ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số: 46/2008/QĐ-UBND
|
Long Xuyên, ngày 19
tháng 12 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH BẢNG GIÁ CÁC LOẠI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về
phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất;
Căn cứ Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11
năm 2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại
đất;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2008/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2008 của Hội đồng
nhân dân tỉnh An Giang về việc sửa đổi, bổ sung giá các loại đất trên địa bàn
tỉnh An Giang năm 2009;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này “Quy định Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh
An Giang”.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ ngày ký và bãi bỏ Quyết định
số 80/2007/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang
về việc ban hành quy định Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh An Giang và
Quyết định số 33/2008/QĐ-UBND ngày 03 tháng 9 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh
An Giang về việc sửa đổi, bổ sung giá các loại đất ban hành kèm theo Quyết định
số 80/2007/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.
Điều 3. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức và cá nhân có tham
gia vào quan hệ sử dụng đất chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường (b/c);
- Website Chính phủ, Cục Kiểm tra VB (Bộ Tư pháp);
- TT. TU, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã và thành phố;
- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh;
- Lưu: VT, P. TH, KT, XDCB, NC, TT. Công báo.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vương
Bình Thạnh
|
QUY ĐỊNH
BẢNG
GIÁ CÁC LOẠI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo
Quyết định số 46/2008/QĐ-UBND ngày 19 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân
tỉnh An Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp
dụng
1. Giá đất được Ủy ban nhân dân tỉnh quy định
theo Quyết định này sử dụng làm căn cứ để:
a) Tính thuế đối với việc sử dụng đất và
chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
b) Tính tiền sử dụng đất và tiền thuê đất khi
giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu
dự án có sử dụng đất cho các trường hợp quy định tại Điều 34 và Điều 35 của
Luật Đất đai năm 2003;
c) Tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao
đất không thu tiền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân trong các trường hợp
quy định tại Điều 33 của Luật Đất đai năm 2003;
d) Tính giá trị quyền sử dụng đất để thu lệ
phí trước bạ theo quy định của pháp luật;
đ) Tính giá trị quyền sử dụng đất để bồi
thường khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi
ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế quy định tại Điều 39,
Điều 40 của Luật Đất đai năm 2003;
e) Tính tiền bồi thường đối với người có hành
vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước theo quy định của
pháp luật.
2. Trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất
theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất,
thì mức giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất hoặc trúng đấu thầu dự án có sử
dụng đất không được thấp hơn mức giá theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Quy định này không áp dụng đối với:
a) Các phương án bồi thường giải phóng mặt
bằng đã được phê duyệt từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 trở về trước.
b) Trường hợp người có quyền sử dụng đất tự
thỏa thuận về giá đất khi thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê
lại quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Điều 2. Các loại đất
được quy định giá
Căn cứ Luật Đất đai năm 2003 và tình hình
thực tế của địa phương, giá các loại đất được quy định:
1. Đất nông nghiệp gồm các loại đất:
a) Đất trồng cây hàng năm (đất trồng lúa, đất
trồng cỏ chăn nuôi, đất lan bồi, đất trồng cây hàng năm khác).
b) Đất trồng cây lâu năm.
c) Đất nuôi trồng thủy sản.
d) Đất rừng sản xuất.
2. Đất phi nông nghiệp gồm các loại đất:
a) Đất ở: đất ở tại đô thị, đất ở tại nông
thôn, đất ở ven đô.
Đất ở ven đô là khu vực tiếp giáp giữa đất ở
đô thị và đất ở nông thôn trong cùng một huyện, thị xã và thành phố (gọi tắt là
huyện). Phạm vi đất ở ven đô do Ủy ban nhân dân cấp huyện xác định, giới hạn từ
chân lộ giới vào trong 100 mét. Luật Đất đai năm 2003 và khung giá đất của
Chính phủ không có giá đất ở ven đô thị. Nhưng xét tình hình thực tế của địa
phương, cần thiết phải có giá đất ở vùng ven đô thị để không có sự cách biệt
quá lớn giữa giá đất ở đô thị và đất ở nông thôn liền kề.
b) Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp:
đất xây dựng các khu công nghiệp; đất xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh; đất sử
dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.
c) Đất dùng cho các mục đích: xây dựng trụ sở
cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp; an ninh, quốc phòng; các cơ sở tôn
giáo; đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; nghĩa trang, nghĩa địa; đất sử
dụng vào mục đích công cộng; đất phi nông nghiệp khác.
d) Đất chưa sử dụng (đất bằng, đất đồi núi,
núi đá không có cây rừng).
