QUY ĐỊNH
Chương I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định việc thi
hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật trên địa
bàn tỉnh Bình Thuận theo quy định tại Khoản 4, Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp;
thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thi
hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật trên địa
bàn tỉnh Bình Thuận; các bên tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Quyết định giải
quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là
quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình
Thuận; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết
(sau đây gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện) trong thời hạn 30
ngày, kể từ ngày được giao và công bố quyết định cho các bên tranh chấp đất đai
mà một hoặc các bên không khiếu nại đến người có thẩm quyền hoặc khởi kiện đến
Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Điều 4. Nguyên tắc thi hành quyết định giải quyết tranh chấp
đất đai có hiệu lực pháp luật
1. Các quyết định
giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan nghiêm chỉnh chấp hành. Người có trách nhiệm thi
hành mà không thi hành phải bị xử lý theo quy định pháp luật.
2. Việc tổ chức
thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật phải gắn
với công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và thuyết phục tổ chức, cá nhân
liên quan tự nguyện, tự giác chấp hành quyết định.
3. Tôn trọng sự
thỏa thuận của các bên liên quan trong việc thực hiện quyết định giải quyết
tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật
và đạo đức xã hội. Việc thỏa thuận thi hành quyết định có thể thực hiện ở bất kỳ
giai đoạn nào của quá trình thi hành quyết định.
4. Việc tạm
hoãn tổ chức thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp
luật, chỉ thực hiện khi có văn bản tạm đình chỉ của người có thẩm quyền theo
quy định pháp luật.
Chương II
CÔNG
KHAI QUYẾT ĐỊNH VÀ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI CÓ HIỆU LỰC PHÁP
LUẬT
Điều 5. Việc giao, công bố quyết định giải quyết tranh chấp
đất đai cho các bên tranh chấp đất đai
1. Trong thời
hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày người có thẩm quyền ban hành quyết định giải
quyết tranh chấp đất đai, cơ quan Tài nguyên và Môi trường cùng cấp có trách
nhiệm mời các bên tranh chấp, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến giao
và công bố quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
2. Việc giao
và công bố quyết định được lập thành biên bản và phải được thành phần tham dự,
các bên tranh chấp ký tên hoặc điểm chỉ.
3. Trường hợp
một hoặc các bên tranh chấp không nhận quyết định, không ký tên hoặc điểm chỉ
vào biên bản thì cán bộ ghi rõ lý do và có 02 người chứng kiến, ký tên. Cơ quan
Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm triển khai quyết định tiến hành niêm yết
công khai quyết định tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp và thông
báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa chỉ thường trú các bên tranh chấp, việc
niêm yết phải được lập thành biên bản. Thời gian niêm yết 30 ngày, ngày bắt đầu
niêm yết được xem là ngày quyết định đã được giao.
Điều 6. Giao nhiệm vụ thi hành quyết định có hiệu lực pháp
luật
Trong nội dung
của quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, người có thẩm quyền ra quyết định
giải quyết tranh chấp đất đai phải giao nhiệm vụ cho cơ quan Tài nguyên và Môi
trường cùng cấp phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân
dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để tổ chức thi hành quyết định giải quyết
tranh chấp đất đai khi quyết định có hiệu lực pháp luật.
Điều 7. Thời hạn tổ chức triển khai thi hành quyết định
Sau khi quyết
định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật, trong thời hạn 30
ngày, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định
(sau đây gọi chung là người được giao nhiệm vụ thi hành quyết định) phải tổ chức
triển khai quyết định đó theo quy định pháp luật và yêu cầu các bên tranh chấp
đất đai phải chấp hành quyết định.
Điều 8. Công việc chuẩn bị trước khi tổ chức thi hành quyết
định
Người được
giao nhiệm vụ thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực
pháp luật phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quyết định. Kế hoạch phải
chi tiết, tùy theo tính chất của từng vụ việc mà thể hiện rõ yêu cầu, nội
dung, thời gian, biện pháp thực hiện và thành phần tham dự.
Điều 9. Địa điểm và thành phần tham gia thi hành quyết định
1. Tùy theo
tính chất của từng vụ việc, người được giao nhiệm vụ thi hành quyết định có thể
lựa chọn một trong các địa điểm triển khai sau: Tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp
huyện, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, tại địa điểm sinh hoạt chung của khu
dân cư nơi có đất tranh chấp hoặc tại trụ sở cơ quan được giao nhiệm vụ tổ
chức thi hành quyết định.
