Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 1695/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Nguyễn Văn Khước
Ngày ban hành: 11/07/2019 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1695/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 11 tháng 7 năm 2019

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÒNG NGỪA NGĂN CHẶN, CHỐNG LẤN CHIẾM VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 1276/TTr-CAT-TM ngày 01 tháng 7 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án phòng ngừa ngăn chặn, chống lấn chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Công an tỉnh,
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUB: CVP, PCVP; NCTH;
- Lưu: VT.NC1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước

ĐỀ ÁN

PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN, CHỐNG VI PHẠM VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1695/QĐ-UBND ngày 11/7/2019 của UBND tỉnh)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Căn cứ pháp lý

Căn cứ Luật Đất đai năm 2013;

Căn cứ Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

Căn cứ Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới;

Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

Căn cứ Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định chi tiết thi hành Luật đất đai;

Căn cứ Quyết định số 1675/QĐ-TTg ngày 29/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai đến năm 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26/4/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc tiếp tục tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ Văn bản số 2606-CV/TU ngày 07 tháng 6 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

2. Căn cứ thực tiễn

Trong những năm qua, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh diễn ra ở hầu hết các địa phương, nhất là trong vùng dự án, ảnh hưởng tiêu cực đến việc triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Qua rà soát trên địa bàn tỉnh có hàng chục nghìn trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai. Các hành vi vi phạm diễn ra trong thời gian dài, có trường hợp công khai, trắng trợn; trong khi đó công tác quản lý nhà nước của cấp chính quyền cơ sở bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, đã làm giảm sút hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, làm giảm niềm tin của một bộ phận nhân dân đối với việc thực thi pháp luật nói chung và Luật Đất đai nói riêng. Vì vậy, để chủ động ngăn chặn, từng bước giải quyết tình trạng vi vi phạm pháp luật về đất đai, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đưa việc sử dụng đất đai ngày càng hiệu quả đang là yêu cầu cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Do đó, việc xây dựng triển khai thực hiện Đề án phòng ngừa ngăn chặn, chống lấn chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Phần II

THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Công tác quản lý nhà nước về đất đai phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

- Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 123.515 ha, trong đó: Đất nông nghiệp (đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác) là 92.400 ha, chiếm 74,8% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh; Đất phi nông nghiệp (đất ở, đất chuyên dùng, đất cơ sở tôn giáo, đất cơ sở tín ngưỡng, đất nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng, đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối, đất có mặt nước chuyên dùng, đất phi nông nghiệp khác) là 30.158 ha, chiếm 24,4% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh; Đất chưa sử dụng (đất bằng chưa sử dụng, đất đồi núi chưa sử dụng, núi đá không có rừng cây) là 958 ha, chiếm 0,8% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh.

- Công tác quản lý, sử dụng đất: Nhóm đối tượng được giao quản lý (UBND cấp xã, các tổ chức phát triển quỹ đất, cộng đồng dân cư và tổ chức khác quản lý) là 18.966 ha, chiếm 15,4% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh; Nhóm đối tượng được giao sử dụng (hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức kinh tế, cơ quan đơn vị của nhà nước, tổ chức sự nghiệp công lập, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cộng đồng dân cư và cơ sở tôn giáo, các tổ chức khác) là 104.550 ha, chiếm 84,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Với chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư, tính đến hết quý I/2019 tỉnh Vĩnh Phúc có 18 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích 5.540 ha; có 1.070 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực (FDI 344 dự án, tổng vốn đầu tư 4,65 tỷ USD; DDI 726 dự án, tổng vốn đầu tư 76,7 tỷ đồng), sử dụng khoảng 700 ha đất. Các dự án triển khai trên địa bàn tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu ngân sách quan trọng cho tỉnh nhà.

Trong những năm qua, công tác quản lý, sử dụng đất đai luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt; diện tích đất chủ yếu được giao cho các tổ chức, cá nhân sử dụng (chiếm 84,6%), phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai vẫn còn xảy ra nhiều, chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời.

2. Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai

2.1. Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh

2.1.1. Qua rà soát trên địa bàn tỉnh có hơn 17.000 trường hợp vi phạm, vướng mắc về đất đai; cụ thể: Tự ý lấn, chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép 13.075 trường hợp; đã thu tiền sử dụng đất nhưng chưa được giao đất 605 trường hợp; đã sử dụng đất nhưng chưa được công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 4.051 trường hợp.

