Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 2326/QĐ-UBND chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang cây trồng khác Thanh Hóa 2016

Số hiệu: 2326/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Nguyễn Đức Quyền
Ngày ban hành: 01/07/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2326/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 01 tháng 7 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN CHUYỂN ĐỔI ĐẤT TRỒNG LÚA NĂNG SUẤT, HIỆU QUẢ THẤP SANG CÁC LOẠI CÂY TRỒNG KHÁC VÀ KẾT HỢP NUÔI TRỒNG THỦY SẢN ĐỂ CÓ HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO HƠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 287-QĐ/TU ngày 27/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII về ban hành chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016- 2020;

Căn cứ Quyết định số 4833/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2320/QĐ-UBND, ngày 24/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về ban hành chương trình hành động của UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 125/ TTr-SNNPTNT ngày 20/6/2016 về việc đề nghị phê duyệt Phương án chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020.

(Có phương án kèm theo)

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã thành phố và các cơ quan liên quan thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công thương, Cục Thống kê tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

PHƯƠNG ÁN

CHUYỂN ĐỔI ĐẤT TRỒNG LÚA NĂNG SUẤT, HIỆU QUẢ THẤP SANG CÁC LOẠI CÂY TRỒNG KHÁC VÀ KẾT HỢP NUÔI TRỒNG THỦY SẢN ĐỂ CÓ HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO HƠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2326/QĐ-UBND, ngày 01/7/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)

I. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH CHUYỂN ĐỔI

1. Kết quả thực hiện mô hình chuyển đổi giai đoạn 2011 - 2015

Với diện tích đất trồng lúa và cây hàng năm lớn, điều kiện thời tiết khí hậu đa dạng, cùng với điều kiện sản xuất, trình độ canh tác của nhân dân ở nhiều vùng có sự khác nhau làm cho hệ thống cây trồng trong tỉnh khá đa dạng, phong phú. Giai đoạn 2011 - 2015, chương trình chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, gắn với đổi mới cơ cấu cây trồng đã đạt được những kết quả quan trọng; nhiều đối tượng cây trồng tăng nhanh về diện tích, sản lượng và giá trị.

Tổng diện tích đất lúa chuyển đổi sang trồng cây khác và đất lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản từ 2011 - 2015 đạt 5.608 ha, trong đó: đất lúa chuyển đổi sang trồng cây khác 4.809ha, chuyển đổi theo hình thức lúa - cá kết hợp 799ha. Trong đó:

- Các mô hình chuyển đất lúa sang trồng ngô: Diện tích chuyển đổi lúa kém hiệu quả sang trồng ngô từ năm 2011 - 2015 đạt 1.114,6ha, tập trung tại các huyện: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Vĩnh Lộc, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Yên Định...; nâng tổng diện tích đất chuyên ngô từ 2 vụ/năm trở lên đạt trên 5.100ha. Ngoài ra, diện tích ngô vụ đông trồng trên đất lúa tiếp tục được mở rộng; năm 2011 đạt 9.846ha đến năm 2015 đạt khoảng 18.000ha. Năng suất 3 vụ ngô trên đất này đạt bình quân 52 tạ/ha/vụ, cao hơn năng suất ngô trung bình toàn tỉnh 10 tạ/ha/vụ; sản lượng ngô đông trên đất lúa từ 44.300 nghìn tấn/năm 2011 lên 80.000 tấn năm 2015; hiệu quả trong sản xuất ngô đạt lợi nhuận bình quân khoảng 16,4 triệu đồng/ha/vụ. Mặt khác, một số địa phương còn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô ngọt, ngô giống đạt bình quân hàng năm trên 250ha, doanh thu trên 100 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha/năm.

Ngô luôn đang là đối tượng cây trồng có lợi thế về thị trường tiêu thụ trong nước, hiện tại sản phẩm ngô hạt chủ yếu dùng làm thức ăn chăn nuôi, trong tương lai có thể sản xuất ethanol để làm nhiên liệu sinh học; các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngô, nhất là các giống ngô biến đổi gen đang từng bước được ứng dụng rộng rãi trong nước và trong tỉnh cho năng suất, sản lượng cao. Mặt khác, kỹ thuật sản xuất ngô dễ thực hiện, khả năng thích ứng rộng trên nhiều loại đất, mùa vụ không quá khắt khe, có thể sản xuất được 3 vụ/năm, yêu cầu nước tưới trong việc trồng ngô ít hơn so với trồng lúa.

- Các mô hình chuyển từ đất lúa sang trồng mía: diện tích chuyển đổi đạt 538ha, năng suất đạt từ 80 tấn/ha trở lên, doanh thu 80 triệu/ha/năm trở lên, lợi nhuận trên 26 triệu đồng/ha/năm, cao hơn lợi nhuận trung bình 9,7 triệu/ha. Tại các huyện: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước, Triệu Sơn, Đông Sơn, Thọ Xuân, Như Thanh,... còn chuyển đổi khoảng 1.200ha đất lúa sang trồng các loại mía ăn tươi (mía tím, mía ép nước) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

- Mô hình chuyển đất lúa sang trồng ớt: diện tích chuyển đổi đạt 685ha (Yên Định 345ha, Hậu Lộc 130ha, Quảng Xương 45ha; Thiệu Hóa 70ha, Vĩnh Lộc 55ha, Nông Cống 40ha...). Ngoài ra mỗi năm có trên 1.000ha ớt được trồng vụ đông trên đất lúa; năng suất bình quân 22 tấn/ha đối với ớt kim chỉ thiên, 34 tấn đối với ớt chỉ địa, ớt ngọt; giá sàn thấp nhất đối với ớt kim là 10.000đ/kg, ớt ngọt 5.000 đồng/kg, doanh thu 160 - 340 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận 100 - 260 triệu đồng/ha/năm.