2. Thành phần
tham dự triển khai quyết định bao gồm: Cán bộ, công chức của cơ quan có trách
nhiệm thi hành quyết định; các bên tranh chấp (hoặc người đại diện); người có
quyền, nghĩa vụ liên quan và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc
thi hành quyết định.
3. Trước khi
tiến hành cuộc họp triển khai quyết định, người được giao nhiệm vụ thi hành
quyết định phải có văn bản thông báo (hoặc giấy mời) gửi đến các cơ quan,
tổ chức, cá nhân có liên quan trước ít nhất 05 ngày so với thời điểm họp triển
khai.
Điều 10. Nội dung triển khai thi hành quyết định
1. Người được giao
nhiệm vụ thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật
trực tiếp triển khai quyết định, giải thích căn cứ pháp luật giải quyết tranh
chấp, quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan; yêu cầu các bên đương sự chấp
hành quyết định.
2. Việc tổ chức
triển khai thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp
luật phải được lập thành biên bản, ghi chép, phản ánh đầy đủ nội dung kết luận
quyết định giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất, kèm theo sơ đồ vị trí thửa
đất được bàn giao; ghi nhận ý kiến thống nhất hoặc không thống nhất của các bên
tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có).
3. Trong quá
trình triển khai quyết định, nếu các bên tự thỏa thuận được, mà việc thỏa
thuận đó không trái pháp luật và đạo đức xã hội hoặc bên phải thi hành quyết định
tự nguyện giao trả diện tích đất tranh chấp, thì người được giao nhiệm vụ
thi hành quyết định phải tổ chức đo đạc, cắm mốc, lập biên bản bàn giao trên thực
địa diện tích đất tranh chấp cho người được công nhận quyền sử dụng đất. Biên bản
bàn giao đất phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp,
lưu giữ trong hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai và chuyển đến cơ quan có thẩm
quyền để cấp quyền sử dụng đất.
Điều 11. Trường hợp các bên tranh chấp, người có quyền
lợi, nghĩa vụ liên quan không đến dự
Trường hợp đã
thông báo hoặc gửi giấy mời hợp lệ đến lần thứ hai mà một trong các bên tranh
chấp hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan vắng mặt mà không có lý do chính
đáng hoặc cố tình trì hoãn, trốn tránh thì người được giao nhiệm vụ thi hành
quyết định vẫn triển khai quyết định giải quyết tranh chấp, đồng thời mời đại
diện chính quyền địa phương, đại diện tổ chức đoàn thể và có ít nhất 02 người
chứng kiến ký tên xác nhận.
Điều 12. Trường hợp không chấp hành quyết định
Sau khi tổ chức
thi hành quyết định, nếu các bên không tự thỏa thuận được hoặc bên phải
thi hành quyết định không đồng ý giao trả diện tích đất tranh chấp, thì người
được giao nhiệm vụ thi hành quyết định báo cáo cho người có thẩm quyền ra quyết
định và đồng thời chuyển hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổ chức cưỡng
chế thi hành theo quy định tại Chương III của Quy định này.
Chương III
TRÌNH
TỰ, THỦ TỤC CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI CÓ
HIỆU LỰC PHÁP LUẬT
Điều 13. Thành lập Ban cưỡng chế thi hành quyết định
giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật
1. Sau khi hết
thời hạn 30 ngày tổ chức thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có
hiệu lực pháp luật, nhưng các bên không tự thỏa thuận được hoặc bên phải thi
hành quyết định không đồng ý giao trả diện tích đất tranh chấp, thì trong thời
hạn 10 ngày cơ quan Tài nguyên và Môi trường cấp huyện có trách nhiệm tham mưu
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Ban cưỡng chế thi hành quyết
định (sau đây gọi tắt là Ban cưỡng chế).
2. Thành phần
Ban cưỡng chế gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (Trưởng
Ban), Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (Phó Ban), Tài chính, Thanh tra, Tư
pháp, Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất đã giải quyết tranh
chấp (Thành viên) và một số chuyên viên có chuyên môn nghiệp vụ; mời đại diện
các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia.
Điều 14. Nộp đơn yêu cầu thi hành quyết định giải quyết
tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật
1. Người
được thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai phải nộp đơn yêu cầu thi
hành quyết định tại Ủy ban nhân dân cấp huyện (tại Trụ sở tiếp công dân) sau
khi quyết định có hiệu lực pháp luật mà chưa được thi hành.
