ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1498/QĐ-UBND
|
Lâm Đồng, ngày 06 tháng 07 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ SAN GẠT, CẢI TẠO MẶT BẰNG ĐỂ SẢN XUẤT NÔNG
NGHIỆP, XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH PHỤ TRỢ PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
LÂM ĐỒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6/2015;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng
11 năm 2013;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng
6 năm 2014;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày
23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ các Luật và các quy định của
pháp luật có liên quan;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài
nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời
về san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình phụ
trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở
Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt,
thành phố Bảo Lộc; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; các tổ chức và cá nhân có
liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi
trường;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Như Điều 3;
- Đài PT-TH, Báo Lâm Đồng;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh và các CV;
- TT Công báo tỉnh; Website VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, ĐC, TKCT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Đoàn Văn Việt
|
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ SAN GẠT, CẢI TẠO MẶT BẰNG ĐỂ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG CÔNG
TRÌNH PHỤ TRỢ PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Kèm theo Quyết định số 1498/QĐ-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2017 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
1. Quy định việc san gạt, cải tạo mặt
bằng để sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông
nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
2. Việc san gạt, cải tạo mặt bằng làm
thay đổi hiện trạng đất thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành thì
thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân san
gạt, cải tạo mặt bằng trong phạm vi đất sử dụng hợp pháp được giao để sản xuất
nông nghiệp, xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
2. Các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ
quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
1. San gạt, cải tạo mặt bằng: là san
gạt tạo lập mặt bằng phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình phụ
trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhằm tăng hiệu
quả sử dụng đất.
2. Đất san, lấp: chủ yếu là loại đất
pha cát, sạn, sỏi sử dụng để san lấp các khu vực thấp, trũng cục bộ tạo mặt bằng
phù hợp, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình phụ trợ phục
vụ sản xuất nông nghiệp.
3. Độ cao san gạt, cải tạo mặt bằng:
là cao độ tính từ mặt bằng san gạt so với đỉnh taluy của mặt bằng đó.
Điều 4. Nguyên tắc
quản lý san gạt, cải tạo mặt bằng
1. Khu vực san gạt, cải tạo mặt bằng
phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được cấp có
thẩm quyền phê duyệt và không có khoáng sản
khác có giá trị cao hơn đất san, lấp.
2. Trước khi san gạt trong diện tích
đất được giao, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện thủ tục xin phép,
đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất (đối với trường hợp phải xin phép, đăng
ký) theo quy định phù hợp với mục đích sử dụng đất khi san gạt, cải tạo mặt bằng.
3. Độ cao, diện tích, độ dốc khu đất
san gạt, cải tạo mặt bằng phải đảm bảo đúng theo thiết kế, giấy phép xây dựng của
dự án, công trình đã được cấp có thẩm quyền thỏa thuận, phê duyệt. Đối với trường
hợp không yêu cầu thiết kế, cấp phép xây dựng thì độ cao san gạt không lớn hơn
4 m đối với sản xuất nông nghiệp (không lớn hơn 3 m đối với xây dựng công trình
phục vụ sản xuất nông nghiệp); độ dốc khu đất không lớn hơn 30°; tổng diện tích
san gạt qua các lần trên cùng một khu vực không lớn hơn 5.000 m2.
4. Hoạt động san gạt, cải tạo mặt bằng
không gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, cảnh quan khu vực; không làm tổn
hại đến cơ sở hạ tầng, di tích văn hóa, lịch sử, an ninh, quốc phòng; không gây
ảnh hưởng đến việc sử dụng đất lân cận.
5. Thời gian thực hiện san gạt, cải tạo
mặt bằng tối đa là 30 ngày kể từ ngày tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cơ quan
có thẩm quyền xác nhận việc đăng ký (hoặc từ ngày tổ chức, hộ gia đình, cá nhân
thông báo) theo quy định tại Điều 7 Quy định này. Trường hợp san ủi, cải tạo mặt
bằng tại dự án, công trình có yêu cầu thiết kế, cấp phép xây dựng thì thời gian
san gạt, cải tạo mặt theo thời gian ghi trong hồ sơ thiết kế, giấy phép xây dựng
của công trình, dự án.
