UBND TỈNH BẮC KẠN
BAN CHỈ ĐẠO DỰ ÁN CSSP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1178/QĐ-BCĐ
|
Bắc Kạn, ngày 12
tháng 8 năm 2017
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH SỔ TAY HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT GIAO ĐẤT, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ
DỤNG ĐẤT LÂM NGHIỆP CÓ SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN
BAN CHỈ ĐẠO DỰ ÁN
CSSP
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương số
77/2015/QH13;
Căn cứ Quyết định 725/QĐ-UBND ngày 5/5/2014
về việc thể chế hóa Sổ tay hướng dẫn quy hoạch sử dụng và giao đất lâm nghiệp
có sự tham gia của người dân theo dự án 3PAD;
Căn cứ Quyết định số 1409/QĐ-UBND ngày
31/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc Phê duyệt Văn kiện dự án “Hỗ
trợ kinh doanh cho nông hộ” tỉnh Bắc Kạn vay vốn Quỹ Quốc tế về Phát triển nông
nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 1438/QĐ-UBND ngày
07/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc Phê duyệt dự án “Hỗ trợ kinh
doanh cho nông hộ” tỉnh Bắc Kạn vay vốn Quỹ Quốc tế về Phát triển nông nghiệp;
Căn cứ Quyết định 762/QĐ-UBND ngày 2/6/2017 của
UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung văn kiện dự án, điều
chỉnh nội dung Quyết định phê duyệt văn kiện dự án và Quyết định phê duyệt dự
án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Bắc Kạn vay vốn Quỹ Quốc tế về phát triển
nông nghiệp (IFAD);
Căn cứ Quyết định số 2154/QĐ-UBND ngày
28/12/2016 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc thành lập Ban Điều phối dự án Hỗ trợ
kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Bắc Kạn;
Căn cứ Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày
04/4/2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động
của Ban điều phối dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Bắc Kạn;
Căn cứ Quyết định số 125/QĐ-UBND ngày 10
tháng 02 năm 2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc thành lập Ban chỉ đạo dự án Hỗ
trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Bắc Kạn;
Căn cứ Quyết định số 375/QĐ-UBND ngày
30/3/2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ
đạo dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Bắc Kạn;
Theo đề nghị của Giám đốc Ban Điều phối dự án
CSSP tỉnh Bắc Kạn tại Tờ trình số 18/TTr-BĐPDA ngày 27 tháng 7 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Sổ tay Hướng dẫn kỹ thuật giao đất, cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp có sự tham gia của người dân với các nội dung
chính như sau:
1. Tên sổ tay: Sổ tay hướng
dẫn kỹ thuật giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp có sự
tham gia của người dân.
2. Mục đích xây
dựng sổ tay:
- Cung cấp
những nguyên tắc, phương pháp tiếp cận, kỹ thuật và công cụ trong tiến trình
giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trong đó nhấn mạnh
đến cách tiến hành thu hút sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của người dân
và cộng đồng được giao đất, nhằm bảo đảm tính công bằng, khả thi, hiệu quả và
bền vững trong quản lý đất lâm nghiệp.
- Thống nhất
thủ tục và trình tự giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp
từ khi chuẩn bị cho đến khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp
cho người dân.
3. Nội dung
chính của sổ tay:
Sổ
tay gồm
3 phần:
- Phần
1:
Những
nguyên tắc cơ bản và các bước giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất lâm nghiệp có
sự tham gia của người dân.
- Phần
2: Trình tự các bước
tiến hành trong
giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp có sự tham gia của
người dân.
- Phần
3: Một số
công cụ PRA
và mẫu biểu thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm
nghiệp
có sự tham gia của người dân.
4. Đối tượng sử
dụng chính của sổ tay:
Đối tượng sử dụng sổ tay là các cán bộ
kỹ thuật thuộc các ban, ngành cấp huyện, xã có nhiệm vụ hỗ trợ, thực hiện giao
đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại các thôn/bản như: Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hạt Kiểm lâm,
UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi
trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện, UBND xã, Tổ công tác cấp xã,
đơn vị tư vấn hỗ trợ kỹ thuật và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Tài
liệu hướng dẫn này cũng được sử dụng trong đào tạo, tập huấn về giao đất, cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân, đặc
biệt là những hộ nghèo trong thôn/ bản sử dụng ổn định lâu dài trong và ngoài
phạm vi vùng dự án CSSP tại tỉnh Bắc Kạn.
(Có Sổ tay Hướng
dẫn kỹ thuật giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp có sự
tham gia của người dân kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn
đề cần sửa đổi, bổ sung đề nghị gửi về Ban Điều phối dự án CSSP tỉnh tổng hợp,
trình Ban Chỉ đạo dự án xem xét, điều chỉnh.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Ban Điều
phối dự án CSSP tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo dự án CSSP và Thủ trưởng các
cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
Gửi
bản giấy:
-
BĐP dự án CSSP tỉnh;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh;
- Hội Nông dân tỉnh;
- Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh;
- Liên minh Hợp tác xã;
- Hội Doanh nhân trẻ tỉnh;
Gửi bản điện tử:
- PCT NLN UBND tỉnh;
- UBND các huyện: Ba Bể, Na Rì, Pác Nặm, Ngân Sơn, Bạch Thông;
- Các Sở: KH&ĐT, NN&PTNT, TN&MT, KH&CN, LĐ-BT&XH, TC, CT;
- CPV;
- Lưu VT, NV.
|
TM. BAN CHỈ ĐẠO
TRƯỞNG BAN
PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH
Đỗ Thị Minh Hoa
|
SỔ TAY
HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT GIAO ĐẤT, CẤP GIẤY CHỨNG
NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT LÂM NGHIỆP CÓ SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1178/QĐ-BCĐ ngày 12/8/2017 của
Ban Chỉ đạo dự án CSSP tỉnh)
LỜI
NÓI ĐẦU
Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật giao đất lâm
nghiệp (GĐLN), cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài
sản khác gắn liền với đất lâm nghiệp (sau đây gọi tắt là Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp - viết tắt là GCNQSDĐLN) có
sự tham gia của người dân được Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) Bắc
Kạn xây dựng dựa trên nền tảng sổ tay quy hoạch sử dụng và GĐLN có sự tham gia
của người dân đã được dự án Quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển
nông lâm nghiệp (3PAD) Bắc Kạn phối hợp với các chuyên gia tư vấn quốc tế và
trong nước biên soạn. Trên cơ sở những văn bản pháp lý mới ban hành, tình hình
thực tế tại địa phương và những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá triển khai
hoạt động giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp của dự án
3PAD, các thành viên tổ xây dựng sổ tay đã thực hiện rà soát, điều chỉnh lại
các nội dung của sổ tay để đáp ứng với những yêu cầu của dự án mới.
Tài liệu tập trung giới thiệu những
nội dung sau đây:
1. Hướng dẫn
trình tự các bước áp dụng các phương pháp có sự tham gia của người dân trong
quá trình GĐLN, cấp GCNQSDĐLN
2. Mô tả chi
tiết quá trình GĐLN, cấp GCNQSDĐLN cho các hộ và cộng đồng dân cư thôn/bản;
3. Nêu rõ mối
liên hệ trong quá trình triển khai thực hiện GĐ, cấp GCNQSDĐLN có sự tham gia
của người dân với các quy định, chính sách và thủ tục liên quan của nhà nước.
Trong quá trình thực hiện hoạt động,
sổ tay hướng dẫn kỹ thuật GĐ, cấp GCNQSDĐLN có sự tham gia của người dân có thể
được điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và các quy định về
GĐ, cấp GCNQSDĐLN hiện hành của nhà nước áp dụng tại địa phương, rất mong nhận
được sự góp ý bổ sung, đáp ứng yêu cầu trong quá trình thực hiện. Mọi ý kiến
xin gửi về:
Ban Điều phối
dự án CSSP tỉnh Bắc Kạn
Tổ 5, phường
Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn
Điện thoại: 02093.880.886
Email: [email protected]
NHỮNG
CHỮ VIẾT TẮT
CSSP
|
Dự án Hỗ trợ kinh
doanh cho nông hộ
|
IFAD
|
Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp
|
GCNQSDĐLN
|
Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất lâm nghiệp
|
LN
|
Lâm nghiệp
|
ĐGTĐMTXH
|
Đánh giá tác động môi trường và xã hội
|
NN&PTNT
|
Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
|
GĐLN
|
Giao đất lâm nghiệp
|
TCT
TN&MT
|
Tổ công tác xã
Tài nguyên và môi
trường
|
TOT
|
Tập huấn cho giảng
viên nguồn
|
UBND
VPĐKĐĐ
|
Ủy ban nhân dân
Văn phòng đăng ký
đất đai
|
MỤC
LỤC
LỜI NÓI ĐẦU
NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT
MỤC LỤC
GIỚI THIỆU
PHẦN 1: NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VÀ CÁC
BƯỚC TRONG GĐ, CẤP GCNQSDĐLN CÓ SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN
1. Những nguyên tắc
cơ bản trong GĐ, cấp GCNQSDĐLN có sự tham gia của người dân
2. Các bước cơ bản
trong GĐ, cấp GCNQSDĐLN có sự tham gia
PHẦN 2: TRÌNH TỰ CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
TRONG GĐ, CẤP GCNQSDĐLN CÓ SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN
1. Bước 1: Chuẩn bị
2. Bước 2: Đánh giá
hiện trạng
3. Bước 3: Lập phương
án GĐ, cấp GCNQSDĐLN thôn/bản
4. Bước 4: Xây dựng
phương án GĐ, cấp GCNQSDĐLN cấp xã
5. Bước 5: Giao đất
lâm nghiệp tại thực địa và lập bản đồ địa chính
6. Bước 6: Kiểm tra,
rà soát bản đồ địa chính và hoàn thiện hồ sơ xin giao đất lâm nghiệp, hồ sơ đề
nghị cấp GCNQSDĐLN
7. Bước 7: Thẩm định,
ban hành quyết định giao đất, phê duyệt, cấp GCNQSDĐLN; hoàn thiện hồ sơ địa
chính, bàn giao và lưu trữ
PHẦN 3: MỘT SỐ CÔNG CỤ PRA VÀ MẪU BIỂU
THỰC HIỆN GĐ, CẤP GCNQSDĐLN CÓ SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN
GIỚI
THIỆU
Giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất lâm
nghiệp (GĐ, cấp GCNQSDĐLN) có sự tham gia của người dân đóng vai trò rất quan
trọng trong việc đảm bảo quyền sử dụng đất lâm nghiệp và sử dụng tài nguyên
rừng của người dân nhằm nâng cao điều kiện sống và cải thiện công tác bảo vệ và
quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên của chính họ.
Tài liệu hướng dẫn này giới thiệu trình tự
các bước và cung cấp những hướng dẫn thực tế, các thủ tục cần thiết trong GĐ, cấp
GCNQSDĐLN có sự tham gia của người dân.
Cơ sở pháp lý
Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật GĐ, cấp GCNQSDĐLN có
sự tham gia của người dân được biên soạn dựa trên cơ sở pháp lý sau:
● Luật đất đai 2013;
● Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;
● Nghị định 43/2014/NĐ-CP
của
Chính phủ ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai;
● Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017
của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật
Đất đai.
● Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày
19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
● Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng
5 năm 2014 của
Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính;
● Các tài liệu hướng dẫn về Giao đất giao
rừng của Cục Kiểm lâm.
● Hiệp định vay vốn số 2000001753 ngày 24 tháng
3 năm 2017 giữa Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tổ chức IFAD
● Văn kiện dự án CSSP được UBND tỉnh phê duyệt.
● Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày
25/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Quy định về đăng ký, đăng
ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh
Bắc Kạn;
Cơ sở kỹ thuật:
Sổ tay này được biên soạn dựa trên sự tham
khảo và tổng hợp, phát triển các phương pháp và tài liệu về quy hoạch sử dụng
đất, giao đất có sự tham gia của các dự án do Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Nông
lương thế giới (FAO), Tổ chức hợp
tác kỹ thuật Đức (GTZ), Quỹ Quốc tế
về phát triển nông nghiệp (IFAD).v.v.. tài trợ.
Những điểm mới trong tài liệu này được nhóm
biên soạn dựa trên Luật đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn về giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mới nhất do
Nhà nước Việt Nam mới ban hành và dựa trên văn kiện dự án Hỗ trợ kinh doanh
cho nông hộ (CSSP) tỉnh Bắc Kạn.
Mục đích của sổ tay:
- Cung cấp
những nguyên tắc, phương pháp tiếp cận, kỹ thuật và công cụ trong tiến trình
GĐ, cấp GCNQSDĐLN trong đó nhấn mạnh đến cách tiến hành thu hút sự tham gia
tích cực và có trách nhiệm của người dân và cộng đồng được giao đất, nhằm bảo
đảm tính công bằng, khả thi, hiệu quả và bền vững trong quản lý đất lâm nghiệp.
- Thống nhất
thủ tục và trình tự GĐ, cấp GCNQSDĐLN từ khi chuẩn bị cho đến khi cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân.
Đối tượng sử dụng sổ
tay:
Đối tượng sử dụng tài liệu này là các
cán bộ kỹ thuật thuộc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, xã có nhiệm vụ hỗ
trợ, thực hiện GĐ, cấp GCNQSDĐLN tại các thôn/bản như: Sở Nông nghiệp và phát
triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và môi trường, UBND huyện, chi nhánh
văn phòng đăng ký đất đai huyện, UBND xã, tổ công tác cấp xã; đơn vị tư vấn hỗ
trợ kỹ thuật và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Tài liệu hướng dẫn này
cũng được sử dụng trong đào tạo, tập huấn về GĐ, cấp GCNQSDĐLN cho các hộ gia
đình, cá nhân, đặc biệt là những hộ nghèo trong thôn/ bản sử dụng ổn định lâu
dài trong và ngoài phạm vi vùng dự án CSSP tại tỉnh Bắc Kạn
Nội
dung sổ tay gồm 3 phần:
- Phần 1: Những
nguyên tắc và các bước cơ bản khi tiến hành GĐ, cấp GCNQSDĐLN có sự tham gia
của người dân.
- Phần 2: Trình
tự các bước tiến hành trong GĐ, cấp GCNQSDĐLN có sự tham gia của người dân.
- Phần 3: Một
số công cụ và các biểu mẫu cần thiết để triển khai thực hiện GĐ, cấp GCNQSDĐLN
có sự tham gia của người dân.
1.1. GĐ, cấp
GCNQSDĐLN phải tuân theo các cơ sở pháp lý
- Phù hợp với khung pháp lý và hành
chính của nhà nước Việt Nam và phải được thực hiện trong khuôn khổ các văn bản
hiện hành của Nhà nước.
- Phù hợp với các kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương và gắn liền với các kế hoạch/ chương trình phát
triển của cộng đồng.
1.2. Đảm bảo sự tham
gia đầy đủ của người dân
- Các hộ dân phải được thông báo, tham
gia, thảo luận, thực hiện và hưởng lợi hợp pháp từ việc giao đất, cấp GCNQSDĐLN
có sự tham gia của người dân theo quy định.
- Thông tin về quyền lợi và trách
nhiệm của hộ dân được giao đất cần được phổ biến đến các hộ dân. Việc này phải
được triển khai trước khi thực hiện các hoạt động GĐ, cấp GCNQSDĐLN để đảm bảo
các hộ dân đều có cơ hội và sự tiếp cận bình đẳng đối với việc giao, nhận đất
lâm nghiệp. Kết quả cuối cùng là hộ dân hoặc cộng đồng được cấp Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất lâm nghiệp không thu tiền sử dụng đất theo đúng quy định của
pháp luật.
- Phương pháp đánh giá nông thôn có sự
tham gia của người dân (PRA) được sử dụng trong việc tiếp cận, điều tra, lập kế
hoạch/phương án sẽ giúp cho việc đảm bảo sự tham gia của người dân trong quá
trình GĐ, cấp GCNQSDĐLN, giảm thiểu xung đột và xác định những tiềm năng cơ hội
phát triển của đất lâm nghiệp giúp cho các cấp chính quyền địa phương quản lý
đất đai có hiệu quả hơn.
1.3. Cấp tổ
chức thực hiện GĐ, cấp GCNQSDĐLN có sự tham gia của người dân là cấp xã
- Ủy ban nhân
dân xã là đơn vị quản lý hành chính ở cơ sở trực tiếp quản lý đất đai và con
người trên địa bàn. Việc giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất phải được thực hiện tại cấp xã.
- Việc giao
đất lâm nghiệp thường phát sinh những tranh chấp địa giới giữa các xã trong
huyện. Các tranh chấp này phải được giải quyết trước khi tiến hành giao đất lâm
nghiệp cấp xã. Bản đồ địa giới 364/CT là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp
(nếu có).
1.4 Giao đất, cấp
GCNQSDĐLN phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và xem xét thấu đáo hiện trạng
và truyền thống sử dụng đất của người dân
- Để
việc giao đất, cấp GCNQSDĐLN có tính hệ thống, hài hòa phục vụ cho việc phát
triển ổn định lâu dài, bền vững cần căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất và xem xét
đến quỹ đất chưa giao, dựa trên hiện trạng sử dụng đất, truyền thống và phong
tục tập quán sử dụng đất của người dân trong vùng, những người đang sống phụ
thuộc vào tài nguyên rừng. Do đó việc giao đất, cấp GCNQSDĐLN phải thỏa mãn các
điều kiện sau:
+ Diện tích giao đất, cấp GCNQSDĐLN
phải nằm trong khu vực quy hoạch đất lâm nghiệp cấp xã.
+ Giao đất, cấp GCNQSDĐLN cần được
xem như là một bổ sung vào việc quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, trong đó cần
xem xét kỹ lưỡng đến khu vực rừng truyền thống và đất canh tác nương rẫy hiện
tại của thôn/bản để tạo thuận lợi cho việc kế thừa và phát huy những ưu điểm
trong quản lý rừng theo truyền thống của người dân, cũng như để giảm thiểu các
xung đột có thể xảy ra.