2. Trụ sở
tiếp công dân cấp huyện phải vào sổ nhận đơn, ra phiếu nhận
đơn và chuyển đơn cho Ban cưỡng chế.
Điều 15. Ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định giải
quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật
1. Trong thời
hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu thi hành quyết định, Ban cưỡng
chế tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng
chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật.
2. Nội dung
quyết định cưỡng chế phải đầy đủ thông tin cá nhân, địa chỉ của người bị cưỡng
chế; thông tin thửa đất, diện tích đất, vị trí thửa đất, nơi đất tọa lạc để đảm
bảo thi hành cưỡng chế đúng đối tượng.
Điều 16. Lập kế hoạch và phương án cưỡng chế
1. Ban cưỡng
chế phải lập kế hoạch và phương án cưỡng chế trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện phê duyệt.
2. Kế hoạch cưỡng
chế phải gồm các nội dung: Thời gian, lực lượng tham gia cưỡng
chế, phương án tiến hành cưỡng chế; dự trù mức chi phí cưỡng chế. Trên cơ sở kế
hoạch cưỡng chế được phê duyệt, Ban cưỡng chế làm thủ tục tạm ứng kinh phí cho
hoạt động cưỡng chế và các biện pháp cưỡng chế.
3. Phương án tổ
chức cưỡng chế phải nêu rõ các bước tiến hành cưỡng chế, công tác bố trí lực lượng,
sử dụng phương tiện và công cụ để tiến hành việc cưỡng chế. Phải dự trù và
phòng ngừa các tình huống xấu có thể xảy ra khi tiến hành cưỡng chế.
Chương IV
TỔ
CHỨC CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI CÓ HIỆU LỰC
PHÁP LUẬT
Điều 17. Việc giao, thông báo quyết định cưỡng chế
1. Trong thời
hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế, Ban cưỡng chế phải
thông báo bằng văn bản đến người phải thi hành quyết định và niêm yết công khai
tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đất tọa lạc về thời gian và địa điểm tiến
hành cưỡng chế.
2. Quyết định
cưỡng chế được giao trực tiếp cho tổ chức, cá nhân bị
cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Mọi trường hợp
giao nhận quyết định cưỡng chế phải lập biên bản.
a) Trường hợp
đối tượng bị cưỡng chế là tổ chức thì quyết định được giao trực tiếp cho người
đại diện hợp pháp của tổ chức đó và phải ký nhận;
b) Trường hợp
đối tượng cưỡng chế là cá nhân thì quyết định cưỡng chế được giao trực tiếp cho
cá nhân đó; trường hợp vắng mặt thì quyết định được giao cho thành viên trong gia
đình có đủ năng lực hành vi dân sự và phải ký nhận hoặc điểm chỉ;
c) Trường hợp
gia đình cá nhân bị cưỡng chế không có thành viên đủ năng lực hành vi dân sự hoặc
có thành viên đủ năng lực hành vi dân sự nhưng họ từ chối nhận quyết định hoặc
người bị cưỡng chế vắng mặt mà không rõ lý do thì phải lập biên bản về việc
không thực hiện được việc giao nhận, có chữ ký của Trưởng thôn, khu phố và xác
nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Trong trường
hợp không thực hiện được việc giao quyết định cưỡng chế theo Khoản 2 Điều này
thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế phải niêm yết công khai quyết định cưỡng
chế tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cá nhân, tổ chức bị cưỡng
chế và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương trong thời
hạn ít nhất là 10 ngày kể từ ngày đăng thông báo hoặc niêm yết. Ngày bắt đầu
niêm yết hoặc bắt đầu đăng thông báo được coi là ngày quyết định cưỡng chế đã
được giao.
4. Việc niêm yết
công khai theo Khoản 3 Điều này phải được lập biên bản trong đó ghi rõ giờ,
ngày, tháng, năm niêm yết, thời gian kết thúc niêm yết và người thực hiện niêm
yết, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Điều
18. Địa điểm và thành phần triển khai quyết định cưỡng chế
1. Sau khi đã tiến hành
giao quyết định cưỡng chế hoặc đã niêm yết công khai theo quy định tại Điều 17,
Ban cưỡng chế có thể lựa chọn một trong các địa điểm triển khai quyết định như
sau: Tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, tại địa
điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất tranh chấp hoặc tại trụ sở cơ
quan được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định.