Điều 5. Các trường
hợp không được phép san gạt, cải tạo mặt bằng
1. Lợi dụng việc san gạt, cải tạo mặt
bằng để khai thác khoáng sản ngoài đất
san, lấp nêu tại Khoản 2, Điều 3, Quy định này; cố ý hủy hoại đất; lấn chiếm đất
sông, suối, ao, hồ tự nhiên.
2. San gạt, cải tạo mặt bằng làm biến
dạng địa hình ở những khu vực có di tích lịch sử văn hóa, di tích khảo cổ, danh
lam thắng cảnh; khu vực đất quy hoạch lâm nghiệp khi chưa được cấp có thẩm quyền
cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; dự án, công trình theo quy định phải thiết
kế, cấp phép xây dựng mà chưa được cơ quan có thẩm quyền thỏa thuận thiết kế, cấp
phép xây dựng; trong phạm vi hành lang an toàn bảo vệ nguồn nước; vùng lõi khu
dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang và các khu vực cấm khác theo quy định của
pháp luật (trừ các trường hợp đủ điều kiện theo Điều 6 Quy định này).
3. Đất chưa xin phép, đăng ký chuyển
mục đích sử dụng đất (đối với trường hợp phải xin phép, đăng ký).
4. San gạt, cải tạo mặt bằng không đảm
bảo một trong các tiêu chí về độ cao, diện tích, độ dốc khu đất san gạt theo
Khoản 3 Điều 4 Quy định này.
5. Khu vực đã được cấp phép thăm dò,
khai thác khoáng sản; khu vực khai thác khoáng sản đã hết thời hạn khai thác; khu vực đã
có quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản; khu
vực đã được điều tra, đánh giá có khoáng
sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo.
6. Nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ,
quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về việc khai thác, sử dụng
và vận chuyển đất san, lấp.
7. Các trường hợp khác theo quy định
của pháp luật.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6. Điều kiện
được san gạt, cải tạo mặt bằng
1. Khu đất san gạt, cải tạo mặt bằng
đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,
quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất).
2. Đã thực hiện thủ tục xin phép,
đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất (đối với trường hợp phải xin phép, đăng
ký) theo quy định phù hợp với mục đích sử dụng đất khi san gạt, cải tạo mặt bằng.
3. Được cơ quan có thẩm quyền thỏa
thuận thiết kế, cấp phép xây dựng (trường hợp phải thỏa thuận thiết kế, cấp
phép xây dựng).
4. Không vận chuyển đất san, lấp ra
ngoài khu vực san gạt, cải tạo mặt bằng.
5. Đã đăng ký, thông báo với cơ quan
quản lý nhà nước có thẩm quyền theo Điều 7 Quy định này.
Điều 7. Đăng ký,
thông báo với cơ quan quản lý nhà nước khi san gạt, cải tạo mặt bằng
1. Đăng ký tại Ủy ban nhân dân tỉnh
(thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường): Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân san gạt,
cải tạo mặt bằng để sản xuất nông
nghiệp, xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp có các thông số:
Diện tích san gạt, cải tạo mặt bằng lớn hơn 2.000 m2, độ cao taluy
san gạt từ lớn hơn 3 m đến 4m đối với sản xuất nông nghiệp (từ lớn hơn 2 m đến
3 m đối với xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp) và độ dốc khu đất
san gạt, cải tạo mặt bằng từ lớn hơn 20° đến 30° (hoặc các trường hợp không hội
đủ đồng thời ba thông số nêu tại Khoản 2 Điều này).
2. Đăng ký tại Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố (UBND cấp huyện): Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân san gạt, cải tạo
mặt bằng để sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất
nông nghiệp có các thông số: Diện tích san gạt, cải tạo mặt bằng nhỏ hơn hoặc bằng
2.000 m2, độ cao taluy san gạt nhỏ hơn hoặc bằng 3 m đối với sản xuất
nông nghiệp (nhỏ hơn hoặc bằng 2 m đối với xây dựng công trình phục vụ sản xuất
nông nghiệp) và độ dốc khu đất san gạt, cải tạo mặt bằng nhỏ hơn hoặc bằng 20°.
3. San gạt, cải tạo mặt bằng để làm
đường nội bộ phục vụ việc vận chuyển hàng hóa, vật tư, sản phẩm sản xuất nông
nghiệp thuộc diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì
không phải đăng ký theo Khoản 1, 2 Điều này, nhưng phải thông báo bằng văn bản
đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã).