+ Giao đất, cấp GCNQSDĐLN cho người
dân cần cân đối với quy hoạch quản lý đất lâm nghiệp của các thành phần kinh tế
khác như lâm trường, công ty, địa phương, (không giao đất, cấp GCNQSDĐLN đối
với đất trùng hoặc chồng tréo)...
1.5. Đảm bảo
công bằng, đúng đối tượng và giảm thiểu tranh chấp
+ Đảm bảo
tiếp cận công bằng về đất lâm nghiệp và tài nguyên rừng cho người nghèo. Việc
giao đất lâm nghiệp phải thực hiện đúng đối tượng của dự án CSSP nhằm đảm bảo
các hộ nghèo ít đất hoặc không có đất lâm nghiệp là đối tượng hưởng lợi ưu tiên
của Dự án.
+ Trong quá
trình lập kế hoạch, phương án giao đất cần điều chỉnh các bất cập về mặt diện
tích đất mà một vài tổ chức và hộ dân đang nắm giữ nhằm đảm bảo sự công bằng và
bình đẳng. Các điều chỉnh này cần phải dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các hộ
gia đình trong cộng đồng dân cư thôn/bản thông qua các cuộc họp thôn/bản theo
quy trình mà cuốn Sổ tay này đề cập đến.
+ Mọi tranh
chấp giữa các hộ gia đình sẽ được giải quyết trên tinh thần cởi mở và minh
bạch. Thôn sở tại đóng vai trò chính trong việc lập phương án giao đất cấp thôn
có sự tham gia; Chính quyền UBND xã sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải để giải
quyết mọi tranh chấp.
1.6. Phát triển bền
vững
GĐ, cấp
GCNQSDĐLN phải khuyến khích khả năng sử dụng và quản lý đất bền vững (đặc biệt
là đất dốc), theo đúng với kế hoạch phát triển dài hạn (5 - 10 năm) và tránh
những tác động tiêu cực đối với môi trường để đảm bảo cho phát triển sinh kế
bền vững, bảo vệ và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
2. Các bước cơ
bản trong GĐ, cấp GCNQSDĐLN có sự tham gia
GĐ, cấp GCNQSDĐLN có sự tham gia của
người dân được tiến hành theo 7 bước, bao gồm:
- Bước 1: Chuẩn bị;
- Bước 2: Đánh giá hiện trạng;
- Bước 3: Lập phương án GĐ, cấp GCNQSDĐLN thôn/bản;
- Bước 4: Xây dựng phương án GĐ, cấp
GCNQSDĐLN
cấp xã;
- Bước 5: Giao đất lâm nghiệp tại thực địa và
lập bản đồ địa chính;
- Bước 6: Kiểm tra, rà soát bản
đồ địa chính; hoàn thiện
hồ sơ xin
giao đất
lâm nghiệp, hồ
sơ đề nghị cấp
GCNQSDĐLN;
- Bước 7: Thẩm định, ban hành quyết định giao
đất lâm nghiệp, phê duyệt, cấp
GCNQSDĐLN; hoàn thiện hồ sơ địa
chính,
bàn giao
và lưu trữ.
Các hoạt động bước
1:
● Chuẩn bị về mặt
tổ chức và hành chính
● Thu thập và phân
tích các tài liệu và bản đồ hiện có
● Tập huấn cho các
thành viên tổ công tác cấp xã
● Họp xã triển khai
hoạt động GĐ, cấp GCNQSDĐLN, xác định vùng đất dự kiến giao của mỗi thôn/bản
và lập kế hoạch cho việc thực hiện GĐ cấp GCNQSDĐLN cấp xã và chuẩn bị các
vật tư cần thiết
|
1.1. Chuẩn bị về mặt
tổ chức và hành chính
a) Thành lập Ban chỉ
đạo GĐ cấp GCNQSDĐLN cấp huyện
Chủ tịch UBND
huyện ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo huyện về GĐ cấp GCNQSDĐLN. Ban chỉ
đạo bao gồm các thành viên:
- Chủ
tịch/Phó chủ tịch UBND huyện - Trưởng ban
- Trưởng phòng TN&MT huyện
- Phó ban
- Trưởng Phòng TC-KH -
Ủy viên
- Hạt trưởng hạt Kiểm lâm
- Ủy viên
- Trưởng phòng Nông nghiệp -
Ủy viên
- Trưởng ban quản lý dự án CSSP xã
- Ủy viên
- Lãnh đạo chi nhánh VPĐKĐĐ huyện - Ủy
viên
- Cán bộ dự án CSSP huyện
- Ủy viên
- Lãnh đạo phòng Nội vụ
- Ủy
viên
Nhiệm vụ cụ thể của Ban chỉ đạo cấp
huyện:
- Đại diện
cho UBND huyện về việc chỉ đạo công tác GĐ, cấp GCNQSDĐLN có sự
tham gia của người dân cho các xã thực hiện dự án trong huyện.
- Giám sát quá trình triển khai GĐ,
cấp GCNQSDĐLN
có
sự tham gia của người dân
- Cử cán bộ kỹ thuật của huyện tham
gia Tổ công tác cấp xã
- Phối hợp và
liên kết các hoạt động giữa các cơ quan cấp tỉnh, huyện và cấp xã trong quá
trình GĐ, cấp
GCNQSDĐLN.
- Chỉ đạo, hướng dẫn cho các cán bộ
chuyên môn và các xã
- Làm rõ các
địa giới và giải quyết các tranh chấp về địa giới giữa các xã và các tổ chức
trong huyện.
Ban chỉ đạo
huyện về GĐ, cấp GCNQSDĐLN tham mưu cho UBND huyện và chịu trách nhiệm trước
UBND huyện về các kết quả GĐ, cấp GCNQSDĐLN, trình tự, thủ tục để giao
đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
b) Thành lập
tổ công tác (TCT) cấp xã;
Tổ công tác (TCT) xã có trách nhiệm
thực hiện chuyên môn GĐ, cấp GCNQSDĐLN tại xã. UBND huyện ra quyết định thành
lập các TCT của các xã thuộc vùng dự án.
Thành phần của TCT xã bao gồm:
- Chủ tịch/Phó Chủ tịch xã -
Tổ trưởng
- Cán bộ phòng TN-MT huyện -
Tổ phó
- Công chức địa chính xã -
Ủy viên
- Cán bộ
phòng nông nghiệp
huyện
- Ủy viên
- Kiểm lâm
địa bàn - Ủy viên
- Trưởng
thôn/bản - Ủy viên
Khi thực hiện
công tác giao đất đến địa bàn thôn/bản nào thì mời trưởng thôn/bản, đại diện
các xóm và các nhóm hộ gia đình trong thôn/bản sẽ được mời tham gia.
Nhiệm vụ của TCT xã:
- Xây dựng kế hoạch GĐ, cấp GCNQSDĐLN
các thôn/ bản trong xã;
- Thực hiện GĐLN ở thực địa;
- TCT giúp cho UBND xã thực hiện
nhiệm vụ giải quyết những vướng mắc trong quá trình GĐ, cấp GCNQSDĐLN;
- Lập hồ sơ, bản đồ, thủ tục và thực
hiện GĐLN
(Vai trò và trách nhiệm cụ thể của Tổ
công tác xã được quy định tại Mẫu 1 - Phụ lục 1).
1.2. Thu thập và phân
tích các tài liệu và bản đồ hiện có
Thu thập các tài liệu ở cấp huyện và
xã có liên quan như:
- Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội
của huyện, kế hoạch của các ban, ngành trên địa bàn huyện, tài liệu của các
chương trình/dự án liên quan của Nhà nước được thực hiện trên địa bàn;
- Các loại bản đồ của huyện, xã như:
bản đồ địa giới hành chính (bản đồ 364); Bản đồ hiện trạng sử dụng đất mới nhất
(theo Thông tư số 28/2014/TT-BTNMT); Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp; bản đồ và
hồ sơ giao rừng tới thời điểm tiến hành; Bản đồ nền địa hình; Bản đồ quy hoạch
sử dụng rừng hiện có và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tổng thể của huyện
và xã (nếu có); Bản đồ quy hoạch 3 loại rừng mới nhất. Đây là những bản đồ rất
cần thiết cho việc thực hiện GĐLN tại thực địa.
- Các thông tin về các điều kiện tự
nhiên, kinh tế xã hội của xã gồm (ví dụ như mức sống, sự nghèo đói, thành phần
dân tộc, lao động, dân trí v.v…);
- Tổng hợp
các dữ liệu về hiện trạng và sự thay đổi các loại đất và tình hình sử dụng đất
(bao gồm cả đất nông nghiệp và đất ở);
- Các thông
tin được thu thập sẽ được tổng hợp thành một báo cáo trình lên Ban chỉ đạo GĐ,
cấp GCNQSDĐLN huyện. Một cuộc họp sau đó sẽ được tổ chức giữa Ban chỉ đạo huyện
và Tổ công tác cấp xã để rà soát các tài liệu và bản đồ hiện có nhằm đánh giá
chất lượng các tài liệu, bản đồ, xác định các điểm mạnh và yếu trong việc quản
lý sử dụng đất lâm nghiệp ở xã làm cơ sở cho việc GĐ, cấp GCNQSDĐLN ở xã.
1.3. Tập huấn cho các
thành viên TCT cấp xã
GĐ, cấp GCNQSDĐLN có sự tham gia của
người dân là một quy trình phức tạp và bao gồm nhiều bước khác nhau. Vì thế cần
triển khai thực hiện quy trình một cách chi tiết và thận trọng, áp dụng 6
nguyên tắc cơ bản. Vì vậy, các thành viên của tổ công tác cấp xã cần được tập
huấn GĐ, cấp GCNQSDĐLN có sự tham gia của người dân. Nội dung tập huấn là giới
thiệu về quá trình GĐ, cấp GCNQSDĐLN, các bước, và các công cụ và kỹ năng thực
hiện ở hiện trường.
Việc tập huấn cho TCT xã sẽ do các cán
bộ chuyên môn đã được đào tạo tiểu giáo viên (TOT) và đã qua
thực tế GĐ, cấp GCNQSDĐLN đảm nhiệm với sự kèm cặp, hỗ trợ của các giảng viên
có kinh nghiệm đã đào tạo lớp TOT về GĐ, cấp GCNQSDĐLN
Nội dung tập huấn bao gồm:
● Các nguyên tắc cơ bản của GĐ, cấp
GCNQSDĐLN
có
sự tham gia của người dân và áp dụng thực tiễn.
● Các bước hoạt động và trình tự thủ
tục trong quá trình GĐ, cấp GCNQSDĐLN.
● Các chính sách và nghị định liên
quan đến GĐ, cấp GCNQSDĐLN.
● Hướng dẫn các kỹ năng tổ chức các
cuộc họp thôn/bản, các công cụ PRA (nhất là các công cụ lập sơ đồ hiện trạng sử
dụng đất, sơ đồ giao đất (đắp sa bàn với sự hỗ trợ của ảnh vệ tinh, ảnh máy
bay), phân loại kinh tế hộ và các mẫu biểu.
● Hướng dẫn sử dụng dụng cụ GPS và
phần mềm hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong biên tập và chỉnh lý bản đồ.
Trong khi tập huấn, TCT xã với sự hỗ
trợ và hướng dẫn của cán bộ chuyên môn (giảng viên) - sẽ tiến hành thực hành
tại một thôn/bản. Việc thực hành GĐ, cấp GCNQSDĐLN của một thôn/bản sẽ mất
khoảng 2-3 ngày.
1.4. Họp xã triển
khai hoạt động GĐ, cấp GCNQSDĐLN, xác định vùng đất dự kiến giao của mỗi
thôn/bản và lập kế hoạch cho việc thực hiện GĐ, cấp GCNQSDĐLN cấp xã và chuẩn
bị các vật tư cần thiết
Tổ chức một
cuộc họp tại xã để triển khai các hoạt động về GĐ, cấp GCNQSDĐLN. Cuộc họp này
bao gồm sự tham gia của các thành viên của TCT xã, đại diện
nông dân (già làng, chủ trang trại…), đại diện tổ chức, cá nhân được tỉnh giao,
cho thuê đất trên địa bàn xã.
Cuộc họp này
sẽ giới thiệu, thực hiện các nội dung chính sau:
a) Giới thiệu
về các chính sách của tỉnh, huyện và nhà nước về GĐ, cấp GCNQSDĐLN, mục
tiêu và hoạt động của dự án CSSP, các quyền lợi và trách nhiệm của
người dân trong quá trình GĐ, cấp GCNQSDĐLN. Các Quy hoạch tổng thể về sử dụng
đất của huyện, xã (nếu đã có) sẽ được trình bày tại cuộc họp. Các ý kiến đề
nghị về việc tận dụng các loại đất khác nhau sẽ được đưa ra thảo luận.
b) Xác định
vùng đất dự kiến giao cho mỗi thôn/bản
Thôn/bản không phải là đơn vị hành
chính, thường chưa có ranh giới quản lý đất theo từng thôn/bản. Cần xác định
ranh giới giữa các thôn/bản trong xã và các chủ quản lý hiện có để tránh tình
trạng tranh chấp đất về sau và để làm cơ sở xác định sơ bộ vùng đất dự kiến
giao cho mỗi thôn/bản. Căn cứ để xác định ranh giới thôn/bản dựa vào ranh giới
Bản đồ 364 của xã, dựa vào lịch sử sử dụng đất, tập quán sử dụng đất của
thôn/bản và được người dân trong thôn/bản công nhận. Việc xác định ranh giới
thôn/bản được xác định sơ bộ tại cuộc họp với sự thống nhất của các trưởng
thôn/bản, TCT cấp xã và cán bộ xã. Từ bản đồ ranh giới sơ bộ các thành viên sẽ
họp bàn xác định các vùng đất dự kiến sẽ giao cho từng thôn/bản. Sơ đồ địa hình
thôn/bản đã phác thảo ranh giới sau này sẽ được đem xuống các cuộc họp thôn/bản
để trình bày và cùng người dân thôn/bản kiểm tra ở thực địa và bổ sung các điểm
địa hình, địa vật, điền tên các địa danh để tất cả người dân trong thôn/bản có
thể nhận biết ranh giới thôn/bản của họ trước khi tiến hành xác định hiện trạng
sử dụng đất cũng như xây dựng phương án giao đất.
Nếu xã đã có các bản đồ ảnh chụp từ
máy bay, hoặc vệ tinh mới nhất, đã được kiểm tra, đối chiếu tại thực địa và đã
được chính quyền tỉnh phê duyệt thì cần sử dụng bản đồ này trong các bước chuẩn
bị các bản đồ chi tiết. Cần thiết phải có 3 bản sao của sơ đồ mỗi thôn/bản để
dùng cho các hoạt động lập kế hoạch sử dụng đất trong các bước tiếp theo.
c) Lập kế hoạch hoạt
động GĐ, cấp GCNQSDĐLN cấp xã và chuẩn bị vật tư cần thiết
Sau khi tập huấn, TCT xã tiến hành lập
các kế hoạch GĐ, cấp GCNQSDĐLN chi tiết, nêu rõ tất cả các hoạt động liên quan,
bao gồm khung thời gian và ngân sách thực hiện tại từng thôn/bản cụ thể. Kế
hoạch này cũng dự kiến những công việc tổ chức thực hiện và làm rõ việc GĐ, cấp
GCNQSDĐLN tại các thôn/bản sẽ được triển khai theo hình thức cuốn chiếu hay là
cùng một thời điểm (tổ công tác xã sẽ chia thành nhiều nhóm để triển khai GĐ,
cấp GCNQSDĐLN tại các bản cùng một thời điểm). Kế hoạch hoạt động này sẽ được
trình bày và thống nhất tại cuộc họp xã, sau đó chỉnh sửa và gửi lên cho UBND xã để xem
xét và phê duyệt.
Tất cả các vật tư thực hiện quá trình
GĐ, cấp GCNQSDĐLN được chuẩn bị sẵn trước khi triển khai GĐLN tại thực địa, như
văn phòng phẩm, bản sao của các tài liệu, bản đồ, ảnh máy bay/ vệ tinh (ví dụ
ảnh Spot 5), địa bàn cầm tay, các máy GPS, v.v…
Các kết quả đầu ra
của Bước 1:
● Quyết định thành lập
các Ban chỉ đạo cấp huyện và Tổ công tác
cấp xã
● Các tài liệu và
bản đồ liên quan và báo cáo đánh giá tài liệu hiện có
● Bản đồ xã thể
hiện ranh giới khu vực đất dự kiến giao trên địa bàn xã
● Biên bản họp xã
và kế hoạch hoạt động GĐ, cấp GCNQSDĐLN cho các thôn/bản trong xã
|
Các hoạt động
trong Bước 2:
● Tổ chức họp
thôn/bản lần 1
● Đánh giá thực
trạng kinh tế xã hội và tình hình sử dụng đất LN thôn/bản
|
2.1. Họp thôn/bản lần
1
Tổ chức cuộc họp thôn/bản lần 1 để bắt
đầu triển khai quá trình GĐ, cấp GCNQSDĐLN có sự tham gia. Điều quan trọng là
đại diện tất cả các hộ gia đình trong thôn/bản (trong đó ít nhất 30% là phụ nữ)
nên tham gia cuộc họp này. Cuộc họp sẽ được tổ chức trong 1 buổi, với các mục
tiêu:
● Giải thích các mục tiêu, nội dung và
trình tự các bước của GĐ, cấp GCNQSDĐLN có sự tham gia.
