ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2848/QĐ-UBND
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 06 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VẬN HÀNH, KHAI THÁC SỬ DỤNG
CUNG TRÍ THỨC THÀNH PHỐ TẠI LÔ ĐẤT D25* KHU ĐÔ THỊ MỚI CẦU GIẤY, PHƯỜNG DỊCH VỌNG
HẬU, QUẬN CẦU GIẤY, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản
nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về
Quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 141/2008/QĐ-TTg ngày 22/10/2008 của Chính phủ về việc ban
hành Quy chế quản lý trụ sở, nhà làm việc các đơn vị sự nghiệp công lập;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng văn bản số 2952/SXD-QLN ngày 12 tháng 5 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bản
“Quy chế quản lý vận hành, khai thác sử dụng Cung Trí thức Thành phố tại Lô đất
D25* Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà
Nội”.
Điều
2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều
3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội;
Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Xây dựng, Công ty TNHH Một thành viên Quản
lý và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) và các Cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Chủ tịch UBND TP (để b/cáo);
- Các PCT UBND TP;
- Như Điều 3;
- Lưu VP, XDn.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phí Thái Bình
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ CUNG TRÍ THỨC THÀNH PHỐ TẠI KHU ĐÔ THỊ MỚI CẦU GIẤY,
QUẬN CẦU GIẤY, HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2848/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2011 của
UBND Thành phố Hà Nội)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích, yêu cầu.
Quy chế quản lý
vận hành khai thác tòa nhà Cung Trí thức Thành phố (gọi tắt là Công trình) quy định
trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao quyền quản lý, được thuê, sử dụng diện
tích tại Cung Trí thức Thành phố nhằm phát huy hiệu quả quỹ nhà thuộc sở hữu
Nhà nước.
Điều 2. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh.
1. Quy định nội
dung công việc quản lý vận hành Cung Trí thức thành phố.
2. Quy định các
quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản
lý, khai thác, vận hành, sử dụng Cung Trí thức Thành phố.
3. Quy định về
việc thu, chi tài chính trong công tác quản lý khai thác cho thuê sử dụng Cung
Trí thức Thành phố.
Điều 3. Giải thích từ ngữ.
1. UBND Thành
phố Hà Nội là chủ sở hữu đại diện sở hữu nhà nước tại tòa nhà Cung Trí thức
Thành phố.
2. Sở Xây dựng,
Sở Tài chính là cơ quan được UBND Thành phố giao trách nhiệm quản lý nhà nước
đối với tòa nhà Cung Trí thức Thành phố.
3. Công ty
TNHH 1TV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội là đơn vị được giao quyền quản lý
vận hành khai thác tòa nhà Cung Trí thức Thành phố.
4. Bên thuê
nhà là các Tổ chức được UBND Thành phố cho phép thuê, sử dụng diện tích làm
việc chính của tòa nhà để làm trụ sở làm việc hoặc các Tổ chức, cá nhân thuê diện
tích phụ trợ (hội trường, triển lãm, trưng bày gồm khối nhà 3 tầng và tầng 1, tầng
16 của khối nhà 16 tầng) để hoạt động kinh doanh dịch vụ tại Cung Trí thức
Thành phố.
5. Diện tích
sử dụng riêng là phần diện tích thuê xác định trong hợp đồng thuê nhà cùng
các trang thiết bị được lắp đặt gắn liền trong đó.
6. Diện tích
sử dụng chung là phần diện tích sử dụng chung cho các Đơn vị thuê, sử dụng
nhà (hành lang, lối đi, vệ sinh, sân, cầu thang…) và các trang thiết bị được
dùng chung cho các đơn vị, tổ chức. Không gian kiến trúc, hệ thống kết cấu chịu
lực, trang thiết bị kỹ thuật chung và hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài kết nối
với tòa nhà.
Điều
4. Nguyên tắc quản lý, sử dụng Cung Trí thức Thành phố.
1. Cung Trí thức
Thành phố là tài sản thuộc sở hữu nhà nước được quản lý, sử dụng theo quy định
của nhà nước; phải được quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm.
2. Việc sử dụng
Cung Trí thức Thành phố phải đúng công năng thiết kế, đúng mục đích nhằm nâng
cao hiệu quả quản lý sử dụng tài sản nhà nước.
Chương 2.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ QUẢN
LÝ VẬN HÀNH, KHAI THÁC SỬ DỤNG CUNG TRÍ THỨC THÀNH PHỐ
Điều
5. Đối tượng và điều kiện được thuê diện tích làm việc.
