UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
1654/2007/QĐ-UBND
|
Hải
Dương, ngày 03 tháng 05 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ XÂY DỰNG NHÀ TRÔNG COI TRÊN
ĐẤT CHUYỂN ĐỔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và
UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số: 60/2006/NQ - HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2006 tại Kỳ họp thứ
04, Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XIV;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này bản “Quy định về quản lý và xây dựng nhà trông coi trên đất nông nghiệp
chuyển đổi” trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực
sau 10 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quy định tại Quyết định
này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh văn phòng Uỷ ban
nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện,
thành phố; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Phan Nhật Bình
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ VÀ XÂY DỰNG NHÀ TRÔNG COI TRÊN ĐẤT NÔNG NGHIỆP
CHUYỂN ĐỔI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1654 /2007/QĐ-UBND ngày 03 tháng 05 năm
2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
1. Phạm vi điều
chỉnh: Quy định này quy định về trách nhiệm quản lý và trình tự thủ tục, quy mô
xây dựng nhà trông coi trên đất nông nghiệp chuyển đổi trên địa bàn tỉnh Hải
Dương;
2. Đối tượng
áp dụng: Quy định này áp dụng đối với các hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử
dụng đất nông nghiệp chuyển đổi hoặc có nhu cầu chuyển đổi đất nông nghiệp trên
địa bàn tỉnh;
Quy định này
không áp dụng đối với các công trình xây dựng trên đất trang trại.
Điều 2. Giải thích từ ngữ.
1. Đất
chuyển đổi: Là đất nông nghiệp trồng cây hàng năm được cấp có thẩm quyền
cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm,
nuôi trồng thuỷ sản hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm.
2. Nhà
trông coi: Là nhà của hộ gia đình, cá nhân được xây dựng trên đất chuyển đổi
nhằm phục vụ trông coi và bảo vệ tài sản đầu tư trên đất chuyển đổi, xây dựng
có tính chất tạm thời dễ tháo dỡ, với kết cấu nhà móng tường xây gạch, mái lợp
ngói, tôn, hoặc các vật liệu tương tự (không đổ mái bằng sàn bê tông cốt thép).
3. Ủy ban
nhân dân cấp huyện: Là ủy ban nhân dân các huyện, ủy ban nhân dân thị xã, ủy
ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh.
4. Ủy ban
nhân dân cấp xã: Là ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thuộc cấp huyện.
Chương II
QUẢN LÝ XÂY DỰNG NHÀ
TRÔNG COI TRÊN ĐẤT CHUYỂN ĐỔI
Điều 3. Điều kiện và quy mô được xây dựng nhà trông coi trên
đất chuyển đổi.
1. Chỉ được
xây dựng nhà trông coi trên đất chuyển đổi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Mỗi vùng đất
chuyển đổi chỉ được xây dựng một nhà trông coi với diện tích không quá 20 m2
(hai mươi một vuông).
3. Diện tích
vùng chuyển đổi phải từ 1.000 m2 (một ngàn một vuông) trở lên mới được phép xây
dựng nhà trông coi. Trường hợp nuôi trồng cây, con đặc sản thì diện tích vùng
chuyển đổi có thể dưới 1.000 m2.
Điều 4. Thủ tục cho phép xây dựng nhà trông coi trên đất chuyển
đổi.
1. Hộ gia
đình, cá nhân sử dụng đất chuyển đổi lập hồ sơ xin phép xây dựng gửi tới ủy ban
nhân dân cấp xã, hồ sơ gồm có:
a. Bản sao
quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
b. Đơn xin
phép xây dựng công trình phải làm 02 bản, một bản lưu tại UBND cấp xã, một bản
lưu tại hộ gia đình hoặc cá nhân xin phép; trong đơn nêu rõ quy mô và kết cấu của
công trình và các cam kết khác theo quy định này.
2. Trong thời
hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch ủy ban
nhân dân cấp xã kiểm tra nếu đủ điều kiện thì xác nhận vào đơn xin phép xây dựng
nhà trông coi của hộ gia đình, cá nhân trong đó nêu rõ công trình và quy mô xây
dựng phù hợp với các quy định tại bản quy định này.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA ỦY BAN
NHÂN DÂN CẤP HUYỆN, CẤP XÃ, CÔNG TÁC THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 5. Ủy ban nhân dân cấp huyện.