Riêng đối với 13.075 trường hợp tự ý lấn, chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép:

+ Thời điểm từ ngày 01/7/2014 trở về trước (thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực) có 11.435 trường hợp vi phạm, với tổng diện tích 603,59 ha. Trong đó: Lấn đất 1.814 trường hợp, diện tích 24,4 ha; chiếm đất: 855 trường hợp, diện tích 20,91 ha; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép: 8.766 trường hợp, diện tích 558,28 ha.

+ Thời điểm sau ngày 01/7/2014 có 1.640 trường hợp vi phạm, với tổng diện tích 33,42 ha. Trong đó: Lấn đất 384 trường hợp, diện tích 5,62 ha; chiếm đất: 285 trường hợp, diện tích 4,97 ha; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép: 971 trường hợp, diện tích 22,83 ha.

2.1.2. Nguyên nhân:

- Nguyên nhân khách quan:

+ Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận quần chúng nhân dân, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chưa cao. Trong khi đó, lợi ích từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao nên một bộ phận người dân bất chấp các quy định về quản lý đất đai để thực hiện các hành vi vi phạm.

+ Trong những năm gần đây nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích phát triển đa dạng loại hình kinh tế, nhất là chuyển đổi từ đất sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển kinh doanh dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản... nhưng việc lập quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất còn chậm; trong khi đó, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đôn đốc, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

+ Định hướng các loại hình kinh tế của địa phương không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chưa dự báo đúng nhu cầu thị trường để phát triển kinh tế hộ gia đình, cá nhân, không tạo được vùng sản xuất quy mô lớn... Do đó, công tác quản lý, sử dụng đất phát sinh bất cập ở nhiều địa phương.

+ Đối tượng được giao đất ở theo quy định Luật Đất đai ngày càng hạn chế, với mục tiêu xóa bỏ bao cấp thông qua hình thức đấu giá sử dụng đất nên nhiều hộ gia đình, cá nhân ở khu vực nông thôn không có điều kiện để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở, trong khi đó nhu cầu đất ở ngày càng lớn dẫn đến tình trạng vi phạm về đất đai ngày càng phức tạp.

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý, sử dụng đất đai, có biểu hiện buông lỏng, né tránh, e ngại trong xử lý các vi phạm, cá biệt có trường hợp tiếp tay, tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm, gây bức xúc trong xã hội.

+ Việc xử lý các vi phạm của các cơ quan chức năng còn thiếu kiên quyết hoặc xử lý chỉ mang tính hình thức ở việc lập biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm không chấp hành nhưng cũng không có chế tài xử lý dứt điểm.

+ Do không được xử lý ngay từ khi mới phát sinh vi phạm nên hầu hết các trường hợp được phát hiện sau khi đã xây dựng xong các công trình kiên cố hoặc hạ cốt, đào ao nuôi trồng thủy sản, gây khó khăn trong việc khắc phục về tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

+ Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai có nơi, có thời điểm còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

2.2. Công tác xử lý vi phạm về đất đai

Qua công tác quản lý nhà nước về đất đai, các cơ quan chức năng đã xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, có vướng mắc về đất đai, cụ thể:

- Đã tiến hành kiểm tra và lập hồ sơ xử lý 7.009 trường hợp tự ý lấn, chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, diện tích 240,66 ha. Trong đó: Vi phạm từ ngày 01/7/2014 trở về trước đã xử lý được 5.554/11.435 trường hợp vi phạm (đạt 48,57% so với tổng số vi phạm); vi phạm sau ngày 01/7/2014 đã xử lý được 1.455/1.640 trường hợp (đạt 88,72% so với tổng số vi phạm).

- Đã tiến hành rà soát, công nhận quyền sử dụng đất (theo Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013) đối với 3.043 trường hợp, diện tích 117,86 ha.

Phần III

NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU; QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO; PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Mục tiêu, yêu cầu

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai, trọng tâm là Luật Đất đai năm 2013; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh.

- Ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi vi phạm; phấn đấu đến hết năm 2024 cơ bản giải quyết xong tình trạng vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai trái phép trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Trước mắt, đến hết năm 2019 phải ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, không để phát sinh các trường hợp vi phạm mới.

