Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 01/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang Người ký: Đỗ Văn Chiến
Ngày ban hành: 06/01/2010 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 01/2010/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 06 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN CẤP TỈNH, UỶ BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN, CẤP XÃ, CÁN BỘ ĐỊA CHÍNH CẤP XÃ VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 29 tháng 11 năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, cán bộ địa chính cấp xã và người sử dụng đất trong công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Đỗ Văn Chiến

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN CẤP TỈNH, UỶ BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN, CẤP XÃ, CÁN BỘ ĐỊA CHÍNH CẤP XÃ VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND ngày 06/01/2010  của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)

Chương I 

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã (gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp huyện), Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp xã), cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn (cán bộ địa chính - xây dựng, gọi tắt là cán bộ địa chính xã) và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư (gọi tắt là người sử dụng đất) trong công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã, cán bộ địa chính xã và người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Việc quản lý, sử dụng đất đai phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và Quy định này.

2. Các vi phạm ttrong quản lý và sử dụng đất đai phải được kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân và người sử dụng đất trong việc phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng đất đai.

3 . Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã và cán bộ địa chính xã do thiếu trách nhiệm để xảy ra những vi phạm tại cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác quản lý đất đai hoặc trên địa bàn quản lý, có hành vi bao che cho người vi phạm, không xử lý hoặc xử lý không nghiêm các vi phạm; vi phạm vào các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 15 của Luật Đất đai thì ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Người sử dụng đất có các hành vi: lấn, chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; huỷ hoại đất; không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi sử dụng các quyền của người sử dụng đất; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng đất hoặc có các hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

5. Việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

6. Những nội dung phát sinh và liên quan đến công tác quản lý đất đai không quy định trong Quy định này được thực hiện theo Luật Đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan.

Điều 4. Tổ chức việc tiếp nhận những phát hiện, kiến nghị của tổ chức, công dân đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai

1. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh,Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm bố trí cán bộ, xây dựng lịch tiếp dân, thiết lập số điện thoại thực hiện đường dây nóng, số FAX, hộp thư điện tử của đơn vị mình (nếu có) công bố công khai để tiếp nhận những kiến nghị của tổ chức, công dân về các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.

2. Cơ quan nhà nước nhận được các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân mà không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì có trách nhiệm chuyển phản ánh, kiến nghị đó đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn chậm nhất là 12 giờ kể từ khi nhận được thông tin.

Nếu quá thời hạn trên mà cơ quan tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết biết để xử lý kịp thời thì Thủ trưởng cơ quan trực tiếp tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân phải chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp.

Điều 5. Trách nhiệm giải quyết những phát hiện, kiến nghị của tổ chức, công dân đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai

1. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giải quyết các phát hiện, kiến nghị của tổ chức, công dân đối với các trường hợp người sử dụng đất vi phạm quy định của pháp luật về đất đai trên địa bàn quản lý theo quy định sau:

a) Trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi nhận được phản ánh, kiến nghị về vi phạm của người sử dụng đất, Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xác minh, làm rõ và giải quyết theo quy định của pháp luật; thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 4 của Quy định này. Trường hợp vụ việc vượt thẩm quyền giải quyết phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để giải quyết theo thẩm quyền.

b) Khắc phục kịp thời những hậu quả do hành vi vi phạm của người sử dụng đất gây ra theo quy định của pháp luật.

2. Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ có trách nhiệm giải quyết các phát hiện, kiến nghị của tổ chức, công dân đối với các trường hợp vi phạm pháp luật của cán bộ làm công tác quản lý đất đai thuộc quyền quản lý của cơ quan đơn vị theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết các phát hiện, kiến nghị của tổ chức, công dân về những vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không giải quyết hoặc giải quyết không nghiêm các vi phạm thì tùy theo mức độ sẽ bị xem xét kỷ luật và xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương II

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN TRỰC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, UỶ BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN, CẤP XÃ, CÁN BỘ ĐỊA CHÍNH XÃ VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 6. Các cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

b) Báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh những biện pháp để quản lý chặt chẽ đất đai, nhất là diện tích trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt; tạo quỹ đất để phục vụ các mục tiêu công ích, chính sách xã hội, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản và tăng nguồn thu ngân sách từ đất đai; kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý đất đai trên địa bàn các huyện, thị xã.

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, nhất là việc thực hiện trình tự, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; việc sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, dự án đầu tư trên địa bàn. Phát hiện và lập thủ tục trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi đối với diện tích giao hoặc cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền; sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích; đất đã được Nhà nước giao, cho thuê nhưng không sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm phiền hà cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất; giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh.

