân phải lấy tuyên truyền vận động, giáo dục thuyết phục là chính; phát
huy tốt vai trò của cả hệ thống chính trị, vai trò của những người tích cực, có
uy tín trong cộng đồng dân cư sở tại; phải tổ chức lực lượng kiên trì vận động
đến từng người dân và thực sự cầu thị tiếp thu ý kiến của nhân dân; nghiêm túc
kiểm điểm rút kinh nghiệm, kịp thời sửa chữa, xin lỗi dân về những khuyết điểm,
hạn chế của mình. Đồng thời phải kiên quyết, khôn khéo phát động nhân dân đấu
tranh với những người cực đoan lợi dụng dân chủ để tập hợp quần chúng khiếu tố
sai trái gây mất ổn định về an ninh chính trị. Chỉ tiến hành cưỡng chế khi đã
dùng hết các biện pháp tuyên truyền, vận động, song phải có phương án cụ thể và phải được đại đa số nhân dân đồng
tình ủng hộ, không để tình hình phức tạp thêm.
3. Sau khi thực hiện xong dự án,
chính quyền các cấp phối hợp với Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể
tiếp tục nắm tâm tư nguyện vọng, đời sống ăn ở, sinh hoạt, việc làm, thu nhập của
nhân dân, nhất là những dự án tái định cư để tiếp tục tuyên truyền, vận động và
tham mưu giải quyết, hỗ trợ kịp thời những khó khăn, bức xúc, sớm ổn định cuộc
sống của nhân dân.
Điều 4. Tổ chức thực hiện.
1. Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch
UBND các huyện, thành phố trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình phải
chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy định này và các quy định của pháp luật
về thực hiện dân chủ trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư
phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đồng thời thường xuyên chỉ đạo
đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện; kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án ở từng cơ quan, đơn vị, địa
phương do mình quản lý.
2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh gắn
việc triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về
Quy chế giám sát và phản biện xã hội với việc thực hiện Quy định này. Trong quá
trình thực hiện, cần phối hợp chặt chẽ với UBND
các cấp và các sở, ban, ngành liên quan phổ biến, tuyên truyền trong quần chúng
nhân dân, nhất là tuyên truyền, vận động nhân dân vùng dự án hiểu về chủ trương
đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm của tỉnh để người dân
tích cực hưởng ứng tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, chủ dự
án khẩn trương triển khai dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm tiến độ
theo kế hoạch được phê duyệt.
3. Đề nghị các huyện, thành ủy và Đảng ủy trực thuộc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo
quán triệt và triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định
này trên địa bàn.
4. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với
Ban Dân vận Tỉnh ủy thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực
hiện; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời; đề xuất chính sách khuyến
khích, động viên, khen thưởng những nơi làm tốt, những điển hình trong công tác
tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng và nghiêm túc kiểm điểm, phê bình đối
với những khuyết điểm, hạn chế, xử lý, uốn nắn kịp thời; định kỳ hàng năm báo
cáo cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Dân vận Trung ương về tình
hình, kết quả triển khai thực hiện Quy định này./.