1. Đối tượng
được thuê sử dụng diện tích làm việc tại Cung Trí thức Thành phố là: Các Tổ
chức, hiệp hội, đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây
gọi chung là các Tổ chức) đang hoạt động trên địa bàn Thành phố Hà Nội có nhu cầu
sử dụng diện tích trụ sở làm việc tại Cung Trí thức Thành phố.
2. Điều kiện
xét thuê diện tích làm việc tại Cung Trí thức Thành phố:
a) Các Tổ chức
đã được UBND Thành phố bố trí diện tích làm việc nhưng tự nguyện trả lại diện
tích cũ hoặc chưa được UBND Thành phố cấp, thuê trụ sở làm việc;
b) Các Tổ chức
có nội dung hoạt động đóng góp tích cực, thiết thực vào chương trình phát triển
kinh tế xã hội của Thủ đô;
c) Các Tổ chức
có khả năng về tài chính để đảm bảo việc thanh toán chi phí thuê diện tích làm
việc và chi trả phí dịch vụ khác theo quy định;
d) Các Tổ chức
chấp hành nghiêm chỉnh Nội quy sử dụng nhà và nội dung Quy chế này.
Điều
6. Hồ sơ, trình tự, thủ tục ký hợp đồng thuê diện tích làm trụ sở làm việc.
1. Hồ sơ đăng ký
thuê trụ sở làm việc được nộp tại Sở Xây dựng Hà Nội gồm:
a) Công văn của
Tổ chức đề xuất nhu cầu diện tích làm việc; cam kết về việc chấp hành Quy chế
quản lý sử dụng nhà và cam kết về khả năng tài chính, thanh toán các chi phí
liên quan đến việc thuê sử dụng nhà;
b) Quyết định
thành lập của Tổ chức (bản sao);
c) Quyết định
biên chế (nếu có) hoặc số cán bộ làm việc thường xuyên tại văn phòng của Tổ chức.
2. Trình tự xét
duyệt hồ sơ xin thuê diện tích làm việc tại Cung Trí thức Thành phố:
Căn cứ vào quỹ
nhà làm việc tại Cung Trí thức Thành phố và hồ sơ đã tiếp nhận, Sở Xây dựng tiến
hành các thủ tục theo quy định trình UBND Thành phố xem xét ra văn bản chấp thuận.
Sau khi có văn bản chấp thuận của UBND Thành phố, Sở Xây dựng công bố các Tổ chức
được thuê diện tích làm việc tại Cung Trí thức Thành phố trên website của Sở
Xây dựng và gửi thông báo đến các Tổ chức được thuê để các Tổ chức liên hệ với
Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội thực hiện các thủ tục thuê diện
tích làm việc theo quy định hiện hành.
3. Trình tự bố
trí, hoạch định diện tích cho đơn vị thuê nhà: Căn cứ theo quy mô diện tích nhà
được UBND Thành phố cho thuê sử dụng của mỗi đơn vị, Đơn vị quản lý nhà sẽ lên
phương án bố trí và tổ chức thực hiện hoạch định diện tích thuê sử dụng cho các
đơn vị cho phù hợp, đảm bảo thuận tiện cho Bên thuê sử dụng nhà và hợp lý cho
công tác quản lý vận hành. Kinh phí thực hiện ngăn chia hoạch định diện tích sử
dụng do Bên thuê nhà chi trả.
4. Ký Hợp đồng
thuê nhà làm việc: Căn cứ theo quyết định của UBND Thành phố cho các Tổ chức được
thuê trụ sở làm việc tại Cung Trí thức Thành phố, Đơn vị quản lý tiến hành làm
các thủ tục ký Hợp đồng thuê nhà theo quy định.
Điều
7. Hợp đồng thuê nhà.
Hợp đồng thuê diện
tích làm trụ sở làm việc được thiết lập theo mẫu do Đơn vị quản lý nhà xây dựng
quy định căn cứ Luật dân sự và các quy định hiện hành khác liên quan thông qua
Sở Xây dựng phê duyệt.
Điều
8. Giá cho thuê và thời hạn hợp đồng thuê nhà.
Giá cho thuê diện
tích làm việc do UBND Thành phố phê duyệt. Trường hợp cần điều chỉnh cho phù hợp
thực tế, Sở Tài chính và Sở Xây dựng báo cáo đề xuất trình UBND Thành phố quyết
định.