Chương II
CĂN CỨ
XÁC ĐỊNH GIÁ ĐẤT
Điều 3. Đất nông
nghiệp
Việc định giá đất nông nghiệp được thực hiện
căn cứ vào vị trí đất theo bảng giá đất như sau:
1. Đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu
năm, đất nuôi trồng thủy sản được phân tối đa 3 vị trí. Đất tại vị trí 1 có giá
cao nhất.
Vị trí được xác định cụ thể trong bảng giá
đất theo từng huyện, thị xã và thành phố.
2. Giá đất rừng sản xuất: phân thành 1 vị trí.
3. Giá đất trong một số trường hợp đặc biệt:
a) Đối với đất vườn, ao trong cùng thửa đất
có nhà ở nhưng không được xác định là đất ở thì giá đất tính bằng 2 lần giá đất
trồng cây lâu năm của vị trí 1 cùng vùng.
b) Đối với đất nông nghiệp trong phạm vi giới
hạn đô thị của thành phố, thị xã, thị trấn được tính bằng với giá đất của vị
trí 1.
c) Đối với đất nông nghiệp tiếp giáp quốc lộ,
tỉnh lộ, đường liên xã, lộ giao thông nông thôn, giao thông thủy (sông Tiền,
sông Hậu, kênh cấp I, cấp II) được xác định như sau:
- Giới hạn cự ly tiếp giáp trong phạm vi 150
mét tính từ chân lộ hiện hữu, bờ sông, bờ kênh hiện hữu được xác định là vị trí
1;
- Giới hạn cự ly từ 151 mét đến 450 mét được
xác định là vị trí 2;
- Các khu vực còn lại được tính bằng giá đất
của vị trí 3.
Điều 4. Đất ở nông
thôn
Việc định giá đất ở nông thôn được thực hiện
căn cứ vào phân loại xã và vị trí đất theo bảng giá đất như sau:
1. Đất ở nông thôn tại trung tâm chợ xã (kể
cả chợ ở nông thôn nằm ngoài trung tâm chợ xã), trung tâm hành chính xã được
xác định giá đất theo từng chợ, từng trung tâm hành chính cụ thể.
2. Mỗi loại có 2 mức giá tương ứng với 2 vị
trí:
a) Vị trí 1: các dãy nhà tiếp giáp mặt tiền
tính bằng 100%.
b) Vị trí 2: các dãy nhà phía trong tính bằng
60% của vị trí 1.
c) Trường hợp thửa đất ở cùng một hộ sử dụng
có chiều sâu trên 50 mét, thì 50 mét đầu tính bằng 100% giá đất vị trí 1, diện
tích còn lại (chiều sâu trên 50 mét) tính bằng 60% của vị trí 1.
3. Giới hạn phạm vi bán kính tiếp giáp đối
với trung tâm chợ xã, các trung tâm chợ nông thôn nằm ngoài trung tâm chợ xã,
trung tâm hành chính xã là 100 mét.
Điều 5. Đất ở đô thị
Đất ở đô thị được phân theo loại đường phố và
vị trí để định giá. Loại đường phố căn cứ vào điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi
cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh dịch vụ, có khả năng sinh lợi, khoảng cách
đến trung tâm đô thị, thương mại dịch vụ. Mỗi loại đường phố được phân từng
đoạn đường phố; mỗi đường phố hoặc đoạn đường phố được phân tối đa 04 vị trí
(căn cứ vào vị trí tiếp giáp mặt tiền đường phố hay ở phía trong của đường
phố).