1. Chỉ đạo
các xã, thị trấn lập quy hoạch bố trí các vùng chuyển đổi trong quy hoạch, kế
hoạch sử dụng đất của địa phương, đồng thời chỉ đạo việc triển khai lập biên bản
các hộ đã vi phạm về quản lý sử dụng đất, công trình xây dựng trên đất chuyển đổi
theo các tiêu chí tại bản quy định này. Ra quyết định cho phép chuyển mục đích
sử dụng đất cho các hộ gia đình cá nhân theo thẩm quyền;
2. Quyết định
cưỡng chế đối với các trường hợp xây dựng nhà trông coi vi phạm trên đất chuyển
đổi.
3. Phê duyệt
phương án chuyển đổi của người sản xuất đã xây dựng vi phạm tại Điểm d, Khoản
2, Điều 8 của bản quy định này.
Điều 6. Ủy ban nhân dân cấp xã.
1. Trực tiếp
quản lý và giám sát việc xây dựng nhà trông coi trên đất chuyển đổi tại địa
phương.
2. Lập hồ sơ
các công trình vi phạm trên đất chuyển đổi, nêu rõ quy mô công trình, diện tích
và các hạng mục công trình đã xây dựng trên đất chuyển đổi, đối chiếu với quy định
này và cho phép của chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm để xử lý.
3. Tổ chức thực
hiện việc xử lý các công trình vi phạm trên đất chuyển đổi theo quyết định của Ủy
ban nhân dân cấp huyện.
Điều 7. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
1. Cơ quan quản
lý tài nguyên và môi trường các cấp (tỉnh, huyện, xã) có trách nhiệm thường
xuyên thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất và xây dựng nhà trông coi trên đất
chuyển đổi
2. Các trường
hợp vi phạm từ ngày quy định này có hiệu lực thi hành đều được xử lý theo các
quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý sử dụng đất đai,
xây dựng và bảo vệ môi trường. Nếu vi phạm quy định này sẽ kiên quyết tháo dỡ
không được bồi thường.
3. Các trường
hợp vi phạm trước ngày quy định này có hiệu lực được xử lý theo Điều 8 của bản
quy định này.
4. Ủy ban
nhân dân cấp xã cho phép hộ gia đình, cá nhân xây dựng trên đất chuyển đổi trái
với các quy định tại văn bản này thì sẽ bị xử lý hành chính và bồi thường kinh
phí xây dựng cho các hộ gia đình hoặc cá nhân vi phạm.
Điều 8. Xử lý các trường hợp xây dựng công trình trên đất chuyển
đổi vi phạm trước ngày quy định này có hiệu lực thi hành.
1. Tiến hành
xử phạt vi phạm hành chính trong việc quản lý, sử dụng đất, xây dựng và bảo vệ
môi trường...theo quy định.
2. Đối với những
hộ đã xây nhà ở trên đất chuyển đổi:
a. Nếu phù hợp
với quy hoạch khu dân cư thì cho phép hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng
đất sang đất ở và nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
b. Các trường
hợp vi phạm hành lang bảo vệ đường điện cao áp, công trình giao thông, thủy lợi
hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường thị buộc phải tháo dỡ ngay. Các trường
hợp còn lại cũng phải tự tháo dỡ khi Nhà nước có nhu cầu.
c. Đối với những
hộ đã xây nhà ở không phù hợp với quy hoạch khu dân cư; các hộ gia đình, cá
nhân đó xây nhà trông coi trên đất chuyển đổi, chính quyền địa phương lập biên
bản yêu cầu hộ gia đình, cá nhân giữ nguyên hiện trạng công trình xây dựng, khi
Nhà nước thu hồi đất hoặc có yêu cầu, người sử dụng đất phải tự tháo dỡ, giải tỏa.
Phần diện tích xây dựng vượt quá quy định tại Điều 03 bản quy định này sẽ không
được bồi thường.
d. Người sử dụng
đất đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở chế biến thức ăn, kho chứa vật tư
nông sản... trên đất chuyển đổi, nếu không ảnh hưởng đến quy hoạch, cảnh quan,
không gây ô nhiễm môi trường thì cho phép tiếp tục sử dụng. Yêu cầu người sử dụng
đất chuyển đổi phải lập phương án sản xuất, ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và
trình ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Tổ chức thực hiện.
1. Sở Tài
nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện quyết
định này trên địa bàn tỉnh.
2. Ủy ban
nhân dân cấp huyện, ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy
định này.
2. Trong quá
trình thực hiện nếu có những nội dung chưa phù hợp các địa phương phản ánh về Ủy
ban nhân dân tỉnh (qua sở Tài nguyên và Môi trường) để Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, điều chỉnh cho phù hợp./.