ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
26/2022/QĐ-UBND
|
Hòa Bình, ngày 23
tháng 8 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH MỨC THU, NỘP TIỀN BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN ĐẤT TRỒNG LÚA
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 9 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29
tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số
35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng
lúa; Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về việc
sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm
2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
Căn cứ Thông tư
18/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 01 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn
thực hiện một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 04 năm 2015
của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
Căn cứ Nghị quyết số
18/2016/NQ-HĐND ngày 04 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thu tiền
bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và quyết định tỷ lệ
điều tiết khoản thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Tài chính tại Tờ trình số 297/TTr-STC ngày 20 tháng 7 năm 2022 và Công văn số
2321/STC-QLG&CS ngày 03 tháng 8 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định về mức thu, nộp tiền bảo
vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước sang sử
dụng vào mục đích phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các cơ quan, tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân trong nước, tổ chức nước ngoài có liên quan đến việc quản lý, sử
dụng đất trồng lúa khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử
dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp.
b) Các cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền bảo vệ, phát triển
đất trồng lúa.
Điều 2. Quy
định mức thu tiền và hạn nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa
1. Mức thu tiền bảo vệ, phát
triển đất trồng lúa = 50% (Năm mươi phần trăm) (x) diện tích (x) giá của loại đất
trồng lúa
Trong đó:
a) Diện tích là phần diện tích
đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp ghi
cụ thể trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng
lúa nước sang đất phi nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền.
b) Giá của loại đất trồng lúa
nước tính theo Bảng giá đất đang được áp dụng tại thời điểm chuyển mục đích sử
dụng đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
2. Thời hạn nộp tiền bảo vệ,
phát triển đất trồng lúa
Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình,
cá nhân có trách nhiệm nộp đủ số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo
thông báo của cơ quan tài chính vào ngân sách tỉnh tại Kho bạc Nhà nước trong
thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo. Trường hợp quá thời hạn nộp,
người được nhà nước giao đất, cho thuê đất phải nộp thêm tiền chậm nộp theo quy
định của pháp luật về quản lý thuế.
3. Khoản tiền thu được theo quy
định tại Điều này được nộp vào ngân sách nhà nước
a) Tiền bảo vệ phát triển đất
trồng lúa phải nộp vào ngân sách cấp tỉnh: Tài khoản 7111; Tiểu mục 4914.
b) Tiền chậm nộp (nếu có) theo
quy định của pháp luật về quản lý thuế nộp vào ngân sách cấp tỉnh: Tài khoản
7111; Tiểu mục 4947.
Điều 3. Việc
quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí
1. Số tiền thu được theo quy định
tại Điều 2 Quy định này và kinh phí được hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều
7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý,
sử dụng đất trồng lúa được sử dụng để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng
lúa phù hợp với điều kiện của địa phương theo nội dung chi quy định tại Điều 8
Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử
dụng đất trồng lúa và Điều 4 Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 01 năm
2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số
35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý sử dụng đất trồng
lúa.
2. Việc lập dự toán, chấp hành
và quyết toán kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa thực hiện theo quy định
tại Điều 5 Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 01 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ
Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày
13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý sử dụng đất trồng lúa và quy định
của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 4.
Trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thanh phố và cơ
quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử
dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước
1. Sở Tài chính
a) Căn cứ hồ sơ đề nghị xác định
số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp, xác định số tiền và ban hành
thông báo thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa đối với trường hợp do Ủy
ban nhân dân tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử
dụng từ đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp; theo dõi, hạch toán
số tiền phải nộp, đã nộp, còn phải nộp, đúng thời hạn, không đúng thời hạn; trường
hợp chưa nộp đủ, thực hiện đôn đốc và báo cáo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có
biện pháp giải quyết kịp thời.
b) Chủ trì phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc nhà nước
tỉnh căn cứ vào kế hoạch chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục
đích phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, hàng năm dự kiến khoản thu tiền bảo vệ,
phát triển đất trồng lúa để tổng hợp vào dự toán thu, chi ngân sách địa phương,
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.
c) Hướng dẫn và tổ chức thu khoản
tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa nộp vào ngân sách tỉnh.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
(đối với trường hợp cơ quan tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển
mục đích sử dụng đất), hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (đối với trường
hợp cá nhân, hộ gia đình được nhà nước giao đất, cho thuê đất) ghi cụ thể diện
tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp
trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; xác định trách nhiệm của
cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để
sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp số
tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định; trường hợp giao đất để thực
hiện đấu giá quyền sử dụng đất ghi cụ thể số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng
lúa trong quyết định giao đất để thực hiện.
b) Hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình
hình quản lý và sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh.
c) Chủ trì, phối hợp với Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành có liên quan thanh tra, kiểm
tra việc quản lý và sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh. Hàng năm chia sẻ
thông tin, cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản về đất nông nghiệp và cơ sở dữ liệu thống
kê, kiểm kê đất nông nghiệp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy
định.
d) Căn cứ bản kê khai diện tích
đất chuyên trồng lúa nước của người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (đối với
tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao), có văn bản xác
định vị trí, diện tích đất chuyên trồng lúa nước, gửi người được Nhà nước giao
đất, cho thuê đất đã đề nghị để xác định số tiền nộp bảo vệ, phát triển đất trồng
lúa trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi đất, giao đất, cho
thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
3. Kho bạc Nhà nước
a) Hướng dẫn người được Nhà nước
giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nộp tiền bảo vệ, phát triển
đất trồng lúa theo thông báo của Cơ quan Tài chính vào ngân sách nhà nước tỉnh
theo quy định.