- Quá trình triển khai thực hiện Đề án đi đôi với việc xử lý phải góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, nhất là Luật Đất đai cho cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn tỉnh.

- Đề án được thực hiện theo lộ trình cụ thể, không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của các cơ quan, đơn vị, địa phương; việc xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tạo được sự đồng thuận của người dân, góp phần ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn.

- Thông qua việc thực hiện Đề án để ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.

2. Quan điểm chỉ đạo

- Đảm bảo sự tập trung, thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, từ đó làm chuyển biến nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai.

- Lấy công tác tuyên truyền, vận động là chính; đồng thời, phải kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm, đảm bảo thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm trong xử lý các trường hợp vi phạm.

- Quá trình giải quyết các vụ việc phải đảm bảo khách quan, thận trọng, đúng đối tượng, hành vi, không để các phần tử xấu lợi dụng kích động gây phức tạp về an ninh, trật tự.

- Cùng với việc giải quyết các vụ việc vi phạm xảy ra phải tập trung xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức được giao trách nhiệm quản lý đất đai và những người có liên quan, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; đồng thời, chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

3. Phạm vi, đối tượng, thời gian thực hiện

3.1. Phạm vi: Đề án được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

3.2. Đối tượng: Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người được nhà nước giao quản lý, sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

3.3. Thời gian: Từ năm 2019 đến năm 2024. Cụ thể:

- Năm 2019: Chấm dứt các vụ, việc vi phạm mới phát sinh; giải quyết ít nhất 20% số vụ, việc vi phạm.

- Năm 2020: Giải quyết ít nhất 20% số vụ, việc vi phạm.

- Năm 2021: Giải quyết ít nhất 20% số vụ, việc vi phạm.

- Năm 2022: Giải quyết ít nhất 15% số vụ, việc vi phạm.

- Năm 2023: Giải quyết ít nhất 15% số vụ, việc vi phạm.

- Năm 2024: Giải quyết xong số vụ, việc vi phạm còn lại.

II. CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

1. UBND các cấp đồng loạt ra quân, có kế hoạch cụ thể chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là số cán bộ tiếp tay, tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm pháp luật về đất đai, gây bức xúc trong nhân dân. Quá trình chỉ đạo xử lý kết hợp với củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, nhất là cấp cơ sở.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trọng tâm là Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Khiếu nại, tố cáo và các quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nắm được, tự giác chấp hành.

3. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngủ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, thực hiện có hiệu quả các mặt công tác về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn.

4. Nắm chắc tình hình, phát hiện sớm, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, không để kéo dài, gây phức tạp về an ninh, trật tự.

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai. Qua thanh tra, kiểm tra khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật nhằm răn đe, phòng ngừa tội phạm trên lĩnh vực này.

6. Chú trọng đầu tư thiết bị, phương tiện cần thiết phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai.

7. Nâng cao hiệu quả của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân trong tham gia giải quyết tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, tố giác các hành vi vi phạm; tuyên truyền, vận động nhân dân không lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai

Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Đất đai năm 2013; Quyết định số 1675/QĐ-TTg ngày 29/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai đến 2020; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26/4/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp tục tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 7566/KH-UBND ngày 04/10/2018 của UBND tỉnh về Xử lý, giải quyết vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc... Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp khắc phục tồn tại, hạn chế, sơ hở, thiếu sót trong các quy định về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn; có chế tài xử lý, xem xét trách nhiệm của cán bộ các cấp chính quyền nếu tiếp tục để xảy ra các vụ việc vi phạm mới.

2. Giải pháp phòng ngừa hoạt động vi phạm pháp luật về đất đai

2.1. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai

- Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền thực hiện Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Giao thông và các văn bản liên quan bằng các hình thức, biện pháp phù hợp, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung và việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng đất đai nói riêng. Đồng thời, tuyên truyền về việc triển khai thực hiện Đề án của UBND tỉnh, động viên, khuyến khích người dân tích cực tham gia, ủng hộ.

Tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên để nắm chắc chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đó gương mẫu, chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai, vận động người thân, nhân dân không lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, tạo lập tài sản trái phép trên đất đã quy hoạch, giải phóng mặt bằng và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác về đất đai.