● Giới thiệu các chính sách liên quan
đến GĐ, cấp GCNQSDĐLN cho người dân, đặc biệt là về nghĩa vụ, quyền lợi của các
hộ được giao đất, cấp GCNQSDĐLN
● Trình bày kế hoạch GĐ, cấp GCNQSDĐLN
có sự tham gia của người dân tại thôn/bản liên quan
● Đề xuất các cơ chế phân chia đất cho
các hộ nghèo thiếu đất thuộc đối tượng mục tiêu của dự án
● Tuyên truyền, vận động các hộ có
nhiều đất lâm nghiệp đã nhận chuyển nhượng lại một phần diện tích cho các hộ
nghèo khác chưa có hoặc có quá ít. Với phương châm “lá lành đùm lá rách”,
hay “ Tương thân tương ái”…
● Chọn một số người dân đại diện trong
thôn/bản để hỗ trợ trong quá trình GĐ, cấp GCNQSDĐLN trên địa bàn thôn/bản.
Cuộc họp này do TCT xã phối hợp với
cán bộ chuyên môn tổ chức. Vì đây là cuộc họp quan trọng nên việc chuẩn bị phải
được tiến hành kỹ. Tổ công tác cần thảo luận với trưởng thôn/bản về nội dung cuộc
họp và chuẩn bị chương trình cụ thể.
Ví dụ, trưởng thôn/bản đảm nhận phần
giới thiệu về nội dung còn cán bộ kỹ thuật sẽ trình bày về các mục tiêu, hoạt
động và các chính sách, thủ tục liên quan đến GĐ, cấp GCNQSDĐLN; các phương
án giao
đất;
quyền lợi, nghĩa vụ của người dân được giao đất, cấp GCNQSDĐLN. Trưởng
thôn/bản trình bày kế hoạch GĐ, cấp GCNQSDĐLN cho toàn thôn/ bản được biết và
hướng dẫn lựa chọn khoảng 6 - 8 đại diện người dân (bắt buộc có thành phần hộ
nghèo chưa có đất) trong thôn/bản để hỗ trợ tổ công tác lập kế hoạch GĐ, cấp
GCNQSDĐLN.
Các đại diện chủ chốt của thôn/bản cần
được lựa chọn kỹ, dựa trên các chỉ tiêu như sau:
- Nắm rõ tình hình thôn/bản
- Được người dân trong thôn/ bản tôn
trọng
- Năng động và sẵn sàng tham gia
- Đại diện cho các nhóm khác nhau
trong bản (có cả nam giới và phụ nữ, già và trẻ, các hộ giàu, nghèo và từng cụm
dân cư)
Cuộc họp cần tạo ra đủ cơ hội cho
người dân, ưu tiên người nghèo đưa ra các câu hỏi, thắc mắc liên quan đến công
tác GĐ, cấp GCNQSDĐLN. Nên cử một thành viên trong tổ công tác viết biên bản
cuộc họp.
2.2. Đánh giá thực
trạng kinh tế xã hội và tình hình sử dụng đất LN thôn/bản
Các hoạt động đánh giá tình hình
thôn/bản bao gồm:
- Lập sa bàn, sơ đồ thôn/bản và thảo
luận hiện trạng sử dụng đất và ranh giới hành chính xã, thôn/bản và ranh giới
các loại đất loại rừng trên sa bàn, sơ đồ hoặc ảnh máy bay hoặc ảnh SPORT 5 (tỷ
lệ 1:5.000)
- Phân loại kinh tế hộ (PRA - wealth
ranking), phân tích điều kiện kinh tế - xã hội và môi trường,
Phân tích hiện trạng sử dụng đất theo
loại kinh tế hộ
Sử dụng bản đồ từ ảnh máy bay/vệ tinh
(có tỷ lệ 1:5.000)/hoặc sa bàn thôn bản thể hiện hình ảnh thôn/bản thu nhỏ để
cùng người dân thảo luận về hiện trạng sử dụng đất của thôn/bản và lập sơ đồ
hiện trạng sử dụng đất của thôn/bản. Những đặc điểm thông tin thể hiện trên
ảnh/hoặc sa bàn thể hiện đường xá, địa hình, khu dân cư, sông, suối, đất nông
nghiệp, khu vực chăn thả gia súc, đất trồng rừng/rừng trồng, đất trống đồi núi
trọc, diện tích rừng được thể hiện bằng những ký hiệu và màu sắc khác nhau. Đặc
biệt, hiện trạng sử dụng đất ở khu vực dự kiến giao đất cần được thảo luận kỹ.
Sơ đồ này được thảo luận và đối chiếu với bản đồ địa chính đất lâm nghiệp của
xã hiện có.
Phân tích điều kiện kinh tế - xã hội
và môi trường bao gồm: việc phân loại kinh tế hộ có sự tham gia của người dân
nhằm xác định các hộ gia đình là đối tượng hưởng lợi của dự án; phân tích hiện
trạng và tình hình sử dụng đất theo nhóm kinh tế hộ; so sánh, đối chiếu tình
hình sử dụng đất hiện tại và tiềm năng sử dụng đất sau này, giúp cho việc quyết
định về những phương án sử dụng đất ưu tiên trong tương lai. Phân tích xu hướng
sử dụng đất bao gồm mô tả vắn tắt về diễn biến tình hình sử dụng đất trong 5 -
10 năm trước đó.
2.3. Lập báo cáo hiện
trạng sử dụng đất
Sau khi hoàn thành khảo sát thực địa,
đơn vị tư vấn phối hợp với TCT xã để xây dựng báo cáo hiện trạng sử dụng đất
của thôn/bản dựa vào kết quả phân tích ảnh vệ tinh/hoặc sa bàn, sơ đồ thôn/ bản
có sự tham gia của người dân.
Báo cáo về hiện trạng sử dụng đất cần có các
thông tin về:
● Các loại đất khác nhau, diện tích,
hiện trạng sử dụng cho các mục đích khác nhau đối với mỗi loại hình sử dụng.
● Thực trạng sử dụng đất và các vấn đề
có liên quan của người dân (tập trung phân tích theo nhóm kinh tế hộ và vào khu
vực dự kiến giao đất).
● Diễn biến thay đổi việc sử dụng đất
trong 5 - 10 năm trước đó.
● Phân tích diễn biến thay đổi việc sử
dụng đất đối với mỗi loại hình sử dụng trong 5 năm qua
● Tiềm năng và cơ hội trong việc sử
dụng đất trong tương lai, hướng đến nâng cao công tác quản lý tài nguyên theo
hướng bền vững.
Các kết quả đầu ra
của Bước 2:
● Biên bản cuộc họp
thôn/bản lần 1
● Báo cáo đánh giá
thực trạng kinh tế xã hội và tình hình sử dụng đất LN
|
Các hoạt động trong
Bước 3:
● Xây dựng kế hoạch,
phương án
GĐ, cấp
GCNQSDĐLN
thôn/ bản
● Tổ chức họp
thôn/bản lần 2
● Lập và phê duyệt
danh sách các hộ, nhóm hộ đủ điều kiện giao đất lâm nghiệp
● Họp với các hộ sẽ
được giao đất lâm nghiệp trên cùng một khu vực
● Lập sơ đồ GĐLN
của thôn/bản
|
3.1. Chuẩn bị lập kế hoạch GĐ, cấp
GCNQSDĐLN của thôn/bản
Đơn vị tư vấn phối hợp
với tổ công tác cấp xã cùng với một số người dân đại diện bắt đầu chuẩn bị để
xây dựng kế hoạch GĐ cấp GCNQSDĐLN của thôn/bản. Cụ thể:
● Chuẩn bị kế hoạch GĐ, cấp GCNQSDĐLN của thôn/bản (nội dung
công việc, diện tích đất dự kiến giao, trình tự, thời gian, bố trí nhân lực
tham gia hỗ trợ.v.v.)
● Dự kiến số hộ, nhóm hộ, cộng đồng sẽ
nhận đất nhận rừng tại từng khu vực
● Xây dựng các tiêu chí GĐ, cấp
GCNQSDĐLN
● In sao mảnh bản đồ của thôn/bản để
sử dụng làm bản đồ nền cho công tác ngoại nghiệp.
Lưu ý: Hạn mức giao
đất lâm nghiệp cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30 ha (Theo quy định tại
Điều 129 Luật Đất đai 2013).
Tổ công tác và đại diện người dân
trong thôn/bản sẽ dự kiến số hộ gia đình cá nhân, số nhóm hộ, cộng đồng được
giao đất lâm nghiệp. Việc kiểm tra trên thực địa giúp đưa ra những con số dự
kiến phù hợp. Những con số dự kiến sẽ được thảo luận và thống nhất trong cuộc
họp thôn/bản.
Các tiêu chí để GĐ, cấp GCNQSDĐLN và
xác định các đối tượng GĐ, cấp GCNQSDĐLN có đủ điều kiện để được giao đất lâm
nghiệp, xác định địa điểm và diện tích đất sẽ được giao, như:
● Mục tiêu và đối tượng ưu tiên của dự
án CSSP
● Vị trí của hộ gia đình
● Các hoạt động lâm nghiệp đã triển
khai tại từng khu vực
● Mức độ thu nhập phụ thuộc vào đất
lâm nghiệp, rừng
● Số lao động chính và lao động phụ
Những tiêu chí này sẽ được thảo luận
thêm trước khi đi đến thống nhất trong cuộc họp thôn/bản. Thường thì số lao
động chính và lao động phụ trong gia đình được xem là một tiêu chí quan trọng
vì công tác bảo vệ và phát triển rừng đòi hỏi nhiều công lao động. Đặc biệt là
người nghèo, đối tượng thường hạn chế về nguồn lực lao động là sống chủ yếu phụ
thuộc vào nguồn tài nguyên rừng. Vì thế, không nên tách những hộ này ra khỏi
tiêu chuẩn các hộ được nhận đất nhận rừng nếu không họ sẽ có nguy cơ ngày càng
nghèo đi.
3.2. Xây dựng phương
án giao đất của thôn/bản
Tổ công tác xã sẽ hỗ trợ các thành
viên đại diện chủ chốt của thôn/bản đề xuất phương án giao đất của chính
thôn/bản đó. Các
hoạt động liên quan bao gồm:
● Xác định diện tích và địa điểm đất lâm nghiệp
được đề xuất để giao cho các hộ cá thể, các nhóm hoặc cho cộng đồng dân cư
thôn/bản.
● Đề xuất hướng giao đất của thôn/bản (giao ở
khu vực nào?, diện tích là bao nhiêu?, đối tượng được giao đất chính là nhóm hộ
nào?, cho khoảng bao nhiêu hộ? và mục đích sử dụng chính của các khu vực dự
kiến giao là gì?,..)
Cần đánh giá lại kết quả giao đất giao rừng
đã được thực hiện trước đây. Nếu thực tế sử dụng đất được giao khác với mục
đích sử dụng đã xác định ban đầu thì cần đưa ra các giải pháp để khắc phục tình
trạng này. Có các hình thức giao đất lâm nghiệp chính như sau:
● Giao cho cá nhân, hộ
gia đình,
● Giao cho cộng đồng
dân cư thôn/bản
Phương án phù hợp
nhất tùy thuộc vào từng tình hình cụ thể, đặc điểm văn hóa cũng như vị trí đất
lâm nghiệp, xem bảng dưới đây.
Bảng 3:
Thuận lợi, khó khăn và những điều kiện phù hợp của mỗi hình thức giao đất
|
Người
hưởng lợi từ GĐLN
|
|
Các hộ gia đình
|
Các nhóm hộ
|
Cộng đồng thôn/bản
|
Thuận lợi
|
■ Lợi ích và trách nhiệm rõ ràng
■ Rất quan tâm để đầu tư nguồn lực vào diện
tích đất LN được giao
|
■ Việc xác định ranh giới khá dễ dàng
■ Bảo vệ chung
■ Giảm được chi phí đối với các hoạt động quản
lý
|
■ Việc xác định ranh giới khá dễ dàng
■ Bảo vệ chung
■ Giảm được chi phí đối với các hoạt động
quản lý
|
Khó khăn
|
■ Khó khăn trong việc bảo vệ
■ Khó xác định và duy trì ranh giới
|
■ Chia sẻ trách nhiệm và lợi ích chung
■ Ít quan tâm đầu tư nguồn lực vào việc
phát triển, bảo vệ và quản lý
|
■ Chia sẻ trách nhiệm và lợi ích chung
■ Ít quan tâm đầu tư nguồn lực vào việc
phát triển, bảo vệ và quản lý
|
Các điều kiện phù
hợp
|
■ Những diện tích gần khu dân cư
■ Những lô đất có diện tích tương đối hẹp
|
■ Khá xa khu dân cư
■ Các lô giao có diện tích lớn hơn
■ Giữa các thành viên trong nhóm có quan
hệ, cam kết chặt chẽ
■ Diện tích rừng trong thôn/bản hạn chế
■ Diện tích rừng có nguồn tài nguyên phục
vụ lợi ích chung của cả nhóm
|
■ Khá xa khu dân cư
■ Các lô giao có DT lớn hơn
■ Người dân trong thôn/bản có quan hệ, cam
kết chặt chẽ
■ DT rừng trong thôn/bản hạn chế
■ DT rừng có nguồn tài nguyên thuộc mối
quan tâm chung của cả cộng đồng dân cư thôn/bản
■ Tính cần thiết phải bảo vệ DT rừng hiện
có cho các nhóm chịu thiệt thòi, cho các thế hệ sau và cho người nhập cư
|
Ưu điểm của việc giao đất LN cho từng hộ gia
đình là tính trách nhiệm và lợi ích rõ ràng; điều này khuyến khích người dân
đầu tư nguồn lực vào diện tích đất LN được giao. Hạn chế của phương án này là
nó đòi hỏi nhiều công sức trong việc xác định và duy trì ranh giới giữa các lô
và bảo vệ diện tích đã giao. Còn ưu điểm chính của phương án giao đất LN cho từng nhóm hộ
hoặc thôn/bản là xác định ranh giới tương đối dễ dàng (hoặc tận dụng đặc điểm
tự nhiên hiện có để làm ranh giới) và giảm được những đầu tư đầu vào cần thiết
của mỗi hộ đối với công tác bảo vệ và quản lý. Tuy nhiên, một hạn chế của
phương án này là vì giao theo nhóm hộ nên giữa các hộ trong nhóm phải chia sẻ
trách nhiệm và lợi ích của nhóm. Điều này có thể làm cho các hộ trong nhóm ít
quan tâm đầu tư vào các hoạt động phát triển, bảo vệ và quản lý.
Giao đất LN cho từng hộ gia đình có thể là
phương án phù hợp nhất đối với những khu vực gần khu dân cư, vì như vậy việc
quản lý và bảo vệ của hộ đối với phần đất được giao là khá dễ dàng. Còn giao
đất
LN cho
thôn/bản hoặc nhóm hộ và cộng đồng sẽ là phương án phù hợp đối với những khu
vực rừng tương đối xa khu dân cư và diện tích mà không thể giao cho các tổ chức
hoặc từng hộ gia đình. Một lý do nữa là có thể áp dụng hình thức giao đất LN
cho toàn bộ cộng đồng thôn/bản đối với các khu rừng thiêng, rừng dễ bị tranh
chấp.
Trong bước đề xuất sơ bộ phương án
giao đất, cần xác định được diện tích và địa điểm đất lâm nghiệp sẽ được giao
cho các hộ gia đình, các nhóm hộ hoặc cho toàn bộ cộng đồng dân cư thôn/bản
3.3. Cuộc họp thôn/bản lần 2
Tất cả các hộ có dự kiến nhận đất lâm nghiệp
cần tham gia cuộc họp thôn/bản lần 2. Cuộc họp này sẽ được tổ chức trong 1 buổi,
với các mục tiêu sau đây:
● Trình bày kế hoạch giao đất lâm nghiệp và phương án
giao đất lâm nghiệp của
thôn/bản đang họp
● Nêu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của việc nhận
đất lâm
nghiệp
● Thống nhất số hộ và nhóm hộ dự kiến được
nhận đất nhận lâm
nghiệp
tại từng khu vực
● Thống nhất các tiêu chí GĐ, cấp GCNQSDĐLN,
cơ chế giao đất và chia sẻ đất giữa các hộ
● Phát và hướng dẫn điền (Tổ công tác cử cán
bộ chuyên môn hỗ trợ) các mẫu đơn xin giao đất, đơn đề nghị cấp GCN đất (mẫu 12,13)
● Thống nhất về phần đóng góp của người dân
trong quá
trình thực hiện GĐ,
cấp GCNQSDĐLN
3.4. Lập và phê duyệt danh sách các hộ gia
đình đủ điều kiện nhận đất lâm nghiệp
Tổ công
tác sẽ tổng hợp tất cả các đơn xin giao đất và lập danh sách các hộ đăng ký.
Danh sách đăng ký cũng cần tổng hợp số lao động chính và lao động phụ của các
hộ nhằm tạo thuận lợi cho việc lập danh sách các hộ có đủ điều kiện nhận đất
LN.
Tổ công tác sẽ lập danh sách các hộ gia đình
và các nhóm hộ có đủ và không có đủ điều kiện giao đất, sau đó sẽ xem xét danh
sách các hộ gia đình, cá nhân đăng ký nhận đất LN và thảo luận với các hộ này
về khả năng GĐ, cấp GCNQSDĐLN cho từng hộ. Phụ thuộc vào các tiêu chí lựa chọn,
cơ chế giao đất tổ công tác sẽ xem xét vị trí hộ gia đình, khả năng tiếp cận
đất LN, mức độ phụ thuộc của hộ vào đất rừng, trạng thái rừng, nguồn lực sẵn có
của hộ gia đình để xác định diện tích và vị trí đất LN sẽ được giao. Danh sách
những hộ đủ điều kiện bao gồm tên chủ hộ, diện tích dự kiến được giao, trạng
thái rừng, địa điểm và mục đích sử dụng.