Thời hạn của Hợp
đồng thuê nhà là 3 năm kể từ ngày ký.
Điều
9. Thu hồi lại diện tích nhà thuê.
Các trường hợp
thu hồi lại diện tích nhà thuê: Hợp đồng thuê nhà hết hạn và Bên thuê nhà không
còn nhu cầu; đơn vị, tổ chức được thuê nhà bị giải thể; Bên thuê nhà vi phạm Hợp
đồng thuê nhà và các quy định về quản lý sử dụng nhà.
Điều
10. Đối tượng thuê diện tích kinh doanh dịch vụ.
1. Đối tượng
thuê là các Đơn vị, Tổ chức hay cá nhân có nhu cầu thuê diện tích kinh doanh dịch
vụ.
2. Giá thuê diện
tích kinh doanh dịch vụ theo quy định hiện hành.
Điều
11. Quyền và Trách nhiệm của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển
Nhà Hà Nội.
1. Tiếp nhận, quản
lý cho thuê sử dụng Cung Trí thức Thành phố theo quy định của Quy chế này.
2. Xây dựng Bản
nội quy quản lý sử dụng Cung Trí thức Thành phố, phổ biến đôn đốc và giám sát
các đơn vị thuê sử dụng nhà thực hiện.
Lên phương án bố
trí và tổ chức thực hiện hoạch định diện tích thuê sử dụng cho các đơn vị thuê
nhà; Bàn giao nhà và ký kết hợp đồng thuê nhà cho các Tổ chức, đơn vị được thuê
diện tích làm việc tại Cung Trí thức Thành phố.
3. Cung cấp hoặc
ký hợp đồng cung cấp các dịch vụ đảm bảo cho các Tổ chức, đơn vị thuê nhà làm
việc tại Cung Trí thức Thành phố hoạt động bình thường.
4. Xây dựng kế
hoạch và lập dự toán kinh phí hàng năm cho công tác tổ chức thực hiện quản lý,
vận hành, bảo trì Cung Trí thức Thành phố, báo cáo Sở Xây dựng, Sở Tài chính
trình UBND Thành phố phê duyệt.
5. Lập phương án
khai thác, sử dụng phần diện tích kinh doanh dịch vụ tại Cung Trí thức Thành phố
theo quy định.
6. Tập hợp, lưu
trữ hồ sơ hoàn công và các hồ sơ liên quan đến công tác quản lý sử dụng cho
thuê, quản lý vận hành, bảo hành, bảo trì.
7. Tổ chức kiểm
tra giám sát việc bảo hành công trình. Tổ chức công tác bảo trì, vận hành hoặc
lựa chọn và ký hợp đồng với các Doanh nghiệp có chức năng và chuyên môn để thực
hiện vận hành công trình. Quản lý, vận hành và duy trì hoạt động của hệ thống
trang thiết bị được lắp đặt tại Cung Trí thức Thành phố; cung cấp các dịch vụ
thiết yếu (bảo vệ, vệ sinh, thu gom rác thải, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh và
các dịch vụ khác) bảo đảm cho Cung Trí thức Thành phố hoạt động bình thường.
8. Kiểm tra,
theo dõi, phát hiện xử lý kịp thời các vi phạm trong quản lý sử dụng công
trình. Giải quyết các tranh chấp khiếu nại về quản lý, vận hành, khai thác tại
Cung Trí thức Thành phố.
9. Tổng hợp báo
cáo hàng năm tình hình quản lý sử dụng nhà cho cơ quan Sở Tài chính và Sở Xây dựng.
Điều
12. Quyền và nghĩa vụ của Bên thuê nhà.
Quyền của Bên
thuê nhà:
1. Được tiếp nhận
quản lý sử dụng diện tích làm việc theo nội dung của Hợp đồng thuê nhà.
2. Được ký Hợp đồng
thuê mới khi hết hạn Hợp đồng cũ (nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng nhà).
Nghĩa vụ của Bên
thuê nhà:
1. Thực hiện
theo Hợp đồng đã ký với Đơn vị quản lý nhà.
2. Thực hiện đầy
đủ các quy định liên quan đến trách nhiệm của Bên thuê nhà tại bản Quy chế này
và Nội quy quản lý sử dụng nhà của Đơn vị quản lý nhà.
3. Sử dụng nhà
đúng mục đích, giữ gìn nhà và trang thiết bị kèm theo, có trách nhiệm sửa chữa
hư hỏng và bồi thường thiệt hại do mình gây ra.