- Hình thức, nội dung tuyên truyền đa dạng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, pano, áp phích, tuyên truyền trong nhà trường, thông qua các cuộc họp... để người dân thấy rõ vì lợi ích chung của cộng đồng, lợi ích số đông mà tự giác hưởng ứng, chấp hành. Đồng thời, tuyên truyền về kết quả xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai để quần chúng nhân dân biết, ủng hộ, giúp cơ quan chức năng đấu tranh với các hành vi vi phạm.

- Việc tuyên truyền, vận động phải được thực hiện thường xuyên, đặc biệt chú ý nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của hệ thống loa truyền thanh cấp xã; kết hợp tuyên truyền, vận động toàn dân với vận động, tuyên truyền cá biệt đối với người có uy tín trong khu dân cư, dòng họ, làng xóm, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong dân tộc thiểu số và từng trường hợp có dấu hiệu vi phạm ngay từ đầu, không để vi phạm kéo dài dẫn đến khó xử lý, giải quyết.

2.2. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với việc phòng ngừa, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai

- Cấp ủy, chính quyền tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01-12-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với các mặt công tác cụ thể nhằm phòng ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn.

- Vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các quy định của địa phương về quản lý, sử dụng đất đai. Phát động phong trào đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, tổ chức cho người dân ký cam kết không vi phạm pháp luật về đất đai; tích cực tham gia tố giác, đấu tranh với các hành vi lấn chiếm, sử dụng đất đai trái phép tại cộng đồng dân cư.

- Tổ chức sơ, tổng kết đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình về bảo đảm an ninh, trật tự ở khu dân cư để nhân rộng ra các địa bàn khác; kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên những cá nhân, tổ chức chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà nước về đất đai; lên án những trường hợp cố tình vi phạm trước cộng đồng dân cư.

3. Giải pháp nâng cao năng lực quản lý về đất đai

3.1. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai

- Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, quản lý đất đai từ tỉnh đến cơ sở. Quan tâm, tạo điều kiện để cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã được tham dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ. Nội dung tập huấn phải bám sát với việc giải quyết thực trạng của địa phương, nhất là việc xử lý vi phạm về đất đai trên địa bàn.

- Trên cơ sở bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ ngành quản lý đất đai vừa có chuyên môn nghiệp vụ cao, vừa có tinh thần, thái độ phục vụ tốt cho nhân dân; trang bị thêm kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống trong tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến đất đai.

3.2. Đầu tư các trang bị phục vụ công tác quản lý đất đai

Bổ sung trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng thanh tra, đơn vị được giao quản lý về đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố...) nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ thanh tra, quản lý về đất đai mà không làm tăng biên chế.

3.3. Xây dựng nguồn lực về quản lý đất đai

- Tổ chức rà soát, đánh giá năng lực công tác lãnh đạo, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai của chính quyền ở cấp xã, cấp huyện, tập trung vào địa bàn, dự án có đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai; xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai diễn ra trong một thời gian dài mà chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả...

Qua triển khai các mặt công tác, việc thực hiện Đề án để phát hiện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở thiếu sát sao trong công tác chỉ đạo, năng lực quản lý, điều hành yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý đất đai, gây phức tạp về an ninh, trật tự để xử lý trách nhiệm theo quy định nhằm cảnh tỉnh cho các trường hợp khác.

- Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, khả năng giải quyết tình trạng lấn chiếm và các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai của người dân trên địa bàn, đáp ứng được yêu cầu đang đặt ra của địa phương.

- Các cơ quan chức năng lắng nghe ý kiến của người dân, tiếp nhận đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan đến cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý, góp phần làm trong sạch nội bộ, tạo niềm tin cho người dân vào chính quyền các cấp.

4. Giải pháp về phát hiện, đấu tranh, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai

4.1. Tăng cường công tác nắm tình hình liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn

- Chủ động nắm tình hình, rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, phân loại rõ đối với từng hành vi, tập trung chú ý đối với các vi phạm như: Lấn, chiếm, hủy hoại đất; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; sử dụng đất không đúng mục đích; không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật Đất đai; sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai... Làm rõ nguyên nhân để đề xuất biện pháp tháo gỡ, giải quyết phù hợp.

- Nắm tình hình trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và kênh thông tin do báo chí phản ánh; khi có thông tin phải tổ chức xác minh đảm bảo tính xác thực của thông tin để phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết sớm, ổn định tình hình.

