ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
13a/2013/QĐ-UBND
|
Đắk Nông, ngày 11
tháng 07 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM ĐỐI VỚI
QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày
29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày
22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
163/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010
của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;
Căn cứ Nghị định số 05/2012/NĐ-CP ngày
02/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về
đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18/11/2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi
trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với
đất;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ
trình số 35/TTr-STP ngày 10 tháng 6 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong quản
lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn
liền với đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Điều 2. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường tham mưu triển khai, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ báo cáo UBND
tỉnh về kết quả thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở
Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể
từ ngày ký ban hành.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Diễn
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM ĐỐI VỚI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT,
TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 11/7/2013 của UBND tỉnh
Đắk Nông)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, trách
nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác
quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản
gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là đăng ký giao dịch bảo đảm) trên địa bàn tỉnh
Đắk Nông.
Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với Sở Tư pháp, Sở Tài
nguyên và Môi trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện
các nhiệm vụ thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
Xác định rõ vai trò quản lý nhà nước của Sở Tư
pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan
trong hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm.
Xác định rõ cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp
trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác có liên quan.
Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, tránh chồng
chéo hoặc bỏ sót trong hoạt động quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm.
Nâng cao vai trò chủ động của mỗi cơ quan, đơn vị
trong việc phối hợp.
Điều 3. Cơ quan chủ trì, cơ
quan phối hợp
1. Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì thực hiện công
tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh.
2. Các cơ quan sau đây có trách nhiệm phối hợp với
Sở Tư pháp thực hiện công tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường;
b) Sở Tài chính;
c) Sở Nội vụ;
d) Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Đắk Nông;
đ) Cục thi hành án dân sự tỉnh;
e) Các cơ quan truyền thông của tỉnh gồm: Báo Đắk
Nông, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Đắk Nông;
g) Các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh;
h) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã;
i) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của tỉnh;
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các huyện, thị xã.
Điều 4. Nội dung phối hợp
1. Xây dựng Kế hoạch hàng năm nhằm triển khai công
tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm.
2. Rà soát, đối chiếu các văn bản pháp luật; hướng
dẫn nghiệp vụ đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn
liền với đất.
3. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao dịch bảo
đảm và công tác đăng ký giao dịch bảo đảm.
4. Thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện
công tác đăng ký giao dịch bảo đảm tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp
tỉnh, cấp huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan đến hoạt động giao dịch bảo
đảm tại địa phương.
5. Thực hiện thống kê, báo cáo về tổ chức và hoạt động
đăng ký giao dịch bảo đảm.
6. Bố trí kinh phí, nguồn nhân lực phục vụ hoạt động
quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, trang bị cơ sở vật chất phục vụ
hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm tại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất
trên địa bàn tỉnh.
7. Chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng, Văn
phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của
pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, tích cực tra cứu, chia sẻ thông tin về
tình trạng pháp lý của tài sản.
8. Giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình
đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
9. Xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo
trong quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm.
10. Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Chương 2.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Phối hợp xây dựng Kế hoạch
công tác hàng năm, tổ chức thực hiện sơ kết, tổng kết công tác quản lý nhà nước
về giao dịch bảo đảm
1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường,
các cơ quan, tổ chức khác có liên quan xây dựng kế hoạch công tác hàng năm nhằm
triển khai công tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa
phương, đồng thời chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung thuộc chức
năng, nhiệm vụ được giao.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường,
các cơ quan, tổ chức khác có liên quan định kỳ tổ chức sơ kết và tổng kết việc
thực hiện sự phối hợp quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm.
2. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng Kế hoạch công tác
hàng năm về phối hợp quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, tổ chức sơ
kết, tổng kết và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung thuộc chức
năng, nhiệm vụ của mình.
3. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ
quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp trong việc xây dựng
kế hoạch, tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện quản lý nhà nước về đăng ký
giao dịch bảo đảm.
Điều 6. Rà soát, đối chiếu các
văn bản pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền
sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
1. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên
và Môi trường tiến hành rà soát các văn bản pháp luật về giao dịch bảo đảm, đối
chiếu các văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành để kiến
nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản có liên quan đến hoạt
động đăng ký giao dịch bảo đảm cho phù hợp.
2. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Cục Đăng ký quốc
gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân
hàng Nhà nước tại tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan thường xuyên chỉ đạo,
hướng dẫn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho
cán bộ của các tổ chức tín dụng, công chứng viên, cán bộ đăng ký giao dịch bảo
đảm của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Điều 7. Phối hợp tuyên truyền,
phổ biến pháp luật về giao dịch bảo đảm và công tác đăng ký giao dịch bảo đảm
Hàng năm, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, các cơ quan truyền
thông của tỉnh xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về
đăng ký giao dịch bảo đảm.