Tổ công tác sẽ trình các danh sách lên UBND
xã để phê duyệt. Sau khi phê duyệt danh sách các hộ đủ điều kiện, UBND xã sẽ
niêm yết công khai danh sách các hộ và nhóm hộ đủ điều kiện và không đủ điều
kiện giao đất lâm nghiệp tại UBND xã và nhà họp thôn, nhà văn hóa thôn hoặc
tại nơi dễ tiếp cận, quan sát nhất trong thôn theo quy định hiện hành. Danh sách sẽ
được thông báo công khai trong vòng 15 ngày để người dân có cơ hội xem kết quả
và đưa ra kiến nghị.
3.5. Họp với các hộ sẽ nhận đất nhận rừng
trong cùng một khoảnh, tiểu khu
Sau khi có danh sách cuối cùng về những hộ đủ
điều kiện giao đất lâm nghiệp, người dân sẽ biết được họ sẽ được nhận đất nhận
rừng tại tiểu khu nào. Tuy nhiên lại chưa biết rõ vị trí của lô đất/rừng được
nhận. Vì thế tổ công tác cần tổ chức một cuộc họp với tất cả các hộ gia đình sẽ
được nhận đất nhận rừng trong cùng một tiểu khu để thảo luận những nội dung
sau:
● Vị trí các lô đất
● Phương pháp phân chia lô
● Cách tiến hành phân lô
Các lô rừng trong cùng một tiểu khu có khi
khác nhau về trạng thái hoặc khả năng tiếp cận nên thường dẫn đến tình trạng
nhiều hộ gia đình cùng thích một số lô rừng trong khi không hộ nào quan tâm đến
các lô rừng khác. Vì thế điều quan trọng là phải thống nhất được cách phân lô.
Các cách phân lô bao gồm:
Thảo luận: Đây là cách tốt nhất để phân chia đất
rừng. Thảo luận chỉ là điểm khởi đầu nhưng thường thì chỉ thảo luận thôi chưa
đủ để đi đến thống nhất.
Phân chia đồng đều: Cách này thường dẫn
đến kết quả là các lô được phân rất hẹp, có diện tích bằng nhau và trạng thái
rừng như nhau nhưng khó quản lý. Cách này chỉ phù hợp đối với các hộ sống hai
bên đường và có những lô, dải đất không quá dài và không quá hẹp.
Bốc thăm: Bốc thăm là một phương án chia lô mà
các hộ gia đình đều có quyền được nhận đất nhận rừng. Tuy nhiên, khi áp dụng
phương án này thì có thể dẫn đến tình huống là hầu hết các hộ gia đình đều
không hài lòng với kết quả đã bốc. Vì thế, cần cho phép các hộ trao đổi kết quả
bốc thăm khi hai bên đã đồng ý.
Hình thức kết hợp: Đây là hình thức
kết hợp tất cả những hình thức phân lô đã đề cập trên đây; hầu hết trong mọi
trường hợp thì đây là hình thức hay nhất. Đầu tiên cần xác định mỗi liên hệ
hiện có giữa các hộ và đất sẽ được giao: về mặt khả năng tiếp cận và những hoạt
động lâm nghiệp đã được triển khai. Cần tránh những trường hợp có hộ này nhận
được diện tích đất lâm nghiệp ở sau vườn nhà của hộ kia hoặc có hộ được giao lô
đất nơi hộ khác đã đầu tư trồng rừng. Vì thế, cần thảo luận để thống nhất trong
khi giao một số lô. Sau đó, tùy vào tình hình cụ thể mà có thể áp dụng cách
giao theo hình thức bốc thăm hoặc phân lô đồng đều. Nên xem xét và tôn trọng
cách phân chia lô đất do bản thân các hộ trong thôn/bản thống nhất để tránh
xung đột.
(Thực tế đã giao đất LN cho thấy: tình trạng
một gia đình có nhiều lô rừng ở nhiều nơi, thiếu tập trung, khó đầu tư, khó
quản lý bảo vệ, nhiều ranh giới…)
3.6. Xây dựng sơ đồ GĐLN của
thôn/bản
Cùng với sự hỗ trợ của cán bộ chuyên môn, đơn
vị tư vấn sẽ lập sơ đồ GĐLN của thôn bản và danh sách kèm theo cho từng khu
vực đất lâm nghiệp theo cách mô tả ở trên. Tổ công tác sẽ phác thảo tất cả các
thông tin cần thiết lên sơ đồ GĐLN của thôn/bản, chỉ rõ địa điểm và tên các hộ.
Các hoạt động liên quan đến tính toán diện tích của mỗi lô và tiến hành giao
các lô sẽ được giới thiệu trong các bước tiếp theo.
Các kết quả đầu ra của Bước 3:
● Biên bản cuộc họp thôn/bản lần 2
● Đơn xin giao đất lâm nghiệp
● Danh sách các hộ đăng ký xin nhận đất lâm
nghiệp
● Danh sách các hộ có đủ điều kiện và không
đủ điều kiện được giao đất lâm nghiệp
● Phương án, sơ đồ GĐLN thôn/bản
|
Các hoạt động trong Bước 4:
● Xây dựng dự thảo phương án
giao đất
cấp xã trên cơ sở tổng hợp phương án giao đất của các thôn bản, Đánh giá tác động
môi trường xã hội (ĐGTĐMTXH) đối với phương án cấp xã
● Hội thảo cấp xã về phương án giao đất cấp xã và ĐGTĐMTXH của phương án
|
4.1. Xây dựng dự thảo phương án giao
đất
cấp xã trên cơ sở tổng hợp phương án giao đất của các thôn bản, đánh giá tác động môi
trường xã hội (ĐGTĐMTXH) đối với phương án cấp xã
Sau khi hoàn thành việc xây dựng phương án, sơ đồ giao
đất lâm nghiệp của các thôn bản, TCT cùng đơn vị tư vấn sẽ tổng hợp và dự
thảo
phương án giao đất, cấp GCNQSDĐLN cấp xã và đề xuất hướng đánh giá tác động môi trường
xã hội của
phương án trong
phạm vi của toàn xã.
4.2. Hội thảo cấp xã về
phương án giao đất cấp xã và ĐGTĐMTXH của phương
án.
Hội thảo cấp xã được tổ chức nhằm xem xét,
góp ý phương án giao đất, cấp GCNQSDĐLN cấp xã và đánh giá
TĐMTXH
của phương án.
Thành phần tham dự hội thảo bao gồm các thành
viên TCT
xã và lãnh đạo đoàn thể cấp xã, đơn vị tư vấn, đại diện các thôn/bản, đại
diện các chủ thể quản lý sử dụng quản lý đất LN trong địa bàn xã (nếu có: ví dụ
Vườn quốc gia, khu bảo tồn, lâm trường, doanh nghiệp lâm nghiệp tư nhân…), và
đại diện của ban điều hành cấp huyện.
Sau khi thảo luận và đi đến thống nhất về
phương án giao đất, cấp GCNQSDĐLN cấp xã và cách đánh giá TĐMTXH ở cuộc hội thảo, đơn
vị tư vấn và TCT sẽ chỉnh sửa và hoàn thiện phương án giao đất, cấp GCNQSDĐLN
của xã trên cơ sở các ý kiến nhận xét, đóng góp sau đó trình lên UBND huyện phê
duyệt ( UBND xã trình, đơn vị tư vấn hỗ trợ)
Các kết quả đầu ra của Bước 4:
● Bản thảo phương án giao đất, cấp
GCNQSDĐLN
cấp xã và
phương hướng đánh
giá TĐMTXH
của
phương án.
● Biên bản họp xã và phương án giao đất
trình UBND huyện để phê duyệt
|
Các hoạt động trong Bước 5:
● Xác định rõ ranh giới thực địa
● Xây dựng bản đồ địa chính GĐLN
● Viết và gửi kế hoạch GĐLN lên UBND xã
● Triển khai công tác GĐLN tại thực địa
● Tổ chức họp thôn/bản lần 3
|
5.1. Xác định rõ ranh giới thực địa
Sau khi đã bố trí và ấn định ngày giờ khảo
sát thực địa, các hộ, đại diện nhóm hộ và các trưởng thôn/bản sẽ ra thực địa
hiện trường để đánh dấu và vẽ hình dạng các lô đất phân theo hộ lên bản đồ căn
cứ trên các đặc điểm và đối tượng địa hình (đường phân thủy, đường tụ thủy,
đỉnh đồi và cây lớn). Các hộ sẽ tự làm các mốc ranh giới lên những lô đất của
mình cùng với các cán bộ trong Tổ công tác GĐ, cấp GCNQSDĐLN hoặc các thành
phần tham gia trong khảo sát.
Nếu có bất cứ sự không thống nhất hay tranh
chấp trên thực địa giữa các hộ hay các tổ chức cần phải được thảo luận, thương
thảo, phải ghi lại thành biên bản ngay trên hiện trường. Trường hợp không thể
giải quyết được tại hiện trường thì phải thông báo cho UBND xã giải quyết.
Sau khi các hộ thống nhất vị trí và ranh giới
lô đất, TCT xã và đơn vị tư vấn sẽ dùng bản đồ thực địa, GPS, thước dây (nếu
cần) để đo, vẽ, đánh số, xác định ranh giới các lô theo từng hộ trên bản đồ địa
chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000 hệ tọa độ VN2000 ( Đã được bàn giao cho các
xã tỉnh Bắc Kạn, là sản phẩm của dự án thành lập bản đồ địa chính đất lâm
nghiệp bằng không ảnh năm 2003-2009) xây dựng bản đồ địa chính giao đất lâm
nghiệp
tỷ lệ 1/10.000.
Lưu ý: Sự tham gia đầy đủ các các hộ dân nhận
đất, có đất ở khu vực giao và các khu vực giáp ranh là rất quan trọng. Vì thế
các hộ gia đình hoặc các nhóm hộ cần tham gia xác định ranh giới, đo đạc diện
tích lô đất trên thực địa. Các hộ được nhận đất phải có mặt khi tiến hành GĐLN
tại thực địa và xác định ranh giới giữa các hộ. UBND xã có thể ban hành thông
báo nhằm huy động mọi người dân trong thôn/bản hỗ trợ tham gia quá trình GĐLN
tại thực địa
5.2. Xây dựng bản đồ địa chính GĐLN
Sau
khi đã xác định rõ ranh giới giữa các lô trên thực địa, đơn vị tư vấn và công
chức địa chính xã sẽ lập bản đồ địa chính GĐLN và tính toán diện tích các lô
đất lâm nghiệp. Bản đồ địa chính được lập có các nội dung và độ chính xác theo
quy định của Thông tư 25/2014/TT-BTNMT và Quy phạm đo vẽ bản đồ của Bộ
TN&MT. Việc lập bản đồ địa chính GĐLN được
thực hiện theo quy trình, quy phạm hiện hành của Bộ Tài nguyên và môi trường
(bao gồm công tác kiểm tra, nghiệm thu). Ban điều phối dự án CSSP lựa chọn và
ký hợp đồng với đơn vị có đủ tư cách pháp nhân và chức năng theo quy định của
pháp luật để kiểm tra, nghiệm thu bản đồ địa chính đất lâm nghiệp trước khi lập
hồ sơ giao đất, cấp GCNQSDĐLN.
5.3. Viết và gửi đề
nghị GĐ, cấp GCNQSDĐLN lên UBND xã
Sau khi kiểm tra so sánh bản đồ GĐLN
với các bản đồ có liên quan (ví dụ Bản đồ chia 3 loại rừng). Nếu tổ công tác
thống nhất với các kết quả kiểm tra, thì đơn vị tư vấn cùng công chức địa chính
xã sẽ chuẩn bị đề xuất GĐLN trên địa bàn xã, bao gồm:
- Bản đồ địa
chính GĐLN đã được kiểm tra, nghiệm thu theo quy định.
- Danh sách các
hộ cá thể và các nhóm hộ đủ điều kiện nhận giao đất lâm nghiệp, số hiệu tiểu
khu, số hiệu khoảnh và số hiệu lô, trữ lượng gỗ và loại rừng.
- Đơn xin giao
đất (Theo quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT)
- Biểu số liệu
về diện tích đất lâm nghiệp được giao của mỗi lô (xem mẫu 17)
- Bảng kiểm kê
rừng tóm tắt được quy định trong Thông tư 38/2007/TT-BNN
Kế
hoạch GĐ, cấp GCNQSDĐLN của xã sẽ được UBND xã thông qua trước khi được trình
lên UBND huyện phê duyệt.
5.4. Triển khai GĐLN
tại thực địa
Sau khi nhận được quyết định phê duyệt
về phương án GĐ, cấp GCNQSDĐLN của UBND huyện, TCT xã chịu trách nhiệm tiến
hành GĐLN tại thực địa cho các đối tượng với sự tham gia của các chủ rừng/đất
lân cận (tùy thuộc vào tình hình thực tế mà có thể GĐLN đồng thời hoặc không
đồng thời ở các thôn/bản trong 1 xã). TCT xã có biên bản GĐLN có chữ ký của đại
diện UBND xã và các hộ gia đình, các cá nhân liên quan.
Các biên bản này sẽ do tổ trưởng tổ
công tác, hộ/các nhóm hộ được nhận đất và trưởng thôn/bản ký. Trong biên bản,
cần phải ghi rõ cả tên chồng và tên vợ của hộ được nhận đất, địa điểm lô rừng
(lô, khoảnh và tiểu khu), diện tích, chức năng quản lý chính được áp dụng trên
lô đất. Các hộ được giao đất lâm nghiệp ký biên bản nhận đất chỉ khi họ đồng ý
với diện tích lô rừng, hạn chế sử dụng lô đất, loại đất lâm nghiệp theo như
trong biên bản và khi họ biết được chính xác ranh giới của lô đất được giao.
Biên bản giao đất lâm nghiệp ngoài thực địa cần kèm theo sơ đồ trích đo thửa
đất. Khi ký biên bản giao đất lâm nghiệp, các hộ được nhận cũng sẽ viết và ký
vào đơn xin giao đất (Theo mẫu quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT), đơn
đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản
khác gắn liền với đất (Theo mẫu quy định tại Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT). Cả
biên bản GĐLN, đơn xin giao đất và đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận sẽ được sử
dụng để lập hồ sơ giao đất, cấp GCNQSDĐLN và hoàn thiện bộ hồ sơ địa chính phục
vụ công tác quản lý và theo dõi biến động đất đai.
5.5. Cuộc họp
thôn/bản lần 3
Tất cả các hộ nhận đất lâm nghiệp sau
khi đo giao xác định ranh giới ngoài thực địa về cần tham gia cuộc họp thôn/bản
lần 3. Cuộc họp này sẽ được tổ chức trong 1 buổi, với các mục tiêu sau đây:
● Trình bày lại toàn bộ ranh giới số lô đã được
xác định (nhấn mạnh cho thôn/bản đang họp)
● Thống nhất lại hiện trạng của khu đất được
giao.
● Cho các hộ giáp ranh ký giáp ranh
● Thống nhất về giới hạn sử dụng trên từng lô
đất của các hộ.
Các kết quả đầu ra
của Bước 5:
● Bản đồ địa chính GĐLN tỷ lệ 1/10.000
đã được kiểm tra và nghiệm thu theo quy định.
● Tờ trình xin GĐ, cấp GCNQSDĐLN của
xã (gồm cả bản đồ và báo cáo) đã được UBND xã và UBND huyện phê duyệt
● Biên bản giao đất lâm nghiệp
● Biên bản cuộc họp thôn/bản lần 3
|
Hoạt động của Bước 6:
● Kiểm tra, rà soát lại bản đồ địa chính, hoàn chỉnh hồ sơ xin GĐLN, hồ sơ đề
nghị cấp
GCNQSDĐLN
|
Căn cứ
vào kết quả hồ sơ giao đất thực địa, tổ công tác phối hợp với đơn vị tư vấn kiểm tra, rà
soát lại
bản đồ địa chính đất lâm nghiệp trước khi cấp giấy chứng nhận và hoàn chỉnh hồ sơ
xin GĐ, hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐLN.
Hồ sơ
xin giao đất
và đề nghị cấp GCNQSDĐLN
gồm: Đơn xin giao đất lâm nghiệp, đơn đăng ký cấp GCNQSDĐLN, văn bản báo cáo kết
quả GĐLN, tờ
trình của UBND xã và danh
sách đề nghị được GĐLN.
TCT có sự hỗ trợ của đơn vị tư
vấn căn cứ vào kết quả GĐLN thực địa, bản đồ địa chính đã lập hướng dẫn người
xin giao đất hoàn chỉnh nội dung trong đơn xin giao đất theo mẫu quy định tại
Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT; đơn đăng ký cấp GCNQSDĐLN theo mẫu quy định
tại thông tư 24/2014/TT-BTNMT; tham mưu ghi ý kiến xác nhận của UBND xã vào đơn; dự thảo
quyết định giao đất cho từng trường hợp (Theo mẫu quy định tại Thông tư số
30/2014/TT-BTNMT);
Báo cáo kết quả đã
GĐLN thực địa, gồm các nội dung: số hộ, nhóm hộ, cộng đồng đã giao nhận đất, số
thửa đất, số diện tích đã giao nhận, đối chiếu, so sánh với phương án, kế hoạch
đề ra, nhận xét, đánh giá kết quả đã đạt được, kiến nghị, đề xuất…;
TCT
xã lập tờ trình của UBND xã để trình lên UBND huyện danh sách các trường hợp đề
nghị UBND cấp huyện ký quyết định GĐLN và phê duyệt cấp GCNQSDĐLN (việc lập hồ
sơ và các trình tự, thủ tục tuân theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP
của Chính phủ ngày 15/5/2014 và Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của
Bộ Tài nguyên và Môi trường, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan
và mục tiêu của dự án CSSP được thể hiện trong cuốn Sổ tay này)
Kết quả đầu ra của
Bước 6:
● Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp đã
chỉnh lý theo kết quả giao đất (nếu có chỉnh lý).