- Nắm tình hình liên quan đến âm mưu, ý đồ của các phần tử xấu lợi dụng người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, các hộ dân vi phạm về sử dụng đất đai để lôi kéo, kích động cản trở việc triển khai thực hiện Đề án, từ đó chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, không để phát sinh phức tạp về an ninh, trật tự.

4.2. Tổ chức thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai, tập trung ở các địa bàn trọng điểm

- Căn cứ tình hình quản lý, sử dụng đất đai hiện nay và kết quả thanh tra chuyên ngành về đất đai trên phạm vi toàn tỉnh để xây dựng kế hoạch thanh tra trong thời gian tới, chú ý đối với các địa bàn đang có nhiều vi phạm, xuất hiện đơn thư khiếu nại, tố cáo, người dân bức xúc kéo đi khiếu kiện vượt cấp...

- Kế hoạch thanh tra phải đảm bảo không trùng đối tượng, nội dung trong một số năm liên tiếp; được thực hiện đồng loạt trên toàn tỉnh, tập trung vào một số nhóm đối tượng quản lý, sử dụng đất đã và đang tiềm ẩn nhiều phức tạp như: Việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai của UBND cấp huyện, cấp xã; việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai ở các cấp; việc quản lý, sử dụng đất đai tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; việc quản lý, sử dụng đất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp và thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Kế hoạch tổ chức thanh tra phải có lộ trình, đúng trọng tâm để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; đồng thời phát hiện, củng cố hồ sơ, tài liệu về hành vi vi phạm liên quan đất đai để xử lý theo quy định của pháp luật.

4.3. Tổ chức đánh giá, phân loại vi phạm pháp luật về đất đai

Trên cơ sở nắm tình hình, rà soát, thống kê, thanh tra, kiểm tra tổ chức đánh giá, phân loại các trường hợp vi phạm: (1) Xác định rõ loại đất, thời điểm vi phạm (trước và sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực). (2) Đối tượng, hành vi, tính chất vi phạm (vi phạm nhưng phù hợp với quy hoạch hay vi phạm gây ảnh hưởng đến quy hoạch chung, gây ảnh hưởng đến công trình nhà nước, công trình công cộng). (3) Nguyên nhân dẫn đến vi phạm (vi phạm do chính sách pháp luật về đất đai thay đổi hay hành vi cố tình vi phạm nhằm trục lợi). (4) Xử lý của cơ quan chức năng và việc chấp hành, thực hiện quyết định xử lý của đối tượng vi phạm (nếu có).

Đối với các trường hợp vi phạm diễn ra sau ngày 01/7/2014, tổ chức tuyên truyền, vận động tháo dỡ các công trình vi phạm, hoàn trả lại mặt bằng; trường hợp cố tình vi phạm thì thu hồi lại đất theo Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 hoặc chuyển Cơ quan điều tra các cấp xử lý theo quy định tại Điều 228 Bộ Luật Hình sự năm 1015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

4.4. Thu thập, củng cố hồ sơ, tài liệu đối với các vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai để xử lý theo quy định của pháp luật

- Trên cơ sở kết quả thanh tra, rà soát, thống kê, phân loại các trường hợp vi phạm, các cơ quan chức năng củng cố hồ sơ từng trường hợp; đối với các trường hợp còn thời hiệu thì ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu khắc phục lại hiện trạng; đối với các trường hợp hết hiệu lực thì tập hợp báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật.

- UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót về quy trình, thủ tục xử lý vi phạm hành chính như: Lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không ra Quyết định xử lý, không có biên bản, quyết định xử lý vi phạm hành chính để quá hạn, hết hiệu lực; quyết định xử lý vi phạm hành chính không có biên bản giao nhận với tổ chức và cá nhân vi phạm; đối tượng vi phạm không chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, không ra quyết định cưỡng chế xử lý vi phạm... Tổ chức thực hiện, cưỡng chế thực hiện nghiêm túc các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành.

- Việc củng cố hồ sơ xử lý các vụ việc vi phạm hành chính là bước rất quan trọng để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và là điều kiện để xem xét xử lý hình sự đối các trường hợp vi phạm. Do đó việc lập hồ sơ xử lý các vụ việc vi phạm hành chính phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, phòng ngừa phức tạp phát sinh sau này dẫn đến không xử lý, giải quyết được vụ việc.

Đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai có dấu hiệu của tội phạm thì phải chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra, xử lý theo đúng quy định của Bộ Luật hình sự nhằm răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm liên quan lĩnh vực đất đai nói riêng.

- UBND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tự tháo dỡ công trình trái phép. Đồng thời, chủ động bố trí người, phương tiện phục vụ công tác cưỡng chế, giải tỏa các công trình, tài sản vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

4.5. Tổ chức đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai

Đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội phạm được tiếp nhận từ các nguồn khác nhau như: Qua công tác nắm tình hình, báo chí phản ánh, tố giác của người dân, kết quả thanh tra, kiểm tra... thì các cơ quan, đơn vị phải chuyển đến cho Cơ quan điều tra để tiếp nhận, tổ chức điều tra, xác minh theo đúng trình tự về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Trên cơ sở điều tra, xác minh nếu có dấu hiệu của tội phạm thì Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo quy định của pháp luật. Công tác đấu tranh, xử lý vừa phải đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật vừa tạo được sự đồng thuận của người dân trên địa bàn, để người dân tích cực tham gia tố giác các hành vi vi phạm, góp phần bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự.

4.6. Lựa chọn đưa ra xét xử điểm một số vụ án liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai phục vụ công tác tuyên truyền và răn đe, phòng ngừa chung

Trong quá trình điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, Cơ quan điều tra chủ động phối hợp Viện Kiểm sát, Tòa án lựa chọn một số vụ án điểm để đưa xét xử lưu động nhằm răn đe các trường hợp khác và giáo dục, phòng ngừa chung.

IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Tài Nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai; tham mưu UBND tỉnh xử lý đối với các loại đối tượng vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn.

- Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra chuyên ngành đất đai của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Phối hợp với sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác thanh tra, quản lý về đất đai đảm bảo đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý đất đai trong tình hình mới.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của UBND cấp huyện và cấp xã; lựa chọn các địa bàn có dấu hiệu phức tạp để tiến hành thanh tra trước.

- Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; phân loại và xử lý các vi phạm đất đai đã phát hiện từ trước đến nay, trường hợp vượt quá thẩm quyền thì phối hợp với các ngành liên quan và UBND cấp huyện đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

- Tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật đất đai mới xảy ra, các hành vi tiêu cực về quản lý đất đai, nhất là tại các địa bàn trọng điểm hoặc theo phản ánh của người dân.

2. Công an tỉnh

- Chỉ đạo các lực lượng nắm chắc tình hình, phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Xử lý các trường hợp vi phạm có dấu hiệu hình sự theo quy định pháp luật.

- Tổ chức mật phục, tuần tra vũ trang nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai (lấn chiếm, tạo lập tài sản trái phép trên đất đã quy hoạch, giải phóng mặt bằng, sử dụng đất sai mục đích... ), tập trung tại các địa bàn trọng điểm, phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, các dự án kinh tế đang triển khai nhưng chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dân trong vùng dự án...

- Tổ chức điều tra, xác minh đối với các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm; tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến đất đai.

- Phối hợp các cơ quan chức năng rà soát, phát hiện vi phạm pháp luật về đất đai để tham mưu chính quyền các cấp củng cố hồ sơ, tài liệu, xử lý đối với các hành vi vi phạm hành chính.

- Đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, chủ động phát hiện, cung cấp cho cơ quan chức năng các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Làm tốt công tác tranh thủ người có uy tín trong dân tộc, dòng họ, chức sắc trong tôn giáo... phục vụ thực hiện Đề án.

3. Thanh tra tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai đối với UBND cấp huyện và UBND cấp xã.

- Hướng dẫn Thanh tra cấp huyện tổ chức thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai đối với UBND cấp xã trên địa bàn.

4. Sở Xây dựng

- Tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh, quản lý các dự án đầu tư xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.

- Kịp thời đề xuất, điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng phục vụ công tác xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai còn tồn đọng từ trước đến nay.

- Tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp xử lý vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh cơ chế phối hợp, liên thông, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai tạo bước đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư nhất là tại các dự án có sử dụng đất để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm.

6. Sở Tư pháp

- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các văn bản liên quan với những nội dung thiết thực, hình thức phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, phòng ngừa vi phạm.

