ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/2025/QĐ-UBND
|
Quảng Nam, ngày
06 tháng 01 năm 2025
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH
CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG CÓ TÍNH KHẢ THI ĐỂ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA
ĐẤT TRƯỚC KHI VI PHẠM VÀ MỨC ĐỘ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤT ĐỐI
VỚI HÀNH VI VI PHẠM HỦY HOẠI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 18 tháng 01 năm 2024;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở
số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và Luật Các tổ
chức tín dụng số 32/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20
tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành
chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ khoản 5 Điều 14 Nghị định số
123/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường tại Tờ trình số 526/TTr-STNMT ngày 31 tháng 12 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy
định các trường hợp không có tính khả thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu
của đất trước khi vi phạm và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất
đối với hành vi vi phạm hủy hoại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2025 và thay thế Quyết định số 01/2024/QĐ-UBND ngày
08 tháng 01 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Quy định về
mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo quy định
tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019
của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ TN&MT;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- VP UBND tỉnh: Các PCVP, NCKS;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KTN.H290.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Văn Dũng
|
QUY ĐỊNH
CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG
CÓ TÍNH KHẢ THI ĐỂ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤT TRƯỚC KHI VI PHẠM
VÀ MỨC ĐỘ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤT ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM HỦY
HOẠI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2025/QĐ-UBND Ngày 06 tháng 01 năm 2025
của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định các trường hợp vi phạm mà
việc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất không có tính khả thi trên thực
địa và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với các hành vi vi
phạm hủy hoại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam quy định tại khoản 1 và khoản 2
Điều 14 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ quy
định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong
lĩnh vực đất đai theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP
ngày 04 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trừ
trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác, gồm:
a) Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở
nước ngoài là công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư
ở nước ngoài;
b) Hộ gia đình, cộng đồng dân cư;
c) Tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, tổ chức kinh
tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
2. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt và tổ chức,
cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước
khi vi phạm là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật hoặc các biện pháp khác để
khôi phục hoặc đưa diện tích đất bị vi phạm trở lại tình trạng ban đầu hoặc
tương đương tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
2. Trường hợp không có tính khả thi để khôi phục
lại tình trạng ban đầu của đất là việc không thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật
hoặc các biện pháp khác để khôi phục hoặc đưa diện tích đất bị vi phạm trở lại
tình trạng ban đầu hoặc tương đương tình trạng ban đầu của đất trước khi vi
phạm.
Chương II
QUY ĐỊNH CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG CÓ TÍNH KHẢ THI ĐỂ KHÔI
PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤT TRƯỚC KHI VI PHẠM VÀ MỨC ĐỘ KHÔI PHỤC LẠI
TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤT ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM HỦY HOẠI ĐẤT
Điều 4. Các trường hợp không có tính khả thi để khôi
phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với hành vi hủy hoại
đất
1. Đối với các hành vi làm suy giảm chất lượng đất quy
định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2024
của Chính phủ:
a) Đối với hành vi làm mất hoặc giảm độ dày tầng
đất đang canh tác: Trường hợp được xác định là không thể sử dụng các biện pháp
kỹ thuật hoặc các biện pháp khác để khôi phục lại tầng đất canh tác như tình
trạng ban đầu hoặc tương đương tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm;
b) Đối với hành vi làm thay đổi lớp mặt của đất sản
xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn cát, sỏi, đá hay
loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng: Trường hợp được xác định
là không thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật hoặc các biện pháp khác để bóc tách,
loại bỏ các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn cát, sỏi, đá hay các thành
phần khác với loại đất đang sử dụng để đưa diện tích đất bị vi phạm trở lại tình
trạng ban đầu hoặc tương đương tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm;
c) Đối với hành vi gây bạc màu, gây xói mòn, rửa
trôi đất nông nghiệp mà dẫn đến làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất đã được
xác định: Trường hợp được xác định là không thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật hoặc
các biện pháp khác để khôi phục lại chất lượng, khôi phục lại tình trạng ban
đầu hoặc tương đương tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
2. Đối với các hành vi làm biến dạng địa hình đất
quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm
2024 của Chính phủ:
a) Đối với hành vi làm thay đổi độ dốc bề mặt đất;
hạ thấp bề mặt đất: Trường hợp được xác định là không thể sử dụng các biện pháp
kỹ thuật hoặc các biện pháp khác để hoàn trả, khôi phục độ dốc bề mặt đất như
tình trạng ban đầu hoặc tương đương tình trạng ban đầu của đất trước khi vi
