THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 805/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ VIỆC KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT,
TÁC ĐỘNG ĐẾN SỤT LÚN BỀ MẶT ĐẤT KHU VỰC THÀNH PHỐ HÀ NỘI, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ
MINH, ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG, ĐỊNH HƯỚNG QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG BỀN VỮNG
TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật tài nguyên nước ngày
21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP
ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành một số Điều
của Luật tài nguyên nước;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Điều tra, đánh giá việc khai
thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực thành phố
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long; định hướng quản lý,
khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất với các nội dung chủ yếu
sau:
I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Rà soát các quy định hiện hành,
đánh giá thực trạng về công tác quản lý, khai thác nước dưới đất.
2. Xác định hiện trạng khai thác, sử dụng
nước dưới đất và khoanh vùng các khu vực nước dưới đất bị hạ thấp tại thành phố Hà Nội, Thành
phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
3. Đánh giá hiện trạng, diễn biến sụt
lún mặt đất tại các khu vực khai thác nước dưới đất, mực nước dưới đất bị hạ thấp
và xác định mức độ tác động của khai thác nước dưới đất đến sụt lún bề mặt đất.
4. Trên cơ sở thực trạng, kinh nghiệm
quốc tế, đề xuất định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước
dưới đất, giảm thiểu tác động đến sụt lún bề mặt đất.
II. PHẠM VI, THỜI
GIAN THỰC HIỆN
1. Phạm vi thực hiện: Thành phố Hà Nội,
Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
2. Thời
gian thực hiện: Từ năm 2016 đến năm 2020.
III. NHIỆM VỤ CHỦ
YẾU
1. Rà soát hệ thống các văn bản quy định
về quản lý, khai thác nước dưới đất, đánh giá thực trạng, hiệu quả công tác quản
lý, khai thác hiện nay.
2. Điều tra, đánh giá hiện trạng khai
thác, sử dụng nước dưới đất tại khu vực thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh
và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
3. Xác định, lập
bản đồ khoanh vùng phạm vi phễu hạ thấp mực nước dưới đất trong các tầng chứa
nước tại khu vực thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng
Đồng bằng sông Cửu Long.
4. Đánh giá hiện trạng, diễn biến sụt
lún bề mặt đất tại các khu vực khai thác nước dưới đất (tại các phễu hạ thấp mực
nước dưới đất trong các tầng chứa nước; các khu vực khai thác nước dưới đất vượt
ngưỡng khai thác).
5. Phân tích, đánh giá xác định mối liên quan giữa sụt lún bề mặt đất và
khai thác nước dưới đất tại các khu vực bị sụt lún bề mặt đất nằm trong phạm vi
các phễu hạ thấp mực nước dưới đất.
6. Đề xuất, kiến nghị với cơ quan có
thẩm quyền về định hướng quản lý, khai thác, sử dụng phù hợp nước dưới đất nhằm
bảo đảm sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất, các biện pháp giảm thiểu tác
động đến sụt lún bề mặt đất.
IV. PHƯƠNG PHÁP THỰC
HIỆN
1. Phân tích, đánh giá thực trạng, hiệu
quả công tác quản lý khai thác, sử dụng nước dưới đất tại khu vực thành phố Hà
Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
2. Thu thập, tổng hợp, kế thừa các tài liệu Điều
tra, đánh giá về thực trạng, diễn biến nguồn tài nguyên nước dưới đất; tình
hình khai thác, sử dụng nước dưới đất; tình hình, diễn biến sụt lún bề mặt đất tại khu vực thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh
và các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
3. Điều tra, khảo sát đánh giá hiện
trạng khai thác, sử dụng và hiện trạng, diễn biến hạ thấp
mực nước dưới đất tại khu vực thành phố Hà Nội, thành
phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
4. Phân tích, đánh giá và thành lập
các bản đồ khoanh vùng phạm vi các khu vực tập trung khai thác nước dưới đất,
các phễu hạ thấp mực nước trong các tầng chứa nước, các khu vực khai thác vượt
ngưỡng khai thác.