- Mô hình chuyển đất lúa sang trồng rau màu các loại: diện tích chuyển đổi 757,5ha. Rau được trồng bình quân 4 - 5 vụ/năm như cà chua, khoai tây, rau ăn lá...; bình quân doanh thu từ 45 - 50 triệu đồng/ha/vụ, tổng doanh thu cả năm từ 130 - 200 triệu đồng/ha; lợi nhuận 50 - 60 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có nhiều đối tượng cây trồng có giá trị thu nhập cao như các chua, bí xanh, dưa xuất khẩu đạt từ 80 - 200 triệu/ha.

- Các mô hình chuyển đất lúa sang trồng ngô dày làm thức ăn chăn nuôi: diện tích chuyển đổi đạt 577,5ha; các loại cây như ngô dày, cỏ được trồng bình quân 3 - 4 vụ/năm, năng suất 50 tấn/vụ, giá bán 0,9 triệu đồng/tấn, doanh thu 130 – 170 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận 67 - 100 triệu đồng/ha/năm; hiện nay, các loại cây trồng này có thị trường tiêu thụ trong tỉnh ổn định, liên tục và tại chỗ do chương trình chăn nuôi bò sữa, bò thịt của tỉnh đang phát triển mạnh.

- Các mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa, áp dụng công nghệ cao: tại các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, thành phố Thanh Hóa, Yên Định, Thiệu Hóa,... và Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, sản xuất hoa, cây cảnh, rau an toàn trong nhà màng, nhà lưới, nhà kính theo công nghệ hiện đại, doanh thu đạt 700 triệu đồng/ha/năm trở lên, lợi nhuận thu về trên 200 triệu đồng/ha/năm trở lên.

- Các mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả: diện tích chuyển đổi đạt 49,3ha tại các huyện; Thọ Xuân, Yên Định, Triệu Sơn, đất lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng các loại cây có múi như bưởi Diễn, cam V2,... bước đầu đã cho thu hoạch, doanh thu đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.

- Mô hình lúa - cá: tại các huyện Triệu Sơn, Thạch Thành, Hà Trung, Nông Cống,... doanh thu đạt 60 - 70 triệu đồng/ha, tại Nga Sơn doanh thu đạt 80 - 90 triệu đồng/ha; lợi nhuận đạt từ 45 - 60%.

2. Đánh giá chung

2.1. Ưu điểm

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đến nay nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng những cây hàng năm khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; trên cơ sở phát triển sản xuất tập trung gắn với thị trường, phát huy lợi thế các vùng miền:

- Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đã được các địa phương quyết tâm, thực hiện bước đầu thu được những kết quả: tăng hiệu quả về kinh tế trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nông dân; nhiều đối tượng cây trồng mới, cây trồng có thị trường tiêu thụ tốt được đưa vào gieo trồng trên đất lúa đã phát huy những ưu điểm, lợi thế hơn hẳn, là cơ sở thực tiễn vững chắc để chúng ta cơ cấu lại hệ thống cây trồng, cũng như mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất lúa trong những năm tới.

- Quá trình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường nông sản nội địa và xuất khẩu.

- Luân canh cây trồng có tác dụng cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh hại; từng bước thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông sản hàng hóa của nông dân;

- Từng bước hình thành và góp phần tăng cường sự liên kết trong đầu tư sản xuất, tiêu thụ hàng hóa giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp.

- Về phương thức chuyển đổi: Chuyển đổi đất lúa sang trồng cây khác đều theo hình thức chuyển đổi linh hoạt, nhưng không làm mất đi các yếu tố phù hợp để khi cần có thể quay lại trồng lúa.

2.2. Những khó khăn, hạn chế

- Việc chuyển đổi ở một số địa phương còn tự phát không theo quy hoạch, không nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, yêu cầu kỹ thuật của từng loại cây trồng nên nhiều rủi ro; Chưa có quy hoạch tập trung cho các cây trồng cạn, đặc biệt là quy hoạch vùng chuyển đổi đất lúa tập trung sang cây trồng cạn đi đôi với việc xây dựng hệ thống tưới, tiêu phù hợp.

- Chưa tạo ra được nhiều vùng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn; do tự chuyển đổi nên chưa gắn việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất tạo thành vùng lớn, gây khó khăn cho việc cơ giới hóa, áp dụng KHKT, tổn thất sau thu hoạch còn cao.

- Sự liên kết của nông dân, HTX với doanh nghiệp chưa được nhiều, chưa thực sự vững chắc; Đầu ra sản phẩm chưa thực sự ổn định, lệ thuộc vào mùa vụ, chưa tạo điều kiện đảm bảo tiêu thụ cho người dân.

- Chưa có cơ chế, chính sách đầu tư khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, NGUYÊN TẮC CHUYỂN ĐỔI

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung:

- Chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản để đảm bảo thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp nói chung và đất trồng lúa nói riêng; phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất trồng lúa.