2. Thành phần tham dự
triển khai quyết định bao gồm: Ban cưỡng chế; các bên tranh chấp đất đai (hoặc
người đại diện); người có quyền, nghĩa vụ liên quan và đại diện các cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành quyết định cưỡng chế.
3. Trước khi tiến hành
triển khai quyết định cưỡng chế, Ban cưỡng chế phải có văn bản thông báo (hoặc
giấy mời) gửi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trước ít nhất 05
ngày so với thời điểm họp.
4. Việc triển khai quyết
định cưỡng chế phải được lập thành biên bản, ghi chép, phản ánh đầy đủ nội dung
kết luận giải quyết; kèm theo sơ đồ vị trí thửa đất, có định vị phần đất tranh
chấp được bàn giao; ý kiến của các bên tranh chấp và người có quyền lợi, nghĩa
vụ liên quan.
Điều
19. Nội dung tiến hành triển khai quyết định cưỡng chế
1. Trước khi
tiến hành cưỡng chế, Ban cưỡng chế tổ chức vận động, thuyết phục, đối thoại với
người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban cưỡng chế lập biên
bản ghi nhận sự chấp hành và thực hiện việc giao đất cho người được thi hành
quyết định.
2. Trường hợp
người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban cưỡng chế tổ chức
thực hiện cưỡng chế theo quy định.
3. Ban cưỡng
chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi
khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản (tài sản không gắn liền với đất) ra khỏi
khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển
người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.
4. Trường hợp
người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban cưỡng chế phải lập biên bản, tổ
chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho
người có tài sản nhận lại tài sản. Chi phí bảo quản tài sản đó do chủ sở hữu
tài sản chịu trách nhiệm thanh toán.
5. Trường hợp
phải xử lý phần giá trị còn lại của giá trị đầu tư vào đất hoặc tài sản gắn liền
với đất (nếu có) thì cơ quan có thẩm quyền ban hành Quyết định cưỡng chế xem
xét xử lý theo trình tự quy định của pháp luật
Điều 20. Đo đạc, xác định mốc giới, giao đất ngoài thực
địa
1. Ban cưỡng
chế căn cứ kế hoạch cưỡng chế đã được phê duyệt phối hợp cơ quan Tài nguyên và
Môi trường cùng cấp cùng với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất đã được giải quyết
tranh chấp tiến hành đo đạc, xác định mốc giới phần diện tích tranh chấp và lập
biên bản giao đất tại thực địa cho người được công nhận quyền sử dụng đất theo
quyết định giải quyết tranh chấp đã có hiệu lực pháp luật.
2. Biên bản
bàn giao đất trên thực địa phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất
tranh chấp, được lưu giữ trong hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai và chuyển đến
cơ quan có thẩm quyền để cấp quyền sử dụng đất.
Điều 21. Trường hợp các bên tranh chấp, hoặc người có quyền
lợi, nghĩa vụ liên quan không đến dự
Trường hợp đã
thông báo hoặc gửi giấy mời hợp lệ đến lần thứ hai mà một trong các bên tranh
chấp hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan vắng mặt mà không có lý do chính
đáng hoặc cố tình trì hoãn, trốn tránh thì cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức
thi hành quyết định vẫn triển khai quyết định cưỡng chế giải quyết tranh chấp
có hiệu lực pháp luật, đồng thời phải mời đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi
có đất bị cưỡng chế, đại diện tổ chức đoàn thể và có ít nhất 02 người chứng kiến
ký tên xác nhận.
Điều
22. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong quá trình thi hành cưỡng chế
1. Ban cưỡng chế có
trách nhiệm bảo đảm trật tự trong quá trình thi hành cưỡng chế.
2. Đối với những vụ việc
cưỡng chế phức tạp, có khả năng gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại
địa phương, Ban cưỡng chế chủ động phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp bàn
phương án bảo đảm trật tự, an toàn cho việc cưỡng chế.
3. Trường hợp có yêu cầu
lực lượng Công an tham gia trong quá trình cưỡng chế thì Ban cưỡng chế phải gửi
văn bản đến cơ quan Công an cùng cấp chậm nhất 05 ngày trước khi thực hiện cưỡng
chế để đề nghị bố trí lực lượng tham gia.