● Hồ sơ xin
GĐLN, hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐLN.
|
Các hoạt động Bước 7:
● Thẩm định hồ sơ xin giao đất, hồ sơ đề
nghị cấp GCNQSDĐLN
● Trình UBND huyện ban hành quyết định giao
đất, phê duyệt cấp GCNQSDĐLN
● Hoàn thiện bộ hồ sơ địa chính, bàn giao
và lưu trữ.
|
7.1. Thẩm định hồ sơ xin giao đất, hồ sơ đề
nghị cấp GCN đất
TCT xã
nộp tất cả hồ sơ xin GĐ, hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐLN đã lập ở trên cho Phòng
TN&MT và các đơn vị chuyên môn liên quan cấp huyện để thẩm định, trình UBND
huyện ký. Trong quá trình thẩm định hồ sơ, tổ công tác và đơn tư vấn có trách
nhiệm giải trình các nội dung cần thiết và sửa chữa, bổ sung các nội dung theo
yêu cầu của cơ quan thẩm định.
Phòng TN&MT huyện
chỉ đạo Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc thẩm định hồ sơ xin
giao đất, đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cấp xã trình lên,
nội dung thẩm định gồm: tính đầy đủ, chính xác cả về nội dung và hình thức của
hồ sơ; tính pháp lý của hồ sơ.
Cơ quan thẩm định
phải xác
nhận vào đơn đề nghị cấp GCNQSDĐLN. Kết thúc việc thẩm định, phòng TN&MT
huyện có
văn bản
trình UBND huyện xem xét ban hành quyết định giao đất, phê duyệt cấp GCN đất
kèm theo danh sách các trường hợp được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất; kèm theo là báo cáo những trường hợp không đủ điều kiện hoặc phải xử
lý để phục vụ công tác quản lý hoặc giải quyết khiếu nại sau này của cơ quan
Nhà nước.
7.2. Ban hành quyết định giao đất, phê duyệt
cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp
UBND huyện ban hành
quyết định giao đất, phê duyệt cấp GCNQSDĐLN theo tờ trình của Phòng Tài nguyên và
Môi trường,
7.3. Hoàn thiện hồ sơ địa chính, trao
GCNQSDĐLN cho hộ gia đình, cá nhân hoặc cộng đồng dân cư; tổ chức kiểm tra, nghiệm
thu sản phẩm hồ sơ địa chính; bàn giao hồ sơ địa chính cho các bên
liên quan để lưu trữ theo quy định.
Đơn vị tư vấn
phối hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai viết và trình Chủ tịch (hoặc
Phó Chủ tịch) UBND huyện ký GCNQSDĐLN.
UBND xã tổ
chức việc trao quyết định giao đất, GCNQSDĐLN cho các hộ dân theo đúng quy định
của pháp luật.
Đơn vị tư vấn
hoàn thiện bộ hồ sơ địa chính theo quy định. Ban điều phối dự án
CSSP tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo UBND huyện phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức
kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm hồ sơ địa chính trước khi thực hiện bàn giao và
lưu trữ.
Đơn vị tư vấn
phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất
đai bàn giao hồ sơ địa chính, quyết định giao đất lâm nghiệp cho Phòng Tài
nguyên và Môi trường, UBND xã, Chi nhánh VPĐKĐĐ (Theo quy định tại Thông tư số
24/2014/TT-BTNMT) để lưu trữ theo quy định.
Kết quả đầu ra của Bước 7:
● Biên bản kiểm tra thẩm định hồ sơ giao
đất, hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐLN, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp đã được ký
xác nhận theo quy định.
● Quyết định của UBND huyện về giao đất,
phê duyệt cấp GCNQSDĐLN
● Biên bản bàn giao các quyết định giao
đất, hồ sơ địa chính cho các cấp quản lý, sử dụng
● Các hồ sơ địa chính (bao gồm 1 bộ gốc, 03
bộ in sao và phần mềm các bản đồ)
|
Khung logic
GĐ, cấp GCNQSDĐLN có sự tham gia của người dân: Các bước, hoạt động, sản phẩm,
công cụ, mẫu biểu và đơn vị thực hiện
Bước
|
Hoạt động
|
Sản phẩm chính
|
Công cụ PRA/mẫu
biểu (M)
|
Đơn vị thực hiện
(dự kiến)
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)
|
(5)
|
1. Chuẩn bị
|
1.1. Chuẩn bị về tổ chức và hành chính
|
Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện,
TCT xã
|
M1, M2
|
UBND huyện, UBND xã
|
1.2. Thu thập các tài liệu và bản đồ hiện
có
|
Các bản đồ và tài liệu liên quan
|
|
Các cán bộ chuyên môn các cấp
|
1.3. Tập huấn cho TCT xã
|
Tài liệu TOT và báo cáo kết quả tập huấn
|
|
Đơn vị tư vấn + TCT xã
|
1.4. Họp xã triển khai hoạt động, xác định
vùng dự kiến giao,
|
Biên bản họp xã, Bản đồ xã thể hiện ranh
giới vùng đất dự kiến giao trong xã
|
M3
|
TCT xã
|
1.5. Lập kế hoạch triển khai hoạt
động
GĐ, cấp GCNQSDĐLN xã,
chuẩn
bị vật tư
|
Bản kế hoạch hoạt động GĐ, cấp GCNQSDĐLN xã, các vật tư cần
thiết
|
M4
|
TCT xã + Đơn vị tư
vấn
|
2. Đánh giá hiện trạng
|
2.1. Tổ chức họp thôn/bản lần 1
|
Biên bản họp thôn/bản lần 1
|
M5, M6
|
TCT xã + Đơn vị tư
vấn
|
2.2. Đánh giá thực
trạng KT-XH và tình hình sử dụng đất:
|
Báo cáo đánh giá
thực trạng KT-XH và tình hình sử dụng đất của thôn
|
|
a) Phân tích điều
kiện KT-XH và vấn đề
|
Bảng phân loại KT
hộ, và báo cáo về tình hình KT-XH thôn/bản
|
M7, M8
|
b) Lập sa bàn, sơ đồ hiện trạng sử dụng đất
của thôn/bản và thảo luận
|
Sơ đồ thôn/ bản về hiện trạng sử dụng đất
và kết quả thảo luận
|
M9
|
3. Lập phương án GĐ, cấp GCNQSDĐLN
thôn/bản
|
3.1. Xây dựng kế hoạch, phương án GĐ, cấp GCNQSDĐLN
của thôn/
bản
|
Kế hoạch, phương án
giao đất, cấp GCNQSDĐLN của thôn/ bản.
|
M10, M11, phụ lục
2
|
TCT xã
|
3.2. Tổ chức họp thôn/bản lần 2
|
Biên bản cuộc họp thôn/bản lần 2,
|
M12, M13,
M14
|
|
3.3. Lập và phê duyệt danh sách các hộ,
nhóm hộ đủ điều kiện giao đất, cấp GCNQSDĐLN
|
Danh sách các hộ đăng ký nhận đất, các hộ
đủ điều kiện và không đủ điều kiện giao đất
|
|
|
3.4. Họp với các hộ sẽ được giao đất lâm
nghiệp trên cùng một khu vực
|
Biên bản họp thống nhất tiêu chí và cách
phân chia lô đất cho các hộ của thôn/bản
|
|
|
3.5. Lập sơ đồ GĐLN của thôn/bản
|
Sơ đồ GĐLN của thôn/bản
|
|
|
4. Xây dựng phương án GĐ, cấp GCNQSDĐLN cấp
xã
|
4.1. Lập phương án giao đất, cấp GCNQSDĐLN cấp xã, đánh giá tác động
môi trường xã hội (ĐGTĐMTXH) của phương án
|
Bản thảo phương án
giao đất, cấp GCNQSDĐLN cấp xã, phương hướng ĐGTĐMTXH của phương án
|
Phụ lục 2
|
TCT xã + ĐVTV
|
4.2. Hội thảo cấp xã về phương án giao đất,
cấp GCNQSDĐLN cấp
xã và
ĐGTĐMTXH của phương án
|
Biên bản họp xã phương án giao đất, cấp GCNQSDĐLN cấp
xã để trình UBND huyện phê duyệt
|
|
|
5. Giao đất LN tại thực địa
|
5.1. Xác định rõ ranh giới thực địa
|
Bản đồ địa chính giao đất LN và các biên
bản kèm theo
|
|
Đơn vị tư vấn + TCT xã + người dân
|
5.2. Xây dựng bản đồ địa chính GĐLN
|
|
5.3. Viết văn bản đề nghị về phương án giao
đất, cấp GCNQSDĐLN lên UBND xã
|
Tờ trình xin GĐ, cấp
GCNQSDĐLN của xã (gồm cả bản đồ và
báo cáo) được UBND xã và UBND huyện phê duyệt
|
|
TCT
|
5.4.Triển khai công tác GĐLN tại thực địa
|
Biên bản giao đất lâm nghiệp tại thực
địa
|
M15, M16,
M17, M18
|
TCT xã+ Đơn vị tư vấn+ Người dân
|
5.5 Họp thôn lần 3.
|
Biên bản họp thôn/
bản lần 3
|
M19
|
|
6. Kiểm tra, rà soát bản đồ địa
chính, Hoàn
thiện hồ sơ xin
GĐLN,
hồ sơ
đề nghị
cấp GCNQSDĐLN
|
6.1. Kiểm tra, rà
soát bản đồ địa chính GĐLN
|
Bản đồ địa chính
chỉnh lý (nếu có chỉnh lý)
|
|
|
6.2. Hoàn thiện hồ
sơ xin GĐLN, hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐLN
|
Hồ sơ giao đất LN,
hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐLN
|
|
TCT xã + Đơn vi tư
vấn
|
6.3. Lập
tờ trình
của UBND xã
xin giao đất, cấp GCNQSDĐLN
|
Tờ trình của UBND
xã
|
M20, M 21, M22, M23, M24
|
UBND xã + Đơn vị tư
vấn
|
7. Thẩm định,
trình UBND huyện ban hành quyết định giao đất, phê duyệt cấp GCN, hoàn thiện
hồ sơ địa chính, bàn giao và lưu trữ
|
7.1. Thẩm định hồ
sơ xin giao đất, hồ sơ đề nghị cấp GCN đất
|
Xác nhận của cán bộ
thẩm định vào đơn đề nghị cấp GCNQSĐ
|
|
Chi nhánh VPĐK đất
đai, Phòng TN&MT,
|
7.2. Trình UBND huyện
ban hành quyết định giao đất, Phê duyệt và cấp GCNQSDĐLN
|
- Quyết định của
UBND huyện về giao đất, cấp GCNQSDĐLN
- Bản chính GCN đất
đã được Chủ tịch hoặc PCT UBND huyện ký
|
|
UBND huyện ban hành
quyết định giao đất, phê duyệt cấp GCN đất, ký GCN đất, UBND xã trao quyết
định giao đất và GCNĐ
|
7.3. Hoàn thiện bộ
hồ sơ địa chính, bàn giao và lưu trữ
|
7.3. Bộ hồ sơ địa
chính (bao gồm 1 bộ gốc, 03 bộ in sao bản giấy và bản số đĩa CD).
Biên bản bàn giao
sản phẩm
|
|
Phòng TN&MT,
Chi nhánh VPĐKĐĐ, VPĐKĐĐ, UBND xã
|
PHỤ
LỤC 1
MỘT
SỐ MẪU BIỂU VÀ CÔNG CỤ PRA Ở CÁC BƯỚC
Bước 1: Chuẩn bị
Mẫu 1: Vai trò và trách nhiệm của Tổ công tác GĐLN cấp xã
Thành
phần
|
Vai trò và trách
nhiệm (dự
kiến)
|
Chủ tịch/PCT UBND xã
|
● Tổ trưởng
tổ
công tác, phụ trách chung và tài chính, kế hoạch
|
Cán bộ phòng TN&MT
|
● Chịu
trách nhiệm chính về trình tự, thủ tục lập hồ sơ giao đất, lập hồ sơ đề nghị
cấp GCN đất và giao đất cho hộ dân ở thực địa.
● Quản lý
hồ sơ cho công tác lưu trữ sau này.
● Tham gia
vào định hướng sử dụng đất cấp xã
|
Cán bộ kiểm lâm địa bàn
|
● Tham gia
việc điều tra ngoại nghiệp, xác định ranh giới, phân loại đất rừng, tính trữ
lượng rừng (nếu có) và giao đất ở thực địa.
● Tham gia
vào các cuộc họp ở thôn/bản và xã.
● Cán bộ
kiểm lâm địa bàn là thư ký của tổ công tác trong các cuộc họp ở thôn và xã
|
Cán bộ địa chính xã
|
● Kiểm tra
đối chiếu các thông tin về việc sử dụng đất LN trong xã.
● Hỗ trợ
công việc, khảo sát và vẽ sơ đồ thực địa cùng với các hộ dân và các thành
viên trong Tổ công tác GĐLN và giao đất cho hộ ở thực địa.
● Đối
chiếu các thông tin về các diện tích giao đất lâm nghiệp và các hộ gia đình
với Tổ công tác GĐLN có sự tham gia.
● Là cầu
nối giữa tổ công tác với người dân.
● Cùng Chủ
tịch xã và các trưởng thôn/bản làm công tác tổ chức của các cuộc họp dân theo
các bước trong cuốn Sổ tay này.
|
Các
trưởng thôn/bản (thành viên không cố định)
|
● Đảm bảo
sự tham gia của các hộ trong cộng đồng, động viên phụ nữ và hộ nghèo tham gia
vào các cuộc họp và các hoạt động giao đất, cấp
GCNQSDĐLN;
● Tham gia
việc giao đất cho hộ trong thôn/bản ở thực địa ở phạm vi thôn;
|
Mẫu 2: Quyết định
thành lập Tổ công tác GĐ, cấp GCNQSDĐLN
ỦY BAN NHÂN DÂN
...............................
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số.:......../QĐ-UBND
|
.......... ngày... tháng... năm
20......
|
QUYẾT ĐỊNH
Về việc thành lập Tổ
công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp
ỦY BAN NHÂN DÂN.............................
- Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
- Căn cứ Quyết định
số……./QĐ-BCĐ ngày …/…/....của Ban Chỉ đạo dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ
(CSSP) tỉnh về việc phê duyệt Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật giao đất, cấp GCNQSDĐLN
có sự tham gia của người dân;
- Căn
cứ…………………………………………………………………………..;
- Theo đề nghị
của………………………………………………………………..,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Tổ công tác GĐ, cấp
GCNQSDĐLN cấp xã, gồm có các thành viên:
1. Ông/Bà
Chủ tịch/Phó chủ tịch UBND xã........... Làm tổ trưởng
2. Ông/Bà..............................................................
3.
Ông/Bà..............................................................
4.
Ông/Bà.............................................................. Tổ
viên
5.
Ông/Bà.............................................................. Tổ
viên
6.
Ông/Bà.............................................................. Tổ
viên
7.
Ông/Bà.............................................................. Tổ
viên
8.
Ông/Bà.............................................................. Tổ
viên
9.
Ông/Bà.............................................................. Tổ
viên
10.
Ông/Bà............................................................ Tổ
viên
Điều
2.
Tổ công tác GĐ, cấp GCNQSDĐLN chịu trách nhiệm những nhiệm vụ sau đây:
-
Phân loại, thẩm định, xác nhận, thảo luận và đề xuất các đơn xin giao đất, cấp
GCNQSDĐLN lên UBND xã để UBND xã trình UBND huyện phê duyệt.
-
Công khai các đơn xin giao đất, cấp GCN đất cho mọi người dân, xác minh các đơn
và trình bày giải pháp đối với các đơn xin giao đất, đơn đề nghị cấp GCN đất có
khiếu nại, thắc mắc.
Điều
3.
Chức năng và nhiệm vụ cụ thể của các thành viên như sau:
-
-
Điều
4.
Chánh văn phòng UBND huyện, Chủ tịch UBND các xã và các ông (bà) có tên tại
Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
TT HU,
HĐND,UBND huyện;
- Như Điều 3;
- UBND xã
- Phòng TNMT huyện;
- Hạt Kiểm lâm huyện;
- Lưu:…
|
T/M.
UBND...............
Chủ tịch
|
Mẫu 3: Biên
bản họp xã
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------o0o---------
BIÊN BẢN HỌP XÃ
Hôm nay, ngày......tháng......năm 200..., vào hồi......... giờ........ phút
Tại: trụ sở………………………………. xã.............................huyện......................................
Thực hiện chủ trương, chính sách của UBND tỉnh Bắc Kạn và kế hoạch của UBND huyện..............., xã................... về việc giao đất,cấp GCNQSDĐLN, đến hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ và cộng đồng bản và các tổ chức, để quản lý bảo vệ lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, hôm nay tại bản………………………………………………………………………….
đã tiến hành triệu tập các hộ gia đình, cùng với tổ công tác giao đất, cấp
GCNQSDĐLN của huyện tiến hành họp bản lần thứ..........
bàn bạc, thống nhất về............................................
I. Thành phần gồm:
1. Tổ công tác xã:
Ông (bà).................................................... Chức vụ:........................................................
Ông (bà).................................................... Chức vụ:........................................................
Ông (bà).................................................... Chức vụ:........................................................
2. Các thành viên khác
Ông (bà).................................................... Chức vụ:........................................................
Ông (bà).................................................... Chức vụ:........................................................
Ông (bà).................................................... Chức vụ:........................................................
II. Nội dung cuộc họp:
......................................................................................................................................
......................................................................................................................................
......................................................................................................................................
II. Kết quả cuộc họp:
......................................................................................................................................
......................................................................................................................................
Cuộc họp kết thúc hồi...........cùng ngày và đã thông qua cho tất cả các thành viên kể trên nghe./.