1. Phân loại đường phố: thành phố Long Xuyên
và thị xã Châu Đốc được phân thành 04 loại đường phố; các huyện được phân thành
03 loại đường phố. Đường phố loại I có giá đất cao nhất trong nội thành, nội
thị.
2. Phân đoạn đường phố: căn cứ cơ sở hạ tầng
và khả năng sinh lợi, đường phố được phân nhiều đoạn đường có mức giá khác
nhau.
3. Phân loại vị trí: mỗi đường phố hoặc đoạn
đường phố được phân tối đa 04 vị trí:
a) Thành phố Long Xuyên và thị xã Châu Đốc:
- Vị trí 1: dãy nhà phía trước, tiếp giáp mặt
tiền đường phố, có giá cao nhất.
- Vị trí 2: dãy nhà phía sau hoặc trong hẻm
của đường phố có chiều rộng từ 3 mét trở lên, điều kiện sinh hoạt thuận lợi, cơ
sở hạ tầng hoàn chỉnh (như mặt đường láng nhựa hoặc láng xi-măng, hệ thống cấp
thoát nước tương đối hoàn chỉnh), giá đất bằng 60% của vị trí 1.
- Vị trí 3: trong hẻm của đường phố có chiều
rộng dưới 3 mét, điều kiện sinh hoạt kém hơn vị trí 2, giá đất bằng 40% của vị
trí 1.
- Vị trí 4: trong hẻm của hẻm thuộc vị trí 2
hoặc vị trí 3, có điều kiện sinh hoạt kém, giá đất bằng 20% của vị trí 1.
Trừ các đường hẻm đã xác định giá đất cụ thể
trong bảng giá đất.
b) Các thị trấn:
- Vị trí 1: dãy nhà phía trước, tiếp giáp mặt
tiền đường phố, có giá cao nhất.
- Vị trí 2: dãy nhà phía sau hoặc trong hẻm
của đường phố có chiều rộng từ 2,5 mét trở lên, điều kiện sinh hoạt thuận lợi,
giá đất bằng 60% của vị trí 1.
- Vị trí 3: trong hẻm của đường phố có chiều
rộng dưới 2,5 mét, điều kiện sinh hoạt kém hơn vị trí 2, giá đất bằng 40% của
vị trí 1.
- Vị trí 4: trong hẻm của hẻm thuộc vị trí 2 hoặc
vị trí 3, có điều kiện sinh hoạt kém, giá đất bằng 20% của vị trí 1.
Điều 6. Đất ở ven đô
thị, trục giao thông
1. Được phân theo 2 vị trí đất, gồm vị trí 1
và vị trí 2. Giá đất tính bằng giá bình quân giữa đất ở đô thị với đất ở nông
thôn liền kề.
a) Vị trí 1: các dãy nhà tiếp giáp mặt tiền
tính bằng 100%.
b) Vị trí 2: các dãy nhà phía sau hoặc trong
hẻm của trục giao thông tính bằng 60% của vị trí 1.
2. Trường hợp thửa đất ở cùng một hộ sử dụng
có chiều sâu trên 50 mét, thì 50 mét đầu tính bằng 100% giá đất vị trí 1, diện
tích còn lại (chiều sâu trên 50 mét) tính bằng 60% của vị trí 1.
Điều 7. Đất sản xuất,
kinh doanh
1. Đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất,
kinh doanh tại đô thị, ven đô, nông thôn: bằng 70% giá đất ở liền kề.
2. Đất chuyên dùng làm nguyên liệu sản xuất
gốm sứ, gạch ngói: bằng giá đất nông nghiệp liền kề.
Điều 8. Giá các loại
đất phi nông nghiệp khác (đất chuyên dùng) và đất chưa sử dụng
1. Đối với đất xây dựng trụ sở cơ quan và đất
xây dựng công trình sự nghiệp; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất
tôn giáo, tín ngưỡng (bao gồm đất do các cơ sở tôn giáo sử dụng, đất có công
trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ); đất phi nông nghiệp khác
(bao gồm đất xây dựng nhà bảo tàng, nhà bảo tồn, nhà trưng bày tác phẩm nghệ
thuật, cơ sở sáng tác văn hóa nghệ thuật). Giá đất tính bằng với giá đất ở liền
kề.