đ) Định kỳ hàng quý, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện Quy định này.

2. Sở Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan cân đối từ nguồn ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai và sự nghiệp địa chính ở địa phương.

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai đảm bảo đúng quy định và có hiệu quả; việc sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng cường cho việc mua trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của lực lượng làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, bố trí đủ kinh phí cho công tác quản lý đất đai phù hợp với nội dung và lộ trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện, thị xã thực hiện việc phân định, xác định mốc giới đất làm hành lang bảo vệ an toàn đê điều, hệ thống thuỷ lợi và mốc giới đất lâm nghiệp theo quy hoạch phân ba loại rừng ở ngoài thực địa theo biến động hàng năm.

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất làm hành lang bảo vệ an toàn toàn đê điều, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

c) Hàng năm, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh đồng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường kết quả theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, kết quả thực hiện quy hoạch phân ba loại rừng, quy hoạch thuỷ sản, quy hoạch thuỷ lợi; đề xuất những điều chỉnh có liên quan đến nhu cầu sử dụng đất (nếu có) trước ngày 15 tháng 01 năm sau.

5. Sở Giao thông Vận tải

a) Chủ trì, phối hợp Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện việc rà soát cắm mốc đất làm hành lang an toàn đường bộ tại thực địa để thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện pháp luật về đất đai.

b) Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, lực lượng công an và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phát hiện và xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thuộc hành lang an toàn giao thông.

c) Hàng năm, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân dân tỉnh, đồng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện quy hoạch giao thông; đề xuất những điều chỉnh có liên quan đến nhu cầu sử dụng đất (nếu có) trước ngày 15 tháng 01 năm sau.

6. Sở Xây dựng

a) Ban hành văn bản hướng dẫn phân định, xác định mốc giới khu vực quy hoạch đô thị, khu trung tâm xã, trung tâm cụm xã, quy hoạch cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu du lịch.

b) Chủ trì, phối hợp Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện việc phân định, xác định mốc giới khu vực quy hoạch đô thị, khu trung tâm xã, trung tâm cụm xã, quy hoạch cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu du lịch ở ngoài thực địa.

c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn thực hiện việc quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và các khu vực phát triển đô thị. Hướng dẫn Uỷ ban nhân dân huyện quản lý quy hoạch xây dựng đúng quy định của pháp luật.

d) Hàng năm, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân dân tỉnh, đồng gửi Sở tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện quy hoạch đô thị, khu trung tâm xã và trung tâm cụm xã, quy hoạch cụm công nghiệp, khu công nghiệp khu du lịch; đề xuất những điều chỉnh có liên quan đến nhu cầu sử dụng đất (nếu có) trước ngày 15 tháng 01 năm sau.

7. Sở Công Thương

a) Hướng dẫn phân định, xác định mốc giới đất làm hành lang bảo vệ an toàn đường điện. Chủ trì phối hợp Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân xã thực hiện việc phân định, xác định mốc giới đất làm hành lang bảo vệ an toàn đường điện ở ngoài thực địa và công bố công khai mốc giới xác định đất hành lang bảo vệ an toàn công trình.

b) Hàng năm, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân dân tỉnh, đồng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện quy hoạch và tỷ lệ lấp đầy tại cụm các khu, điểm công nghiệp; quy hoạch mạng lưới xăng dầu; đề xuất những điều chỉnh có liên quan đến nhu cầu sử dụng đất (nếu có) trên địa bàn tỉnh trước ngày 15 tháng 01 năm sau.

8. Sở Nội vụ

a) Ban hành văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác định địa giới hành chính, quản lý mốc địa giới hồ sơ địa giới hành chính các cấp và giải quyết tranh chấp về địa giới hành chính.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai từ tỉnh đến cơ sở.

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, giám sát việc thực hiện trình tự thủ tục hành chính về đất đai; cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm bớt thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật.

9. Cục Thuế tỉnh

Hướng dẫn việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước trong việc thực hiện trình tự, thủ tục hành chính khi người sử dụng đất thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật.

10. Kho Bạc Nhà nước

Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước huyện (thị xã) có trách nhiệm phối hợp với Chi cục Thuế huyện (thị xã) bố trí điểm thu tiền thuận lợi cho người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính.