CHỦ TRÌ CUỘC HỌP
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
ĐẠI DIỆN TCT
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
Thư ký ghi biên bản
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
Mẫu 4: Lập kế hoạch
hoạt động của tổ công tác giao đất cấp xã
Các bước
|
Mô tả công việc
|
Địa điểm
|
Thời gian
|
Trách nhiệm
|
Kết quả
|
Bắt đầu
|
Kết thúc
|
Người thực hiện
|
Người phối hợp
|
1. Chuẩn bị
|
1.1.
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bước 2: Đánh giá hiện trạng
Mẫu 5: Họp thôn/bản
lần 1
Cuộc họp thôn/bản lần 1 sẽ do tổ công tác cấp
xã và các trưởng thôn/bản tổ chức.
Mục đích:
Ø
Giới thiệu mục đích, các hoạt động và thủ tục của quá trình có sự tham gia.
Ø
Giới thiệu vắn tắt về các chính sách liên quan đến GĐ, cấp GCNQSDĐLN có sự tham gia, đặc
biệt là các chính sách liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân
Ø
Trình bày kế hoạch hoạt động triển khai GĐ, cấp GCNQSDĐLN tại địa bàn thôn/bản
liên quan.
Ø
Lựa chọn các nông dân nòng cốt - những người sẽ hỗ trợ Tổ công tác cấp xã xây
dựng kế hoạch GĐLN
của
thôn/bản, có sử dụng các công cụ PRA (sa bàn và đi lát cắt).
Thời gian: 2 giờ
Vật tư/văn phòng phẩm: Giấy Ao ghi sẵn các
bước triển khai và kết quả đầu ra của quá trình GĐLN có sự tham gia, giấy
Ao, bút dạ, băng dính…
Các bước tiến hành:
1. Chào mừng người dân đến tham gia và giới
thiệu các thành viên trong tổ công tác.
2. Giới thiệu mục đích cuộc họp
3. Giải thích các mục đích, hoạt động của quá
trình GĐ, cấp GCNQSDĐLN
có sự
tham gia của người dân và kết quả đầu ra của mỗi bước
4. Nêu rõ các hoạt động đã được tiến hành (ví
dụ như thành lập ban chỉ đạo cấp huyện và tổ công tác cấp xã).
5. Giải thích vắn tắt về những quy định và
chính sách luật pháp liên quan đến GĐ, cấp GCNQSDĐLN. Nêu rõ những lợi ích và
nghĩa vụ của người dân, trong đó nhận mạnh phần đóng góp của người dân
trong quá trình thực hiện GĐ, cấp GCNQSDĐLN.
6. Trình bày kế hoạch hoạt động về GĐ, cấp
GCNQSDĐLN
của
thôn/bản và nêu rõ các hoạt động kế tiếp (xây dựng sa bàn, lát cắt, lập sơ đồ
sử dụng đất). Cần hỗ trợ người
dân chọn ra những người đại diện trong bước này.
7. Việc lựa chọn 6 - 8 người dân đại diện
phải dựa trên các tiêu chí như sau:
■ Nắm rõ về tình hình thôn/bản
■ Được người dân trong thôn/bản tôn trọng
■ Năng động và sẵn sàng tham gia
■ Đại diện cho các nhóm
sở thích khác nhau trong thôn/bản. Thảo luận với những người dân đại diện được
chọn về thời gian và địa điểm để bắt đầu tiến hành các hoạt động tiếp theo.
8. Kết thúc cuộc
họp và cảm ơn sự tham gia của các thành viên.
Mẫu 6: Biên
bản họp thôn/bản
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------o0o---------
BIÊN BẢN
HỌP THÔN/BẢN
Hôm nay, ngày......tháng......năm 200...,
vào hồi.........
giờ........
phút
Tại: trụ sở thôn/bản................................
xã............................huyện..................................
Thực hiện chủ trương, chính sách của UBND tỉnh Bắc Kạn
và kế hoạch của UBND huyện.............,
xã.................về việc giao đất, cấp
GCNQSDĐLN, đến hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ và cộng đồng bản và các tổ chức, để quản lý bảo vệ lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, hôm nay tại bản................................................................................
đã tiến hành triệu tập các hộ gia đình, cùng với tổ công tác giao đất của huyện tiến hành họp bản lần thứ..........
bàn bạc, thống nhất về.....................................................
I. Thành phần gồm:
1. Đại diện bên xã:
Ông (bà)............................................... Chức vụ:........................................................
Ông (bà)............................................... Chức vụ:........................................................
2. Tổ công tác giao đất:
Ông (bà)............................................... Chức vụ:........................................................
Ông (bà)............................................... Chức vụ:........................................................
3. Đại diện
thôn(bản):
Ông (bà)............................................... Chức vụ:........................................................
Ông (bà)............................................... Chức vụ:........................................................
Ông (bà)............................................... Chức vụ:........................................................
và đại diện các hộ gia đình có.........hộ/.........hộ trong bản có mặt tham gia
cuộc họp.
II. Nội dung cuộc họp:
..................................................................................................................................
..................................................................................................................................
II. Kết quả cuộc họp:
..................................................................................................................................
..................................................................................................................................
Cuộc họp kết thúc hồi...........cùng ngày và Biên bản đã được thông qua cho
tất cả các thành viên nghe và
thống nhất./.
Trưởng thôn
(bản)
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
Thư ký ghi biên bản
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
Mẫu 7: Biểu
thống kê diện tích đất
Thôn/bản..................................Xã.................................Huyện.............................
(Đơn vị tính: Ha) Tờ số:.........
Hạng mục
|
Tổng diện tích (ha)
|
Phân đất LN theo MĐSD
|
SX
|
PH
|
ĐD
|
Tổng diện tích tự nhiên
|
|
|
|
|
I. Đất nông nghiệp
|
|
|
|
|
- 1 Vụ
|
|
|
|
|
- 2 vụ
|
|
|
|
|
- Màu
|
|
|
|
|
II. Đất lâm nghiệp
|
|
|
|
|
1. Đất có rừng
|
|
|
|
|
a. Rừng gỗ TN
|
|
|
|
|
- Giàu
|
|
|
|
|
- Trung bình
|
|
|
|
|
- Nghèo
|
|
|
|
|
- Phục hồi
|
|
|
|
|
b. Rừng hỗn giao
|
|
|
|
|
c. Rừng trồng
|
|
|
|
|
d. Rừng tre nứa
|
|
|
|
|
2. Đất trống
|
|
|
|
|
- Cỏ
|
|
|
|
|
- Cây bụi
|
|
|
|
|
- Có cây tái sinh
|
|
|
|
|
- Núi đá có cây tái sinh hoặc cỏ cây rải rác
|
|
|
|
|
III. Đất khác
|
|
|
|
|
- Tổng diện tích đất LN hiện đang do UBND xã
quản lý/do thôn/bản quản lý chung: ………….(ha), ở các khu vực nào :….
- Tổng số hộ nghèo cần đất là bao nhiêu?
- Tổng diện tích đất lâm nghiệp chưa giao có
thể giao cho các hộ nghèo là bao nhiêu? ở các khu nào (ghi theo bản đồ (nếu có)
hoặc theo địa danh địa phương?
- Dự kiến phương án giao đất sơ bộ của thôn/bản
như thế nào ………..
|
Ngày.........tháng........năm 200....
Cán bộ điều tra
|
Mẫu 8: Phiếu điều tra
hiện trạng sử dụng đất của các hộ trong thôn/bản
Thôn/bản: ……… xã:…………. Huyện:....................................Tỉnh:
TT
|
Tên chủ hộ
|
Số khẩu
|
Loại kinh tế hộ
|
Diện tích đất nông
nghiệp (m2)
|
Vị trí lô đất
|
Diện tích (ha)
|
Trạng thái
|
Tình hình sử dụng
lô đất
|
Tiểu khu
|
Khoảnh
|
Lô
|
Ghi chú
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày.........tháng........năm 200....
Cán bộ điều tra
(Ký,
ghi rõ họ tên)
|
Ghi chú:: Nếu không biết vị trí Khoảnh, lô
thì ghi vị trí theo địa danh địa phương.
Trạng thái: Đất trống, đất rừng trồng, rừng
tự nhiên (ghi theo loại trạng thái rừng)
Tình trạng sử dụng đất: là hiện trạng canh
tác
Mẫu 9: Công cụ PRA
Xây dựng sa bàn và sơ đồ sử dụng đất của thôn/bản
Sa bàn là một trong những công cụ hữu ích để
tiến hành đánh giá nhanh thực trạng quản lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp cũng
như hỗ trợ các hoạt động GĐLN có sự tham gia của người dân cho từng thôn/ bản
Mục tiêu:
1. Xây dựng sa bàn của thôn/bản làm cơ sở để
thảo luận về các hệ thống sử dụng đất hiện tại và kế hoạch sử dụng đất sắp tới.
2. Làm cơ sở để vẽ sơ đồ hiện trạng sử dụng
đất; sử dụng sơ
đồ này
để ước tính diện tích cụ thể của mỗi phương án sử dụng đất.
Thời gian: 3 giờ
Vật tư/văn phòng phẩm: Giấy Ao, bút dạ, 3 bản đồ
địa hình thôn/bản, khung gỗ (kích cỡ 1m-1.5 m, cao từ 10 - 15cm), bột màu (5
màu, mỗi màu 100g), đất sét và mùn cưa (trộn đất sét với mùn cưa nhằm giảm tính
dễ nứt của đất sét), que tre để mô phỏng những đặc điểm đặc trưng và một số mẫu
giấy nhỏ để ghi tên các địa điểm khác nhau/việc sử dụng đất
Các bước tiến hành
1. Trình bày mục tiêu xây dựng sa bàn và thời
gian cần thiết. Yêu cầu các thành viên tham gia sẽ xây dựng sơ đồ thu nhỏ mô
phỏng chính xác hình ảnh thôn/bản của họ trên cơ sở thông tin mà họ biết.
2. Trộn đất sét với mùn cưa (tỷ lệ 2:1) và đổ
hỗn hợp đã trộn vào tấm gỗ phẳng. Bắt đầu vẽ đường ranh giới của thôn/bản dựa
vào bản đồ địa hình.
3. Mời các đối tượng tham gia đánh dấu trên sa
bàn theo trí nhớ các đặc trưng của thôn/ bản và đánh dấu lên hỗn hợp trên:
đường sá, sông suối, đồi, núi, khu dân cư, đất nông nghiệp v.v...
Những
câu hỏi sau đây sẽ hỗ trợ các thành viên tham gia xây dựng sa bàn:
● Hướng nam và hướng bắc ở đâu?
● Núi, đồi, sông, suối, khe nằm ở đâu?
● Những con đường chính, dân cư, công trình
xây dựng và nghĩa địa ở đâu?
● Khu vực nào là đất nông nghiệp, đất trống
đồi núi trọc, rừng trồng, đất chăn thả gia súc và đất lâm nghiệp?
● Khu vực rừng nào là rừng sản xuất, rừng
phòng hộ hoặc rừng đặc dụng? Anh/chị có thể thể hiện rõ từng khu vực rừng trên
sa bàn.
● Anh/chị có thể xác định các điều kiện rừng
khác nhau (trạng thái rừng)?
4. Điều chỉnh lại sa bàn và hỏi người dân xem họ
có thể xác định vị trí nhà ở, đất nông nghiệp của họ và đường thường sử dụng...
ở đâu. Điều chỉnh và bổ sung sa bàn theo các kết quả thảo luận. Ghi chú lại
những vị trí có nảy sinh tranh chấp và kiểm tra, đối chiếu lại những khu vực
này trên thực địa khi tiến hành đi lát cắt.
5. Hoàn thành sa bàn bằng cách đánh dấu tên của
những đặc điểm và vị trí cụ thể (đồi, núi, sông, suối, khu dân cư...) vào những
mảnh giấy nhỏ và dán lên một que tre để cắm đúng vào vị trí trên sa bàn. Dùng
bột màu để đánh dấu các khu vực dân cư, rừng trồng, rừng tự nhiên, đất trồng
lúa, đất trồng màu, đất trống đồi núi trọc, khu vực chăn thả gia súc, sông suối
v.v....
6. Kết thúc bài thực hành và giải thích rõ đây
mới chỉ là sa bàn phác thảo; sa bàn này sẽ được điều chỉnh và bổ sung thêm
những thông tin mới thu được từ bước đi lát cắt. Sa bàn sẽ được dùng tham khảo
để xây dựng bản đồ nền và xây dựng kế hoạch sử dụng đất của thôn/bản.
Bước 3: Lập kế hoạch, phương án GĐLN của thôn/bản
Mẫu 10:
Phân tích điều kiện kinh tế xã hội và môi trường
Việc phân tích các điều kiện kinh tế-xã hội
và môi trường cũng như xác định các xu hướng sử dụng đất trên địa bàn thôn/bản
là rất quan trọng trong việc xây dựng phương án giao đất, cấp GCNQSDĐLN. Việc phân tích này
sẽ do tổ công tác cấp xã, một số người dân chủ chốt trong thôn/bản tiến
hành với sự hỗ trợ của đơn vị tư vấn.
Mục tiêu:
Ø Phân tích số liệu nhân khẩu
Ø Xác định những tác động kinh tế - xã hội, môi trường của các hoạt động giao đất, cấp
GCNQSDĐLN.
Ø Phân tích mức độ công bằng xã hội trong việc
tiếp cận đất đai
Thời gian: 3 giờ
Vật tư: Bản sao bảng
phân tích chi phí lợi nhuận và tác động sinh thái đã cung cấp dưới đây, giấy
Ao, bút dạ.
Các bước tiến hành:
1. Trưởng thôn/bản sẽ
cung cấp số liệu thống kê của thôn/bản, bao gồm: dân số, tỷ lệ tăng dân số, số
nam giới và phụ nữ (lực lượng lao động chính), số hộ khá giả, hộ trung bình, hộ
nghèo, số hộ dân tộc thiểu số, số liệu các loại cây trồng nông nghiệp và diện
tích trồng của mỗi loại, sản lượng (sản lượng tiềm năng, tính theo kg/ha) và
sản lượng (sản lượng thực tế trong năm qua, tính theo kg/ha), sản
lượng lương thực trung bình tính theo đầu người/năm (quy theo thóc1),
quyền sử dụng đất và số liệu về vật nuôi trong thôn/bản.
2. Thảo luận xem số
liệu có được đã phản ánh tình hình thực tế của thôn/bản hay chưa; nếu chưa thì
cần phải kiểm tra lại và phỏng vấn một vài người dân nếu cần thiết.
3. Phân tích số liệu
nhân khẩu và tiến hành đánh giá xem dân số trong thôn/bản có xu hướng tăng, ổn
định hay giảm xuống. Dự kiến, dân số trong vòng 5 năm tới có xu hướng tăng lên,
một số diện tích đất được dành cho mục đích xây dựng nhà cửa và trồng trọt.
Thảo luận về vị trí và diện tích đất cần để dành cho số dân tăng trong tương
lai (nếu còn quỹ đất).
4. Danh sách
các loại cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp (bao gồm hoạt động canh tác), những
tác động tích cực và tiêu cực đối với đất đai, nguồn nước, hiện tượng xói mòn
và ô nhiễm … Hỏi một số nông dân về kinh nghiệm gieo trồng, trồng rừng nhằm
thúc đẩy việc thảo luận về những tác động về mặt sinh thái.
5. Thảo luận
và phân tích tính công bằng xã hội trong việc tiếp cận với đất đai (chất lượng
và số lượng). Xác định khó khăn và đề xuất giải pháp cần được chú trọng trong
quá trình giao
đất.
6. Đánh giá
xem loại cây trồng nông nghiệp/lâm nghiệp và hoạt động sử dụng đất nào là phù
hợp nhất xét về mặt lợi ích kinh tế, công bằng xã hội và tác động sinh thái.
Xác định ưu tiên các hoạt động sử dụng đất.
7. Liệt kê các loại
cây trồng, hệ thống nông lâm kết hợp các loài cây lâm nghiệp có tiềm năng. Tiến
hành lại các bước 4, 5, 6 và 7; và phân tích các điều kiện kinh tế-xã hội và
sinh thái. Xác
định ưu tiên các hoạt động sử dụng đất có tiềm năng.
8. Ghi lại kết quả
phân tích kinh tế-xã hội và môi trường của các hoạt động sử dụng đất hiện tại
và các hoạt động sử dụng đất có tiềm năng lên giấy Ao và treo lên tường.
9. Đối với việc xác
định các xu hướng sử dụng đất: Thống nhất các hoạt động sử dụng đất chủ yếu, ví
dụ như: khu vực dân cư, đất hoa màu, đất trồng lúa, đất trống đồi núi trọc, đất
trồng rừng và đất rừng tự nhiên. Ghi lại diện tích hiện tại của mỗi hoạt động
sử dụng đất (ha). Tổng diện tích đất toàn bộ phải là tổng diện tích của
thôn/bản. Tiến hành tương tự đối với tình hình sử dụng đất của 5 năm và 10 năm
trước đây; Ước tính (nếu không có nguồn số liệu chính thức) để biết được diễn
biến tăng giảm của tình hình sử dụng đất trong vòng 5 - 10 năm qua.
Bảng phân tích tác
động về mặt sinh thái
Mục đích sử dụng
đất:………..
Thôn/bản: ………………………
Xã:……………………….
Hạng mục
|
Tác động
về mặt sinh thái
|
Tác động
tốt
|
Tác động
trung bình
|
Tác động
xấu
|
Không
biết
|
Tác động đối với
đất
|
|
|
|
|
Tác động đối với
nguồn nước
|
|
|
|
|
Làm xói mòn
|
|
|
|
|
Sử dụng thuốc trừ
sâu
|
|
|
|
|
Sử dụng phân bón
|
|
|
|
|
Tác động đến những
khu vực xung quanh
|
|
|
|
|
…………
|
|
|
|
|
Mẫu 11: Chuẩn bị lập
kế hoạch, phương án GĐLN của thôn/bản
Cán bộ chuyên môn sẽ phối hợp với tổ công tác
cấp xã và các thành viên trong thôn/bản được chọn để thảo ra kế hoạch, phương án GĐLN của thôn/bản,
trong đó ước tính số hộ gia đình và số nhóm hộ có thể được nhận đất nhận rừng.
