ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 167/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày
23 tháng 01 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ
HOẠCH ĐO ĐẠC LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH, ĐĂNG KÝ CẤP ĐỔI, GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ
DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP, LẬP HỒ SƠ ĐỊA CHÍNH CHO CÁC XÃ CÒN LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Đo đạc và Bản đồ ngày 14 tháng 6
năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15
tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Đất đai;
Căn cứ Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24 tháng 8
năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp
bách để chấn chỉnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà
ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;
Căn cứ Chương trình hành động số 16-Ctr/TU
ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về “tiếp tục đổi mới chính sách,
pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo
nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng
hiện đại”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường tại Tờ trình số 22/TTr-STNMT ngày 17 tháng 01 năm 2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm
theo Quyết định này Kế hoạch đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký cấp đổi, giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, lập hồ sơ địa chính cho các xã còn
lại trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Quyết định
này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở
Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị
xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (để hỗ
trợ);
- Bộ Tài chính (để hỗ trợ);
- Thường trực Tỉnh ủy (để báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (để báo cáo);
- UBND tỉnh: CT và các PCT;
- Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh;
- Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố;
- VPUBND tỉnh: LĐVP, P.KTN, P.KTTH;
- Lưu: VT.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Anh Thư
|
KẾ HOẠCH
ĐO ĐẠC LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH, ĐĂNG KÝ CẤP, ĐỔI GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ
DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP, LẬP HỒ SƠ ĐỊA CHÍNH CHO CÁC XÃ CÒN LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 167/QĐ-UBND ngày 23 tháng 01 năm 2019 của
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
Từ năm 2008 đến nay, Ủy ban
nhân dân tỉnh đã đầu tư triển khai đo đạc bản đồ địa chính, đăng ký cấp, đổi
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, lập hồ sơ địa chính và xây dựng
cơ sở dữ liệu đất đai cho 122/156 xã, phường, thị trấn với tổng diện tích đã đo
đạc cấp đổi là 208.229 ha với tổng số giấy chứng nhận đã cấp là 245.062 giấy
(cấp lần đầu: 21.945 GCN; cấp đổi: 223.177 GCN) với tổng kinh phí là 137.995
triệu đồng (Ngân sách Trung ương hỗ trợ 63.000 triệu đồng; ngân sách địa
phương: 74.995 triệu đồng).
Với kết quả thực hiện nêu
trên, hồ sơ địa chính từng bước được hoàn thiện, bộ bản đồ địa chính số được
thống nhất theo hệ thống tọa độ Quốc gia VN-2000 làm cơ sở để thực hiện tốt các
nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh; cơ sở dữ liệu đất đai
bước đầu mang lại hiệu quả, kiểm soát được công tác cập nhật chỉnh lý biến động
hồ sơ địa chính, nhất là kiểm soát được thủ tục hành chính về đất đai, từng bước
hạn chế lượng hồ sơ trễ hạn.
Để hoàn thiện cơ sở dữ liệu
đất đai toàn tỉnh theo Chương trình hành động số 16-Ctr/TU ngày 28 tháng 02 năm
2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây
dựng Kế hoạch đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký cấp, đổi giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất nông nghiệp, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu
đất đai cho 34 xã còn lại trên địa bàn 04 huyện của tỉnh An Giang như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Hoàn thiện công tác đo đạc
bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, hoàn thành công tác cấp, đổi giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (sau đây gọi tắt là GCN) và xây dựng cơ sở
dữ liệu đất đai cho 34 xã còn lại trên địa bàn tỉnh.
Từng bước hiện đại hóa hệ
thống hồ sơ địa chính trên địa bàn toàn tỉnh, đưa công tác quản lý đất đai theo
hướng hiện đại, phù hợp với chiến lược của Ngành Tài nguyên và Môi trường. Đồng
thời để người sử dụng đất yên tâm đầu tư, khai thác tiềm năng đất đai, thực
hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Đất đai.
2. Yêu cầu
- Tất cả các thửa đất trên
đơn vị hành cấp xã đều được đo đạc, lập bản đồ địa chính, đảm bảo phản ánh đúng
hiện trạng. Bản đồ địa chính được lập phải đảm bảo độ chính xác, tuân thủ quy
trình, quy phạm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các quy định của pháp luật
về đất đai.
- Công tác cấp, đổi Giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất phải gắn liền với việc đo đạc lập bản đồ địa
chính, được thực hiện công khai minh bạch, kịp thời.
- Các cấp, các ngành tăng
cường công tác tuyên truyền, vận động người dân phối hợp tốt trong thực hiện đo
đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
nông nghiệp.