- Chuyển đổi những diện tích trồng lúa có hiệu quả sản xuất thấp, thường xuyên bị ngập, úng hoặc khô hạn, nhiễm mặn cao; diện tích lúa bị xen kẹt, chia cắt bởi các khu công nghiệp, đô thị,... sang trồng cây hàng năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, duy trì được quỹ đất trồng lúa, phát triển các đối tượng cây trồng có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh cao hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực, nhằm khai thác được những lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên, lao động của từng địa phương để phát triển nông nghiệp bền vững, tăng nhanh khối lượng sản phẩm hàng hóa và giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, công thức luân canh, phương thức sản xuất phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Hiệu quả kinh tế trên diện tích đất lúa sau khi chuyển đổi tăng ít nhất 15% so với trước khi chuyển đổi.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2020 toàn tỉnh chuyển 27.000ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác và kết hợp sản xuất lúa với nuôi trồng thủy sản, tương đương 45.302,9ha diện tích gieo trồng lúa; trong đó cụ thể như sau:

Diện tích đất lúa chuyển đổi, đối tượng các loại cây trồng chuyển, gồm: chuyển sang trồng chuyên ngô 6.577,8ha; chuyển sang cây thức ăn chăn nuôi xanh 2.565,9ha, chuyển sang trồng mía 2.025ha, chuyển sang trồng rau quả các loại 5.820,1ha, chuyển sang trồng cây ăn quả 1.967,7ha, chuyển sang lúa - cá kết hợp 5.058,1ha, còn lại chuyển sang các đối tượng cây trồng khác 2.985,4ha.

Diện tích đất lúa chuyển đổi chia theo vùng: vùng đồng bằng 15.354ha, chiếm 56,8%; vùng ven biển 6.170ha, chiếm 22,8%; vùng miền núi 5.476ha chiếm 20,2%.

Diện tích đất lúa chuyển đổi đất lúa theo tính chất sử dụng: chuyển linh hoạt 18.302,9 ha đất chuyên lúa; 4.660ha đất 1 sản xuất 1 vụ lúa xuân; 4037,1ha đất sản xuất 1 vụ lúa mùa.

Mục tiêu cụ thể: năm 2016 chuyển đổi 4.705ha, năm 2017 chuyển đổi 4.954ha, năm 2018 chuyển đổi 5.683ha, năm 2019 chuyển đổi 5.738ha, năm 2020 chuyển đổi 5.920ha.

(Chi tiết từng huyện, từng loại cây trồng có phụ lục kèm theo)

2. Yêu cầu

- Tuân thủ các quy định của của pháp luật về quản lý đất đai và các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, của các huyện, thị xã, thành phố; Việc tổ chức chỉ đạo thực hiện các nội dung phải được bàn bạc công khai dân chủ nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo của người sản xuất.

- Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải gắn chặt với thị trường, hình thành liên minh sản xuất nông nghiệp giữa doanh nghiệp và hợp tác xã để hạn chế rủi ro, tăng thu nhập cho nông dân.

- Chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác là hướng tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa, vùng nguyên liệu để thuận tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm, phát triển bền vững.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải trên cơ sở tình hình thực trạng cơ sở hạ tầng của từng địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới và trên cơ sở đề án của địa phương.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thực hiện với phương châm phát huy sự tự nguyện của người nông dân trồng lúa, có sự tham gia của các doanh nghiệp; nhà nước đầu tư hỗ trợ một phần bằng các chương trình, các nguồn vốn hợp pháp khác.

3. Nguyên tắc chuyển đổi

- Phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng có khả năng cạnh tranh, có hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa, tổ chức sản xuất sau chuyển đổi theo hướng tập trung, cánh đồng lớn, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản.

- Đối với đất chuyên trồng lúa, việc chuyển đổi được thực hiện linh hoạt nhưng khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa mà không phải đầu tư lớn.

- Khi chuyển đổi linh hoạt đất lúa sang trồng cây khác, nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 35/2015/NĐ-CP, ngày 13/4/2015 của Chính phủ và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

III. NHIỆM VỤ CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG TRÊN ĐẤT LÚA

1. Chuyển đất chuyên trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng ngô

Đến năm 2020, tổng diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng ngô là 6.577,8ha, tập trung ở các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Hậu Lộc, Thạch Thành, Bá Thước ,... Cùng với việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng ngô, cần tiếp tục mở rộng diện tích ngô vụ Đông trên đất lúa.

Trên đất trồng lúa thường xuyên bị thiếu nước cần ưu tiên chuyển đổi mạnh sang trồng ngô; vừa đảm bảo mục tiêu sản lượng lương thực có hạt, vừa nâng cao thu nhập, đồng thời đảm bảo nhu cầu chế biến, giảm áp lực nhập khẩu ngô như hiện nay. Trong đó, tập trung xây dựng và phát triển vùng sản xuất ngô thâm canh năng suất, chất lượng cao 20.000ha gieo trồng, năng suất 70 tạ/ha, sản lượng

140.000tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Yên Định; trong đó, ứng dụng tiến bộ về giống, kỹ thuật canh tác. đưa các giống ngô lai đơn có năng suất, chất lượng chế biến cao vào gieo trồng, từng bước mở rộng diện tích ngô biến đổi gen khoảng 1.000ha. Phát triển sản xuất vùng ngô giống 1.000ha, năng suất 55 tạ/ha, sản lượng 5.500 tấn, tập trung tại các huyện: Quảng Xương, Hậu Lộc, Yên Định, Vĩnh Lộc.

2. Chuyển đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng mía nguyên liệu

Diện tích chuyển đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng mía nguyên liệu đến năm 2020 toàn tỉnh đạt 2.025ha.

Rà soát chuyển đổi đất trồng mía nguyên liệu kém hiệu quả (vùng có độ dốc trên 15 độ) sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, rà soát chuyển diện tích đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng mía để tập trung đầu tư thâm canh, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy đường hoạt động. Gắn với thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Nông Cống, Việt Đài và rà soát bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn, tiếp tục mở rộng diện tích mía nguyên liệu thâm canh trên diện tích đất trồng lúa khó tưới; tập trung chủ yếu ở các huyện: Bá Thước, Thạch Thành, Nông Cống, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Như Thanh.