Mục tiêu:
Lập kế hoạch, phương án GĐLN của thôn/bản
Thời gian: 2 giờ
Vật tư/văn phòng phẩm: Bản đồ hiện trạng sử
dụng đất/bản đồ trạng thái rừng, bản đồ địa hình, sa bàn.
Các bước tiến hành:
1. Trình bày kế hoạch GĐLN và chỉ rõ cho các
thành viên trong thôn/bản được chọn về những diện tích đã được phê duyệt để
giao cho các hộ và nhóm hộ.
2. Thảo luận về phần diện tích dự kiến giao
cho các hộ gia đình, nhóm hộ, số hộ và nhóm hộ dự kiến sẽ được nhận
đất lâm nghiệp.
3. Thảo luận về các tiêu chí lựa chọn để
GĐLN. Áp dụng những câu hỏi sau đây:
- Đâu là những đặc điểm địa hình có thể sử
dụng để phân biệt ranh giới giữa các lô
- Có bao nhiêu lô rừng được xác định giao có
tận dụng các đặc điểm địa hình.
- Có bao nhiêu hộ nên tham gia vào quản lý
mỗi lô rừng là phù hợp?
4. Thảo luận các tiêu chí về sự tham gia của
các hộ vào mỗi nhóm nhận đất lâm nghiệp.
5. Viết các kết quả thảo luận lên giấy Ao và
vẽ sơ đồ thể hiện diện tích đất rừng, ghi rõ tên địa phương của từng địa
điểm/khu vực và số lượng hộ hoặc nhóm hộ dự kiến được giao tại mỗi địa điểm.
6. Tóm tắt kết quả và kết thúc phần bài thực
hành.
Mẫu 12: Họp thôn/bản
lần 2
Tất cả mọi người dân quan tâm đến việc nhận
đất lâm
nghiệp
đều nên tham gia vào cuộc họp thôn/bản lần 2.
Mục tiêu:
Ø
Trình bày
kế hoạch,
Phương án giao đất của thôn đã được dự thảo
Ø
Thống nhất số hộ, nhóm hộ dự kiến được nhận đất lâm nghiệp tại mỗi địa điểm
Ø
Thống nhất về số hộ dự kiến có thể tham gia vào mỗi nhóm tại từng địa điểm
Ø
Thống nhất các tiêu chí GĐLN
Ø
Phát đơn xin giao đất, đơn đề nghị cấp GCNQSDĐLN.
Ø
Thống nhất sự đóng góp của người dân trong quá trình thực hiện các bước
Ø
Thời gian: 3 giờ
Vật tư/văn phòng phẩm: Sơ đồ GĐLN và giấy Ao
ghi rõ các thông tin đã được thống nhất trong bài thực hành trước, mẫu đơn xin GĐLN, đơn đề
nghị cấp GCNQSDĐLN.
Các bước tiến hành:
1. Chào mừng người dân đến tham gia cuộc họp
2. Trình bày kế hoạch GĐLN.
3. Chỉ rõ những phần diện tích tiến hành
giao, số hộ, nhóm hộ dự kiến được nhận đất tại từng địa điểm như đã thảo luận
với những đại diện trong thôn/ bản. Thống nhất về số hộ, nhóm hộ dự kiến và
giải thích rõ đây chỉ là con số dự kiến chứ chưa phải là con số cuối cùng.
4. Thảo luận về số nhóm quản lý rừng và số hộ
sẽ tham gia trong mỗi nhóm. Thống nhất về con số dự kiến.
5. Trình bày các tiêu chí GĐLN như đã thảo
luận với những người dân đại diện và thống nhất các tiêu chí.
6. Kiểm tra người dân đã nắm rõ các thông tin
hay chưa và làm rõ những điểm cần thiết.
7. Phát mẫu đơn xin giao đất, đề nghị cấp
GCNQSDĐLN
và giải
thích cho người dân cách điền vào đơn. ( Đơn vị tư vấn hoặc Công chức địa chính
hỗ trợ)
8. Giải thích các bước triển khai GĐLN và
thống nhất về phần đóng góp của người dân trong triển khai GĐLN tại thực địa.
Mẫu 13:
Đơn xin giao đất
(Ban hành kèm theo
Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 02 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------
..., ngày..... tháng.....năm....
ĐƠN 1….
Kính gửi: Ủy ban nhân dân 2...................
1. Người xin giao đất/cho thuê đất/cho
phép chuyển mục đích sử dụng đất 3 …………..
.....................................................................................................................................
2. Địa chỉ/trụ sở
chính:................................................................................................
3. Địa chỉ liên
hệ:.................................................................….................
……………………………………………………………………………….
4. Địa điểm khu
đất:......................................................................................
5. Diện tích
(m2):..........................................................................................
6. Để sử dụng vào mục đích: 4..................................................................................
7. Thời hạn sử
dụng:………………………………………..........…………..
8. Cam kết sử dụng đất đúng mục đích,
chấp hành đúng các quy định của pháp luật đất đai, nộp tiền sử dụng
đất/tiền thuê đất (nếu có) đầy đủ, đúng hạn;
Các cam kết khác (nếu
có)...........................................................................................
...................................................................................................................................
|
Người làm đơn
(ký
và ghi rõ họ tên)
|
-------------------------------
1 Ghi rõ đơn xin giao đất hoặc xin
thuê đất hoặc xin chuyển mục đích sử dụng đất
2 Ghi rõ tên UBND cấp có thẩm quyền
giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
3 Ghi rõ họ, tên cá nhân xin sử dụng
đất/cá nhân đại diện cho hộ gia đình/cá nhân đại diện cho tổ chức; ghi thông
tin về cá nhân (số, ngày/tháng/năm, cơ quan cấp Chứng minh nhân dân hoặc Hộ
chiếu…); ghi thông tin về tổ chức (Quyết định thành lập cơ quan, tổ chức sự
nghiệp/văn bản công nhận tổ chức tôn giáo/đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận
đầu tư đối với doanh nghiệp/tổ chức kinh tế…)
4 Trường hợp đã được
cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư thì ghi rõ mục
đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư
hoặc cấp văn bản chấp thuận đầu tư
Mẫu 14: Đơn
đăng ký cấp GCNQSDĐLN (mẫu kèm theo thông tư 24/2014/TT-BTNMT)
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
ĐƠN ĐĂNG
KÝ, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC
GẮN LIỀN VỚI ĐẤT
Kính gửi:
……………………………………………
|
Mẫu số 04a/ĐK
|
PHẦN GHI CỦA NGƯỜI
NHẬN HỒ SƠ
Đã kiểm tra nội dung đơn đầy đủ, rõ ràng,
thống nhất với giấy tờ xuất trình.
Vào sổ tiếp nhận hồ
sơ số: ….. Quyển …..
Ngày …../…../…..
Người
nhận hồ sơ
(Ký và ghi rõ họ, tên)
|
I. PHẦN KÊ KHAI CỦA NGƯỜI ĐĂNG KÝ
(Xem kỹ hướng dẫn
viết đơn trước khi kê khai; không tẩy xóa, sửa chữa trên đơn)
|
1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản
gắn liền với đất, người quản lý đất
1.1. Tên (viết chữ in hoa): ……………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………..
1.2. Địa chỉ thường trú(1):
……………………………………………………………………………
|
2. Đề nghị:
|
- Đăng ký QSDĐ □
- Cấp GCN đối với đất □
|
Đăng ký quyền quản lý đất □
Cấp GCN đối với tài sản trên đất □
|
(Đánh dấu √ vào ô trống lựa chọn)
|
3. Thửa đất đăng ký (2)
…………………………………………………………………………….
3.1. Thửa đất số: …………………………; 3.2. Tờ bản
đồ số: …………………………………;
3.3. Địa chỉ tại:
………………………………………………………………………………………;
3.4. Diện tích: …………… m2; sử
dụng chung: …………… m2; sử dụng riêng: …………. m2;
3.5. Sử dụng vào mục đích: ……………………………….,
từ thời điểm: ……………………..;
3.6. Thời hạn đề nghị được sử dụng đất:
………………………………………………………..;
3.7. Nguồn gốc sử dụng(3):
…………………………………………………………………………;
3.8. Có quyền sử dụng hạn chế đối với thửa
đất số ……., của ……………….., nội dung quyền sử dụng
………………………………………………………………………………………..;
|
4. Tài sản gắn liền với đất (Chỉ kê khai nếu có nhu cầu được chứng
nhận quyền sở hữu tài sản)
|
4.1. Nhà ở, công trình xây dựng
khác:
a) Loại nhà ở, công trình(4):
…………………………………………………………………………;
b) Diện tích xây dựng: …………………….. (m2);
c) Diện tích sàn (đối với nhà) hoặc
công suất (đối với công trình khác): ………………………;
d) Sở hữu chung: ……………………………..m2,
sở hữu riêng: ……………………………..m2;
đ) Kết cấu: ……………………………………..; e) Số tầng:
………………………………………;
g) Thời hạn sở hữu đến:
……………………………………………………………………………
(Trường hợp có nhiều nhà ở, công
trình xây dựng khác thì chỉ kê khai các thông tin chung và tổng diện tích của
các nhà ở, công trình xây dựng; đồng thời lập danh sách nhà ở, công trình kèm
theo đơn)
|
4.2. Rừng sản xuất là rừng trồng:
|
4.3. Cây lâu năm:
|
a) Loại cây chủ yếu: ……………………….
b) Diện tích: ………………………….. m2;
c) Nguồn gốc tạo lập:
- Tự trồng rừng: □
- Nhà nước giao không thu tiền: □
- Nhà nước giao có thu tiền: □
- Nhận chuyển quyền: □
- Nguồn vốn trồng, nhận quyền: …….. □
d) Sở hữu chung: ….m2, Sở hữu
riêng:....m2;
đ) Thời hạn sở hữu đến: ………………………
|
a) Loại cây chủ yếu: ……………….;
b) Diện tích: …………………………m2;
c) Sở hữu chung: …………………..m2,
Sở hữu riêng: ………………………m2;
d) Thời hạn sở hữu đến: …………………
|
5. Những giấy tờ nộp kèm theo:
…………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………
|
6. Có nhu cầu ghi nợ đối với loại
nghĩa vụ tài chính: …………………………………………
Đề nghị khác:
…………………………………………………………………………………………..
|
|
|
|
|
|
|
Tôi xin cam đoan nội dung kê khai trên đơn là
đúng sự thật, nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
|
…………., ngày....
tháng... năm ……
Người viết đơn
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu nếu có)
|
II. XÁC NHẬN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ,
PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Xác nhận đối với trường hợp hộ gia
đình cá nhân, cộng đồng dân cư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu
nhà ở, trừ trường hợp mua nhà, đất của tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở để bán)
|
1. Nội dung kê khai so với hiện trạng:
……………………………………………………………..
2. Nguồn gốc sử dụng đất:
………………………………………………………………………….
3. Thời điểm sử dụng đất vào mục đích đăng
ký: ………………………………………………..
4. Thời điểm tạo lập tài sản gắn liền với
đất: ……………………………………………………….
5. Tình trạng tranh chấp đất đai, tài sản
gắn liền với đất: ………………………………………
6. Sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất,
quy hoạch xây dựng: ……………………………….
7. Nội dung khác:
………………………………………………………………………………………
Ngày …… tháng …… năm ……
Công
chức địa chính
(Ký,
ghi rõ họ, tên)
|
Ngày …… tháng …… năm ……
TM. Ủy ban nhân dân
Chủ tịch
(Ký tên, đóng dấu)
|
(Trường hợp có giấy
tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì không xác
nhận các nội dung tại các Điểm 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Mục này; đăng ký riêng về
đất thì không xác nhận nội dung Điểm 4;
đăng ký riêng tài sản thì không xác nhận nội dung Điểm 2 và Điểm 3 Mục này)
|
III. Ý KIẾN CỦA CƠ QUAN ĐĂNG KÝ ĐẤT ĐAI
|
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………
(Phải nêu rõ có đủ hay không đủ điều
kiện cấp GCN, lý do và căn cứ pháp lý áp dụng; trường hợp thửa đất có vườn,
ao gắn liền nhà ở thì phải xác định rõ diện tích đất ở được công nhận và căn
cứ pháp lý)
|
Ngày …… tháng …… năm ……
Người
kiểm tra
(Ký,
ghi rõ họ, tên và chức vụ)
|
Ngày …… tháng …… năm ……
Giám
đốc
(Ký
tên, đóng dấu)
|
Hướng dẫn:
(1) Cá nhân ghi họ tên,
năm sinh, số giấy CMND; hộ gia đình ghi chữ “Hộ ông” (hoặc “Hộ bà”), sau đó ghi
họ tên, năm sinh, số giấy chứng minh nhân dân (nếu có) của hai vợ chồng chủ hộ
(người có chung quyền sử dụng đất của hộ). Tổ chức ghi tên và quyết định thành
lập hoặc giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư (gồm tên và số, ngày ký, cơ
quan ký văn bản). Cá nhân nước ngoài và người
Việt Nam định cư ở nước ngoài ghi họ tên, năm sinh, quốc tịch, số và ngày cấp,
nơi cấp hộ chiếu. Trường hợp nhiều chủ cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản
thì kê khai tên các chủ đó vào danh sách kèm theo).
(2) Trường hợp đăng ký
nhiều thửa đất nông nghiệp mà không đề nghị cấp giấy hoặc đề nghị cấp chung một
GCN nhiều thửa đất nông nghiệp thì tại dòng đầu của điểm 3 mục I chỉ ghi tổng
số thửa và kê khai từng thửa vào danh sách kèm theo (Mẫu 04c/ĐK).
(3) Ghi cụ thể: được Nhà
nước giao có thu tiền hay giao không thu tiền hay cho thuê trả tiền một lần hay
thuê trả tiền hàng năm hoặc nguồn gốc khác.
(4)
Ghi cụ thể: Nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư, văn phòng, nhà xưởng, nhà kho,…
Bước 5: Giao đất GĐLN tại thực địa
Mẫu 15: Biên bản giao
đất lâm nghiệp (Lập cho từng thửa đất)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------o0o---------
BIÊN BẢN GIAO ĐẤT LÂM
NGHIỆP TẠI THỰC ĐỊA
Thực hiện chủ trương chính sách của Nhà nước về việc giao đất lâm nghiệp tới hộ, nhóm hộ, cộng đồng;
Hôm nay, ngày.........tháng.........năm 20.......
Tại thôn/ bản.......................... Xã............................
Huyện................
Chúng tôi đã tiến hành giao đất lâm nghiệp trên thực địa cho hộ
1. Đại diện bên giao đất:
Ông (bà):.................................... Chủ tịch UBND xã....................................
Ông (bà):.................................... Cán bộ địa chính xã.................................
Ông (bà):.................................... Trưởng bản..............................................
Ông (bà):.................................... Cán bộ Tổ giao đất..................................
2. Đại diện bên nhận đất:
Ông (bà):....................................................
(Tên người đại diện người xin giao đất)
Nơi thường trú: Thôn/bản, tổ................xã, phường.......................huyện.................
Các bên đã cùng nhau
tiến hành Cùng nhau
thống nhất bàn giao lô đất tại thực địa cho ông (bà)....................................
là đại
diện, cụ thể như sau:
Thửa đất lâm nghiệp được
giao..............................
Tổng diện tích......................... ha.
Hiện trạng rừng…………………………..
Vị trí mốc giới, ranh giới thửa đất đã được
chỉ rõ trên thực địa và được mô tả cụ thể như sau: ( Mô tả cụ thể vị trí các
điểm mốc cơ bản có cắm cọc đánh dấu ở thực địa và vị trí đường ranh giới của
thửa đất, mô tả phải có các địa vật rõ ràng, ổn định làm chuẩn và cần ghi rõ:
phía Bắc, Nam, Đông, Tây giáp hộ nào?)
Sơ đồ thửa đất như bản trích lục Bản đồ kèm
theo.
Biên bản đã được đọc lại cho các thành viên tham dự cùng nghe và nhất trí ký tên.
Hộ gia đình
(Ký,
ghi rõ họ tên)
|
Trưởng thôn (bản)
(Ký,
ghi rõ họ tên)
|
Đại diện Tổ Công
tác
(Ký,
ghi rõ họ tên)
|
|
T/M. UBND
xã
Chủ tịch
(Ký
và đóng dấu)
|
Mẫu 16: Sơ đồ hình
thể lô đất lâm nghiệp (trích từ bản đồ địa chính đất lâm nghiệp)
(Kèm theo biên bản GĐLN và sổ Đỏ)
Tờ số:..........
Họ tên chủ rừng:.........................................................................................................
Bản…………………..Xã……………….............Huyện.............................................
Diện tích lô đất................ha thuộc tiểu khu...................... khoảnh............lô số..............
Theo bản đồ địa chính thuộc tờ bản đồ số.............................. thửa số..........................
Tên địa điểm...............................................................................................................
Ghi chú: - Trên sơ đồ hộ phải có phần chìa của
giáp ranh, các chủ hộ giáp ranh cần phải ký vào để xác nhận ranh giới.
- Hạn chế sử dụng của thửa đất: Mồ mả, đường
chăn thả, đường dân sinh, cây cổ thụ, khóm tre trúc, mai và các công trình kiến
trúc khác……
Chủ sử dụng đất
(Ký
và ghi rõ họ tên)
|
Ngày..........tháng.........năm 20....
Cán bộ kỹ thuật
(Ký
và ghi rõ họ tên)
|
Mẫu 17: Biểu thống kê
diện tích đất lâm nghiệp đã giao
Thôn/bản.................................. Xã.................................
Huyện.............................
(Đơn vị tính: Ha) Tờ
số:.........