- Phấn đấu đến năm 2022, đảm
bảo hoàn thành công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp, đổi GCN, lập
hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn toàn tỉnh.
II. PHẠM VI, NỘI DUNG,
KHỐI LƯỢNG THỰC HIỆN
1. Phạm vi thực hiện
Thực hiện đo đạc lập bản đồ
địa chính, đăng ký cấp, đổi GCN, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu
đất đai cho 34 xã còn lại trên địa bàn 04 huyện của tỉnh, gồm:
- 07 xã thuộc huyện An Phú,
gồm: Vĩnh Hội Đông, Nhơn Hội, Vĩnh Hậu, Vĩnh Trường, Quốc Thái, Phước Hưng và
Phú Hội.
- 08 xã thuộc huyện Châu
Phú, gồm: Bình Chánh, Mỹ Đức, Thạnh Mỹ Tây, Ô Long Vỹ, Bình Phú, Đào Hữu Cảnh,
Mỹ Phú và Bình Mỹ.
- 09 xã thuộc huyện Châu
Thành, gồm: An Hoà, Bình Thạnh, Vĩnh Hanh, Vĩnh Bình, Vĩnh An, Vĩnh Lợi, Vĩnh
Thành, Vĩnh Nhuận và Tân Phú.
- 10 xã thuộc huyện Chợ Mới,
gồm: An Thạnh Trung, Bình Phước Xuân, Hòa An, Hòa Bình, Hội An, Kiến Thành, Mỹ
Hiệp, Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ, Tấn Mỹ.
2. Nội dung, khối lượng
thực hiện:
- Xây dựng lưới địa chính
bằng công nghệ GNSS với mật độ theo quy định của Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT
ngày 19 tháng 05 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bản đồ
địa chính.
- Lập bản đồ địa chính các
loại tỷ lệ bằng các phương pháp công nghệ GNSS – RTK, phương pháp toàn đạc bằng
máy toàn đạc điện tử, kết hợp cả hai phương pháp trên. Khu vực đã lập bản đồ
đất thổ cư trước đây sẽ nắn chuyển thống nhất về hệ VN-2000, không phải đo đạc
lại và ghép chung vào hệ thống bản đồ để xây dựng cơ sở dữ liệu.
- Đăng ký cấp mới cho tất cả
các thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp đổi cho tất
cả các thửa đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất nông nghiệp.
- Lập hồ sơ địa chính, tích
hợp dữ liệu đất đai của 34 xã vào cơ sở dữ liệu đất đai của cả tỉnh. Đồng bộ cơ
sở dữ liệu địa chính khu vực đất nông nghiệp mới xác lập tích hợp chung với cơ
sở dữ liệu địa chính đất phi nông nghiệp đã lập, thành một cơ sở dữ liệu địa
chính hoàn chỉnh thống nhất trên phần mềm Vilis.
3. Phương thức thực hiện
3.1. Đối với kinh phí do
Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh bố trí hàng năm thực hiện như sau:
- Căn cứ vào kinh phí hàng
năm, giao Sở Tài nguyên và Môi trường lựa chọn đơn vị tư vấn có đầy đủ chức
năng, kinh nghiệm theo quy định để lập Phương án thiết kế kỹ thuật – dự toán
của từng xã theo phân kỳ đầu tư nêu tại phần III của Kế hoạch.
- Sở Tài nguyên và Môi
trường chủ trì phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị có liên quan thẩm định
Phương án thiết kế kỹ thuật – dự toán, hình thức lựa chọn đơn vị tư vấn thực
hiện của từng xã.
- Trên cơ sở ý kiến thẩm
định thống nhất nội dung, kinh phí, hình thức lựa chọn đơn vị tư vấn, Sở Tài
nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt thiết kế kỹ thuật –
dự toán của từng xã.
3.2. Đối với kinh phí bố trí
từ ngân sách cấp huyện
- Phòng Tài nguyên và Môi
trường lựa chọn đơn vị tư vấn có đầy đủ chức năng, kinh nghiệm theo quy định để
lập Phương án thiết kế kỹ thuật – dự toán của từng xã.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện
gửi Phương án thiết kế kỹ thuật – dự toán lấy ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường
trước khi phê duyệt.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Tổng dự toán kinh
phí thực hiện: 149.627 triệu đồng (Một trăm bốn mươi chín tỷ sáu trăm hai
mươi bảy triệu đồng). Trong đó:
- Ngân sách Trung ương:
14.713 triệu đồng (Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu
đất đai cho các huyện biên giới của Bộ Tài nguyên và Môi trường)
- Ngân sách địa phương:
134.914 triệu đồng, bố trí từ 10% tiền thu từ đất hàng năm.