Tập trung xây dựng và phát triển vùng mía thâm canh 20.000ha, đảm bảo có tưới, sử dụng giống có năng suất và trữ lượng đường cao, tạo đột phá về năng suất mía trên 110 tấn/ha, trữ đường 12CCS trở lên.

3. Chuyển đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng rau màu các loại

Diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng rau màu các loại đến năm 2020 toàn tỉnh đạt 5.820,1ha. Tập trung chủ yếu ở thành phố Thanh Hóa và các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn, Tĩnh Gia, Nông Cống... và sản xuất trong các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao trong tỉnh.

Tập trung xây dựng hệ thống công thức luân canh khép kín cho một chù kỳ sản xuất theo hướng kết hợp cả về quy mô rau vùng chuyên canh quanh năm và rau mùa vụ; đa dạng về chủng loại sản phẩm gồm cả rau ăn lá, rau ăn củ, quả, rau gia vị. Bên cạnh các loại rau truyền thống, đẩy mạnh du nhập và phát triển quy mô sản xuất các sản phẩm rau cao cấp, rau đặc sản.

Đánh giá nhu cầu thị trường và khả năng sản xuất, cung ứng ra thị trường, từ đó xác định sự liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Nâng cao chất lượng sản xuất rau theo hướng an toàn, VietGAP, những nơi có điều kiện (nhà lưới, nhà kính...) có thể sản xuất các loại rau quả trái vụ nhằm tăng thu nhập.

4. Chuyển đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây thức ăn chăn nuôi

Phát triển nhanh diện tích cỏ phục vụ nhu cầu thức ăn chăn nuôi, ngoài diện tích đất chuyên trồng cây màu dùng để trồng cỏ cần tiếp tục chuyển đổi ổn định 2.565,9ha đất lúa sang trồng cây thức ăn chăn nuôi xanh; đồng thời chuyển linh hoạt từng vụ khoảng 3.400ha để nâng tổng diện tích đất trồng cây thức ăn chăn nuôi lên 12.700 nghìn ha năm 2020 tại các huyện: Nông Cống, Yên Định, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Bá Thước, thành phố Thanh Hóa, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Như Thanh, Triệu Sơn.

Loại cây trồng thức ăn xanh cho bò sữa, bò thịt chủ yếu là: cỏ voi, cỏ VA6, cao lương, ngô trồng mật độ cao,… Trong thời gian tới tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn đưa các loại giống ngô, giống cỏ có năng suất cao và chất lượng tốt vào sản xuất. Tập trung chủ yếu trồng các giống cỏ có năng suất, chất lượng cao; đồng thời tăng cường đầu tư thâm canh tăng năng suất cỏ trồng đạt 250 tấn/ha/năm trở lên.

5. Chuyển đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả

Diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả đến năm 2020 toàn tỉnh đạt: 1.967,7ha; tập trung tại các huyện: Thọ Xuân, Đông Sơn, Nông Cống, Hoằng Hóa, Triệu Sơn và thành phố Thanh Hóa, Như Xuân, Thường Xuân, Thạch Thành,...

Tuy phát triển cây ăn quả là hướng sản xuất hiệu quả và giàu tiềm năng của sản xuất nông nghiệp Thanh Hóa và có xu hướng gia tăng quy mô sản xuất trong những năm gần đây; song việc phát triển cây ăn quả trên đất lúa cần phải được xác định, đánh giá kỹ cả về mặt kỹ thuật cũng như quy mô, một phần do việc chuyển đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả là hình thức chuyển không linh hoạt, cơ bản đã thay đổi các điều kiện sản xuất lúa; một phần khi đầu tư sản xuất cây ăn quả cần nguồn kinh phí lớn, chu kỳ sản xuất dài, mặt khác còn phụ thuộc khá chặt chẽ vào thị trường; vì vậy nếu không có lựa chọn phù hợp sẽ dẫn đến những ảnh hưởng, thiệt hại lớn. Trước hết, phải đánh giá, phân tích điều kiện, tính chất đất đai từ đó lựa chọn được giống cây ăn quả và biện pháp canh tác phù hợp; đánh giá khả năng đầu tư, khả năng tiêu thụ sản phẩm (cả sản phẩm tươi và sản phẩm chế biến) để lựa chọn quy mô sản xuất.

6. Chuyển đất trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản hoặc kết hợp trồng lúa với nuôi trồng thủy sản

Diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang chuyên nuôi trồng thủy sản hoặc kết hợp trồng lúa với nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 toàn tỉnh đạt 5.058,1ha; tập trung tại các huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Như Thanh,...

Đối với chuyển sang chuyên nuôi trồng thủy sản: thuộc hình thức chuyển mục đích sử dụng đất, phương thức này thay đổi hoàn toàn kết cấu, hiện trạng đồng ruộng do phải cải tạo lại thành ao, đồng, vì vậy đối tượng thực hiện tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp và các chủ hộ có điều kiện kinh tế, nhân lực kỹ thuật tốt, phải xây dựng dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Đất chuyên trồng lúa chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản, trong đó vụ Xuân tập trung sản xuất lúa, sau đó đưa các đối tượng thủy sản vào nuôi, phương thức này giảm chi phí đầu tư, song cần phải tích tụ ruộng đất để đảm bảo diện tích đủ lớn, các chủ hộ đầu tư phải có điều kiện kinh tế. Khi cải tạo đồng ruộng chỉ sử dụng 20% tổng diện tích đất mặt ruộng để đào mương, đắp bờ, không làm thay đổi lớn kết cấu, hiện trạng mặt ruộng.