11. Thanh Tra tỉnh

Hàng năm, xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên đề về công tác thực hiện trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý và thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

12. Sở Tư pháp, Sở Thông tin Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang và các cơ quan liên quan.

Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở ban, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, nhân dân trong tỉnh các quy định .của pháp luật về đất đai; quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Điều 7. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân và của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện

1. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện

a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn theo thẩm quyền quy định tại Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b) Hàng năm, chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách địa phương đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chi cho công tác quản lý đất đai và sự nghiệp địa chính ở địa phương.

c) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã và các phòng, ban chức năng của huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai và các quy định của tỉnh đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

d) Xây dựng kế hoạch quản lý chặt chẽ đối với diện tích đất ven các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ. Đặc biệt đối với Quốc lộ 2, Quốc lộ 37, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 2 tránh, đường dẫn cầu Tân Hà, Quốc lộ 279; những khu đất có vị trí thuận lợi để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Sử dụng quỹ đất tại các vị trí nêu trên với nguyên tắc ưu tiên bố trí để xây dựng các công trình có quy mô, kiến trúc hiện đại; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến 2020.

đ) Thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

e) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường và Uỷ ban nhân dân cấp xã theo dõi, quản lý chặt chẽ việc sử dụng và nguồn thu từ quỹ đất công ích xã.

g) Thực hiện chế độ báo cáo chuyên đề, báo cáo định kỳ kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn về Uỷ ban nhân dân tỉnh vào ngày 25 hàng tháng, đồng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.

2. Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện

a) Chịu trách nhiệm tổ chức giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai theo thẩm quyền. Trường hợp đúng thẩm quyền mà không giải quyết hoặc đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, thời hạn giải quyết kéo dài, giải quyết không đúng quy định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Uỷ ban nhân dân tỉnh.

b) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, các phòng ban chức năng và Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện tốt việc ngăn chặn và xử lý các vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai đúng quy định của pháp luật.

c) Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, cán bộ địa chính xã do thiếu trách nhiệm, để xảy ra các vi phạm: lấn, chiếm đất đai; sử dụng đất không đúng mục đích; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; huỷ hoại đất mà không phát hiện, báo cáo để ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc có hành vi vi phạm trong quản lý đất đai.

d) Chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về toàn bộ công tác quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc để xảy ra điểm nóng về vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 8. Trách nhiệm của Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn về công tác quản lý đất đai trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin về lĩnh vực đất đai theo quy định của pháp luật.

3. Tăng cường kiểm tra công tác quản lý nhà nước về đất đai và việc sử dụng đất (đối với diện tích được Nhà nước giao sử dụng) của Uỷ ban nhân dân cấp xã; việc chấp hành pháp luật về đất đai của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, dự án đầu tư trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, tham mưu trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện thu hồi theo thẩm quyền đối với diện tích giao hoặc cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, đất đã được Nhà nước giao, cho thuê nhưng không sử dựng hoặc chậm sử dụng so với tiến độ của dự án; sử dụng không hiệu quả, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật; báo cáo, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

4. Thực hiện đầy đủ và đúng quy định về thủ tục hành chính, không được gây phiền hà, sách nhiễu đối với người sử dụng đất trong quá trình người sử dụng đất thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật.

5. Thụ lý giải quyết hoặc đề xuất giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

6. Thực hiện báo cáo chuyên đề theo định kỳ hoặc báo cáo đột xuất tình hình quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn theo yêu cầu của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Điều 9. Trách nhiệm của Uỷ han nhân dân và của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã

1. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã

a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn theo thẩm quyền quy định tại Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b) Thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các quy định về đất đai của Uỷ ban nhân dân tỉnh đến người sử dụng đất trên địa bàn xã.

c) Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo chuyên đề, định kỳ; nội dung báo cáo phải đảm bảo chất lượng phản ánh trung thực kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn; báo cáo gửi Uỷ ban nhân dân cấp huyện vào ngày 20 hàng tháng, đồng thời gửi phòng Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.

d) Quản lý chặt chẽ và tổ chức sử dụng có hiệu quả quỹ đất công ích xã đảm bảo đúng đối tượng theo quy định của pháp luật.