- Thẩm định các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với các vụ việc phức tạp.

7. Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường năng lực cho cơ quan thanh tra chuyên ngành về đất đai; nghiên cứu, tính toán, đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí cán bộ hợp lý để nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đất đai ở các cơ quan, địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương lựa chọn tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích, đóng trong việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn để đề xuất biểu dương, khen thưởng, phục vụ công tác tuyên truyền.

8. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Vĩnh Phúc, Đài PTTH tỉnh

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc thực hiện Đề án đề người dân trên địa bàn biết, tích cực tham gia, ủng hộ trong công tác xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn, phòng ngừa vi phạm.

- Xây dựng các phóng sự, bản tin phản ánh về tình hình, kết quả xử lý của các cơ quan chức năng đối với các trường hợp vi phạm; qua đó lên án mạnh mẽ đối với các hành vi vi phạm, để người dân đồng thuận trong quá trình xử lý; từ đó tự giác tham gia tố giác các hành vi vi phạm trên địa bàn.

9. Sở Tài chính

- Thẩm định dự toán kinh phí, đề xuất UBND tỉnh cấp kinh phí thực hiện Đề án; hướng dẫn thanh quyết toán theo đúng quy định,

- Tăng cường quản lý việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.

10. Các sở, ban, ngành: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Cục Thuế tỉnh

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực theo chuyên ngành; phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND cấp huyện kiểm tra, thanh tra, kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thuộc lĩnh vực quản lý.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể đoàn thể: Tăng cường chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với lĩnh vực quản lý đất đai; phối hợp với UBND các cấp tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đất đai, tích cực tham gia tố giác, đấu tranh với các hành vi lấn, chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép trên địa bàn.

12. UBND cấp huyện, cấp xã

12.1. Đối với Chủ tịch UBND huyện, thành phố

- Thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định tại Điều 48 Luật Đất đai năm 2013, Điều 41 Luật Xây dựng năm 2014 để người dân biết, tự giác chấp hành, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất xảy ra.

- Triển khai các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai ngay từ khi mới xảy ra; xây dựng kế hoạch xử lý các vi phạm đã phát hiện còn tồn đọng.

- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn mà không xử lý hoặc xử lý không dứt điểm các tồn tại đã phát hiện.

12.2. Đối với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn

- Thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu địa phương trong công tác quản lý, sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là trên hệ thống loa truyền thanh các quy định của pháp luật về đất đai, các hành vi hay vi phạm và chế tài xử lý... phục vụ công tác phòng ngừa chung,

- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn mà không xử lý hoặc xử lý không dứt điểm các tồn tại đã phát hiện.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND các cấp thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án

- Cấp tỉnh: đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban; đồng chí Giám đốc Công an tỉnh là Phó Trưởng ban Thường trực; đồng chí Chánh Thanh tra tỉnh và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường là Phó Trưởng ban; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Cục thuế tỉnh, Viện Kiểm sát tỉnh, Tòa án tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố là Thành viên.

- Cấp huyện: đồng chí Chủ tịch UBND huyện, thành phố là Trưởng ban; đồng chí Trưởng Công an, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thành phố là Phó Trưởng ban; các thành viên do Chủ tịch UBND huyện, thành phố quyết định.

- Cấp xã: đồng chí Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn là Trưởng ban; đồng chí Trưởng Công an, cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn là Phó Trưởng ban; các thành viên do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn quyết định.

2. Căn cứ nội dung được phân công trong Đề án này, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình ở từng địa bàn.

3. Chế độ thông tin báo cáo

Định kỳ 06 tháng (trước ngày 20/6), 01 năm (trước ngày 20/12) các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo kết quả thực hiện Đề án về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để tổng hợp. Khi có vụ việc đột xuất, phức tạp báo cáo trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

4. Kinh phí thực hiện Đề án do UBND các cấp tự cân đối từ nguồn ngân sách của địa phương.

4.1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng năm (trước ngày 15/11) các đơn vị lập dự trù kinh phí thực hiện Đề án của năm sau gửi về Công an tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

4.2. Dự trù kinh phí năm 2019:

- Công tác rà soát, phân loại, đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng đất đai trên toàn tỉnh

+ Tại cấp sở, ngành và huyện, thành phố:

20 đơn vị x 40 lượt cán bộ x 100.000đ/lượt = 80.000.000đ

+ Tại cấp xã:

137 xã x 24 lượt cán bộ x 100.000đ/lượt = 328.800.000đ

+ Chi hỗ trợ xăng phục vụ công tác rà soát:

5.000 lít x 20.000đ/lít= 100.000.000đ

Tổng: 508.800.000đ (1)

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

+ Tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo, đầu tư, xây dựng...:

15 hội nghị x 20.000.000đ = 300.000.000đ

+ Xây dựng và duy trì phóng sự tuyên truyền trên báo chí, truyền hình:

30.000.000đ x 10 phóng sự = 300.000.000đ

+ Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn:

137 xã x 30 buổi x 50.000đ/buổi = 205.500.000đ

+ Tuyên truyền về Đề án tại các Tổ liên gia tự quản:

2.000 tổ x 3 lượt x 50.000đ/tổ = 300.000.000đ

+ Tranh thủ người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo, dòng họ, khu dân cư có vi phạm về đất đai:

500 lượt người x 200.000đ = 100.000.000đ

+ Tổ chức vận động cá biệt tự khắc phục hành vi vi phạm:

200 lượt người x 500.000đ = 100.000.000đ

Tổng: 1.305.500.000đ (2)

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các lực lượng quản lý, thanh tra chuyên ngành về đất đai

6 hội nghị x 20.000.000đ = 120.000.000đ (3)

- Hỗ trợ công tác thanh tra chuyên ngành đất đai

12 cuộc x 50.000.000đ = 600.000.000đ (4)

- Công tác tuần tra vũ trang khép kín địa bàn phòng ngừa các hoạt động phức tạp về an ninh trật tự

+ Hỗ trợ lực lượng tuần tra vũ trang để răn đe, phòng ngừa vi phạm:

200 lượt người x 30 đêm x 100.000đ/đêm = 600.000.000đ.

+ Tuần tra của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, dân quân tự vệ...:

200 lượt người x 120 đêm x 50.000đ/đêm = 1.200.000.000đ

+ Hỗ trợ xăng, dầu phục vụ tuần tra:

10.000 lít x 20.000đ/lít = 200.000.000đ

Tổng: 2.000.000.000đ (5)

- Công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm về đất đai

+ Trinh sát, mật phục bắt quả tang đối tượng vi phạm:

100 lượt người x 30 đêm x 100.000đ/đêm = 300.000.000đ;

+ Hỗ trợ xử phạt các vụ vi phạm hành chính:

100 vụ x 5.000.000đ/vụ = 500.000.000đ

+ Hỗ trợ công tác điều tra xử lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, vụ án về đất đai:

10 vụ x 100.000.000đ = 1.000.000.000đ

+ Đưa ra xét xử điểm các vụ án để răn đe, phòng ngừa tội phạm:

02 vụ x 200.000.000đ/vụ = 400.000.000đ.

Tổng: 2.200.000.000đ (6)

- Hỗ trợ công tác cưỡng chế các vụ việc phức tạp:

20 vụ x 300.000.000đ = 6.000.000.000đ (7)

- Mua sắm các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác quản lý đất đai ở 3 cấp: 5.000.000.000đ (8)

- Hỗ trợ công tác chỉ đạo, triển khai, sơ, tổng kết

+ Cấp xã: 137 xã x 10.000.000đ/xã = 1.370.000.000đ

+ Tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Đề án ở các đơn vị cấp sở, ngành, huyện, thành phố:

20 đơn vị x 20.000.000đ/đơn vị = 400.000.000đ

+ Tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Đề án ở cấp tỉnh: 100.000.000đ

Tổng: 1.870.000.000đ (9)

Tổng cộng (1+...+9): 20.684.300.000đ (Hai mươi tỷ, sáu trăm tám mươi tư triệu, ba trăm nghìn đồng).

5. Giao Công an tỉnh giúp UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai, theo dõi thực hiện Đề án; tổng hợp báo cáo kết quả theo quy định.

Hằng năm, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực thực hiện Đề án và bổ sung các nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án trong những năm tiếp theo./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1695/QĐ-UBND ngày 11/07/2019 về Đề án phòng ngừa, ngăn chặn, chống lấn chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


109

DMCA.com Protection Status
IP: 13.59.35.116
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!