7. Chuyển đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng hoa, cây cảnh, các loại cây trồng khác và hình thành các trang trại trồng trọt.

Tổng diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang sản xuất hoa, cây cảnh, cây trồng khác và kinh tế trang trại đến năm 2020 là: 2.985,4ha. Phát triển sản xuất hoa, cây cảnh là hướng sản xuất có tiềm năng, phù hợp với yêu cầu nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp của một số huyện ven thành phố,... ; trong đó: 200ha phát triển trồng hoa trên đất lúa theo hướng thâm canh cao, 500ha cây bóng mát và cây cảnh tại thành phố thanh Hóa và khu đô thị trong tỉnh.

Thực tế sản xuất tại một số huyện, các loại cây trồng có tính đặc thù của mỗi địa phương có hiệu quả kinh tế cao, như: trồng thuốc lào ở Quảng Xương, Nga Sơn, Hoằng Hóa; dâu tằm ở Thiệu Hóa,... cần có sự quan tâm tổ chức, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các hộ gia đình chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây này để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân

Tổ chức quán triệt đến cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh về Nghị quyết 16/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XVII) về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; phân tích rõ thời cơ, lợi thế và những thách thức trong sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt nói riêng, từ đó xác định chuyển đổi thành công cây trồng trên đất lúa là nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp từ nay đến năm 2020.

Tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức của người sản xuất, của các tổ chức kinh tế, xã hội về việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa với mục tiêu nâng cao hiệu quả trên 1ha đất trồng lúa.

Phổ biến, hướng dẫn các quy định về chuyển đổi đất trồng lúa để cán bộ, nông dân hiểu rõ và triển khai thực hiện. Triển khai đào tạo, tập huấn cho người sản xuất bằng nhiều hình thức khác nhau về các biện pháp kỹ thuật, thông tin thị trường, giới thiệu các mô hình, cách tổ chức liên kết sản xuất hiệu quả để ứng dụng rộng rãi vào sản xuất.

2. Công tác quy hoạch

Trên cơ sở quy hoạch định hướng của toàn tỉnh, quy hoạch ngành và các sản phẩm chính của tỉnh đã phê duyệt và triển khai thực hiện; các huyện tiến hành rà soát quy hoạch sản xuất nông lâm ngư nghiệp nói chung, quy hoạch diện tích đất lúa nói riêng để xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương theo hướng xây dựng thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh gắn với bảo quản chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm:

Rà soát lại quy hoạch phát triển mía nguyên liệu, đến năm 2020 diện tích 25.800ha, trong đó tập trung quy hoạch vùng mía thâm canh tưới công nghệ cao tại các huyện Thạch Thành, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Như Thanh; quy hoạch tưới mía đến năm 2020 định hướng đến năm 2025;

Vùng sản xuất rau, hoa tập trung ở các nơi gần thành phố, vùng ven các khu đô thị, khu công nghiệp và một số huyện thuận lợi cho phát triển cây rau, hoa kết hợp với du lịch sinh thái; Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện đồng bằng ven biển, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hậu Lộc và Sầm Sơn.

3. Xác định các công thức luân canh chủ yếu phù hợp với từng vùng, từng địa phương

Việc xây dựng các công thức luân canh hợp lý có tính quyết định đến hiệu quả kinh tế và sự phát triển bền vững của các quá trình chuyển đổi. Căn cứ vào tập quán canh tác, lợi thế thị trường của từng sản phẩm trong từng mùa vụ để xác định công thức luân canh cây trồng; từng vùng, từng địa phương cần lựa chọn công thức luân canh phù hợp nhằm rải vụ, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao và hạn chế sâu bệnh hại ngay cả khi trồng trái vụ đối với các loại cây trồng; sau đây là một số công thức luân canh chung:

* Các công thức luân canh trên đất lúa chủ yếu:

1. Lúa Xuân muộn - Lúa Mùa sớm - Ngô đông;

2. Lúa Xuân muộn - Lúa Mùa sớm - Cà chua vụ đông;

3. Lúa Xuân muộn - Lúa Mùa sớm - Rau, đậu vụ đông;

4. Lúa Xuân muộn - Lúa Mùa sớm - Dưa chuột vụ đông;

5. Lúa Xuân muộn - Lúa Mùa sớm - Khoai tây vụ đông;

6. Lúa Xuân muộn - Lúa Mùa sớm - Bí xanh vụ đông;

7. Lúa Xuân muộn - Lúa Mùa sớm - Đậu tương vụ đông;

8. Lúa Xuân muộn - Lúa Mùa sớm - Khoai lang vụ đông;

9. Lúa Xuân muộn - Lúa Mùa sớm - Ngô TAGS vụ đông;

10. Lúa Xuân muộn - Lúa Mùa sớm - Ớt vụ Đông;

11. Thuốc lào vụ Xuân - Lúa Mùa sớm - Cây vụ đông;

12. Ớt vụ xuân - Lúa Mùa sớm - Ngô vụ đông.