2. Đối với đất sử dụng vào các mục đích công
cộng theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP và các
loại đất phi nông nghiệp khác (bao gồm đất cho các công trình xây dựng khác của
tư nhân không nhằm mục đích kinh doanh và không gắn liền với đất ở; đất làm nhà
nghỉ, lán, trại cho người lao động; đất đô thị được sử dụng để xây dựng nhà
phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp
trên đất; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi động vật được pháp luật cho phép;
đất xây dựng trạm, trại nghiên cứu thí nghiệm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy
sản; đất xây dựng nhà kho, nhà của hộ gia đình, cá nhân để chứa nông sản, thuốc
bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ sản xuất nông nghiệp). Giá đất bằng
70% giá đất ở liền kề.
3. Đối với đất sông, ngòi, kênh, rạch suối và
mặt nước chuyên dùng sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản thì giá đất bằng
với giá đất trồng cây hàng năm và đất nuôi trồng thủy sản liền kề; sử dụng vào
mục đích phi nông nghiệp hoặc sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp kết hợp với
nuôi trồng khai thác thủy sản thì giá đất bằng với giá đất phi nông nghiệp liền
kề.
4. Đối với đất làm nghĩa trang, nghĩa địa và
các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng (bao gồm đất bằng chưa sử dụng, đất
đồi núi chưa sử dụng, núi đá không có rừng cây) thì giá đất bằng với giá loại
đất liền kề.
Điều 9. Đất khu vực
giáp ranh, tiếp giáp
1. Xác định phạm vi giáp ranh:
a) Đối với đất nông nghiệp tại các khu vực
đất giáp ranh được xác định từ đường phân địa giới hành chính giữa các huyện,
thị xã và thành phố vào sâu địa phận mỗi huyện là 500 mét.
b) Đối với đất phi nông nghiệp ở nông thôn
tại khu vực đất giáp ranh được xác định từ đường phân địa giới hành chính giữa
các huyện vào sâu địa phận mỗi huyện là 300 mét.
c) Đối với đất phi nông nghiệp ở đô thị thuộc
cùng một loại đô thị theo quy định hiện hành thì khu vực đất giáp ranh được xác
định từ đường phân địa giới hành chính giữa các huyện vào sâu địa phận mỗi huyện
là 200 mét.
d) Trường hợp khu vực đất giữa các huyện bị
ngăn cách bởi sông, hồ, kênh có chiều rộng từ 100 mét trở xuống thì khu vực đất
giáp ranh được xác định từ bờ sông, bờ hồ, bờ kênh của mỗi bên vào sâu địa phận
của mỗi huyện như quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều này. Nếu
chiều rộng của sông, hồ, kênh trên 100 mét thì không xếp loại đất giáp ranh.
đ) Đất ở nông thôn tiếp giáp quốc lộ, phạm vi
tiếp giáp tối đa là 100 mét kể từ chân lộ giới hiện hữu; đất ở nông thôn tiếp
giáp tỉnh lộ, đường liên xã được giới hạn cự ly tối đa là 50 mét kể từ chân lộ
giới hiện hữu.
2. Trường hợp phân vệt giáp ranh để tính giá
đất vùng giáp ranh mà dẫn đến thửa đất cùng một hộ sử dụng có 2 mức giá khác
nhau thì toàn bộ thửa đất đó được tính theo giá đất có mức giá cao nhất.
3. Giá đất khu vực giáp ranh bằng giá bình
quân của các loại đất liền kề.
Điều 10. Xử lý một số trường hợp đặc biệt đối
với đất ở đô thị và ven đô thị
1. Trường hợp thửa đất ở đô thị cùng một hộ
sử dụng có chiều sâu trên 25 mét: thì 25 mét đầu tính bằng 100% giá đất vị trí
1, diện tích đất còn lại (chiều sâu trên 25 mét) tính bằng 60% giá đất vị trí
1.