Số TT
|
Tiểu khu, khoảnh lô
|
Diện tích (ha)
|
Trạng thái
|
Địa điểm
|
Diện tích chưa giao
|
Diện tích đã giao
|
Đối tượng giao
|
Diện tích
|
Mục đích sử dụng
|
1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
6
|
7a
|
7b
|
8
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Cộng
|
|
|
|
|
|
|
|
Trưởng thôn (bản)
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
Ngày.........tháng....... năm 200...
Người lập biểu
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
Mẫu 18: Biên bản xét
duyệt đơn đăng ký cấp GCNQSDĐLN
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc
lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
BIÊN BẢN
V/v Họp
xét duyệt đơn đăng ký cấp GCNQSDĐLN của xã ………...
Hôm nay vào hồi … giờ
…phút …ngày…tháng ….năm 20… tại trụ sở UBND xã ……. thành phần tham gồm:
……………………
Thành phần mời tham
dự buổi họp xét:
1. Ông: ………………………………
2. Ông ………………………………
4 …………….………………………
5 …………….………………………
6 …………….………………………
7 …………….………………………
Nội dung
Căn cứ Luật đất đai 2013;
Căn cứ Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày
15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất
đai;
Căn cứ Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 của Bộ
Tài nguyên Môi trường quy định về hồ sơ địa chính.
Căn cứ đơn đề nghị
cấp GCN đất của các hộ gia đình cá nhân tại xã.
Hôm nay xã ……tiến
hành xét duyệt đơn đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở
hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất năm 20…. của xã...,
chủ tọa buổi họp xét Ông …………...Chủ tịch UBND xã thông qua chương trình làm
việc và nhấn mạnh những nội dung cần xem xét như hiện trạng sử dụng đất, nguồn
gốc sử dụng đất, tình trạng tranh chấp, khiếu nại về đất đai, quy hoạch sử dụng
đất theo đơn của từng hộ gia đình, từng thửa đất có yêu cầu xét cấp GCN, Cán bộ
địa chính xã trực tiếp thông qua từng đơn của hộ gia đình, cá nhân.
Thư ký Ông
(Bà)..............Cán bộ................................. trực tiếp ghi chép
biên bản Nội dung cụ thể được xét theo từng thôn/bản như sau:
I/ Thôn/bản:……………………..
1. Hộ Ông:
……………...Thôn……………..tổng có …….đơn
ý kiến các thành phần:................................................................
............................................................................................................................................
............................................................................................................................................
............................................................................................................................................
............................................................................................................................................
............................................................................................................................................
............................................................................................................................................
............................................................................................................................................
............................................................................................................................................
Biên bản kết thúc hồi......giờ
cùng ngày đã được đọc thông qua mọi người tham dự cùng nghe nhất trí như nội
dung biên bản và đề nghị tổ chuyên môn xã tổng hợp danh sách những trường hợp
đủ điều kiện và không đủ diều kiện cấp GCN đất, trường hợp phải thực hiện nghĩa
vụ tài chính. Dán công khai tại trụ sở UBND xã và các nhà họp thôn liên quan,
kèm theo thông báo cho mọi người biết.
Biên bản này được lập
thành 03 bản lưu và chuyển cấp trên xem xét thẩm định và cấp GCN đất theo quy
định./.
Chủ tọa
hội nghị xét duyệt
Chủ
tịch UBND xã
|
Thư ký
|
Mẫu 19:
Họp thôn/bản lần 3
Cuộc họp thôn/bản này
chỉ gồm những người trong danh sách người dân được nhân đất lâm nghiệp tham
gia.
Mục tiêu:
● Thống nhất lại hiện trạng, số lô, số thửa,
số từ bản đồ của khu đất được giao.
● Cho các hộ giáp ranh ký giáp ranh
● Thống nhất về giới hạn sử dụng trên từng lô
đất của các hộ
Thời gian: 01 buổi
Vật tư: Bản đồ địa chính giao đất LN và các
biên bản kèm theo; Tờ trình xin GĐLN của xã (gồm cả bản đồ và báo cáo) đã được
UBND xã và UBND huyện phê duyệt; Trích lục hình thể khu đất của từng hộ gia
đình;
Các bước tiến hành:
1. Chào mừng người dân tham gia họp thôn/bản.
Giới thiệu mục tiêu cuộc họp.
2. Trình bày kết quả xác định diện tích, ranh
giới giữa các khu đất của các khu đất trên bản đồ địa chính GĐLN, sau khi đã đo
giao ở ngoài hiện trường.
3. Trình bày những giới hạn sử dụng trên một
số lô đất của các hộ, thống nhất lại hình thức sử dụng những giới hạn đó. Hỏi ý
kiến các thành viên tham gia xem họ có nhất trí với các phương án sử dụng những
giới hạn trên lô đất (đường mòn, cây cổ thụ, mồ mả….). Khuyến khích người dân
tham gia thảo luận và hỏi ý kiến từng người về phương án sử dụng những giới hạn
đó.
4. Thống nhất và chốt danh sách các hộ cá thể và các
nhóm hộ đủ điều kiện nhận đất nhận rừng, số hiệu tiểu khu, số hiệu khoảnh và số
hiệu lô, trữ lượng gỗ và loại rừng; thảo luận và giải thích những thắc mắc từ
các hộ.
5. Thống nhất lần cuối về bản đồ địa chính giao
đất LN với các chủ hộ, tờ trình GĐLN của xã (gồm cả bản đồ và báo cáo) đã được
UBND xã và UBND huyện phê duyệt.
Ghi chú:
Trước cuộc họp, phải đảm bảo đủ tài liệu: danh
sách các hộ đủ điều kiện và không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐLN, tình trạng tranh
chấp, nguồn gốc sử dụng… Bản đồ địa chính giao đất LN và các biên bản kèm theo;
Tờ trình xin GĐLN của xã (gồm cả bản đồ và báo cáo) đã được UBND xã và UBND
huyện phê duyệt; Trích lục hình thể khu đất của từng hộ gia đình; Họp thôn/bản
là cơ hội cho người thảo luận và giải quyết những thắc mắc về việc đủ hay không
đủ điều kiện cấp GCNQSDĐLN.
Bước 6: Kiểm tra, rà
soát bản đồ địa chính, hoàn thiện hồ sơ xin GĐLN, hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐLN.
Mẫu 20 : Mẫu
công khai hồ sơ đăng ký, cấp GCNQSDĐLN
ỦY BAN
NHÂN DÂN
xã……………………..
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
………/TB-UBND
|
……….,
ngày ….. tháng ….. năm 200....
|
THÔNG BÁO
Về việc công khai hồ
sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà
ở và tài sản khác gắn liền với đất
Ủy ban
nhân dân xã……………....
Trân trọng thông báo:
Kể từ ngày…..tháng …...năm 20… hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận
QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đã được UBND xã.....................................
kiểm
tra, xét
duyệt sẽ được công khai tại:
1-……………………………………………………..
2-……………………………………………………..
3-……………………………………………………..
Trong thời gian 15
ngày kể từ ngày nói trên ai có điều gì cần thông báo thêm hoặc khiếu nại thì gửi đơn khiếu
nại đến UBND xã (thị trấn) để xem xét giải quyết.
Quá thời hạn trên mọi
việc khai báo thêm hoặc khiếu nại sẽ không được giải quyết./.
|
Ngày……tháng
….. năm 20…
T/M.
UBND…………
Chủ tịch
(Ký,
đóng dấu)
|
Mẫu
21: Niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐLN
(Mẫu số 06/ĐK
ban hành kèm theo thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên Môi trường quy định
về hồ sơ địa chính)
UBND XÃ.......
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ……../DSTB-
|
|
DANH SÁCH CÔNG KHAI
Kết quả kiểm tra hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và
tài sản khác gắn liền với đất
Tại xã: ……………….,
huyện: …………………, tỉnh: ……………………..
Số TT
|
Tên người sử dụng
đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với
đất
|
Địa chỉ thường trú
|
Tờ bản đồ số
|
Thửa đất số
|
Diện tích đất (m2)
|
Mục đích sử dụng
đất
|
Thời điểm sử dụng
đất
|
Nguồn gốc sử dụng
đất
|
Tài sản gắn liền với đất
|
Tình trạng tranh
chấp
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Danh sách này được công khai trong thời gian
15 ngày, kể từ ngày.../…/…, đến ngày.../.../.... Tại địa điểm: …………………………
Người không đồng ý với kết quả thẩm tra trên
đây thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị
trấn để giải quyết; sau thời gian trên Nhà nước sẽ không xem xét giải quyết./
Xác nhận của đại
diện những người sử dụng đất về việc đã công khai danh sách này
(Ký,
ghi rõ họ, tên và địa chỉ)
|
……….., ngày ….. tháng.... năm …….
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
(Ký tên, đóng dấu)
|
Mẫu 22:
Biên bản kết thúc công khai hồ sơ đăng ký đất
UBND
XÃ..................................
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
|
………,
ngày……tháng…..năm 20…
|
BIÊN BẢN
V/v kết thúc công
khai hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở
hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Ngày …..tháng…..năm 20….Ủy ban nhân dân
xã……………………………đã kết thúc việc công khai kết quả kiểm tra hồ sơ đăng ký, cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng
đất,
quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại………………………….Trong
thời gian 15 ngày (kể từ ngày…….tháng….năm 20….đến ngày……tháng….năm 20…theo
đúng quy định của Bộ Tài nguyên và Mô trường.
Trong thời gian nói trên UBND xã………………………đã
tiếp nhận……..đơn khiếu nại về đất. Trong đó có…………….đơn khiếu nại về đất của
chủ sử dụng đất./.
|
TM. UBND
XÃ……………………….
CHỦ TỊCH
(Ký
và đóng dấu)
|
Mẫu
23. Tờ trình cấp GCNQSDĐLN
ỦY BAN NHÂN DÂN
XÃ:………………….
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ……../TTr-UBND
|
…………………,
ngày……tháng…..năm 20…
|
TỜ TRÌNH
V/v giải quyết các
trường
hợp
đủ điều kiện cấp GCNQSD đất, QSH nhà ở và tài sản khác gắn liền với
đất
Kính gửi:
|
- UBND huyện……………………..
- Phòng Tài nguyên và Môi trường
|
Căn cứ Luật đất đai 2013;
Căn cứ Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày
15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất
đai;
Thực hiện thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng
5 năm 2014 của
Bộ Tài nguyên Môi trường quy định về hồ sơ địa chính và hướng dẫn chỉ đạo của UBND huyện.
UBND xã………..đã tổ chức kê khai và xét duyệt các Đơn xin đăng ký quyền sử dụng
đất, đến nay đã hoàn thành. Kết quả đạt được như sau:
Nội dung
|
ĐV tính
|
Tổng số
|
Ghi chú
|
1. Chủ đang sử dụng
|
Hộ
|
|
|
2. Chủ đã làm đơn xin đăng ký
|
Hộ
|
|
|
3. Kết quả xét duyệt đơn
|
|
|
|
- Số đơn đủ điều kiện cấp GCN
|
|
|
|
- Số GCN đề nghị cấp
|
|
|
|
- Diện tích đủ điều kiện cấp
|
|
|
|
- Số đơn chưa đủ điều kiện cấp GCN
|
|
|
|
Đề nghị UBND huyện …….và Phòng TN&MT xem
xét quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ sử dụng đủ
điều kiện.
* Kèm theo tờ trình có các tài liệu sau:
- Đơn đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất, quyền
sở hữu nhà
ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Biên bản họp xét duyệt của UBND xã;
- Thông báo công khai kết quả xét duyệt và
biên bản kết thúc công khai hồ sơ tại xã (thị trấn);
- Danh sách công khai Kết quả kiểm tra hồ
sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn
liền với đất.
Nơi nhận:
-
Như
kính gửi;
- Phòng TN&MT;
- Lưu
VP;
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
XÃ
CHỦ TỊCH
(Ký
và đóng dấu)
|
PHỤ LỤC 2
MẪU ĐỀ CƯƠNG PHƯƠNG ÁN GIAO ĐẤT LÂM NGHIỆP (THAM KHẢO)
Phần thứ nhất: GIỚI THIỆU
CHUNG
- Sự cần thiết
của việc giao đất lâm nghiệp trong khu vực.
- Những căn cứ
để xây dựng phương án.
- Mô tả tóm tắt
phương pháp tiến hành, tiếp cận trong xây dựng phương án.
- Giới thiệu
tổng quát phương án
Phần thứ hai: ĐIỀU KIỆN TỰ
NHIÊN, KINH TẾ XÃ HỘI KHU VỰC GIAO ĐẤT LÂM NGHIỆP
2.1. Điều kiện tự nhiên
2.1.1. Vị trí địa lý, khu vực hành
chính
2.1.2. Địa hình đất đai.
2.1.3. Khí hậu thủy văn.
2.1.4. Tài nguyên và quá trình quản lý sử dụng
rừng và đất rừng:
Phần này mô tả chi tiết kết quả điều tra,
đánh giá tài nguyên rừng và đất rừng bao gồm:
- Quá trình sử dụng đất lâm nghiệp: trình bày
kết quả và đánh giá quá trình sử dụng đất lâm nghiệp cũng như những đề
xuất liên quan đến giao đất rừng.
- Tiềm năng về lâm sản ngoài gỗ dựa vào kinh
nghiệm cộng đồng: phân tích đánh giá, đặc biệt vai trò của lâm sản ngoài gỗ đối
với cộng đồng nhận đất rừng
- Thống kê diện tích các trạng thái rừng theo
khu vực, địa điểm.
- Các chỉ tiêu lâm học cho từng trạng thái
rừng.
2.2. Điều kiện kinh tế xã hội
2.2.1. Lịch sử phát triển thôn/ bản, cộng
đồng.
2.2.2. Dân số, lao động, thành phần dân tộc
và sự phân bố dân cư: Kết quả thu thập số liệu thứ cấp
2.2.3. Phân loại kinh tế hộ và vấn đề giao
đất lâm nghiệp: đánh giá phát triển kinh tế, nhu cầu về tài nguyên đất lâm
nghiệp để phát triển kinh tế hộ, cộng đồng. Vấn đề quan tâm đến hộ đói nghèo
trong giao đất lâm nghiệp.
2.2.4. Tổ chức cộng đồng và quản lý rừng
truyền thống.
2.2.5. Cơ cấu sản xuất:
2.2.6. Cơ cấu sử dụng đất thôn/bản: Bao gồm
diện tích, năng suất, sản lượng. Đánh giá thực trạng sử dụng đất.
2.2.7. Chăn nuôi
2.2.8. Ngành nghề khác
2.2.9. Cơ sở hạ tầng.
2.2.10. Tín dụng, thị trường phục vụ sản xuất
Phần thứ ba: PHƯƠNG ÁN GIAO ĐẤT
LÂM NGHIỆP
3.1. Mục tiêu của việc giao đất lâm nghiệp
- Mục tiêu lâu dài, tổng thể
- Mục tiêu cụ thể
3.2. Quy mô, địa điểm, thời gian giao đất lâm
nghiệp
- Quy mô, địa điểm giao đất lâm nghiệp: Trình
bày diện tích, diện tích theo trạng thái rừng, địa điểm giao
- Thời hạn giao
3.3. Phương thức giao đất lâm nghiệp:
Trình bày toàn bộ kết quả đã thống nhất với
thôn/bản:
- Giao đất lâm nghiệp cho đối tượng nào: Hộ
hay nhóm hộ (dòng họ) hay cộng đồng thôn/bản. Giải trình lí do hình thành
phương thức này và tính hợp lí, hiệu quả và bền vững của nó.
- Phân chia đất lâm nghiệp (diện tích, trạng
thái rừng) đến từng đối tượng.
Phần thứ tư: GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
4.1. Chính sách hưởng lợi
4.1.1. Quyền lợi:
- Quyền lợi về mặt luật đất đai bao gồm các
quyền trong sử dụng đất lâm nghiệp
- Quyền hưởng lợi gỗ và lâm sản ngoài gỗ
- Các quyền lợi khác.
4.1.2. Nghĩa vụ
- Tổ chức bảo vệ rừng
- Tổ chức kinh doanh rừng
- Thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước như
thuế, bảo vệ môi trường rừng.
4.2. Quy hoạch và kế hoạch đơn giản quản lý
sử dụng đất lâm nghiệp được giao
4.2.1. Quy hoạch và kế hoạch quản lý sử dụng
đất lâm nghiệp ở thôn/ bản: trình bày bảng kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp
trong 5 năm.
4.2.2. Các biện pháp kỹ thuật áp dụng cho
từng loại đất, loại rừng: Căn cứ theo quy phạm để định hướng và giải pháp cụ
thể được đề xuất từ cộng đồng.
4.3. Đầu tư và giải pháp kinh doanh rừng
4.3.1. Dự kiến vốn đầu tư (tổng số vốn đầu
tư, các nguồn vốn từ dân, từ các chương trình phát triển nông thôn, kế hoạch
của xã, huyện,....)
4.3.2. Biện pháp tổ chức kinh doanh
4.4. Tổ chức quản lý rừng ở cộng đồng
Trình bày về phương hướng tổ chức cộng đồng
để quản lý bảo vệ và kinh doanh diện tích đất lâm nghiệp được giao như:
- Ban quản lý rừng cộng đồng: Thành phần,
trách nhiệm, quyền lợi
- Quy chế quản lý bảo vệ rừng cộng đồng
- Phân chia lợi ích từ đất lâm nghiệp trong
các nhóm hộ, cộng đồng
4.5. Hiệu quả của phương án
Phân tích và dự báo hiệu quả của phương án về
03 mặt: Kinh tế, xã hội và các tác động môi trường.
Phần thứ năm: KẾT LUẬN VÀ KIẾN
NGHỊ
Phụ lục: Bao gồm toàn bộ các
bản
đồ, sơ đồ, bảng
biểu, số liệu, văn bản liên quan để xây dựng phương án.