* Các công thức luân canh trên đất lúa chuyển sang trồng màu:

1. Lạc xuân - Vừng - Ngô thu đông;

2. Ngô xuân - Đậu tương hè thu - Ngô đông;

3. Ngô xuân - Ngô hè thu - Rau vụ đông;

4. Ớt vụ xuân - Đậu tương - Ngô vụ đông;

5. Ngô TAGS - Đậu xanh - Ngô TAGS;

6. Ớt - Ngô hè thu - Rau vụ đông;

7. Ngô xuân - Lạc hè thu - Rau đông hoặc Ngô đông;

8. Chuyên hoa, cây cảnh

9. Khoai tây vụ đông xuân - Bí vụ hè thu - lạc thu đông

* Các công thức luân canh trên đất lúa chuyển sang trồng rau, quả:

1. Cà chua - Xà lách xoăn - Cần tây - Su lơ xanh - Cải bao;

2. Hành hoa - Cần tây - Dưa lê - Cải ngọt - Đậu cô ve;

3. Hành hoa - Đậu cô ve - Dưa lê - Cần tây - Cà chua;

4. Hành hoa - Đậu cô ve - Cần tây - Mướp đắng - Cà chua;

5. Cà chua - Đậu đũa - Cần tây - Su lơ xanh;

6. Dưa chuột bao tử - đậu tương - dưa hấu;

7. Lạc xuân - Đậu tương hè thu - Dưa hấu;

8. Khoai tây đông xuân - Dưa (vừng hè thu - ngô) - cây vụ Đông sớm

9. Chuyên rau.

* Công thức chuyển đổi đất lúa, kết hợp nuôi trồng thủy sản:

1. Lúa - Cá rô phi, kết hợp nuôi cá chép, cá mè trắng;

2. Nuôi vịt - lúa cá kết hợp

4. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị

Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng cho phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; ưu tiên đầu tư các vùng sản xuất chuyên canh; vùng sản xuất còn khó khăn; đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại xây dựng các cơ sở chế biến, tiêu thụ nông sản. Lồng ghép các nguồn vốn và huy động vốn ngoài ngân sách, tiếp tục thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi trên diện tích đất lúa chuyển đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và triển khai tự động hóa các khâu từ sản xuất bảo quản chế biến vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm trong quá trình thực hiện chuyển đổi cây trồng.

5. Nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và chế biến

Nghiên cứu ứng dụng và du nhập các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, như: giá thể, phân bón chuyên dụng, chế phẩm sinh học, khung nhà lưới, lưới che phủ, hệ thống tưới, thiết bị chăm sóc, thu hoạch, hệ thống thông thoáng khí; trang thiết bị nuôi cấy mô;

Nghiên cứu, ứng dụng quy trình công nghệ tổng hợp, quy trình cơ giới hóa đồng bộ và tự động hóa quá trình trồng trọt và thu hoạch các loại cây trồng. Nghiên cứu phát triển quy trình công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); quy trình công nghệ sản xuất cây trồng an toàn theo VietGAP; Ứng dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến trong bảo quản nông sản, làm giảm tỷ lệ hao hụt sau khi thu hoạch của nông sản;

Nghiên cứu, ứng dụng hệ thống giống cây trồng phù hợp từng vùng sinh thái để chuyển giao cho người sản xuất. Tập trung nghiên cứu ứng dụng ưu thế lai và công nghệ gen để đưa các giống cây trồng mới, cây trồng biến đổi gen có các đặc tính nông sinh học ưu việt, phù hợp với yêu cầu của thị trường; công nghệ nhân giống để đáp ứng nhu cầu cây giống có chất lượng cao, sạch sâu bệnh;

Nâng cao năng lực cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông, cán bộ quản lý, xã hội hóa đào tạo nghề đảm bảo cho nông dân tiếp cận được các quy trình kỹ thuật, quy trình công nghệ mới áp dụng trong sản xuất; Lồng ghép, tranh thủ các chương trình dự án của Nhà nước hoặc của các tổ chức phi chính phủ để tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT.

Triển khai diện rộng các mô hình sản xuất trồng trọt, như: mô hình cơ giới hóa đồng bộ; mô hình sử dụng phân bón chuyên cho các loại cây trồng, phân viên nén cho lúa, ngô; mô hình tưới mía, cày sâu bón vôi trong thâm canh mía; mô hình phát triển rau an toàn; mô hình trồng hoa, cây cảnh, mô hình xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn đầu tư sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cây trồng, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý dinh dưỡng tổng hợp, ...

Rà soát các chương trình khoa học công nghệ, cấp nhà nước, cấp tỉnh để tập trung ưu tiên việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ về lĩnh vực: giống, công nghệ canh tác tiên tiến, công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến cho việc thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa.

Tăng cường hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, các viện, học viện, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để nghiên cứu, ứng dụng, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả.

6. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Ưu tiên thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp khoa học công nghệ sản xuất các sản phẩm có lợi thế về thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước như: trồng hoa, trồng rau trong nhà lưới (cà chua, dưa leo, rau, ớt..); lúa gạo chất lượng cao, mía, ngô, thức ăn gia súc; sản xuất cây giống, con giống, phân bón, chế phẩm sinh học quy mô công nghiệp. Đặc biệt quan tâm ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết với nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; từng bước mở rộng quy mô và hoạt động của các doanh nghiệp khoa học công nghệ; kết hợp giữa nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.

7. Xúc tiến thương mại

Lồng ghép các chương trình, dự án để tổ chức chiến lược quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản của Thanh Hóa; giới thiệu sản phẩm trên website, phương tiện truyền thông, du lịch, sự kiện văn hóa. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ, diễn đàn chuyên ngành nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế của địa phương; tăng cường nắm bắt thông tin, phân tích thị trường; đẩy mạnh quan hệ, giao dịch với đối tác để lựa chọn sản phẩm đưa vào sản xuất vừa phát huy được lợi thế cho năng suất, chất lượng vừa có thị trường tiêu thụ ổn định.