4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đăng
ký san gạt, cải tạo mặt bằng quy định tại Khoản 1, 2 Điều này phải có phương án san gạt, cải tạo mặt bằng trình thẩm định,
xác nhận.
Điều 8. Trách nhiệm
của các ngành, các cấp
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết
thực hiện Quy định này;
b) Hướng dẫn, tiếp nhận, xem xét hồ sơ;
trình UBND tỉnh xem xét giải quyết việc đăng ký san gạt, cải tạo mặt bằng theo
Quy định này;
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan, UBND cấp huyện thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý theo thẩm quyền
hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm của tổ chức, hộ
gia đình, cá nhân đăng ký san gạt, cải tạo mặt bằng.
2. Các sở, ngành liên quan: Theo chức
năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên
và Môi trường giải quyết các vấn đề liên quan đến san gạt, cải tạo mặt bằng;
giám sát, kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi
phạm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện.
3. UBND cấp huyện:
a) Hướng dẫn, tiếp nhận, xem xét, giải
quyết hồ sơ đăng ký san gạt, cải tạo mặt bằng theo Quy định này; giám sát, kiểm
tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về san gạt, cải tạo mặt bằng
trên địa bàn;
b) Tổ chức ngăn chặn, xử lý hoặc đề
xuất xử lý kịp thời các hoạt động khai thác đất san, lấp trái phép trên địa
bàn;
c) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch
UBND tỉnh trong việc quản lý san gạt, cải tạo mặt bằng trên địa bàn. Nghiêm cấm
tự ý xác nhận việc tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đăng ký san gạt, cải tạo mặt bằng
không thuộc thẩm quyền tại Quy định này.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Thường xuyên kiểm tra, kịp thời
phát hiện, xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm các quy định về san gạt,
cải tạo mặt bằng trên địa bàn;
b) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch
UBND cấp huyện trong việc quản lý tài nguyên khoáng
sản chưa khai thác trên địa bàn.
Điều 9. Trách nhiệm
và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện san gạt, cải tạo mặt bằng
1. Lập thủ tục đăng ký san gạt, cải tạo
mặt bằng theo Khoản 1, 2 Điều 7 Quy định này; thông báo bằng văn bản đến cơ quan
có thẩm quyền về kế hoạch, thời gian bắt đầu, kết thúc san gạt, cải tạo mặt bằng;
các thông số, số lượng, tải trọng, công suất phương tiện tham gia thi công (nếu
có) theo Khoản 3 Điều 7 Quy định này. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân
san gạt, cải tạo mặt bằng nhưng không thực hiện đăng ký, thông báo theo Điều 7
Quy định này thì được xem là cố ý hủy hoại đất và sẽ bị xử lý theo quy định
pháp luật.
2. Thực hiện san gạt mặt bằng theo
đúng nội dung văn bản xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện
các biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động và các yêu cầu khác
có liên quan.
3. Dừng ngay hoạt động san gạt, cải tạo
mặt bằng nếu phát hiện có khoáng sản có
giá trị cao hơn đất san lấp, các di tích, di chỉ, cổ vật trong diện tích được
thực hiện; tổ chức bảo vệ hiện trường và báo cáo với chính quyền địa phương để
giải quyết theo quy định.
4. Khi thời hạn san gạt, cải tạo mặt
bằng đã ghi trong văn bản xác nhận, thông báo đã hết, phải dừng việc san gạt, cải
tạo mặt bằng, di chuyển máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực; báo cáo cơ quan có
thẩm quyền đã xác nhận đăng ký, tiếp nhận thông báo.
Điều 10. Xử lý
vi phạm
Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy
định của pháp luật về đất đai và Quy định này sẽ bị xử lý theo quy định hiện
hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11.
1. Sở Tài
nguyên và Môi trường, các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố
chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này. Sau 12 tháng thực hiện, Sở Tài
nguyên và Môi trường phối hợp UBND các huyện, thành phố đánh giá tình hình và kết
quả thực hiện; tổ chức xây dựng dự thảo lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân có
liên quan, gửi Sở Tư pháp thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, ban hành quy định
chính thức.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có
phát sinh vướng mắc, các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện; tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân kịp thời phản ánh đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.