đ) Chỉ đạo cán bộ địa chính, các trưởng, thôn, xóm, bản, tổ nhân dân (gọi tắt là trưởng thôn) thường xuyên kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Trong thời hạn không quá 01 (một) ngày kể từ khi phát hiện vi phạm hoặc được báo cáo có vi phạm thì phải tổ chức việc kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm, xử phạt hành chính theo thẩm quyền và yêu cầu tự khôi phục lại tình trạng sử dụng đất ban đầu. Trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết phải kịp thời báo cáo bằng văn bản về Uỷ ban nhân dân cấp huyện để xử theo quy định của pháp luật.

e) Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ địa chính xã, trưởng thôn thiếu trách nhiệm không phát hiện và báo cáo kịp thời những hành vi vi phạm của người sử dụng đất gồm: lấn, chiếm đất đai, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sử dụng không đúng mục đích, huỷ hoại đất và những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khác trên địa bàn quản lý.

g) Tổ chức hoà giải tranh chấp đất đai trên địa bàn theo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn quy định của pháp luật. Thụ lý giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai theo thẩm quyền. Trường hợp đúng thẩm quyền mà không giải quyết hoặc đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, thời hạn giải quyết kéo dài, giải quyết không đúng quy định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phải chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

2. Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã

a) Chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cấp huyện về việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn; nếu vi phạm về quản lý, sử dựng đất đai trên địa bàn xã không được phát hiện và xử lý kịp thời thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

b) Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo chuyên đề, báo cáo định kỳ kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn về Uỷ ban nhân dân cấp huyện vào ngày 20 hàng tháng, đồng gửi phòng Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.

Điều 10. Trách nhiệm của cán bộ địa chính (Địa chính-xây dựng) cấp xã

1. Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn về công tác quản lý đất đai trên địa bàn xã, phường, thị trấn theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.

2. Tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân dân cấp huyện kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất và công tác thống kê đất đai hàng năm của địa phương trước ngày 15 tháng 01 năm sau.

3. Thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng đất tại địa phương để phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm như: lấn, chiếm đất đai; không sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng mục đích; chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật; không lập thủ tục theo quy định của pháp luật trong việc chuyển quyền sử dụng đất và các trường hợp vi phạm khác theo quy định của pháp luật về đất đai. Trong thời hạn không quá 01 (một) ngày kể từ khi phát hiện sai phạm phải lập văn bản báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã để xử lý đồng gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường.

4. Trường hợp cán bộ địa chính xã cố tình bao che hoặc cố tình không thực hiện việc báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp xã các trường hợp lấn, chiếm đất đai, không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật; chậm thực hiện hoặc cố tình kéo dài thời gian gây phiền hà người sử dụng đất trong việc thực thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp bảo lãnh, góp vốn bằng tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất thì tùy theo mức độ vị phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Điều 11. Trách nhiệm của Tổ trưởng tổ nhân dân, trưởng thôn (xóm, bản)

1. Hướng dẫn các bên tranh chấp thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai thông qua Tổ hòa giải tại cơ sở (Hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư; phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; tôn trọng sự tự nguyện của các bên; hoà giải công minh, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên tranh chấp; tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; kịp thời, chủ động, kiên trì hạn chế những hậu quả xấu khác có thể xảy ra và đạt được kết quả hoà giải). Kết quả hoà giải phải được lập thành biên bản, báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp xã.

2. Giám sát tình hình sử dụng đất của người sử dụng đất trong tổ nhân dân, thôn, bản. Khi phát hiện người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật đất đai trong thời hạn không quá 01 (một) ngày kể từ ngày phát hiện Tổ trưởng tổ nhân dân, Trưởng thôn (xóm, bản) phải báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp xã để lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp Tổ trưởng tổ nhân dân, Trưởng thôn (xóm, bản) có hành vi bao che hoặc không thực hiện việc báo cáo với Uỷ ban nhân dân cấp xã về những hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều này thì tùy theo mức độ sẽ bị xem xét kỷ luật hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Trách nhiệm của người sử dụng đất

1. Người sử dụng đất có trách. nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về đất đai; thực hiện kê khai đầy đủ diện tích, loại đất, chính xác thời điểm sử dụng đất, tờ khai nộp nghĩa vụ tài chính (nếu có) đối với thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cung cấp giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, phối hợp với cơ quan nhà nước thực hiện việc xác định, kiểm tra ranh giới, diện tích của thửa đất do mình đang quan lý sử dụng.

2. Người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi gây lãng phí, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và những người sử dụng đất xung quanh thì phải bồi thường thiệt hại, bị thu hồi đất và tùy theo mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương III

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 13. Khen thưởng

Tổ chức,cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai; phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất được biểu dương, khen thưởng kịp thời theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 14. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân làm trái các quy định của Nhà nước và các nội dung trong Quy định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các nội dung tại Quy định này.

Điều 16. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy định này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã phải kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 01/2010/QĐ-UBND ngày 06/01/2010 ban hành Quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, cán bộ địa chính cấp xã và người sử dụng đất trong công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.126

DMCA.com Protection Status
IP: 3.140.186.189
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!