phạm;
b) Đối với hành vi san lấp đất có mặt nước chuyên dùng
(trừ hồ thủy lợi): Trường hợp được xác định không thể sử dụng các biện pháp kỹ
thuật hoặc các biện pháp khác để đưa diện tích đất bị vi phạm trở lại tình
trạng ban đầu hoặc tương đương tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm;
c) Đối với hành vi san lấp nâng cao, hạ thấp bề mặt
của đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mà làm mất hoặc giảm khả năng
sử dụng đất theo mục đích đã được xác định (trừ trường hợp chuyển đổi cơ cấu
cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy
sản, xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng
lúa, cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất
khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê, được công nhận
quyền sử dụng đất hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có
thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận): Trường hợp được
xác định là không thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật hoặc các biện pháp khác để
đưa bề mặt của diện tích đất bị vi phạm trở lại tình trạng ban đầu hoặc tương
đương tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Điều 5. Mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu
của đất trước khi vi phạm đối với hành vi hủy hoại đất (không thuộc các trường
hợp tại Điều 4 của Quy định này)
1. Đối với các hành vi làm suy giảm chất lượng đất quy
định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2024
của Chính phủ:
a) Đối với hành vi làm mất hoặc giảm độ dày tầng
đất canh tác thì buộc sử dụng các biện pháp kỹ thuật hoặc các biện pháp khác để
khôi phục độ dày tầng đất canh tác như tình trạng ban đầu hoặc tương đương tình
trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm;
b) Đối với hành vi làm thay đổi lớp mặt của đất sản
xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn cát, sỏi, đá hay
loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng thì buộc sử dụng các biện
pháp kỹ thuật hoặc các biện pháp khác để loại bỏ, bóc tách các loại vật liệu, chất
thải hoặc đất lẫn cát, sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác ra khỏi lớp mặt
của đất sản xuất nông nghiệp, đảm bảo khôi phục lớp mặt của đất sản xuất nông
nghiệp như tình trạng ban đầu hoặc tương đương tình trạng ban đầu của đất trước
khi vi phạm;
c) Đối với hành vi gây bạc màu, gây xói mòn, rửa
trôi đất nông nghiệp mà dẫn đến làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất đã được
xác định thì buộc sử dụng các biện pháp kỹ thuật hoặc các biện pháp khác để
khôi phục lại chất lượng, khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc tương đương
tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
2. Đối với các hành vi làm biến dạng địa hình đất
quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04/10/2024 của
Chính phủ:
a) Đối với hành vi làm thay đổi độ dốc bề mặt đất;
hạ thấp bề mặt đất làm cho bề mặt đất thấp hơn so với hiện trạng ban đầu thì
buộc sử dụng các biện pháp kỹ thuật hoặc các biện pháp khác để đưa diện tích
đất bị vi phạm trở lại tình trạng ban đầu hoặc tương đương tình trạng ban đầu
của đất trước khi vi phạm;
b) Đối với hành vi san lấp đất có mặt nước chuyên dùng
(trừ hồ thủy lợi) thì buộc sử dụng các biện pháp kỹ thuật hoặc các biện pháp
khác để đưa diện tích đất vi phạm trở lại tình trạng ban đầu hoặc tương đương
tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm;
c) Đối với hành vi san lấp nâng cao, hạ thấp bề mặt
của đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng
đất theo mục đích đã được xác định (trừ trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
vật nuôi trên đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, xây
dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa, cải
tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp
với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê, được công nhận quyền sử dụng đất
hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao
đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận) thì buộc sử dụng các biện pháp kỹ
thuật hoặc các biện pháp khác để đưa bề mặt của diện tích đất bị vi phạm trở
lại tình trạng ban đầu hoặc tương đương tình trạng ban đầu của đất trước khi vi
phạm.
3. Biện pháp kỹ thuật hoặc biện pháp khác để khôi
phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo quy định tại khoản 1
và khoản 2 Điều này phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh
và việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề, đồng thời phải tuân thủ đúng quy
định của Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan, nghiêm cấm
lợi dụng việc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất để thực hiện các hành vi
trái pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm
quyền lập biên bản vi phạm hành chính
1. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
có trách nhiệm xác định các trường hợp không có tính khả thi để khôi phục lại
tình trạng ban đầu của đất trên cơ sở căn cứ hồ sơ vụ việc, ý kiến của người vi
phạm, ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã, các cơ quan, đơn vị khác có liên quan.
Việc xác định được lập thành biên bản, được xem là thành phần của hồ sơ xử phạt
vi phạm hành chính.
2. Cơ quan, người có thẩm quyền lập biên bản vi
phạm hành chính có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên
quan tổ chức kiểm tra, xác nhận kết quả mức độ khôi phục, biện pháp khôi phục
tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, các trường hợp không có tính khả
thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo Quy định
này.
Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có
liên quan
1. Ủy ban nhân dân các cấp và các Sở, Ban, ngành,
tổ chức, đoàn thể có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm
phổ biến, thực hiện nội dung Quy định này.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định
này, nếu có khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh thì các cơ quan, đơn vị, địa
phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và
Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung
cho phù hợp./.