b) Trao đổi thông tin nghĩa vụ
nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa của các tổ chức, cá nhân với Cơ quan
Tài chính địa phương để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
c) Cung cấp chứng từ nộp tiền bảo
vệ, phát triển đất trồng lúa cho cơ quan tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà
nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để sử dụng vào mục
đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước theo quy định.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
a) Chủ trì phối hợp với các cơ
quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xác định loại cây
trồng hàng năm, cây lâu năm hoặc thủy sản phù hợp cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng
trên đất lúa tại địa phương theo quy định. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu
cây trồng trên đất lúa tại địa phương. Hàng năm tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả chuyển đổi cơ cấu
cây trồng trên đất lúa của tỉnh theo quy định.
b) Phối hợp với Sở Tài nguyên
và Môi trường xác định cụ thể vị trí, diện tích đất trồng lúa nước phải nộp tiền
bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định, gửi Sở Tài chính trước khi
trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất.
c) Xây dựng dự toán kinh phí hỗ
trợ sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh gửi Sở Tài chính tổng hợp vào dự toán chi
ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định.
5. Cục Thuế tỉnh
a) Phối hợp với Sở Tài chính
xác định số tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đối với tổ
chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
b) Chỉ đạo các Chi cục Thuế phối
hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện xác định số tiền chậm nộp theo quy
định của pháp luật về quản lý thuế đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân
cư.
6. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
a) Tổ chức công khai và quản lý
chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa của địa phương đã được xét
duyệt; xác định cụ thể diện tích, ranh giới đất trồng lúa, hàng năm báo cáo Sở
Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Chịu trách nhiệm trước pháp
luật và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc bảo vệ diện tích, chỉ giới, chất lượng đất
trồng lúa theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
c) Kiểm tra việc thực hiện nộp
tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá
nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp
từ đất chuyên trồng lúa nước trước khi giao đất ngoài thực địa.
d) Lập và ban hành kế hoạch
chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của cấp huyện, trên cơ sở kế hoạch
chuyển đổi của cấp tỉnh. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi
cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Định kỳ
trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, tổng hợp kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng
trên đất lúa theo mẫu tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số
62/2019/NĐ-CP của Chính phủ, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
đ) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và
Môi trường xác định cụ thể vị trí, diện tích đất chuyên trồng lúa phải nộp tiền
bảo vệ, phát triển đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân theo quy định. Tham
mưu cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ghi cụ thể diện tích đất chuyên trồng
lúa nước chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trong quyết định cho
phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào
mục đích phi nông nghiệp; nêu rõ trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân được Nhà
nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất
chuyên trồng lúa nước phải nộp số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo
quy định; Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kê khai, xác nhận diện tích
đất chuyên trồng lúa; Tổng hợp kết quả, tình hình chuyển mục đích sử dụng đất
trồng lúa gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
e) Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế
hoạch căn cứ kê khai của hộ gia đình cá nhân sử dụng đất để xác định và thông
báo số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp vào ngân sách tỉnh theo
quy định tại Điều 2 Quyết định này.
g) Thu, nộp tiền bảo vệ, phát
triển đất trồng lúa trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất.
7. Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Xây dựng Kế hoạch chuyển đổi
cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa cấp xã trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi của cấp
huyện theo mẫu tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định số 69/2019/NĐ-CP của
Chính phủ; tổ chức lấy ý kiến của hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong việc
xác định vùng chuyển đổi; thông báo công khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng
trên đất trồng lúa tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã vào quý IV của năm trước
trong thời hạn 60 ngày.
b) Tiếp nhận, xử lý Bản đăng ký
chuyển đổi; lập sổ theo dõi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.
c) Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm
tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của
các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn quản lý.
d) Định kỳ trước ngày 30 tháng
11 hàng năm, tổng hợp kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa
theo mẫu tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính
phủ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định.
8. Cơ quan, tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất
để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước: Có trách
nhiệm kê khai số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp tương ứng với
diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển mục đích sử dụng đất để sử dụng vào
mục đích phi nông nghiệp gửi Cơ quan Tài chính và nộp đầy đủ, đúng thời hạn số
tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa vào Kho bạc Nhà nước theo Quyết định này
và các quy định của pháp luật có liên quan. Thời điểm kê khai thực hiện trước
khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
9. Sở Tài nguyên và Môi trường,
Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện có trách nhiệm xác định diện tích đất
trồng lúa phải chuyển đổi của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong
và ngoài nước được nhà nước giao đất, cho thuê đất và trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt tại tờ trình chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất. Giấy tờ chứng
minh đã nộp tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa là điều kiện bắt buộc trước
khi thực hiện thủ tục giao đất, ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất.
Điều 5. Tổ
chức thực hiện
1. Quyết định này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2022 và thay thế Quyết định số
52/2016/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về
quy định mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Hòa
Bình.
2. Đối với các trường hợp đã có
thông báo nộp tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trước ngày Quyết định này
có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện nộp tiền theo nội dung đã Thông báo.
3. Giao Sở Tài chính chủ trì,
phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện
Quyết định này.
4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân
dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các
tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn;
- Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBMT tổ quốc và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Báo Hòa Bình; Đài Phát thanh và TH tỉnh;
- Các Phó CVP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Trung tâm Tin học và Công báo tỉnh;
- Chuyên viên khối NCTH;
- Lưu: VT, KTN (PMD).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Quách Tất Liêm
|