2. Đất nằm ngay giao lộ (tiếp giáp 2 mặt tiền
trở lên): thì tính theo giá đất của đường phố có giá cao nhất và nhân 1,2.
3. Trường hợp cùng trên một trục đường được
chia thành các đoạn có mức giá khác nhau thì giá đất tại vị trí tiếp giáp giữa
2 đoạn giáp ranh (trên địa bàn huyện) được tính giá như sau:
a) Đối với đất ở đô thị giáp ranh giữa 2 đoạn
đường có mức giá khác nhau; đất ở đô thị giáp ranh với đất ở ven đô thị được
tính giá bình quân của đoạn giáp ranh trong phạm vi 50 mét.
b) Đối với đất ở ven đô thị hoặc đất ở đô thị
giáp ranh với đất ở nông thôn được tính giá bình quân của 2 đoạn giáp ranh
trong phạm vi 100 mét.
4. Trường hợp đất mặt tiền đường là đất ở đô
thị, phía sau là đất ở ven đô hoặc mặt tiền là đất ở ven đô thị, phía sau là
đất ở nông thôn thì không áp dụng cách tính giá đất giáp ranh.
5. Đối với thửa đất có vị trí không nằm mặt
tiền đường mà phải qua con mương lộ thì giá đất bằng 80% giá đất nằm ngay mặt
tiền đường.
6. Đối với các đường dân sinh hai bên hông
cầu:
a) Thành phố Long Xuyên và thị xã Châu Đốc:
- Đối với các đường có chiều rộng từ 3 mét
trở lên, điều kiện sinh hoạt thuận lợi, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, giá
đất bằng 60% của vị trí 1.
- Đối với các đường có chiều rộng dưới 3 mét,
điều kiện sinh hoạt kém, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, giá đất bằng 40% của vị
trí 1.
b) Các huyện:
- Đối với các đường có chiều rộng từ 2,5 mét
trở lên, điều kiện sinh hoạt thuận lợi, giá đất bằng 60% của vị trí 1.
- Đối với các đường có chiều rộng dưới 2,5
mét, điều kiện sinh hoạt kém, giá đất bằng 40% của vị trí 1.
Chương III
BẢNG GIÁ
CÁC LOẠI ĐẤT
Điều 11. Bảng giá các
loại đất
1. Bảng giá các loại đất được ban hành kèm
theo Quyết định cùng với bản Quy định này.
2. Bảng giá các loại đất được xác định theo
địa bàn: huyện, thị xã và thành phố đối với từng loại đất, gồm:
a) Đất ở đô thị, ven đô thị.
b) Đất ở nông thôn.
c) Đất nông nghiệp.
Điều 12. Điều chỉnh
giá các loại đất
1. Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào các quy
định hiện hành để điều chỉnh lại giá đất tại khu vực có thay đổi cho phù hợp
trong các trường hợp sau:
a) Khi cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy
hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất, loại đô thị, loại
đường phố và vị trí đất.
b) Khung giá đất của Chính phủ có điều chỉnh.
2. Đối với trường hợp Nhà nước giao đất có
thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc
đấu thầu dự án có sử dụng đất, Nhà nước thu hồi đất và trường hợp doanh nghiệp
nhà nước tiến hành cổ phần hóa lựa chọn hình thức giao đất mà giá đất trong Quy
định này chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị
trường trong điều kiện bình thường thì Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào giá
chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tại địa phương để quyết
định mức giá cụ thể cho phù hợp không bị giới hạn bởi các quy định tại khoản 5
Điều 1 Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ.
Chương IV
TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Điều 13. Tổ chức thực
hiện
1. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính
chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Quy định
này và giải quyết các trường hợp vướng mắc phát sinh về giá đất theo thẩm
quyền; tổ chức mạng lưới thống kê giá đất, điều tra và theo dõi biến động giá
đất trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ định giá đất.
2. Các Sở, ngành theo chức năng có trách
nhiệm chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện giá đất theo quy
định tại Quyết định này./.
FILE ĐƯỢC
ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|