4. Trả đủ tiền
thuê nhà và đúng thời hạn trong hợp đồng; Không tự ý cải tạo sửa chữa nhà khi
chưa được phép của Đơn vị quản lý nhà; Không cho thuê lại nhà dưới bất kỳ hình
thức nào; Chấp hành các quy định về giữ gìn an ninh, trật tự vệ sinh môi trường;
5. Ký lại hợp đồng
thuê nhà khi hợp đồng thuê nhà hết hạn hoặc Thanh lý hợp đồng thuê nhà và bàn
giao lại nhà thuê cho Đơn vị quản lý nhà trong trường hợp không tiếp tục thuê sử
dụng nhà.
Điều
13. Những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng Cung Trí thức Thành phố.
1. Cơi nới, chiếm
dụng diện tích, không gian hoặc làm hư hỏng tài sản thuộc phần sử dụng chung dưới
mọi hình thức; đục phá, cải tạo, tháo dỡ hoặc làm thay đổi phần kết cấu chịu lực,
hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị sử dụng chung, kiến trúc bên ngoài của
Cung Trí thức Thành phố.
2. Gây tiếng ồn
quá mức quy định; làm ảnh hưởng đến trật tự, trị an tòa nhà.
3. Xả rác thải,
nước thải, khí thải, chất độc hại bừa bãi; gây thấm, dột, ô nhiễm môi trường
trong khu vực Cung Trí thức Thành phố.
4. Quảng cáo, viết,
vẽ trái quy định hoặc có những hành vi khác mà pháp luật không cho phép; sử dụng
vật liệu hoặc màu sắc trên mặt ngoài diện tích thuê trái với quy định; thay đổi
thiết kế, kết cấu của phần sử dụng trong hợp đồng.
5. Sử dụng hoặc
cho người khác sử dụng phần diện tích thuê trong hợp đồng trái với nội dung
theo hợp đồng thuê nhà đã ký.
Điều
14. Bảo hành và bảo trì Cung Trí thức.
1. Sở Xây dựng
theo dõi chỉ đạo việc thực hiện bảo hành Cung Trí thức Thành phố theo quy định
pháp luật.
2. Bảo trì Cung
Trí thức Thành phố.
a) Bảo trì Cung
Trí thức Thành phố bao gồm việc duy tu bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, sửa chữa vừa, sửa
chữa lớn, sửa chữa đột xuất nhằm duy trì chất lượng công trình, cảnh quan của
Cung Trí thức Thành phố. Việc bảo trì được thực hiện theo đúng quy định của
pháp luật hiện hành về công tác bảo trì công trình xây dựng.
b) Việc bảo trì
công trình, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị sử dụng
chung của Cung Trí thức Thành phố phải tuân thủ các chỉ dẫn của nhà thiết kế,
chế tạo, quy trình, quy phạm do Đơn vị quản lý nhà lập kế hoạch trình cấp có thẩm
quyền phê duyệt tổ chức thực hiện theo đúng quy định. Công tác bảo trì công
trình phải được thực hiện thông qua hợp đồng. Việc nghiệm thu, thanh quyết
toán, thanh lý hợp đồng bảo trì thực hiện theo các quy định của pháp luật về
xây dựng và pháp luật dân sự. Đơn vị quản lý nhà lập hồ sơ theo dõi công tác bảo
trì, nội dung công việc thực hiện, chi phí đầu tư.
c) Nguồn vốn: Đối
với công tác bảo trì, duy tu, sửa chữa nhỏ, sửa chữa vừa, sửa chữa đột xuất cân
đối trong nguồn thu-chi. Trường hợp vượt quá nguồn kinh phí lập hồ sơ báo cáo Sở
Xây dựng, Sở Tài chính trình UBND Thành phố bố trí nguồn Ngân sách theo quy định.
Chương 3.
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ THU,
CHI TÀI CHÍNH
Điều
15. Các nguồn thu, chi tài chính.
1. Các nguồn
thu:
a) Thu từ cho
thuê diện tích nhà làm trụ sở làm việc và cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ;
b) Thu từ hoạt động
kinh doanh dịch vụ;
c) Thu từ việc
trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô;
d) Các khoản thu
hợp pháp khác theo quy định của Pháp luật.