5. Ứng dụng công nghệ viễn thám
(InSAR, DlnSAR), GIS và kết hợp với các công nghệ truyền thống (đo đạc trắc địa,
Điều tra, khảo sát) phân tích, đánh giá hiện trạng, diễn
biến, mức độ sụt lún bề mặt đất tại các khu vực khai thác nước dưới đất (các phễu
hạ thấp mực nước dưới đất trong các tầng chứa nước; các khu vực khai thác nước
dưới đất vượt ngưỡng khai thác).
6. Phân tích, đánh giá xác định mối
liên quan giữa sụt lún bề mặt đất và khai thác nước dưới đất tại các khu vực bị
sụt lún bề mặt đất nằm trong phạm vi các phễu hạ thấp mực nước dưới đất.
V. DỰ KIẾN SẢN PHẨM
CHÍNH CỦA ĐỀ ÁN
1. Các báo cáo:
- Báo cáo tổng thể kết quả thực hiện
Đề án;
- Báo cáo phân tích, đánh giá hiện trạng
khai thác, sử dụng nước dưới đất;
- Báo cáo phân tích, đánh giá hiện trạng sụt lún bề mặt đất tại các khu vực khai thác nước dưới đất;
- Báo cáo đánh giá tác động của khai
thác nước dưới đất đến vấn đề sụt lún bề mặt đất;
- Báo cáo đề xuất các giải pháp giảm
thiểu, khắc phục, kiểm soát tình trạng sụt lún nền đất;
2. Các bản đồ:
- Bản đồ hiện trạng khai thác, sử dụng
nước dưới đất;
- Bản đồ khoanh vùng sụt lún bề mặt đất
do khai thác nước dưới đất;
- Bản đồ đánh giá trữ lượng nước dưới
đất (thu thập kết quả hiện có).
3. Hệ thống cơ sở
dữ liệu của Đề án.
VI. KINH PHÍ THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN
Căn cứ nhiệm vụ của Đề án và các tiêu
chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật được cấp thẩm quyền ban
hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự toán kinh phí thực hiện hằng năm,
thống nhất với Bộ Tài chính để bố trí dự toán ngân sách hằng năm của Bộ Tài
nguyên và Môi trường.
VII. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có
trách nhiệm:
a) Phê duyệt chi Tiết nội dung, dự
toán, phân kỳ thực hiện Đề án, trong đó cần tiếp thu ý kiến
các Bộ, địa phương liên quan, kế thừa các kết quả nghiên cứu đã được thực hiện để Tiết kiệm
thời gian, chi phí; phân công đơn vị thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Đề án; tổ
chức quản lý, triển khai thực hiện Đề án theo đúng quy định hiện hành;
b) Tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết
quả thực hiện Đề án theo quy định;
c) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả
triển khai thực hiện Đề án hằng năm và sau khi hoàn thành Đề án; đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc
quản lý, khai thác, sử dụng nước dưới đất bảo đảm sử dụng bền vững, giảm thiểu
tác động đến sụt lún bề mặt đất.
d) Chuyển giao, hướng dẫn các cơ
quan, địa phương liên quan sử dụng các kết quả
thực hiện Đề án.
2. Các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Xây
dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan phối hợp với Bộ Tài
nguyên và Môi trường trong việc tổ chức thực hiện Đề án; chỉ đạo các cơ quan,
đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ, cung cấp các kết quả đã nghiên cứu, Điều
tra, đánh giá từ các Đề tài, dự án đã được thực hiện nhằm sử dụng có hiệu quả
các nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ, Tiết kiệm chi phí.
3. Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu
tư có trách nhiệm cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện Đề án theo quy định của
Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật hiện hành.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng: Tài nguyên và Môi trường, Tài
chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và
Công nghệ, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc phạm
vi Đề án và Thủ
trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP; TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KGVX;
- Lưu: Văn thư, KTN(3b). Tuynh 46
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|