Tổ chức, hợp tác giữa các cơ quan xúc tiến thương mại của Nhà nước về khảo sát thị trường, tham gia triển lãm, hội chợ, xây dựng và phát triển kênh phân phối riêng tại thị trường trong tỉnh, trong nước và ở nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chương trình xúc tiến của tỉnh.

Tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức đối với doanh nghiệp, địa phương và người tiêu dùng về các sản phẩm của "Xứ Thanh" xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản chủ lực.

Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục, tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo chuỗi giá trị; gắn với đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, cần khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng cơ sở, trụ sở, chi nhánh tại địa phương để tạo mối quan hệ vững chắc trong liên kết sản xuất.

8. Cơ chế chính sách

Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh như: Luật Đất đai số 45/2013/QH13, ngày 29/11/2013 của Quốc hội; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Nghị quyết số 63/NQ-CP, ngày 23/12/2009 của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 5643/2015/QĐ-UBND; Chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng vật nuôi giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 5637/ 2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra, các địa phương, tùy theo điều kiện cụ thể của đơn vị mình cần ban hành chính sách hỗ trợ công tác chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, và UBND các huyện có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Phương án, giai đoạn 2016 - 2020; hướng dẫn và định hướng lựa chọn cây trồng, loại thủy sản phù hợp vào sản xuất; hàng năm tổng hợp kết quả chuyển đổi báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan rà soát quy hoạch các loại cây trồng, quy hoạch hệ thống thủy lợi và tham mưu các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện Phương án chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn, giai đoạn 2016-2020; tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch chuyển đổi đảm bảo quy hoạch, đúng mục đích sử dụng đất; thẩm định, đánh giá tác động môi trường và các tiêu chí về môi trường của các đề án, dự án.

Chủ trì hướng dẫn các địa phương, chủ đầu tư, hộ kinh doanh việc thu hồi đất, giao đất, thuê đất và sử dụng đất đúng theo quy định; trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất lúa.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có liên quan đến phát triển nông nghiệp.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các doanh nghiệp đưa nhanh các TBKT mới, công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt là xây dựng mô hình ứng dụng giống cây trồng biến đổi gen trong nông nghiệp; lồng ghép các chương trình, dự án khoa học công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời nghiên cứu, đánh giá và dự báo tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dự báo thị trường tiêu thụ.

5. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành có liên quan hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước để thực hiện các cơ chế, chính sách có liên quan đến chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Xây dựng dự toán, cân đối nguồn vốn, theo kế hoạch các nội dung về thực hiện các cơ chế, chính sách đã được UBND tỉnh phê duyệt.

6. Sở Công thương

Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch hoạt động nghiên cứu, dự báo thị trường, đánh giá khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản của Thanh Hóa trên thị trường trong nước và thị trường thế giới;

Chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan, doanh nghiệp để xây dựng chính sách hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại đối với các doanh nghiệp chế biến; các thương hiệu cho sản phẩm nông sản của địa phương, thương hiệu doanh nghiệp;

Chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch để hỗ trợ quảng bá, xúc tiến xuất khẩu, phát triển thị trường cho doanh nghiệp, sản phẩm nông sản và thương hiệu các loại nông sản của tỉnh, trình UBND tỉnh.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng Phương án chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn trên địa bàn tỉnh huyện, giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa hàng năm của huyện gửi Sở Nông nghiệp và PTNT; hàng năm báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

- Chỉ đạo các xã xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi, quản lý, giám sát các HTX, chủ hợp đồng và hộ nông dân đã ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp; phát hiện kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp và người sản xuất trong quá trình thực hiện; kịp thời xử lý những vấn đề thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của UBND cấp huyện và chủ động làm việc với các ngành có liên quan, báo cáo UBND tỉnh xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền của UBND cấp huyện.

- Tùy điều kiện của địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên đất lúa; có biện pháp giúp đỡ cần thiết, tạo điều kiện cho người sản xuất và doanh nghiệp thực hiện hợp đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

- Hướng dẫn, chỉ đạo các HTX và nông dân ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị; phối hợp với các ngành liên quan và các doanh nghiệp tổ chức tập huấn, xây dựng các mô hình sản xuất.

8. Ủy ban nhân dân cấp xã

- Trực tiếp triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển các loại cây trồng hàng năm do UBND huyện giao; hướng dẫn, hỗ trợ hộ nông dân chuyển đổi cây trồng, dồn điền đổi thửa để hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung và chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng các qui định của pháp luật; khích nông dân.

- Chỉ đạo, giám sát quá trình thực hiện hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng. Phối hợp với doanh nghiệp kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thực hiện kế hoạch sản xuất, thu hoạch, vận chuyển theo đúng hợp đồng đã ký kết.

- Thường xuyên báo cáo kết quả triển khai, thực hiện với UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT và các ngành có liên quan cấp huyện.

9. Các doanh nghiệp

- Phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương rà soát bổ sung quy hoạch phát triển các loại cây trồng để có vùng nguyên liệu tập trung phù hợp với nhu cầu phát triển doanh nghiệp.

- Ký hợp đồng trực tiếp với HTX, tổ hợp tác, chủ hợp đồng hoặc với từng hộ nông dân và thực hiện đúng, đầy đủ các khoản trong hợp đồng đã ký kết.

- Đầu tư ứng trước vốn, vật tư, giống, phân bón đảm bảo chất lượng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm do đơn vị đã đầu tư thuộc vùng quy hoạch, thông qua các hợp đồng đã ký kết với các tổ chức, cá nhân sản xuất; Có giải pháp và chính sách cụ thể hỗ trợ nông dân phát triển vùng nguyên liệu tập trung, áp dụng kỹ thuật thâm canh và cơ giới hóa vào sản xuất, để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

- Phối hợp với các ngành, các địa phương hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, tiên tiến cho hộ sản xuất.