4. Ban cưỡng chế cung cấp
cho cơ quan Công an đầy đủ các thông tin có liên quan đến việc cưỡng chế, gồm:
Họ, tên, địa chỉ của người bị cưỡng chế, dự kiến thời gian, địa điểm tiến hành
cưỡng chế, tóm tắt nội dung vụ việc, biện pháp cưỡng chế, tính chất phức tạp của
vụ việc để cơ quan Công an xây dựng phương án bảo vệ, điều động lực lượng kịp
thời xử lý các tình huống xảy ra.
Điều 23. Kết thúc việc cưỡng chế
1. Việc cưỡng
chế kết thúc khi thực hiện xong việc đo đạc, xác định mốc giới phần diện tích đất
tranh chấp và lập biên bản bàn giao đất ngoài thực địa cho người được công nhận
quyền sử dụng đất. Ban cưỡng chế có trách nhiệm báo cáo cho người có thẩm quyền
ra quyết định cưỡng chế và thông báo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan.
2. Việc thi
hành quyết định cưỡng chế đương nhiên kết thúc khi có quyết định của người có
thẩm quyền đình chỉ thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
Điều
24. Xử lý trường hợp không chấp hành quyết định cưỡng chế
Sau khi có biên bản bàn
giao đất trên thực địa, nếu một trong các bên tranh chấp không tự giác chấp
hành quyết định mà có hành vi vi phạm pháp luật đất đai, thì Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều
208 Luật Đất đai năm 2013.
Điều
25. Kinh phí bảo đảm thực hiện cưỡng chế
1. Chi phí cho
hoạt động cưỡng chế do tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế chịu và được lập dự toán đồng
thời với việc ra quyết định cưỡng chế và phải quyết toán khi kết thúc vụ việc
cưỡng chế.
2. Chi phí cưỡng chế được
tạm ứng từ ngân sách nhà nước và được hoàn trả ngay sau khi thu được tiền của
cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.
Điều 26. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Căn cứ biên bản
giao đất tại thực địa của Ban cưỡng chế, Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành
các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia
đình, cộng đồng dân cư; Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường
tiến hành các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cơ
sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao theo
quy định của pháp luật.
Điều 27. Trường hợp tạm hoãn thi hành quyết định cưỡng chế
1. Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp huyện ra quyết định cưỡng chế có quyền ra quyết định tạm hoãn
thi hành trong các trường hợp:
a) Người phải
thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đang chấp hành hình
phạt tù hoặc chưa xác định được địa chỉ của họ hay nguyên nhân khách quan
khác. Thời gian tạm hoãn không quá 30 mươi ngày. Trong thời gian tạm hoãn,
nếu thấy người phải thi hành có điều kiện thi hành quyết định hoặc đã
hết thời hạn tạm hoãn thì ra quyết định tiếp tục thi hành quyết định;
b) Người phải
thi hành quyết định có đơn đề nghị tạm hoãn việc cưỡng chế và có sự đồng
ý của người được thi hành quyết định. Yêu cầu hoặc đồng ý tạm
hoãn thi hành quyết định phải được thể hiện bằng văn bản, ghi rõ nội dung
yêu cầu, thời hạn tạm hoãn thi hành, có chữ ký của các bên. Khi điều kiện hoãn
thi hành không còn thì tiếp tục thi hành quyết định.
2. Trường hợp khi
nhận được yêu cầu hoãn thi hành quyết định, nhưng vụ việc đang được tổ chức
thi hành, xét thấy việc dừng cưỡng chế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến
lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp
thì Ban cưỡng chế vẫn tiếp tục thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định,
nhưng phải thông báo cho người đã yêu cầu hoãn thi hành quyết định biết,
trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày kết thúc việc cưỡng chế.
Điều 28. Đình chỉ thi hành quyết định cưỡng chế
Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp huyện ra quyết định cưỡng chế có quyền ra quyết định đình chỉ
việc thi hành khi người được thi hành quyết định có văn bản từ chối nhận quyền
sử dụng đất mà họ được công nhận theo quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điều 29. Trả lại đơn yêu cầu thi hành quyết định giải quyết
tranh chấp đất đai
Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp huyện trả lại đơn yêu cầu thi hành quyết định cho người được
thi hành trong trường hợp đã có quyết định đình chỉ việc thi hành quyết định giải
quyết tranh chấp đất đai.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 30. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện,
Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện Quy định này trong
phạm vi địa phương, đơn vị mình.
2. Các đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc Quy định này.
Trong quá trình thực hiện, nếu gặp vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh,
các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở
Tài nguyên và Môi trường) để nghiên cứu, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, giải quyết theo quy định của pháp luật./.