2. Phân kỳ đầu tư:
- Năm 2019: Triển
khai 10 xã (07 xã của huyện An Phú, 03 xã của huyện Châu Phú), tổng kinh phí
đầu tư 30.865 triệu đồng (Trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 14.713 triệu đồng).
- Giai đoạn năm 2019-2020:
Triển khai 08 xã (05 xã của huyện Châu Thành, 03 xã của huyện Chợ Mới), tổng
kinh phí đầu tư 42.205 triệu đồng.
- Giai đoạn năm 2020-2021:
Triển khai thực hiện 08 xã (05 xã của huyện Châu Phú, 03 xã của huyện Chợ Mới),
tổng kinh phí đầu tư 38.575 triệu đồng.
- Giai đoạn năm 2021-2022:
Triển khai thực hiện 08 xã (04 xã của huyện Châu Thành, 04 xã của huyện Chợ
Mới), tổng kinh phí đầu tư 37.982 triệu đồng.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi
trường
1.1. Đối với kinh phí do
ngân sách tỉnh đầu tư và Trung ương hỗ trợ
- Lập phương án thiết kế kỹ
thuật – dự toán của từng xã gửi các đơn vị có liên quan có ý kiến, tổng hợp
trình Sở Tài chính thẩm định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Đề xuất lựa chọn tư vấn thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được phê duyệt theo
đúng quy định pháp luật.
- Chủ trì phối hợp với Sở
Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tranh thủ Bộ Tài nguyên và Môi trường,
Bộ Tài chính để tiếp nhận vốn hỗ trợ thực hiện đo đạc bản đồ địa chính trong
từng năm.
- Kiểm tra, giám sát các đơn
vị tư vấn thực hiện nhiệm vụ đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký cấp đổi,
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, lập hồ sơ địa chính theo kế
hoạch; tổ chức nghiệm thu, giao nộp sản phẩm đúng theo quy định. Quản lý và đưa
vào khai thác sử dụng có hiệu quả các sản phẩm của công tác đo đạc bản đồ địa
chính theo quy định của pháp luật.
- Chủ trì tổ chức thực hiện
Kế hoạch này, định kỳ hàng năm báo cáo về tiến độ thực hiện và quá trình giải
ngân cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Tài chính.
1.2. Đối với kinh phí do
ngân sách huyện đầu tư
- Tổ chức góp ý các Phương
án thiết kế kỹ thuật – dự toán đo lập bản đồ địa chính, đăng ký cấp đổi giấy
chứng nhận đất nông nghiệp và xây dựng cơ sở dữ liệu từng xã.
- Chỉ đạo các Phòng chuyên
môn phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện tổ chức thẩm định,
nghiệm thu và đề xuất Ủy ban nhân dân huyện quyết định.
2. Sở Tài chính
- Chủ trì phối hợp với Sở
Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch về vốn, cân đối vốn để đáp ứng cho yêu
cầu thực hiện công tác đo đạc bản đồ địa chính trong từng năm. Trong đó: bảo
đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các
nguồn hợp pháp khác (nếu có) để đầu tư cho công tác đo đạc bản đồ địa chính.
- Chủ trì phối hợp với các
ngành liên quan tổ chức thẩm định Phương án thiết kế kỹ thuật – dự toán đo lập
bản đồ địa chính, đăng ký cấp đổi giấy chứng nhận đất nông nghiệp và xây dựng
cơ sở dữ liệu từng xã. Thẩm định và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế
hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Phương án được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
- Tổ chức tiếp nhận nguồn
vốn do các huyện, thị xã, thành phố trích nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền
thuê đất và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch
này.
3. UBND 04 huyện: An Phú,
Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới
- Các công trình đo lập bản
đồ địa chính, đăng ký cấp đổi giấy chứng nhận đất nông nghiệp và xây dựng cơ sở
dữ liệu do huyện làm chủ đầu tư phải lấy ý kiến đóng góp của Sở Tài nguyên và
Môi trường đối với Phương án thiết kế kỹ thuật – dự toán trước khi Ủy ban nhân
dân huyện phê duyệt.
- Chỉ đạo Phòng Tài nguyên
và Môi trường, các phòng, ban có liên quan phối hợp thực hiện các Phương án
thiết kế kỹ thuật – dự toán Đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký cấp, đổi giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở
dữ liệu; tổ chức thực hiện tốt công tác xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân
các xã cử công chức địa chính phối hợp tốt trong quá trình đo đạc, đăng ký, xét
duyệt và phát giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong quá trình thực hiện,
các khó khăn, vướng mắc các đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi
trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.