Điều 8. Phối hợp thanh tra, kiểm
tra liên ngành việc thực hiện công tác đăng ký giao dịch bảo đảm
1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình
Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành,
xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đột xuất, định kỳ 6 tháng hoặc hàng năm đối
với các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; các tổ chức hành nghề công chứng;
UBND cấp xã thực hiện việc chứng thực hợp đồng, giao dịch và các đơn vị có liên
quan đến hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương, báo cáo về kết quả
thực hiện theo các nội dung nêu tại Phụ lục 02 kèm theo Quy chế này (đối với kiểm
tra định kỳ).
b) Làm đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với
Bộ Tư pháp thực hiện kiểm tra định kỳ các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại
địa phương khi có yêu cầu.
2. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở Tư pháp và trực tiếp tham gia thanh
tra, kiểm tra về mặt chuyên môn, nghiệp vụ công tác đăng ký giao dịch bảo đảm đối
với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các Văn phòng đăng ký quyền
sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
3. Trách nhiệm Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk
Nông
Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường
tham gia đầy đủ việc kiểm tra định kỳ về công tác đăng ký giao dịch bảo đảm tại
các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Điều 9. Phối hợp thống kê, báo
cáo
1. Sở Tư pháp có trách nhiệm
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường
xây dựng Báo cáo định kỳ 06 tháng, hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu. Nội
dung báo cáo được xây dựng theo Phụ lục 01 kèm theo Quy chế này và phải đảm bảo
về thời hạn báo cáo. Mốc thời gian báo cáo định kỳ thực hiện theo khoản 3, Điều
4 Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT, ngày 18/11/2011 của Bộ Tư pháp
- Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất,
tài sản gắn liền với đất và theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp về công tác thống kê
của Ngành Tư pháp.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm
a) Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất ở tỉnh
thực hiện việc báo cáo 06 tháng, hàng năm hoặc đột xuất về công tác đăng ký thế
chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, gửi Sở Tư pháp theo đúng thời
gian quy định.
b) Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện các nội dung
nêu tại khoản 1 điều này.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm
Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện
việc báo cáo 06 tháng, hàng năm hoặc đột xuất về công tác đăng ký thế chấp quyền
sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, gửi Sở Tư pháp theo đúng thời gian quy định.
Mốc thời gian báo cáo định kỳ thực hiện theo khoản 3, Điều 4 Thông tư liên tịch
số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18/11/2011 của Bộ Tư pháp - Bộ Tài nguyên và Môi
trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với
đất và theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp về công tác thống kê của Ngành Tư pháp.
Điều 10. Kinh phí, nguồn nhân
lực phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, trang bị
cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh
1. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính
tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí phục vụ hoạt động quản lý nhà
nước về đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở
Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn nhân lực
trên cơ sở Đề án vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để phục
vụ cho hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh.
3. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ hàng năm thực hiện
việc kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa
bàn tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu đề
xuất Ủy ban nhân dân tỉnh hàng năm bố trí nguồn kinh phí cần thiết để trang bị
đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng
đất nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong quá trình phục vụ người dân, doanh
nghiệp.
Điều 11. Phối hợp chỉ đạo các
tổ chức hành nghề công chứng, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện
nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm,
tích cực tra cứu, chia sẻ thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản
1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
a) Thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức hành
nghề công chứng, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện nghiêm túc, đầy
đủ các quy định có liên quan đến đăng ký giao dịch bảo đảm; phối hợp với các cơ
quan Thi hành án dân sự trong việc cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm nhằm
giúp các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân ký kết, thực hiện giao dịch bảo đảm,
an toàn, đúng pháp luật, đồng thời chia sẻ thông tin giữa các tổ chức hành nghề
công chứng về tình trạng pháp lý của tài sản nhằm đảm bảo tính an toàn cho các
hợp đồng, giao dịch có liên quan.
b) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên
và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các cơ quan liên quan tham
mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp, trao đổi, cung cấp
thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm giữa các Văn phòng đăng ký
quyền sử dụng đất, tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan Thi hành án dân sự và
các cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành
tài sản trên địa bàn tỉnh.
2. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp thường xuyên hướng
dẫn, chỉ đạo các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện nghiêm túc, đầy
đủ quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, cung cấp thông tin về
giao dịch bảo đảm.
b) Thường xuyên chỉ đạo các Văn phòng đăng ký quyền
sử dụng đất trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm bảo đảm nội dung đăng ký thế chấp
phù hợp với thông tin được lưu trong hồ sơ địa chính.
c) Xây dựng quy trình đăng ký, cung cấp thông tin về
thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để áp dụng thống nhất trên
địa bàn tỉnh.
d) Xây dựng cơ sở dữ liệu về cung cấp thông tin và
chia sẻ thông tin về giao dịch bảo đảm để phục vụ cho việc đăng ký và quản lý
giao dịch bảo đảm.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông
tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm có trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông
tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi
có yêu cầu theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
về các thông tin đã cung cấp.
Điều 12. Phối hợp giải quyết,
tháo gỡ những vướng mắc, phát sinh
Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và
Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đắk Nông, Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, định kỳ 06 tháng tổ chức họp giao ban với sự tham gia của đại diện các
Tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan Thi hành án dân sự, Văn phòng đăng ký quyền
sử dụng đất, các tổ chức tín dụng nhằm giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc phát
sinh trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng về giao dịch bảo đảm và đăng ký
giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa
bàn tỉnh.
Điều 13. Phối hợp trong việc
giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có
trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác quản lý nhà nước về
giao dịch bảo đảm, thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp
luật.
Trường hợp đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến không thuộc
thẩm quyền giải quyết thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị đã nhận đơn phải chuyển
đơn đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết; kết quả giải quyết phải gửi đến
cho cơ quan, đơn vị đã chuyển đơn để biết.
Điều 14. Trách nhiệm tổ chức
thực hiện
1. Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với
các cơ quan có liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy chế
này.
2. Các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ, Sở
Tài chính; Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Nông; Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã; các cơ quan truyền thông của tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư
pháp triển khai thực hiện Quy chế này.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vấn đề
phát sinh, vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp, các đơn vị
phản ánh bằng văn bản về Sở Tư pháp. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ
trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, quyết định.
PHỤ LỤC 01
NỘI DUNG BÁO CÁO ĐỊNH KỲ VỀ KẾT QUẢ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO
ĐẢM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 11/7/2013 của UBND
tỉnh Đắk Nông)
Báo cáo 06 tháng và hàng năm về kết quả đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền
sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải trình bày đầy đủ những nội dung chủ
yếu sau đây:
1. Số liệu cụ thể về kết quả đăng ký lần đầu, đăng
ký thay đổi, xóa đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử
dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương.
2. Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức,
thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm; tổ chức thực
hiện công tác đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng
đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương.
3. Đánh giá vai trò của Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên
và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất
cấp tỉnh, cấp huyện, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong việc triển khai
công tác đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương.
4. Đánh giá kết quả kiểm tra định kỳ về đăng ký
giao dịch bảo đảm đối với các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh và cấp
huyện trên địa bàn tỉnh.
5. Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công
tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, cũng như việc triển khai thực
hiện hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương.
PHỤ LỤC 02
NỘI DUNG KIỂM TRA KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐĂNG KÝ, CUNG CẤP
THÔNG TIN VỀ THẾ CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 11/7/2013 của UBND tỉnh
Đắk Nông)
1. Kiểm tra việc thành lập và hoạt động của Văn
phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện, bao gồm:
a) Số lượng, trình độ của cán bộ đăng ký;
b) Cơ sở vật chất của Văn phòng Đăng ký;
c) Mức độ áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động
của Văn phòng Đăng ký.
2. Kiểm tra việc tổ chức, hoạt động đăng ký của Văn
phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện, bao gồm:
a) Kiểm tra về thẩm quyền đăng ký;
b) Kiểm tra về quy trình đăng ký (thời hạn tiếp nhận,
giải quyết hồ sơ đăng ký, việc sử dụng mẫu đơn, nội dung kê khai trên đơn yêu cầu
đăng ký, việc chứng nhận trên đơn yêu cầu đăng ký);
c) Kiểm tra hồ sơ đăng ký, việc chỉnh lý biến động
(trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ địa chính, sổ theo dõi biến động đất
đai);
d) Kiểm tra việc lưu trữ hồ sơ;
đ) Kiểm tra việc cung cấp thông tin về thế chấp quyền
sử dụng đất;
e) Thống kê số liệu kết quả đăng ký tại Văn phòng
Đăng ký.
3. Kiểm tra công tác thu lệ phí đăng ký, phí cung cấp
thông tin về giao dịch bảo đảm tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh,
cấp huyện, cụ thể như sau:
a) Mức thu lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin về
giao dịch bảo đảm áp dụng tại các Văn phòng Đăng ký;
b) Các trường hợp miễn giảm lệ phí đăng ký, phí
cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật.
4. Kiểm tra, đánh giá sự phù hợp giữa quy định của
pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm với thực tiễn áp dụng tại địa phương./.