2. Các nội dung
chi:
a) Chi hoạt động
thường xuyên phục vụ công tác quản lý, vận hành Cung Trí thức:
b) Chi tiền lương,
phụ cấp lương và các khoản trích theo lương cho bộ máy quản lý, vận hành.
c) Mua sắm TSCĐ
phục vụ công tác quản lý: bàn ghế, tủ tài liệu, điện thoại, văn phòng phẩm
d) Chi tiền công
thuê cung cấp các dịch vụ bảo vệ, vệ sinh, tạp vụ, chăm sóc cây xanh.
e) Chi mua sắm sửa
chữa thay thế phương tiện thiết bị phục vụ công cộng.
g) Chi cho công
tác sửa chữa duy tu, bảo trì công trình khi đã hết thời hạn bảo hành: nhà, hệ
thống cấp điện, cấp thoát nước, thiết bị điện, phòng chống cháy.
h) Chi phí các
khoản hợp lý khác.
3. Các khoản thu
để chi trả các dịch vụ (thu hộ, chi hộ) nếu có, gồm:
Đối với các chi
phí sinh hoạt của Tổ chức hay Đơn vị thuê nhà như: điện, nước sạch, vệ sinh môi
trường, an ninh trật tự…, Đơn vị quản lý nhà có trách nhiệm thỏa thuận, thống
nhất với các Tổ chức cung cấp dịch vụ và tổ chức hưởng dịch vụ để tổ chức các
hình thức thu phù hợp để trả cho các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Điều
16. Quản lý các khoản thu, chi.
1. Quản lý các
khoản thu:
a) Đối với các
khoản thu từ nguồn cho thuê diện tích nhà làm trụ sở làm việc: thực hiện việc
thu, nộp theo đúng quy định của Luật Thuế và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
b) Đối với các
khoản thu từ nguồn cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ, dịch vụ trông giữ xe
đạp, xe máy, ôtô: Giao Sở Tài chính xem xét hướng dẫn thực hiện.
2. Quản lý các
khoản chi:
Hàng năm: Công
ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội có trách nhiệm xây dựng
kế hoạch, lập dự toán thu, chi gửi Sở Xây dựng xem xét trước khi gửi Sở Tài
chính thẩm tra, trình UBND Thành phố phê duyệt theo quy định.
Chương 4.
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều
17. Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm.
1. Tranh chấp về
hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế trong quá trình thực hiện quản lý, sử dụng
theo quy định của Quy chế này thì xử lý theo quy định của pháp luật về hợp đồng
dân sự, hợp đồng kinh tế.
2. Các hành vi
vi phạm hành chính theo quy định của Quy chế này được xử lý theo quy định của
pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý phát triển nhà và công sở.
Chương 5.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều
18. Trách nhiệm của các Sở, ngành và các đơn vị liên quan.
1. Sở Xây dựng
Hà Nội:
a) Chủ trì, phối
hợp với các Sở, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám
sát việc thực hiện Quy chế.
b) Báo cáo trình
phê duyệt dự toán, quyết toán thu chi tài chính hàng năm trong việc thực hiện
công tác quản lý, vận hành khai thác, bảo trì Cung Trí thức Thành phố gửi Sở
Tài chính thẩm tra.
c) Xây dựng giá
cho thuê diện tích, phối hợp với Sở Tài chính thẩm định giá, trình UBND Thành
phố phê duyệt.
d) Chỉ đạo các
cơ quan, Đơn vị chuyên ngành trực thuộc trong việc tổ chức thực hiện tiếp nhận
và quản lý các hạng mục công trình: Cấp nước sạch, vườn hoa, cây xanh, hệ thống
chiếu sáng công cộng, hệ thống thoát nước, thu gom rác thải… theo thẩm quyền và
trình tự thủ tục quy định.
e) Theo dõi chỉ
đạo việc thực hiện bảo hành Cung Trí thức Thành phố theo quy định pháp luật.
2. Sở Tài
chính:
a) Thẩm định giá
cho thuê diện tích do Sở Xây dựng lập, trình UBND Thành phố phê duyệt.
b) Thẩm tra phê
duyệt dự toán, quyết toán tài chính hàng năm trong việc thực hiện công tác quản
lý, vận hành khai thác, bảo trì Cung Trí thức Thành phố.
c) Phân bổ nguồn
kinh phí ngân sách để tổ chức thực hiện thí điểm quản lý vận hành khai thác, bảo
trì Cung Trí thức Thành phố.
Điều
19. Các Sở Xây dựng, Tài chính, Công ty
TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội và các Sở ngành chức năng
có liên quan hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuê sử dụng Cung Trí thức
Thành phố thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc thì phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố để
xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.