10. Ủy ban mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hội nghề nghiệp, các cơ quan thông tin, truyền thông

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của các cấp, các ngành; có kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền và vận động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào đề án.

Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh các cơ quan thông tin đại chúng, các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các cấp tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản, chỉ thị, nghị quyết, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, lập chuyên trang, chuyên mục để thông tin thường xuyên về các mô hình tốt, các điển hình tiên tiến, để kịp thời động viên, khuyến khích học tập các mô hình, các điển hình và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia đề án./.

 

PHỤ LỤC 1

KẾ HOẠCH DIỆN TÍCH CHUYỂN ĐỔI ĐẤT LÚA GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Đơn vị tính: ha

Đơn vị

Diện tích đất trồng lúa chuyển sang các loại cây trồng khác và NTTS (ha)

Tổng

2016

2017

2018

2019

2020

Toàn tỉnh

27.000

4.705

4.954

5.683

5.738

5.920

Nông Cống

1.400

410

300

255

255

180

Thành phố

1.700

300

350

450

350

250

Thọ Xuân

2.750

230

400

540

710

870

Hậu Lộc

1.500

210

240

288

362

400

Yên Định

2.200

500

500

500

400

300

Hoằng Hóa

1.600

300

300

400

300

300

Bá Thước

1.820

215

300

370

435

500

Thạch Thành

1.542

386

 

385

385

386

Vĩnh Lộc

861

341

188

107

75

150

Triệu Sơn

2.350

300

400

450

500

700

Đông Sơn

1.295

250

295

295

290

165

Hà Trung

1.061

132

329

252

168

180

Quảng Xương

1.500

200

250

250

400

400

Như Thanh

560

100

140

150

90

80

Thiệu Hóa

1.600

250

280

330

380

360

Nga Sơn

650

90

150

150

150

110

Như Xuân

250

110

50

50

20

20

Ngọc Lặc

239

43

70

50

40

36

Tĩnh Gia

770

100

150

150

150

220

Cẩm Thủy

361

41

50

70

90

110

Bỉm Sơn

137

23

27

31

28

28

Lang Chánh

109

29

20

20

20

20

Thường Xuân

180

45

30

30

30

45

Sầm Sơn

150

30

30

30

30

30

Quan Hóa

160

30

40

30

30

30

Quan Sơn

200

30

50

40

40

40

Mường Lát

55

10

15

10

10

10

 

PHỤ LỤC 2

KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG TRÊN ĐẤT ĐẤT LÚA GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Đơn vị tính: ha

TT

Đơn vị

Ngô

TACN

Mía

CAQ, cây dược liệu

Rau

Lúa - cá

Khác

 

Toàn tỉnh

6.577,8

2.565,9

2.025,0

1.967.7

5.820,1

5.058.1

2.985,4

1

Thành phố

100

20

0.0

200.0

500.0

300.0

580.0

2

Sầm Sơn

20

0.0

0.0

0.0

80.0

20.0

30.0

3

Bỉm Sơn

0.0

0.0

0.0

0.0

13.0

124.0

0.0

4

Thọ Xuân

1.000

150.0

200.0

520.0

300.0

580.0

0.0

5

Đông Sơn

200

120.0

22.0

140.0

128.0

530.0

155.0

6

Nông Cống

50

340.0

70.0

140.0

50.0

180.0

570.0

7

Triệu Sơn

550

250.0

220.0

70.0

550.0

500.0

210.0

8

Quảng Xương

220

130.0

0.0

65.0

685.0

100.0

300.0

9

Hà Trung

29

25.8

0.0

64.5

117.9

774.1

49.7

10

Nga Sơn

200

15.0

0.0

13.2

213.8

158.0

50.0

11

Yên Định

600

150.0

0.0

300.0

900.0

150.0

100.0

12

Thiệu Hóa

300

150.0

0.0

115.0

665.0

310.0

60.0

13

Hoằng Hóa

300

250.0

0.0

100.0

500.0

300.0

150.0

14

Hậu Lộc

200

113.3

0.0

110.0

240.0

500.0

336.7

15

Tĩnh Gia

200

70.0

0.0

50.0

300.0

150.0

0.0

16

Vĩnh Lộc

250

144.0

50.0

30.0

127.0

205.0

55.0

17

Thạch Thành

836,8

134.8

400.0

0.0

38.4

132.0

0.0

18

Cẩm Thủy

51

130.0

20.0

15.0

110.0

15.0

20.0

19

Ngọc Lặc

70

33.0

38.0

0.0

42.0

5.0

51.0

20

Lang Chánh

46

25.0

0.0

0.0

25.0

0.0

13.0

21

Như Xuân

110

0.0

35.0

0.0

55.0

10.0

40.0

22

Như Thanh

100

125.0

240.0

15.0

80.0

0.0

0.0

23

Thường Xuân

40

40.0

0.0

0.0

80.0

15.0

5.0

24

Bá Thước

850

150.0

730.0

0.0

0.0

0.0

90.0

25

Quan Hóa

100

0.0

0.0

0.0

0.0

0.0

60.0

26

Quan Sơn

100

0.0

0.0

20.0

20.0

0.0

60.0

27

Mường Lát

55

0.0

0.0

0.0

0.0

0.0

0.0

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2326/QĐ-UBND ngày 01/07/2016 phê duyệt Phương án chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.200

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.133.206
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!